Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Khu Vườn Bí Mật

Chương 12 – Cháu có thể có một mảnh đất được không?

Tác giả: Frances Hodgson Burnett

Mary chạy nhanh đến nỗi tưởng chừng đứt cả hơi khi về tới phòng riêng. Tóc nó xõa ra trên trán, còn hai má lại đỏ hây hây. Bữa trưa của nó đã dọn sẵn trên bàn, Martha đang ngồi ăn gần đó.

– Cô về hơi muộn,- chị nói – Cô ở đâu thế?

– Tôi vừa gặp Dickon! Tôi vừa gặp Dickon!

– Tôi cũng biết nó đến, – Martha nói với vẻ hân hoan – Cô thấy nó thế nào?

– Tôi nghĩ, tôi nghĩ…anh ấy rất đẹp! – Mary nói bằng một giọng cả quyết.

Martha sửng sốt, nhưng vẻ mặt đầy vẻ thích thú. – Chà, – Chị nói, – nó là đứa khá nhất trong những đứa trẻ nhà tôi được sinh ra, nhưng chúng tôi chưa bao giờ cho rằng nó đẹp trai. Mũi nó hếch quá.

– Tôi thì lại thích cái mũi hếch như thế, – Mary đáp.

– Mà đôi mắt nó thì cứ tròn như hai hòn bi, – Martha nói với đôi chút ngờ vực, – mặc dù chúng có màu khá đẹp.

– Tôi lại thích chúng tròn như thế, – Mary bảo, chúng có màu như màu của bầu trời trên cánh đồng hoang.

Martha tươi cười mãn nguyện. – Mẹ vẫn bảo nói có màu mắt ấy bởi cứ luôn ngước nhìn chim chóc và mây bay. Nhưng còn cái miệng rộng ngoác nữa chứ?

– Tôi thì tôi yêu cái miệng rộng của anh ấy, – Mary đáp một cách ngoan cố – Tôi ước miệng của tôi cũng giống hệt như thế.

Martha tủm tỉm vẻ sung sướng.

– Nếu thế thì cô sẽ có một bộ mặt khá ngộ đấy. Nhưng tôi đã biết sự thể sẽ như thế khi cô gặp nó. Thế cô có thích các hạt giống và dụng cụ làm vườn không?

– Làm sao chị biết anh ấy mang chúng cho tôi? – Mary hỏi.

– Ồ! Tôi không bao giờ nghĩ nó không mang cho cô. Có thể tin chắc rằng nó sẽ mang chúng đến, miễn là chúng có ở Yorkshine. Nó là một đứa thật đáng tin cậy.

Mary đang lo sợ chị sẽ hỏi sang những câu mà nó sẽ khó bề trả lời, nhưng Martha đã không làm vậy. Chị quá quan tâm đến chuyện giống má và dụng cụ làm vườn. Vậy mà vẫn có lúc Mary thấy khinh hãi, là khi Martha bắt đầu hỏi nó trồng hoa ở đâu.

– Cô đã xin phép ai chưa đấy? – Chị hỏi.

– Tôi chưa hỏi bất kỳ ai hết. – Mary lưỡng lự trả lời.

– Ừm, tôi sẽ không hỏi người quản vườn đâu. Lúc nào ông ta cũng ra vẻ ta đây, ông Roach ấy mà.

– Tôi chưa bao giờ gặp ông ta. Tôi chỉ gặp những người giúp việc làm vườn và ông Ben Weatherstaff.

– Nếu là cô, tôi sẽ hỏi bác Ben Weatherstaff,- Martha khuyên con bé,- Bác ấy không đến nỗi tệ như vẻ bề ngoài đâu, mặc dầu bác ấy rất hay gắt gỏng. Ông Craven để mặc bác ấy muốn làm gì thì làm, bởi vì bác ấy đã ở đây từ hồi bà Craven còn sống và là người khiến bà ấy vui vẻ bật cười nhiều phen. Bà quý bác ấy lắm. Biết đâu bác ấy chẳng tìm cho cô một góc vườn ở chỗ nào đó hẻo lánh cũng nên.

– Nếu nó làm một nơi xó xỉnh hẻo lánh không ai màng tới thì sẽ không có ai phiền lòng nếu tôi sỡ hữu nó phải không? – Con bé hỏi, giọng đầy lo lắng.

– Chẳng có lý gì mà không cho. Cô có gây thiệt hại gì đâu.

Mary ăn qua quýt cho xong, khi nó vừa rời khỏi bàn ăn và định chạy về phòng riêng lấy mũ đội thì Martha ngăn nó lại.

– Tôi có mấy việc muốn nhắc cô,- chị nói,- tôi nghĩ cứ để cô ăn uống xong xuôi đã. Ông Craven đã trở về sáng nay, và tôi cho rằng ông ấy muốn gặp cô.

Mặt Mary tái nhợt.

– Ôi! – nó thốt lên – Tại sao? Tại sao? Ông ấy đã không muốn gặp tôi hôm tôi tới đây cơ mà. Tôi nghe rõ ông Pitcher nói rằng ông ấy không muốn.

– Chà,- Martha giải thích – Bà Medlock bảo cũng chỉ tại mẹ tôi thôi. Bữa trước mẹ tôi sang bên làng Thwaite và bà đã gặp ông ấy. Trước đây bà chưa bao giờ được trò chuyện với ông ấy, nhưng bà Craven đã từng ghé thăm gian nhà gianh của chúng tôi đôi bà bận. Ông ấy quên rồi, nhưng mẹ tôi thì không, và bà đã đánh bạo cản bước ông ấy. Tôi không rõ bà đã nói gì với ông về cô, nhưng đại loại bà đã nhắc ông để tâm tới việc gặp cô trước khi ông ấy lại lên đường vào ngày mai.

– Ôi! – Mary kêu to,- Ông ấy sẽ đi vào ngày mai sao? Tôi mừng quá.

– Lần này ông đi lâu lắm đấy. Có lẽ mùa thu hoặc đông tới ông ấy mới trở về. Ông sẽ đi du lịch ở nước ngoài. Ông ấy luôn luôn làm vậy.

– Ôi! Tôi mừng quá! Tôi mừng quá! – Mary nói với vẻ biết ơn.

Cho đến mùa đông tới hoặc thậm chí chỉ cần đến mùa thu thôi mà ông ấy chưa trở về thì nó sẽ có đủ thời gian ngắm khu vườn bí mật của mình hồi sinh. Cho dù lúc bấy giờ ông ấy có phát hiện và tước đoạt khu vườn khỏi nó thì ít ra nó cũng đã được ngắm nhìn cảnh tượng ấy.

– Chị nghĩ khi nào ông ấy muốn gặp…

Mary chưa kịp nói hết câu thì cửa mở, bà Medlock bước vào. Bà vận chiếc váy đen đẹp nhất của mình, đội mũ mềm không vành, trên cổ áo có gài chiếc ghim lớn có hình khuôn mặt một người đàn ông. Đấy là bức ảnh màu của ông Medlock đã qua đời mấy năm trước, bà luôn đeo nó mỗi khi ăn diện. Trông bà có vẻ bồn chồn, lo lắng.

– Tóc cô rối quá,- Bà nói vội – Đi chải lại đi. Martha, chị hãy giúp cô đây thay bộ đồ đẹp nhất. Ông Craven bảo tôi đưa cô ấy tới phòng làm việc.

Tất cả vẻ hồng hào vụt biến khỏi hai má Mary. Tim nó đập thình thịch và nó cảm thấy mình lại trở về nguyên trạng một đứa trẻ câm lặng, khó ưa, cứng nhắc. Nó thậm chí không buồn trả lời bà Medlock mà quay bước về phòng riêng, Martha theo sau. Trong lúc thay quần áo và chải tóc, nó chẳng nói chẳng rằng. Sau khi đã hoàn toàn chỉnh tề, nó im lặng theo bà Medlock xuống hành lang. Mà nó còn biết nói gì đây? Nó buộc phải đi gặp ông Craven, ông ấy sẽ không ưa nó, và nó cũng sẽ chẳng ưa ông. Nó thừa hiểu ông ấy sẽ nghĩ gì về nó. Con bé được đưa tới phần tòa nhà mà trước đó nó chưa hề đặt chân tới.

Cuối cùng bà Medlock đưa tay gõ một cánh cửa, và khi có tiếng ai đó bảo “Mời vào”, cả hai cùng tiến vào trong phòng. Một người đàn ông đang ngồi trong chiếc ghế bành kê trước lò sưởi, bà Medlock lên tiếng.

– Đây là cô Mary, thưa ngài.

– Bà có thể đi và để cô bé ở lại. Tôi sẽ rung chuông báo cho bà khi tôi muốn bà đến đưa cô bé đi, – Ông Craven bảo.

Lúc bà ta ra khỏi phòng và khép cửa, Mary chỉ còn biết đứng đợi. Đứa con gái bé nhỏ không mấy ưa nhìn đó đứng vặn xoắn hai bàn tay vào nhau. Nó nhận thấy người đàn ông ở trên ghế cũng chẳng đến nỗi gù lắm, với đôi vai cao và không cân đối, và mái tóc đen của ông đã điểm bạc. Ông ngoái nhìn qua bờ vai cao và bảo nó.

– Hãy lại gần đây!

Mary tiến đến gần ông. Ông ấy không hề xấu xí. Khuôn mặt ông hẳn cũng tuấn tú nếu nó không đượm vẻ đau khổ đến vậy. Hình như vẻ ngoài của con bé khiến ông băn khoăn và ông không biết nên làm gì với nó.

– Cháu khỏe chứ? – ông hỏi.

– Vâng. – Mary đáp.

Họ đối xử với cháu có tử tế không?

– Có ạ.

Ông đưa tay xoa vầng trán vẻ đầy lo lắng khi nhìn ngắm nó từ đầu đến chân.

– Cháu gầy quá! – ông bảo.

– Cháu đang béo lên, – Mary trả lời, nó thừa biết vẻ cứng nhắc trong cách nói năng của nó.

Ông có khuôn mặt mới buồn rầu làm sao! Đôi mắt đen của ông như thể không nhìn vào nó mà nhìn vào một cái gì khác, và ông ấy khó mà có thể nghe nhiều về nó.

– Ta quên khuấy mất cháu,- ông nói – Làm sao ta có thể nhớ ra cháu cơ chứ? Ta đã tính đưa tới chỗ cháu một cô gia sư, một bảo mẫu hoặc ai đó đại loại như vậy, thế mà ta lại quên khuấy đi.

– Bác làm ơn, – Mary mở đầu- làm ơn…- Nó cảm thấy cổ họng nghẹn lại.

– Cháu muốn nói gì? – ông hỏi ân cần.

– Cháu…cháu đã quá lớn để cần đến bảo mẫu,- Mary đáp- Và xin bác…xin bác đừng bắt cháu phải có thêm một cô gia sư bên cạnh nữa.

Ông lại xoa trán và chằm chằm nhìn nó.

– Đó là những gì mà người phụ nữ nhà Sowerby đã nói mà,- ông lẩm bẩm.

Mary thu hết can đảm.

– Có phải bà…bà là mẹ của chị Martha không ạ?- Mary lắp bắp.

– Phải, ta cho rằng thế,- ông đáp.

– Bà ấy rất hiểu trẻ con, – Mary bảo – Bà có tới mười hai người con, nên bà hiểu.

Ông như choàng tỉnh. – Thế cháu muốn gì ?

– Cháu muốn được chơi ngoài trời,- Mary đáp, nó hy vọng giọng mình không đến nỗi run, – Cháu chưa bao giờ thích điều đó khi ở Ấn Độ. Còn ở đây, làm thế khiến cháu thấy đói bụng, và cháu đang béo lên.

Ông nhìn con bé. – Bà Sowerby bảo điều ấy sẽ làm cháu khỏe hẳn ra. Có lẽ đúng thế thật. Bà ấy cho rằng tốt hơn hết cháu hãy khỏe lên đã rồi mới cần một gia sư kèm cặp.

– Cháu cảm thấy rất khỏe mỗi khi được chơi đùa, cùng với nắng gió ngoài cánh đồng hoang,- Mary lý sự.

– Cháu thường chơi ở đâu ?

– Ở khắp mọi nơi,- Mary hổn hển đáp, – Mẹ chị Martha gửi cho cháu một sợi dây nhảy. Cháu nhảy dây khắp nơi…và cháu còn ngó quanh xem liệu có gì sắp trời lên khỏi mặt đất không. Cháu chẳng hề làm gì có hại.

– Đừng sợ hãi thế,- ông Craven nói giọng lo lắng – Một đứa trẻ như cháu thì chẳng thể làm gì có hại hết. Cháu có thể làm những gì cháu muốn.

Mary vội đưa tay lên che cổ, nó sợ ông nhìn thấy cái sự nghẹn ngào đầy kích động mà nó sắp rơi vào. Nó bước lại gần ông hơn.

– Cháu có thể, phải không ạ? – Nó nói với vẻ rụt rè.

Khuôn mặt bé nhỏ đầy khắc khoải của nó càng khiến ông lo lắng hơn bao giờ hết.

– Đừng có căng thẳng đến vậy,- ông thốt lên,- Dĩ nhiên là cháu có thể. Ta là người bảo hộ của cháu, vậy nhưng ta lại chẳng viết gì về trẻ con. Ta không thể dành cho cháu thời gian hoặc sự chăm sóc. Ta quá ốm yếu, lại không thể tập trung làm việc gì cho ra hồn, nhưng ta mong cháu được hạnh phúc và thoải mái. Ta quả không hiểu gì về trẻ nhỏ, nhưng bà Medlock được giao phó trách nhiệm phải lo cho cháu tất cả những gì cháu cần. Ta cho gọi cháu tới hôm nay bởi vì và Sowerby bảo ta nên gặp cháu. Bà ấy cho rằng cháu cần không khí trong lành, tự do và được chạy nhảy đây đó.

– Bà ấy hiểu tường tận về trẻ con,- Mary nhắc lại, mặc dù nó không hề có ý làm vậy.

– Hẳn là thế,- ông Craven bảo,- Ta nghĩ bà ấy khá là táo tợn lúc ngăn bước ta giữa cánh đồng, nhưng bà ấy chỉ nói : “Bà Craven đã từng đối xử tốt với tôi.»- Nhắc đến cái tên của người vợ quá cố dường như là điều quá khó khăn với ông,- ” Bà nhà là một phụ nữ rất đáng kính.» Bây giờ gặp cháu, ta nghĩ bà ấy đã nói ra những điều có lý. Cháu cứ việc chơi ngoài trời bao lâu tùy thích. Đây là một tòa nhà đồ sộ, cháu có thể vào chỗ nào cháu thích, cứ vui vẻ đùa nghịch nếu cháu muốn. Cháu còn cần gì nữa không? – Và một ý nghĩ tình cờ chợt nảy trong óc ông – Cháu có muốn đồ chơi, sách vở hay búp bê không ?

– Liệu cháu có thể,- Mary rụt rè,- cháu có thể có một ít đất không ạ?

Trong lúc đang háo hức, con bé không nhận ra mấy từ ấy nghe mới kỳ dị làm sao và chúng không phải là những lời mà con bé định nói. Ông Craven giật mình.

– Đất! – ông nhắc lại. – Ý cháu là gì?

– Để gieo hạt…để làm cho chúng sinh sôi nảy nở…để nhìn chúng được sống. – Mary ấp úng.

Ông nhìn chòng chọc vào con bé hồi lâu, rồi đưa tay dụi mắt.

– Cháu…quan tâm chuyện vườn tược đến thế kia à? – Ông nói chậm rãi.

– Hồi ở Ấn Độ thì cháu chẳng biết gì,- Mary đáp,- Cháu lúc nào cũng ốm đau và mệt mỏi, và thời tiết lại quá nóng bức. Đôi khi cháu cũng vun những luống hoa trong cát rồi cắm mấy bông hoa lên đấy. Nhưng ở đây thì lại khác hẳn.

Ông Craven đứng dậy, chậm chạp bước ngang qua gian phòng.

– Một miếng đất,- ông như nói với chính mình. Mary nghĩ nó đã vô tình nhắc ông nhớ lại chuyện gì thì phải. Khi ông dừng bước để nói với nó, đôi mắt đen của ông trông hết sức dịu dàng, hiền hậu.

– Cháu muốn bao nhiêu đất thì cứ tùy thích. Cháu làm ta nhớ đến một người rất yêu quý đất đai và những gì mọc lên từ đấy. Khi cháu thấy mảnh đất mà cháu muốn,- miệng ông thoáng vẻ gì đó tựa như một nụ cười,- thì hãy nhận lấy nó, con gái ạ, và hãu làm cho nó sinh sôi nảy nở.

– Cháu có thể nhận bất kể chỗ nào không có ai dùng tới?

– Bất kể chỗ nào,- ông trả lời.- Thôi! Bây giờ thì cháu đi đi, ta thấy mệt rồi.- Ông rung chuông gọi bà Medlock – Tạm biệt cháu. Ta sẽ phải xa nhà suốt mùa hè này.

Bà Medlock bước vào phòng nhanh đến nỗi Mary có cảm tưởng nãy giờ bà vẫn chực sẵn ngoài hành lang.

– Bà Medlock này,- ông Craven bảo bà,- bây giờ gặp con bé tôi mới hiểu những gì bà Sowerby muốn nói. Cô bé cần khỏe khoắn hơn trước khi bắt tay vào học tập. Hãy dọn cho con bé những món ăn nhẹ nhàng có lợi cho sức khỏe. Cứ mặc nó được chạy thỏa thích trong vườn. Đừng trông nom gò bó con bé quá mức. Mary cần tự do, không khí trong lành Sowerby sẽ tới thăm con bé, đôi khi cô bé cũng được phép tới chơi nhà họ.

Bà Medlock hể hả ra mặt. Bà thầm nhủ trong lòng rằng thể là từ này bà đỡ phải “chăm nom” Mary nhiều cho mệt xác. Bà vẫn cảm thấy con bé là một bổn phận phiền toái và cũng chẳng gặp con bé mấy. Vả lại, bà mẹ Martha là người mà bà vẫn quý mến từ lâu.

– Cám ơn ngài,- bà nói.- Bà Sowerby và tôi đã cùng đến trường với nhau, bà ấy quả là một phụ nữ hiểu biết và nhân hậu, như ngài đã nhận thấy vào hôm đi dạo. Bản thân tôi chẳng có đứa con nào, nhưng bà ấy lại có những mười hai đứa, không đứa nào lại không khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Cô Mary có thể tới chơi mà không sợ bị chúng làm hư. Chính tôi đã luôn suy ngẫm những lời khuyên nhủ về con trẻ của bà Sowerby. Bà ấy chính là người ta vẫn gọi là người có cái đầu sáng láng, nếu ngài hiểu ý tôi.

– Tôi hiểu,- ông Craven đáp,- Bà hãy đưa cô Mary đi và bảo ông Pitcher đến gặp tôi.

Khi bà Medlock rời con bé ở cuối hành lang, Mary chạy như bay về phòng. Nó thấy Martha đang đợi sẵn ở đó. Quả thật, Martha cũng đã vội vã trở lại sau khi dọn bàn xong.

– Tôi có thể có một khu vườn riêng! – Mary reo to,- Tôi có thể có nó ở bất cứ đâu tôi muốn! Tôi cũng sẽ chưa bị gia sư kèm cặp một thời gian dài nữa! Mẹ chị sắp tới đây thăm tôi, và có thể tôi cũng được tới thăm nhà chị. Ông ấy còn bảo một đứa con gái bé bỏng như tôi thì chẳng thể làm điều gì có hại hết, ngoài ra tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi thích, ở bất kỳ đâu!

– Ôi! – Martha sung sướng nói,- Ông ấy dễ chịu đấy chứ phải không cô?

– Chị Martha này,- Mary nói vẻ trịnh trọng,- ông ấy quả thực là một người tử tế, chỉ có điều sao mặt ông buồn đến thế, và chân thì lúc nào cũng nhíu lại.

Con bé phóng như bay ra ngoài vườn. Nó đã vắng mặt lâu hơn nó tưởng, nó biết Dickon phải cuốc bộ những năm dặm và hẳn cậu ấy đã lên đường từ sớm tinh mơ. Lúc con bé lách qua cánh cửa dưới đám cành thường xuân để vào trong, nó không thấy thằng bé làm việc ở chỗ chúng chia tay lúc trước. Dụng cụ làm vườn được xếp gọn gàng dưới một gốc cây. Nó chạy tới chỗ ấy, đưa mắt nhìn khắp xung quanh, nhưng không thấy Dickon. Thằng bé đã đi, khu vườn bí mật vắng tanh, ngoài con chim ức đỏ vừa bay qua bờ tường và đang đậu trên một khóm hồng liếc nhìn con bé.

– Anh ấy đi rồi,- con bé nói một cách buồn rầu,- Ôi! Liệu anh ấy…liệu anh ấy…liệu có phải anh ấy chỉ lả một nhân vật tưởng tượng?

Ánh mắt nó bắt gặp một vật gì trăng trắng đính trên khóm hồng. Đó là một mẩu giấy, đúng vậy, đó là mẩu giấy con bé đã in chữ nhờ Martha chuyển cho Dickon. Mẩu giấy được cài áo vào một chiếc gai dài, và trong phút chốc con bé hiểu Dickon đã để nó ở đó. Có mấy nét chữ thô kệch in rời rạc trên đó cùng một hình vẽ ngệch ngoạc.

Thoạt tiên con bé không hiểu đó là cái gì. Rồi nó nhận ra đó là hình vẽ chiếc tổ với một con chim nằm ở bên trong. Bên dưới là mấy chữ in, rằng: “Tôi sẽ trở lại.”

Bình luận