Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Khu Vườn Bí Mật

Chương 9 – Ngôi nhà kỳ lạ nhất chưa ai từng thấy

Tác giả: Frances Hodgson Burnett

Đó quả là nơi ngọt ngào, huyền bí nhất chưa ai có thể tưởng tượng nên. Mấy bức tường cao ngăn cánh với bên ngoài phủ đầy những cánh hồng leo trụi lá đang mọc dày đến mức quyện chặt cào nhau. Marry Lennox biết chúng là hoa hồng bởi nó đã từng thấy rất nhiều loại hoa hồng hồi ở Ấn Độ. Khắp mặt đất mọc đầy thứ cỏ mang màu nâu úa của mùa đông, phía bên ngoài nó mọc lên những búi cành hẳn sẽ là những khóm hồng nếu chúng còn sống. Có một vài loài hoa hồng thông thường đàng toả ra như những cái cây nhỏ.

Trong vườn còn nhiều loại cây khác, thế nhưng một trong nhưnngx điều khiến nơi đây trở nên khác lạ và đáng yêu chính là đám hồng leo đang vươn cành toả nhánh khắp nơi, để rồi rủ xuống những tua dài kết thành những bức mành nhẹ đung đưa trước gió; đây đó chúng gặp nhau, khóm này đan cành vào khóm kia cho tới lúc tự chúng kết thành những chiếc cầu vòng vô cùng duyên dáng.

Giờ này trên thân chúng không có cả lá lẫn hoa, Marry cũng không rõ liệu chúng còn sống hay đã chết, chỉ thâý những cành và nhánh mảnh dẻ màu nâu xám tựa một chiếc khăn choàng đang mơ hồ trải rộng bao trùm mọi vật, từ các bức tường, cây cối và ngay cả mặt cỏ úa vàng, nơi chúng quyện chặt lấy nhau và bò lan trên khắp mặt đất.

Cái mớ dây mơ hồ này giăng mắc từ cây nọ sang cây kia càng khiến cho cảnh vật trở nên bí ẩn. Marry nghĩ thầm, nơi này không giống với những khu vườn bỏ quên đã lâu, và quả thực, đó là nơi khác hẳn với bất kì nơi nào mà nó từng thấy trong đời.

– Yên tĩnh quá! – Nó thì thào. – Yên tĩnh quá!

Con bé chờ đợi giây lát và yên lặng lắng nghe. Con chim ức đỏ nãy giờ đậu trên ngọn cây, cũng lặng thinh như cảnh vật bao quanh nó. Nó thậm chí còn không dám vỗ cánh, cứ đậu ở đó mà nhìn Marry.

– “Yên tĩnh là phải, – nó lại thì thầm. – Mình là người đầu tiên lên tiếng ở đây trong suốt mười năm qua”.

Nó bước khỏi cánh cổng , rón rén thật khẽ như sợ làm ai thức giấc. Nó mừng vì dưới chân mình là cỏ, vì như vậy bước chân của nó sẽ không phát ra tiếng động. Nó đi dưới một trong những vòm cây như trong truyện cổ tích, mắt ngước nhìn lên các nhánh cây và dây leo đã kết nên chúng.

– Mình băn khoăn liệu chúng đã chết cả chưa. Chẳng lẽ đây là khu vườn đã hoàn toàn chết ư? Ước gì không phải vậy.

Nếu là lão Ben Weatherstaff thì nhìn qua là có thể nói được một cái cây còn sống hay không, nhưng Marry chỉ có thể thấy đó là những nhánh có màu nâu hay xám, và chẳng hề có dấu hiệu nào của những chồi lá tí hon ở bất kì đâu.

Nhưng dù sao nó cũng đang ở trong khu vườn kỳ diệu, và có thể bước qua cánh cửa dưới giàn thường xuân bất cứ lúc nào – con bé tự mình vừa khám phá ra cả một thế giới. Mặt trời toả sáng bên trong bốn bức tường, vòm trời cao xanh phía trên mảnh đất đặc biệt này của Misselthwaite thậm chí còn rực rỡ và dịu dàng hơn khi bao trùm trên cánh đồng hoan.

Từ ngọn cây nơi nó đang đậu, con chim ức đỏ sà xuống đất nhảy nhót và bay theo con bé từ bụi cây này sang bụi cây khác. Nó líu lo một tràng dài và có vẻ hêt sức bận rộn, như thể đang chỉ cho con bé những thứ xung quanh.

Mọi thứ thật kỳ lạ và yên tĩnh, và con bé có cảm tưởng mình đang cách biệt với mọi người dễ tới hàng trăm dặm nhưng nó chẳng hề thấy cô đơn chút nào. Điều nó bận tâm lúc này là mong ước được biết các khóm hồng đã chết chưa, và những cây nào còn sống thì có thể đâm chồi nảy nộc khi thời tiết trở nên ấm áp không?

Nó không muốn nơi này là một khu vườn chết. Nếu còn sống thì nơi này sẽ là một chốn tuyệt vời biết bao, với hàng ngàn, hàng ngàn cây hồng đua nhau trỗi dậy ở khắp mọi nơi! Sợi dây nhảy vẫn ở trên cánh tay Marry khi nó bước vào, và sau khi lang thang một hồi, nó nảy ra ý nghĩ thử nhảy vòng dây quanh khắp vườn xem sao, mỗi khi muốn quan sát điều gì thì mới dừng chân. Đây đó có vẻ đã từng có vài con đường mòn cỏ mọc. Ở đôi chỗ trong góc vườn, có mấy vòm cây thường xuân cùng vài chiếc ghế đá hay chậu hoa rêu phong phủ kín.

Nó thôi nhảy khi tới gần vòm cây kế tiếp. Trước kia, chỗ này từng có một luống hoa, nó nghĩ vậy khi vừa nhìn thấy những gì đang nhú lên khỏi lớp đất đen – mấy cái chấm xanh nhạt nhọn nhọn và nhỏ xíu.

Nhớ lại những gì lão Ben Weatherstaff đã nói, nó bèn quỳ xuống nhìn chúng.

– Phải, chúng đang nhú lên từng tí một, có lẽ là nghệ tây, hoa giột tuyết hay thuỷ tiên hoa vàng đây, – con bé thì thào. Con bé cúi gần hơn nữa, hít sâu vào ngực làn hưng thơm mát của đất ẩm. Nó thấy thích thú cái mùi đó vô cùng.

– Có lẽ còn nhiều loài khác đang nảy mầm quanh đây. Mình phải đi khắp vườn này xem sao.

Nó không nhảy dây nữa mà đi bộ, chân bước chậm rãi, mắt dán xuống mặt đất. Nó nhìn xuống những luống hoa cũ, vào giữa những vạt cỏ, và sau khi đã bước vòng vèo, cố không để sót một cái gì, con bé phát hiện ra rất nhiều những mầm xanh lá xanh nhạt, nhọn sắc. Một lần nữa, nó cảm thấy vô cùng phấn khích.

– Đây hoàn toàn không phải là khu vườn chết, – nó kêu khẽ. – Dù những đám hồng kia đã chết thì những cây khác vẫn còn sống.

Con bé chẳng biết gì về việc làm vườn, nhưng cỏ mọc dày ở nơi những chiếc mầm xanh đag nhú lên, đến nỗi nó thấy lo lắng về việc rồi sẽ không đủ chỗ cho chúng phát triển. Nó tìm kiếm khắp nơi cho tới khi nhặt được một mảnh gỗ có đầu khá nhọn, nó liền quỳ xuống hì hục xới đất, rãy cỏ dại cho tới khi đám đất chỗ đó đã gọn gàng đâu vào đấy.

– Bây giờ có vẻ như chúng đã dễ thở hơn, – con bé nói sau khi đã làm xong những việc đầu tiên. – Mình còn tiếp tục làm nữa. Mình sẽ làm tất cả những chỗ mình thấy. Nếu hôm hay không đủ thời gian thì ngày mai mình lại tới.

Nó đi hết chỗ này tới chỗ khác, xới đất và rãy cỏ, trong lòng vui sướng tràn trề đến nỗi nó cứ làm hết luống nọ tới luống kia, tới cả đám cỏ dưới các hàng cây. Hoạt động làm nó nóng người lên đến độ phải quẳng cả áo khoác, rồi mũ xuống đất, và không hiểu sao miệng cứ mỉm cười cúi nhìn những vạt cỏ cùng những nụ mầm xanh nhạt mãi không thôi.

Con chim ức đỏ cũng bận rộn không kém. Nó hài lòng lắm khi thấy việc làm vườn được bắt đầu ngay từ lãnh địa của nó. Nó thường sửng sốt về công việc của lão Ben Waetherstaff. Hễ nơi nào đất được lật xới lên là có đủ các thức ăn ngon lành đi kèm. Giờ đây lại có một sinh vật to không bằng phân nửa lão mà đã biết cách vào được khu vườn. Cô chủ Marry làm việc trong khu vườn của cô cho tới giờ phải về nhà ăn trưa.

Thực ra, lúc con bé nhớ ra giờ giấc thì đã khá muộn. Mặc xong áo khoác, đội mũ và vơ lấy cuộn dây nhảy, nó không ngờ rằng mình đã làm việc liền tù tì hai ba tiếng đồng hồ. Tất nhiên rồi, đó là quãng thời gian hạnh phúc của nó; và giờ đây, có thể nhìn thấy hàng tá, hàng tá những chấm nhỏ xanh nhạt đang nhoi lên từ những khoảnh đất thoáng đãng, trông hào hứng bội phần so với lúc trước, lúc cỏ dại còn làm chúng ngạt thở.

– Buổi chiều mình sẽ quay lại nơi này, – nó vừa nói vừa đưa mắt ngắm nhìn khắp vương quốc mới mẻ của mình, miệng thầm thì với đám cây cối, bụi hồng, như thể chúng hiểu lời nó.

Đoạn nó chạy như bay qua bãi cỏ, hé cánh cửa cũ kỹ, rệu rạo ra rồi lách mình qua các nhánh thường xuân. Bữa trưa hôm đó, vó ngồi ăn cơm một cách ngon lành với hai má đỏ hồng cùng với đôi mắt long lanh khiến Martha vui hẳn kên.

– Hai miếng thịt và hai chiếc bánh put đing! – Chị kêu lên. – Ôi,mẹ sẽ mừng lắm nếu tôi kể bà hay những gì mà sợi dây nhảy đã mang lại cho cô.

Trong lúc đào xới bằng miếng gỗ nhọn, Marry tìm được một nhánh rễ trắng trông khá giống củ hành. Nó đã đặt trả vật ấy vào chỗ cũ và cẩn thận vùi đất lên. Lúc này, nó tự nhủ không biết Martha có biết đó là cái gì không vườn của nó và bắt tay ngay vào việc.

– Chị Martha này, các đoạn rẽ trăng trắng trông khá giống củ hành là gì thế?

– Chúng là các loại củ, – Martha đáp. – Rất nhiều hoa xuân từ chúng mà ra. Số rất ít là hoa giọt tuyết và nghệ tây, còn phần nhiều hơn là thuỷ tiên, trường thọ và thuỷ tiên hoa vàng. Nhiều nhất là hoa ly ly và cờ tía. Chà! Chúng mới đẹp làm sao. Thằng Dickon đã sưu tầm đủ các loài rồi đem trồng trong mảnh vườn nhà chúng tôi.

– Dickon biết tất cả về chúng chứ? – Marry hỏi, một ý tưởng mới mẻ choán lấy toàn bộ suy nghĩ của nó.

– Dickon nhà chúng tôi có thể khiến một bông hoa mọc ngay cả trên tường gạch. Mẹ bảo nó chỉ cần cầu nguyện là mọi thứ liền nhú khỏi mặt đất.

– Các loại củ sống lâu lắm phải không? Liệu chúng có sống năm này qua năm khác mà không cần ai chăm sóc không? – Marry căn vặn với vẻ sốt ruột.

– Chúng đều là những loại tự lo cho mình được, cô ạ, – Martha đáp. – Đó là lý do tại sao mà những người nghèo đều có thể có chúng. Nếu cô không làm phiền chúng, thì hầu hết bọn chúng vẫn nảy nở dưới mặt đất trong vòng sinh trưởng để rồi vươn lên, sống đời vui vẻ. Có một chỗ trong khu rừng công viên, khi vào mùa chỉ tính riêng hoa giọt tuyết cũng phải tới hàng ngàn bông. Chúng là cảnh tượng đẹp mắt nhất ở Yorkshire lúc xuân về. Chẳng ai rõ người ta trồng chúng từ khi nào.

– Tôi ước sao màu xuân về đây ngay bây giờ, – Marry nói. – Tôi muốn được nhìn thấy mọi thứ mọc lên ở nước Anh.

Con bé đã dùng xong bữa ăn trưa và tới ngồi chỗ ưa thích của nó trên tấm thảm trước lò sưởi.

– Tôi ước…tôi ước mình có được một cái mai nhỏ, – nó bảo.

– Cô cần tới mai để làm gì? – Martha bật cười hỏi, – cô đang muốn đào xới gì đó phải không? Tôi phải nói với mẹ việc này.

Marry nhìn ngọn lửa hồng và cân nhắc một chút. Nó phải thận trọng nếu muốn giấu kĩ lưỡng vương quốc bí mật của mình. Nó không định làm bất kì điều gì có hại , nhưng nếu ông Craven phát hiện ra cánh cửa đã bị mở, chắc ông ấy giận giữ ghê gớm và kiếm ngay ra một chiếc chìa mới và khoá chặt khu vườn mãi mãi. Nó thực sự không chịu nổi ý nghĩ đó.

– Đây quả là một toà nhà to lớn đơn độc, – nó chậm rãi nói, có vẻ như muốn trở lại những vấn đề vẫn còn lởn vởn trong tâm trí, – toà nhà đơn độc, khu vườn lớn đơn độc, các khu vườn nhỏ cũng đơn độc nốt. Chỗ nào cũng đều khoá chặt. Hồi ở Ấn Độ tôi không phải làm gì nhiều, vì có khối người lo cho tôi, người hầu rồi lính tráng, rồi thỉnh thoảng còn có các ban nhạc dân gian biểu diễn nữa, Aya của tôi cũng kể cho tôi vô khối chuyện. Còn ở đây, tôi chẳng có ai để chuyện trò, ngoài chị và ông Ben Weathrestaff. Chị phải làm việc của chị, còn ông Ben chẳng mấy khi nói chuyện với tôi. Tôi nghĩ nếu mình có một cái mai thì tôi sẽ tìm chỗ nào để đào xới giống như ông ấy vẫn làm, biết đâu tôi chẳng gây được một cái vườn nho nhỏ, nếu như ông ấy chịu cho tôi hạt giống.

Cả khuôn mặt Martha bừng sáng.

– Đó, – Chị thốt lên – Đó chẳng phải là một trong những điều mẹ đã sai bảo sao. Bà nói: “Còn bao nhiêu đất còn thừa trong cái toà nhà khổng lồ ấy, tai sao họ không cho cô ấy riêng một khoảnh, ngay cả khi cô ấy không trồng gì khác ngoài mùi tây và củ cải. Cứ để cho cô ấy đào đất, san luống, có thế cô ấy mới thấy hạnh phúc vì được làm việc”. Đấy, bà đã nói vậy đấy.

– Bà biết bao nhiêu là chuyện, chị nhỉ.

– Âỳ! Như bà vẫn nói: Người đàn bà một nách nuôi đủ mười hai đứa con, ngoài việc học mấy chữ cái ra thì cũng phải học lấy một cái gì chứ. Trẻ con cũng tựa như môn số học, giúp chúng ta giải đáp được rất nhiều điều”.

– Một cái mai nhỏ giá bao nhiêu, một cái nhỏ thôi? – Mary hỏi.

– Ừ thì, – Martha đáp, – bên làng Thwaite có một cửa hàng, đại khái cứ tạm gọi thế, tôi thấy ở đó có một bộ làm vườn cỡ nhỏ gồm có mai, cào và xiên – cả bộ hết có hai siling. Và chúng cũng khá chắc chắn để ta có thể sử dụng.

– Trong túi đựng tiền của tôi còn nhiều hơn thế, – Mary bảo. – Bà Morrison tặng tôi năm đồng siling, và bà Medlock cũng chuyển cho tôi một ít tiền từ chỗ ông Craven.

– Ông ấy nghĩ tới cô nhiều đến vậy sao? – Martha thốt lên.

– Bà Medlock bảo cứ mỗi tuần tôi sẽ được một siling để tiêu vặt. Bà ấy đưa tôi một đồng vào thứ Bảy hàng tuần. Quả thực tôi không biết tiêu nó vào việc gì.

– Đã bảo mà, cô giàu đến thế là cùng, – Martha bảo. Cô có thể mua bất cứ thứ gì trên đời mà cô muốn. Tiền thuê túp lều tranh của chúng tôi cũng chỉ đáng một siling và ba penny, vậy mà để kiếm được chỗ đó cũng phải vặn răng ra ấy chứ. Nào, tôi vừa mới nghĩ đến một thứ, – chị chống hai tay vào hai bên hông.

– Cái gì cơ? – Mary hỏi chị đầy vẻ háo hức. – Trong cửa hàng bên Thwaite, họ bán những gói hạt giống hoa, mỗi gói một penny. Thằng Dickon nhà chúng tôi biết rõ đâu là những giống hoa đẹp nhất và biết cách chăm cho chúng mọc lên. Nó thường cuốc bộ sang Thwaite ngày mấy lần chỉ bởi chuyện đó. Cô có biết cách in chữ không?

Martha đột ngột hỏi.

– Tôi chỉ biết viết, – Mary đáp.

Martha lắc đầu.- Thằng Dickon chỉ có thể đọc được chữ in. Nếu cô viết chữ in thì ta sẽ viết một bức thư cho nó, bảo nó đi mua giúp dụng cụ làm vườn và cả hạt giống luôn một thể.

– Ôi! Chị là một cô gái tử tế! – Mary kêu lên. – Chị đúng là như vậy. Tôi không ngờ chị lại tốt đến thế. Tôi biết nếu cố gắng thì tôi có thể viết được chữ in. Chị đi hỏi bà Medlock cho tôi một cây bút, lọ mực và ít giấy.

– Tôi cũng có riêng mấy thứ đó. Tôi mang vào phòng khi muốn viết một bức thư gửi cho mẹ vào Chủ nhật. Để tôi đi lấy cho.

Chị chạy ra khỏi phòng. Mary đứng bên lò sưởi, hai bàn tay nhỏ gầy guộc của nó đan siết vào nhau với niềm vui sướng vô bờ.

– “Nếu mình có một cái mai, – nó thì thầm, – mình sẽ làm cho đất tơi xốp rồi nhổ hết cỏ dại. Khi có hạt giống mình sẽ chăm cho nó đơm hoa kết nụ, khu vườn không còn là vườn chết nữa, nó sẽ sống mãi mãi”.

Con bé không ra ngoài vườn chiều hôm đó, bởi khi Martha quay lại với đám bút, mực và giấy thì chị còn phải dọn bàn và bưng mấy cái đĩa xuống nhà. Vừa vào đến nhà bếp thì bà Medlock đã có mặt ở đó, bà lại sai chị mấy việc vặt, bởi vậy nên Mary phải đợi mãi. Nó có cảm tưởng thời gian cứ dài đằng đẵng trước khi chị quay lại. Rồi còn chuyện viết thư cho Dickon cũng là một việc hệ trọng. Mary được dạy dỗ rất ít bởi vì các cô gia sư đều không ưa nó nên không ở lại với nó được lâu.Nhất là nó đánh vần không chuẩn, nhưng nó nhận thấy có thể viết được chữ in khi cố gắng. Đây là bức thư mà Martha đọc cho con bé viết.

Dickon thân mến!

Bức thư này gửi đến với hy vọng em cũng được khoẻ như chị lúc này. Cô Mary có rất nhiều tiền, vậy liệu em có thể sang bên Thwaite mua giúp cô ấy một số hạt giống hoa và một bộ dụng cụ làm vườn để trồng một luống hoa được không. Hãy chọn những hạt giống hoa của những loài đẹp nhất và dễ nảy mầm, bởi vì cô ấy chưa làm việc đó bao giờ, vả lại trước đó sống ở Ấn Độ là nơi khác hẳn đây. Cho chị gửi tình thương yêu tới mẹ và từng đứa trong các em. Cô chủ Mary đang kể cho chị nghe vô khối chuyện lạ, bởi thế vào ngày nghỉ ngơi của chị, các em sẽ được nghe về các chú voi, lạc đà và chuyện các quý ông đi săn hổ và sư tử.

Chị yêu quý các em.

Martha Phoebe Sowerby.

– Chúng ta cho tiền vào phong bì rồi tôi đi tìm con trai người bán thịt nhờ cậu ta chuyển nó bằng xe ngựa. Cậu ta là bạn thân của thằng Dickon đấy, – Martha bảo.

– Làm cách nào tôi được đồ sau khi Dickon mua chúng?- Mary hỏi.

– Nó sẽ tự tay mang đến cho cô. Nó thích đi bộ như thế mà.

– Ôi, – Mary thốt lên, – rồi tôi sẽ được gặp cậu ấy! Tôi không thể ngờ lại gặp được Dickon.

– Thế ra cô muốn gặp nó? – Martha đột nhiên hỏi, nom chị hể hả ra mặt.

– Vâng. Tôi chưa bao giờ gặp một cậu bé nào mà đến cả lũ cáo, lũ quạ cũng quý mến. Tôi muốn trông thấy cậu ấy lắm lắm.

Martha hơi giật mình, như thể vừa chợt nhớ ra điều gì.

– Bây giờ mới sực nhớ, – chị buột miệng, – rằng tôi đã quên khuấy việc ấy; tôi định bụng sẽ kể cho cô điều đó trước tiên vào sáng nay. Tôi đã hỏi mẹ, bà bảo sẽ đích thân đến xin phép bà Medlock.

– Ý chị là… – Mary bắt đầu.

– Là việc tôi đã nói hôm thứ Ba vừa rồi. Tôi muốn hỏi bà xem liệu một hôm nào đó cô có thể thăm gian nhà gianh của chúng tôi và dùng thử một chút bánh yến mạch nóng hổi mẹ tôi làm, ăn cùng với bơ và sữa không. Dường như tất cả những điều thú vị đều đến trong cùng một ngày. Thử tưởng tượng xem ta sắp được đến thăm túp lều gianh có mười hai đứa trẻ sống trong đó!

– Bà cho rằng bà Medlock bằng lòng để tôi đi à? – nó hỏi vẻ đầy lo lắng.

– Chà, mẹ tôi nghĩ bà ấy sẽ bằng lòng. Bà ấy biết mẹ tôi là một người phụ nữ ngăn nắp và luôn giữ cho nhà cửa được tinh tươm biết chừng nào.

– Nếu tôi được đi, tôi nên đến thăm mẹ chị cũng như Dickon, – Mary nói sau một hồi suy nghĩ và cảm thấy thích ý tưởng đó vô cùng. – Bà dường như chẳng giống bà mẹ nào ở Ấn Độ.

Việc làm lụng ngoài vườn và nỗi phấn chấn buổi chiều rốt cuộc khiến nó đâm ra lặng lẽ trầm ngâm. Martha còn nán lại với nó cho tới bữa dùng trà, nhưng họ chỉ ngồi trong yên lặng với tâm trạng dễ chịu và nói chuyện rất ít. Nhưng ngay trước khi Martha xuống tầng dưới để lấy khay trà, Mary hỏi chị một câu.

– Chị Martha, cô giúp việc ở phòng rửa bát hôm nay lại bị đau răng sao?

Martha khẽ giật mình.

– Điều gì khiến cô hỏi thế?

– Bởi vì lúc đợi chị quay trở lại lâu quá, tôi bèn mở cửa bước ra hành lang để xem chị có quay lại không. Tôi lại nghe thấy tiếng than khóc vẳng đến, hệt như đêm nọ. Mà hôm nay thì làm gì có gió, chị thấy đấy, vậy nên đêm hôm nọ chẳng phải gió hú gì đâu.

– Ôi! – Martha nói với vẻ bồn chồn. – Cô tuyệt nhiên không được đi lang thang ngoài hành lang và nghe ngóng gì hết. Ông Craven chắc chắn sẽ nổi giận dùng đùng, chẳng ai biết rồi ông ấy sẽ làm gì.

– Nào tôi có nghe ngóng gì đâu, – Mary đáp. – Đang chờ chị thì tôi bỗng nghe thấy. Ba lần cả thẩy.

– Tôi nói rồi đấy! Có tiếng chuông của bà Medlock kìa, – Martha nói và gần như chạy ra khỏi phòng. Đúng là ngôi nhà kỳ dị nhất mà người ta đã từng sống, – Mary nói với vẻ uể oải khi nó ngả đầu xuống chiếc ghế bọc đệm gần đó.

Bầu không khí trong lành, việc rãy cỏ xới đất rồi cả nhảy dây khiến nó cảm thấy mệt mọi một cách dễ chịu và chìm vào giấc ngủ.

Bình luận