Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ! Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Biểu tượng thất truyền

Chương 111

Tác giả: Dan Brown
Chọn tập

Chuông tháp đồng hô ngân nga đúng ba phút, làm rung cả ngọn chúc đài pha lê treo trên đầu Langdon. Vài chục năm trước, anh đã từng tham dự các bài giảng trong chính thính phòng mến yêu này, thính phòng tại Học viện Phillips Exeter. Hôm nay, anh đến đây để nghe một người bạn thân diễn thuyết trước đông đảo sinh viên.
Khi ánh đèn dịu xuống, Langdon kiếm một chỗ ngồi dựa vào bức tường hậu, ngay bên dưới dãy chân dung các vị hiệu trưởng.
Tiếng suỵt ra hiệu im lặng lan khắp khu vực cử toạ.
Trong bóng tối đặc quánh, một bóng người cao lớn băng ngang sân khấu và tiến đến bục diễn thuyết.
– Chào quý vị, – giọng nói không nhìn rõ mặt nhỏ nhẹ vang qua micro.
Tất cả mọi người ngồi thẳng dậy, cố căng mắt nhìn xem ai đến giảng bài cho họ.
Máy chiếu bật sáng, trưng ra một bức ảnh ngả vàng đã mờ, chụp một toà lâu đài rất ấn tượng với mặt tiền bằng sa thạch đỏ, các tháp vuông cao vút và nhiều chi tiết trang trí theo phong cách Gothic.
Bóng người kia lên tiếng.
– Ai đó cho tôi biết đây là đâu được không?
– Xứ Anh! – một giọng nữ vang lên trong bóng tối – Mặt tiền của công trình này là sự pha trộn giữa trường phái Gothic sơ khai và Roman hậu kỳ, suy ra đây là một toà lâu đài Norman đặc trưng và nó thuộc xứ Anh vào khoảng thế kỷ XII.
– Ái chà, – giọng nói không nhìn rõ mặt đáp lại – Có người biết kiến trúc của nó cơ đấy.
Những tiếng xì xầm nổi lên.
– Tiếc thay, – bóng người nói thêm – bạn chệch ba nghìn dặm và nửa thiên niên kỷ.
Cả thính phòng ồn ào.
Lúc này, máy chiếu hiển thị một bức ảnh màu hiện đại của chính toà lâu đài nọ nhưng từ góc độ khác. Các toà tháp bằng sa thạch Seneca Creek choán hết phần tiền cảnh, nhưng ở hậu cảnh, gần đến giật mình, lại sừng sững mái vòm màu trắng với những hàng cột uy nghi của Điện Capitol.
– Khoan đã! – cô gái la lên – Có một toà lâu đài Norman ở Thủ đô ư?
– Từ năm 1855. – giọng nói đáp – Là thời điểm chụp bức ảnh tiếp theo đây.
Tấm ảnh thứ ba xuất hiện: một tấm ảnh đen trắng chụp nội thất, mô tả một phòng khiêu vũ rất rộng, có mái vòm, bài trí những bộ xương động vật, các hộp trưng bày, các lọ thuỷ tinh chứa tiêu bản sinh học, các hiện vật khảo cổ, và mô hình thạch cao những loài bò sát thời tiền sử.
– Lâu đài tuyệt vời này, – giọng nói vang lên – là bảo tàng khoa học đầu tiên của nước Mỹ, là món quà của một nhà khoa học giàu có người Anh. Cũng giống các bậc tiền bối của chúng ta, ông tin rằng lãnh thổ non trẻ này sẽ trở thành mảnh đất của sự khai sáng. Ông chuyển giao một gia tài đồ sộ cho tổ tiên chúng ta và đề nghị họ dùng nó để xây dựng “một cơ sở dành cho sự phát triển và phổ biến tri thức, ngay tại trái tim tổ quốc” – Diễn giả ngừng lại một lúc lâu – Ai cho tôi biết tên của nhà khoa học hào hiệp này nào?
Từ mấy dãy ghế đầu, một giọng nói e dè cất lên:
– James Smithson phải không?
Tiếng rì rầm tán thưởng lan ra khắp đám đông.
– Đúng là Smithson, – người trên sân khấu trả lời, rồi bước hẳn ra ánh đèn, đôi mắt xám ánh lên vui vẻ – Chào tất cả. Tên tôi là Peter Solomon. Tổng thư ký Viện Smithsonian.
Sinh viên vỗ tay rào rào.
Trong bóng tối, Langdon quan sát với vẻ đầy thán phục trong khi Peter làm say lòng những tâm hồn trẻ trung kia bằng một chuyến du lịch qua ảnh để tìm hiểu về lịch sử sơ khai của Viện Smithsonian.
Chương trình bắt đầu với lâu đài Smithsonian, các phòng thí nghiệm khoa học dưới tầng hầm, các hành lang trưng bày tiêu bản, phòng triển lãm động vật nhuyễn thể, các nhà khoa học tự nhận là “những người trông nom loài giáp xác”, và thậm chí cả một bức ảnh cũ về hai cư dân quen thuộc nhất của toà lâu đài – một đôi chim cú, giờ đều đã chết, được đặt tên là Diffusion (Phổ biến) và Increase (Phát triển).
Buổi trình diễn kéo dài nửa giờ kết thúc bằng bức ảnh vệ tinh rất ấn tượng về khu vực Công viên Quốc gia, nằm kế bên dãy bảo tàng Smithsonian đồ sộ.
– Như tôi đã nói lúc mới bắt đầu – Solomon kết luận – James Smithson cùng các bậc tiền bối của nước Mỹ mong muốn tổ quốc vĩ đại này trở thành mảnh đất của sự khai sáng. Tôi tin rằng đến nay họ rất tự hào. Viện Smithsonian tuyệt vời của họ sừng sững như một biểu tượng của khoa học và tri thức ở ngay trái tim nước Mỹ. Nó là món quà sống động, đang tồn tại và đang làm việc để thực hiện giấc mơ của cha ông chúng ta, giấc mơ về một đất nước được thành lập trên nguyên tắc tri thức, trí tuệ và khoa học.
Solomon tắt máy chiếu trong tiếng vỗ tay hoan hô nồng nhiệt. Đèn bật sáng. Hàng chục bàn tay háo hức giơ cao xin đặt câu hỏi.
Solomon trỏ một chàng trai nhỏ bé tóc đỏ ở giữa phòng.
– Thưa thầy Solomon? – chàng trai lên tiếng, giọng bối rối – Thầy nói các bậc tiền bối của chúng ta lánh xa tình trạng đàn áp tôn giáo ở châu Âu để lập nên một đất nước trên nguyên tắc của tiến bộ khoa học phải không ạ?
Hoàn toàn đúng.
– Nhưng… em có cảm tưởng các bậc tiền bối của chúng ta là những tín đồ tôn giáo rất nhiệt thành, đã lập nên nước Mỹ với tư cách là một quốc gia Thiên Chúa giáo.
Solomon mỉm cười.
– Thưa các bạn, đừng hiểu lầm ý tôi nhé. Cha ông chúng ta rất quan tâm đến tôn giáo, nhưng họ còn là những nhà thần luận nữa. Họ tin vào Chúa, song tin theo một cách phổ quát và với tư duy mở. Ý tưởng tôn giáo duy nhất họ đề xướng là tư do tôn giáo – ông nhấc micro khỏi bục diễn giải và bước ra mép sân khấu – Những người xây dựng nước Mỹ luôn mơ ước về một xã hội không tưởng được khai sáng về mặt tinh thần, trong đó tự do tư tưởng, phổ cập giáo dục, và tiến bộ khoa học sẽ thay thế cho sự mê tín tôn giáo lạc hậu và tăm tối.
Một cô gái tóc vàng ở phía sau giơ tay lên.
– Mời bạn!
– Thưa thầy, – cô gái nói, giơ cao điện thoại di động – em đã tìm thông tin về thầy trên mạng, và Wikipedia cho biết thầy là một hội viên Tam điểm chủ chốt.
Solomon giơ chiếc nhẫn Tam điểm của mình lên.
– Tôi xin xác nhận với bạn rằng thông tin đó là chính xác.
Sinh viên cười rộ.
– Vâng, – cô gái nói tiếp, vẻ do dự – thầy vừa đề cập đến “sự mê tín tôn giáo lạc hậu”, em cho rằng nếu có ai phải chịu trách nhiệm về việc tuyên truyền những điều dị đoan lạc hậu… thì đó chính là Hội Tam điểm.
Solomon không hề lúng túng.
– Thế ư? Như thế nào nào?
– Dạ, em đã đọc rất nhiều về Hội Tam điểm, và em biết Hội có những nghi thức và tín điều lạ lùng. Bài viết trên mạng này thậm chí còn cho rằng Hội Tam điểm tin vào sức mạnh của một dạng tri thức kỳ bí cổ xưa có thể đưa con người đến với thế giới thần thánh.
Tất cả mọi người đều ngoảnh lại, chằm chằm nhìn cô gái như nhìn một kẻ tâm thần.
– Thực tế, cô ấy nói đúng, – Solomon can thiệp.
Đám sinh viên cùng quay lên, nhìn thẳng về phía trước, mắt mở to.
Solomon cố nén cười và hỏi cô gái:
– Trên Wiki còn thông tin nào về kho tri thức kỳ bí ấy nữa không?
Cô gái khá bối rối, nhưng vẫn đọc thành tiếng nội dung trên trang web:
– Để bảo đảm vốn tri thức hùng mạnh này không lọt vào tay những kẻ không xứng đáng, các trí giả xưa đã ghi chép kiến thức của mình dưới dạng mật mã… phủ kín chân lý đích thực của nó trong lớp vỏ ngôn ngữ ẩn dụ gồm các biểu tượng, truyền thuyết và ngụ ngôn. Ngày nay, vốn tri thức được mã hoá này vẫn ở quanh chúng ta… trá hình trong các truyền thuyết, nghệ thuật và văn bản huyền bí. Tiếc thay, con người hiện đại đã mất khả năng giải mã hệ thống biểu tượng phức tạp ấy… nên chân lý vĩ đại bị thất truyền.
Solomon vẫn chờ đợi.
– Chỉ có vậy thôi à?
Cô gái đứng lên khỏi ghế.
Thực tế còn có một đoạn nữa.
– Tôi cũng mong như vậy. Nào, hãy… nói cho chúng tôi nghe đi.
Cô gái tỏ ra do dự, nhưng cũng hắng giọng và tiếp tục.
Theo truyền thuyết, sau khi mã hoá những Bí mật cổ xưa, các hiền nhân đã để lại một chìa khoá… một khẩu lệnh để phá giải chúng. Khẩu lệnh bí ẩn này là verbum significatium, có thể vén bức màn tối tìm vào mọi Bí mật cổ xưa, đưa chúng ra với sự hiểu biết của toàn nhân loại.
Solomon mỉm cười bâng khuâng.
– A đúng rồi… verbum significatium – ông thần người nhìn mông lung một lúc, rồi lại hạ ánh mắt xuống cô gái tóc vàng – Thế giờ thì cái tuyệt vời ấy ở đâu rồi?
Cô gái lộ vẻ e ngại, rõ ràng là không muốn thách thức diễn giả khách mời. Cô đọc nốt.
– Theo truyền thuyết, verbum significatium được chôn sâu dưới lòng đất, và kiên trì chờ đợi khoảnh khắc then chốt trong lịch sử, khi nhân loại không thể tồn tại mà thiếu chân lý, kiến thức và tri thức của mọi thời đại. Rốt cuộc, đến khoảnh khắc giao thời giữa bóng tối và ánh sáng ấy, nhân loại sẽ phát hiện ra Từ khoá và tuyên bố một kỷ nguyên mới rạng ngời.
Cô gái tắt điện thoại và ngồi xuống ghế.
Im lặng kéo dài, roi một sinh viên khác giơ tay.
– Thưa thầy Solomon, thầy không tin điều đó, phải không?
Solomon mỉm cười.
– Sao lại không? Thần thoại có kể về những từ ngữ kỳ diệu lâu đời đem lại hiểu biết và sức mạnh thần thánh. Cho đến hôm nay, trẻ em vẫn hét vang “abracadabra” với hy vọng tạo ra một thứ gì đó từ hư không. Dĩ nhiên, mọi người đều quên rằng từ khoá này không phải là một món đồ chơi, nó có nguồn gốc từ A vrah Kadabra trong chủ nghĩa thần bí Aramaic cổ xưa, có nghĩ là “Ta tạo ra khi ta nói”.
Im lặng.
– Nhưng thưa thầy, – chàng sinh viên nhấn mạnh – chắc chắn thầy không tin rằng chỉ đơn thuần một từ khoá… cụm verbum significatium này… cho dù chứa đựng hàm nghĩa nào, lại đủ khả năng mở ra kho tri thức cổ xưa và mang lại sự khai sáng cho toàn thế giới chứ?
Gương mặt Peter Solomon không biểu lộ điều gì.
– Các bạn chẳng nên quan tâm tới tín điều của riêng tôi. Hãy quan tâm đến lời tiên tri về sự khai sáng sắp đến, nó được phản ánh trong tất cả mọi tín điều và truyền thống triết học trên trái đất. Người Hindu gọi nó là Kỷ nguyên Krita, giới chiêm tinh gọi nó là Kỷ nguyên Bảo bình, người Do Thái mô tả nó như sự xuất hiện của Đấng Cứu thế các nhà thần trí học gọi nó là Kỷ nguyên Mới, các nhà vũ trụ học gọi nó là Sự hội tụ Hài hoà và tiên đoán cả ngày tháng cụ thể.
– Ngày 21 tháng 12 năm 2012? – ai đó nói to.
– Phải, rất gần rồi đấy… nếu các bạn tin vào toán pháp của người Maya.
Langdon phì cười, nhớ lại cách đây mười năm, Solomon đã dự đoán chính xác sự xuất hiện dồn dập những chương trình truyền hình đặc biệt cho rằng năm 2012 là năm đánh dấu sự diệt vong của Trái đất.
– Gạt bỏ yếu tố thời gian, – Solomon nói – tôi thấy thật kỳ lạ phải lưu ý rằng trong suốt tiến trình lịch sử, tất cả những triết lý khác nhau của nhân loại đều đồng quy ở một điểm: đó là sự khai sáng vĩ đại của tương lai. Trong mọi nền văn hoá, ở mọi thời đại, tại mọi nơi trên thế giới, giấc mơ của con người đều tập trung vào cùng một quan niệm, cho rằng con người sắp được giải thoát khỏi thế giới trần tục… trí tuệ nhân loại sắp biến cải theo đúng tiềm năng đích thực của chúng – ông mỉm cười – Điều gì có thể giải thích cho một sự đồng bộ về niềm tin như thế chứ?
– Chân lý – một giọng nói vang lên trong đám đông.
Solomon xoay người.
– Ai nói thế nhỉ?
Một sinh viên châu Á giơ tay. Vóc người nhỏ bé với những đường nét mềm mại cho thấy cậu là người Nepal hoặc Tây Tạng.
– Có thể có một chân lý chung nằm sẵn trong tâm hồn mỗi người. Có thể tất cả chúng ta đều mang trong mình cùng một câu chuyện, như một hằng số chung trong DNA. Chân lý này chính là sự tương đồng trong tất cả các câu chuyện của chúng ta.
Solomon tươi cười chắp hai tay vào nhau và cung kính cúi đầu trước cậu sinh viên.
– Cảm ơn bạn.
Mọi người im bặt.
– Chân lý, – Solomon quay sang cử toạ – Chân lý có quyền năng. Chúng ta hướng về những ý tưởng giống nhau, là bởi những ý tưởng ấy là sự thật… được khắc sâu trong tâm khảm chúng ta. Có lúc nghe đến chân lý, thậm chí chưa hiểu ý nghĩa, chúng ta cũng thấy nó ngân lên trong lòng mình… rung động với tri thức vô thức của mình. Chân lý đến với chúng ta không qua con đường học hỏi, mà do khơi gợi… do hồi tưởng… do nhận biết… đúng như những gì vẫn tồn tại trong chúng ta.
Cả thính phòng im phăng phắc.
Solomon duy trì không khí ấy một lúc lâu, rồi nhẹ nhàng nói:
– Tóm lại, tôi muốn lưu ý với các bạn rằng việc khai mở chân lý không bao giờ dễ dàng. Trong suốt chiều dài lịch sử, mọi thời kỳ khai sáng luôn đi kèm với bóng tối, thúc đẩy và đối kháng lẫn nhau. Đó là quy luật của tự nhiên và cân bằng. Nếu hôm nay, chúng ta nhìn thấy bóng tối lan rộng trên thế giới thì cũng cần phải nhận ra rằng có ánh sáng ngang bằng đong thời lan toả. Chúng ta đang mấp mé một thời kỳ khai sáng vĩ đại thật sự, và tất cả chúng ta – tất cả các bạn – đều có diễm phúc được trải nghiệm thời khắc lịch sử quan trọng ấy. Sau bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu kỷ nguyên… đến khoảnh khắc ngắn ngủi này, chúng ta được chọn làm nhân chứng cho quá trình phục hưng cuối cùng. Hàng thiên niên kỷ bóng tối đang lùi xa, chúng ta sẽ thấy khoa học, trí tuệ và thậm chí tôn giáo… bắt đầu hé mở chân lý.
Một tràng pháo tay nhiệt thành sắp rộ lên thì Solomon bỗng ra dấu im lặng.
– Bạn ạ! – ông trỏ cô gái tóc vàng có chiếc điện thoại di động ở dãy ghế sau – Tôi biết chúng ta bất đồng ở nhiều điểm, nhưng tôi muốn cảm ơn bạn. Niềm đam mê của bạn là chất xúc tác quan trọng cho những thay đổi mai sau. Thái độ lãnh đạm là sào huyệt của bóng tối còn nhận thức lỗi lầm chính là thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất của chúng ta. Hãy tiếp tục nghiên cứu tín điều. Nghiên cứu Kinh thánh – ông mỉm cười – Đặc biệt là những trang cuối cùng.
– Sách Khải huyền? – cô gái hỏi.
– Chính xác. Sách Khải huyền là một ví dụ sâu sắc về chân lý chung của loài người. Cuốn sách cuối cùng trong Kinh thánh kể lại câu chuyện tương đồng giữa nhiều truyền thống khác nhau. Tất cả đều đề cập đến sự khai mở tri thức vĩ đại trong tương lai.
Ai đó lên tiếng:
– Nhưng sách Khải huyền không hề nhắc tới sự diệt vong của thế giới, cũng đâu có đả động gì đến kẻ thù của Chúa, Armageddon hay trận chiến cuối cùng giữa thiện và ác?
Solomon bật cười.
– Ai ở đây đã từng nghiên cứu Hy Lạp?
Vài cánh tay giơ lên.
– Nghĩa đen của từ apocalypse là gì?
– Nó có nghĩa là, – một sinh viên phát biểu, nhưng ngừng ngay lại vẻ ngạc nhiên – Apocalypse nghĩa là “khai mở”… hoặc “tiết lộ”.
Solomon gật đầu tán thành.
– Chính xác. Khải huyền theo nghĩa đen là một sự tiết lộ. Cuốn sách về sự tiết lộ trong Kinh thánh dự đoán quá trình khai mở chân lý vĩ đại và tri thức phi thường. Khải huyền không nói đến sự diệt vong của thế giới, mà là sự kết thúc của thế giới chúng ta đang biết. Lời tiên tri của Khải huyền là một trong những thông điệp tuyệt vời của Kinh thánh đã bị hiểu sai – Solomon bước ra phía trước sân khấu – Hãy tin tôi Khải huyền đang đến… và nó khác hẳn những điều người ta dạy cho các bạn bấy nay.
Trên cao, chuông bắt đầu ngân nga.
Tiếng vỗ tay dậy lên như sấm.

Chọn tập
Bình luận