Sáng hôm ấy,, người hầu gái trẻ vào phòng Mary cời thêm lửa trong lò sưởi và khiến nó thức giấc. Chị ta quỳ trên tấm thảm trước lò sưởi để cào than cháy dở nên gây ra tiếng động. Mary vẫn nằm, ngắm chị ta một lúc rồi đưa mắt khắp phòng.
Nó chưa bao giờ thấy một căn phòng nào như thế, và nghĩ rằng căn phòng này thật lạ lùng, ảm đạm. Các bức tường đều được phủ kín bằng những tấm thảm có thêu cảnh rừng cây. Kia là những người ăn mặc phóng túng đứng dưới gốc cây, và xa hơn nữa là bóng dáng mấy tháp canh của một toà lâu đài. Rồi thì cảnh người đi săn, ngựa nghẽo, bầy chó săn và cả mấy phu nhân nữa.Mary có cảm tưởng như nó đang sống trong khu rừng ấy với họ.
Phóng tầm mắt qua cửa sổ, nó nhận ra cả một vùng đất đai trải rộng mênh mông dường như không một bóng cây, nom tựa một đại dương vô tận, màu hung đỏ và chán ngắt.
– Gì thế kia? – Nó hỏi, chỉ tay ra ngoài cửa sổ. Martha, người hầu gái trẻ nhỏm người lên nhìn, tay cũng chỉ theo.
– Ngoài kia ấy ạ? – Chị hỏi.
– Phải.
– Đấy là cánh đồng hoang, – chị đáp với nụ cười hiền hậu. – Cô có thích không?
– Không, – Mary đáp. – Tôi ghét nó.
– Chẳng qua là vì cô chưa quen ở đây đấy thôi. – Martha vừa nói, vừa quay trở lại trước lò sưởi. Chắc cô cho rằng nó quá rộng và trống trải. Nhưng rồi cô sẽ thấy thích nó cho mà xem.
– Thế còn chị? – Mary dò hỏi.
– Ầy, tôi thích chứ! – Martha vui vẻ đáp, tay vẫn lau chiếc ghi lò. – Tôi yêu nó lắm. Nó chẳng trống trải tẹo nào. Khắp vùng này phủ đầy những cây cỏ mang hương vị ngọt ngào. Vào mùa xuân hay mùa hè thì lại càng đáng yêu hơn khi thạch thảo, kim tước và đậu chổi trổ toàn hoa là hoa. Thơm tựa mật ong. Không gian tràn ngập không khí trong lành – bầu trời cao vời vợi, từng bầy ong vo vo và chim chiền chiện thì cất tiếng hót lảnh lót mới dễ thương làm sao. Chà! Tôi sẽ chẳng bao giờ sống xa cánh đồng hoang dù có cái gì đi nữa.
Mary lắng nghe chị ta với vẻ mặt bối rối, nghiêm trang. Đám gia nhân người địa phương mà nó đã quen ở Ấn Độ hoàn toàn không giống thế này. Họ đều có vẻ khúm núm và quỵ luỵ chứ không dám chuyện trò bình đẳng với chủ như thế. Họ thường chào kiều salam(7), và gọi chủ mình là “người bảo hộ cho kẻ nghèo” cùng nhiều cái tên tương tự. Các gia nhân người Ấn được yêu cầu chỉ biết làm chứ không được thắc mắc. Chẳng lấy đâu ra thói quen nói “làm ơn” hoặc “cảm ơn” và Mary vẫn thường lăng mạ Ayah của nó mỗi khi nó tức giận.
Nó hơi ngỡ ngàng tự hỏi không biết cô gái này sẽ làm gì nếu có kẻ dám lăng mạ cô. Cô ta mộc mạc ưa nhìn, hồng hào và tròn lẳn, nhưng ở chị ta có một vẻ vững chãi khiến cô chủ Mary thầm nghĩ không biết chị ta có phản ứng lại nếu người sỉ nhục mình chỉ là một đứa bé gái.
– Chị là một người ở kỳ lạ, – Mary vẫn vùi mặt trong mấy chiếc gối nói với vẻ khá cao ngạo.
Martha ngồi xổm, tay cầm chiếc bàn chải màu đen, chị bật cười không một chút bực tức.
– Vâng, tôi cũng biết thế, – chị đáp. – Nếu như có một bà lớn ở Misselthwaite thì tôi thậm chí cũng không bao giờ được làm phụ hầu gái nữa kia. Có lẽ tôi chỉ được một chân ở phòng rửa bát là cùng, mà tôi cũng chẳng khi nào được phép lên gác. Tôi quá tầm thường, thêm cái giọng Yorkshire quá nặng. Nhưng đây là ngôi nhà lạ lùng, mặc dù nó thật tuyệt vời. Có vẻ như ông Pitcher và bà Medlock là Ông chủ và Bà chủ duy nhất ở đây. Ông Craven ư, ông ấy chằng bao giờ bận tâm về điều gì khi sống ở đây, mà ông ấy thì thường xuyên xa nhà. Bà Medlock vì lòng tốt đã cho tôi một chỗ ở. Bà ấy bảo tôi rằng bà ấy sẽ không khi nào cư xử như vậy nếu như Misselthwaite cũng giống các dinh thự khác.
– Chị sắp thành người hầu của tôi phải không? – Mary hỏi, nó vẫn giữ cái cung cách ngạo mạn từ hồi nhỏ khi còn ở Ấn Độ.
Martha bắt đầu chùi cái ghi lò lần nữa. – Tôi là người hầu của bà Medlock, – chị nói với vẻ cả quyết, còn bà ấy là người hầu của ông Craven. Tôi phải làm phận sự của người hầu gái ở đây và đang đợi cô sai bảo. Nhưng cô cũng chẳng cần gì lắm thì phải.
– Ai sẽ mặc quần áo cho tôi? – Mary đòi hỏi.
Martha nhỏm dậy lần nữa và nhìn chòng chọc. Chị vẫn nói bằng giọng Yorkshire nằng nặng, vẻ kinh ngạc.
– Chẳng nhẽ cô không tự mặc quần áo được hay sao!
– Ý chị là gì? Tôi không hiểu ngôn ngữ của chị.
– Ồ, tôi quên khuấy đi mất. – Martha bảo. – Bà Medlock có dặn tôi phải nói năng cẩn thận kẻo cô không hiểu những điều tôi nói. Ý tôi là chẳng nhẽ cô không tự mặc quần áo được sao?
– Không. – Mary đáp một cách tức giận. –Từ bé tới giờ tôi chưa bao giờ làm việc đó. Người hầu của tôi phải mặc quần áo cho tôi, đó là việc đương nhiên.
– Chà, – Martha thót lên, rõ ràng không chút ý thức rằng mình đang hỗn láo, – thế thì đến lúc cô phải học rồi đấy. Cô không thể cứ trẻ con mãi như thế được, vậy thì cứ đợi chút cũng tốt thôi. Mẹ tôi luôn bảo bà không tài nào hiểu nổi tại sao các trẻ con các nhà quyền quý lại không biết bẻ chiếc bánh put-đinh cho đúng cách, cái gì cũng phải bảo mậu, nào giặt giũ, nào mặc quần áo, nào đưa đi dạo, như thể đó là những chú chó con vậy!
– Thật khác hẳn ở Ấn Độ, – Cô chủ Mary nói vẻ khinh khỉnh. – Khác hẳn đấy! – Nó thấy khó mà có thể chịu đựng điều này.
Martha cũng chẳng vừa.
– Ờ, tôi cũng thấy khác hẳn, – chị trả lời với vẻ thông cảm. – Tôi dám nói rằng chẳng qua ở đó có quá nhiều người da đen, lại có ít người da trắng đáng kính. Lúc nghe nói cô sắp từ Ấn Độ trở về, tôi cứ ngỡ cô là người da đen cơ đấy.
Từ trên giường, Mary ngồi bật dậy, cáu tiết.
– Cái gì! Cái gì! Chị nghĩ tôi là người bản xứ chắc. Chị… chị là đồ con lợn!
Martha nhìn nó chòng chọc, trông vẻ mặt chị thật giận dữ.
– Cô vừa nhắc tới ai đấy? Cô không cần phải bực bội đến thế. Đó không phải là cách nói năng của một tiểu thư. Tôi chẳng có vấn đề gì với đám da đen ấy. Khi đọc về họ trong sách cổ ta chỉ nhận thấy họ là những người vô cùng mộ đạo. ta luôn đọc thấy lời dạy rằng người da đen cũng là con người và là anh em với ta. Tôi chưa bao giờ gặp một người da đen, và tôi rất sung sướng khi nghĩ rằng tối sắp được gặp họ trong một ngày gần đây. Lúc tôi vào nhóm lửa phòng cô sáng nay, tôi đã rón rén tới bên giường cô và nhẹ nhàng kéo tấm chăn để ngắm cô. Thì ra cô là… tôi thất vọng quá, cũng chẳng đen hơn tôi là mấy. Có thế mà cô cũng hét lên. Mary không thèm kiềm chế cơn thịnh nộ và nỗi bẽ bàng của nó.
– Chị nghĩ tôi là bọn dân bản xứ à! Chị dám thế à! Chị không hiểu chút nào về dân bản xứ hết! Chúng không phải là người. Chúng chỉ là bọn tôi tớ, lúc nào cũng cúi đầu chào lạy người ta. Chị không hiểu gì về xứ Ấn Độ hết. Chị chẳng biết cái quái gì cả!
Con bé đang bị một cơn giận cuốn đi và giờ nó thấy tuyệt vọng trước cái nhìn chằm chằm bình thản của cô gái, tồi không rõ tại sao nó bỗng cảm thấy cô đơn kinh khủng, thấy mọi thứ đều xa lạ với nó, nó gieo mình xuống, vùi mặt vào mấy chiếc gối rồi bật khóc nức nở.Nó thổn thức không sao nén lại được đến nỗi chị Martha người Yorkshire với bản tính tốt bụng cũng thấy mủi lòng xót thương. Chị tiến đến bên giường, cúi xuống con bé.
– Ôi, cô không được khóc như thế đâu! – Chị khẩn khoản van xin. – Cô phải thề là không khóc nữa. Tôi quả không nghĩ cô lại phật lòng. Tôi thật chẳng biết gì sất, đúng như cô nói. Tôi xin cô tha thứ, thưa cô. Đừng khóc nữa.
Một cái gì đó thật thân thiết và dễ chịu trong lối nói Yorkshire kỳ quặc của chị, cả cái vẻ vững vàng, cứng cỏi của chị nữa cũng tác động tới Mary. Con bé dần dà nín khóc và im hẳn. Nom Martha cũng đã bớt căng thẳng.
– Đến lúc cô phải dậy rồi, – chị nói. – Bà Medlock bảo tôi phải dọn cho cô bữa sáng với trà, và bữa tối ở phòng bên cạnh. Nơi này đã được sửa lại thành phòng trẻ cho cô. Kho cô ra khỏi giường, tôi sẽ giúp cô mặc áo nếu cô không thể cài các khuy sau lưng được.
Cuối cùng, Mary quyết định ngồi dậy. Bộ đồ mà Martha lấy từ tủ quần áo không phải bộ mà nó đã mặc khi đến đây vào đêm hôm trước cùng bà Medlock.
– Bộ này không phải của tôi. Bộ của tôi màu đen cơ.
– Đây chính là bộ mà cô phải mặc – Martha đáp. – Ông Craven đã lệnh cho bà Medlock tìm mua chúng ở tận Luân Đôn kia đấy. Ông ấy bảo: “tôi không muốn thấy một đứa trẻ mặc đồ đen đi đi lại lại như một hồn ma”. Ông ấy còn nói: “Điều đó khiến nơi này càng trở nên buồn bã. Hãy phủ màu sắc rực rỡ lên người con bé.” Mẹ tôi bảo bà hiểu ý ông ấy muốn nói gì. Bà luôn hiểu suy nghĩ của người khác. Bà không bao giờ giữ màu đen bên mình.
– Tôi căm ghét những thứ màu đen, – Mary bảo.
Việc mặc quần áo cũng giúp cả hai hiểu ra môt điều gì đó. Martha đã từng “cài khuy” cho các em gái bé bỏng của chị, và cả mấy đứa em trai nữa, nhưng quả thật chị chưa bao giờ thấy một đứa trẻ nào cứ đứng ngây ra chờ người khác làm mọi việc cho nó như thể nó chẳng có tay chân vậy.
– Tại sao cô không tự đi giày vào? – cô bảo nó vì thấy Mary vẫn không hề nhúc nhích hai chân.
– Ayah của tôi phải làm việc ấy, – Mary trả lời, vẫn nhìn chằm chằm. – Đó là tục lệ. Nó rất hay nói thế – “Đó là tục lệ”. Ngay cả đám gia nhân bản xứ cũng thường nói thế. Giá có ai bảo họ làm một việc gì mà ông bà tổ tiên họ đã không làm từ hàng nghìn năm qua thì hẳn họ sẽ trừng mắt giận dữ với người đó và bảo: “Đấy không phải là tục lệ”, và người đó hiểu ngay rằng nên kết thúc chủ đề đó cho xong đi.
Làm gì có cái lệ là Cô chủ Mary phải tự làm mọi thứ, ngoài việc đứng để người ta mặc quần áo cho mình như một con búp bê. Nhưng trước khi vào bữa sáng, nó đâm ra hồ nghi không rõ cuộc đời ở Trang viên Misselthwaite này liệu rời có dạy cho nó vô vàn những điều hoàn toàn mới mẻ – như đi giày, đi tất, rồi nhặt những vật đánh rơi.
Nếu Martha được dạy dỗ đúng đắn để làm hầu gái cho một tiểu thư trẻ thì chị ta cần khúm núm và kính cẩn hơn mới phải, chị ta cũng nên hiểu bổn phận của mình là chải tóc, đi giày, nhặt đồ vật và để gọn chúng lại. Nhưng dẫu sao thì, chị ta cũng là một con người mộc mạc chất phác vùng Yorkshire, sinh ra trong một túp lều gianh nơi vùng đất hoang vu với một bầy lít nhít em trai em gái, chẳng dám mơ đến gì khác ngoài việc hầu hạ phục dịch hoặc trông nom đám em vẫn đang chập chững đi và ngã nhào.
Nếu Mary Lennox là một đứa trẻ biết đùa thì hẳn nó sẽ bật cười trước sự mau mồm mau miệng của Martha, nhưng Mary chỉ nghe chị với vẻ lạnh lùng, và ngạc nhiên trước cử chỉ thoải mái của chị. Thoạt đầu nó chẳng mấy quan tâm, nhưng dần dà, khi chị cứ huyên thuyên trò chuyện với vẻ hồn nhiên than mật, thì Mary bắt đầu chú ý tới những điều chị nói.
– Ôi, cô nên gặp tất cả bọn tôi. 12 người chúng tôi. Cha tôi chỉ kiếm được 16 si-ling mỗi tuần. Tôi có thể nói với cô rằng với số tiền đó mẹ tôi chỉ đủ lo cháo đặc cho cả nhà. Bọn trẻ cứ chạy đùa trên cánh đồng hoang vu đó cả ngày, mẹ tôi bảo chính không khí của đồng hoang đã vỗ béo chúng. Bà còn bảo bà tin rằng chúng ăn cỏ như loài ngựa hoang vậy. Thằng Dickon nhà chúng tôi năm nay đã mười hai tuổi, nó cũng có một con ngựa non mà nó luôn bảo là của riêng nó.
– Cậu ta kiếm được con ngựa đó ở đâu? – Mary hỏi. – Thằng Dickon tìm thấy con ngựa từ lúc nó còn bé tẹo trên cánh đồng hoang cùng với mẹ của nó, và từ đó Dickon làm bạn với nó, cho nó ăn vụn bánh, lại tìm cỏ tươi cho nó. Con vật tỏ ra mến thằng bé, lẽo đẽo theo Dickon suốt ngày rồi cho nó ngồi trên lưng. Dickon là một đứa tốt bụng nên súc vật đều yêu mến nó.
Mary chưa bao giờ có được một con vật cưng của riêng mình, và đã luôn nghĩ rằng nó nên có một con. Bởi vậy, nó bắt đầu cảm thấy hơi thinh thích thằng Dickon. Nếu như trước đây nó chẳng thèm quan tâm đến ai khác ngoài bản thân, thì lúc này trong nó bắt đầu nhen lên một thứ tình cảm lành mạnh tự nhiên.
Khi vừa bước chân vào căn phòng đã được sửa lại thành phòng trẻ cho nó, con bé nhận thấy nơi này khá giống với căn phòng nó đã từng ngủ. Đây không phải căn phòng dành cho trẻ con mà cho một người trưởng thành, với dăm ba bức tranh cổ u ám trên tường và đây đó vài chiếc ghế cổ bằng gỗ sồi nặng trịch.
Trên cái bàn kê giữa phòng đã thấy dọn sẵn bữa điểm tâm thịnh soạn. Con bé vốn chẳng mấy khi ăn uống ngon miệng nên chỉ thờ ơ liếc qua chiếc đĩa mạ bạc đầu tiên Martha đặt trước mặt nó.
– Tôi không thích món này, – nó bảo.
– Cô không thích món cháo này ư! – Martha thốt lên vẻ ngờ vực.
– Không.
– Cô không biết nó ngon lành như thế nào đâu? Cho một chút mật hoặc đường vào thì tuyệt.
– Tôi không thích món này, – Mary nhắc lại.
– Chao ôi! – Martha kêu lên. – Tôi không sao chịu nổi khi nhìn thấy thức ăn đồ uống ngon lành bị bỏ phí. Giá bọn trẻ nhà chúng tôi được ngồi vào bàn này thì chúng sẽ chén sạch chỗ ấy trong vòng năm phút.
-Tại sao? – Mary hỏi vẻ lạnh lùng.
– Tại sao à! – Martha đay lại. – Bởi vì hiếm khi chúng được no bụng trong đời. Chúng luôn đói khát như bầy diều bầy cáo vậy.
– Tôi quả không hiểu bị đói là gì, – Mary nói với vẻ hững hờ của kẻ không biết tới cái cảm giác này.
Martha trông có vẻ phẫn nộ.
– Hừ, cứ thử xem, chắc là tốt cho cô đấy, tôi thì thấy quá rõ, – chị nói toạc ra – tôi không đủ kiên nhẫn với những người chỉ ngồi giương mắt nhìn bánh mì với thịt ngon lành. Trời ơi! Tôi chỉ ao ước Dickon, Phil và Jane và những đứa còn lại có được những gì tại đây.
– Sao chị không mang về cho họ, – Mary gợi ý.
– Những thứ này không phải của tôi, – Martha trả lời thẳng thắn.– Vả lại, hôm nay cũng không phải ngày về nhà của tôi. Tôi được phép về mỗi tháng một lần, coi như ngày nghỉ. Lúc ấy, tôi về ngay nhà và lai dọn nhà giúp mẹ, để bà có được một ngày nghỉ ngơi.
Mary nhấp ngụm trà, ăn chút bánh mì nướng và mứt cam.
– Cô mặc cho ấm vào, rồi ra ngoài mà chơi. Như thế cô sẽ thấy sảng khoái, có đói bụng thì ăn mới ngon miệng.
Mary bước tới bên cửa số. Ngoài kia là vườn tược cùng mấy con đường mòn và dăm cái cây lớn, nhưng cảnh vật trông ảm đạm tựa mùa đông.
– Ra ngoài ư? Tại sao tôi phải ra ngoài vào một ngày như thế này?
– Nếu cô không muốn ra ngoài thì cô phải ở trong phòng, vậy cô sẽ làm gì?
Mary ngước nhìn xung quanh. Chẳng có gì để làm cả. Khi bà Medlock chuẩn bị phòng trẻ thì bà ta không nghĩ tới cái trò giải trí. Có lẽ nên ra ngoài kia xem mấy khu vườn ra sao.
– Ai đi cùng tôi? – Nó hỏi.
Martha trố mắt. – Cô tự đi chứ, – chị đáp. – cô hãy học sống như bọn trẻ vẫn chơi khi chúng không có anh chị em. Thằng Dickon nhà chúng tôi thường tự ra ngoài đồng hoang mà chơi hàng giờ. Nó cũng kết thân với mấy con ngựa hoang bằng cách ấy đấy. Nó cũng khiến được bầy cừu ngoài cánh đồng hiểu nó, và chim chóc thì sà xuốn ăn ngay trên hai bàn tay nó. Dẫu chẳng có mấy thức ăn, nhưng nó luôn dành dụm chút xíu bánh mì cho các con vật yêu của nó.
Quả tình cái lối kể lể này về Dickon đã khiến Mary quyết định ra khỏi nhà, dù nó không nhận ra điều đó. Sẽ có chim chóc ngoài kia, chứ không phải ngựa hoang với cừu. Chúng chắc phải khác chim chóc ở Ấn Độ, và ngắm nhìn chúng sẽ làm nó thấy vui.
Martha tìm cho nó áo khoác và mũ, lại thêm đôi giày bốt vừa xinh vừa bền, xong xuôi chị chỉ cho nó lối ra cầu thang.
– Nếu cô đi theo đường kia thì cô sẽ ra tới vườn, – chị vừa nói vừa chỉ về phái cái cổng ẩn trong hàng giậu có nhiều cây bụi. – Ở đó có vô vàn hoa nở khi hè về, nhưng bây giờ thì chẳng cây nào nở hoa hết. Chị có vẻ lưỡng lự giây lát rồi nói thêm.
– Một trong các khi vườn hiện đang bị khoá kín. Suốt mười năm qua chưa một ai đặt chân vào đó.
– Tại sao? – Mary buột miệng hỏi. Lại thêm một cánh cửa nữa bị khoá, thêm vào con số hàng trăm căn phòng bị khóa trong ngôi nhà kỳ lạ này.
– Ông Craven đã cho khoá nó khi vợ ông đột ngột qua đời. Ông không cho phép ai bước vào trong. Đó chính là khu vườn riêng của phu nhân. Ông ấy tự tay khoá cánh cửa và đào một cái hố để giấu chìa khoá. Chuông của bà Medlock đang rung đấy, tôi phải chạy đi đây.
Sau khi chị đã rời xa, Mary quay xuống lối đi dạo dẫn tới cánh cổng chỗ cây bụi. Nó không thể không nghĩ đến khu vườn không có ai đặt chân vào trong suốt mười năm qua. Nó tò mò muốn biết khu vườn trông thế nào và tự nhủ không rõ có còn cây hoa nào sống sót trong đó không.
Vượt qua cánh cổng bằng bụi cây, nó nhận ra mình đang đứng giữa một khu vườn rộng với những bãi cỏ lớn, những lối đi quanh co và những bờ câu được chăm tỉa. Cơ man nào là cây cối, thảm hoa và những cây trường xuân được xén tỉa tạo nên những hình thù kỳ lạ, với cả một hồ nước rộng có đài phun nước màu xám cũ kỹ ngay chính giữa. Nhưng lúc này các thảm hoa đều trơ trụi, tiêu điều, còn đài phun nước thì đã ngừng phun. Đây không phải là khu vườn bị khoá. Vườn tược mà phải khoá lại thì còn ra thể thống gì nhỉ? Người ta ai cũng có thể đi dạo trong vườn kia mà.
Đang nghĩ vậy thì nó trông thấy ở cuối con đường mòn mình đang đi, hình như có một bức tường dài dằng dặc phủ kín dây thường xuân. Nó không biết nhiều về nước Anh để mà hiểu rằng nó sắp bước vào khu vườn dành cho nhà bếp, là nơi chỉ trồng toàn rau và quả. Nó tiến về phía bức tường thì phát hiện ra một cánh cửa ra vào sơn xanh thấp thoáng trong đám lá thường xuân, cửa để ngỏ.
Rõ ràng khu vườn này không hề đóng, và nó có thể vào trong đó. Nó tiến qua cánh cửa và nhận thấy đó là một khu vườn có tường bao, và chỉ là một trong số mấy khu vườn có tường bao quanh, vườn nọ dường như mở thông sang vườn kia.
Con bé thấy một cánh cửa màu xanh khác mở ngỏ, để lộ mấy bụi cây và các đường mòn nhỏ chạy giữa những luống rau mùa đông. Cây ăn quả được trồng thành hàng doc sát chân tường, và một số luống đất có khung kính che bên trên. Nơi này mới trơ trụi và xấu xí làm sao, Mary nghĩ bụng khi nó đứng ngắm nhìn quanh. Có lẽ vào mùa hè thì sẽ đẹp hơn, khi tất cả đều xanh tươi chứ lúc này thì chẳng có gì đẹp hết.
Ngay lúc đó, một ông lão vác mai trên vai từ cánh cửa khu vườn thứ hai bước vào. Ông lão giật nảy mình khi nhìn thấy Mary, rồi đưa tay chạm nhẹ trên vành mũ. Ông có vẻ mặt già nua cáu kỉnh và chẳng hề tỏ ra mừng rỡ khi gặp con bé – nhưng lúc đó Mary nào có thích thú gì khu vườn, và cùng với bộ dạng ương bướng, nó cũng không tỏ vẻ gì là mừng khi thấy ông.
– Đây là đâu thế?
– Một khu vườn dành cho bếp ăn đấy cô ạ, – ông lão đáp.
– Thế kia là gì? – Mary vừa hỏi, vừa đưa tay chỉ qua cánh cửa màu xanh kia.
– Một vườn nhà bếp khác. Và một vườn nữa ở bên kia bức tường và vườn cây ăn quả ở sau tất cả chúng.
– Tôi có thể vào trong các khu vườn ấy không? – Mary hỏi.
– Nếu cô muốn. Nhưng cũng chẳng có gì đáng xem.
Mary không đáp lại. Nó đi xuôi theo con đường mòn và bước qua cánh cửa màu xanh thứ hai. Ở đây, nó lại thấy mấy bức tường nữa với những luống rau vụ đông và nhà khung kính. Nơi bức tường thứ hai là một cánh cửa sơn xanh khép kín. Có lẽ cánh cửa này dẫn tới khi vườn mà suốt mười năm qua chưa một ai được tới. Vốn dĩ không phải đứa trẻ rụt rè, lại luôn làm những gì nó thích nên Mary bước dấn tới chỗ cánh cửa xanh và xoay tay nắm.
Nó hy vọng cánh cửa không mở, bởi vì nó muốn chắc chắn mình đã phát hiện ra khu vườn đầy bí ẩn đó. Thế nhưng cửa hoàn toàn dễ mở. Trước khi bước vào trong, nó nhận ra mình đang ở giữa một vườn cây ăn quả. Vẫn những bức tường bao quanh khu vườn, những cây cối dựa vào bờ tường, và những cây ăn quả trơ trụi mọc giữa vạt cỏ nâu xám mùa đông, nhưng chẳng thấy cánh cửa xanh nào hết.
Con bé đưa mắt tìm kiếm cánh cửa đó, và khi tiến về cuối khu vườn, nó để ý thấy bức tường dường như không dừng lại chỗ vườn cây quả ma còn dài ra nữa, như còn chạy quanh thêm một khoảng đất phía bên kia.
Từ đây trông thấy rõ mấy ngọn cây trên bờ tường, và khi đứng im, nó trông thấy một con chim có bộ lông ức đỏ rực, đang đậu trên cành cao nhất trong mấy ngọn cây, đột nhiên hót vang bài ca mùa đông của nó, như thể nó đã trông thấy con bé và cất tiếng gọi.
Con bé đứng lặng nghe chim hót. Không hiểu sao tiếng hót thân thiện, vui vẻ của nó làm dâng lên trong lòng Mary một cảm giác dễ chịu, dù cho đứa con gái nhỏ khó chịu đó có thể cô độc, và dù ngôi nhà đồ sộ khép kín này,cánh đồng hoang trơ trụi này và cả những khu vườn trống trải rộng mênh mông này nữa cũng chỉ khiến cho sinh linh đó cảm thấy như thể không gì còn tồn tại trên thế giới này ngoài bản thân nó.
Nếu là một đứa trẻ được yêu thương thì có lẽ trái tim nó đã rung lên thổn thức, nhưng bởi là “cô chủ Mary ngang ngược” cho nên con chim nhỏ có bộ lông ức đỏ tươi kia cũng chỉ khiến cho khuôn mặt non nớt cáu kỉnh của con bé khẽ nở một nụ cười.. Mary lặng người nghe con chim hót cho tới khi nó vỗ cánh bay đi. Nó chẳng thấy giống một loài chi Ấn Độ nào cả, con bé thấy thích và tự hỏi liệu có còn được gặp lại nó không. Biết đâu con chim ấy lại sống trong khu vườn bí ẩn và biết nhiều chuyện về khu vườn cũng nên.
Có lẽ chẳng có việc gì làm nên con bé cứ nghĩ mãi về khu vườn bị bỏ hoang. Nó tò mò về khu vườn và càng muốn xem sự thể ra sao. Vì cớ gì mà ông Archinald Craven phải vùi chìa khoá xuống đất? Nếu ông ấy yêu thương vợ đến vậy thì sao lại ghét khu vườn của bà?
Nó tự hỏi không biết mình có bên gặp ông ấy hay không, nhưng nó biết rằng nếu có gặp thì nó sẽ chẳng thích ông, và hẳn ông cũng chẳng mến nó, và nó sẽ chỉ đứng mà nhìn ông chòng chọc, không nói một câu, mặc dầu nó thèm đến chết đi được muốn hỏi tại sao ông lại làm một việc kỳ dị như thế.
“Mọi người chẳng bao giờ ưa mình, mà mình cũng chẳng bao giờ ưa họ,” nó nghĩ. “Mình cũng chẳng bao giờ biết nói năng như bọn trẻ nhà Crawford. Chúng nó lúc nào cũng nói cười và làm ầm ĩ cả lên.” Con bé chợt nhớ tới con chim ức đỏ và cách con chim hát bài ca như để dành cho nó.
Nó đứng phắt lại trên đường mòn khi đột nhiên nhớ ra ngọn cây nơi có chim đã đậu. “mình tin rằng cái cây ấy ở trong khu vườn bí mật. mình cảm thấy chắc chắn như vậy. Có một bức tường bao quanh nơi đó, nhưng không thấy cửa,” nó lẩm bẩm.
Nó quay lại khu vườn của nhà bếp lúc ban đầu, vừa tiến vào thì gặp ông lão đang đào xới ở đó. Nó bước tới đứng cạnh ông, ngắm ông với vẻ lạnh lùng trong giây lát. Ông lão không để ý tới nó, cuối cùng nó đành lên tiếng.
– Các khu vườn tôi đều vào cả rồi.
– Chẳng có gì ngăn cô cả – ông lão đáp lại một cách cộc cằn.
– Tôi đã vào cả vườn cây ăn quả.
– Không có chó canh cửa cắn cô đâu, – ông lão đáp.
– Làm gì có cửa thông sang khu vườn kia, – Mary nói.
– Vườn nào? – Ông lão hỏi bằng giọng thô lỗ, ngừng đào đất trong giây lát.
– Vườn ở bên kia bức tường, – Mary trả lời, – cả cây cối ở đó nữa. Tôi đã thấy ngọn của chúng. Con chim ức đỏ đậu trên một ngọn cây, nó còn hót nữa.
Trước nỗi ngạc nhiên của con bé, khuôn mặt cáu kỉnh già nua dạn dày nắng gió ấy chợt biến đổi. Một nụ cười chậm rãi nở trên khuôn mặt ông già, và người làm vườn lúc này trông khác hẳn.
Điều đó khiến con bé nghĩ thật kỳ lạ, một người lại có thể trở nên dễ thương biết bao khi nở một nụ cười. Trước đây nó quả chưa nghĩ tới điều đó. Ông lão quay người về phía khu vườn quả và bắt đầu huýt sáo – tiếng sáo trầm trầm dịu dàng. Nó không thể hiểu nổi vì sao con người cau có ấy có thể tạo nên một âm thanh ngọt ngào đến vậy.
Gần như ngay lúc đó, một điều kỳ diệu đã xảy ra. Nó nghe tiếng loạt xoạt êm ái trong không trung, và con chim ức đỏ thắm vụt bay đến chẳng khác nào một đốm lửa, đậu xuống tảng đất lớn ngay sát chân người làm vườn. Nó đây rồi, – ông lão cười một mình, đoạn quay sang nói với con chim như nói với một đứa trẻ.
– Mày vừa ở đâu về, đồ nhãi con hư đốn, – lão đùa. – Từ hôm qua tới giờ tao chẳng thấy mày đâu cả. Mới đầu mày mà mày đã bắt đầu ve vãn bạn tình rồi sao? Thế là sớm quá đấy.
Con chim nghiêng nghiêng cái đầu xinh xắn sang bên, ngước nhìn ông lão bằng đôi mắt sáng dịu dàng tựa hai giọt sương đen. Hình như nó đã quá quen với lão và không chút sợ hãi. Nó nhảy lên mổ mổ đất để tìm ngũ cốc và côn trùng.
Điều đó khiến Mary thấy rung động kỳ lạ, bởi con vật thật xinh xắn, vui vẻ, và trông mới giống con người làm sao. Nó có cái thân tròn như trái mận, cái mỏ thanh tú cùng hai cái cẳng thật mảnh mai.
-Hễ ông gọi là nó bay đến liền sao?? – Nó hỏi như thể thì thầm.
– Phải, hễ gọi là nó đến. Tôi biết nó từ khi nó mới ra ràng. Nó bay khỏi tổ từ khu vườn kia, lần đầu bay qua tường thì nó yếu quá, không đủ sức bay trở về nữa trong mấy ngày liền, và chúng tôi kết bạn với nhau. Đến lúc nó qua nổi bức tường thì những con cùng lứa cũng đã bay xa rồi, còn mỗi một mình nên nó trở lại với tôi.
– Nó là loài chim gì thế? – Mary hỏi.
– Cô không biết à? Nó là loài ức đỏ, loài chim thân thiện nhất, hiếu kỳ nhất còn sống cho tới ngày nay. Chúng thân thiện gần như bọn chó vậy, nếu cô biết cách làm quen với chúng. Nhìn nó đang mổ đấy, nó đang ngó quanh và đôi lúc liếc nhìn chúng ta nữa. Nó hiểu chúng ta đang nói về nó.
Chẳng có gì trên thế gian này kỳ dị bằng ông lão ấy. Lão đang ngắm nghía con chim có bộ ức đỏ tươi, vừa tự hào vừa trìu mến.
– Nó là hay tự phụ lắm đấy, – lão cười mủm mỉm. – Nó rất thích nghe người ta bàn tán về nó. Và thóc mách nữa chứ, chao ôi, chẳng có ai lại hay tò mò và can thiệp vào chuyện người khác như nó. Nó thường xà xuống xem tôi đang trồng cây gì. Nó biết tất cả những điều mà bản thân ông Craven không buồn khám phá. Nó mới chính là người làm vườn hàng đầu ở đây.
Com chim ức đỏ vẫn nhảy quanh, hối hả mổ xuống đất, thỉnh thoảng dừng lại ngó nghiêng sang hai người. Mary nhận thấy đôi mắt như hai hạt sương đen của nó đang trân trân nhìn mình với vẻ hết sức lạ lẫm. Có vẻ như nó đang tìm hiểu mọi thứ về con bé. Cảm giác kỳ lạ trong lòng Mary mỗi lúc một tăng lên.
– Những con chim cùng lứa khác bay đi đâu? – Nó hỏi. – Không biết. Những con chim già đẩy chúng ra khỏi tổ, dạy chúng bay, rồi chúng bay tản mác bốn phương trước khi ta kịp nhận ra. Tôi chỉ còn thấy con này, nó cũng biết mình đơn độc.
Cô chủ nhỏ Mary bước một bước lại gần hơn con chim ức đỏ, nhìn nó và bảo:
– Tao cũng đơn độc như mày.
Trước đây con bé không biết đó là một trong những điều khiến nó khó chịu và khổ sở. Dường như nó nhận ra điều đó khi con chum ức đỏ nhìn nó và nó cũng nhìn lại con chim.
Người làm vườn già đẩy cái mũ ra phía sau cái đầu hói, nhìn nó trân trân trong giây lát.
– Cô có phải cô tiểu thư từ Ấn Độ về không?
Mary gật đầu.
– Chả trách cô đơn độc là phải. Còn đơn độc hơn trước kia nữa cơ, – lão bảo. Lão lại xới đất, lưỡi mai xắn sâu vào lớp đấy vườn màu mỡ trong khi con chim ức đỏ nhảy nhót gần đó, ra vẻ bận rộn.
– Tên ông là gì? – Mary hỏi.
Lão đứng thẳng người, đáp:
– Ben Weatherstaff.– Rồi lão nói thêm với nét cười cau có. – bản thân tôi cũng đơn độc, chỉ trừ khi có nó ở bên, – lão trỏ ngón tay cái về phía con chim ức đỏ. – Nó là người bạn duy nhất mà tôi có.
– Tôi thì chẳng có bạn bè nào cả, – Mary bảo. – Tôi chẳng bao giờ có bạn. Ngay Ayah của tôi cũng chẳng thích tôi, và tôi chưa bao giờ chơi với ai hết.
Người Yorkshire có thói hay nói thẳng tuột những điều họ nghĩ, và lão Ben Weatherstaff chính là một cư dân của vùng đồng hoang Yorshire này.
– Cô và tôi hơi giống nhau đó. Chúng ta cùng một giuộc với nhau. Đều không ưa nhìn, và đều gắt gỏng. Chúng ta cũng có cái tính khí khó chịu, cả hai đều vậy, tôi cam đoan đấy.
Nói thế thật là thẳng, và Mary Lennox chưa bao giờ nghe sự thật về bản thân nó.
Đám gia nhân bản xứ vốn chỉ biết vâng dạ và phục tùng, bất kể chủ nhân mình làm gì. Con bé chẳng mấy khi nghĩ về diện mạo của mình, nhưng nó tự hỏi không biết nó có khó coi như lão Ben Weatherstaff không, và nó cũng băn khoăn không biết trông nó có bẳn tính như lão lúc trước khi con chim ức đỏ bay tới.
Nó thật sự bắt đầu phân vân không biết mình có phải là kẻ “khó chịu”. Nó cảm thấy không được thoải mái. Bỗng có tiếng rì rầm khẽ vang lên gần đó, nó ngó nhìn quanh. Nó đang đứng cách một cây táo non mấy bước chân, con chim ức đỏ liệng xuống đậu trên một cành táo và hót lên một tràng líu lo.
Lão Ben Weatherstaff cười phá lên.
– Nó làm gì đấy? – Mary hỏi.
– Nó quyết định đánh bạn với cô đấy. Quỷ tha ma bắt tôi đi nếu như nó không thích cô.
– Tôi ư? – Mary hỏi, nó rón rén lại gần cái cây nhỏ rồi ngước nhìn lên.
– Mày có muốn làm bạn với tao không? – Nó nói với con chim ức đỏ, như thể với một con người. – Muốn không nào? – Nó nói câu ấy không hề gắt gỏng hay với cái giọng Ấn Độ kiêu căng, mà bằng một âm điệu mượt mà, âu yếm và háo hức đến nỗi lão Ben Weatherstaff cũng phải sửng sốt, chẳng khác nào con bé lúc nghe lão huýt sáo.
– Sao thế nhỉ, – lão kêu lên, cô nói câu ấy thật hay., như một đứa trẻ thật sự chứ không phải một mụ già cay nghiệt. Cô nói cứ y như thằng Dickon đang trò chuyện với mấy con thú hoang của nó ngoài đồng hoang.
– Ông biết Dickon sao? – Mary hỏi, vội quay người lại.
– Ai mà chẳng biết nó. Thằng Dickon lang thang khắp nơi. Các loài từ mâm xôi cho tới thạch thảo đều quen với nó. Tôi dám đánh cược rằng ngay đến bọn cáo cũng sẵn lòng chỉ cho thằng bé chỗ nằm của lũ cáo con, và cả bọn chiền chiện cũng chẳng giấu nó tổ của chúng.
Mary vẫn muốn hỏi thêm vài câu nữa. Nó tò mò về thằng Dickon không kém gì về khu vườn bỏ hoang. Nhưng đúng lúc ấy, con chim ức đỏ ngừng hót, khẽ vỗ cánh rồi tung mình bay đi. Nó đã xong chuyến viếng thăm của mình, còn nhiều việc khác đang chờ nó.
– Nó bay qua bức tường kìa, – Mary kêu to, nhìn theo. – Nó bay vào vườn quả rồi, nó lại bay qua bức tường kia, vào trong khu vườn không có cửa!
– Nó sống ở đó, – Lão Ben bảo. – Chính ở nơi ấy nó nở ra từ trứng. Nếu nó đang tìm bạn tình thì hẳn nó phải bám theo nàng chim ức đỏ nào đấy sống trong mấy khóm hồng già ở đó rồi.
– Khóm hồng à, – Mary thốt lên. – Ở đó có những khóm hồng sao?
Lão Ben Weatherstaff nhấc cái mai và bắt đầu đào.
– Mười năm về trước, – lão lẩm bẩm.
– Tôi muốn được tận mắt thấy chúng, – Mary nói. – Cánh cửa xanh ở đâu? Chắc hẳn phải có một cánh cửa ở đâu đó.
Lão Ben xắn sâu lưỡi mai xuống và lại tỏ ra thiếu thân thiện như lần đầu con bé thấy lão.
– Mười năm về trước chứ không phải bây giờ, – lão bảo.
– Không thấy cánh cửa nào! – Mary kêu lên. – Phải có chứ.
– Chưa một ai có thể tìm thấy, vả lại cũng chẳng phải việc của ai, cô đừng có như mấy cô nàng lắm chuyện cứ hay nhúng mũi vào chỗ không phải của mình. Hừ, tôi phải đi làm việc đây. Cô đi mà chơi đi. Tôi không được rảnh.
Lão thôi đào xới, nhấc mai lên vai rồi đi khỏi, cũng không buồn nhìn hay chào con bé