Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cô Gái Đùa Với Lửa

Chương 21

Tác giả: Stieg Larsson

Thứ Năm Phục sinh, 24 tháng Ba

Thứ Hai, 4 tháng Tư

Căn của một phương trình là con số thay được vào phương trình chứ không phải một ẩn số chuyển đổi phương trình thành ra một đồng nhất thức.

Lúc ấy người ta nói căn thỏa mãn được phương trình. Một phương trình là ngụ ý tìm ra hết các căn của nó. Người ta gọi một phương trình luôn luôn được nghiệm là một đồng nhất thức, bất kể ta chọn các giá trị cho các ẩn số của nó như thế nào.

(a + b)^2 = a^2 + 2ab + b^2

Trong tuần đầu tiên cảnh sát săn lùng, Salander sống bình yên thanh thản tại căn hộ của cô trên đường Fiskargatan. Cô tắt di động và lấy thẻ SIM ra. Cô không có ý dùng lại di động nữa. Theo dõi tin bài ở các báo chí phát hành trên mạng và các chương trình tin tức của tivi, cô đã trố mắt ngạc nhiên. Bức ảnh hộ chiếu đầu tiên được tung ra trên mạng rồi xuất hiện trong tất cả các buổi đưa tin của tivi đã làm cô cáu. Nom cô chả khác gì con ngu.

Tuy hàng năm trời cố gắng để không ai để ý đến mình, thì nay chỉ trong một đêm cô đã hóa thành một trong những cá nhân nổi tiếng nhất và được nói đến nhiều nhất ở Thụy Điển. Cô bắt đầu nhận thấy một trong các tin bài lớn nhất năm nay lại là cuộc báo động trên cả nước về một cô gái thấp bé nghi can gây ra ba vụ án mạng. Cô thú vị theo dõi các bình luận và suy diễn trên truyền thông đại chúng, mê mụ đi vì hình như bất cứ tòa báo nào cũng muốn đọc và công bố các tài liệu bí mật về lý lịch bệnh án của cô. Một tít đặc biệt đã đánh thức dậy các ký ức bị vùi sâu:

BỊ BẮT VÌ

HÀNH HUNG Ở

GAMLA STAN

Để lấn chân các đối thủ, một phóng viên ở hãng tin TT chuyên theo dõi tòa án đã sục vào một báo cáo y tế viết vào hồi Salander bị bắt vì đá một người qua đường ở ga xe điện ngầm Gamla Stan.

Cô ở Odenplan trên đường về nhà (tạm thời) với bố mẹ đỡ đầu ở Hagersten. Ở Radsmangatan, một người lạ mặt nom rõ ràng đã lên xe điện rồi lập tức chú ý đến cô. Sau đó cô phát hiện ra người này là Karl Evert Norgren, một tay chơi đàn trong ban nhạc ở Gavle. Bất chấp một nửa toa có khách, ông ta vẫn đến ngồi xuống cạnh cô và bắt đầu chọc ghẹo. Ông ta để tay lên đầu gối cô, toan bắt chuyện theo cái kiểu: “Cô theo tôi về nhà thì tôi cho hai trăm”. Cô lờ đi thì ông ta lên râu gọi cô là cái hĩm già chua loét. Cô từ chối chuyện trò và đổi chỗ ngồi ở Ga Trung tâm cũng không ăn thua.

Khi xe đến gần Gamla Stan, ông ta quàng tay ra sau ôm lấy cô, thục tay vào trong áo thun cô, thì thầm vào tai cô rằng cô là một con điếm. Đáp lại, cô huých cùi chỏ vào mắt ông ta rồi bám vào một cây cột thẳng đứng, vùng dậy đá cả hai gót giầy vào ngang sống mũi ông ta, máu liền lập tức chảy ra lênh láng.

Ăn mặc như con ma cà chớp, tóc nhuộm xanh lơ cho nên cô không có cơ lủi vào trong đám đông khi xe điện dừng lại ở sân ga. Một nhân viên trật tự và pháp luật đã túm lấy cô, đè cô xuống đất cho tới khi cảnh sát đến.

Cô rủa cái phận gái cùng sức vóc của mình. Nếu cô là đàn ông thì không ai dám tấn công. Cô chẳng thiết nói rõ tại sao lại đi đá vào mặt Karl Evert Norgren.

Cô cũng chả thấy đáng phải cố giải thích gì đó cho các nhà chức trách mặc đồng phục. Cô khăng khăng không trả lời khi các nhà tâm lý học cố xác định trạng thái tâm thần của cô. May sao vài hành khách khác, gồm cả một phụ nữ ở Harnosand, bà ta có tính kiên trì và tình cờ lại là một Nghị sĩ Quốc hội đảng Trung gian, đã quan sát toàn bộ diễn biến câu chuyện. Bà chứng nhận rằng Norgren tấn công Salander trước rồi mới nổ ra bạo hành. Cuối cùng quay ra thế nào tay Norgren này trước kia đã bị kết án hai lần vì xâm phạm tình dục, công tố viên bèn kết luận cho buông vụ án. Nhưng như thế không có nghĩa rằng báo cáo phúc lợi xã hội về cô gái vẫn được nguyên vẹn. Không lâu sau đó tòa án quận đã tuyên bố Salander không thể tự cai quản mình và cuối cùng cô gái đã phải nhận sự giám hộ của Holger Palmgren rồi sau này là Nils Bjurman.

Bây giờ tất cả các chi tiết riêng tư và bí mật này đều lên hết cả trên mạng Internet cho công chúng tiêu thụ. Biên bản về cô đã được thêm dấm thêm ớt bằng những miêu tả mùi mẫn về việc từ những năm đầu tiên đi học cô đã hay xung đột với những người xung quanh ra sao, thời mười mấy tuổi cô đã sống ở bệnh viện tâm thần cho thiếu niên như thế nào.

Đăng lên truyền thông, các chẩn đoán bệnh của Salander cứ thay đổi khác nhau tùy theo tường thuật của từng kênh phát hành, từng tờ báo. Đôi khi người ta tả cô là bệnh tâm thần, đôi khi là tâm thần phân lập hay tâm thần hoang tưởng. Tất cả báo chí đều đồng thanh cô bị khuyết tật tâm thần – muốn sao thì đó, cô không thể học hết ở trường, phải bỏ cả thi cử kia mà. Công chúng chẳng nên nghi gì chuyện cô bị mất cân bằng và thiên về bạo lực.

Khi phát hiện ra Salander là bạn của Miriam Wu đồng tính ái nữ, một số tờ báo liền lên cơn rồ cơn sốt. Wu đã xuất hiện ở sô biểu diễn trong Liên hoan Tự hào Đồng tính ái của Benita Costa, một tiết mục khiêu dâm trong đó cô chụp ảnh để vú trần, mặc quần da rách toạc với nịt đeo bít tất và giầy bốt da cao gót. Cô đã viết cho một tờ báo “xăng nhớt” những bài báo được trích dẫn rộng rãi, cũng như cô đã trả lời các câu phỏng vấn liên quan đến việc cô xuất hiện ở các sô biểu diễn này nọ. Đem gộp một đồng tính ái nữ bị nghi là giết người hàng loạt với chuyện tính dục S&M kích dâm rõ ràng đã tạo nên những điều kỳ diệu cho con số phát hành báo chí.

Do Miriam Wu không độn thổ đi trong tuần đầu tiên của bi kịch nên đã có suy diễn là cô có thể cũng lại trở thành nạn nhân của Salander hay có thể cô đã tòng phạm. Tuy nhiên phần lớn các suy diễn này chỉ giới hạn ở trong phòng tán gẫu “Lưu đày” của Internet. Mặt khác, một số báo đã ỡm ờ đưa ra lý lẽ cho rằng có lẽ việc luận án của Mia Johansson bàn về buôn bán tính dục bị tiết lộ đã là động cơ giết người của Salander – dựa trên cơ sở cô là gái điếm – theo như Sở Phúc lợi xã hội.

Đến cuối tuần thì báo chí phát hiện Salander cũng có quan hệ với một nhóm phụ nữ trẻ lân la với học thuyết ác quỷ Satan. Họ tự mệnh danh Những Ngón tay Ma quỷ và điều này khiến một nhà báo già giữ chuyên mục đã viết về bệnh mất gốc của thanh niên cùng những mối nguy dụ dỗ họ vào mọi thứ từ văn hóa đầu trọc đến hip – hop.

Khi cộp các khẳng định của báo chí đủ loại lại thì rõ ràng là cảnh sát đang săn lùng một phụ nữ mắc bệnh tâm thần và đồng tính ái từng gia nhập một giáo phái những kẻ thờ quỷ Satan bạo dâm – tự hành xác tuyên truyền cho tính dục S&M và nói chung thù ghét xã hội mà nói riêng thì thù ghét đàn ông. Và do vì năm ngoái Salander đã ra nước ngoài thì đám này có thể còn có cả các quan hệ quốc tế nữa cũng nên.

Salander chỉ một lần phản ứng rất mạnh với điều mà báo chí để lọt ra trong các gào rú của nó:

“CHÚNG TÔI SỢ CÔ TA”

Cô ta đe dọa chúng tôi, thầy giáo và bạn học nói.

Người nói câu này là một cô giáo cũ, nay là một nhà thiết kế vải vóc tên là Brigitta Miaas.

Vào hồi xảy chuyện này Salander mười một tuổi. Cô nhớ Miaas là một phụ giáo môn toán không dễ ưa, chuyên khăng khăng cố bắt cô trả lời một câu hỏi mà cô đã trả lời đúng, mặc dù theo lời đáp chuẩn trong sách giáo khoa thì cô sai. Thực tế, sách giáo khoa sai và chừng nào liên quan đến Salander thì điều đó sẽ lại bày lù lù ra trước mọi người ngay. Nhưng Miaas càng ngoan cố thì Salander càng không muốn bàn đến chuyện này. Cuối cùng cô ngồi bĩu môi ra cho đến khi Miaas hết cách đã túm lấy vai Salander mà lắc để cho cô bé chú ý đến mình. Đáp lại, Lisbeth ném luôn quyển giáo khoa vào đầu cô giáo và thế là bắt đầu om sòm um lên. Cô nhổ nước bọt và đá các bạn học toan ôm chặt lấy cô.

Bài báo là một phóng sự đăng trong một tờ báo chiều, nó dành một quãng trống ở bên in ảnh một bạn học cũ đứng trước cổng ra vào ngôi trường xưa của Salander. Đó là David Gustavsson, người bây giờ tự gọi mình là trợ lý tài chính. Anh ta tuyên bố tất cả học trò đều sợ Salander vì “cô ta từng dọa giết từng đứa một”. Salander nhớ Gustavsson là một trong số đứa hay bắt nạt nhất trường, một thằng vũ phu với chỉ số thông minh to bằng que tăm, hắn không bỏ qua một cơ hội nào để dọn bưng cho mọi người xơi các câu chửi tục cùng quả đấm ở gian sảnh nhà trường. Một lần đang trong giờ nghỉ ăn trưa ở nhà thể dục, hắn đánh cô và theo lệ thường, cô đánh trả.

Xét về thuần túy sức lực thì cô chả có cơ may nào nhưng thái độ của cô là thà chết chứ không đầu hàng. Sự tình xấu đi khi một lũ đông các bạn học quây tròn lại xem cô bị Gustavsson đánh ngã lăn ra đất rồi hắn còn đánh nữa đánh mãi. Đến lúc ấy đã thú vị rồi nhưng cô gái ngu ngốc này hình như vẫn không hiểu được rằng thế nào thì tốt với cô ta cho nên không chịu lùi bước. Thậm chí chả kêu la mà cũng chả xin tha.

Một lúc chuyện Salander bị đánh này cũng đã là quá đáng với các bạn học. Gustavsson hẳn hoi là bề trên và Salander hẳn hoi là phận lép nên hắn không mất sĩ diện. Hắn lại bắt đầu cho một chầu nữa và hắn không thể ngừng tay. Cuối cùng hắn đấm hai quả thật lực làm môi cô rách toác và cô nằm chết lịm. Các bạn học bỏ lại cô nằm bẹp một đống ở sau nhà thể dục, rồi chúng vừa cười vừa chạy đi.

Salander về nhà liếm láp các vết thương. Hai ngày sau cô đến trường với cây gậy chơi bóng chày. Ở giữa sân chơi, cô thọc một que sắt vào tai Gustavsson. Khi hắn choáng lên nằm lăn ra đất, cô bèn cúi xuống đè cây gậy lên cổ họng hắn rồi thì thầm vào tai hắn rằng nếu từ nay hắn mà còn đụng đến cô thì cô giết hắn. Khi thầy cô giáo phát hiện ra thì Gustavsson được đưa đến y tế nhà trường còn Salander thì lên phòng hiệu trưởng để bị trừng trị cũng như để nhận các lời bình phẩm vào học bạ sau này và vào các báo cáo phúc lợi xã hội còn nhiều hơn thế nữa của cô.

Mười lăm năm qua Salander đã không còn nghĩ chút nào đến Miaas hay Gustavsson. Cô thầm tính rằng khi rảnh tay đôi chút cô sẽ kiểm tra xem họ đã là cái gì cho đến hôm nay.

Việc tất cả báo chí chú ý đến Salander đã có hiệu quả chung là trước toàn thể dân cư Thụy Điển cô bỗng trở thành vừa nổi tiếng lại vừa tai tiếng. Người ta lên đồ thị, săm soi và công bố cho đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất của lai lịch cô, từ những cơn nổi xung ở trường tiểu học đến chuyện vào bệnh viện tâm thần của thiếu niên Thánh Stefan, ngoài Uppsala, nơi cô đã sống hai năm ở đó.

Cô dỏng tai lên khi bác sĩ trưởng khoa Peter Teleborian được phỏng vấn trên tivi. Lần cuối cùng cô gặp ông cách nay đã tám năm, liên quan đến phiên tòa tuyên bố cô không thể tự cai quản được bản thân. Lông mày ông xù tướng lên rồi ông gãi chòm râu thưa khi ông bối rối quay lại người phóng viên trường quay, giải thích rằng theo luật định ông phải giữ bí mật do đó ông không thể bàn đến cá nhân một người bệnh. Ông chỉ có thể nói được rằng Salander là một trường hợp cực kỳ phức tạp, rằng cô cần được điều trị chuyên khoa, rằng trái lại những chỉ dẫn của ông, lẽ ra phải cho cô được chữa chạy tại cơ sở y tế, điều mà cô yêu cầu, thì tòa án quận đã quyết định đặt cô vào chế độ giám hộ ngoài xã hội. Đây là một vụ tai tiếng, Teleborian tuyên bố. Ông ân hận rằng ba người vừa bị mất mạng là kết quả của phán xét sai lầm này và ông chắc chắn ông đã đấm được mấy quả trúng vào những cắt giảm trong môn điều trị tâm thần mà Chính phủ ép làm trong những thập niên gần đây.

Salander để ý thấy không một tờ báo nào vạch ra rằng hình thức chung nhất trong một phòng bệnh an toàn tại bệnh viện tâm thần dành cho thiếu nhi, nơi mà bác sĩ Teleborian phụ trách, là đặt “các người bệnh vô kỷ luật và không thể quản lý” vào một gian phòng “không có vật kích động”. Gian phòng chỉ có một cái giường với một dây trói. Sách giáo khoa giải thích rằng không được cho đứa trẻ vô kỷ luật tiếp nhận bất cứ “vật kích động nào” có khả năng làm nổ ra những cơn hung hãn.

Khi lớn lên cô phát hiện ra còn có một thuật ngữ nữa dùng cho điều này. Sự tước đoạt cảm xúc. Theo công ước Genève thì mọi hình thức đặt người tù vào cảnh bị tước đoạt cảm xúc đều bị xếp hạng là vô nhân đạo. Nó là một yếu tố thường được dùng trong các thí nghiệm tẩy não do các chế độ độc tài nọ kia chủ trương, người ta đã có chứng cứ rằng ở các phiên tòa tại Moscow những năm 30 các tù chính trị từng khai nhận đủ các thứ tội ác đều là đã bị đối xử theo lối tước đoạt cảm xúc này.

Trong khi Salander quan sát mặt Teleborian trên tivi, trái tim cô đã hóa thành một tảng băng nho nhỏ. Cô nghĩ ông có còn dùng thứ nước hoa gớm ghiếc sau khi cạo râu kia nữa không. Ông chịu trách nhiệm về cái điều nó quy định cô sẽ rơi vào trường hợp nào. Rõ ràng người ta đã bảo nhau đối xử với cô sao cho cô hiểu ra được hành động của mình. Salander đã nhanh chóng nhận ra rằng “một người bệnh vô kỷ luật và không thể quản lý” là chẳng khác gì một người bệnh đem trình độ chuyên môn và lý tính của ông ra chất vấn vậy.

Trong quá trình được chữa bệnh cô phát hiện thấy trên thềm của thế kỷ XXI, bệnh viện Thánh Stefan vẫn thực hành các phương pháp điều trị tâm thần phổ biến nhất hồi những năm 1500.

Cô đã qua gần nửa thời gian ở đấy, cột chặt vào cái “gian phòng không có vật kích động”.

Teleborian không bao giờ sờ mó cô, xét về tính dục. Ông ta không sờ mó gì đến cô hết, trừ trong những tình huống hồn nhiên nhất. Một lần ông đặt tay lên vai cô, như một lời nhắc nhở khi cô đang bị cột lại trong cảnh biệt lập.

Cô thầm hỏi liệu các vết răng của cô có vẫn còn hằn trên ngón tay út của ông không đây.

Toàn bộ sự việc đã phát triển thành một trò chơi đồi bại trong đó Teleborian nắm đằng chuôi. Cách cô tự vệ chỉ là không cho ông ta vào và mỗi khi ông ta ở trong gian phòng thì lờ ông ta đi hoàn toàn.

Năm mười hai tuổi cô đã được hai nữ cảnh sát viên chở đến bệnh viện Thánh Stefan. Đó là sau vụ “Tất cả Xấu xa” xảy ra một ít tuần. Cô nhớ từng chi tiết. Thoạt đầu cô nghĩ mọi chuyện có thể sẽ được giải quyết xong. Cô cố giải thích tình hình của mình cho các sĩ quan cảnh sát, nhân viên xã hội, nhân viên bệnh viện, y tá, bác sĩ, các nhà tâm lý học, thậm chí cả một vị mục sư, ông đã muốn cô cùng cầu nguyện với ông. Do cô ngồi ở ghế sau xe cảnh sát nên khi họ đi qua Trung tâm Wenner – Gren trên đường lên mạn bắc đến Uppsala, cô vẫn không biết họ đưa mình đi đâu. Không ai bảo gì cô. Chính lúc ấy cô cảm thấy mọi sự vẫn sẽ cứ như cũ, không giải quyết được.

Cô đã cố giải thích với Teleborian.

Các cố gắng của cô đã đưa đến kết quả là đêm hôm bước sang tuổi mười ba, cô bị trói nằm ở trên giường.

Teleborian là kẻ bạo dâm đáng kinh tởm và đáng thù ghét nhất mà Salander từng gặp phải. Hắn vượt Bjurman cả hàng dặm đường. Bjurman thô bạo không thể diễn tả ra lời nhưng cô có thể khống chế được hắn. Nhưng Teleborian thì nấp sau một tấm rèm những tài liệu, xác nhận, danh dự hàn lâm và một lô các trò con tườu về bệnh tâm thần. Không thể báo cáo hay phê phán bất cứ một hành động riêng lẻ nào của ông ta.

Ông được Nhà nước ủy quyền cho trói các cô gái bé bằng dây da.

Mỗi lần Salander nằm ngửa cứng đơ ra trong dây trói còn ông thì thắt chặt lại dây da và khi bắt gặp mắt ông thì cô lại thấy rõ ông đang bị kích thích. Và ông ta biết là cô biết như thế.

Cái đêm sang tuổi mười ba, cô quyết định không bao giờ trao đổi một lời nào nữa với Teleborian hay với bất cứ nhà tâm thần học nào cũng không cam chịu. Đó là món quà sinh nhật cô tặng cho mình. Và cô đã giữ lời hứa. Cô biết như thế sẽ chọc tức Teleborian và hơn bất cứ điều gì khác đã góp phần chính vào cái cảnh đêm đêm cô bị trói chặt vào giường. Nhưng đó là cái giá mà cô muốn trả.

Cô tự học lấy mọi điều về tự kiểm soát. Cô không còn các cơn nổi hung, cũng không quăng vất đồ đạc bừa bãi những ngày cô được thả ra sau khi bị biệt lập.

Nhưng cô từ chối nói chuyện với các bác sĩ.

Mặt khác cô nói năng lễ phép với các cô y tá, nhân viên cấp dưỡng, các chị em dọn phòng. Điều này đã được ghi nhận. Một cô y tá thân thiện tên là Carolina, người được Salander tương đối tin cậy, một hôm đã hỏi tại sao cô lại xử sự cái lối như vậy. Salander kỳ quặc nhìn cô y tá.

Tại sao em không nói với bác sĩ?

Tại vì các ông ấy không nghe những gì em nói.

Salander trả lời có suy nghĩ. Đây là cách cô giao tiếp với các bác sĩ. Cô biết mọi bình luận của cô đều được ghi vào y bạ, trở thành tư liệu cho thấy sự im lặng của cô là một quyết định hoàn toàn có lý tính.

Trong năm cuối cùng ở bệnh viện Thánh Stefan, Salander ít bị vào phòng biệt giam hơn. Khi bị biệt giam thì đều do cô đã chọc giận Teleborian bằng một cách nào đó, điều mà hình như hễ ông ta để mắt đến cô là cô làm ngay tức thì. Ông cố nhiều phen phá vỡ sự im lặng bướng bỉnh của cô, buộc cô phải thấy rằng ông đang có mặt.

Một lần ông kê cho Salander một thứ thuốc tâm thần nó làm cho cô không nghĩ, không thở được, điều ngược lại đã dẫn đến chỗ cô lo lắng bồn chồn. Từ đó cô từ chối uống thuốc mà kết quả là họ phải cưỡng ép cô uống trôi ba viên một ngày.

Cô chống cự dữ đến nỗi nhân viên bệnh viện phải lấy sức đè cô xuống, bóp miệng cô há ra buộc cô phải nuốt thuốc. Lần đầu, Salander móc ngay ngón tay vào cổ họng, cả bữa ăn sáng thế là nôn hết vào người hộ lý gần nhất. Sau đó mỗi lần uống thuốc cô đều bị trói chặt bằng dây da, cô bèn học được cách nôn mà không cần thọc ngón tay vào cổ. Cuộc chống cự ngang ngạnh của cô cũng như việc nhân viên bệnh viện phải tổn hao công sức đã dẫn đến chỗ ngừng uống thuốc.

Cô vừa mười lăm tuổi thì được chuyển về Stockholm sống một lần nữa với một gia đình đỡ đầu mà không có báo trước. Với cô thay đổi này xảy ra như một chấn động. Lúc này Teleborian không trông coi bệnh viện Thánh Stefan nữa. Salander cầm chắc đó là lý do khiến cho cô ra khỏi được bệnh viện. Nếu Teleborian vẫn phụ trách việc ra quyết định thì cô còn bị trói chặt vào giường trong phòng giam biệt lập.

Nay cô đang xem ông ta trên tivi. Cô thầm nghĩ liệu ông có còn tơ tưởng lăng nhăng đến việc đưa cô về cho ông chữa chạy nữa hay không hay cô đã già quá không còn khêu gợi được những ý nghĩ bậy bạ ở ông nữa. Việc ông nhắc đến quyết định của tòa án quận không bắt cô nằm bệnh viện nữa đã làm cho người phỏng vấn bất bình tuy ông ta rõ ràng không hiểu là nên hỏi thêm những gì. Không ai phản đối ý của Teleborian. Người trưởng khoa cũ ở Thánh Stefan đã chết. Ông thẩm phán tòa án quận từng chủ tọa xét xử Salander, và nay phải nhận lấy một phần vai trò của kẻ ác trong tấn bi kịch, thì đã về hưu và từ chối bình luận với báo chí.

Salander tìm thấy một trong những bài báo đáng ngạc nhiên nhất trên trang mạng của một tờ báo xuất bản ở miền trung Thụy Điển. Cô đọc nó ba lần rồi mới tắt máy tính và châm một điếu thuốc lá. Cô ngồi lên chiếc gối Ikea trên ghế bên cửa sổ, ngán ngẩm nhìn ánh sáng bên ngoài.

“CÔ TA LÀM TÌNH CẢ VỚI NAM LẪN NỮ”,

MỘT BẠN THUỞ BÉ NÓI.

Người phụ nữ hai mươi sáu tuổi bị truy nã vì liên quan đến ba vụ án mạng đã được miêu tả là một kẻ tâm thần lưỡng tính ái từng gặp khó khăn lớn trong viêc tự điều hòa với nhà trường. Tuy đã nhiều dự định tái nhập cô ta vào trong nhóm nhưng cô ta vẫn cứ làm kẻ ngoài cuộc.

“Rõ ràng cô ta có vấn đề về tính dục”, Johanna, một trong số ít bạn thân của cô ta ở trường, nhớ lại. “Sớm đã thấy rõ cô ta khác người và lưỡng tính ái. Chúng tôi rất quan ngại về cô ta”.

Bài báo kể tiếp vài chuyện mà nhà cô Johanna này nhớ được. Salander nhăn mặt. Cô không thể nhớ các chuyện này cũng như mình đã có một đứa bạn thân tên là Johanna. Thật ra cô không nhớ nổi là đã biết một ai đó có thể được tả là bạn thân hay đã cố kéo cô vào một nhóm nào trong thời gian cô còn đi học.

Bài báo cũng chả nói cụ thể những chuyện này được cho là xảy ra ở đâu nhưng mười hai tuổi cô đã bỏ học. Như thế có nghĩa người bạn thơ ấu đang quan ngại kia chắc đã phải phát hiện ra cô khi lên mười, có thể mười một tuổi đã lưỡng tính ái.

Trong dòng lũ những bài báo lố bịch cuối tuần qua, bài dẫn lời Johanna đánh Salander mạnh nhất. Nó là bịa đặt ra mặt. Hoặc nhà báo đã quàng phải một đứa mê chuyện hão huyền hoặc tự tay dựng nên tất cả. Cô nhớ tên phóng viên này, cho thêm hắn ta vào danh sách những chủ thể để mai này truy cứu.

Ngay cả các bài tường thuật tích cực hơn, những bài đã phê phán xã hội với những tít như “XÃ HỘI THẤT BẠI” hay “CÔ TA KHÔNG BAO GIỜ NHẬN ĐƯỢC SỰ GIÚP ĐỠ CẦN THIẾT” cũng làm cho cô bị biến chất thành ra một kẻ thù số một của cộng đồng – một kẻ sát nhân hàng loạt chỉ trong cơn cuồng điên mà đã thủ tiêu đi mất ba công dân đáng kính trọng.

Đọc các lời tả về đời mình này, Salander đã bị mê mụ đi một phần nào nhất định, cô nhận thấy một lỗ hổng rõ ràng trong hiểu biết của công chúng. Không thể tiếp cận đầy đủ các chi tiết đã được xếp hạng công phu nhất của cô, rõ ràng báo chí đã bỏ qua hoàn toàn “Tất cả Xấu xa”, câu chuyện xảy ra ngay trước khi cô mười ba tuổi. Thông tin được đăng lên là liệt kê ra từ nhà trẻ đến tuổi mười một và rồi lại tiếp tục khi cô ra khỏi bệnh viện tâm thần, năm mười ba tuổi.

Chắc một ai đó trong bộ phận điều tra của cảnh sát đã cung cấp thông tin cho báo chí nhưng vì những lý do mà Salander không biết, người đó đã quyết định giấu đi cái đoạn bao gồm “Tất cả Xấu xa”. Điều này làm cô ngạc nhiên. Nếu cảnh sát muốn nhấn mạnh đến xu hướng ứng xử đồi bại của cô thì với đời cô phần báo cáo này mới là điều tàn hại nhất cho tới nay. Nó chính là lý do làm cô bị đưa đến bệnh viện Thánh Stefan.

Chủ nhật lễ Phục sinh, Salander theo dõi điều tra của cảnh sát chặt chẽ hơn. Từ những điều tích cóp được từ báo chí, cô dựng nên một bức tranh về các thành viên của nó. Công tố viên Richard Ekstrom là người lãnh đạo cuộc điều tra sơ bộ và thường là người phát ngôn ở họp báo. Cuộc điều tra thực sự do thanh tra hình sự Jan Bublanski cầm trịch, một ông có phần nào quá trọng lượng trong một bộ đồ may tồi và luôn ở cạnh Ekstrom khi họ nói năng với báo chí.

Sau vài ngày Salander nhận ra Sonja Modig là thám tử nữ duy nhất trong nhóm điều tra và là người đã tìm thấy Bjurman. Cô ghi các tên Hans Faste, Curt Andersson nhưng bỏ mất Jerker Holmberg, ngỡ như chưa có bài báo nào đã nhắc đến tên ông ta vậy. Cô tạo ra ở máy tính của mình một tệp tin cho từng người của nhóm và điền thông tin vào đó.

Dĩ nhiên thông tin về cảnh sát tiến hành điều tra như thế nào được giữ trong máy tính do các cảnh sát đang điều tra sử dụng, cơ sở dữ liệu của họ được lưu trong máy chủ ở trụ sở cảnh sát. Salander biết rằng đột nhập vào mạng nội bộ của cảnh sát là cực kỳ gay go, nhưng như thế không có nghĩa là không thể làm được. Trước kia cô đã từng làm.

Một lần làm nhiệm vụ Armansky giao cho, cô đã lên sơ đồ cấu trúc mạng nội bộ của cảnh sát, tạo ra khả năng chui vào được đăng nhập hình sự để biến nó thành các lối ra vào của riêng cô. Khi toan từ bên ngoài chui vào trong máy tính cảnh sát, cô đã thất bại thảm hại – các tường lửa của cảnh sát quá tân kỳ và cài đầy các loại bẫy, điều sẽ đưa đến sự thận trọng mà họ không hoan nghênh.

Mạng nội bộ cảnh sát là một thiết kế cực hiện đại với hệ cáp riêng, nó được che chắn với các kết nối từ bên ngoài và với ngay cả Internet. Nói cách khác, cô cần phải có một sĩ quan cảnh sát đang làm việc về vụ của cô và được phép vào mạng, hoặc tốt nhất là làm cho mạng nội bộ của cảnh sát tin rằng cô được phép vào mạng. May sao ở mặt này, các chuyên gia an ninh của cảnh sát đã để ra một khoảng trống. Các đồn cảnh sát trên cả nước đều kết nối với mạng và một số trong đó là những đơn vị địa phương nhỏ bé ban đêm không có người trực và cũng không cả báo động đột nhập hay các đội tuần tra an ninh. Đồn cảnh sát ở Langvik bên ngoài Vasteras là một trong số đó. Nó chiếm khoảng 130 mét vuông trong cùng tòa nhà có thư viện công cộng và sở bảo hiểm xã hội khu vực, ban ngày được ba sĩ quan trông coi.

Hồi bấy giờ Salander đả không phá đư 3852 ợc vào mạng để điều tra cái việc cô đang làm nhưng cô đã quyết định là để vào lọt được nó cho các lần điều tra mai sau thì cũng đáng bỏ công và chút ít thì giờ ra. Nghĩ đến các khả năng rồi cô đã làm đơn xin vào làm việc mùa hè trong thư viện ở Langvik. Trong một lần nghỉ sau nghĩa vụ quét dọn vệ sinh cô đã bỏ ra mười phút ở trong bộ phận kế hoạch để sao y chi tiết toàn bộ căn nhà. Có có chìa vào tòa nhà nhưng không sao vào được các văn phòng cảnh sát, chuyện này cũng là hiểu được. Nhưng cũng chẳng mấy khó khăn cô đã phát hiện ra rằng cô có thể trèo vào văn phòng cảnh sát qua cửa sổ buồng tắm ở tầng bốn vốn thường để ngỏ những đêm hè nóng nực. Một công ty bảo hiểm tự do đến tuần tra đồn cảnh sát mỗi đêm một phiên, nhiều nhất là hai. Nực cười thế chứ lại.

Cô mất năm phút để tìm tên người sử dụng máy cùng mật khẩu để ở dưới tấm thảm trên bàn làm việc của đồn trưởng cảnh sát, cô đã để cả một đêm thử nghiệm tìm hiểu cấu trúc mạng lưới cũng như nhận ra đồn trưởng có loại truy cập nào và loại truy cập nào đã được xếp hạng là vượt ra ngoài địa bàn của các nhà chức trách sở tại. Như một phần thưởng, cô cũng lấy được tên người sử dụng máy và mật khẩu của hai sĩ quan cảnh sát sở tại. Một trong họ là Maria Ottosson 32 tuổi và, trong máy tính của nữ sĩ quan này, Salander phát hiện thấy chị ta mới làm đơn đơn xin và được chấp nhận làm thám tử ở phòng chóng gian lậu của cảnh sát Stockholm. Salander có được đầy đủ quyền quản trị máy của Ottosson, chị ta đã để chiếc máy xách tay Dell trong ngăn kéo bàn làm việc không khóa. Vậy Ottosson là một cảnh sát có một máy tính xách tay riêng mà chị ta dùng trong công việc chung. Rất hay. Salander mở máy, cài đĩa CD của mình với chương trình Asphyxia 1.0 vào, phần mềm gián điệp đầu tiên của cô. Cô tải phần mềm xuống hai nơi, một là phần hoạt động hòa nhập của Microsoft Internet Explorer và hai là phần tái lập ở trong sổ địa chỉ của Ottosson. Salander nhận thấy dù Ottosson có mua máy tính mới thì chị ta vẫn sẽ sao sổ địa chỉ của chị ta sang. Và cơ hội là mấy tuần tới khi chị ta đến nhận công việc ở phòng chống gian lậu tại Stockholm thì chị ta sẽ chuyển sổ địa chỉ của mình sang máy tính ở đó.

Salander cũng cài phần mềm vào các máy tính để bàn của các sĩ quan, như vậy cô có thể thu lượm dữ liệu từ bên ngoài và chỉ cần đánh cắp căn cước của họ là cô có thể điều chỉnh được sổ đăng ký tội phạm. Tuy nhiên cô phải thực hành hết sức thận trọng. Phòng an ninh của cảnh sát có hệ báo động tự động nếu như một sĩ quan sở tại trong giờ làm việc mà lại nhập hệ thống mạng bên ngoài hoặc nếu số lượng những thay đổi tăng lên quá dữ. Nếu cô “câu” lấy thông tin của các cuộc điều tra mà thường tình cảnh sát sở tại không liên can, thì cô sẽ kích hệ báo động làm việc.

Cả năm ngoái cô đã làm việc cùng với Dịch Bệnh, người cộng sự để kiểm soát mạng nội bộ của cảnh sát. Nó chứng tỏ là đầy rẫy khó khăn cho nên cuối cùng họ đã bỏ dự định đó nhưng trong quá trình họ cũng đã tích lũy được gần như một trăm căn cước cảnh sát mà họ có thể mượn dùng tùy ý.

Dịch Bệnh đã có một đột phá khi anh đột nhập thành công vào máy tính gia đình của trưởng phòng An ninh Dữ liệu cảnh sát. Ông là một nhà kinh tế dịch vụ dân sự không có kiến thức sâu về thông tin nội bộ nhưng lại có vô thiên lủng thông tin ở trong máy tính xách tay của ông. Sau đó Salander và Dịch Bệnh đã có cơ hội, nếu không truy cập thì ít nhất cũng là phá tàn phá hại mạng nội bộ của cảnh sát bằng virus đủ kiểu đủ loại – một hành động mà cả hai chả thèm làm. Họ là tin tặc chứ không phải kẻ phá hoại. Họ muốn truy cập vào các mạng đang vận hành chứ không là để phá hoại chúng.

Bây giờ Salander kiểm soát danh sách của cô thì thấy không cá nhân nào mà căn cước đã bị cô lấy cắp mất lại đang làm việc với cuộc điều tra về ba vụ án mạng – điều này vượt ngoài hy vọng. Nhưng cô có thể vào được mà không bị rắc rối lắm và đọc các chi tiết về lệnh báo động toàn quốc, kể cả những cáo thị về bản thân cô. Cô phát hiện thấy cảnh sát đã nhìn thấy và theo dõi cô ở Uppsala, Norrkoping, Goteborg, Malmo, Hassleholm và Kalmar cũng như họ đang cho lưu hành một hình ảnh mà máy tính đã xếp loại, cho ra một ý niệm tốt hơn về cô nom giống như thế nào.

Trong toàn bộ chú ý của báo chí, một trong số lợi thế nho nhỏ của Salander là người ta có quá ít các bức ảnh về cô. Ngoài bức ảnh hộ chiếu cũ hồi bốn tuổi, bức cũng được dùng cho bằng lái xe và một bức cảnh sát chụp cho vào hồ sơ lúc cô mười tám (nom không giống tí nào với bây giờ) chỉ có ít ảnh ở trong các niên giám nhà trường và các bức do một thầy giáo chụp về một chuyến đi dã ngoại vào khu bảo tồn tự nhiên Nacka khi cô mười hai tuổi. Bức ảnh về chuyến đi dã ngoại này cho thấy một bộ mặt loa lóa ngồi hơi xa cách với mọi người.

Bức ảnh hộ chiếu cho thấy cô nhìn tho ló, hai môi mím chặt, đầu hơi chúi về đằng trước. Nó hợp với hình ảnh của một tên sát nhân lạc hậu, phi xã hội và báo chí đã in ra hàng triệu bức như vậy. Được cái hay là cô nay nom quá khác đến mức rất ít người nhận ra được nó ở cô trong đời thật.

Cô lý thú đọc chân dung ba người bị giết. Thứ Ba báo chí bắt đầu bơi đứng tại chỗ, và do thiếu bất cứ phát giác mới hay quan trọng nào trong chuyện săn lùng Salander nên họ tập trung vào các nạn nhân. Dag Svensson, Mia Johansson và Nils Bjurman đã được phác họa chân dung ở trong một bài dài của một tờ báo chiều.

Nils Bjurman đã hiện ra như một vị luật sư được kính trọng và quan tâm đến xã hội, tham gia phong trào Hòa bình Xanh và có “cam kết với giới trẻ”. Một cột báo đã được dành cho Jan Hakansson, đồng nghiệp và bạn thân của Nils Bjurman, người có một văn phòng ở cùng trong chung cư. Hakansson xác nhận hình ảnh Bjurman là một người đấu tranh cho quyền lợi của những con người thấp bé. Một viên chức dân sự tại công ty bảo hiểm thì tả ông ta như một người chân tình gắn bó với đám trẻ mà ông giám hộ.

Salander mỉm nụ cười méo xệch đầu tiên trong ngày.

Người ta tập trung chú ý nhiều đến Johansson, nữ nạn nhân trong tấn bi kịch. Cô được tả là một phụ nữ trẻ cực kỳ thông minh và dịu hiền đã từng có kỷ lục ấn tượng về thành tích và một sự nghiệp sáng sủa ở trước mặt. Các bạn bè và đồng sự ở đại học bị chấn động và một giáo sư đỡ đầu đều đã có bình luận. Tất cả đều hỏi một câu: “Tại sao?” Những bức ảnh cho thấy hoa và nến thắp sáng ở ngoài cửa tòa chung cư ở Enskede.

So với cô, không gian dành cho Svensson rất ít. Anh được tả là một phóng viên sắc nhọn, không biết sợ. Nhưng chú ý chính hướng về người đối tác của anh.

Nhận ra thấy cho đến tận Chủ nhật Phục sinh mọi người hình như mới biết Svensson đang làm một phóng sự lớn cho tạp chí Millennium, Salander đã chỉ ngạc nhiên vừa phải. Và thậm chí cả ngay lúc ấy các bài báo cũng không nói gì đến cái việc mà anh đang làm kia.

Cô không đọc lời trích mà Blomkvist gửi đến cho Aftonbladet. Mãi tới khuya thứ Năm, khi buổi tin của tivi nhắc tới nó, cô mới nhận ra Blomkvist đã có dụng ý đưa ra thông tin đánh lạc hướng. Anh nói Svensson đã dính dáng vào việc viết một tường thuật về an ninh máy tính và tin tặc bất hợp pháp.

Salander chau mày. Biết thế là sai giả, cô nghĩ Millennium định chơi trò gì đây. Rồi hiểu ra thông điệp, cô mỉm nụ cười méo xệch lần thứ hai trong ngày. Cô kết nối vào máy chủ ở Hà Lan, bấm chuột hai cái vào biểu tượng có tên MikBlom/laptop. Cô tìm thư mục và tư liệu [Gửi Sally] liền bày ra thù lù ở giữa màn hình. Cô bấm chuột hai cái rồi đọc.

Rồi cô ngồi nhìn đăm đăm bức thư của Blomkvist một lúc lâu. Cô vật lộn với những tình cảm trái nghịch nhau. Cho đến hiện nay cô đang chống lại gần như cả nước Thụy Điển, điều này xét về sự đơn giản của nó thì là một phương trình hoàn toàn trang nhã và sáng suốt. Nay thình lình cô có một đồng minh, hay ít nhất một đồng minh tiềm ẩn, tuyên bố anh ta tin cô vô tội. Và dĩ nhiên đây có lẽ là người duy nhất ở Thụy Điển mà cô không muốn gặp lại ở trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cô thở dài. Blomkvist mãi cứ là một nhà cách tân ngây ngô. Từ năm mười tuổi Salander đã hết ngây thơ.

Không có những người ngây thơ. Nhưng lại có những mức độ khác nhau về tinh thần trách nhiệm.

Bjurman chết vì hắn đã chọn chơi phạm vào cái luật cô đặt ra. Hắn đã có mọi cơ may cho tới khi hắn thuê một tên đực rựa để hãm hại cô. Điều ấy không thuộc về trách nhiệm của cô.

Nhưng việc Blomkvist liên can thì không thể đánh giá thấp. Anh có thể có ích.

Anh giỏi giải các bài đố và anh ương bướng không ai sánh bằng. Cô đã nhận ra những điều đó ở Hedestad. Đã ngoạm răng vào một cái gì thì chỉ đơn giản là anh không có nhả ra. Anh thực sự ngô nghê. Nhưng anh có thể đến những nơi cô không thể đến. Anh có thể có ích cho tới khi cô ra được nước ngoài an toàn. Đó là điều mà cô cho rằng cô sẽ buộc phải làm sớm.

Không may là khó bề kiểm soát nổi Blomkvist. Anh cần một lý do cho việc anh làm. Và anh cũng cần cả một chứng lý đạo đức nữa.

Nói cách khác, hoàn toàn có thể tiên đoán được anh. Cô nghĩ một lúc rồi tạo một tư liệu mới mà cô gọi là [Gửi MikBlom] rồi viết một chữ duy nhất.

Zala

— —

Như thế anh sẽ có một chút gì đó để nghĩ đến.

Cô còn ngồi đó nghĩ thì để ý thấy Blomkvist đã chạy máy của anh. Đọc xong thư cô, anh liền trả lời ngay:

Lisbeth,

Cái nhà cô phá quấy này. Zala là đồ quái quỷ gì? Hắn là mối liên hệ ư? Cô biết ai giết Dag và Mia không? Nếu biết thì bảo tôi để chúng ta có thể giải quyết cái mớ rắc rồi này mà còn đi ngủ. Mikael.

— —

OK. Đã đến lúc bấu lấy anh chàng rồi.

Cô tạo một tư liệu mới gọi nó là [Kalle Blomkvist]. Cô biết thế này sẽ làm anh ngẩn ra đây. Rồi cô viết một thư ngắn:

Là nhà báo thì anh hãy tìm lấy đi chứ!

— —

Như biết trước, anh đáp lại ngay, kêu gọi cô hãy lắng nghe lý tính và anh thử tác động đến tình cảm của cô. Cô mỉm cười và đóng kết nối của cô vào ổ cứng của anh.

Bây giờ cô bắt đầu chõ mũi vào quanh quẩn đây đó, cô dịch lên mở ổ cứng của Armansky. Cô đọc bản báo cáo ông viết về cô sau ngày lễ Phục sinh. Không rõ bản báo cáo gửi ai nhưng cô cho rằng giải thích có lý nhất là Armansky đang làm việc với cảnh sát để giúp đưa cô vào cuộc.

Cô để một lúc xem qua hết email của Armansky nhưng không tìm thấy gì lý thú. Đúng lúc cắt mạch, cô thấy hiện lên một thư gửi cho người phụ trách kỹ thuật của An ninh Milton, chỉ thị cài đặt một máy quay phim ẩn kín theo dõi trong buồng giấy của ông.

Bingo. Đúng rồi.

Cô xem ngày giờ, thấy thư này gửi đi một giờ sau khi cô đến thăm xã giao hồi cuối tháng Giêng. Như thế có nghĩa là hệ thống theo dõi tự động ở đó cần phải được cô điều chỉnh một số thủ tục quen thuộc nào đó rồi mới có chuyến viếng thăm tiếp theo tới buồng giấy của Armansky.

Bình luận
× sticky