Thứ Hai, 10 tháng Một
Thứ Ba, 11 tháng Một
Nói chung, một phương trình mang một hay nhiều hơn cái gọi là ẩn số thường được biểu thị bằng x, y, z, v.v… Nếu các giá trị thay vào các ẩn số đó mà đem lại được đẳng thức cho giữa hai vế của phương trình thì ta nói là thỏa mãn được phương trình và có một nghiệm.
Thí dụ: 3x + 4 = 6x-2 (x = 2)
Salander xuống sân bay Arlanda ở Stockholm hồi trưa. Cộng cả giờ bay cô đã qua chín tiếng ở sân bay Grantly Adams ở Barbados. Hãng British Airways chỉ cho máy bay cất cánh khi nào nó đã nhót ra được một hành khách dáng dấp có vẻ láng máng Ả Rập để chất vấn, xóa đi một mối đe dọa có thể có về khủng bố. Vào lúc hạ cánh xuống sân bay Gatwick ở London, cô đã bị lỡ mất chuyến bay chuyển tiếp tới Thụy Điển và phải chờ cả đêm rồi mới mua vé lại được.
Salander cảm thấy mình như một nải chuối đày nắng quá lâu. Tất cả đồ lề cô có chỉ là một túi du lịch đựng máy tính PowerBook, Các chiều kích và quần áo thay đổi. Cô qua cửa xanh của hải quan không phải kiểm tra an ninh. Khi ra ngoài đến các xe buýt con thoi của sân bay, cô đã được một trận mưa tuyết lạnh buốt chào đón trở về nhà.
Cô do dự. Cả đời cô đều phải chọn dùng thứ rẻ rúng nhất và cô thì chưa quen với ý nghĩ mình đang có trong tay hơn ba tỉ curon tháu được nhờ một cú đột nhập Internet phối hợp với trò gian lận kiểu cũ, ngon ơ. Sau một thoáng chịu rét ướt cô đã hê đi đời nhà ma các phép tắc mà vẫy một taxi. Cô cho người lái địa chỉ của cô trên đường Lundagatan rồi ngủ thiếp đi ở ghế sau.
Mãi tới lúc taxi ló ra trên đường Lundagatan và người lái lay gọi cô mới nhận ra cô đã cho địa chỉ cũ. Cô bảo ông ta cô đã đổi ý, ông cứ lái tiếp đến Gotgatsbacken. Cô cho ông ta một boa hậu hĩnh bằng đôla rồi chửi thề khi giẫm phải một vũng nước cống. Cô mặc jean áo phông và jacket vải mỏng. Cô đi xăng đan và bít tất sợi ngắn cổ. Cô len lén đi bộ lên cửa hàng 7 – Eleven mua ít dầu gội đầu, thuốc đánh răng, xà phòng, rượu kefir, sữa, pho mát, trứng, bánh mì, bánh quế cuộn đông lạnh, cà phê, trà nhúng Lipton, một hũ rau quả muối chua, táo, một bánh pan pizza cỡ lớn hiệu Billy và một bao thuốc lá Marlboro nhẹ. Cô trả bằng thẻ Visa Card.
Khi trở lại hè phố, cô phân vân đi ngả nào. Cô có thể đi bộ lên Svartensgatan hay xuống Hokens Gata để đến Slussen. Đi ngả Hokens Gata thì phiền là cô sẽ phải tạt qua cửa tòa soạn Millennium, có rủi ro đâm bổ vào Blomkvist. Cuối cùng cô quyết định cứ đi theo lối của mình để tránh anh. Cô đi bộ xuống tới Slussen tuy lối này xa hơn chút ít rồi quặt phải lên Mosbacke Torg bằng đường Hokens Gata. Cô cắt ngang quảng trường, đi qua tượng Chị Em ở trước nhà hát Sodra rồi cho chân leo đồi đến Fiskargatan. Cô đứng lại tư lự ngước nhìn lên tòa cao ốc chung cư. Không thật sự cảm thấy nó là “mái ấm”.
Cô nhìn quanh. Đây là một điểm hẻo lánh ở giữa đảo Sodermalm. Không có giao thông chạy qua, điều này hay cho cô. Dễ quan sát thấy ai đang đi đến khu vực. Vào mùa hè nó nổi tiếng với những người đi bộ nhưng vào mùa đông thì những ai ở đây đều là những người có công việc làm ở gần đó. Bây giờ khó mà nhìn thấy một ai – chắc chắn không có ai mà cô nhận được ra hay cô tạm hóng là sẽ nhận ra cô. Salander để túi hàng xuống mặt tuyết nát vữa để móc lấy chìa khóa. Cô đi thang máy lên tầng trên cùng, mở khóa cái cửa có biển đề tên V.Kulla.
Sau khi sở hữu một khoản tiền rất lớn và do đó độc lập về tài chính cho đến hết đời (hay là hết cái thời gian kéo dài mà cô có thể hy vọng đem lại cho ba tỉ curon), một trong những việc đầu tiên Salander làm là kiếm quanh quẩn lấy một căn hộ. Thị trường bất động sản là một thể nghiệm mới với cô. Trước đây cô chưa ném tiền vào bất cứ cái gì quan trọng hơn những món hữu dụng nhất thời mà cô có thể trả bằng tiền mặt hoặc mua theo kế hoạch trả dần hợp lý. Các món mua lớn nhất trước kia là các thứ máy tính rồi chiếc xe máy hạng nhẹ Kawasaki. Cô mua xe này với 7.000 curon – thật sự hời. Cô đã chi tương tự bằng thế nữa cho phụ tùng linh kiện và dành nhiều tháng ra tháo xe để đại tu nó. Cô đã muốn một xe hơi nhưng còn ngại vì không biết sẽ điều hòa việc đó ra sao với quỹ tiền của mình.
Cô nhận ra mua căn hộ là việc thuộc về một trật tự khác. Cô bắt đầu đọc các quảng cáo phân loại trong bản phát hành trên mạng của tờ Dagens Nyheter, cái tự nó đã là một môn khoa học, và cô phát hiện thấy:
1 phòng ngủ + phòng ăn, địa điểm kỳ ảo, gần Ga Sodra, 2,7 triệu curon.
3 phòng ngủ + bếp, cảnh quan quảng trường, Hogalid, 2,9 triệu curon.
2½ phòng ngủ 47 m2, buồng tắm cải tạo, mới đặt hệ thống ống dẫn 1998.
Gotlandsgar. 1,8 triệu curon.
Cô đã gọi hú họa vài số điện thoại nhưng không biết cần hỏi những gì. Cô nhanh chóng thấy mình ngu ngốc nên ngừng hỏi thử. Thay vào việc gọi hỏi, một thứ Bảy đầu tiên của tháng Giêng, cô đã đi xem hai căn hộ những ngày công ty bất động sản mở cửa. Một căn ở Vindragarvagen, đường ra mạn trên Reimersholm, căn kia ở Helenborgsgatan gần Hornstull. Căn hộ trên đường Reimers là một chỗ bốn phòng sáng sủa trong một tòa tháp nhìn ra Langholmen và Essingen. Ở đây cô có thể hài lòng. Căn hộ ở Helenborgsgatan là một nhà thấp với cảnh quan là tòa cao ốc bên cạnh cửa ra vào.
Vấn đề là cô không quyết định được mình muốn sống ở vùng nào trong thành phố, căn hộ nên trông ra sao hay cô cần hỏi gì về căn nhà mới. Cô vẫn nghĩ đến ngả mua bốn mươi bảy mét vuông ở Lundagtan, nơi thời thơ ấu cô đã sống ở đó. Qua người đỡ đầu lúc ấy, luật sư Holger Palmgren, khi bước vào tuổi mười tám cô đã được cho sở hữu căn hộ này. Cô buông phịch người xuống chiếc sofa lồi lõm trong tổ hợp bàn giấy kiêm phòng khách của cô rồi bắt đầu suy nghĩ.
Căn hộ ở Lundagatan nhìn ra một cái sân. Nó tù túng và không dễ chịu chút nào. Từ giường ngủ cô nhìn ra một tường bảo vệ trên một mặt tiền có xà chống đỡ. Ở bếp nhìn ra là lưng một tòa cao ốc đối diện với đường phố và cửa vào một khu vực kho chứa ở dưới hầm ngầm. Ở phòng ngủ cô có thể nhìn thấy một ngọn đèn đường và dăm ba cành bạch dương.
Yêu cầu đầu tiên của căn nhà mới là nó nên có một vài cảnh quan nào đó.
Chưa từng có ban công, cô luôn thèm được như các hàng xóm giàu ở chung cư cao hơn vẫn hưởng những ngày ấm áp dưới mái hiên của họ với cốc bia lạnh. Yêu cầu thứ hai là căn hộ mới của cô sẽ phải có một ban công.
Căn hộ nên nom ra sao? Cô nghĩ đến căn hộ của Blomkvist – sáu mươi lăm mét vuông ở một không gian mở trong căn gác xép đã được cải tạo trên đường Bellmansgatan, với cảnh quan Tòa Thị chính và các cửa cống ở Slussen. Từng ở đấy cô đã thích căn hộ. Cô muốn có một căn hộ vui mắt, đồ đạc nội thất thưa thớt để dễ bề trông coi. Đây là điểm thứ ba trong danh sách yêu cầu của cô.
Trong nhiều năm cô đều phải sống chật chội. Bếp chỉ mười mét vuông, với chỗ đủ cho một cái bàn bếp tí teo và hai chiếc ghế tựa. Phòng khách thì hai mươi mét vuông. Phòng ngủ mười hai. Yêu cầu thứ tư của cô là căn hộ mới nên có nhiều không gian và cả tủ quần áo. Cô muốn có một bàn giấy đúng nghĩa là bàn giấy và một phòng ngủ to, ở đó cô có thể duỗi thẳng hết chân hết tay ra.
Buồng tắm của cô là một cái hộp không cửa sổ, sàn láng xi măng, một chỗ tắm bất tiện và giấy dán tường bằng chất dẻo thì bất kể cô làm gì, nó cũng không chịu sạch thật sự cho. Cô muốn sàn đá hoa và một bồn tắm to đùng. Cô muốn một máy giặt ở trong căn hộ chứ không phải là dưới gian tầng hầm nào đó. Cô muốn phòng tắm sạch sẽ thơm tho và cô muốn có cửa sổ để mở ra.
Rồi cô nghiên cứu quảng cáo của các công ty bất động sản trên mạng. Sáng sau, cô dậy sớm đến tham quan hãng Bất động sản Nobel, cái công ty mà theo một số người thì đang nổi tiếng nhất Stockholm. Cô mặc jean cũ màu đen, giầy bốt và chiếc jacket da đen. Cô đứng ở quầy ngắm một phụ nữ tóc vàng khoảng ba mươi lăm tuổi đang vào mạng tìm địa chỉ Bất động sản Nobel và tải ảnh các căn hộ xuống. Một lúc lâu, một người đàn ông trung niên thấp, béo, tóc đỏ đi đến. Salander hỏi ông hiện đang có loại căn hộ nào. Ông ngạc nhiên ngước nhìn cô rồi lên giọng cha chú:
– Tốt, thưa quý cô, chuyện quý cô đang tính rời nhà đi thì bố mẹ quý cô có biết không đấy?
Salander quắc mắt nhìn ông ta cho tới khi ông ta thôi cười hi hí.
– Tôi muốn một căn hộ.
Ông ta đằng hắng liếc cầu cứu người đồng nghiệp ở quầy.
– Tôi hiểu. Cô đã nghĩ đến loại nào chưa?
– Tôi thích một căn hộ ở Soder, có ban công và trông ra mặt nước, ít nhất bốn phòng, một buồng tắm có cửa sổ và một phòng phụ. Và có một chỗ có thể khóa được để cất xe máy.
Người phụ nữ ở quầy ngước mắt chăm chú nhìn Salander.
– Xe máy? – Người đàn ông tóc thưa nói.
Salander gật.
– Tôi có thể biết… ơ… tên quý cô không nhỉ?
Salander nói. Cô hỏi tên ông, ông tự giới thiệu là Joakim Persson.
– Phải cái là tậu một căn hộ chung cư ở Stockholm đây thì khá đắt…
Salander chỉ hỏi ông ta có thể cung cấp loại căn hộ nào.
– Quý cô làm ở ngành nào chứ?
Salander nghĩ một lát. Xét cho cùng cô là người làm tự do; trong thực tế cô chỉ làm việc cho Armansky và An ninh Milton. Nhưng trong năm qua công việc có phần không đều đặn. Ba tháng vừa rồi cô không làm gì cho ông.
– Lúc này tôi không làm gì cả.
– Được, vậy thì… tôi cho là cô còn đi học.
– Không, tôi không đi học.
Persson đi vòng quanh quầy đến quàng tay khá hiền lành vào vai Salander, đi kèm cô ra cửa.
– Tốt, cô Salander, cô xem, vài năm nữa chúng tôi sẽ vui mừng đón cô đến nhưng cô nhớ mang theo một món tiền lớn hơn món hiện đang gửi trong cái ngân hàng hạng bét của cô. Sự thật là tiền trợ cấp hàng tuần không kham nổi chuyện này đâu. – Ông hồn nhiên bẹo má cô. – Vậy chờ lần sau cô quay lại, chúng tôi sẽ tìm cho cô một chỗ be bé mà đặt chân ha!
Salander đứng bên ngoài Bất động sản Nobel vài phút. Cô lơ đãng nghĩ cái ông sếp Persson thấp con kia sẽ nghĩ gì nếu như một chai bom xăng Molotov bay vèo qua cửa sổ nhà trưng bày của ông. Rồi cô về nhà mở máy tính.
Mất mười phút cô lẻn vào được mạng máy tính nội bộ của Bất động sản Nobel, sử dụng cái mật mã cô đã tình cờ nhìn thấy người phụ nữ ở quầy gõ vào phím để tải các bức ảnh xuống. Mất ba phút cô phát hiện ra cái máy tính mà người phụ nữ dùng thật ra cũng là máy chủ của công ty – sao đằng ấy kém thông minh thế hả? – rồi lại ba phút nữa để cô vào tất cả mười bốn máy tính trong mạng máy chủ của nó. Chừng hai giờ sau, cô đã đọc hết các ghi chép của Persson, phát hiện thấy trong vòng hai năm qua, ông ta có khoảng 750.000 curon ở khoản thu nhập gian lận không báo cáo cơ quan thuế.
Cô tải xuống tất cả các tệp tin cần thiết rồi gửi chúng cho cơ quan thuế qua một địa chỉ thư điện tử ẩn danh đặt máy chủ tại Mỹ. Rồi cô gạt Persson ra khỏi đầu mình.
Ngày hôm ấy cô bỏ thì giờ còn lại ra xem hết tài sản đã lên danh sách của Bất động sản Nobel. Món đắt nhất là một cung điện nhỏ ở bên ngoài Mariefred, nhưng cô không hám sống ở chỗ đó. Gần như nổi cơn hăng máu, cô chọn món đắt nhất tiếp theo, một tòa nhà đồ sộ cách Mosebacke Torg không xa.
Xem kỹ các bức ảnh và mặt bằng các tầng, cuối cùng cô cả quyết là nó đã thực hiện vượt mức các yêu cầu của cô. Trước đây nó thuộc sở hữu của giám đốc ASEA, công ty điện lực Brown Boveri, người đã lủi vào tối tăm sau khi hớt một món bổng bị lắm tranh cãi và phê phán gồm vài tỉ curon.
Tối hôm ấy cô điện thoại cho Jeremy MacMillan, đối tác trong công ty luật MacMillan & Marks ở Gibraltar. Trước đây cô đã làm ăn với MacMillan. Với một khoản phí thậm chí ông cho là hào hiệp, ông đã dựng nên các công ty ma để làm chủ sở hữu các tài khoản quản lý cho phần tài sản mà cô đã đánh cắp của nhà tài chính tham nhũng Hans – Erik Wennerstrom một năm trước đây.
Cô lại thuê dịch vụ của MacMillan, chỉ thị ông thương lượng với Bất động sản MacMillan dưới tên Công ty Vò vẽ để mua căn nhà trên đường Fiskargatan gần Mosebacke Torg. Mất bốn ngày cho chuyện này và cuối cùng con số ngã giá đã làm cô phải nhướng lông mày lên. Cộng 5 phần trăm hoa hồng cho MacMillan. Chưa hết tuần cô đã dọn đến với hai thùng quần áo, khăn lụa trải giường, một tấm đệm và vài dụng cụ nhà bếp. Cô ngủ trên tấm đệm trong tòa nhà liền ba tuần trong khi tìm hiểu các bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ, làm nốt một số việc cụ tỉ còn chưa xong (gồm có cuộc nói chuyện nửa đêm với một luật sư nào đó, Nils Bjurman) và trả trước tiền thuê chỗ ở cũ của cô cũng như hóa đơn điện và các chi tiêu khác trong tháng.
Rồi cô đặt vé cho chuyến đi đến bệnh viện ở Ý. Khi điều trị xong và đã ra viện, cô ngồi trong một phòng khách sạn ở Rome, nghĩ đến chuyện sẽ làm. Cô nên trở về Thụy Điển sống tiếp cuộc đời nhưng vì nhiều lý do cô không chịu nổi ý nghĩ trở về Stockholm.
Cô không có nghề gì thực sự. Cô có thể nhìn thấy cô không có tương lai ở An ninh Milton. Đó không phải lỗi của Armansky. Nhiều phần chắc chắn là ông muốn cô làm việc trong biên chế, trở thành một nhân viên đắc lực trong công ty, nhưng vào tuổi hai mươi lăm cô thiếu được học hành bài bản mà cô thì không mong thấy mình trong nhiều năm vẫn tiếp tục cần mẫn làm công việc điều tra các bọn lừa đảo trong thế giới tập đoàn. Là một thú chơi riêng thú vị thì được – còn công việc cả đời thì không.
Một lý do khác làm cô ngập ngừng quay về Stockholm là Blomkvist. Ở Stockholm cô có cơ vồ phải Kalle Nhắng Blomkvist, mà lúc này điều cuối cùng cô muốn làm chính là gặp lại anh. Anh đã làm tổn thương cô. Cô biết anh không có ý như thế. Anh đã xử sự khá đứng đắn. Để cho mình “phải lòng” anh là lỗi của cô. Cụm từ “phải lòng” hoàn toàn tương phản với Lisbeth Salander Đĩ điếm Trời đánh.
Blomkvist đã nổi tiếng đào hoa. Quá lắm cô chỉ là một trò giải trí hay hay, một người mà anh thương hại giữa lúc anh cần đến cô và chẳng còn ai tốt hơn nữa. Nhưng anh mau chóng trở thành một bạn đồng hành thú vị hơn. Cô tự rủa mình đã hạ thấp cảnh giác để cho anh bước vào đời mình.
Khi tỉnh ra cô đã cắt hết mọi liên hệ với anh. Chuyện này không dễ nhưng cô đã làm cho mình cứng rắn lên. Lần cuối cùng thấy anh, cô đang đứng trên sân ke xe điện ngầm ở Gamla Stan còn anh thì ngồi trên xe điện trên đường vào trung tâm thành phố. Cô đã nhìn anh đến cả một phút rồi quyết định là nó chẳng hề lưu lại một mảy may cảm giác nào ở cô vì nó sẽ lại làm cô chảy máu cho đến chết mà thôi. Xin cho dẹp nhà anh đi. Khi cửa xe đóng lại và đoàn xe chuyển bánh, anh đã trông thấy cô, đã nhìn cô với con mắt kiếm tìm.
Cô không hiểu tại sao anh lại bướng bỉnh cố giữ liên hệ với cô, tựa hồ cô là một dự án chăm sóc chết giấp nào mà anh đã nhận gánh lấy. Việc anh quá yếu mềm như thế đã làm cho cô thấy phiền. Mỗi lần anh gửi email cho cô, cô lại buộc mình không đọc mà hủy luôn.
Stockholm xem vẻ không hấp dẫn chút nào. Ngoài việc làm tự do cho An ninh Milton, vài bạn giường chiếu đã thải và các cô gái trong nhóm rock cũ Những Ngón tay Ma quỷ ra, Salander ít biết ai ở thành phố quê hương mình.
Hiện nay người duy nhất cô kính trọng là Armansky. Định nghĩa tình cảm của cô với ông không dễ. Cô luôn cảm thấy êm đềm mà ngạc nhiên về việc cô đã bị ông cuốn hút. Giá ông không có vợ như thế, hay không già như thế, hay không bảo thủ như thế, có thể cô đã nghĩ tới việc lân la ngỏ lời.
Cô bèn lấy nhật ký ra, mở phần bản đồ thế giới. Cô chưa từng ở châu Phi, châu Úc. Cô đã nghe nói đến nhưng chưa nhìn thấy Kim tự tháp hay đền Angkor. Cô chưa đi phà qua giữa Kowloon và Victoria ở Hồng Kông. Cô chưa lặn với bình dưỡng khí ở vùng biển Caribbean hay ngồi trên bãi biển ở Thái Lan. Ngoài vài chuyến đi làm ăn vội vàng có ghé thăm vùng Baltic và các nước Bắc Âu lân cận, cũng như dĩ nhiên cả Zurich và London, cô ít rời Thụy Điển. Thực tế là cô hiếm khi ra khỏi Stockholm.
Thời trước cô không thể cho phép mình làm chuyện ấy. Cô đứng ở cửa sổ phòng khách sạn nhìn sang Via Garibaldi ở Rome. Thành phố nom như một đống hoang phế. Rồi cô quyết định. Cô mặc jacket đi xuống gian sảnh hỏi liệu có công ty du lịch nào gần đó. Cô đặt một vé đi Tel Aviv rồi mấy ngày sau đi bộ khắp Thành cổ ở Jerusalem và tham quan nhà thờ Hồi giáo al – Aqsa cùng bức tường Than thở. Cô chán nản nhìn lính tráng lăm lăm súng ống ở các ngã tư rồi cô bay đến Bangkok, sau đó du lịch tiếp cho hết năm.
Có một việc cô phải làm thật sự. Cô đến Gibraltar hai lần. Lần thứ nhất để tìm hiểu sâu về con người cô đã chọn trông nom tiền bạc cho cô. Lần thứ hai để xem xét thấy ông ta đang làm tử tế việc này.
Sau một thời gian dài như thế, cô cảm thấy khá lạ lẫm khi quay chìa khóa vào ngôi nhà của chính mình trên đường Fiskargatan.
Cô để bịch hàng họ và túi quàng vai xuống rồi gõ mã bốn con số để tắt báo động chống trộm. Cô cởi quần áo ướt ném xuống sàn gian sảnh. Cô trần truồng đi vào bếp, cắm điện tủ lạnh, lấy thực phẩm ra rồi vào buồng tắm, đứng mười phút dưới vòi hoa sen. Cô ăn bữa đó với một bánh pan pizza hiệu Billy mà cô đã hâm trong lò vi sóng và một quả táo cắt mỏng. Cô mở một trong mấy thùng đem theo tìm một chiếc gối, vài tấm khăn trải giường và một chiếc chăn có mùi đáng ngờ sau cả năm bị đóng thùng cất đi. Cô rải đệm làm giường trong gian phòng cạnh bếp.
Đầu vừa chạm gối được mười tích tắc là cô ngủ ngay lập tức và ngủ suốt mười hai giờ liền. Rồi cô dậy, mở máy pha cà phê, quấn một cái chăn quanh người, ngồi lên một chiếc ghế bên cửa sổ trong bóng tối, hút một điếu thuốc lá, nhìn ra phía Djurgarden và Saltson, mê mẩn với ánh đèn.
Ngày sau hôm Salander về nhà là một ngày trọn vẹn. 7 giờ sáng cô khóa cửa ngôi nhà. Trước khi rời đi, cô mở cửa sổ thông gió trong giếng cầu thang, cột chiếc chìa dự trữ vào một sợi dây đồng nhỏ mà cô đem buộc vào phía tường của đai kẹp giữ ống dẫn nước. Kinh nghiệm dạy cô là phải khôn ngoan luôn có một chiếc chìa dự phòng.
Không khí bên ngoài lạnh buốt. Salander mặc quần jean mỏng cũ, túi quần sau đã bị toạc để lộ ra chiếc quần lót chẽn ở đầu gối màu lam của cô. Cô mặc áo phông và một áo cổ chui ấm áp, diềm cổ đã bắt đầu sờn. Cô cũng lại thấy lại chiếc jacket da có tán đanh trên vai và đã bị mài bợt rồi quyết định cần nhờ thợ may sửa vì lớp lót trong túi gần như đã không còn tồn tại. Cô đi bốt nặng và bít tất dầy. Tóm lại cô thấy ấm và dễ chịu.
Cô đi bộ xuôi St Paulsgatan xuống Zinkensdamm rồi đến căn hộ cũ của cô ở đường Lundagatan. Trước hết cô kiểm tra xem chiếc Kawasaki có còn ở dưới tầng hầm không. Cô vỗ vỗ yên xe rồi đi lên căn hộ. Cô đã phải đẩy cánh cửa ra vào, nó bị một núi thư rác chẹn mất.
Năm ngoái khi rời Thụy Điển, chưa chắc chắn sẽ làm gì với căn hộ nên giải pháp đơn giản nhất cho cô là sắp đặt các lệnh chi tiền trả cho các biên lai đều kỳ của cô. Đồ đạc nội thất vẫn còn ở căn hộ, chúng đã được thu gom cần cù qua năm tháng từ các kho, các thùng đựng của đồng nát cùng với mấy cái cốc mẻ, hai máy tính cũ hơn và một lô giấy. Chả có cái gì giá trị.
Cô lấy ở trong bếp một túi lót thùng rác màu đen rồi bỏ năm phút lựa trong đống thư rác ra các thư thật. Phần lớn đống thư đi thẳng vào túi rác. Có một ít thư cho cô, chủ yếu là các bản sao kê từ ngân hàng, đơn khai thuế của An ninh Milton. Một cái lợi của việc sống trong chế độ bảo hộ là cô không phải xử lý các vấn đề thuế má – hoàn toàn không thấy thư từ gì về thuế. Ngoài ra chỉ có ba thư cá nhân của cô.
Thư đầu tiên là của một bà luật sư, Greta Molander, người chấp hành di chúc của mẹ cô. Bức thư nói gia sản của mẹ cô đã được giải quyết, Lisbeth Salander và em gái cô, Camilla, mỗi người được thừa kế 9.312 curon. Khoản tiền nói trên đã được chuyển đến tài khoản ngân hàng của cô Salander. Cô có vui lòng xác nhận biên lai giúp cho không? Salander nhét bức thư vào túi trong jacket.
Bức thứ hai của Mikaelsson, Giám đốc nhà dưỡng lão Appelviken, bức thư thân mật gợi nhớ lại việc cô và ông đóng cất đồ dùng cá nhân của mẹ cô vào một cái thùng. Cô có vui lòng liên hệ với Appelviken để bảo cho biết cô định làm gì với các món này không? Bức thư kết thúc với lời nhắc nếu đến cuối năm họ không có tin gì của Salander hay em gái cô (mà họ không biết địa chỉ), họ sẽ không có cách nào khác – do tính trước hết đến khoảng cách – là phải bỏ chúng. Thấy bức thư đề tháng Sáu, cô bèn lấy điện thoại di động. Cái thùng vẫn còn ở đấy. Cô xin lỗi đã không trả lời sớm hơn, hứa ngày mai sẽ đến lấy nó.
Bức thư cuối cùng của Blomkvist. Nghĩ một lát rồi quyết định không mở xem, cô ném nó vào túi rác.
Cô chất đầy các món khác nhau cùng các đồ linh tinh lang tang mà cô muốn giữ vào một thùng khác rồi gọi taxi quay về Mosebacke. Cô làm chút cải trang, đeo kính và đội một bộ tóc giả màu vàng dài ngang vai, cho vào túi xách một hộ chiếu có tên Irene Nesser. Cô nhìn mình trong gương, thấy Irene Nesser có tí ti giống Lisbeth Salander nhưng vẫn cứ là một con người khác.
Sau một bữa trưa ăn nhanh với bánh mì đũa và pho mát brie Pháp cùng một cà phê latte ở quán Café Eden trên đường Gotsgatan, cô đi xuống hãng xe thuê ở Ringvagen, ở đây với tên Irene Nesser cô thuê một chiếc Micra Nissan. Lisbeth lái đến cửa hàng Ikea ở Kungens Kurva, bỏ ba giờ ra tỉ mỉ duyệt xem mặt hàng, viết ra số lượng các món cô cần. Cô nhanh chóng cho ra mấy quyết định.
Cô mua hai sofa Karlanda màu cát, năm chiếc ghế có tay Poang, hai bàn tròn bằng gỗ bạch dương sơn mài, một bàn cà phê Svansbo và mấy chiếc bàn nhỏ Lack dự phòng. Ở gian hàng hòm tủ và đồ chứa đựng, cô đặt mua hai giá liên hoàn Ivar, hai giá sách Bonde, một tivi đứng và một giá Magiker có cửa. Cô trả tiền một tủ quần áo ba cánh Pax Nexus và hai bàn giấy nhỏ Malm.
Cô bỏ nhiều thời gian ra chọn giường rồi quyết định mua một chiếc có khung cùng với đệm và các bàn cạnh giường. Cho yên tâm cô cũng mua một chiếc giường Lillehammer để kê ở buồng dự phòng cho khách. Cô không có ý mời ai đến ở nhưng do có buồng trống thì cô cũng có thể kê giường vào đó. Buồng tắm trong ngôi nhà mới đã được trang bị một tủ thuốc, tủ khăn tắm và một máy giặt mà các chủ trước để lại. Cô chỉ phải mua mỗi một cái giỏ đựng quần áo cần giặt.
Nhưng thứ cô cần là đồ bày trong bếp. Suy nghĩ một ít, cô quyết định mua một bàn bếp Rosfors bằng gỗ sồi rắn đanh với một tấm kính đã tôi phủ lên trên và bốn ghế bếp nhiều màu.
Cũng cần đồ nội thất cho văn phòng, cô đã ngó đến nhưng chưa ưng một vài “trạm làm việc” với các tủ thông minh để cất giữ máy tính, bàn phím. Cuối cùng lắc đầu, cô đặt mua một bàn giấy thông thường, một bàn Galant lát gỗ sồi với một đầu có góc cạnh còn bốn mép thì tròn cùng một tủ lớn đựng hồ sơ. Cô dành nhiều thời gian chọn một ghế văn phòng – mà chắc chắn cô sẽ bỏ nhiều thì giờ ra ngồi ở đó – rồi lựa một thứ trong những thứ đắt nhất, chiếc ghế kiểu Verksam.
Cô la cà hết nhà kho mua một khoản tú ụ những khăn giường, áo gối, khăn mặt, chăn lông chim, chăn len, gối, một hộp dao kéo bằng thép không gỉ mới ra mắt lần đầu, ít bát đĩa, xoong chảo, mấy cái thớt, ba thảm to, vài đèn làm việc cùng một số lượng lớn văn phòng phẩm – cặp ba dây, hộp hồ sơ, sọt rác, hộp lưu trữ, v.v…
Cô trả tiền bằng một thẻ mang tên Công ty Vò vẽ rồi đưa cho xem thẻ căn cước của Irene Nesser. Cô cũng trả tiền công đóng gói và giao hàng tại nhà. Biên lai lên hơn 90.000 curon.
Năm giờ chiều cô về lại Soder và có thời gian tham quan chốc lát cửa hàng Điện gia dụng Axelsson, ở đây cô mua một tivi 48 inch và một radio. Ngay trước giờ đóng cửa, cô đã lẻn vào một cửa hàng ở Hornsgatan mua một máy hút bụi. Ở chợ Mariahallen, cô mua chổi lau sàn, nước rửa bát đĩa, một cái xô, ít chất tẩy, xà phòng rửa tay, bàn chải đánh răng và một bịch giấy vệ sinh to tướng.
Cô mệt nhưng vui sau cơn hứng mua sắm. Cô chất tất cả chỗ hàng lên chiếc Micra Nissan cô thuê rồi buông sụp mình xuống ở trong quán Café Java tại Hornsgatan. Cô mượn tờ báo chiều của bàn bên, đọc biết rằng đảng Xã hội Dân chủ vẫn đang cầm quyền và hình như trong khi cô đi xa thì đã chả xảy ra khoảnh khắc lớn nào ở Thụy Điển sất.
8 giờ tối cô đến nhà. Trong bóng tối kín đáo, cô mang đồ đạc ra khỏi xe rồi mang lên căn hộ V.Kulla. Cô để tất cả thành đống tú ụ ở trong sảnh rồi bỏ nửa giờ ra cố tìm lấy chỗ cất chúng. Rồi cô mở nước vào bồn tắm vốn đủ lớn cho ba người tắm thoải mái. Cô nghĩ đến Blomkvist một lát. Cho đến khi trông thấy bức thư của anh sáng nay, suốt mấy tháng qua cô không nghĩ tới anh. Cô nghĩ liệu anh có nhà hay không và không biết mụ Berger hiện có đang ở nhà anh hay không.
Một lúc sau, cô hít một hơi dài, nằm úp sấp lại, cho người chìm xuống dưới mặt nước. Cô đặt tay lên ngực, bẹo mạnh vào núm vú, nhịn thở khá lâu cho tới khi phổi bắt đầu đau tức.
Erika Berger, Tổng biên tập, xem đồng hồ khi Blomkvist đến. Gần như muộn mười lăm phút so với kế hoạch họp đúng vào 10 giờ sáng ngày thứ Năm thứ hai mỗi tháng. Đường nét các kế hoạch dự kiến cho số báo sau đã được phác qua còn các quyết định về nội dung thì đã được đề ra trước vài tháng.
Blomkvist xin lỗi vì đến muộn, lầm bầm giải thích mấy lời mà chả ai nghe hay ít ra muốn bận tâm biết. Ngoài Berger, cuộc họp gồm có một trợ lý tòa soạn, Malin Eriksson, cộng sự và trưởng ban mỹ thuật Christer Malm, phóng viên Monika Nilsson và những người làm ngoài biên chế Lotie Karim và Henry Cortez. Blomkvist nhận thấy ngay là vắng cô thực tập nhưng lại có thêm một bộ mặt mới tại bàn hội nghị nhỏ trong văn phòng Berger. Để một người ngoài cuộc dự các cuộc họp đặt kế hoạch của Millennium là rất không bình thường với chị.
– Đây là Dag Svensson. – Erika nói. – Nhà báo tự do. Chúng ta sẽ đặt anh ấy viết một bài.
Blomkvist bắt tay người đàn ông. Svensson mắt xanh, tóc vàng tóc cắt kiểu lính và râu thì đã ba ngày chưa cạo. Anh khoảng ba mươi và nom vẻ thích nghi đến mức đầu trơ trán bóng với chỗ lạ.
– Mỗi năm chúng ta thường phát hành một hai số tạp chí có chủ đề. – Berger nói tiếp chỗ chị vừa ngừng lại. – Tôi muốn dùng bài báo của Dag vào số tháng Năm. Đã đặt hàng nhà in vào ngày 27 tháng Tư. Như vậy là chúng ta có ba tháng ngon lành để cho ra các bài báo.
– Vậy đề tài là gì? – Blomkvist hỏi thẳng trong khi rót cà phê ở phích ra.
– Tuần trước Dag đến gặp tôi với đề cương bài báo. Vì thế tôi đề nghị anh ấy cùng họp hôm nay. Anh mang đề cương đi chứ, Dag?
– Buôn lậu. – Svensson nói. – Buôn lậu tính dục. Ở đây trước hết là con gái các nước vùng Baltic và Đông Âu. Nếu chị cho phép tôi bắt đầu từ đầu thì xin nói là tôi đang viết một quyển sách về đề tài này do đó vì sao tôi lại liên hệ với Millennium – vì chỗ chị nay đã làm cả xuất bản sách.
Tất cả nom vẻ đều thích thú. Đến nay Nhà xuất bản Millennium mới ra chính xác có một đầu sách cục gạch cách đây một năm của Blomkvist về đế chế tài chính của nhà tỉ phú Wennerstrom. Quyển sách đang được tái bản lần thứ sáu ở Thụy Điển, đã được xuất bản bằng tiếng Na Uy, Đức và Anh và sớm sắp được dịch cả sang tiếng Pháp. Kết quả bán sách là đáng kể ở chỗ quyển sách bây giờ đã rất nổi tiếng và được mọi tờ báo đưa tin.
– Chuyện làm ăn xuất bản sách của chúng tôi không quy mô lắm. – Blomkvist nói thận trọng.
Svensson lại khẽ mỉm cười.
– Tôi biết thế. Nhưng các anh chị có phương tiện để xuất bản một quyển sách.
– Có nhiều công ty lớn hơn. – Blomkvist nói. – Những nơi đã có cơ ngơi vững.
– Chắc chắn như thế rồi. – Berger nói. – Nhưng với năm nay chúng tôi đang thảo luận khả năng về việc bắt đầu một danh sách xuất bản nhằm vào khe hở mà chưa ai làm, cộng thêm vào với các hoạt động thường xuyên của chúng tôi. Chúng tôi đã mang chuyện này ra hai cuộc họp ban biên tập và ai cũng tích cực. Chúng tôi đang nghĩ đến một danh sách rất nhỏ – ba, bốn đầu sách một năm – phóng sự về những vấn đề khác nhau. Nói cách khác là những ấn phẩm báo chí điển hình. Sách của anh sẽ là một cuốn mở đầu hay cho loại này đấy.
– Buôn lậu. – Blomkvist nói. – Anh nói cho xem nó là thế nào.
– Bốn năm nay tôi đào vào đề tài buôn lậu. Tôi có được vấn đề này là qua một bạn gái – cô ấy tên là Mia Johansson, là nhà tội phạm học và nghiên cứu về giới. Trước đây cô ấy làm ở Trung Tâm Dự phòng Tội phạm, đã có viết một báo cáo về buôn bán tính dục.
– Tôi đã gặp chị ấy. – Eriksson thình lình nói. – Hai năm trước tôi có làm với chị ấy một cuộc phỏng vấn so sánh cách tòa án đối xử với nam và nữ.
Svensson cười:
– Chuyện ấy đã có khuấy động. Nhưng năm, sáu năm nay cô ấy nghiên cứu chuyện buôn lậu. Chúng tôi đã gặp nhau như thế. Tôi đang theo đuổi câu chuyện về buôn bán tính dục trên Internet thì được tin cô ấy có biết đôi chút. Và cô ấy biết thật. Để nói gọn lại: cô ấy và tôi bắt đầu làm việc với nhau, tôi là nhà báo còn cô ấy nhà nghiên cứu. Trong quá trình bắt đầu hẹn hò nhau, một năm trước, chúng tôi đã sống chung. Cô ấy đang học tiến sĩ, năm nay sẽ bảo vệ luận án.
– Vậy là cô ấy làm luận án trong khi anh…?
– Viết phiên bản dễ hiểu hơn cho luận án ấy và có đưa cả nghiên cứu của tôi vào trong đó. Đại khái một bài viết ngắn hơn hình thức bài báo tôi đã nói sơ sơ với Erika.
– OK, hai người làm việc với nhau như một nhóm. Bài báo về gì?
– Chúng ta có một chính phủ đã ban hành một đạo luật cứng rắn về buôn bán tính dục, chúng ta có cảnh sát được chỉ định trông nom chuyện đó để cho luật được tuân thủ còn tòa án thì được chỉ định xét xử các tội nhân tính dục – chúng ta gọi đám đàn ông, bọn thiếu suy nghĩ, là tội nhân tính dục từ khi mua dịch vụ tính dục trở thành một tội – và chúng ta có truyền thông đại chúng viết những bài báo bất bình về đề tài này, vân vân… Đồng thời, Thụy Điển là một trong những nước nhập khẩu nhiều nhất gái điếm từ Nga và vùng Baltic.
– Và anh chứng minh được chuyện đó?
– Thì có bí mật gì đâu. Thậm chí cũng chả đáng là tin tức nữa cơ. Cái mới là chúng tôi đã gặp và chuyện trò với chừng hơn chục gái điếm. Phần lớn họ tuổi từ mười lăm đến hai mươi. Từ Đông Âu khổ cực, họ bị dụ đến Thụy Điển vì một hứa hẹn về công ăn việc làm rồi kết thúc trong nanh vuốt của một mafia tính dục đểu cáng. Các cô gái ấy đã trải qua những điều mà ngay cả phim ảnh cũng không cho các anh chị thấy được.
– OK.
– Vậy điều ta đang nói đây là tâm điểm luận án của Mia chứ không phải sách.
Mọi người nghe chăm chú.
– Mia đã phỏng vấn các cô gái. Việc tôi làm là dựng đồ thị về tình hình các nhà cung cấp gái và cơ sở khách chơi.
Blomkvist mỉm cười. Anh chưa gặp Svensson trước đây nhưng anh cảm thấy ngay anh ta là loại nhà báo anh thích, một người đi thẳng ngay vào trung tâm câu chuyện. Với Blomkvist, quy tắc vàng của nghề báo là luôn luôn có người gánh lấy trách nhiệm. Những gã tệ hại.
– Và hai người đã tìm ra những sự việc thú vị?
– Thí dụ tôi có thể cung cấp tư liệu về một viên chức ở Bộ Tư pháp từng tham gia soạn thảo các luật về buôn bán tính dục nhưng lại đã thông qua công ty của mafia tính dục mà khai thác ít nhất hai cô gái từ nước ngoài đến Thụy Điển. Một cô mười lăm tuổi.
– Ái chà!
– Tôi làm việc thất thường với bài báo này trong ba năm. Quyển sách sẽ có những nghiên cứu trên nhân chứng về những người mua dâm. Đó là ba nhân viên cảnh sát, một trong số họ làm việc cho Cảnh sát An ninh, một nữa cho Đội chống tệ nạn. Có năm luật gia, một công tố viên và một thẩm phán. Cũng có ba nhà báo, một trong số đã viết những bài báo về buôn bán tính dục. Trong đời tư, anh này đã làm trò cưỡng dâm với một gái điếm người Tallinn – và trong trường hợp này thì không phải là trò chơi thuận lòng. Tôi đang nghĩ gọi tên ra như thế nào. Tư liệu tôi thu thập được đều vững chắc.
Blomkvist huýt gió, anh nói:
– Từ khi trở lại làm xuất bản, tôi cứ muốn kiểm tra tư liệu bằng lược bí. Lần trước kiểm tra ẩu nguồn tin, tôi đã kết thúc bằng ba tháng ngồi tù.
– Nếu các anh chị muốn in bài báo, tôi có thể đưa ra tất cả các tư liệu mà các anh chị muốn. Nhưng bán bài báo cho Millennium, tôi có một điều kiện.
– Anh muốn chúng tôi cũng phát hành cả quyển sách nữa. – Berger nói.
– Đúng thế. Tôi muốn ném nó ra như một quả bom và ngay hiện tại, Millennium là tờ tạp chí đáng tin nhất, nói thẳng nhất trong nước. Tôi tin không một nhà xuất bản nào dám cho xuất bản một quyển sách thuộc kiểu này của tôi.
– Vậy là không sách thì không bài báo? – Blomkvist hỏi.
– Tôi nghe chuyện này thấy nghiêm túc và hay đấy. – Eriksson nói.
Có tiếng Cortez lầm rầm là tán thành.
– Bài báo và quyển sách là hai chuyện khác nhau. – Berger nói. – Với tạp chí, Mikael là người phát hành và chịu trách nhiệm về nội dung. Còn về phát hành quyển sách thì tác giả chịu trách nhiệm về nội dung.
– Tôi biết. – Svensson nói. – Tôi không ngại chuyện đó. Lúc phát hành quyển sách, Mia sẽ gửi cảnh sát một bản báo cáo chống lại tất cả những ai bị tôi nêu tên ra.
– Thế này rồi sẽ khuấy một trận loạn xà ngầu lên cho mà xem. – Cortez nói.
– Chuyện mới nói có một nửa thôi. – Svensson nói. – Tôi cũng đang phân tích một số mạng máy tính kiếm tiền từ buôn bán tính dục này. Chúng tôi đang nói đến tội ác có tổ chức.
– Và ai dính vào?
– Cái quá đỗi bi kịch là ở chỗ này. Mafia tính dục là một bè lũ bỉ ổi những kẻ không ra gì. Khi bắt đầu nghiên cứu, tôi thật sự không biết mình chờ đợi cái gì ở đây nhưng như thế nào đó rồi chúng tôi – ít nhất là tôi – đã hiểu rằng mafia là một băng đảng ở trên nấc thang cao hơn của xã hội. Một số phim ảnh Mỹ về vấn đề này chắc đã góp phần vào hình ảnh đó. Bài báo về Wennerstrom của anh. – Svensson quay lại Blomkvist.
– Cũng cho thấy vấn đề đôi khi nó thật sự là như thế. Nhưng ở khía cạnh nào đó Wennerstrom là một ngoại lệ. Điều mà tôi xới lên là một băng đảng của những tên thất bại tàn nhẫn và bạo dâm không đọc thông viết thạo. Chúng là những đứa ngu ngốc hoàn toàn khi nói đến chuyện tổ chức và tư duy chiến lược. Có móc nối với những dân chơi xe máy và một phần nào với những nhóm có tổ chức hơn. Nhưng nói chung thì cai quản chuyện buôn bán tính dục là một lũ những đứa mạt hạng.
– Tất cả cái này đều được nêu bật lên trong bài báo của anh. – Berger nói.
– Chúng ta có pháp luật và lực lượng cảnh sát cùng một hệ thống tư pháp mà chúng ta tài trợ cho mỗi năm hàng triệu curon tiền thuế để xử lý chuyện buôn bán tính dục.. thế mà họ không tóm cổ nổi một lũ những tên ngu ngốc ấy.
– Đây là một sự xúc phạm ghê gớm vào các quyền con người, còn các cô gái dính líu vào thì ở dưới cùng bậc thang xã hội, quá xa cho nên không quan tâm gì đến hệ thống pháp lý. Họ không đi bầu cử. Họ nói bập bẹ tiếng Thụy Điển, trừ những chữ họ cần đến để cài đặt mánh múng. Trong các tội phạm liên quan đến buôn bán tính dục, 99,99 phần trăm không báo cáo với cảnh sát còn những cái được báo cáo thì khó dẫn đến được buộc tội. Điều này đã trở thành tảng băng trôi lớn nhất trong thế giới tội ác Thụy Điển. Hãy thử tưởng tượng các vụ cướp nhà băng đã được giải quyết uể oải như thế thì sẽ thấy. Điều này là không thể hình dung nổi. Bất hạnh là tôi đã đi đến kết luận rằng phương pháp cai quản này sẽ không sống nổi lấy một ngày vì lẽ hệ thống tư pháp về tội phạm đã đơn giản là không thiết xử lý nó. Xúc phạm các thiếu nữ ở tuổi mười mấy đến từ Tallinn và Riga không phải là quyền ưu tiên cho ai. Một gái điếm là một gái điếm. Đó là một bộ phận của chế độ.
– Và ai cũng biết thế. – Eriksson nói.
– Vậy tất cả nghĩ sao? – Berger nói.
– Tôi thích vụ này. – Blomkvist nói. – Chúng ta sẽ nhào vô vụ này đến cùng và cái này chính là tất cả lý do vì sao lại cho khởi động tờ Millennium trước tiên.
– Vì thế nên tôi vẫn cứ làm ở đây. Thỉnh thoảng giám đốc phát hành cũng cần phải liều nhảy từ trên vách đá xuống chứ. – Nilsson nói.
Mọi người đều cười, trừ Blomkvist.
– Anh ấy duy nhất là người đủ độ hâm rồ để ôm lấy công việc phát hành. – Berger nói. – Tháng Năm chúng ta sẽ làm số báo có chủ đề này. Và lúc đó sách của anh cũng ra.
– Sách xong chưa? – Blomkvist hỏi.
– Chưa. Tôi đã có toàn bộ đề cương nhưng mới viết một nửa. Nếu các anh chị tán thành xuất bản quyển sách và cho tôi tiền ứng trước, tôi có thể dành hết thời gian ra làm nó. Nghiên cứu gần như đã xong hết cả rồi. Còn lại vài chi tiết phụ – thật ra chỉ là xem lại tư liệu tôi đã biết – và đối chất các tên ngu ngốc mà tôi sẽ lôi ra để trị.
– Chúng ta sẽ cho nó ra giống như quyển sách về Wennerstrom. Tôi sẽ bỏ một tuần ra trình bày nó. – Malm gật đầu. – Và hai tuần để in. Chúng ta sẽ làm các đối chất trong tháng Ba tháng Tư rồi tóm tất cả lại vào một phần cuối cùng mười lăm trang. Ngày 15 tháng Tư sẽ có bản thảo hoàn thiện nên chúng ta có thì giờ xem xét kỹ mọi nguồn tin.
– Chúng ta sẽ làm hợp đồng như thế nào về các việc này và vân vân?
– Trước đây tôi đã có lần thảo một hợp đồng sách nhưng lần này chắc tôi phải nói chuyện với luật sư của chúng ta. – Berger cau mày. – Nhưng tôi đề nghị một hợp đồng ngắn hạn từ tháng Hai đến tháng Năm. Chúng ta sẽ không chi trả cho những râu ria thêm thắt.
– Thế là tốt với tôi. Đúng là tôi cần một món lương cơ bản.
– Không thì theo lệ thường là chia đôi mỗi bên một nửa số tiền kiếm được từ quyển sách sau khi đã thanh toán các chi phí. Anh thấy sao?
– Nghe quá hay. – Svensson nói.
– Phân công luôn. – Berger nói. – Malin, tôi muốn anh lên kế hoạch về số báo có chủ đề này. Trách nhiệm đầu sổ của anh là tháng sau khởi động thì anh sẽ làm việc với Dag và in bản thảo. Lottie, tôi muốn từ tháng Ba đến tháng Năm anh ở đây tạm thời làm trợ lý tòa soạn cho tạp chí. Anh sẽ phải đi làm đủ giờ, Malin và Mikael sẽ đỡ lưng anh khi thời gian cho phép.
Eriksson gật đầu.
– Mikael, em muốn anh phụ trách biên tập quyển sách. – Berger nhìn sang Svensson.
– Mikael kín miệng nhưng thật sự là một biên tập viên giỏi và anh ấy biết điều tra nghiên cứu. Anh ấy lấy kính hiển vi ra soi từng câu chữ của anh. Anh ấy sẽ nhào đến mỗi chi tiết như con diều hâu vồ mồi. Tôi vui là anh muốn chúng tôi xuất bản quyển sách của anh nhưng ở Millennium, chúng tôi cũng có những vấn đề đặc biệt. Chúng tôi có một hai kẻ thù chả muốn gì hơn là cho chúng tôi sập tiệm. Nếu chúng ta quyết nhào vô đến cùng để xuất bản một cái gì như quyển sách này thì nó phải chính xác trăm phần trăm. Chúng ta không cho phép bất cứ cái gì kém chính xác.
– Và tôi cũng không muốn làm nó khác với ý chị.
– Tốt. Nhưng suốt mùa xuân có ai đó nhòm ngó anh và phê bình anh đủ thứ thì anh có chịu nổi không?
– Cứ nêu ra.
– Nếu đây sẽ là một số báo có chủ đề thì chúng ta sẽ cần có nhiều bài báo hơn nữa. Mikael, em muốn anh viết về tài chính của việc buôn bán tính dục. Chúng ta đang nói đến bao nhiêu tiền mỗi năm đây? Ai kiếm tiền trong buôn bán tính dục và tiền ấy đi đâu? Chúng ta có thể tìm ra bằng chứng rằng có một số tiền nào đó đã đi đến các két sắt của Chính phủ không? Monika, tôi muốn chị điểm lại các vụ xâm hại tính dục nói chung. Nói chuyện với các nơi mà phụ nữ trú thân, với các nhà nghiên cứu, các bác sĩ và những người làm công tác phúc lợi. Hai anh chị sẽ cùng Dag viết những bài bổ trợ. Henry, tôi muốn anh phỏng vấn Mia Johansson – tự Dag không làm được việc đó. Chân dung: chị ấy là ai, chị ấy đang nghiên cứu cái gì, và kết luận của chị ấy ra sao? Rồi từ các báo cáo của cảnh sát, tôi muốn anh tiếp cận và làm các nghiên cứu đối tượng. Christer – ảnh. Tôi không biết chúng ta sẽ minh họa chuyện này như thế nào đây. Hãy nghĩ về chỗ này nha!
– Về chuyện minh họa, chắc nó là chủ đề đơn giản nhất trong mọi chủ đề. Sẽ đậm chất nghệ thuật, không thành vấn đề đâu.
– Cho tôi thêm một cái. – Svensson nói. – Trong lực lượng cảnh sát có một số ít người đang làm việc hết sức tốt. Phỏng vấn vài người trong họ có thể là một ý.
– Anh có tên một ai không? – Cortez nói.
– Có cả số điện thoại. – Svensson nói.
– Nhất. – Berger kết luận. – Chủ đề của số báo tháng Năm là buôn bán tính dục. Trọng điểm chúng ta cần làm là việc buôn bán này chống lại các quyền con người, các tên tội phạm phải được lôi ra, phải được xử như những tội phạm chiến tranh hay những đội tử thần hay những kẻ tra tấn hành hạ ở bất cứ đâu trên thế giới. Bây giờ nào, chúng ta hãy cùng đi xây dựng.