Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tay Không Gây Dựng Cơ Đồ

Chương 29: Amata được tự do

Tác giả: Vikrom Kromadit

Ngày 21 tháng 3 năm 1975 là ngày thành lập Công ty V&K, tiền thân của Tập đoàn Amata ngày nay, cũng là ngày tôi chập chững bước đi trên con đường kinh doanh với số vốn ban đầu 20.000 bạt có được từ công việc làm thêm ngoài giờ tại Đại học Đài Loan. Số tiền này chỉ đủ để tôi chi tiêu vài hôm.

Cũng may là khi đó nhờ bác Hiêng cho ở nhờ nên tôi không phải tốn tiền thuê nhà, tiền ăn uống sinh hoạt, nếu không, có lẽ tôi đã cuốn gói về quê Kanchanaburi từ sớm. Hầu như toàn bộ số vốn ban đầu để công ty hoạt động, tôi đều đi vay của người khác, trước tiên là mẹ tôi, chị Tu và các anh em họ khác.

Số còn lại tôi vay ngân hàng, riêng khoản vay 500.000 bạt của bố, tôi dành đặt cọc mua bột sắn xuất khẩu và đã trả lại ông ngay sau đó 3-4 tuần, cộng thêm lãi suất. Tóm lại, cuộc đời hoạt động kinh doanh của tôi bắt đầu từ đồng vốn đi vay của những người xung quanh, và đó cũng là toàn bộ số vốn mà tôi dùng để gây dựng công ty trở thành như Amata ngày nay.

Sau khi Ngân hàng Bangkok bắt đầu cho tôi vay, khởi đầu là 1,5 triệu bạt, thì tôi không còn vay tiền cá nhân của ai nữa. Ngoài ngân hàng Bangkok, công ty còn dựa vào Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan để vay vốn, từ đó nhờ tích lũy từ nguồn thu xuất khẩu nên vốn liếng của công ty không ngừng tăng lên. Đến khi thành lập Khu Công nghiệp Amata thì nhu cầu về vốn rất lớn nên công ty phải vay nhiều, từ khoản nợ không đến 10 triệu bạt sau đó tăng lên trên 100 triệu bạt chỉ sau một năm thành lập, và hàng trăm triệu bạt sau hai năm thành lập.

Đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế 1997, Amata nợ gần 4 tỷ bạt và nợ ngoại tệ 20 triệu USD, nhà máy điện Amata Power nợ 2 tỷ bạt và 150 triệu USD, không kể nợ cá nhân của tôi là 500 triệu bạt nữa. Nguyên nhân của tất cả những chuyện này, một phần là do tôi nghe theo lời bà Nongluk Patprasert nói rằng, phàm là doanh nhân thì phải nợ, doanh nhân mà không nợ tức là không có sự tín nhiệm.

Thời kỳ đó vay tiền ngân hàng rất dễ, bất kể đó là ngân hàng Thái hay ngân hàng nước ngoài. Tôi muốn vay đâu cũng được, cuối cùng tôi vay hơn 100 triệu bạt mà không cần thế chấp, lúc đó tôi có cảm giác mình là tỷ phú, việc kiếm tiền sao mà dễ dàng đến thế!

Nhưng thật ra khi kiểm lại trong túi đều là tiền đi vay của ngân hàng cả. Tôi thừa biết chúng tôi đang tiêu tiền của người khác, nhưng lại chưa nghĩ thấu đáo nếu công ty làm ăn thua lỗ hoặc phải đóng cửa thì phải làm thế nào. Khi đó chúng tôi chỉ nghĩ một chiều đến thuận lợi, đến sự thành công, không chuẩn bị tinh thần cho sự thất bại, đổ vỡ nào cả.

Cũng may tôi là người có tính kỷ luật không chi tiêu trái mục đích bao giờ, như đem tiền chi vào các khoản nằm ngoài thỏa thuận vay tiền, và điều quan trọng là tôi không tiêu pha phung phí mà vẫn giữ nếp sống tiết kiệm trong gia đình như trước đây.

Tôi có thói quen ăn cơm tại nhà, do một đầu bếp riêng nấu nướng, vừa hợp khẩu vị vừa có bầu không khí riêng tư. Ít khi tôi đi ăn cơm tiệm, trừ những khi tiếp đãi khách.

Tôi không bao giờ vay tiền riêng để mua đất đai nhằm đầu cơ kiếm lời, dù chỉ là một mảnh nhỏ. Nghe có vẻ mâu thuẫn với hình ảnh con người tôi là một nhà kinh doanh bất động sản công nghiệp. Ai cũng nghĩ tôi là nhà đầu cơ mua bán đất đai, có chứng nhận sở hữu đất đai ở khắp mọi nơi trong nước, nhưng thực ra tất cả số tiền tôi vay chỉ để đầu tư kinh doanh trong công ty. Mãi đến năm 2006, tôi mới bỏ tiền ra mua đất để trồng rừng và xây một ngôi nhà diện tích 99m2 trên núi Khao Yai.

Tôi luôn tự kiểm soát bản thân, giữ kỷ luật trong chi tiêu, coi đó là một tiêu chuẩn cơ bản đối với người đứng đầu các tổ chức, doanh nghiệp cũng như gia đình. Tôi nêu gương và dạy dỗ các em không được đua đòi, nhất là trong khi còn đi học. Ngay cả tiền học phí cho các em, tôi cũng áp dụng hệ thống tín dụng của ngân hàng, nghĩa là cho vay trước nhưng sau này khi có việc làm phải trả lại cho tôi cộng với lãi suất.

(Không biết như vậy có quá khắt khe không, nhưng tôi muốn các em cũng phải trải qua gian khổ giống tôi khi còn là học sinh, sinh viên).

Đến ngày 24 tháng 12 năm 2003, khoản nợ cuối cùng Amata vay của Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan đã được hoàn trả xong. Đây là ngày đầu tiên Amata được giải thoát khỏi tình cảnh làm con nợ từ bấy lâu nay. Tôi yêu cầu phòng kế toán thay đổi hệ thống quản lý việc vay tiền và thế chấp của Amata, bắt đầu từ ngày hôm đó, nếu công ty muốn vay tiền của bất cứ ngân hàng nào cũng phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:

Phải san sẻ khoản vay cho tất cả các ngân hàng có quan tâm làm ăn với Amata (hiện có trên 10 ngân hàng).

Bất cứ khoản vay nào cũng không được dùng chứng khoán để thế chấp hay cá nhân đứng tên bảo lãnh.

Tỷ lệ giữa số tiền vay và tài sản thế chấp là không quá 50%, và giữ ở mức 20% của vốn điều lệ công ty.

Nhưng tốt nhất là không phải nợ ngân hàng (trừ khoản vay để dự phòng) mà Amata vẫn tăng trưởng 20-30% năm, điều này tương đối vất vả trong giai đoạn 3-5 năm tới vì công ty phải mua nhiều đất để dự trữ, trong khi việc này không đơn giản như mua nguyên vật liệu để sản xuất, và phải dùng số tiền lớn.

Đây là công thức quản lý tài chính ngân hàng của Amata và cả gia đình Kromadit, lúc đầu có thể gặp chút ít khó khăn nhưng sẽ dễ dàng hơn trong tương lai, khi công ty hướng đến sự bền vững và ổn định trước những biến động của kinh tế thế giới.

Tôi không muốn thế hệ các nhà quản lý Amata sau tôi phải rơi vào tình cảnh ăn không ngon ngủ không yên như tôi đã trải qua trước đây. Tôi sẽ đem tất cả những kinh nghiệm mà tôi biết đúc kết lại thành “ngọn hải đăng”, làm vật chỉ đường để thế hệ sau tôi tránh những tai họa có thể lặp lại trong tương lai, để Amata tồn tại mãi mãi trên thế giới một cách tự do, không còn bị ràng buộc bởi gánh nặng nợ nần. Tôi coi đây là điều cốt lõi cần gìn giữ, nếu không Amata sẽ mất tự do, như nhiều công ty khác đã cho thấy, họ chỉ quan tâm đến mục tiêu duy nhất là tăng trưởng cho đến một ngày bị ngân hàng tịch thu hoặc đối thủ cạnh tranh thôn tính.

Một sự phụ thuộc nữa mà tôi muốn Amata được giải thoát, đó là sự ràng buộc vào một cá nhân, điều mà tôi đã thực hiện từ năm 2003. Bắt đầu là việc tôi rút lui dần khỏi vị trí quản lý theo mô hình kim tự tháp được áp dụng trong quá khứ mà ngay cả những chuyện nhỏ của công ty tôi cũng phải ký duyệt. Sau đó, tôi trao quyền cho các trưởng phòng hoặc các bộ phận làm thay. Tôi chỉ duyệt ngân sách chi tiêu hàng năm cho các bộ phận. Bằng cách này, từ lâu tôi không phải ngồi ký séc nữa vì công việc này đã giao cho trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm, chỉ khi nào họ cần hỗ trợ tôi mới tham gia giải quyết.

Tôi luôn cố gắng thực hiện viêc phân chia quyền hạn cho các trưởng bộ phận tự quyết định và chịu trách nhiệm. Tôi chỉ quản lý tổng thể, chẳng hạn như tổng số nợ trong một quý là bao nhiêu, có thu được lợi nhuận theo mục tiêu đặt ra không, và giữ vị trí xác lập đường lối chung cùng biện pháp thực hiện cho Amata về lâu dài cũng như từng giai đoạn 5 năm.

Có thể nói, đến hôm nay Amata đã được tự do, về cơ bản mọi vấn đề công ty đều tự xử lý được, chỉ còn vấn đề đất đai là tôi phải chuẩn bị trước để có dư đất đai sử dụng trong 10 năm tới, và vấn đề quy hoạch phát triển Amata.

Tôi tin rằng qua thời gian dài được rèn luyện, mọi người trong công ty đã trưởng thành cả về tư duy lẫn năng lực để tự đảm đương công việc được phân công, cùng nhau đưa Amata đến thắng lợi cuối cùng mà không phải phụ thuộc vào một cá nhân nào. Do đó, nếu cơ cấu và hệ thống quản lý mà tôi xác lập giúp cho Amata tự đứng vững và phát triển, thì mục tiêu về một Amata trường tồn xem như đã hoàn thành. Lúc đó, mọi người có thể ăn ngon ngủ yên, vì đã làm cho công ty của mình trở thành một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp đích thực và thực sự tự do.

 

Bình luận