Hai ngày sau đó, Mary vừa tỉnh giấc đã ngồi bật dậy trên giường và gọi Martha.
– Nhìn trên cánh đồng hoang kia! Nhìn mà xem! Mưa giông đã tạnh, những đám mây cùng sương mù xám xịt đã bị gió cuốn băng đi từ hồi đêm. Ngay cả gió cũng ngưng thổi và chỉ còn thấy vòm trời xanh thẫm, rực rỡ, cao vời vợi trên khắp miền đồng hoang.
Chưa bao giờ, chưa bao giờ Mary mơ đến một bầu trời xanh ngăn ngắt đến vậy. Ở Ấn Độ, không gian nóng hầm hập và chói chang; còn ngự trị nơi đây là một màu xanh mát mẻ, sâu thẳm, lấp lánh tựa làn nước của một cái hồ không đáy đáng yêu, và đây đó, cao tít trên vòm trời xanh là mấy đám mây trắng mịn như lông cừu đang lững lờ trôi. Cái thế giới vươn dài tít tắp của đồng hoang chỉ còn một màu xanh dìu dịu, thay cho màu đen pha tía ảm đạm hay màu xánh khủng khiếp.
– Ái chà! – Martha nói với nụ cười hớn hở. – Cơn bão tan hẳn rồi. Dịp này năm ngoái cũng có bão như thế. Nó tràn qua mỗi một đêm thôi, như thể nó chưa từng đến và không còn trở lại. Bởi vì mùa xuân đã về. Mùa xuân xa vắng quá lâu, nhưng rồi đã trở lại.
– Tôi cứ ngỡ ở nước Anh, trời lúc nào cũng mưa mù và tối tăm kia đấy, – Mary bảo.
– Ồ, không. – Martha vừa nói, vừa ngồi xổm giữa đống bàn chải đen sì. – Hoan toan không phai vây!
– Câu ấy có nghĩa là gì thế? – Mary hỏi một cách nghiêm trang.
Ở Ấn Độ, đám gia nhân cũng hay nói nhiều thứ tiếng địa phương khác nhau mà chỉ ít người hiểu nổi, bởi thế con bé không khỏi ngạc nhiên khi Martha dùng những từ mà nó không biết. Martha bật cười như lần trong buổi sáng đầu tiên đó. Chị bảo:
– Vậy đấy, tôi lại dùng cái giọng Yorkshire nặng nề rồi, bà Medlock đã được tôi không được nói thế. “Hoan toan không phai vay” có nghĩa là “Hoàn toàn không phải vậy” cô ạ.
Chị nói một cách chậm rãi, cẩn thận,
– Nhưng nói kiểu ấy mất thì giờ quá. Cứ hễ khi nào nắng thì Yorkshire là một nơi nhiều nắng nhất trên trái đất. Tôi chẳng bảo rằng cô sẽ thấy thích cánh đồng hoang sau khi ở đây ít lâu đó thôi. Cứ chờ cho tới khi cô tận mắt được thấy kim tước đơm hoa vàng rực, thấy mùa hoa đậu chổi, cùng với thạch thảo trổ ra toàn bông chuông tím, rồi thì hàng trăm con bướm rập rờn bay lượn, và ong vo vo khắp nơi, còn đàn chiền chiện thì bay vút lên ca hót. Rồi cô sẽ chỉ muốn ra khỏi nhà ngay lúc mặt trời mọc, sống ngoài trời cả ngày như thằng Dickon cho mà xem.
– Bao giờ tôi có thể ra đó? – Mary hỏi với vẻ bâng khuâng và đưa mắt qua cửa sổ nhìn về phía màu xanh tít tắp. Đó quả là một màu sắc mới mẻ, rộng lớn, kỳ diệu như thể trên thiên đường.
– Tôi không rõ, – Martha đáp, – Có lẽ từ khi sinh ra trên đời, cô chẳng bao giờ dùng đến đôi chân của cô. Cô không đủ sức cuốc bộ trong vòng năm dặm. Từ đây đến túp nhà gianh của chúng tôi cũng phải đến năm dặm.
– Tôi thích được đến túp nhà gianh của chị.
Trong giây lát, Martha đăm đăm nhìn con bé với vẻ ngờ vực, trước khi cầm chiếc bàn chải cọ đi cọ lại cái ghì một lần nữa. Chị đang nghĩ về khuôn mặt nhỏ nhắn kém xinh của Mary, lúc này nom không còn cau có như chị thấy vào buổi sáng đầu tiên.
Nó hơi giống khuôn mặt của bé Susan Ann khi đang thèm khát một cái gì đó.
– Tôi sẽ hỏi mẹ tôi về chuyện này, – chị nói. – Bà là người gần như lúc nào cũng nghĩ ra cách gì đó cho mọi chuyện. Hôm nay là ngày tôi được nghỉ và tôi sắp về đây. Ôi, tôi mừng lắm. Bà Medlock cũng là người quan tâm đến mẹ tôi. Có thể mẹ tôi sẽ nói với bà ấy.
– Tôi thích mẹ chị. – Mary bảo.
– Tôi có thể hiểu điều đó, – Martha đồng ý, tiếp tục đánh bóng ghì lò.
– Tôi chưa bao giờ được gặp bà. – Mary bảo.
– Chưa, cô chưa gặp. – Mary đáp. Chị lại ngồi xổm, khẽ giụi giụi mũi bằng mu bàn tay, chị có vẻ bối rồi một chút rồi nhận định cả quyết.
– Vậy đấy, bà là người biết điều, chăm chỉ, tốt bụng và sạch sẽ, khiến cho không ai là không quý mến, dù họ đã gặp bà hay chưa. Mỗi dịp sắp về nhà thăm mẹ và ngày nghỉ, tôi thật chỉ muốn nhảy lên vì sung sướng vào cái lúc băng qua cánh đồng hoang.
– Tôi thích cả Dickon nữa, – Mary nói thêm, – và cũng chưa gặp cậu ấy lần nào.
– Chà, – Mary đáp lại một cách chắc nịch. – Tôi đã bảo cô rằng các loài chim chóc đều quý nó, cả thỏ, cừu hoang, ngựa hoang, và bọn cáo nữa chứ. Tôi đang tự hỏi, – Martha chằm chằm nhìn con bé với vẻ suy nghĩ, – không hiểu thằng Dickon sẽ nghĩ gì về cô nhỉ?
– Cậu ấy không thích tôi đâu, – Mary trả lời chị theo cái lối lạnh lùng và không được thân mật của nó.– Chẳng ai thích tôi hết.
Martha lại nhìn sang, vẻ suy nghĩ.
– Cô có thích bản thân mình không? – Martha hỏi với vẻ hoàn toàn thành thực, như thể chị tò mò muốn biết.
Mary lưỡng lự giây lát rồi nghĩ ra.
– Không hề, thực đấy. – Nó đáp. – Nhưng trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó cả.
Martha toét miệng ra cười như thể nhớ lại vài kỷ niệm chất phác về mẹ của chị.
– Có lần mẹ tôi bảo với tôi thế này. Bà ngồi bên chậu giặt, còn tôi thì đang cáu kỉnh và chỉ trích người khác. Bà quay sang tôi và bảo: “Này, con là đứa xấu nết, lại còn hay gây gổ! Con chỉ biết đứng đấy mà kêu không thích người này người kia. Vậy con có thích chính bản thân con không?” Câu nói ấy khiến tôi bật cười và tỉnh ngộ ra trong giây lát.
Ngay sau khi mang cho Mary bữa điểm tâm, chị ra về với tâm trạng vô cùng phấn chấn. Chị sắp phải cuốc bộ năm dặm đường qua cánh đồng hoang để về ngôi nhà gianh, giúp mẹ giặt giũ, làm món bánh nướng cuối tuần, và hưởng một niềm vui trọn vẹn.
Mary cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết khi biết chị sẽ không còn ở trong nhà một thời gian. Nó rảo bước ra ngoài vườn, và việc đầu tiên là nó chạy vòng quanh đài phun nước trong vườn hoa mười vòng liền. Nó cẩn thận đếm số vòng chạy, lúc dừng chân nó thấy tâm trạng phấn khích hơn. Ánh mặt trời khiến quang cảnh trở nên khác hẳn.Vòm trời xanh thẳm cao vời vợi bao trùm lên Miselthwaite và cả cánh đồng hoang mênh mông. Con bé ngẩng mặt ngước nhìn trời, nó cố tưởng tượng xem nếu được nằm trên một trong những đám mây trắng xốp như tuyết kia thì sẽ như thế nào và chúng đang trôi về đâu. Nó vừa tiến vào mảnh vườn đầu tiên dành cho nhà bếp thì gặp lão Ben Weatherstaff đang làm việc với hai người làm vườn khác. Dường như thời tiết đổi thay làm lão thấy dễ chịu hơn. Lão vồn vã nói với con bé.
– Tiết xuân đã về. Cô cảm thấy nó chứ?
Mary hít hà và nghĩ rằng nó cũng cảm nhận được hương vị đó.
– Tôi ngửi thấy một mùi gì đó rất tuyệt, vừa mát vừa ẩm.
– Đó chính là hương của đất màu, – lão vừa đáp vừa xới đất. – Nhờ chất bổ phì nhiêu trong đó mà cây cối đâm chồi nảy lộc. Thật mừng vì mùa trồng trọt đã tới. Mùa đông thì buồn tẻ quá chẳng có gì để làm. Trong những vườn hoa ngoài kia, mọi thứ đang cựa mình dưới đất đen. Mặt trời sưởi ấm cho chúng. Chỉ ít ngày nữa thôi, cô sẽ thấy những mầm xanh dần nảy nở bên trên mặt đất đen sẫm.
– Chúng là những loại nào? – Mary hỏi.
– Nghệ tây và hoa giọt tuyết và hoa thủy tiên vàng. Chẳng lẽ cô chưa bao giờ thấy chúng sao?
– Chưa. Ở Ấn Độ sau cơn mưa, mọi thứ đều nóng, ẩm và xanh tốt. – Mary đáp. – Tôi nghĩ cây cối chỉ mọc trong một đêm thì phải.
– Ở đây chúng không thể mọc trong một đêm được, – lão Weatherstaff đáp. – Cô sẽ phải chờ chúng. Chúng sẽ nhú ra một chút ở đây và nảy ra một chút ở kia, rồi ngày một ngày hai chiếc lá mới dần mở ra. Cô quan sát chúng mà xem.
– Tôi cũng định thế, – Mary trả lời lão.
Vừa dứt lời, nó nghe thấy tiếng vỗ cánh nhè nhẹ, và ngay tức khắc nó hiểu rằng con chim ức đỏ đã quay lại. Con chim thật ngộ nghĩnh và nhanh nhẹn, nó nhảy nhót ngay sát chân Mary, đầu nghiêng nghiêng ngước nhìn con bé với vẻ ranh mãnh đến mức Mary phải cất tiếng hỏi lão Ben Weatherstaff.
– Ông có cho rằng nó còn nhớ tôi không?
– Nhớ cô ư! – Lão Weatherstaff nói với vẻ cáu kỉnh. – Nó biết rõ từng gốc cải bắp trong các khu vườn, huống hồ là con người. Trước kia nó chưa từng thấy một cô nàng trẻ tuổi nào ở đây, nên nó mới có ý tìm hiểu mọi sự về cô. Cô không cần phải giấu diếm nó điều gì cả.
– Có phải mọi thứ đang cựa mình dưới đất đen trong khu vườn nó sống không? – Mary căn vặn.
– Khu vườn nào?
Lão Weatherstaff nhăn mặt, thái độ lại trở nên gắt gỏng.
– Khu vườn có mấy khóm hồng già ấy, – Nó không thể không hỏi, bởi vì nó đang muốn biết thật nhiều, – tại sao tất cả các cây hoa đều héo khô, hay là một số sẽ mọc lại vào mùa hè? Ở đó còn có bông hồng nào không?
– Cô hỏi nó mà xem, – lão Ben Weatherstaff nhìn về phía con chim ức đỏ rồi nhún vai, – nó là kẻ duy nhất biết rõ. Suốt mười năm qua không một ai ngó ngàng bên trong khu vườn đó.
Mười năm quả là một thời gian dài, Mary nghĩ. Nó cũng đã sinh ra mười năm về trước. Nó bước đi, chậm rãi suy nghĩ. Nó bắt đầu thấy yêu mến khu vườn, con chim ức đỏ, thằng Dickon và bà mẹ của Martha. Nó thấy quý mến cả Martha nữa. Dường như có rất nhiều người tốt để yêu quý – ngay cả khi ta không có thói quen yêu quý kẻ khác. Nó coi con chim ức đỏ là một trong số ấy.
Mary bước theo lối đi dạo bên ngoài bức tường dài phủ đầy dây thường xuân, thấy rõ mấy ngọn cây lấp ló trên bờ tường: đây là lần thứ hai nó bước tới bước lui bên cái nơi thú vị hồi hộp này và tất cả đều từ con chim ức đỏ của lão Ben Weatherstaff mà ra. Nó nghe thấy một hồi líu ríu.
Đưa mắt nhìn luống hoa trơ trụi bên trái, nó nhận ra con chim đang nhảy nhót, làm bộ đang mổ vật gì trên mặt đất như bảo rằng nó không có ý bám theo con bé. Nhưng thừa biết con chim nhỏ vẫn theo sát mình, con bé vừa sửng sốt vừa sung sướng đến nỗi gần như run lên.
– Mày vẫn còn nhớ tao? – Nó gào to lên. – Mày còn nhớ tao. Mày xinh đẹp hơn bất kể thứ gì trên thế gian này.
Con bé cũng kêu lên ríu rít, chuyện trò, dỗ dành con chim, còn con chim ức đỏ thì nhảy nhót lia lịa, ngoáy ngoáy mất cái lông đuôi và kêu lên rầm rĩ. Như thể nó cũng đang đáp lại lời Mary. Đám lông đỏ rực của nó mịn màng như sa tanh. Rồi nó phồng cái ức tí hon đó lên, thật đường bệ và xinh xắn, như thể muốn phô bày cho con bé thấy một con chim ức đỏ có thể trông giống con người và quan trọng đến độ nào.
Cô chủ Mary quên khuấy rằng nó từng là một đứa ngang ngược biết bao. Lúc này, nó khẽ nhích lại gần con chim hơn nữa, rồi quỳ xuống mà thì thầm, cố gắng bắt chước bằng được tiếng kêu của chim. Ôi! Khó mà tin được nó lại để Mary tới gần đến thế. Nó biết không đời nào con bé giơ tay chộp nó hay làm nó mảy may hoảng sợ. Nó hiểu điều đó vì nó cứ như một con người thực sự – thậm chí còn tuyệt hơn bất kỳ con người nào khác trên thế gian này.
Con bé hạnh phúc tới độ không dám thở. Luống hoa thực ra không hoàn toàn trơ trụi. Nó không ra hoa bởi các cây lâu năm đã bị đốn bớt cành để nghỉ đông, nhưng vẫn còn nhiều cây bụi cao thấp mọc san sát phía sau luống. Khi con chim ức đỏ nhảy nhót dưới các lùm cây ấy, con bé trông thấy nó nhảy qua một đống đất mới đào mùi ngai ngái và dừng lại đó để tìm côn trùng. Đống đất ấy bị đào lên bởi có con chó đang muốn đào một cái hố sâu để tìm chuột chũi. Mary nhìn cái hố. Nó thật sự không hiểu tại sao lại có cái hố ở đấy.
Đúng lúc mải nhìn nó chợt nhận thấy có một cái gì được vùi giấu trong nền đất mới lật, trông tựa như một cái vòng bằng sắt hoặc đồng thau đã hoen gỉ. Khi con chim bay vút lên cái cây gần đó, con bé thò tay nhặt cái vòng lên. Còn hơn cả một cái vòng, đó là một chiếc chìa khóa cũ kỹ trông như đã được chôn từ lâu lắm.
Cô chủ Mary đứng dậy, và với vẻ gần như hoảng sợ, nó nhìn chiếc chìa khóa đang lủng lẳng nơi ngón tay mình.
“Có lẽ nó đã bị chôn vùi gần mười năm nay”. Nó thì thầm. “Có lẽ đó là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa khu vườn!”