Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Những Thiên Thần Nổi Giận

Chương 15

Tác giả: Sidney Sheldon

Công việc đã trở thành liều thuốc giảm đau mà Jennifer hoàn tòan đắm mình vào không còn thời gian dành cho suy nghĩ vẩn vơ nữa.

Cô đã trở thành trung tâm chú ý của báo chí; báo nào cũng viết ngợi ca tài năng của nữ luật sư trẻ. Ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến cô đến mức cô không còn đủ sức tiếp nhận tất cả đơn hàng. Chuyên môn chính của Jennifer là luật hình sự, thế rồi theo gợi ý và cả vì sự giục giã của Ken, cô bắt đầu nhận các khách hàng khác nữa.

Ken Bailey đã trở thành thân thiết gắn bó với Jennifer hơn bao giờ hết. Anh đảm nhiệm công việc điều tra cho cô và tỏ ra vô cùng xuất sắc. Cô có thể trao đổi mọi vấn đề với anh và rất tôn trọng lời khuyên của anh.

Jennifer và Ken lại rời văn phòng đến chỗ mới, lần này là mấy căn phòng rộng rãi ở đại lộ công viên.

Jennifer thuê hai luật sư trẻ là Dan Martin và Ted Hams, cả hai đều là nhân viên của Robert Di Silva, và cô thuê thêm hai thư ký nữa.

Dan Martin trước đây là cầu thủ bóng đá trường đại học Tây Bắc. Vì vậy anh có thế lực của một nhà thể thao và trí tuệ của một nhà khoa học.

Ted Harris hơi gày, thiếu tự tin. Anh đeo cặp kính cận dày cộp, và là một thiên tài.

Martin và Hams phụ trách phần việc tại hậu trường còn Jennifer xuất hiện tại các phiên tòa xử.

Trên cửa ra vào căn phòng có tấm biển đề:

“JENNIFER PARKER VÀ ĐỒNG SỰ”

Văn phòng của họ có đủ loại khách hàng, từ việc bào chữa cho một công ty công nghiệp lớn bị kiện làm ô nhiễm môi trường, đến vụ một anh chàng nghiện rượu bị đánh và đuổi ra khỏi quán rượu. Đương nhiên, vụ say rượu này là món quà của cha Ryan.

– Hắn quả có chuyện lôi thôi một tí, – Cha Ryan nói chuyện với Jennifer. – Thực ra hắn là một người cha lương thiện biết chăm lo gia đình, nhưng cuộc sống khốn khổ quá làm hắn đôi khi cũng quá chén một tý.

Jennifer chỉ còn biết mỉm cười. Cứ theo cha Ryan thì dân xứ đạo của ông chả có ai là có tội cả. Cha chỉ có một mong muốn duy nhất là giúp họ thoát khỏi những tai hoạ mà do cẩu thả họ đã dấn vào. Một lý do làm Jennifer đồng cảm được với cha cố, là vì về cơ bản nàng cũng hiểu được tình cảnh của những người khốn khổ này. Khách hàng của nàng là những người đang lâm vào cảnh khốn khó mà chẳng có ai cứu vớt, họ cũng chẳng có tiền, chẳng có sức để đương đầu với các thế lực mạnh và cuối cùng là bị đè bẹp. Từ công lý thường được ca tụng chủ yếu khi người ta vi phạm nó. Ở phòng xử luật sư đại diện cho bên bị cũng như bên nguyên đều chẳng hề tìm kiếm công lý. Thắng kiện là mục tiêu của trò chơi.

Đôi khi Jennifer và cha Ryan nhắc đến Connie Garrett, nhưng câu chuyện bao giờ cũng làm Jennifer mệt mỏi. Vụ ấy thật là bất công và điều đó làm cô buồn giận.

Tại văn phòng của mình ở mặt sau nhà Tony, Michael Moretti ngồi xem Nick Vito cẩn thận quét căn phòng bằng một dụng cụ điện tử để dò tìm băng ghi trộm. Qua các chỗ quen biết của mình ở cảnh sát, Michael biết rằng chính quyền không cho phép cài băng ghi âm, nhưng đôi khi có một kẻ bắng nhắng như một thám tử trẻ chẳng hạn, có thể cài một băng ghi bất hợp pháp để dò la tin tức. Michael là người cẩn thận. Vào mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều đều cho người quét sạch sẽ văn phòng và nhà ở của mình. Y biết rằng y là mục tiêu số một của nửa tá dịch vụ tư vấn luật, nhưng y không hề lo sợ. Y biết họ làm gì nhưng họ không thể biết việc của y, và nếu có biết chăng nữa, họ cũng không có bằng cớ gì.

Đôi khi vào lúc đêm khuya Michael cũng ngó qua khe cửa sau của tiệm ăn và xem các nhân viên cục điều tra liên bang lấy rác của nhà y về để xem xét và thay vào đó rác khác.

Một lần Nick Vito nói:

– Lạy chúa, thưa ông, nếu bọn do thám này tìm được gì thì sao?

Michael cười:

– Tao cũng chỉ mong vậy. Nhưng trước khi chúng tới đây thì chúng ta đã đổi rác cho tiệm ăn bên cạnh rồi!

Không, các nhân viên của Cục Điều tra liên bang sẽ không động đến y. Hoạt động của gia đình thì cứ phát triển và Michael đã có ý đồ mà y chưa hề bộc lộ bao giờ. Chướng ngại vật duy nhất là Thomas Colfax.

Michael hiểu rằng y phải loại bỏ viên luật sư già này.

Y cần một cái đầu mới khác. Và lại một lần nữa y nghĩ tới Jennifer Parker.

Adam và Jennifer gặp nhau một tuần một lần và cùng ăn trưa. Điều đó chỉ làm khổ cho cả hai vì họ không có thời gian dành riêng cho nhau, không có chỗ nào chỉ cho hai người với nhau. Hằng ngày gọi điện thoại cho nhau họ dùng mật danh. Chàng xưng là ông Adams và cô là bà Jây.

– Anh chẳng muốn lẩn trốn mãi như thế này, – Adam nói.

– Em cũng vậy. – Nhưng chỉ nghĩ đến việc mất anh, cô đã hốt hoảng.

Jennifer lấy phòng xử án là nơi lẩn trốn nỗi đau buồn riêng của cô. Đó là sân khấu, là nơi cô đấu trí với những địch thủ đáng gờm. Phòng xử án là trường học của cô và cô học rất nhanh. Mỗi một vụ án là một trò chơi theo luật chặt chẽ mà chỉ có kẻ mạnh mới thắng, và Jennifer cương quyết trở thành kẻ mạnh.

Các cuộc đối chứng mà Jennifer tiến hành đã trở thành các màn kịch hấp dẫn, cô đạo diễn thật thuần thục, trôi chảy và nhanh nhẹn. Cô đã học được cách thu hút sự chú ý của viên hội thẩm chính, vì đó là người có thể dẫn dắt các hội thẩm khác theo ý mình.

Nhìn giầy cũng biết được tính cách của con người. Jennifer đặc biệt chú ý đến những thẩm phán đi giầy thuận tiện, bởi vì những người này thường có tính tình thoải mái dễ chịu.

Cô học hỏi về chiến lược đấu trí, về kế hoạch tổng thể của một vụ xử, về chiến thuật, về các bước đi cụ thể. Cô đã trở thành điêu luyện trong việc mua quà tặng cho các nhân viên chánh án cô quen biết.

Jennifer bỏ hàng giờ để chuẩn bị cho mỗi vụ xử, lúc nào cũng tâm niệm một điều: vụ kiện được hay thua đã có thể biết ngay từ trước khi mang ra xử. Cô có tài đặt biệt danh cho các hội thẩm viên: Smith là người gân guốc biết dùng đến Helm – người lái được tầu; Newman chỉ là một đứa trẻ sơ sinh.

Thông thường tòa xử nghỉ lúc 4 giờ và vào khoảng ấy nếu Jennifer đang đối chất một nhân chứng nào đó thì cô cố tình kéo dài, đợi đến lúc gần 4 giờ cô mới đưa ra một cú đòn, để gây một ấn tượng sét đánh cho các hội thẩm cho đến sáng hôm sau.

Cô biết đọc ánh mắt, cử chỉ của người khác. Nếu nhân chứng nói dối trước tòa thì có những cử chỉ đặc biệt như: xoa cằm, mím môi, che miệng, kéo tai hoặc lấy tay chải tóc, Jennifer hiểu rõ những tín hiệu ấy và chờ tới lúc đó cô mới ra tay.

Jennifer cũng phát hiện ra rằng phụ nữ mà làm nghề luật hình sự thì gặp nhiều bất lợi. Cô đang ở lãnh thổ của giới mày râu. Còn quá ít nữ luật sư hình sự và một số luật sư nam căm ghét cô. Một lần Jennifer thấy một mẩu giấy dán vào cặp tài liệu của cô: “Luật sư đàn bà”.

Mỗi khi bắt đầu một vụ xử, phần lớn hội thẩm đều có định kiến với Jennifer, bởi vì những vụ nhờ cô cãi đều dính líu đến những chuyện đen tối bẩn thỉu, bởi vậy họ cứ hay cho cô và khách của cô là cùng một giuộc.

Người ta cứ nghĩ cô phải ăn mặc như Jane Eyre (1), nhưng cô không có ý định như vậy. Cô chú ý đến cách ăn mặc để làm sao không làm các hội thẩm viên nữ ghen tị, mà cũng phải ăn mặc làm sao để không ai nghĩ cô là có bệnh tình dục đồng tính. Đã có thời cô có thể cười khi nghĩ đến những lập luận này, nhưng kinh nghiệm tại phòng xử đã cho cô thấy chúng hoàn tòan có thực. Vì cô đã gây nghiệp trong thế giới đàn ông, cô phải làm việc gấp đôi và phải thông minh gấp đôi. Cô đã học cách phải chuẩn bị kỹ các vụ không phải chỉ về phía mình, mà còn về cả phía đối phương nữa. Cô thường suy ngẫm về chiến lược của đối phương, đôi khi còn nằm trên giường hoặc ngồi ở văn phòng của mình.

Cô đặt mình vào địa vị của đối phương và tự đặt câu hỏi cô sẽ làm gì ở địa vị đó? Cô có thể đánh được đòn bất ngờ gì? Cô là một viên tướng, đi cả hai nước cờ trong một trận sống mái.

Cynthia bấm nút chuông điện thoại nội bộ:

– Có người muốn nói chuyện với chị, nhưng ông ấy cứ nhất định không xưng danh mà cũng chẳng chịu nói cho em biết gọi về việc gì.

Cách đây 6 tháng, giá như có ai gọi kiểu đó thì Cynthia chắc đã bỏ ống nghe xuống. Nhưng Jennifer đã dạy cô không bao giờ được bỏ qua bất kỳ trường hợp nào.

– Em cứ cho nói. – Jennifer trả lời.

Một lát sau cô nghe thấy một giọng đàn ông hỏi một cách thận trọng:

– Có phải Jennifer Parker đó không?

– Vâng, tôi đây.

Giọng nói lưỡng lự.

– Liệu nói chuyện qua đường dây này có an tòan không?

– Được thôi. Tôi có thể giúp được gì ông nào?

– Không phải vì tôi đâu. Vì một người bạn của tôi.

À tôi hiểu. Bạn ông có chuyện gì nào?

– Cần phải giữ bí mật, cô có hiểu ý tôi không?

– Tôi hiểu rồi.

Cynthia mang thư vào cho Jennifer.

– Chờ một chút”, Jennifer nói thầm vào ống nghe.

– Bạn tôi bị chính gia đình cô ấy nhốt vào nhà thương điên. Nhưng cô ấy không điên. Đó chỉ là một âm mưu mà thôi. Hiện nay người ta đang điều tra vụ này đấy.

Jennifer lơ đãng nghe. Cô kẹp ống nghe vào vai, trong khi đọc lướt đống thư từ Cynthia vừa mang tới.

Người đàn ông ở đầu dây kia tiếp tục:

– Cô ấy giàu và họ hàng cô ấy muốn lấy tiền của cô ấy.

Jennifer nói:

– Ông cứ nói tiếp đi! – và cô vẫn tiếp tục xem thư.

– Nếu họ biết tôi đang tìm cách giúp cô ấy thì thế nào họ cũng sẽ khử tôi. Rất nguy hiểm, cô Parker ạ.

Một vụ rồ, Jennifer nghĩ. Cô nói:

– Tôi e rằng tôi cũng chẳng giúp được gì. Nhưng theo tôi ông nên tìm một bác sỹ tâm thần cho bạn ông.

– Cô không hiểu sự việc đâu. Tất cả bọn họ vào hùa với nhau quyết làm hại cô ấy.

– Tôi hiểu lắm chứ, – Jennifer nói với giọng an ủi.

– Cô có thể giúp cô ấy được không?

– Tôi không thể làm gì được đâu, nhưng tôi sẽ nói với ông điều này. Hãy cho tôi tên và địa chỉ của bạn ông, và nếu có thể, tôi sẽ xem.

Một lát im lặng. Cuối cùng người đàn ông nói:

– Xin cô nhớ cho, đây là một vụ tuyệt mật.

Jennifer sốt ruột chỉ muốn bỏ máy xuống. Người khách hàng đầu tiên trong ngày của cô đang trong phòng đợi.

– Tôi nhớ rồi.

– Tên cô ấy là Cooper, Helen Cooper. Cô ấy có một điền trang lớn ở Long Island, nhưng họ đã lấy mất của cô ấy.

Jennifer ghi chi tiết đó vào sổ tay để ở trước mặt.

– Được rồi. Ông nói cô ấy đang ở nhà an dưỡng nào?

Điện thoại kêu đến tạch và đầu dây kia im lặng.

Jennifer ném tờ giấy cô vừa ghi vào sọt rác.

Jennifer và Cynthia liếc nhìn nhau. Thật là một thế giới kỳ quặc.

Cynthia nói:

– Cô Marshall đang chờ gấp chị.

Cách đây một tuần Jennifer có nói chuyện qua điện thoại với Loretta Marshall. Cô Marshall nhờ Jennifer bào chữa cho vụ cô kiện Cultis Randall. Người tình giàu có này không chịu nhận mình là cha đứa con của cô.

Jennifer nói với Ken Bailey:

– Chúng ta cần biết kỹ lưỡng về Curtis Randall. Y sống ở New York, nhưng theo như tôi biết y rất hay đến ở bãi biển Cây Cọ. Tôi muốn biết lý lịch gia đình của y, và thử điều tra xem y có ăn ở với một cô gái tên là Loretta Marshall không?

Cô đã nói cho Ken biết tên của các khách sạn ở bãi biển Cây Cọ mà cô gái đã cho biết. Hai ngày sau, Ken Bailey báo lại:

– Đúng vậy. Họ đã ở với nhau hai tuần tại các khách sạn ở bãi biển Cây Cọ, Miami và Allantic City. Cách đây tám tháng Loretta Marshall sinh một con gái.

Jennifer ngồi tựa lưng vào ghế và suy tư nhìn Ken Bailey.

– Nghe có vẻ như chúng ta có một vụ lý thú đây.

– Tôi không nghĩ như vậy đâu.

– Sao vậy?

– Vì khách hàng của chúng ta. Cô ta ngủ với tất cả bọn đàn ông, kể cả bọn Yanke (2)

– Anh muốn nói cha của đứa bé có thể là một trong số đàn ông nào đấy à?

– Tôi muốn nói có thể là cả nửa thế giới này.

– Trong số kia có ai giàu để trợ cấp cho đứa bé khòng?

– Bọn Yanke khá giàu, nhưng giàu nhất là Curtis Randall.

Anh đưa cho cô một danh sách dài tòan tên đàn ông.

Loretta Marshall bước vào phòng. Trước đó Jennifer tự hỏi không biết khách của mình sẽ ra sao. Chắc chắn là một cô điếm xinh đẹp, ngu ngốc. Nhưng hoá ra Loretta Marshall lại khác hẳn với Loretta trong trí tưởng tượng của cô. Không những cô ta không đẹp, mà còn rất thường. Thân hình cô ta không có gì đặc sắc.

Theo con số các mối tình của cô Marshall thì Jennifer cứ tưởng Loretta phải đẹp và gợi tình lắm. Loretta Marshall trông giống như một cô giáo dậy cấp một. Cô mặc một cái váy len, một áo sơ mi dài kín cổ, một chiếc áo len màu xanh sẫm và đi đôi giầy chắc chắn. Lúc đầu Jennifer cứ nghĩ rằng Loretta chắc muốn nhờ nàng bắt Curtis Randall phải góp tiền để cô nuôi đứa trẻ không phải là con của y. Nhưng sau một giờ nói chuyện với cô gái, Jennifer hiểu rằng cô đã thay đổi hoàn tòan định kiến của mình. Loretta Marshall rất thật thà.

– Tất nhiên, tôi không có bằng chứng để nói Cultis là cha của Melani – Cô rụt rè mỉm cười – Curtis không phải là người đàn ông duy nhất đã ngủ với tôi.

– Thế thì sao cô lại nghĩ ông ta là bố của đứa bé, hở cô Marshall?

– Tôi không nghĩ mà tôi chắc chắn là như vậy. Rất khó giải thích, nhưng tôi thậm chí còn biết tôi đã thụ thai vào đêm nào. Đàn bà đôi khi có thể cảm thấy được điều này.

Jennifer chăm chú theo dõi Loretta, cố phát hiện ra một nét gì của sự dối trá.

Nhưng không hề có. Cô gái này hoàn tòan không giả vờ và Jennifer nghĩ có lẽ đàn ông thấy điều đó ở cô là hấp dẫn.

– Cô có yêu Curtis Randall không?

– Có chứ. Và Curtis cũng nói là anh ấy yêu em. Tất nhiên em không nghĩ rằng bây giờ anh ấy còn yêu em nữa, sau tất cả những chuyện này.

Jennifer nghĩ:

– Nếu yêu anh ta, sao cô còn có thể ngủ với tất cả những người đàn ông kia? Có lẽ câu trả lời hiện lên trên khuôn mặt buồn và đơn điệu với cái dáng người trần tục của cô gái.

– Cô có thể giúp em được không, cô Parker?

Jennifer thận trọng trả lời:

– Các vụ kiện đòi nhận cha đều rất khó. Tôi có danh sách của hơn một tá đàn ông đã có ăn nằm với cô trong một năm qua. Chắc còn có những người khác nữa. Nếu tôi có bản danh sách này thì cô cũng có thể tin rằng luật sư của Curtis Randall cũng có.

Loretta Marshall nhăn mặt.

– Thế còn thử máu, kiểu người ta vẫn thường làm ấy…

– Người ta chỉ lấy kết quả thử nghiệm làm bằng trong trường hợp bên bị không phải là người cha. Về luật pháp, thử máu không giải quyết được gì.

– Em thực tình chẳng cần gì cho bản thân. Em muốn Melani được chu cấp. Lẽ đương nhiên Curtis phải có trách nhiệm chăm lo con của anh ấy chứ!

Jennifer lưỡng lự cân nhắc. Cô đã nói sự thật với Loretta Marshall. Các vụ kiện đòi nhận cha đều khó xử. Đấy chưa kể đến những khó chịu lằng nhằng khác nữa. Luật sư cho bị cáo chắc sẽ thú vị lắm khi người đàn bà này xuất hiện trước tòa. Họ sẽ đọc danh sách các người tình của chị ta, và kết cục là sẽ làm cho tất cả mọi người coi chị ta là một con điếm mà thôi.

Jennifer không muốn dây đưa vào những loại vụ như thế này. Mặt khác, cô tin Loretta Marshall. Đây không đơn thuần là việc đào mỏ người tình cũ. Người đàn bà này tin một điều là Curtis là cha của đứa con gái của mình.

Cuối cùng Jennifer quyết định.

– Thôi được cô nói, – Chúng ta sẽ thử xem sao.

Jennifer bố trí gặp Roger Davis, luật sư cãi cho Curtis Randall. Davis là một trong nhóm luật sư thuộc một công ty lớn ở phố Wall. Cứ xem các phòng làm việc rộng rãi của ông ta thì cũng biết vai trò quan trọng của ông ta ở công ty này. Ông ta có vẻ ngạo mạn và ăn nói thì văn hoa. Jennifer mới gặp đã không thích ông ta rồi.

– Tôi có thể giúp được gì cô? – Roger Davis hỏi.

– Như tôi đã nói qua điện thoại với ông, tôi đến đây vì vụ cô Loretta Marshall.

Ông ta nhìn cô và nói một cách sốt ruột:

– Thì sao?

– Cô ta nhờ tôi lo cho vụ kiện để ông Curtis Randall xác nhận thân thế người cha. Tôi chẳng muốn nhận.

– Nếu cô nhận thì thật là một việc ngu xuẩn.

Jennifer cố kìm cơn giận.

– Chúng tôi không muốn bêu nếu tên tuổi của khách hàng của ông. Tôi tin rằng ông cũng biết những vụ như thế này thường rất khó chịu. Bởi vậy, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận thoả thuận với nhau một cách biết điều khỏi phải ra tòa.

Roger Davis nở một nụ cười lạnh lẽo:

– Tôi không nghi ngờ gì sự sẵn sàng của cô cả. Vì cô sẽ không được gì đâu. Không được gì hết.

– Tôi lại nghĩ khác

– Cô Parker, tôi không có thời giờ để đối đáp với cô. Khách hàng của cô là một gái điếm. Cô ta ngủ với bất cứ loài vật gì biết đi. Tôi có một danh sách những người đã ăn nằm với cô ấy. Nó dài bằng cánh tay tôi đây này. Cô nghĩ rằng khách hàng của tôi sẽ bị ảnh hưởng à? Còn khách hàng của cô sẽ được à. Chắc cô ta là giáo viên phải không? Vậy thì sau vụ này, suốt đời cô ta sẽ không còn đi dậy ở đâu được nữa. Và tôi cũng sẽ nói cho cô biết một điều: Randal tin rằng ông ta là cha của đứa trẻ. Nhưng cô sẽ chẳng bao giờ chứng minh được điều đó đâu.

Jennifer ngồi tựa lưng vào ghế, khuôn mặt không để lộ một tình cảm gì.

– Theo chúng tôi, khách hàng của cô có thể có thai với bất kỳ ai trong Đội quân thứ ba. Cô muốn giải quyết à? Được thôi. Tôi mách cô cách này nhé. Chúng ta sẽ mua thuốc tránh thai cho khách hàng của cô, để sẽ không xảy ra chuyện gì nữa.

Jennifer đứng dậy, má đỏ bừng:

– Ông Davis, – cô nói, – diễn văn ngắn vừa rồi của ông sẽ làm khách hàng của ông mất nửa triệu đấy.

Và cô đã đi khuất ra khỏi cửa.

Ken Bailey và ba trợ lý nữa của anh không thể tìm ra được điều gì chống lại Curtis Randall cả. Y là một người goá vợ, là trụ cột của xã hội, và y có rất ít chuyện tình ái.

– Thằng chó đẻ này như là một gã Thanh giáo tái sinh hay sao ấy? – Ken Bailey ca thán.

Họ ngồi với nhau ở phòng họp, lúc ấy là nửa đêm; sáng hôm sau vụ xử bắt đầu.

– Jennifer, tôi đã nói chuyện với một luật sư trong văn phòng của Davis. Họ sẽ bóp chết khách hàng của chúng ta mất. Họ nói là họ sẽ làm đấy.

– Sao cô cứ dấn thân vào vì cô gái ấy? – Dan Martin hỏi.

– Tôi không phải ngồi đây để phán xử đời sống tình dục của cô ấy, Dan ạ. Cô ta tin rằng Curtis Randall là cha của đứa trẻ, tôi muốn nói rằng cô ta thực sự tin như vậy. Cô ta chỉ cần tiền cho đứa bé thôi, chứ không cần gì cho bản thân cô ta cả. Tôi tin vụ này của cô ấy là chính đáng.

– Chúng tôi không nghĩ đến cô ta, – Ken trả lời, – Chúng tôi lo cho cô. Cô đang lâm vào thế khó đấy. Ai cũng theo dõi cô. Tôi cho là vụ này sẽ khó được đây. Sẽ để lại một vết đen cho cô đấy.

– Thôi, tất cả chúng ta đi ngủ đi, – Jennifer nói, – Sáng mai gặp nhau ở tòa án?

Phiên tòa đã diễn ra còn tệ hại hơn cả dự đoán của Ken Bailey. Jennifer bố trí để Loretta Marshall mang cả đứa bé vào trong phòng xử, nhưng lúc này đây Jennifer sợ mình đã mắc sai lầm về chiến thuật. Cô cảm thấy bất lực, trong khi đó Roger Davis gọi hết nhân chứng này đến nhân chứng khác ra bục nhân chứng và buộc họ phải thú nhận là đã ăn nằm với Loretta Marshall. Jennifer không dám đối chất họ. Họ chỉ là những nạn nhân và họ buộc phải nói những điều đó trước công chúng. Jennifer chỉ còn biết ngồi nghe tên khách hàng của mình bị bôi nhọ. Cô theo dõi nét mặt của các hội thẩm viên và cảm nhận thấy càng ngày họ càng ghét Loretta Marshall. Roger Davis rất thông minh và thành công trong việc lột tả Loretta Marshall như là một gái điếm. Mà bản thân ông ta cũng chẳng cần phải làm gì. Các nhân chứng của ông ta đã làm hộ ông ta việc đó về phía mình, Jennifer gọi các nhân chứng lên bục để chứng minh cho nhân cách của Loretta Marshall – cô ta là một giáo viên tốt, cô chăm chỉ đi lễ nhà thờ và là một người mẹ chu đáo, nhưng tất cả những điều này không gây được ấn tượng gì vì số lượng ghê gớm các người tình của Loretta Marshall trước đó Jennifer đã hy vọng lấy được cảm tình của các hội thẩm viên, bằng cách nhấn mạnh tình cảnh khốn khổ của người đàn bà trẻ, đã bị một tên Sở Khanh giàu có phản bội, rồi bỏ rơi khi cô ta có mang. Nhưng phiên xử không đi theo hướng đó.

Curtis Randall ngồi ở bàn bị cáo. Giá như có một đạo diễn phim cần một tài tử xi nê thì Curtis có thể được chọn lắm. Y khoảng 57, 58 tuổi, diện mạo hào hoa phong nhã, khuôn mặt với những đường nét đều đặn, thanh tú, tóc đã hơi bạc. Y xuất thân từ một gia đình thượng lưu, là hội viên của các câu lạc bộ sang trọng, giàu có và thành đạt. Jennifer có thể cảm thấy là các bà hội thẩm viên đều đang thầm ngắm nghía y.

Lẽ dương nhiên, Jennifer thầm nghĩ, họ đang nghĩ rằng chỉ có họ mới xứng đáng ân ái với Ngài Đẹp trai kia, chứ không phải cái loại gái chả có gì đặc sắc đang ngồi kia bế đứa trẻ 10 tháng tuổi trên tay.

Thật không may cho Loretta Marshall, đứa trẻ trông không giống cha nó, cũng chẳng giống mẹ nó.

Nó có thể là con của bất kỳ người nào.

Như thể đọc được ý nghĩ của Jennifer lúc đó, Roger Davis nói với ban hội thẩm:

– Thưa quý ông, quý bà, xin các vị hãy nhìn hai mẹ con họ ngồi kia. Chà? Cháu bé đó là con ai? Các vị đã nhìn thấy bị cáo. Nếu có ai tại phòng xử này chỉ ra một nét nào giống nhau giữa bị cáo và đứa trẻ, thì tôi sẵn sàng bác bỏ. Đương nhiên, nếu bị cáo là cha của đứa trẻ thì phải có một nét nào đó chứng tỏ điều đó chứ. Một nét nào đó như mắt, mũi, cằm chẳng hạn. Nét giống đó ở đâu? Chẳng hề có. Và chỉ vì một lý do đơn giản: Bị cáo không phải là cha của đứa trẻ. Không, tôi e rằng điều hôm nay chúng ta thấy ở đây chỉ là một thí dụ cổ điển về một người đàn bà buông thả, do cẩu thả mà mang thai, rồi cố tìm xem ai là người có khả năng nhất bao cấp tài chính cho cô ta.

Ông ta hạ giọng:

– Nhưng chúng ta ở đây không phải là để phán xét cô gái này Loretta Marshall muốn làm gì thì làm với cuộc sống riêng tư của mình. Ngay cả việc cô ta là giáo viên, và có thể ảnh hưởng đến nhân cách của học sinh, cũng không phải là điều tôi quan tâm chính ở đây. Tôi không phải đến đây để lên lớp về đạo đức; tôi đến đây chỉ để bảo vệ quyền lợi của một người vô tội.

Jennifer chăm chú nhìn bàn hội thẩm và cô thất vọng cảm thấy tất cả mọi người đều ngả về phía Curtis Randall. Jennifer vẫn tin Loretta Marshall. Chỉ cần đứa trẻ kia trông giống cha nó thôi? Roger Davis quả nói đúng. Giữa người đàn ông và đứa trẻ không hề có nét nào giống nhau. Và Davis đã làm cho ban hội thẩm hoàn tòan tin mình.

Jennifer gọi Curtis Randaìl lên làm chứng. Cô biết đây là cơ hội duy nhất cô có thể gỡ lại tổn hại mà Davis gây ra, là cơ hội cuối cùng để chuyển đổi tình thế. Cô xem xét người ngồi ở ghế nhân chứng trong một lát.

– Ông đã có vợ bao giờ chưa, ông Randall?

– Có. Vợ tôi chết trong một đám cháy. – Ngay lập tức đã có thể cảm thấy một niềm thương cảm trong ban hội thẩm.

Kệ! Jennifer nhanh chóng tiếp tục hỏi:

– Ông không bao giờ đi bước nữa à?

– Không. Tôi rất yêu vợ, và tôi…

– Thế ông không có con với bà vợ cũ của ông ư?

– Không. Thật không may, vợ tôi đã không có khả năng.

Jennifer chỉ tay về phía đứa trẻ: Thế thì Melani là đứa con duy nhất của ông.

– Phản đối!

– Trật tự. Luật sư của bên nguyên hiểu rõ điều này.

– Xin lỗi, thưa quý tòa. Tôi buột miệng mà thôi.

Jennifer quay sang Curtis Randall.

– Ông có yêu trẻ em không?

– Có chứ, tôi rất yêu trẻ.

– Ông là chủ tịch Uỷ ban điều hành công ty của riêng ông, có phải không ông Randall?

– Vâng.

– Thế ông không bao giờ mong có một đứa con trai để rồi nó sẽ mang tên ông ư?

– Tôi nghĩ rằng đàn ông ai mà chả mong như vậy!

– Thế giá như Melani là con trai…

– Phản đối!

– Trật tự. – Viên chánh án quay sang Jennifer – Cô Parker, tôi sẽ phải nhắc cô một lần nữa đừng làm như vậy.

– Xin lỗi, thưa quý tòa – Jennifer quay sang Curtis Randall – Ông Randall, ông có thói quen đưa phụ nữ lạ đến các khách sạn ông ở phải không?

Curtis Randall bốí rối liếm môi dưới:

– Không, không…

– Thế không phải là lúc đầu ông gặp Loretta Malshall ở một tiệm rượu rồi đưa cô ta đến khách sạn?

Y lại lấy lưỡi liếm môi.

– Vâng, thưa cô. Nhưng chẳng qua đó chỉ là chuyện tình dục mà thôi.

Jennifer nhìn y:

– Ông nói “chỉ là chuyện tình dục” như thể ông cho rằng chuyện tình dục là cái gì đó bẩn thỉu lắm.

– Không, thưa cô. – Lưỡi y lại làm việc.

Jennifer ngắm nhìn cái lưỡi bị cáo và lấy làm thích thú, trong lúc y lấy lưỡi liếm môi. Bỗng nhiên cô cảm thấy một tia hy vọng bất ngờ, rồ dại. Lúc này, cô biết mình phải làm gì. Cô cần phải dồn y. Nhưng cô cũng phải biết đừng quá vội để đến mức ban hội thẩm mất cảm tình với mình…

– Ông đã có quan hệ với bao nhiêu phụ nữ ông tìm được ở các quán rượu?

Roger Davis đứng bật dậy.

– Không được, thưa quý tòa. Tôi phản đối kiểu hỏi này. Người đàn bà duy nhất dính dáng đến vụ này là Loretta Marshall. Chúng tôi đã nói rằng bị cáo có ăn nằm với cô ta. Ngoài điều đó ra, đời tư của ông ta không có quan hệ gì tới phòng xử hôm nay.

– Tôi phản đối, thưa quý tòa. Nếu bị cáo là loại đàn ông…

– Trật tự. Yêu cầu cô Parker thôi chất vấn kiểu đó đi.

Jennifer nhún vai:

– Vâng, thưa quý tòa. – Nàng quay sang Curtis Randall. – Bây giờ ta quay lại cái đêm ông gặp Loretta Marshall ở quán rượu. Đó là quán rượu loại gì vậy?

– Tôi… tôi cũng chẳng biết nữa. Trước đó tôi chưa từng bao giờ ở đó.

– Có phải quán rượu dành cho người độc thân hay không?

– Tôi không biết nữa?

– À thế thì có thể báo cho ông biết, đó là quán Play Pen, nó là quán dành cho những người độc thân, là nơi đàn ông, đàn bà đến để tìm bạn tình. Có phải ông đến đó cũng vì lý do đó không, ông Randall?

Curtis Randall lại bắt đầu lấy lưỡi liếm môi.

– Có thể như vậy, tôi không nhớ nữa.

– Ông không nhớ à? – Giọng Jennifer châm biếm.

– Thế ông có nhớ ngày ông gặp Loretta Marshall lần đầu ở quán đó không?

– Không, tôi không thể nhớ chính xác được.

– Thế thì để tôi nhắc cho ông nhớ.

Jennifer bước lại gần bàn dành cho bên nguyên và bắt đầu xem xét một số giấy tờ. Nàng viết vội một mảnh giấy như thể đang ghi ngày tháng, rồi nàng đưa tờ giấy cho Ken Bailey. Anh ngắm nghía mẩu giấy, vẻ mặt ngỡ ngàng.

Jennifer quay trở lại chỗ dành cho nhân chứng:

– Hôm đó là ngày 18 tháng Giêng, ông Randall ạ.

Từ khoé mắt, nàng có thể nhìn thấy Ken Bailey rời phòng xử.

– Có thể như vậy. Như tôi đã nói, tôi không nhớ lắm.

Trong 15 phút sau đó, Jennifer tiếp tục hỏi Curtis Randall. Đó là những câu chất vấn nhẹ nhàng, lộn xộn, Roger Davis cũng không ngắt lời, vì ông thấy Jennifer cũng chẳng gây được ấn tượng gì với ban hội thẩm. Những người này đã bắt đầu tỏ vẻ chán.

Jennifer tiếp tục nói, mắt vẫn để ý tìm Ken Bailey.

Đang dở chừng câu hỏi, Jennifer thấy anh vội vã bước vào phòng xử, tay cầm một bọc gì đó.

Jennifer quay sang viên chánh án:

– Thưa quý tòa. Tôi có thể xin phép được nghỉ 15 phút không?

Viên chánh án nhìn đồng hồ treo trên tường. – Đã đến giờ ăn trưa rồi, tòa sẽ tạm dừng cho đến 1 giờ rưỡi.

Đến một giờ rưỡi, phiên tòa lại họp. Jennifer bố trí để Loretta Marshall ngồi gần bàn hội thẩm, đứa bé ngồi trong lòng cô ta.

Viên chánh án nói:

– Ông Randall, ông còn đang tiếp tục làm nhân chứng. Không cần phải thề nữa. Xin mời ông lên bục.

Jennifer chăm chú theo dõi khi Curtis Randall ngồi vào chỗ dành cho nhân chứng. Nàng tiến lại gần y và hỏi:

– Ông Randall, ông có bao nhiêu con ngoài giá thú?

Roger Davis đứng bật dậy:

– Phản đối? Thật là trắng trợn, thưa quý tòa. Tôi không cho phép ai xúc phạm khách hàng của tôi.

Viên chánh án nói:

– Đồng ý! – ông ta quay sang Jennifer. – Cô Parker, tôi đã nói với cô…

Jennifer nhũn nhặn nói:

– Thưa quý tòa, tôi xin lỗi.

Cô nhìn Curtis Randall và hiểu điều cô mong muốn đã được thực hiện. Y liên tục liếm môi. Jennifer quay sang Loretta Marshall và đứa bé. Đứa bé cũng đang lấy lưỡi liếm môi. Jennifer chậm rãi bước lại gần đứa bé và dừng lại một lúc lâu trước mặt đứa bé, để thu hút sự chú ý của ban hội thẩm.

– Xin các vị hãy nhìn đứa trẻ này, – nàng nhẹ nhàng nói.

Tất cả quay sang chăm chú nhìn Melani, cái lưỡi tí xíu hồng hồng của nó đang liếm môi dưới.

Jennifer quay lại và bước lại gần bàn nhân chứng. Và xin các vị hãy nhìn ông này.

Mười hai đôi mắt quay sang phía Curtis Randall. Y đang lấy lưỡi liếm môi dưới liên tục, và bỗng nhiên sự tương đồng không còn là một điều lầm lẫn nữa. Và chẳng còn ai nhớ tới việc Loretta Marshall đã ngủ với hàng tá đàn ông khác. Cũng chẳng ai nhớ rằng Curtis Randall là trụ cột của cộng đồng xã hội.

Jennifer nói một cách đau xót.

– Đây là một người đàn ông có địa vị và có tiền của… Một người được tất cả mọi người trọng vọng. Nhưng tôi chỉ muốn hỏi các vị một câu: Loại người nào mà lại nỡ từ chối không nhận đứa con của chính mình?

Ban hội thẩm ra ngoài hội ý gần một giờ, sau đó quay lại tuyên án bị cáo. Loretta Marshall sẽ được nhận hai trăm ngàn đôla tiền mặt và mỗi tháng hai ngàn đôla để nuôi con.

Sau khi tuyên án, Roger Davis tiến lại gần Jennifer, mặt đỏ vì tức giận:

– Cô làm gì với đứa bé đấy?

– Ông muốn nói gì cơ?

Roger Davis lưỡng lự, thiếu tự tin:

– Cái vụ liếm môi ấy. Chính cái đó làm xiêu lòng ban hội thẩm, khi họ trông thấy cảnh đứa bé liếm môi như vậy. Cô có thể giải thích cho tôi biết được không?

– Thực ra, – Jennifer trả lời một cách ngạo nghễ. Tôi có thể giải thích được. Cái đó được gọi là di truyền học đấy.

Và cô quay đi.

Trên đường về văn phòng, Jennifer và Ken Bailey vứt cái chai đựng nước xirô ngô vào sọt rác.

Chú thích:

(1) Nhân vật trong tiểu thuyết cùng tên của nữ vân sĩ Anh C. Bronte (1816 – 1855)

(2) Cách gọi một cách miệt thị người Bắc Mỹ.

Bình luận