Robert Langdon đứng trước khuôn cửa thuỷ tinh, ngây ngất chiêm ngưỡng mãnh lực của cảnh quan bên dưới. Được đưa lên cao hàng trăm thước mà không biết trước, giờ đây anh đang ngắm nhìn một trong những khung cảnh ấn tượng nhất từng thấy trong đời.
Mái vòm toả sáng của Điện Capitol nổi bật như một trái núi ở đầu phía đông Công viên Quốc gia. Hai bên toà nhà là hai hàng đèn song song chạy vươn dài về phía anh… Kế đó là phần mặt tiền được chiếu sáng của các bảo tàng Smithsonian – những dấu mốc nghệ thuật, lịch sử khoa học và văn hoá.
Tới giờ, Langdon ngạc nhiên nhận ra rằng rất nhiều điều Peter khẳng định có thật… thì trên thực tế quả là sự thật. Đúng là có một cầu thang xoáy dài hàng trăm thước nằm dưới một tảng đá lớn. Cái chóp khổng lồ của cột tháp đang ngự ngay phía trên đầu anh đây, Langdon sực nhớ ra rằng mình đã quên một chi tiết tầm phào xem chừng có ý nghĩa kỳ lạ trong trường hợp này, đó là: chóp Đài tưởng niệm Washington nặng đúng 3.300 pound[1].
Lại là con số 33.
Gây sửng sốt hơn nữa là chi tiết sau đây: đỉnh cao nhất của chóp, tức thiên đỉnh của cột tháp, có đội một đầu mút bằng nhôm, nhỏ xíu và sáng loáng, vào thời hoàng kim của nó, nhôm là thứ kim loại quý giá chẳng kém gì vàng. Đầu mút sáng chói ấy chỉ cao khoảng 0,3 mét, kích cỡ đúng bằng Kim tự tháp Tam điểm. Kỳ lạ thay, kim tự tháp nhôm này mang một dòng chữ khắc nổi tiếng: Laus Deo. Langdon đột nhiên hiểu ra. Đây chinh là bức thông điệp đích thực của phần đế kim tự tháp đá.
Bảy biểu tượng là một hình thức chuyển tựl
– Laus Deo, – Langdon thì thầm. Cụm từ tiếng Latin nổi tiếng này mang nghĩa “đội ơn Chúa”, được khắc trên đầu mút Đài tưởng niệm Washington bằng những chữ cái viết tay chỉ cao khoảng 2,5 centimet. Hiện ra trọn vẹn, nhưng chẳng ai nhìn thấy.
Laus Deo.
– Đội ơn Chúa. – Giọng Peter vang lên đằng sau Langdon. Ông bật đèn sáng trong buồng – Mật mã cuối cùng của Kim tự tháp Tam điểm.
Langdon quay lại, người bạn của anh đang cười rạng rỡ. Langdon chợt nhớ Peter đã nhắc đến cụm từ “đội ơn Chúa” từ trước, lúc còn ở trong thư viện Tam điểm. Mà mình vẫn không để ý.
Langdon phát ớn lạnh khi nhận ra Kim tự tháp Tam điểm huyền thoại đã khéo léo dẫn anh tới đây, tới cột tháp vĩ đại của nước Mỹ, biểu tượng của tri thức bí mật cổ xưa đang vươn lên trời cao ở ngay trái tim đất nước.
Với tâm trạng thảng thốt, Langdon bắt đầu di chuyển ngược chiều kim đồng hồ quanh gian phòng vuông nhỏ xíu để rời sang cửa sổ khác.
Phía bắc.
Qua ô cửa mở ra hướng bắc, Langdon chăm chú ngắm đường nét quen thuộc của toà Bạch Ốc. Anh đưa mắt về phía chân trời, phố 16 như một đường thẳng chạy lên chính bắc về phía Thánh điện Hội Tam điểm.
Mình ở chính nam của Heredom.
Anh tiếp tục đi quanh gian phòng tới cửa sổ tiếp theo. Nhìn sang hướng tây, mắt Langdon lướt theo chiều dài bể nước hình chữ nhật ở Đài tưởng niệm Lincoln, công trình này xây dựng theo phong cách kiến trúc Hy Lạp cổ điển, lấy cảm hứng từ đền Parthenon ở Athens. Parthenon là đền thờ Athena – nữ thần của những chiến công oai hùng.
Annuit Coeptis[2] Langdon nghĩ. Chúa ủng hộ chiến công của chúng ta.
Tiếp tục đi tới cửa sổ cuối cùng, Langdon phóng ánh mắt về phía nam, ngang qua vùng nước tối om của Tidal Basin sang Đài tưởng niệm Jefferson toả sáng rực rỡ trong đêm. Đỉnh vòm thoai thoải bên ấy lấy theo mẫu đền Pantheon, ngôi nhà nguyên thuỷ của các vị thần La Mã vĩ đại trong truyền thuyết.
Quan sát xong cả bốn mặt, Langdon nghĩ đến những bức không ảnh chụp Công viên Quốc gia mà anh từng xem, bốn “cánh tay” của nó toả ra từ Đài tưởng niệm Washington và chạy về bốn hướng.
Mình đang đứng ngay giao lộ của nước Mỹ.
Langdon vòng trở lại chỗ Peter. Người bạn vong niên của anh cười tươi.
– Chà, Robert, nó đây. Từ Còn Thiếu. Đây là nơi nó được chôn giấu. Kim tự tháp Tam điểm đã dẫn chúng ta tới đây.
Langdon sực tỉnh. Anh đã thấy tất cả nhưng lại quên mất Từ Còn Thiếu.
– Robert, tôi biết không còn ai đáng tin cậy hơn cậu. Sau một đêm như đêm nay, tôi tin rằng cậu xứng đáng được biết tất cả mọi chuyện. Đúng như lời hứa hẹn trong truyền thuyết, Từ Còn Thiếu quả thực được chôn dưới đáy một cầu thang xoáy – ông ra hiệu về phía cửa cầu thang của đài tưởng niệm.
Cuối cùng Langdon cũng trở về với thực tại, nhưng lòng anh ngập tràn băn khoăn.
Peter nhanh nhẹn thò tay vào túi và rút ra một món đồ nhỏ.
– Cậu còn nhớ thứ này không?
Langdon đón lấy cái hộp mà Peter gửi gắm cho anh nhiều năm về trước.
– Có nhưng em sợ rằng mình đã không hoàn thành trách nhiệm bảo vệ nó.
Solomon cười.
– Hẳn đã đến lúc cho nó nhìn thấy ánh sáng ban ngày rồi.
Langdon ngắm hộp đá, không hiểu tại sao Peter lại trao nó cho anh.
– Đối với cậu thứ này trông giống cái gì? – Peter hỏi.
Langdon nhìn ký hiệu 1514 và lục lại ấn tượng đầu tiên của mình khi Katherine mở gói bọc ra.
– Một viên đá đặt móng.
– Chính xác – Peter xác nhận – Về đá đặt móng, có vài điểm chắc cậu còn chưa rõ. Thứ nhất, khái niệm đặt đá móng bắt nguồn từ Kinh Cựu ước.
Langdon gật đầu.
– Thánh thi.
– Rất đúng. Một viên đá đặt móng đích thực luôn được chôn dưới nền, tượng trưng cho bước đầu tiên đưa toà nhà lên ánh sáng thiên đường.
Langdon liếc ra phía Điện Capitol, hòn đá đặt móng của toà nhà ấy được chôn sâu đến mức tới nay các cuộc khai quật cũng không sao tìm ra nó.
– Thứ hai – Solomon nói – cũng như cái hộp trên tay cậu, nhiều viên đá đặt móng là những gian hầm nho nhỏ, có khoang rỗng để cất giữ các vật báu bí mật. Nếu muốn, cậu có thể gọi chúng là những lá bùa. Chúng tượng trưng cho niềm hy vọng về tương lai của toà nhà sắp xây dựng.
Langdon biết rất rõ truyền thống này. Ngày nay. Hội Tam điểm vẫn đặt những viên đá móng rỗng ruột chứa các đồ vật có ý nghĩa như hộp thời gian, ảnh chụp, tuyên ngôn, thậm chí là tro xương của các yếu nhân.
– Tôi nói cho cậu biết điều này là có mục đích rất rõ ràng – Solomon vừa nói vừa đưa mắt về phía cầu thang.
– Anh nghĩ Từ Còn Thiếu được chôn trong viên đá móng của Đài tưởng niệm Washington à?
– Tôi không nghĩ, Robert ạ. Tôi biết rõ. Từ Còn Thiếu được chôn trong viên đá móng của đài tưởng niệm này vào ngày 4 tháng Bảy năm 1848, trong một nghi lễ Tam điểm hoàn chỉnh.
Langdon đăm đăm nhìn ông.
– Các bậc tiền bối Tam điểm đã chôn một từ à?
Peter gật đầu.
– Đúng vậy. Họ hiểu sức mạnh đích thực của thứ họ chôn giấu.
Suốt buổi tối, Langdon đã cố bắt tâm trí mình làm quen với nhiều khái niệm lộn xộn, cao siêu… Nào là Bí ẩn cổ xưa, Từ Còn Thiếu, các bí mật của thời đại. Song anh muốn một thứ chắc chắn hơn. Mặc dù Peter khẳng định chìa khoá của vấn đề cất trong một viên đá móng nằm sâu dưới đất, cách họ 166.5 mét. Langdon vẫn thấy khó lòng chấp nhận giả thuyết này. Con người dành cả đời nghiên cứu các bí mật, nhưng cuối cùng vẫn không tiếp cận được sức mạnh họ tưởng là cất giấu trong đó. Langdon vụt nhớ lại bức Melencolia I của Dürer, tác phẩm miêu tả một hiền nhân chán chường giữa ngổn ngang các công cụ của những nỗ lực bất thành nhằm khai mở bí mật về thuật giả kim. Chúng ta có thể khám phá nhiều bí mật, nhưng không bao giờ tìm được tất cả các bí mật ấy ở cùng một nguồn.
Langdon luôn tin rằng, câu trả lời, nằm rải rác khắp thế giới trong hàng nghìn cuốn sách, được mã hoá trong những trước tác của Pythagoras, Hermes, Heraclitus, Paracelsus và hàng trăm tác giả khác. Câu trả lời bị lãng quên dưới lớp bụi mờ trong những bộ sách về giả kim, thuyết thần bí, ma thuật và triết học. Câu trả lời ẩn náu trong thư viện cổ Alexandria, trên những thẻ đất sét của người Sumer và chữ tượng hình của người Ai Cập.
– Peter, xin lỗi anh – Langdon khẽ nói và lắc lắc đầu – Để hiểu được những Bí ẩn cổ xưa thì phải mất cả đời. Em không hình dung nổi một từ thì làm sao chứa được chiếc chìa khoá giải đáp mọi điều.
Peter đặt tay lên vai Langdon.
– Robert. Từ Còn Thiếu không phải là một từ đâu – ông mỉm cười hiền hậu – Chúng ta gọi nó là “Từ ngữ” chỉ bởi đó là cách gọi của người cổ đại… lúc ban đầu.