Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tiểu Sử Steve Jobs

Chương 22: TOY STORY – CÂU CHUYỆN ĐỒ CHƠI

Tác giả: Walter Isaacson

Buzz và Woody giải cứu

Jeffrey Katzenberg

“Làm những điều bất khả thi cũng vui theo cách riêng của nó,” Walt Disney đã có lần nói như vậy. Và đó cũng là thái độ tiếp cận hấp dẫn Jobs. Ông ngưỡng mộ sự ám ảnh với chi tiết và thiết kế của Disney và cảm thấy giữa Pixar và hãng phim ảnh mà Disney sáng lập vừa vặn phù hợp với nhau một cách rất tự nhiên.

Công ty Walt Disney đã cấp phép cho Hệ thống Sản phẩm Hoạt hình Máy tính Pixar và trở thành khách hàng lớn nhất của công ty máy tính Pixar. Một ngày, Jeffrey Katzenberg, người đứng đầu phân nhánh phim của Disney mời Jobs tới mấy studio ở Burbak để xem sức mạnh của công nghệ trong quá trình vận hành. Trong khi nhân viên của Disney đưa ông đi tham quan vòng vòng, Jobs quay ra Katzenberg và hỏi: “Disney có hài lòng với Pixar không?” Với vẻ hồ hởi hết mức, Katzenberg trả lời có. Sau đó Jobs lại hỏi: “Anh có nghĩ chúng tôi ở Pixar cũng hài lòng với Disney không?” Katzenberg nói anh đoán vậy. “Không, chúng tôi không hề,” Jobs trả lời. “Chúng tôi muốn làm phim với các anh. Điều đó mới khiến chúng tôi hài lòng.”

Katzenberg rất sẵn lòng. Ông ngưỡng mộ những bộ phim ngắn của John Lasseter và đã từng cố gắng lôi kéo nhưng không thành công John về với Disney. Thế là Katzenberg mời nhóm Pixar đến để thảo luận về việc trở thành đối tác làm chung một bộ phim. Khi Catmull, Jobs và Lasseter đã yên vị trong phòng họp, Katzenberg thẳng thắn. “John, vì ông không muốn sang làm việc cho tôi,” ông nói và nhìn Lasseter, “Tôi sẽ thực hiện điều đó theo cách này.”

Trong khi công ty Disney giới thiệu những đặc điểm chính của mình với Pixar, thì Katzenberg cũng chia sẻ vài điều với Jobs. Cả hai đều có thể trở nên dễ chịu khi họ muốn như vậy và cũng nhanh chóng trở nên dữ dằn (hoặc tệ hơn) tùy thuộc thái độ ấy phản ánh đúng tâm trạng hoặc sự quan tâm của họ. Alvy Ray Smith, lúc ấy đang sửa soạn rời khỏi Pixar cũng có mặt trong buổi gặp gỡ hôm ấy. “Katzenberg và Jobs gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ,” anh nhớ lại. “Những nhà độc tài thường được trao tặng một món quà kì diệu là sự hoạt ngôn.” Katzenberg tỏ ra thú vị khi nhận ra điều này. “Tất cả mọi người đều nghĩ tôi là một kẻ độc tài,” ông nói với nhóm Pixar. “Tôi đúng là một người độc tài. Nhưng vấn đề là tôi luôn đúng.” Ai cũng dễ dàng tưởng tượng ra Jobs cũng có thể nói y hệt như vậy.

Cả hai người đều tìm thấy niềm đam mê chung và cân bằng, các thoả thuận giữa Katzenberg và Jobs chỉ mất có mấy tháng. Katzenberg khăng khăng rằng Disney sẽ cấp cho Pixar quyền sử dụng công nghệ để làm phim hoạt hình 3-D. Jobs từ chối, và cuối cùng ông cũng có được thoả thuận. Jobs cũng đưa ra đề nghị phía mình: Pixar cũng có phần sở hữu đối với bộ phim và các nhân vật của nó, cả hai bên cùng có quyền kiểm soát bản quyền của bộ phim và các tập tiếp theo. “Nếu đó là những gì anh muốn,” Katzenberg nói, “thì chúng ta có thể dừng cuộc nói chuyện ở đây và các anh có thể ra về.” Jobs đã ở lại, và chấp nhận điểm đó.

Lasseter chăm chú theo dõi cuộc đối thoại như thể đang quan sát những lưỡi gươm sáng loang loáng của hai đấu sĩ vung lên, hạ xuống. “Chỉ nhìn cách Steve và Jeffrey trong cuộc thoả thuận ấy, tôi đã thấy kinh hãi,” ông nhớ lại. “Y hệt một trận đấu kiếm. Cả hai đều là anh tài.” Nhưng Katzenberg vào trận với một lưỡi đao, còn Jobs chỉ có một chiếc lá mỏng. Pixar đang trên bờ vực phá sản và cần một hợp đồng với Disney hơn là Disney cần một thoả thuận với Pixar. Hơn nữa, Disney có khả năng tài chính cho cả hãng, còn Pixar thì không. Kết quả vẫn là một thoả thuận, kí kết vào tháng Năm năm 1991, trong đó Disney sở hữu hình ảnh và toàn quyền khai thác nhân vật, được kiểm soát nội dung sáng tạo và chi cho Pixar 12,5% doanh thu bán vé. Có khả năng (nhưng không phải là bắt buộc) làm tiếp với Pixar hai phim tiếp theo và có quyền làm tiếp (cùng hoặc không với Pixar) các phần tiếp theo, sử dụng các nhân vật của phim. Disney cũng có quyền huỷ bỏ bộ phim vào bất cứ lúc nào nếu đối tác vi phạm những điều khoản quyết định.

Ý tưởng mà John Laseter nảy ra có tên gọi “Câu chuyện Đồ chơi” (Toy Story). Nó xuất phát từ một niềm tin, mà cả ông và Jobs cùng chia sẻ, đó là tất cả các sản phẩm đều có giá trị tồn tại cốt lõi, là mục đích mà vì đó chúng mới được làm ra. Nếu một vật có cảm xúc, thì cảm xúc đó phải dựa trên khát khao được thoả mãn giá trị tồn tại của nó. Ví dụ, mục đích của cái cốc đựng nước, là được chứa nước bên trong; nếu nó có cảm xúc, nó sẽ hạnh phúc khi được chứa đầy nước và sẽ buồn tủi khi không có nước bên trong. Giá trị cốt lõi của chiếc màn hình máy tính là giao tiếp với con người. Giá trị cốt lõi của chiếc xe đạp một bánh là được biểu diễn ở trong rạp xiếc. Đối với đồ chơi, mục đích tồn tại của chúng là để cho trẻ em chơi, và vì thế, tồn tại nỗi sợ hãi vốn có khi bị vứt bỏ hoặc bị “thất thế” trước những món đồ chơi mới. Vậy là một bộ phim về tình bạn giữa một món đồ chơi yêu thích cũ với một món đồ chơi mới sáng loá sẽ ẩn chứa trong nó cái bi kịch cốt lõi, đặc biệt là khi cuộc đấu tranh xoay quanh những đồ chơi bị chia cắt với chủ nhân bé nhỏ của chúng. Vấn đề cần giải quyết xuất phát từ quan điểm “Mọi người ai cũng từng trải qua cảm giác đau thương thuở nhỏ khi đánh mất đồ chơi. Câu chuyện của chúng tôi được kể dưới góc nhìn của một anh bạn đồ chơi, khi anh ta bị đánh mất và cố gắng tìm kiếm lại cảm giác quan trọng nhất với mình: được chơi đùa với lũ trẻ. Đó là lý do cho sự tồn tại của tất cả đồ chơi trên thế giới. Đó là cơ sở cảm xúc cho sự tồn tại của chúng.”

Phải trải qua rất nhiều lượt tuyển chọn, cuối cùng mới chọn được ra hai nhân vật chính là Buzz Lightyear và Woody. Cứ hai tuần một lần, Lasseter và nhóm của mình lại ngồi lại để ghép phân cảnh mới nhất hoặc chiếu thử cho người của Disney xem. Trong những cảnh chiếu thử đầu tiên, Pixar đã trình chiếu kĩ xảo tuyệt vời của mình bằng cách, ví dụ là giới thiệu một cảnh Woody rón rén đi trên nóc tủ, trong khi ánh sáng lọt qua khe của tấm mành trên cửa sổ, phủ bóng xuống chiếc áo sơ mi sọc vuông của cậu – hiệu ứng này hầu như không thể thực hiện được bằng kĩ thuật thô sơ. Tuy vậy, đưa ra được kịch bản làm Disney ấn tượng khó khăn hơn nhiều. Mỗi lần Pixar trình bày, Katzenberg “chặt chém” không thương tiếc, xối xả đưa ra những nhận xét và ghi chú đến từng chi tiết. Và lăm lăm trên tay những nhân viên cốt cán là cả tập hồ sơ theo dõi kịch bản để đảm bảo những ý kiến cũng như những ý tưởng bất chợt của Katzenberg không bị bỏ qua và được theo sát thực hiện.

Điều mà Katzenberg thúc ép nhiều nhất chính là phải tạo nên những chi tiết kịch tính hơn cho hai nhân vật chính. Có thể đó là một bộ phim hoạt hình tên là Câu chuyện Đồ chơi, ông nói, nhưng nó không thể chỉ nhắm tới trẻ em. “Lúc đầu, câu chuyện chả có kịch tính, không có câu chuyện cụ thể và chả có mâu thuẫn gì hết,” Katzenberg nhớ lại. Ông gợi ý Lasseter nên xem vài bộ phim bằng hữu kinh điển như Những người nổi loạn (The Defiant Ones) và 48 Giờ (48 Hours), trong đó hai nhân vật chính với hai cách sống khác nhau lại buộc phải chung đường và ràng buộc với nhau. Hơn nữa, ông tiếp tục thúc ép phải làm cho ra cái gọi là “cao trào”, tức là phải có gì làm nhân vật Woody trở nên đố kỵ, xấu xa và sẵn sàng đối đầu với Buzz, kẻ “tiếm ngôi” trong hộp đựng đồ chơi. “Đây là thế giới đồ chơi nuốt đồ chơi,” Woody đã nói như vậy trong một cảnh, sau đó cậu đẩy Buzz ra ngoài cửa sổ.

Sau rất nhiều vòng thảo luận với Katzenberg và những chuyên gia khác của Disney, Woody bị lột dần hết vẻ dễ thương. Trong một cảnh, cậu ném hết những đồ chơi khác xuống đất và yêu cầu Slinky đến giúp một tay. Khi thấy Slinky chần chừ, Woody đã gào lên: “Việc của mày là nghĩ ngợi đấy chắc, con chó kia?” Slinky khi đó đã hỏi một câu mà sau này chính nhóm làm phim của Pixar cũng phải tự hỏi mình: “Tại sao tên cao bồi này đáng sợ vậy trời?” Và Tom Hanks, người được mời lồng tiếng cho Woody cũng công nhận điểm này, “Ôi hắn đúng là một tên khốn!”

Cắt!

Tháng Mười một năm 1993, Lasseter và nhóm Pixar đã hoàn thành xong nửa đầu bộ phim và sẵn sàng mang đi chiếu thử, họ mang phim của mình đến Burbank để chiếu cho Katzenberg và những chuyên gia khác của Disney xem. Peter Schneider, giám đốc nhánh phim hoạt hình chưa bao giờ thích ý tưởng để người bên ngoài làm phim cho Disney của Katzenberg, ông tuyên bố bộ phim là một đống lộn xộn và yêu cầu ngừng sản xuất. Katzenberg đồng ý. “Tại sao nó lại kinh khủng như vậy? ông hỏi một đồng nghiệp, Tom Schumacher. “Bởi vì đó không còn là bộ phim của họ nữa,” Schumacher nói thẳng toẹt ra. Sau này ông giải thích, “Họ làm theo những gì Katzenberg gợi ý, và dự án này đã hoàn toàn mất phương hướng.”

Lasseter nhận thấy Schumacher đã đúng. “Tôi đứng ở đó và cảm thấy vô cùng xấu hổ với những gì được trình chiếu trên màn hình,” ông nhớ lại. “Đó là một câu chuyện chỉ toàn những nhân vật bất hạnh, xấu xa mà tôi chưa từng thấy bao giờ.” Ông đề nghị Disney cho Pixar thêm một cơ hội để sửa và xem lại kịch bản. Katzenbers đã ủng hộ.

Jobs không can thiệp quá nhiều vào quá trình sáng tạo. Với cá tính thích kiểm soát mọi thứ, đặc biệt là trong lĩnh vực phong cách và thiết kế của mình, thì sự tự kiềm chế này chính là minh chứng hùng hồn cho việc ông tôn trọng Lasseter và những nghệ sĩ làm việc tại Pixar như thế nào – cũng như tin tưởng vào khả năng Lasseter và Catmull sẽ không làm ông thất vọng. Tuy nhiên, ông đã giúp đỡ họ xử lý mối quan hệ với Disney và điều này khiến nhóm Pixar vô cùng cảm kích. Khi Katzenberg và Schneider thắt chặt sản xuất với Câu chuyện Đồ chơi, Jobs đã bỏ tiền riêng ra để duy trì hoạt động của studio. Ông đứng về phía họ để chống lại Katzenberg. “Chính ông ta làm Toy Story loạn hết cả lên,” Jobs nói. “Ông ta muốn Woody trở thành nhân vật xấu, và khi ông ta muốn dẹp bỏ tụi tôi, chúng tôi thể hiện rằng chúng tôi sẵn sàng đá ông ta ra và nói ‘Đây không phải là những gì chúng tôi muốn’ và tiếp tục làm bộ phim theo cách mà chúng tôi vẫn theo đuổi.”

Ba tháng sau, nhóm Pixar trở lại với kịch bản mới. Nhân vật Woody đã biến đổi, từ một gã đồ chơi bạo ngược trở thành người lãnh đạo khôn ngoan, dẫn dắt đám đồ chơi của Andy. Thái độ hiềm khích của cậu với Buzz Lightyear được thể hiện một cách dễ thông cảm hơn, và nó được xây dựng trên nền những bản nhạc mới của Randy Newman Strange Things (Tạm dịch: Những thứ lạ lùng). Cảnh Woody đẩy Buzz ra khỏi cửa sổ được viết lại, Buzz ngã do bị Woody vô tình xô vào khi cậu giằng co với đèn Luxo trước đó. Katzenberg và Công ty chấp nhận cách tiếp cận mới này, và đến tháng Hai năm 1994, bộ phim được sản xuất trở lại.

Katzenberg rất ấn tượng với sự tập trung của Jobs để giữ chi phí cho bộ phim nằm trong tầm kiểm soát. “Ngay từ những giai đoạn dự thảo ngân sách đầu tiên, Steve đã rất háo hức làm sao để tiền chi ra đạt hiệu quả nhất có thể,” ông nói. Nhưng 17 triệu đô-la ngân sách dành cho sản xuất rõ ràng là không tương xứng, nhất là khi họ phải sửa lại phần lớn nội dung sau khi Katzenberg can thiệp và bắt Woody phải hung ác hơn. Vì vậy Jobs đã yêu cầu cần thêm tiền đầu tư để hoàn thành bộ phim cho đúng kế hoạch. “Nghe này, chúng ta đã thoả thuận,” Katzenberg nói với Jobs. “Chúng tôi để các anh quyền kiểm soát kinh doanh, các anh đã đồng ý thực hiện với khoản tiền chúng tôi đề xuất.” Jobs cáu điên lên. Ông liên tục gọi điện hoặc bay thẳng đến gặp Katzenberg và giữ thái độ, như ngôn ngữ của Katzenberg là “đeo bám dữ dội như chỉ có ở Steve.” Jobs khăng khăng cho rằng Disney cũng phải có trách nhiệm với việc chi phí đội lên do Katzenberg đã làm hỏng ý tưởng ban đầu và khiến họ phải mất thêm công sức sửa chữa sai lầm. “Khoan đã!” Katzenberg đáp trả. “Chúng tôi chỉ cố gắng giúp các anh. Các anh cũng hưởng lợi khi được các chuyên gia sáng tạo của chúng tôi giúp đỡ, và giờ các anh lại muốn chúng tôi phải trả tiền cho điều đó.” Đó là cuộc đối đầu giữa hai vị lãnh đạo cứng rắn như nhau, để tranh luận xem cuối cùng thì bên nào đã gia ơn cho bên nào.

Ed Catmull, khôn khéo hơn Jobs, là người đạt được thoả hiệp về nguồn kinh phí mới. “Tôi có cái nhìn lạc quan đối với Jeffrey hơn bất cứ ai trong số những người làm dự án này,” ông nói. Nhưng sự cố này khiến Jobs bắt đầu suy tính đến cách thoả thuận có lợi hơn khi đàm phán với Disney trong tương lai. Ông không muốn bị coi là một nhà đàm phán non kém; ông luôn muốn mọi thứ trong tầm kiểm soát. Điều đó có nghĩa là Pixar sẽ phải tự mình đầu tư cho những dự án của mình trong tương lai, và như vậy thì cần một thoả thuận mới với Disney.

Khi bộ phim tiến triển, Jobs trở nên hào hứng với nó hơn bao giờ hết. Ông đã từng nói chuyện với nhiều công ty, từ Hallmark tới Microsoft về chuyện bán Pixar, nhưng khi Woody và Buzz xuất hiện, ông nhận ra rằng mình đang ở rất gần cơ hội thay đổi ngành công nghiệp điện ảnh. Khi những cảnh cuối cùng của bộ phim hoàn thành, ông xem đi xem lại và mời bạn bè đến nhà để chia sẻ niềm đam mê mới. “Tôi không thể nhớ mình đã xem bao nhiêu phiên bản của Toy Story trước khi bộ phim được chính thức công chiếu,” Larry Ellison nói. “Thực ra nó giống như một dạng tra tấn vậy. Tôi đến đó và xem những bản chỉ cải tiến có 10% so với phiên bản trước. Steve bị ám ảnh về chuyện làm thế nào cho đúng – cả nội dung lẫn công nghệ – và không chịu chấp nhận bất cứ điều gì ngoài sự hoàn hảo.”

Linh cảm của Jobs về việc đầu tư vào Pixar thực tế đã đơm hoa kết trái càng được củng cố khi Disney mời ông tới tham dự buổi chiếu phim ra mắt báo giới bộ phim hoạt hình Pocahontas vào tháng Một năm 1995, trong một rạp chiếu dựng lên trong công viên Center Park ở Manhattan. Tại đây, CEO của Disney Michael Eisner công bố phim Pocahontas sẽ được trình chiếu suất đầu tiên trước 100.000 khán giả trên màn hình cao 2,4m tại Great Lawn ở Central Park. Jobs là bậc thầy quảng cáo, ông thừa biết nên làm gì để có một buổi trình chiếu thành công, nhưng kế hoạch này cũng khiến ông sửng sốt. Câu khẩu hiệu quen thuộc của Buzz Lightyear – “Bay vào không gian và hơn thế nữa!” – bỗng nhiên đáng được lưu tâm.

Jobs quyết định thời điểm ra mắt Toy Story sẽ là cơ hội để phát hành cổ phiếu của Pixar ra công chúng. Ngay cả những ngân hàng đầu tư hám lợi nhất cũng nghi ngại trước quyết định này và cho rằng chuyện đó không thể xảy ra. Trong suốt 5 năm ròng, Pixar chỉ “chảy máu” đồng vốn. Nhưng Jobs đã quyết. “Tôi rất căng thẳng và lập luận rằng có lẽ chúng tôi nên chờ đến khi ra được bộ phim thứ hai,” Lasseter nhớ lại. “Steve gạt phắt ý kiến của tôi và nói chúng tôi cần tiền mặt để có thể góp nửa số tiền để làm phim và để đàm phán lại thoả thuận với Disney.”

Bay vào không gian!

Có suất chiếu ra mắt Toy Story diễn ra vào tháng Mười Một năm 1995. Disney tổ chức một buổi ở El Capitan, một rạp lớn cổ kính ở Los Angeles và dựng một ngôi nhà đồ chơi với các nhân vật trong phim ở ngay bên cạnh. Pixar được trao cho ít vé vào cửa, nhưng buổi tối hôm đó và danh sách khách mời là người nổi tiếng đều mang tính đại diện cho sản phẩm của Disney rất cao; Jobs thậm chí không tham dự. Thay vào đó, ngay tối hôm sau ông thuê Regency, một nhà hát tương tự ở San Francisco và tự tổ chức buổi công chiếu của mình. Thay vì mời Tom Hanks và Steve Martin , khách mời là những ngôi sao công nghệ ở Thung lũng Silicon như Larry Ellison và Andy Grove. Rõ ràng đó là sân khấu của Jobs; chính ông, chứ không phải Lasseter lên sân khấu để mở màn cho bộ phim.

Hai buổi công chiếu đình đám làm dấy lên một câu hỏi: Vậy thì Toy Story là phim của Disney hay Pixar? Có phải Pixar chỉ đơn thuần là xưởng phim hoạt hình phụ giúp Disney làm phim? Hay Disney đơn thuần là nhà phân phối và tiếp thị giúp Pixar quảng bá cho bộ phim của mình? Câu trả lời nằm ở lưng chừng. Dù thế nào, thì câu hỏi cần đặt ra ở đây là làm thế nào hai cái tôi ngạo nghễ, cụ thể ở đây là của Michael Eisner và Steve Jobs lại có thể trở thành đối tác của nhau như vậy.

Vấn đề được đặt ra khi Toy Story trở thành bộ phim bom tấn về thương mại và thành công rực rỡ. Bộ phim thu hồi vốn ngay sau tuần đầu tiên trình chiếu, với tiền vé thu được riêng trong nước Mỹ là 30 triệu đô-la, và trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong năm, đánh bại Batman Forever và Apollo 13 với 192 triệu đô-la doanh thu bán vé trong nước và 326 triệu đô-la trên toàn thế giới. Theo trang web chuyên tổng hợp các bình luận phim Rotten Tomatoes, 100% trong số 73 nhà phê bình được hỏi ý kiến đều đưa ra bình luận tích cực cho bộ phim. Nhà báo Richard Corliss của tạp chí Time cho rằng đó là “câu chuyện sáng tạo nhất năm”, David Ansen của tờ Newsweek tuyên bố đó là một “điều kì diệu” và Janet Masline của tờ New York Times thì giới thiệu bộ phim là “sản phẩm của sự thông minh lạ thường trong số những phim từng sản xuất trong lịch sử Disney.”

Điều duy nhất khiến Jobs nổi điên là những nhà bình luận như Maslin đã dám viết “lịch sử Disney”, chứ không phải là sự xuất hiện của Pixar. Sau khi đọc bài bình luận của cô này, ông quyết định mình sẽ thực hiện một chiến dịch để nâng cao danh tiếng cho Pixar. Khi ông và Lasseter đến chương trình truyền hình Charlie Rose, ông nhấn mạnh rằng Toy Story là phim của Pixar, thậm chí ông còn cố gắng làm nổi bật tính tự nhiên lịch sử của một xưởng phim mới ra đời. “Kể từ khi Nàng Bạch Tuyết và Bảy chú lùn ra đời đến nay, tất cả các studio lớn đều cố gắng xâm nhập thị trường phim hoạt hình, nhưng cũng kể từ đó đến nay, Disney là hãng phim duy nhất cho ra đời những bộ phim hoạt hình trở thành bom tấn,” ông nói với Rose. “Pixar giờ đây đã trở thành studio thứ hai làm được việc đó.”

Jobs xoáy vào điểm Disney chỉ đơn thuần là nhà phân phối cho bộ phim của Pixar. “Ông ta cứ lải nhải ‘Chúng tôi ở Pixar mới là thực chất, còn Disney các anh chỉ là đống rác rưởi,” Michael Eisner nhớ lại. “Nhưng chúng tôi mới là người khiến Toy Story thành công. Chúng tôi định hình bộ phim, và chúng tôi dồn tổng lực vào, từ các nhà tiếp thị tiêu dùng vào kênh Disney, để biến nó trở thành hit.” Jobs đi đến kết luận cho vấn đề cơ bản – Bộ phim thuộc về ai? – sẽ cần phải ngồi xem xét lại bản hợp đồng hơn là nổ ra một cuộc chiến ngôn từ trên báo chí. “Sau thành công của Toy Story,” ông nói, “Tôi nhận ra là mình cần phải tiến hành thoả thuận mới với Disney nếu chúng tôi đã mất công xây dựng một studio và không muốn trở thành lính-đánh-thuê.” Nhưng để có thể ngồi lại với Disney ở thế cân bằng, Pixar cần phải mang tiền đến chồng trước mặt đối tác. Đó là lý do vì sao cần một cuộc IPO thành công.

Kế hoạch chào bán Pixar ra công chúng phải tiến hành chính xác một tuần sau buổi ra mắt Toy Story. Jobs đã đánh cược rằng bộ phim sẽ thành công, và chấp nhận mạo hiểm “liều ăn nhiều”, thời khắc vàng. Cũng giống IPO của Apple, sự kiện được tổ chức tại trụ sở của bên bảo hiểm chính ở San Francisco lúc 7 giờ sáng, khi các cổ phiếu bắt đầu được chào bán. Theo kế hoạch ban đầu, những cổ phiếu đầu tiên sẽ được chào bán với mức giá 14 đô-la, đó là mức giá đảm bảo sẽ có người mua. Jobs nài nỉ tăng giá lên 22 đô-la, vì như thế công ty sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nếu chào bán thành công. Nhưng mọi sự đã diễn ra trên cả mong đợi điên rồ nhất của ông. Nó vượt qua cả Netscape để trở thành vụ chào bán IPO lớn nhất trong năm. Trong nửa giờ đầu, giá cổ phiếu vọt lên 45 đô-la và hoạt động giao dịch bị đình lại bởi vì có quá nhiều người đặt mua. Thậm chí sau đó giá còn cao hơn, lên 49 đô-la, trước khi trở lại mức giá cuối cùng khi kết thúc phiên giao dịch là 39 đô-la.

Đầu năm đó, Jobs đã hi vọng sẽ tìm được một nhà đầu tư mua lại Pixar với giá 50 triệu đô-la, vừa đủ để hoàn số vốn ông đã bỏ ra. Đến cuối năm, với số cổ phiếu ông sở hữu – 80% toàn công ty – đã trị giá nhiều gấp hơn 20 lần con số đó, một con số khổng lồ 1,2 tỷ đô-la. Con số đó nhiều gấp năm lần so với những gì ông thu được khi Apple lên sàn chứng khoán năm 1980. Nhưng Jobs nói với John Markoff của tờ New York Times rằng tiền không nhiều ý nghĩa với ông. “Sẽ chẳng có chiếc du thuyền nào của tôi trong tương lai hết,” ông nói. “Tôi không bao giờ làm những điều này chỉ vì tiền cả.”

Sự thành công nhất của Pixar khi lên sàn chứng khoán đó là họ sẽ không còn phải phụ thuộc tài chính vào Disney để làm phim của mình nữa. Đó chính là cán cân thăng bằng mà Jobs muốn có. “Giờ đây chúng tôi đã có thể góp một nửa chi phí làm phim của chúng tôi, cho nên tôi cũng có thể đòi hỏi một nửa lợi nhuận,” ông nhớ lại. “Nhưng điều quan trọng hơn, tôi muốn hợp tác thương hiệu. Đó sẽ là những bộ phim của cả Pixar và Disney.”

Jobs đáp máy bay đến để ăn trưa với Eisner đang choáng váng với sự táo bạo của ông. Họ đã từng thoả thuận sẽ làm với nhau 3 bộ phim, và Pixar mới hoàn thành xong một. Bên nào cũng có vũ khí hạng nặng. Sau cuộc chia tay không mấy ngọt ngào với Eisner, Katzenberg đã rời khỏi Disney và trở thành người đồng sáng lập với Steven Spielberg và David Geffen thành lập DreamWorks SKG. Nếu Eisner không chấp nhận thoả thuận mới với Pixar, Jobs nói, thì Pixar buộc lòng phải hợp tác studio khác, như của Katzenberg chẳng hạn, sau khi kết thúc hợp đồng hợp tác 3 phim. “Vũ khí” trong tay Eisner đó là nếu chuyện đó xảy ra, thì Disney có thể tự mình làm các tập tiếp theo của Toy Story, sử dụng nhân vật Woody, Buzz và toàn bộ những nhân vật mà Lasseter đã sáng tạo ra. “Điều đó như thể bán đi chính con cái của mình vậy,” Jobs sau này nhớ lại. “John bắt đầu rơi nước mắt khi ông phải tính đến khả năng đó.”

Vậy nên họ cố công tìm ra cho được một thoả thuận mới. Eisner đồng ý để Pixar góp một nửa vốn trong những bộ phim sau, và đổi lại, được nhận một nửa lợi nhuận. “Ông ta không nghĩ chúng tôi có thể có bao nhiêu sản phẩm đình đám, chính vì thế ông ta nghĩ mình đã tiết kiệm được một số tiền,” Jobs nói. “Rốt cục thì điều đó có lợi cho chúng tôi, bởi vì Pixar có những 10 ý tưởng bom tấn cả thảy.” Họ cũng thống nhất với nhau về việc hợp tác thương hiệu, tuy nhiên cũng có rất nhiều cuộc tranh cãi nổ ra để xác định cho rõ. “Quan điểm của tôi xuất phát từ chuyện đó là một bộ phim của Disney cơ mà, nhưng sau đó tôi cũng dịu lại,” Eisner nhớ lại. “Chúng tôi bắt đầu thoả thuận về chuyện chữ Disney sẽ lớn đến mức nào, chữ ‘Pixar” lớn tới mức nào, hệt như mấy đứa bé 4 tuổi vậy.” Nhưng đến đầu năm 1997, họ đã đạt được thoả thuận, với 5 bộ phim trong vòng 10 năm, hai thương hiệu sẽ có kích thước to bằng nhau, như những người bạn, ít nhất là trong thời gian ở bên nhau. “Khi ấy Eisner khá biết điều và công bằng với tôi,” Jobs sau này thừa nhận. “Nhưng thực ra, trong vòng 10 năm tiếp theo, tôi đã đi đến kết luận rằng ông ta là một người đen tối.”

Trong thư gửi cho những cổ đông của Pixar, Jobs giải thích việc thắng được quyền hợp tác thương hiệu ngang nhau với Disney đối với tất cả các bộ phim, cũng như trong quảng cáo và sản xuất đồ chơi chính là yếu tố quan trọng nhất của bản thoả thuận. “Chúng ta muốn Pixar phát triển thành một thương hiệu ngang bằng, có cùng đẳng cấp chiếm được lòng tin như thương hiệu Disney đã làm được,” ông viết như vậy. “Nhưng để Pixar có thể đạt được lòng tin ấy, khán giả phải biết rằng chính Pixar là người sáng tạo ra các bộ phim.” Jobs luôn được biết đến trong suốt sự nghiệp của mình là người tạo ra những sản phẩm vĩ đại. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông có khả năng tạo ra những công ty vĩ đại với những thương hiệu giá trị. Và ông đã tạo ra hai công ty tốt nhất trong thời đại của mình: Apple và Pixar.

Bình luận
× sticky