Một ma phương. Katherine gật đầu nhìn ô vuông toàn con số trong tác phẩm của Dürer. Chắc người khác phải nghĩ Langdon mất trí, nhưng Katherine nhanh chóng nhận ra rằng anh có lý.
Thuật ngữ ma phương dùng để chỉ một thứ đầy chất toán học chứ không phải ma mị gì. Nó là tên gọi của một ma trận gồm các con số sắp xếp liên tiếp sao cho tổng các hàng, cột và đường chéo là như nhau. Ma phương do các nhà toán học Ai Cập và Ấn Độ phát minh ra từ khoảng bốn nghìn năm về trước, nhiều người tin rằng nó chứa đựng trong mình những sức mạnh diệu huyền. Katherine đọc sách và được biết thậm chí hiện nay, dân mộ đạo ở Ấn Độ vẫn vẽ các ma phương 9 ô Kubera Kolam lên bàn thờ pooia[1], về cơ bản, người hiện đại xếp ma phương vào loại “toán học giải trí”, nhưng có một số người vẫn tìm thấy niềm vui từ ô số này qua việc phát hiện ra các hình thể “kỳ bí”. Chẳng khác nào trò chơi sudo[2] dành cho những thiên tài.
Katherine phân tích nhanh ô vuông của Dürer, cộng các con số theo hàng và cột.
– Bốn mươi tư, – cô nói – Mọi hướng cộng lại đều thành 44.
– Chính xác, – Langdon đáp – Nhưng chị có nhận ra rằng ma phương này nổi tiếng là vì Dürer gắn kèm theo nó những chi tiết dường như vô lý không? – Anh nhanh nhẹn chỉ cho Katherine thấy, ngoài việc sắp xếp cho các hàng, cột và đường chéo cộng lại thành 44. Dürer còn tìm cách khiến bốn ô vuông góc một phần tư, bốn ô vuông chính giữa, và thậm chí bốn ô vuông ở bốn góc cộng lại cũng ra tổng đó – Nhưng điều kỳ lạ nhất là Dürer đã bố trí được con số 15 và 14 sát nhau ở hàng dưới cùng như một cách chỉ thời điểm ông hoàn thành kiệt tác?
Katherine nhìn lướt các con số, vô cùng kinh ngạc trước các kiểu kết hợp.
Giọng Langdon càng thêm sôi nổi.
– Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, nhờ bức Melencolia I mà một ma phương xuất hiện trong nghệ thuật Âu châu. Nhiều nhà sử học tin rằng đây là cách mã hoá của Dürer, suy ra Bí mật cổ xưa đã vượt khỏi phạm vi các trường Nghệ thuật Thần bí Ai Cập và rơi vào tay các hội kín châu Âu – Langdon ngập ngừng – Điều đó đưa chúng ta trở lại với… thứ này.
Anh trỏ mảnh giấy chép hình ma trận chữ cái trên kim tự tháp đá.
– Bố cục rất giống nhau, phải không? – Langdon hỏi.
– Một hình vuông mỗi chiều bốn ô.
Langdon cầm bút chì và cẩn thận ghi lại ma phương số của Dürer lên mảnh giấy, cạnh ô vuông chữ cái. Katherine cảm thấy mọi việc dễ dàng đi nhiều. Langdon vẫn đứng lom khom, bút chì trong tay, nhưng lạ thay, sau khi vô cùng hào hứng, anh lại tỏ ra đắn đo.
– Robert?
Langdon ngoảnh nhìn Katherine, vẻ mặt rõ ràng là bối rối.
– Chị có chắc chúng ta phải làm việc này không? Anh Peter…
– Robert, nếu anh không muốn giải mã những chữ này thì để tôi – Cô giơ tay định giằng lấy chiếc bút chì.
Nhận thấy không thể ngăn cản được Katherine, Langdon đành thuận theo và lại tập trung chú ý vào kim tự tháp. Anh thận trọng áp chồng ma phương lên ma trận chữ của kim tự tháp và gán từng chữ cái với từng con số. Sau đó, anh tạo ra một ma trận khác, sắp xếp các chữ cái trong bức mật mã Tam điểm theo một trật tự mới trên cơ sở bố cục ma phương của Dürer.
Khi Langdon làm xong, cả hai người cùng kiểm tra kết quả.
Katherine nghi hoặc.
– Vẫn chưa rõ.
Langdon im lặng một lúc lâu.
– Thực ra, không phải là chưa rõ đâu – Mắt anh lại sáng lên vì phát hiện mới – Nó là… chữ Latinh.
Trong hành lang dài, tối om, ông già mù gắng sức dò dẫm để về văn phòng của mình càng nhanh càng tốt. Đến nơi. Ông gần như đổ sụp xuống ghế, xương cốt già nua thư thái vì được nghỉ. Máy trả lời đang phát tín hiệu. Ông nhấn nút và lắng nghe.
– Warren Bellamy đây, – giọng thì thào gấp gáp của người bạn đồng thời là một huynh đệ Tam điểm vang lên – Tôi e rằng có tin khẩn…
Katherine Solomon đưa mắt nhìn ma trận chữ cái, xem xét lại nội dung. Hoàn toàn đúng, giờ đây một từ Latinh hiện rõ trước mắt cô. Jeova.
Katherine không học chữ Latinh, nhưng từ này rất quen thuộc vì cô đã đọc nhiều tài liệu tiếng Do Thái cổ. Jeova. Jehovah. Cô tiếp tục lướt xuống dưới, đọc ma trận như đọc một cuốn sách, kinh ngạc nhận ra mình có thể nắm bắt được bộ văn bản của kim tự tháp.
Jeova Sanctus Unus.
Katherine hiểu ngay ý nghĩa. Cụm từ này xuất hiện rất nhiều trong các bản dịch hiện đại của kinh văn Do Thái. Trong Torah[3] chúa của người Do Thái được biết đến với nhiều tên gọi – Jeova, Jehovah, Jeshua, Yahweh. Nguồn cội, Elohim – nhưng nhiều bản dịch tiếng La Mã đã biến danh pháp này thành một cụm từ Latinh duy nhất: Jeova Sanctus Unus.
– Đức Chúa đích thực ư? – cô thì thào tự nhủ. Chắc chắn cụm từ này không thể giúp họ tìm được Peter – Đó là thông điệp bí mật của kim tự tháp ư? Một Đức Chúa đích thực? Tôi cứ nghĩ đây là một tấm bản đồ cơ đấy.
Langdon cũng lúng túng không kém, vẻ hào hứng trong mắt anh đã tan biến.
– Cách giải mã này rõ ràng là đúng, nhưng…
– Kẻ giam giữ anh trai tôi muốn biết vị tr í- Katherine vén tóc ra sau tai – Kết quả này sẽ không làm hắn hài lòng đâu.
– Katherine, – Langdon thở dài – Tôi cũng sợ như vậy. Suốt đêm, tôi có cảm giác chúng ta đang phải xử lý cả một mớ huyền tích. Có lẽ dòng chữ khắc này trỏ tới một địa điểm ẩn dụ, cho chúng ta biết rằng chỉ có thể tiếp cận tiềm năng thật sự của con người thông qua một Đức Chúa đích thực.
– Chẳng có nghĩa gì! – Katherine đáp, hàm bạnh ra vì thất vọng – Gia đình tôi đã bảo vệ cái kim tự tháp này hàng bao thế hệ. Một Đức Chúa đích thực? Đó là bí mật ư? Và CIA coi đây là vấn đề an ninh quốc gia ư? Hoặc là họ đang nói dối hoặc là chúng ta còn bỏ sót điều gì!
Langdon nhún vai.
Bỗng nhiên, điện thoại của anh đổ chuông.
Trong văn phòng xếp đầy những cuốn sách cũ. Ông già còng người trên bàn, cầm chặt ống nghe trong bài tay viêm khớp.
Chuông đổ liên tục.
Cuối cùng, một giọng nói ngập ngừng vang lên.
– A lô? – Giọng trầm tĩnh nhưng không chắc chắn lắm.
Ông già thì thào.
– Tôi nghe đồn anh cần một chỗ kín đáo.
Người ở đầu dây bên kia giật mình.
– Ai đấy? Có phải Warren Bell…
– Xin đừng nói tên, – ông già ngắt lời – Cho tôi biết có phải anh đã bảo vệ được tấm bản đồ người ta uỷ thác cho anh không?
Lại giật mình im lặng.
– Vâng… nhưng tôi không nghĩ điều này quan trọng. Nó chẳng thể hiện gì nhiều. Nếu đó là một bản đồ thì dường như nó mang tính ẩn dụ hơn là…
– Không, bản đồ rất thật, tôi dám cam đoan với anh, và nó chỉ tới một địa điểm hữu hình. Anh phải giữ nó an toàn. Tôi khó lòng giải thích cho anh hiểu nó quan trọng đến thế nào. Anh đang bị truy đuổi, nhưng nếu anh có thể kín đáo tới chỗ tôi, tôi sẽ cho anh một chỗ ẩn náu… và câu trả lời.
Người kia ngập ngừng, rõ ràng là không chắc chắn lắm.
– Anh bạn, – ông già lại nói, thận trọng cân nhắc từ ngữ – ở một chỗ trú trong thành Rome, phía bắc sông Tiber, có mười tảng đá lấy từ núi Sinai, một hòn từ thiên đường, và một hòn khác mang nét mặt người cha bí ẩn của Luke. Anh biết chỗ tôi rồi chứ?
Đầu dây bên kia im lặng hồi lâu, sau cùng trả lời.
– Vâng, tôi biết.
Ông già mỉm cười. Tôi chắc thể nào anh cũng đoán ra, Giáo sư ạ.
– Đến ngay đi. Nhất định đừng để bị bám đuôi.