Hầu hết những cuốn sách hướng dẫn khởi nghiệp đều có hàng tá thông tin về các vấn đề luật pháp. Việc trở thành người sành sỏi về luật không có nghĩa bạn sẽ thành công. Nhưng nếu phớt lờ những vấn đề luật pháp cơ bản thì bạn sẽ nhanh chóng gặp rắc rối.
Sự biến mất của tệ quan liêu
Đáng buồn là hiện nay các doanh nghiệp nhỏ lại đang phải đối mặt với một loạt các quy định đáng sợ. Điều này dường như phù hợp với việc chúng ta chấp nhận văn hóa “buộc tội, đòi bồi thường và kiếm tiền” của người Mỹ. Có một cảnh phim ở Oklahoma nói về một người khách đi ngang qua đường, thấy một chiếc xe buýt vừa gặp tai nạn, liền leo lên chiếc xe và một lúc sau bắt đầu xoa xoa cổ rồi nói mình đã bị tổn thương dây roi ở cổ do vụ tai nạn.
Dường như chúng ta cũng đã dành quá nhiều thời gian lo lắng về luật pháp.
Hãy mặc kệ nó. Bạn không đáng phải lo lắng về những rủi ro đó. Bạn chẳng thể làm được gì nhiều với chúng và các doanh nghiệp nhỏ thì có xu hướng được miễn giảm. Rủi ro lớn nhất mà bạn có thể gặp là không làm gì cả.
Đến tòa án lao động – nỗi ám ảnh lớn nhất của bất kỳ chủ doanh nghiệp nhỏ nào nếu đã từng xem bộ phim “Crown Court”1 khi còn nhỏ. Những thống kê từ Tòa án Lao động của Anh cho thấy trong số 115.042 vụ kiện nộp lên tòa năm 2005 thì chỉ có 14% vụ thành công. Tuy nhiên khoảng 44% doanh nghiệp nhỏ tự giải quyết vấn đề mà không cần đến tòa án, đó là còn chưa kể hàng nghìn doanh nghiệp đã tự xử lý vấn đề trước khi nhờ đến tòa án.
Tại Việt Nam, bạn có thể tham khảo các thông tin về thuế và luật pháp dành cho các doanh nghiệp tại website của Tổng Cục thuế: www.gdt.gov.vn.
Tìm một người tư vấn luật
Đôi khi bạn sẽ cần đến luật sư. Nguyên tắc là:
Sử dụng luật sư giống như phòng bệnh vậy.
Luật sư là những người giúp ngăn ngừa các vấn đề pháp luật xảy ra. Bạn nên tìm luật sư ngay bây giờ để tránh gặp rắc rối sau này. Dành thêm một chút thời gian khi mới bắt đầu có thể giúp bạn giảm thiểu rất nhiều tổn thất về sau. Cũng giống như phòng bệnh, đừng chỉ dùng thứ rẻ nhất – sẽ khó đòi bồi thường khi việc không hay xảy ra…
Để được bồi thường, vui lòng cho đứa trẻ vào. (Biển hiệu trên máy bán bao cao su tự động ở ga tàu điện ngầm London)
Hãy yêu cầu luật sư viết cho bạn một bản phân tích rủi ro hợp pháp. Tôi đã được các luật sư cung cấp cho một bản và nó thật sự có giá trị. Các luật sư chỉ cần tối đa hai giờ để xem xét mọi rủi ro và các vấn đề pháp lý mà bạn cần chú ý, từ hình thức kinh doanh nào cho doanh nghiệp của bạn cho đến hợp đồng, bảo hiểm, bản quyền, v.v… Và cuối cùng, bạn nên lập một bản liệt kê những mục cần kiểm tra.
Đừng hoảng sợ! Bạn không phải giải quyết vấn đề này ngay lập tức. Kinh doanh là phải tính toán đến tất cả các rủi ro, bạn cần phải biết ưu tiên giải quyết rủi ro nào trước và bạn có đủ sức làm không.
Nếu một luật sư không sẵn sàng làm công việc này cho bạn, có thể bạn đã trả phí cho họ hơi thấp.
Tránh tranh chấp
Hầu hết các vụ tranh chấp pháp lý đều xuất phát từ hai nguyên nhân chính mà bạn cần tránh:
-
Giao tiếp kém: Ví dụ, việc thông qua một hợp đồng với khách hàng chỉ là quá trình thương thảo xem xét tất cả những tình huống có thể xảy ra nhằm tránh những hiểu nhầm trong tương lai.
-
Cái tôi quá lớn: Rất nhiều người khởi kiện ra tòa chỉ do cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương. Tất nhiên rồi, hẳn là bạn cảm thấy bị đối xử bất công và sự việc xảy ra như một cái tát vào mặt bạn. Nhưng thật sự có đáng để doanh nghiệp tiêu tốn hàng nghìn bảng và hàng tháng trời cho việc kiện tụng? Bạn thắng trong vụ kiện nhưng lại thất bại trong kinh doanh.
Một công ty nhỏ về phần mềm máy tính phát hiện thấy Microsoft đã vô tình sao chép một mẫu thiết kế của mình. Cảm thấy bị xúc phạm, họ kiện người khổng lồ Microsoft ra tòa và sau một thời gian dài tranh tụng, họ đã thắng kiện. Tuy nhiên, không lâu sau công ty phá sản vì vụ kiện đã lấy đi của họ quá nhiều thời gian và tiền bạc.
Khi muốn trả thù, hãy đào hai huyệt
Tôi có nên theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn?
Khi bắt đầu kinh doanh, bạn có thể lựa chọn hai hình thức hợp pháp:
Công ty tư nhân (hoặc công ty hợp danh): Đây là loại hình doanh nghiệp đơn giản nhất. Nó yêu cầu ít giấy tờ và từ quan điểm nộp thuế thì đây là hình thức đơn giản nhất. Tuy nhiên, bất lợi của hình thức kinh doanh này là chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp phá sản thì bạn sẽ là người trực tiếp đứng ra trả mọi khoản nợ.
Nghe có vẻ hợp lý khi mới đầu chỉ nên là doanh nghiệp tư nhân hoặc hợp danh (với hai người hoặc hơn), nhưng cũng chẳng có lý do gì khiến bạn không thể tự đứng ra kinh doanh một mình nếu bạn muốn. Nhãn hiệu John Lewis, tên của một chuỗi các cửa hàng bán lẻ hiện nay vẫn theo hình thức công ty hợp danh.
Công ty trách nhiệm hữu hạn: Công ty trách nhiệm hữu hạn là một hình thức hợp pháp có sự tách biệt khỏi bạn, một cá nhân (cho dù bạn có sở hữu toàn bộ cổ phần). Bạn trở thành người làm thuê cho doanh nghiệp; bạn chỉ phải chịu trách nhiệm giới hạn trong số vốn bạn đầu tư nếu rắc rối xảy ra và hãy ghi nhớ những điều sau:
-
Khi bạn đã có một mức độ bảo vệ nào đó thì mức trách nhiệm cũng tương tự. Bạn đã nộp bản báo cáo tài chính cho Phòng đăng ký và quản lý kinh doanh (điều đó có nghĩa là các đối thủ của bạn có thể xem chúng); ngoài mức doanh thu cụ thể thì những bản báo cáo này cũng đã được kiểm toán. Và là giám đốc, bạn phải tuân theo một số quy định như không được tiếp tục kinh doanh khi bị phá sản nếu không muốn vi phạm pháp luật.
-
Có các loại thuế khác nhau như: thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp.
-
Công ty trách nhiệm hữu hạn có thể phát hành cổ phiếu cho nhân viên trong công ty.
-
Cuối cùng, người cấp vốn hiển nhiên đủ khôn ngoan để thấy được lợi ích của việc hợp tác. Do đó, họ thường hy vọng bạn sẽ có những đảm bảo cá nhân trong bất kỳ khoản vay nào. Nếu khoản vay của công ty bạn được thế chấp bằng ngôi nhà của bạn – thì giới hạn trách nhiệm nào mà bạn thật sự có?
Câu trả lời không đơn giản. Bạn cần một kế toán hướng dẫn cụ thể về những gì tốt cho mình và công ty.