Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tiểu Sử Steve Jobs

Chương 3: BỎ HỌC

Tác giả: Walter Isaacson

Khởi đầu. Bắt nhịp.

Chrisann Brennan

Mùa xuân năm 1972, năm học cuối cấp ở trường Homestead, Jobs bắt đầu hẹn hò với một cô gái. Chrissan Brennan bằng tuổi Jobs nhưng học kém một lớp. Với mái tóc màu nâu nhẹ, đôi mắt xanh, gò má cao cùng dáng dấp mong manh của một cô thiếu nữ thì Chrissan quả rất quyến rũ. Cha mẹ của Chrissann vừa ly dị. Chính sự tan vỡ của gia đình khiến Chrissann rất dễ bị tổn thương. Jobs nhớ lại “Chúng tôi cùng làm chung trong dự án một bộ phim hoạt họa rồi bắt đầu hẹn hò. Cô ấy trở thành người bạn gái thật sự đầu tiên của tôi”. Brennan sau này cũng nói rằng “Steve là một con người điên khùng. Nhưng chính điều đó đã hấp dẫn tôi”.

Sự điên khùng của Jobs có lẽ đã được điều chỉnh và trau dồi bởi nhận thức. Ông đã bắt đầu những cuộc thử nghiệm, sẽ duy trì trong suốt cuộc đời, với chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, chỉ có rau và hoa quả. Chính vì vậy, người ông gầy và mảnh khảnh như một cỗ chiến xa hạng nhẹ. Ông luyện được cách nhìn chằm chằm vào người khác mà không chớp mắt, ông có thể phá vỡ sự im lặng trong một thời gian dài bằng một loạt những câu nói nhanh và ngắn gọn. Sự pha trộn khác thường giữa những xúc cảm mãnh liệt và sự xa lánh cô độc kết hợp với mái tóc ngắn đến ngang vai và bộ râu lởm chởm mang lại cho Jobs thần thái của một vị pháp sư điên khùng. Ở Steve có sự hòa quyện của một người thuyết phục tài tình đồng thời lại gây ra cho người khác sự ớn lạnh đến nổi da gà. Brennan kể rằng “Steve thường đi đi lại lại, trông như nửa tỉnh nửa mê. Anh ấy có quá nhiều sự lo lắng, cảm giác như xung quanh là một màn đêm rộng lớn bao trùm vậy”.

Job bắt đầu sử dụng chất kích thích gây ảo giác và sau đó ông cũng kéo cả Brennan vào cuộc chơi này trên một cánh đồng lúa mỳ ở ngoại ô Sunnyvale. Ông nói “Thật là tuyệt vời. Tôi thường nghe nhạc của Bach, và khi đó đột nhiên, cả cánh đồng lúa mỳ như ngập tràn những giai điệu của Bach. Giây phút đó đích thực là giây phút tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi. Tôi cảm giác như mình là vị nhạc trưởng của dàn hòa tấu đang đắm mình trong những giai điệu làm mê lòng người”.

Mùa hè năm 1972, sau khi tốt nghiệp, ông cùng với Brennan chuyển đến sống trong một nhà xe lưu động ở khu đồi trên Los Altos. Một ngày, Steve thông báo tới cha mẹ mình rằng “Con cùng với Chrisann sẽ chuyển đến sống ở nhà xe lưu động”. Cha của Steve rất tức giận, ông nói kiên quyết: “Điều đó không thể được, trừ phi bước qua xác ta”. Trước đó, họ đã phản đối việc Jobs sử dụng cần sa và giờ một lần nữa chàng thanh niên Jobs lại tiếp tục bị ngăn cản. Steve chào tạm biệt cha mẹ và bỏ đi.

Brennan dành rất nhiều thời gian của mùa hè năm đó để vẽ. Cô khá có tài hội họa, và bức vẽ chú hề cô tặng cho Jobs được treo mãi trên tường. Jobs thì làm thơ và chơi ghi-ta. Đôi lúc, ông có thể là một con người cực kỳ tàn nhẫn và lạnh lùng với Brennan, nhưng ông cũng là người rất cảm xúc và cương quyết với các quyết định của mình. Brennan nhận xét rằng “Jobs là một sự kết hợp kỳ lạ của một kẻ giác ngộ bên trong những biểu hiện của con người độc ác”.

Giữa mùa hè năm đó, Jobs suýt thiệt mạng khi chiếc xe Fiat đỏ của ông bị cháy động cơ. Khi đang lái xe, cùng một người bạn trung học tên là Tim Brown, trên Đại lộ Skyline ở khu vực núi Santa Cruz thì anh bạn này bất chợt nhìn thấy đằng sau động cơ của chiếc xe đang bốc cháy và hét lên “Cho xe tấp vào lề đường đi, xe cậu đang cháy kìa”. Jobs dừng xe ở bên đường, dập lửa. Và cha Steve, mặc dù đang chiến tranh lạnh với cậu con trai vẫn lái xe đến khu đồi để kéo chiếc Fiat về nhà.

Với mục tiêu kiếm tiền mua xe mới, Jobs đã nhờ Wozniak chở đến trường đại học De Anza để tìm thông tin trên bảng thông báo của trường. Họ đọc được một quảng cáo rằng Trung tâm mua sắm Westgate ở San Joe đang tìm kiếm sinh viên sẵn sàng hóa trang và vui chơi với bọn trẻ. Với mức lương 3 đô-la/giờ, Jobs, Wozniak và Brennan phải mặc những trang phục hóa trang to tướng, nặng trịch phủ từ đầu đến chân để đóng giả làm các nhân vật trong chuyện Alice ở xứ sở thần tiên, Alice, Mad Hatter và Thỏ trắng. Wozniak, với sự nghiêm túc và ngọt ngào của mình thấy công việc này khá thú vị. Ông kể lại: “Lúc ấy, tôi nói với Jobs rằng mình muốn làm công việc này, đó là cơ hội thú vị vì tôi yêu trẻ nhỏ’. Nhưng tôi nghĩ Jobs cho rằng một công việc tệ hại thế mà tôi lại thấy đây là một trải nghiệm thú vị”. Jobs thì khó chịu cằn nhằn, “Trời rất nóng, bộ quần áo hóa trang lại quá nặng và sau một lúc, tôi cảm giác mình chỉ muốn bạt tai một vài đứa trẻ đó”. Kiên nhẫn là một những đức tính không bao giờ có ở Jobs.

Trường Reed (Reed College)

Mười bảy năm trước, khi nhận con nuôi, cha mẹ của Jobs đã cam kết sẽ cho ông học đại học. Vì vậy, họ đã làm việc thật chăm chỉ và trách nhiệm để tiết kiệm số tiền không nhiều nhưng đủ để Jobs có thể theo học đại học sau khi tốt nghiệp. Nhưng Jobs, với sự ngang ngạnh ngày một gia tăng đã khiến mọi việc không hề suôn sẻ như vậy. Đầu tiên, ông giỡn rằng mình sẽ không học đại học. “Lúc đó, tôi nghĩ nếu không theo học đại học, tôi sẽ đi New York”, Jobs kể lại, trầm ngâm tưởng tượng thế giới của ông, và có lẽ và của chúng ta nữa, sẽ ra sao nếu ông chọn con đường ấy. Khi cha mẹ Jobs ép phải đi học đại học, ông phản ứng lại một cách khá gay gắt. Ông thậm chí còn không thèm quan tâm đến việc chọn trường, kể cả Berkely, nơi Woz đã theo học mặc dù họ có khả năng tài chính để lo cho ông theo học tại đây. Jobs cũng không thèm ngó ngàng gì đến Stanford, ngôi trường ở ngay gần nhà và có thể dành cho ông một suất học bổng. Jobs nói rằng “Những đứa chọn Standford để theo học thì chúng đã biết được chúng muốn gì rồi. Chúng thật sự chẳng có tí máu nghệ sĩ nào cả. Tôi, thì tôi muốn cái gì đó vừa nghệ sĩ lại vừa thú vị”.

Thay vào đó, Jobs khăng khăng chỉ đăng ký vào mỗi trường đại học Reed, một trường tư thục thuộc nhóm các trường khoa học xã hội ở Portland, Oregon với mức học phí gần như đắt nhất nước. Jobs đang đến thăm Woz ở Berkeley khi cha ông gọi điện thông báo đã nhận được thư chấp nhận của trường Reed cũng như cùng mẹ ông một lần nữa cố gắng thuyết phục ông chọn trường khác. Chi phí theo học ở Reed thật sự vượt quá khả năng tài chính của họ. Nhưng một lần nữa, cậu con trai của họ đáp lại bằng một tối hậu thư: Nếu không học ở Reed thì sẽ chẳng học ở đâu nữa. Và như thường lệ, cha mẹ của Jobs đành nhượng bộ.

Reed chỉ có chừng một ngàn sinh viên, bằng nửa so với Homestead và được biết đến như một nơi mà sinh viên có một phong cách sống hippie theo xu hướng tự do, một sự kết hợp không dễ dàng thích nghi cùng với những tiêu chuẩn học thuật khắt khe và chương trình học khá nặng ở đây. Năm năm trước, Timothy Leary, một guru của nhóm những người tìm sự giác ngộ trong ảo giác, đã “ngồi vắt chéo chân” ở khu vực sinh hoạt chung của trường Reed trong trạng thái thăng hoa tinh thần do dùng LSD. Tại đây, ông ta đã hô hào mọi người “Giống như những vùng đất tuyệt vời từ xa xưa chúng ta đến để tìm kiếm sự kỳ ảo của thánh thần… Những mục tiêu cổ xưa này, chúng tôi định nghĩa nó trong phép ẩn dụ thích hợp hơn trong thời đại ngày nay là – “Hãy khởi động, hòa nhập và từ bỏ”. Rất nhiều sinh viên của Reed đã tuân theo cả ba huấn lệnh này và tỷ lệ bỏ học suốt những năm 1970 lên tới hơn một phần ba.

Đến thời gian Jobs bắt đầu nhập học vào mùa thu năm 1972, cha mẹ lái xe đưa Jobs lên Portland nhưng, như một hành động chống đối cứng đầu, Jobs từ chối đưa họ vào thăm khuôn viên trường. Trên thực tế, ông đã thậm chí không cả nói lời tạm biệt hay cảm ơn. Ông thuật lại giây phút đó sau này với sự hối hận:

Đó là một trong những điều tồi tệ khiến tôi thấy hổ thẹn nhất trong cuộc đời mình. Tôi đã không tinh ý chút nào và khiến cả cha mẹ tôi đau lòng. Họ đã cố gắng rất nhiều để chắc chắn rằng tôi có thể đi học ở Reed nhưng tôi lại không muốn họ có mặt ở đây, tham quan nơi tôi sẽ theo học. Tôi không muốn bất cứ ai biết rằng tôi có cha mẹ. Tôi muốn mọi người coi mình là một đứa trẻ mồ côi, đi lang thang vô định khắp nơi trên đất nước này bằng xe lửa và vừa đến trường, không từ đâu cả, không nguồn gốc, không mối ràng buộc, không thân thế, không gì cả”.

Cuối năm 1972 đã diễn ra một sự chuyển dịch cơ bản trong cuộc sống tại các trường đại học ở Mỹ. Sự tham chiến tại Việt Nam và chế độ quân dịch đi kèm với nó đã được co hẹp. Các hoạt động chính trị tại các trường đại học đã lui vào hậu trường. Nội dung các cuộc nói chuyện tán gẫu đêm khuya ở các căn phòng khu ký túc xá sinh viên đã được chuyển sang chủ đề làm thế nào để hoàn thiện bản thân. Jobs thấy bản thân mình chịu ảnh hưởng sâu sắc của những cuốn sách về tâm linh và giác ngộ, tiêu biểu nhất là cuốn Be Here Now, một cuốn sách dẫn dắt người đọc vào thế giới của thiền định và sự kỳ diệu của những loại thuốc gây ảo giác của Baba Ram Dass (tên khai sinh là Richard Alpert). Jobs cho rằng “Điều đó thật sự tuyệt diệu. Nó đã giúp cải tổ chính bản thân tôi và những người bạn tôi”.

Người bạn thân nhất của Jobs ở trường đại học cũng là một sinh viên năm thứ nhất, có râu quai nón tên là Daniel Kottke. Hai người đã gặp nhau một tuần sau khi đến nhập học và có chung sở thích thiền, nghe nhạc Dylan và sử dụng chất kích thích. Kottke đến từ một vùng ngoại ô giàu có của New York, thông minh nhưng hời hợt, thiếu nhiệt huyết, có cử chỉ của những đứa trẻ đồng bóng đầy ngọt ngào, thậm chí Kottke còn dịu dàng hơn bởi ông chịu ảnh hưởng sâu sắc với những lời răn dạy của đạo Phật. Những yếu tố tâm linh đó đã khiến cho Kottke không có ham muốn tranh giành hay để ý đến vật chất, nhưng dù sao ông cũng rất ấn tượng với chiếc đài cassett của Jobs. Kottke nói “Steve có một chiếc TEAC có 2 trục quay băng với một lượng lớn các bản ghi nhạc của Dylan. Cậu ấy vừa dễ mến lại vừa sành về công nghệ”.

Jobs bắt đầu dành rất nhiều thời gian với Kottke và Elizabeth Holmes bạn gái của Kottke, mặc dù ông đã xúc phạm bà trong buổi gặp đầu tiên khi đưa ra một câu hỏi sỗ sàng: Phải mất bao nhiêu tiền để bà có thể lên giường với một gã đàn ông khác. Họ cùng nhau bắt xe ra biển chơi, cùng nhau tham gia vào những bản rap đặc trưng của sinh viên ở ký túc xá về ý nghĩa cuộc sống, tham gia lễ hội festival tình yêu ở ngôi đền Hare Krishna và đi đến những trung tâm dạy Thiền để thưởng thức những bữa ăn chay miễn phí. Kottke nói rằng “Việc đó thật vui nhưng cũng mang giá trị triết học cao và chúng tôi đã hành thiền một cách rất nghiêm túc”.

Jobs bắt đầu chia sẻ với Kottke những cuốn sách khác, bao gồm cả “Thiền Tâm”, “Luyện tập trí tuệ cho người bắt đầu” của Shunryu Suzuki, “Tự truyện của một Yogi” của Paramahansa Yogananda và “Vượt qua chủ nghĩa duy vật tinh thần” của Chὃgyam Trungpa. Họ lập ra một phòng thiền trong một căn gác áp mái phía bên trên phòng của Elizabeth, tu sửa lại với những bức hình về văn hóa Ấn Độ, trải thảm phòng, nến, hương và những chiếc thảm tập. Jobs kể “Có một khoang trống giữa trần nhà dẫn lên gác mái, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn dùng thuốc ảo giác ở đây nhưng chủ yếu chúng tôi chỉ lên đây để thiền”.

Sự gắn bó của Jobs với thế giới tâm linh phương Đông, đặc biệt là Thiền Phật giáo không phải chỉ là những ham mê nhất thời của tuổi trẻ. Ông theo đuổi nó hết mình giống như nét tính cách vốn có của ông. Kottke nói với tôi rằng “Steve rất sùng bái Thiền. Nó thật sự ảnh hưởng sâu sắc đến ông ấy. Bạn có thể nhận thấy điều này trong tổng thể con người Jobs: sự thẳng thắn, bình dị, khiếu thẩm mỹ tinh tế, đơn giản và sự tập trung cao độ. Jobs cũng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi nhận định rằng cơ sở của Phật giáo là trực giác. Jobs sau này nói với tôi: “Tôi bắt đầu nhận ra rằng sự nhận thức tự nhiên bằng trực giác quan trọng hơn những thống kê logic trừu tượng, phải vận dụng trí não của khoa học”. Tuy nhiên, cảm xúc quá mãnh liệt khiến Jobs khó đạt được sự tĩnh tâm; những nhận thức có được từ Thiền của ông không đi kèm với việc tăng khả năng giữ bình tĩnh, đầu óc thanh thản hay sự nhẹ nhàng giữa người với người”.

Jobs và Kottke đều thích chơi một môn cờ biến thể của thế kỷ XIX xuất phát từ Đức có tên là Kriegspiel. Hai người chơi phải ngồi quay lưng vào nhau, mỗi người đều có một bảng riêng với những quân cờ của mình sao cho không ai có thể nhìn thấy đối thủ. Một người được cử làm trọng tài để quan sát và thông báo cho người chơi nếu nước đi của họ đúng luật hay phạm luật. Công việc của mỗi người chơi là cố gắng tìm ra cách sắp xếp các quân cờ của đối phương. Holmes nhớ rằng “Hiệp đấu cam go và quyết liệt nhất mà tôi từng chơi với họ là trận đấu diễn ra cạnh lò sưởi trong suốt một cơn bão, ngoài trời mưa rất to. Lúc đó, tôi là trọng tài, họ chơi trong hơi thuốc và di chuyển nhanh tới mức rất khó để tôi có thể bắt kịp họ”.

Một cuốn sách khác có ảnh hưởng sâu sắc tới Jobs trong thời gian năm đầu đại học là “Diet for a Small Planet” (tạm dịch: Ăn kiêng vì hành tinh bé nhỏ) của Frances Moore Lappé. Cuốn sách ca tụng những lợi ích không chỉ với cá nhân và với toàn hành tinh này của việc ăn chay. Ông nhớ lại “Đó là lúc tôi thề sẽ không ăn thịt vì mục tiêu sống tốt hơn”.

Jobs và Kottke thực sự là những người ăn chay nghiêm túc trong suốt năm thứ nhất đại học. Kottke nói “Steve còn ‘tín’ việc ăn chay hơn cả tôi”. Họ đi mua đồ tại một siêu thị nông sản, nơi Jobs thường mua một hộp ngũ cốc lớn có thể sử dụng được trong một tuần và rất nhiều hộp lớn đồ ăn dinh dưỡng khác. “Ông ấy mua rất nhiều chà là, quả hạnh và cà rốt. Ông ấy có một cái máy ép hoa quả Champion và chúng tôi làm nước ép cà rốt hay salad cà rốt. Có một câu chuyện kể rằng nước da của Steve đã chuyển sang màu da cam vì ăn quá nhiều cà rốt và việc đó cũng có phần nào đúng”. Bạn bè xung quanh nhớ rằng có thời gian, da của Jobs có màu sắc giống như màu cam của bầu trời lúc mặt trời lặn.

Thói quen ăn kiêng của Jobs thậm chí còn trở nên nghiêm nhặt hơn khi ông đọc cuốn “Mucusless Diet Healing System” (tạm dịch là “Chế độ ăn kiêng không tạo ra niêm dịch giúp chữa lành bệnh”) của Arnold Ehret, một người Đức, cuồng tín với các vấn đề dinh dưỡng đầu thế kỷ XX. Ông này tin rằng nếu không ăn gì ngoài trái cây và rau, loại không chứa tinh bột, thì sẽ giúp cơ thể ngăn chặn tiết ra niêm dịch gây hại và ông chủ trương làm sạch cơ thể mình thường xuyên bằng việc ăn chay nhẹ hoặc nhịn ăn trong thời gian dài. Đều đó có nghĩa là ông sẽ chấm dứt ngay cả các bữa ngũ cốc Roman hay bánh mỳ, ngũ cốc khác và sữa. Jobs bắt đầu cảnh báo những người bạn của mình về những nguy hiểm của niêm dịch ẩn nấp trong những chiếc bánh sừng bò. Ông nói “Tôi tuân thủ theo nó một cách điên rồ như tôi vốn vậy”. Có thời điểm, ông và Kottke cả tuần chỉ ăn táo, sau đó Jobs thậm chí còn nhịn ăn. Họ bắt đầu bằng việc nhịn ăn hai ngày, sau đó kéo dài đến cả tuần hoặc hơn. Họ chỉ uống nước và ăn các loại rau có lá. Jobs kể “Sau một tuần, tôi bắt đầu thấy hiệu nghiệm. Cơ thể tôi như nhận được một luồng sinh khí lớn nhờ việc không phải tiêu hóa thức ăn. Tôi thật sự có ngoại hình lý tưởng và cảm giác như mình có thể thức dậy và đi bộ tới San Francisco bất cứ lúc nào tôi muốn”.

Jobs kết hợp giữa chế độ ăn chay và sự thấm nhuần tư tưởng Thiền Phật giáo, giữa việc ngồi thiền và rèn luyện tâm linh, giữa sử dụng chất gây ảo giác và rock… với cường độ ngày càng gia tăng, những nguồn động lực được cho là tiểu chuẩn trong hành trình tìm kiếm sự giác ngộ của thời đại. Mặc dù Jobs ít chú ý đến việc học tập của mình ở Reed nhưng trong ông vẫn luôn ngầm tồn tại dòng chảy của một con người nghiền công nghệ điện tử, thứ mà một ngày sẽ kết hợp một cách ngạc nhiên với những điều trên.

Robert Friedland

Một lần, để kiếm tiền, Jobs quyết định bán chiếc máy đánh chữ IBM Selectric. Ông đi vào căn phòng của một sinh viên, người đã hỏi mua nó; nhưng lúc đó, anh ta đang mải vui vẻ với cô bạn gái. Jobs định bỏ đi nhưng cậu sinh viên đó mời ông ngồi xuống và đợi đến khi họ xong việc. Jobs sau này nói rằng “Điều đó gần như vượt quá sức tưởng tượng của tôi”. Sau đó, Jobs cũng bắt đầu chơi với Robert Friedland, một trong số ít người có khả năng “thôi miên” ông. Ông cũng bị ảnh hưởng một số nét tính cách được cho là lôi cuốn của Friedland và đối xử với ông ta như một thần tượng (guru) cho đến khi bắt đầu nhận ra ông ta chỉ là một kẻ bịp bợm.

Friedland lớn hơn Jobs bốn tuổi nhưng vẫn đang học đại học. Ông là con trai của một người còn sống sót của trại tập trung Auschiwitz thời Đức quốc xã, và trở thành một kiến trúc sư giàu có sống ở Chicago. Friedland ban đầu theo học tại Bowdoin, một trường đại học khoa học xã hội tại Maine. Nhưng khi đang học năm thứ hai thì ông bị bắt vì chứa chấp 24.000 tép thuốc gây nghiện (LSD) trị giá 125.000 đô-la. Một tờ báo địa phương đã đưa lên tấm hình ông, với mái tóc xoăn màu vàng, dài đến ngang vai nhoẻn cười với phóng viên ảnh khi bị giải đi. Ông bị kết án hai năm tù tại nhà tù liên bang Virginia và được phóng thích vào năm 1972. Mùa thu năm đó, ông thẳng tiến tới Reed, nơi ông lập tức tham gia vào cuộc tranh cử chức chủ tịch hội sinh viên với lời nhắn nhủ rằng ông cần nó để lấy lại những gì ông đã gây ra vì sai lầm trước đây. Và ông đã thắng cử.

Friedland đã từng biết tới Baba Ram Dass, tác giả của cuốn “Be Here Now”, người cũng đã có bài phát biểu ở Boston. Giống như Jobs và Kottke, ông cũng có niềm đam mê với thế giới tâm linh phương Đông. Suốt mùa hè năm 1973, ông đã tới Ấn Độ để gặp một chức sắc có uy tín lớn trong cộng đồng Hindu của Ram Dass tên là Neem Karroli Baba, người cũng được nhiều người biết đến vì có rất nhiều môn đồ, các Maharaj-ji. Khi Friedland trở lại vào mùa thu, Friedland đã lấy một cái tên mang hơi hướng tâm linh, đi lại bằng đôi sandal và khoác lên mình những chiếc áo choàng theo đúng phong cách của ngưới Ấn. Ông thuê một căn phòng ngoài khuôn viên trường, phía trên một cái gara và Jobs có thể đến tìm ông các buổi chiều ở đó. Chính ông đã thuyết phục được Jobs tin rằng có tồn tại cái gọi là sự giác ngộ và nó có thể đạt được. Jobs nói “Ông ấy đã đưa tôi tới một tầm nhận thức mới”.

Friedland cũng cảm thấy Jobs thú vị. “Ông ấy thường xuyên đi bộ bằng chân trần. Điều làm tôi ấn tượng nhất về ông ấy là một nguồn cảm xúc mãnh liệt. Một khi ông thấy thích thú với thứ gì, ông sẽ lao vào nó như con thiêu thân”. Jobs cũng đã “mài dũa” khả năng nhìn chằm chằm vào mắt ai đó và giữ im lặng hồi lâu như một cách để điều khiển người khác. “Một trong những khả năng của Jobs là nhìn chăm chú vào mắt người đối diện khi giao tiếp. Ông ấy nhìn không chớp mắt vào sâu nhãn cầu họ, đặt ra những câu hỏi và khiến họ trả lời mà không né được ánh mắt.”

Theo như Kottke nhận xét thì một vài tính cách của Jobs, trong đó có một số nét trở thành cố hữu trong ông, chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Friedland. Chính Friedland là người đã dạy Jobs cách truyền cảm hứng cho nhân viên, khuyến khích họ làm việc và cống hiến bằng chính sự đam mê và nhiệt huyết của mình chứ không phải bởi sự thôi thúc của những tác động bên ngoài như thị trường cạnh tranh. Ông ấy là một người có khả năng thuyết phục và tạo ảnh hưởng tới người khác, một chút tiêu cực và sẵn sàng bẻ cong mọi thứ theo ý muốn của mình. Ngoài ra, ông ấy lanh lợi, tự tin vào bản thân và có một chút độc tài. Steve ngưỡng mộ điều đó của Friedland, và sau này Steve còn biểu hiện những nét tính cách ấy mạnh hơn cả Robert”.

Jobs cũng học được cách Friedland biến mình thành trung tâm của sự chú ý. Kottke kể “Robert là một người dễ gần, một người có sức thuyết phục và là một nhà kinh doanh thực thụ. Lần đầu tiên tôi gặp Steve, ông ấy còn cảm thấy ngượng ngùng, tự làm lu mờ bản thân hay nói cách khác là một anh chàng khá kín đáo. Nhưng tôi nghĩ chính Robert đã dạy cho ông rất nhiều về bán hàng, về cách phá vỡ vỏ ốc mà chính ông tự dựng lên bao bọc mình, về cách sống cởi mở và làm chủ tình hình”. Ở Friedland toát ra một phong thái tràn đầy nhiệt huyết như một nguồn năng lượng luôn tỏa sáng. “Ông ấy bước vào một căn phòng và ngay lập tức, mọi người hướng sự chú ý tới ông ấy. Hồi mới đến học ở Reed, Steve đối lập hoàn toàn với điều này nhưng sau thời gian làm việc với Robert, Steve như được lột xác”.

Vào các buổi tối chủ nhật hàng tuần, Jobs và Friedland cùng nhau đến ngôi đền Hare Krishna ở rìa Tây Portland, thường thì dưới sự giúp đỡ của Kottke và Holmes. Họ cùng nhau nhảy và hát to hết cỡ. Holmes kể rằng “Chúng tôi đã đưa mình vào những giây phút xuất thần đến điên cuồng. Robert lắc lư và nhảy lên như một kẻ điên. Steve thì khẽ khàng hơn như thể ông cảm thấy xấu hổ khi phải thả lỏng bản thân”. Sau đó, họ sẽ được phục vụ rất nhiều món ăn chay chất đầy trong những chiếc đĩa giấy.

Friedland quản lý một nông trang trồng táo rộng khoảng 89 héc ta, cách Portland gần 30km về phía nam, của Marcel Müller, chú ông, một tỷ phú lập dị đến từ Thụy Sĩ. Sau thời gian thấm nhuần thế giới tâm linh của phương Đông, ông đã lập ra một cộng đồng có tên là All One Farm. Jobs đã dành thời gian cuối tuần ở đây với Kottke, Holmes và những người cùng chí hướng theo đuổi chân lý giác ngộ khác. Nông trang có một căn nhà chính, một chiếc kho lớn và một nhà vườn có mái che, nơi Kottke và Holmes ngủ. Jobs đảm nhiệm vai trò cắt tỉa những cây táo ở Gravenstein. Friedland kể “Steve điều hành khu vườn trồng táo. Chúng tôi đang kinh doanh rượu được chiết xuất từ những trái táo được trồng hữu cơ. Vai trò của Steve là chỉ đạo một phi đội những kẻ lập dị chúng tôi chăm sóc và cắt tỉa khu vườn này và điều chỉnh chúng lại theo đúng hướng”.

Những vị thiền sư và môn đồ từ ngôi đền Hare Krishna đã đến và chuẩn bị một bữa tiệc chay thơm nức mùi thìa là, rau mùi và nghệ. Holmes kể rằng “Khi Steve đến, ông ấy đói quá và đã ăn ngấu nghiến. Sau đó, ông ấy bỏ đi và tẩy ruột. Trong nhiều năm rồi, lúc đó tôi mới thấy ông ấy như bị cuồng ăn vô độ. Nó thật đáng buồn bởi vì chúng tôi đã cố gắng vượt qua những rắc rối về việc ăn uống đó nhưng ông ấy không thể giữ được nó”.

Jobs cũng bắt đầu thấy hơi “khó tiêu hóa” phong cách lãnh đạo sùng bái của Friedland. Kottke đoán rằng “Có lẽ ông ấy mình quá giống Robert”. Mặc dù cộng đồng được lập ra với mục đích là nơi ẩn náu của những người mong muốn thoát khỏi chủ nghĩa duy vật, nhưng Friedland bắt đầu vận hành nó mang xu hướng kinh doanh. Những người đi theo ông được phân công đi đốn củi bán, làm nước táo ép và làm những cái lò bằng gỗ, cũng như được gọi tham gia vào những phi vụ mang tính chất thương mại trong khi họ không được trả lương. Một đêm, khi Jobs đang ngủ dưới gầm bàn trong bếp, ông đã để ý thấy mọi người không ngừng đi vào và ăn trộm thức ăn trong tủ lạnh. Lợi nhuận của cộng đồng không phải chỉ dành cho ông ấy. Jobs nhớ lại “Mọi thứ bắt đầu quy về vật chất. Tất cả mọi người đều có ý nghĩ rằng họ đang phải cố gắng làm việc không phải vì cộng đồng đã được lập ra mà là phục vụ cho nông trang của Friedland và từng người một, họ bắt đầu bỏ đi. Tôi cũng chán ốm với việc này”.

Nhiều năm sau, sau khi Friedland trở thành một tỷ phú, điều hành việc khai thác vàng và đồng ở Vancouver, Singapore và Mông Cổ, tôi có đi uống với ông ấy ở New York. Tối hôm đó, tôi có gửi thư điện tử cho Jobs và đề cập đến cuộc gặp gỡ này của tôi. Jobs đã gọi điện cho tôi từ California chỉ trong vòng một giờ sau đó và cảnh bảo tôi đừng nghe những gì Friedland nói. Jobs nói: Friedland đang gặp rắc rối với việc bị tố cáo vì lạm dụng tài nguyên môi trường bởi một vài công ty khai thác mỏ khác. Ông ấy đã liên hệ với Jobs để nhờ can thiệp với Bill Clinton nhưng Jobs không phản hồi lại. Jobs nói “Robert thường coi mình là một người tâm linh, nặng về tinh thần nhưng ông ấy đã vượt qua ranh giới từ một con người đầy nhiệt huyết và có tầm ảnh hưởng tới người khác để trở thành một kẻ bịp bợm, tiêu cực. Thật là khác lạ khi một trong những người coi trọng đời sống tinh thần khi còn trẻ lại trở thành một ôm trùm khai thác mỏ vàng”.

… Bỏ học

Jobs nhanh chóng cảm thấy buồn chán với việc học đại học. Ông muốn học ở Reed nhưng không muốn phải theo học những môn bắt buộc. Thực tế, Jobs đã bất ngờ khi phát hiện ra, đằng sau môi trường học phóng khoáng và tự do (hippie), là những yêu cầu về khóa học rất ngặt nghèo ở đây. Khi Wozniak đến thăm ông, ông đã chỉ vào lịch học của mình và than phiền “Họ bắt tôi tham gia tất cả những môn học này”. Woz thản nhiên đáp lại “Đúng rồi, đó là những gì mọi người vẫn làm theo khi học đại học”.

Jobs từ chối tham gia các lớp học như được chỉ định. Thay vào đó, ông chỉ học những gì ông muốn như lớp học nhảy, nơi ông có thể thỏa mãn đồng thời óc sáng tạo của mình lẫn việc có cơ hội để gặp gỡ các cô gái. Wozniak kinh ngạc “Tôi chưa bao giờ từ chối tham dự các khóa học như ông ấy làm. Đó là sự khác biệt trong tính cách của hai chúng tôi”.

Sau này, Jobs nói ông cũng cảm thấy tội lỗi khi chỉ biết tiêu tiền, một số tiền rất lớn, của cha mẹ mình vào việc học mà xem chừng chẳng mang lại cho ông điều gì. Ông đã nói về điều này trong một lần phát biểu nổi tiếng tại Standford: “Tất cả những đồng tiền tiết kiệm của cha mẹ tôi, những người thuộc tầng lớp lao động bình dân, được dồn để chi trả học phí của tôi ở trường đại học. Tôi không có một khái niệm gì về những cái tôi muốn làm cho chính cuộc đời tôi cũng như không tin rằng trường đại học sẽ giúp tôi khám phá ra điều đó. Và tại đây, tôi chỉ biết tiêu tốn những đồng tiền mà cha mẹ tôi dành dụm cả đời mới có được. Vì vậy, tôi quyết định bỏ học và tin rằng mọi thứ sẽ tốt cả thôi”.

Thật sự, Jobs không muốn rời bỏ Reed, ông chỉ muốn thoát khỏi việc phải trả học phí và theo học những môn mà ông không hề cảm thấy hứng thú. Đáng chú ý là Reed lại đồng thuận về việc đó. Người phụ trách quản lý sinh viên, Jack Dudman còn nói “Jobs là một người rất ham học hỏi. Đây là điều lôi cuốn nhất ở cậu ấy. Cậu ấy từ chối việc thụ động chấp nhận những gì được dạy và muốn chính mình là người kiểm tra lại tính chính xác của chúng”. Dudman đã cho phép Jobs tham gia dự thính ở các lớp học và ở cùng với những người bạn trong ký túc xá thậm chí khi ông đã ngừng đóng học phí.

Ông nói “Kể từ giây phút quyết định bỏ học, tôi không còn phải tham dự những môn học bắt buộc chẳng có gì hấp dẫn kia nữa mà chỉ học những môn mà tôi thích”. Trong số các môn đó, phải kể đến lớp học thư pháp. Ông quyết định tham gia học ngay khi nhìn thấy chiếc áp phích được vẽ rất đẹp trong khuôn viên trường. “Tôi học về cách viết các kiểu chữ có chân và không chân, về cách tùy chỉnh khoảng cách giữa những ký tự và về cách biến những con chữ cách điệu (typography) trở nên ấn tượng hơn. Nghệ thuật thư pháp thật đẹp, cổ kính và trông giàu tính nghệ thuật một cách tài tình, điều mà khoa học không thể nắm bắt được. Và tôi cảm thấy rất hấp dẫn”.

Đó là một ví dụ về việc Jobs luôn nhận thức và định vị được bản thân mình ở điểm giao cắt giữa nghệ thuật và công nghệ. Trong tất cả các sản phẩm của ông, công nghệ luôn luôn đi kèm với những thiết kế tuyệt vời, sang trọng, chạm đến cảm giác của con người và chút gì đó lãng mạn. Ông luôn luôn cảm thấy bị thôi thúc sáng tạo ra những giao diện đồ họa thân thiện nhất với người dùng. Khóa học thư pháp sẽ trở nên hình tượng và hữu ích hơn bằng cách suy xét thành công của Jobs như vậy. “Nếu tôi không được học về thư pháp ở trường đại học, máy tính Mac sẽ không bao giờ có thể có được nhiều kiểu phông chữ với khoảng cách hợp lý đến vậy. Và Windows chính là sự sao chép lại từ Mac, nếu không, nhiều khả năng sẽ không có chiếc máy vi tính cá nhân nào đạt được điều đó”.

Trong lúc đó, Jobs thường xuất hiện với bộ dạng phóng túng, không theo khuôn phép xã hội ở ngoài khu vực trường Reed. Ông đi chân trần phần lớn thời gian và chỉ đi sandal khi trời có tuyết. Elizabeth Holmes thỉnh thoảng nấu ăn cho ông, cố gắng đạt đúng chuẩn chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt của ông. Ông trả lại những chai soda để nhận lại tiền cược, và tiếp tục đến đền Hare Krishna vào chủ nhật hàng tuần để thưởng thức bữa tối miễn phí. Ông thường mặc một chiếc áo khoác cũ mèm, ở trong một căn phòng không lò sưởi được thuê trong nhà để xe với giá 20 đô-la một tháng. Khi cần tiền, Jobs tìm việc làm thêm ở phòng thí nghiệm tâm lý. Công việc của ông là bảo trì các máy móc thiết bị điện tử được dùng để thử nghiệm hành vi động vật ở đây. Thi thoảng thất thường Chrisann Brennan cũng đến thăm ông. Mối quan hệ của họ lên xuống và rạn nứt. Nhưng hầu hết, Jobs thường hướng đến việc hành động theo những rung cảm của tâm hồn và tìm kiếm sự giác ngộ cá nhân.

Jobs tâm sự về những gì ông đã trải qua với tôi “Tôi trưởng thành tại một thời điểm huyền diệu. Nhận thức của tôi được nuôi dưỡng bởi Thiền và cũng bởi chất gây nghiện loại nhẹ (LSD)”. Thậm chí mãi sau này, ông vẫn phụ thuộc vào việc dùng những loại thuốc gây ảo giác này để có cảm giác sảng khoái hơn. “Sử dụng LSD là một trải nghiệm thú vị, là một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. LSD sẽ cho bạn thấy mặt khuất của một đồng xu, điều mà bạn chẳng thể nhớ được khi thuốc hết tác dụng nhưng bạn cảm nhận được nó. Chính điều này đã củng cố niềm tin cho tôi, giúp tôi nhận thức được cái gì là quan trọng, đó là việc thiết kế ra những sản phẩm tuyệt hảo tới tay người dùng, thứ sản phẩm khiến mọi người nhớ mãi, chứ không phải làm để kiếm tiền”.

Bình luận