Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Khu Vườn Bí Mật

Chương 19 – “Nó đã đến rồi đó”

Tác giả: Frances Hodgson Burnett

Dĩ nhiên, bác sĩ Craven được mời tới ngay buổi sáng sau cái đêm Colin nổi cơn cuồng nộ. Hễ có chuyện như thế xảy ra là ông ta được mời tới ngay tức khắc. Lần nào tới nơi ông ta cũng thấy một thằng bé run rẩy, trắng bệch đang nằm vật vã trên giường, mặt mày u ám và vẫn còn trong cơn kích động đến nỗi chỉ chực òa lên thổn thức khi có ai mở miệng nói gì.

Sự thực mà nói, bác sĩ Craven cũng rất kinh hãi và ngại ngần những lần đến thăm khó khăn đó. Vào dịp này, ông ta ra khỏi Trang viên Misselthwaite đến chiều mới về.

– Cậu nhà thế nào. – Ông ta hỏi bà Medlock với giọng cáu kỉnh khi vừa đến nơi. – Rồi sẽ có ngày cậu ta vỡ mạch máu vì một trong những cơn động kinh như thế cho mà xem. Thằng bé này cũng gần mất trí vì kích động và buông thả thái quá rồi còn gì.

– Ồ, thưa ông, – bà Medlock đáp, – ông sẽ khó mà tin vào mắt mình khi ông thấy cậu ấy. Con bé với khuôn mặt cáu kỉnh và cũng khó ưa như cậu Colin đã bỏ bùa mê cho cậu. Con bé làm việc đó như thế nào thì không ai hay. Có Chúa chứng giám, nó chẳng có gì đặc biệt, chả mấy khi mở miệng lấy một câu, vậy mà nó lại làm được những điều mà không một ai trong chúng tôi dám làm. Đêm hôm qua, nó như một con mèo nhỏ chạy như bay đến chỗ cậu nhà rồi giậm chân ra lệnh cho cậu đừng có gào toáng lên, làm cậu ấy giật mình hoảng hốt đến nỗi cậu ấy nín bặt, và chiều hôm nay thì… chà, ông thử đến mà xem, thật không thể tin nổi.

Cảnh tượng mà bác sĩ Craven trông thấy lúc tiến vào phòng bệnh nhân của mỉnh quả thực khiến ông sửng sốt.

Khi bà Medlock mở cửa ra, ông nghe thấy tiếng nòi cười trò chuyện rôm rả. Colin ngồi ngay ngắn trên chiếc ghế sofa trong bộ quần áo mặc nhà, đang dán mắt vào bức hình của một trong những cuốn sách dạy làm vườn và nói chuyện với con bé có khuôn mặt xấu xí, nhưng vào lúc ấy thì khó có thể bảo là xấu xí bởi nó đang ngời lên rạng rỡ.

– Này, những ngọn tháp màu xanh này thì chúng mình sẽ có vô khối. – Colin tuyên bố. – Chúng được gọi là phi yến.

– Nhưng Dickon lại gọi là cây la lết kia đấy, – Cô chủ Mary kêu toáng lên. – Và còn các khóm nhỏ này nữa.

Thấy bác sĩ Craven bước vào cả hai liền im bặt. Mary ngồi im phăng phắc, còn Colin trông rõ ra dáng cáu kỉnh.

– Chú lấy làm tiếc nghe tin cháu bị ốm đêm hôm qua, cháu yêu ạ, – bác sĩ Craven nói hơi bồn chồn. Ông là người hay lo lắng.

– Bây giờ cháu đã khá hơn rồi, khá hơn rất nhiều. – Colin đáp lại, như một vị tiểu vương. – Cháu định sẽ đi ra ngoài trên ghế trong một hai ngày tới, nếu thời tiết đẹp. Cháu muốn được hưởng không khí trong lành.

Bác sĩ Craven ngồi xuống bên giường và xem mạch cho nó, đoạn ông nhìn nó một cách tò mò.

– Nhưng phải vào một ngày đẹp trời kia, – ông nói, – và cháu cần hết sức thận trọng đừng để bị mệt quá.

– Không khí trong lành chẳng thể làm cháu mệt, – tiểu vương trẻ đáp.

Bởi quý ngài trẻ tuổi đó đã nhiều lần la lối và một mực cho rằng không khí ngoài trời sẽ làm nó phải cảm và rồi hủy diệt nó, nên ta cũng chẳng lấy làm lạ khi vị bác sĩ kia phải giật mình.

– Chú tưởng cháu chẳng ưa gì không khí ngoài trời?

– Là như thế nếu cháu chỉ có một mình, – vị tiểu vương đáp, – nhưng bây giờ thì cô em họ sẽ đi cùng cháu.

– Và dĩ nhiên cả cô bảo mẫu nữa, – bác sĩ Craven gợi ý.

– Không, cháu không cần bảo mẫu.

Câu trả lời long trọng đến nỗi Mary không thể không liên tưởng đến một vị hoàng tử trẻ người bản xứ, trên mình đeo đầy kim cương cùng đồ trang sức nạm đá quý và ngọc trai, với bàn tay nhỏ đen nhẻm của chàng mang chiếc nhẫn gắn những viên hồng ngọc lớn và đang vẫy bọn gia nhân đến gần mà nhận lệnh.

– Cô em họ đây biết phải lo cho cháu thế nào. Cháu luôn cảm thấy ổn mỗi khi có cô ấy bên cạnh. Đêm qua, nhờ cô ấy mà cháu thấy đỡ hẳn. Có một cậu bé rất khỏe mà cháu quen biết sẽ đẩy xe giúp cháu.

Bác sĩ Craven cảm thấy hơi lo. Nếu cái thằng nhóc mắc chứng cuồng loạn và nhiễu sự này bỗng nhiên khá lên thì ắt hẳn ông sẽ mất hết mọi cơ hội thừa kế Misselthwaite; nhưng ông đâu phải người không có nguyên tắc đạo đức, dẫu rằng ông kém cỏi và yếu đuối, và ông không có ý định để mặc nó lao vào một nguy hiểm thực sự.

– Nhưng nó phải là một thằng bé thật thà, khỏe mạnh, – ông nói – và chú phải được biết đôi điều về nó. Nó là ai? Tên nó là gì?

– Đó là Dickon! – Mary đột nhiên lên tiếng.

Không hiểu sao nó cảm tưởng ai biết về cánh đồng hoang thì cũng phải biết Dickon. Quả nhiên nó đúng. Trong giây lát, nó thấy khuôn mặt lo lắng của bác sĩ Craven dịu hẳn đi, ông mỉm cười nhẹ nhõm.

– À, thì ra là Dickon, – ông bảo. – Nếu là Dickon, cháu mới đủ an toàn. Cậu ấy khỏe như một con ngựa hoang ngoài đồng.

– Anh ấy còn đáng tin cậy nữa, – Mary bảo. – Anh ấy là người đáng tin nhất xứ Yorshire này.

Con bé đang nói bằng giọng Yorkshire cho Colin nghe và đã quên khuấy điều đó.

– Dickon đã dạy cho cháu đấy à ? – Bác sĩ Craven hỏi, cười khá cởi mở.

– Cháu đang học thổ ngữ vùng này, coi như tiếng Pháp vậy. – Mary đáp khá lạnh lùng. – Thì cũng như một thứ tiếng địa phương ở Ấn Độ. Có rất nhiều người thông minh đang cố gắng học chúng. Cháu thích và Colin cũng vậy.

– Được, được lắm, – ông Craven nói. – Nếu như cái đó làm cháu thấy vui thì có lẽ nó cũng chẳng hại gì. Đêm qua cháu đã uống thuốc an thần chưa, Colin ?

– Chưa, – Colin đáp. – Lúc đầu cháu không chịu uống, sau khi Mary khiến cháu im lặng, cô ấy đã kể chuyện cho cháu ngủ…thật khẽ khàng…kể cháu nghe về mùa xuân đang len lỏi vào trong một khu vườn.

– Nghe êm đềm quá, – bác sĩ Craven bảo, ông tỏ ra bối rối hơn bao giờ hết và quay sang liếc nhìn Cô chủ Mary đang ngồi trên ghế đấu, im lặng nhìn xuống tấm thảm. – Rõ rang cháu đã khá hơn, nhưng cháu cần phải nhớ rằng…

– Cháu chẳng muốn nhớ gì hết, – vị tiểu vương trở lại và ngắt lời. – Khi cháu nằm đây một mình mà nhớ tới đủ mọi thứ thì cháu bắt đầu thấy đau đớn khắp người, cháu nghĩ đến những điều khiến cháu phải gào lên bởi vì cháu căm ghét chúng vô cùng. Nếu ở đâu đó có một ông bác sĩ có thể khiến chú quên rằng chú đang ốm thay vì phải nhớ tới điều vớ vẩn nào đó, thì hãy mang ông ấy tới đây ngay cho cháu.

Nói đoạn, thằng bé vẫy vẫy bàn tay gầy guộc, bàn tay lẽ ra phải đeo đầy nhẫn hồng ngọc vương giả của nó. – Chẳng qua cô em họ đây đã khiến cháu quên hết mọi thứ đó nên mọi chuyện mới được vậy.

Bác sĩ Craven chưa khi nào ở lại trong khoảng thời gian ngắn ngủi đến thế sau “cơn tam bành” của thằng bé; thường thì ông buộc phải ở lại rất lâu để làm đủ thứ việc.

Nhưng chiều nay, ông chẳng buồn kê thuốc, chẳng hề dặn dò gì hết, và cũng không phải chịu những cảnh khó chịu. Khi bước xuống cầu thang, nom ông có vẻ suy nghĩ. Và lúc ông dừng chân nói chuyện với bà Medlock yrong thư viện, bà có cảm tưởng ông đang lúng túng hay bối rối về chuyện gì đó.

– Vâng, thưa ông, – bà đánh bạo nói – ông đã có thể tin rồi chứ?

– Đây chắc chắn là một trạng thái mới, – ông bác sĩ bảo. – Nhưng cũng không thể không thừa nhận rằng có tốt hơn trước.

– Tôi tin rằng bà Susan Sowerby đã có lý. Tôi xin cả quyết thế. – Bà Medlock nói. – Ngày hôm qua khi trên đường sang Thwaite, tôi có ghé vào ngôi nhà gianh của bà ấy để nói dăm ba câu chuyện. Bà ấy có bảo tôi: “Chà, Sarah Ann ạ, con bé chưa phải đứa được giáo dục tốt, và nó cũng chẳng xinh xắn gì, nhưng nó chỉ là một đứa trẻ, mà trẻ con chỉ cần trẻ con mà thôi”. Trước kia, Susan Sowerby và tôi, chúng tôi đã cùng đến trường với nhau đấy.

– Bà ấy quả là một bảo mẫu chăm sóc người ốm tốt nhất mà tôi được biết, – bác sĩ Craven bảo.

– Kể từ hôm gặp bà ấy trong túp nhà gianh, tôi đã biết đây là cơ hội để tối cứu được bệnh nhân của mình. Bà Medlock mỉm cười. Bà rất yêu quý bà Susan Sowerby.

– Bà ấy luôn có cách của riêng mình. – Bà tiếp tục liến thoắng. – Tôi đã suy nghĩ suốt buổi sáng một điều bà ấy nói hôm qua. Bà ấy bảo: “Một hôm tôi phải bảo ban bọn trẻ mấy câu sau khi chúng choảng nhau, tôi đã nhìn chúng mà nói rằng ‘Dạo mẹ còn đi học, thầy giáo dạy môn địa lý bảo trái đất này có hình giống quả cam, và trước khi lên mười thì mẹ đã phát hiện ra rằng cả quả cam này không phải là không thuộc về ai. Không một ai được quyền sở hữu hơn cái phần của mình và cũng có những lúc dường như không có đủ các phần để chia khắp lượt. Nhưng các con – không ai trong các con lại không nghĩ mình được có toàn bộ quả cam, hoặc rồi sẽ nhận ra mình đã mắc sai lầm, hoặc không nhận ra được cho tới khi phải có những cú đấm nặng nề đúng không nào” Những gì mà trẻ con học được từ trẻ con,” – bà ấy bảo, – “là chẳng nghĩa lý gì đâu khi cố chộp lấy cả quả cam, tất tật kể cả vỏ, bởi vì như thế thì rồi sẽ chỉ còn hạt thôi, mà hạt cam thì đắng lắm.”

– Bà ấy quả là một phụ nữ khôn ngoan sắc sảo, – bác sĩ Craven vừa nói, vừa mặc áo khoác.

– Vậy đấy, bà ấy có cách của riêng mình để nói những chuyện như vậy, – bà Medlock kết thúc, hể hả ra mặt. – Thỉnh thoảng tôi vẫn phải bảo bà ấy: “Này, chị Susan, giá chị ở một vị thế khác và đừng có cái giọng Yorkshire đặc sệt như vậy thì khối bận tôi phải nói rằng chị quả là thông minh.”

Đêm ấy, Colin ngủ say tít không một lần thức giấc. Khi choàng tỉnh dậy vào buổi sáng, nó vẫn nằm dài, mỉm cười một cách vô thức, bởi nó cảm thấy dễ chịu lạ lung. Nó thấy thật tuyệt khi được thức dậy. Nó vươn người, duỗi chân duỗi tay một cách thoải mái. Nó có cảm tưởng những sợi dây căng cứng trong cơ thể nó lúc này đang giãn ra và cho phép nó đi lại dễ dàng. Nó không biết cả ông bác sĩ Craven cũng phải thừa nhận thần kinh nó đã được thư giãn và nghỉ ngơi.

Thay vì nằm lì trên giường giương mắt nhìn các bức vách và ước ao đừng thức dậy, tâm trí nó lúc này đầy ắp các kế hoạch mà nó đã cùng với Mary vạch ra hôm qua, cùng những hình ảnh về khu vườn, về Dickon và các con thú hoang của thằng bé. Thật tuyệt vời biết bao khi ta có thứ gì đó để mà nghĩ đến. nó còn chưa dậy được mười phút thì đã nghe có tiếng chân người chạy ngoài hành lang và Mary xuất hiện bên cửa ra vào. Ngay sau đó, con bé đã ở trong phòng. Nó chạy tới bên giường thằng bé, mang theo một làn không khí trong lành đầy ắp hương thơm buổi sáng.

– Cậu đã ra ngoài! Đã ra ngoài rồi kia à! Còn sực nức mùi thơm dễ chịu của cây cỏ! – Thằng bé kêu lên.

Con bé vừa chạy về, tóc nó buông xõa ra, hồ hởi vì khí trời, hai má hồng rực, mặc dù thằng bé không nhận thấy điều ấy.

– Thật là đẹp! – Mary vừa nói, vừa thở hổn hển, vì chạy nhanh. – Cậu chưa bao giờ nhìn thấy cái gì đẹp đến thế đâu. Nó đến rồi đó! Mình cứ ngỡ nó đã đến vào một buổi sáng nào rồi cơ, không ngờ chỉ vừa mới. Bây giờ nó đang ở đây! Mùa xuân đến rồi! Dickon bảo thế!

– Đến rồi sao? – Colin kêu lên, và mặc dù thực sự nó không rõ là cái gì, nó vẫn cảm thấy tim mình đập mạnh. Nó ngồi bật dậy trên giường. – Mở cửa sổ ra! – Nó nói thêm rồi bật cười vì niềm phấn khích, và bởi tưởng tượng của riêng nó. – Có lẽ chúng ta có thể nghe thấy tiếng kèn trompét bằng vàng đâu đây!

Mặc cho thằng bé đang cười, Mary lưu lại bên cửa sổ một lúc, và mỗi lúc trôi qua, sự tươi mát, dịu dàng, hương thơm và cả tiếng chim đang ca hót lại càng tràn ngập vào trong căn phòng.

– Đó là không khí trong lành, – con bé nói. – Hãy nằm ngửa ra và hít một hơi thật sâu. Dickon vẫn làm vậy khi nằm trên đồng hoang. Anh ấy bảo anh ấy cảm thấy khí trời tỏa đi trong từng mạch máu của mình, khiến anh ấy khỏe mạnh và có cảm tưởng rồi mình sẽ sống mãi. Cậu hãy hít lấy nó, hít nữa đi.

Con bé chỉ nhắc lại những điều Dickon đã nói cho nó, nhưng nó nhận ra sự ngạc nhiên thích thú của Colin.

– Mãi mãi! Cái đó khiến anh cảm thấy thế sao? – Thằng Colin bảo, rồi làm theo lời Mary, hít liền mấy hơi thật sâu, cho tới khi nó cảm nhận ra một cái gì đó hoàn toàn mới mẻ và hứng khởi đang xảy đến với nó.

Mary đến bên giường thằng bé.

– Cây cối đang đua nhau vươn khỏi mặt đất, – nó hối hả nói. – Hoa đang tỏa cánh chứ không cuộn mình, mọi thứ đều đâm chồi nảy lộc, cả một tấm mạng xanh đang che phủ hầu như nơi nơi, chim choc bện rộn bên tổ của chúng như sợ rằng chúng có thể đến trễ, đến nỗi một vài đôi còn choảng nhau để giành chỗ trong khu vườn bí mật. Chỗ hạt giống bọn tớ trồng giờ đã nhú mầm xanh mượt. Dickon còn mang theo cáo, quạ, hai chú sóc và cả một con cừu non mới sinh nữa chứ.

Nói đoạn, nó dừng lại lấy hơi. – Con cừu non mới sinh ấy Dickon đã tìm thấy ba ngày trước, lúc nó nằm bên xác cừu mẹ giữa mấy bụi kim tước ngoài cánh đồng hoang. Đây không phải con cừu non mất mẹ đầu tiên mà thằng bé bắt gặp. Dickon biết phải làm gì với con vật tội nghiệp, liền mang con vật về ngôi nhà gianh, bọc nó trong chiếc áo khoác của mình, đặt nó nằm gần ngọn lửa rồi cho nó uống sữa ấm. Con vật mềm mại như cục bong, cái mặt như một đứa trẻ thơ đáng yêu, cùng mấy cẳng chân khá dài so với thân thể. Dickon đã ôm nó trên tay khi vượt qua cánh đồng hoang, còn chai sữa cho con vật thì thằng bé để bên túi áo, cùng với một con sóc.

Khi Mary ngồi xuống dưới một gốc cây với cái vật âm ấm ẻo lả ấy nằm cuộn tròn trên vạt váy của mình, con bé cảm thấy trong lòng tràn ngập một niềm vui kỳ diệu khó nói thành lời. Một chú cừu con! Một chú cừu non! Một con cừu non sống hẳn hoi đang nằm trên vạt váy nó như một đứa trẻ! Con bé đang say sưa miêu tả chuyện đó, còn Colin lắng nghe và hít thở không khí thì cô bảo mẫu bước vào.

Cô hơi giật mình sửng sốt trước cánh cửa sổ để ngỏ. Cô đã phải chịu cảnh kín hơi trong căn phòng ấy nhiều bận, kể cả những ngày ấm áp bởi vì bệnh nhân của cô luôn cả quyết rằng cửa số để ngỏ sẽ khiến người ta bị lạnh.

– Cậu chắc cậu không bị lạnh chứ, cậu Colin, – cô gặng hỏi.

– Không, – nó trả lời. – Tôi đang hít thật sâu vào người làn không khí trong lành. Nó làm tôi thấy khỏe hẳn ra. Tôi định ra sofa để dùng bữa sáng, và cô em họ sẽ cùng ăn với tôi.

Cô bảo mẫu ra khỏi phòng, cố giấu một nụ cười. Cô đi yêu cầu người ta chuẩn bị hai suất ăn sáng. Đối với cô, gian phòng lớn dành cho gia nhân thú vị hơn căn phòng của người ốm và ở đó lúc này ai nấy đều háo hức muốn nghe tin tức từ trên gác.

Có nhiều lời đùa cợt về cậu chàng ẩn dật khó ưa đó, như anh bếp đã nói: “Cậu chủ đã tìm được thầy cho cậu ấy rồi đấy, thật tốt cho cậu ấy!” Đám gia nhân từ lâu đã quá ư mệt mỏi với những trận cuồng phong kích động của cậu, còn lão quản gia, một người đã có gia đình, cũng có lần phải bảo với cái kẻ ốm o ấy thì chỉ còn mỗi cách là “yêu cho vọt”

Khi Colin đã yên vị trên chiếc sofa cùng với bữa sáng cho hai đứa được dọn trên bà, nó mới tuyên bố với cô bảo mẫu bằng cung cách tiểu vương nhất của mình.

– Sáng hôm nay, có một anh bạn cùng với một con cáo, một con quạ, hai con sóc và một con cừu non mới sinh sẽ tới đây thăm tôi. Tôi muốn bọn họ được đưa lên gác ngay khi tới nơi. Cô không được đùa với các con vật trong phòng gia nhân hay giữ chúng ở đó. Tôi muốn chúng ở đây.

Cô bảo mẫu há hốc mồm và cố che giấu nó bằng một trận ho.

– Vâng, thưa cậu, – cô đáp.

– Tôi sẽ bảo cô những gì cô cần làm, – Colin nói thêm rồi khoát tay. – Cô bảo Martha đưa họ lên đây. Anh ấy là em trai chị Martha. Tên anh ấy là Dickon, anh ấy là người biết cách thu phục muông thú.

– Tôi hy vọng lũ súc vật sẽ không cắn, thưa cậu Colin. – cô bảo mẫu nói.

– Tôi vừa bảo cô, anh ấy là người biết cách thu phục muông thú mà, – Colin nói một cách nghiêm nghị. – Các con thú trong tay người thuần dưỡng không bao giờ cắn.

– Những người dụ rắn ở Ấn Độ, – Mary nói, – họ có thể đưa cả đầu các con rắn vào tận trong miệng cơ.

– Lạy Chúa lòng thành!- Cô bảo mẫu rùng mình kêu lên.

Hai đứa ăn bữa sáng trong bầu không khí trong lành của buổi ban mai. Món điểm tâm của Colin rất ngon, Mary ngắm nhìn nó với vẻ mặt quan tâm.

– Rồi cậu sẽ béo ra như tớ. Tớ chẳng bao giờ muốn dùng bữa sáng từ hồi ở Ấn Độ, còn bây giờ thì lúc nào cũng thấy thích.

– Chỉ sáng nay tớ mới muốn chén. Có lẽ nhờ không khí. Cậu bảo khi nào Dickon tới?

Quãng đường để Dickon đến đây cũng chẳng lấy gì làm xa. Mười phút sau đã thấy Mary giơ một tay lên.

– Nghe kìa! – Con bé nói. – Cậu có nghe thấy tiếng quạ quạ không?

Colin lắng tai và nhận ra tiếng ấy, đó quả là âm thanh kỳ quặc nhất trên đời khi ta nghe thấy nó bên trong một ngôi nhà – một tiếng khàn cộc cằn: “quạ-quạ”

– Có, – thằng bé trả lời.

– Con Bồ hóng đấy, – Mary bảo. – Chú ý lần nữa nào! Cậu có nghe thấy một tiếng be be nhỏ xíu không?

– Ồ, phải rồi! – Colin hét lên, mặt đỏ bừng.

– Ấy là tiếng chú cừu non mới sinh, – Mary bảo, – cậu ấy đang đến.

Tiếng đôi giày ống từng đi khắp cánh đồng hoang của Dickon nằng nặng vụng về, và mặc dù đã cố bước thật êm, chúng vẫn phát ra tiếng thình thịch khi bước qua những hành lang dài hun hút. Mary và Colin nghe tiếng chân đều đều bước, qua cánh cửa có treo tấm thảm thêu và dừng lại trên miếng thảm mềm ở lối đi riêng của Colin.

– Nếu cậu vui lòng, thưa cậu, thì đây là Dickon cùng những con thú của cậu ấy- Martha vừa lớn tiếng, vừa mở cửa.

Dickon bước vào phòng, miệng cười rạng rỡ. Con cừu mới sinh vẫn nằm trên tay thằng bé, con cáo đỏ bé tí quấn quýt bên chân nó. Hạt dẻ ngồi trên vai trái, Bồ hóng đỗ trên vai phải, cái đầu của Vỏ sò cùng mấy chiếc móng chân thập thò ngoài miệng túi áo khoác của nó.

Colin chầm chậm ngồi dậy, mắt nhìn trân trân không chớp. Nó từng nhìn Mary như vậy vào buổi đầu trông thấy con bé. Nhưng lúc này, đây là cái nhìn kinh ngạc và vui sướng. Sự thật là cho dù nó đã được nghe kể rất nhiều nhưng nó không thể hình dung nổi anh chàng này trông sẽ như thế nào và vì sao anh chàng này và con cáo, con quạ, hai con sóc, chú cừu non lại có thể gần gụi nhau đến vậy, đến mức chúng hầu như là một phần của con người Dickon vậy.

Trong đời mình, Colin chưa từng chuyện trò với một thằng bé nào, từ đáy lòng nó tràn ngập niềm vui và sự háo hức tò mò đến nỗi nó thậm chí không nghĩ đến việc phải cất lời. Nhưng Dickon chẳng mảy may ngại ngùng hay kỳ quặc. Nó không cảm thấy bối rối, bởi lần đầu tiên gặp nhau con quạ cũng đâu có hiểu ngôn ngữ của thằng bé mà chỉ giương mắt nhìn, chẳng nói chẳng rằng. Mọi sinh vật đều như vậy cho tới lúc chúng hiểu về bạn.

Nó bước tới bên ghế sofa của Colin, lặng lẽ đặt chú cừu non lên vạt áo thằng bé, và con vật be bé ấy ngay lập tức cựa quậy trong chiếc áo khoác nhung ấm áp rồi bắt đầu rúc vào các nếp gấp của áo, húc cái đầu xoăn tít long của nó vào bên sườn thằng bé. Dĩ nhiên, thằng Colin chẳng thể nào có thể ngồi yên lặng được nữa.

– Nó làm gì thế này? – Colin kêu tướng lên. – Nó muốn gì thế?

– Nó muốn mẹ của nó, – Dickon đáp rồi lại mỉm cười. – Tôi mang nó đến cho cậu vào lúc nó hơi đói, bởi tôi biết cậu thích nhìn nó bú.

Rồi Dickon quỳ xuống bên chiếc sofa, lấy chai sữa từ trong túi ra.

– Nào, cừu bé bỏng của ta, – nó nói rồi với bàn tay rám nắng mà thanh tú, nó xoay nhẹ cái đầu long trắng xoăn xoăn nhỏ xinh về phía mình. – Xem đằng sau mày có gì này. Mày nốc cho cạn đi, còn hơn là rúc vào áo nhung. Nào, thế nhé, – nói đoạn nó ấn núm vú cao su của chai sữa vào cái miệng đang rúc ráy tìm hơi.

Con cừu non bắt đầu tợp lấy tợp để tìm núm vú. Sau đó, không cần phải băn khoăn xem sẽ nói những gì. Vào lúc con cừu lăn ra ngủ, hết câu hỏi này đến câu hỏi khác dồn dập đưa ra và Dickon trả lời tất thảy. Nó kể cho hai đứa, nó đã tìm thấy con cừu như thế nào vào lúc mặt trời lên cách đây ba buổi sáng, vào lúc nó đang đứng trên đồng hoang nghe tiếng chim chiền chiện hót, ngắm cánh chim bay vút lên cao, cao mãi giữa bầu trời xanh thẳm, cho tới khi chỉ còn là một cái chấm trong không trung vời vợi.

– Nó hầu như mất hút trước mắt tôi, ngoại trừ tiếng hót, tôi tự hỏi không biết tại sao người ta còn nghe được tiếng hót ấy khi dường như nó đã biết mất khỏi thế gian này trong giây lát…và chính lúc ấy tôi nghe một âm thanh gì đó phát ra từ bụi kim tước. Thì ra là tiếng be be yếu ớt và tôi hiểu một con cừu non mới lọt lòng đang khát sữa mẹ. Tôi cũng thấy ngay nó sẽ không bị đói nếu không lạc mất mẹ vì một lý do nào đấy, thế là tôi bèn đi tìm. Chà! Tôi đã thấy nó. Tôi cứ ra ra vào vào giữa những bụi kim tước, rồi lại đi vòng quanh, và có vẻ như tôi luôn rẽ nhầm. Nhưng cuối cùng, tôi thấy một vật gì trăng trắng bên tảng đá trên một gò đất cao của cánh đồng hoang, bèn leo lên đó và phát hiện con vật tí hon này đang ngoắc ngoải vì lạnh và đói.

Trong lúc nó kể chuyện, Bồ hóng trịnh trọng bay ra bay vào cánh cửa sổ để ngỏ, miệng kêu quạ quạ như thể bình phẩm về cảnh tượng.

Hạt dẻ và Vỏ sò thì dạo chơi trong vòm lá của mấy cây to bên ngoài cửa, chạy lên chạy xuống dọc thân cây rồi thập thò qua các kẽ lá. Còn Đại úy nằm cuộn tròn gần Dickon, lúc này được ưu tiên ngồi trên tấm thảm trải trước lò sưởi. Bọn trẻ dán mắt vào các bức tranh trong mấy cuốn sách về vườn tược. Dickon biết tên địa phương của tất cả các loài hoa, nó còn biết chính xác loài nào hiện đang mọc trong khu vườn bí mật.

– Tôi không biết tên của loài này, – nó nói và đưa tay chỉ một loài hoa bên dưới có dòng chữ “Aquilegia”, – nhưng chúng tôi gọi nó là columbine, còn kia là hoa mõm chó , cả hai đều mọc hoang nơi các bờ giậu nhưng ở đây, được trồng trong vườn, trông chúng lớn hơn và sang trọng hơn. Đây là mấy khóm columbine lớn trong vườn, tựa như một tấm thảm màu xanh pha trắng có ong bướm rập rờn bay lượn vào mùa ra hoa.

– Tớ phải đi xem chúng mới được! – Colin kêu to. – Tớ phải đi xem chúng mới được!

– Đúng đấy! Cậu nên đi. – Mary nói với vẻ thật nghiêm túc. – Và cậu cũng đừng để lỡ thời gian nữa.

Bình luận