Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tiểu Sử Steve Jobs

Chương 40: VÔ CÙNG TẬN

Tác giả: Walter Isaacson

iCloud, Tàu vũ trụ và hơn thế nữa

iPad 2

Ngay từ trước khi iPad được tung ra thị trường, Jobs đã suy nghĩ về những gì cần có ở chiếc iPad 2. Nó cần những chiếc camera ở mặt trước và mặt sau – tất cả mọi người đều biết điều này sẽ đến – và chắc chắn là ông muốn nó mỏng hơn. Nhưng có một vấn đề thứ yếu mà ông tập trung vào trong khi hầu hết mọi người đều không nghĩ đến: Những chiếc vỏ bao mà mọi người sử dụng đã che hết những đường nét tuyệt đẹp của iPad cũng như màn hình. Cái gì đáng phải làm mỏng đi thì họ lại làm dày lên. Họ khoác một lớp áo tẻ ngắt lên một thiết bị đáng ra phải thần kỳ về mọi măt.

Vào thời điểm đó, ông đọc được một bài báo về nam châm, bèn cắt nó ra và đưa cho Jony Ive. Nam châm có một cái lõi hấp dẫn có thể được tập trung vào một cách chính xác. Có lẽ chúng có thể được sử dụng để sắp thẳng hàng một lớp vỏ tháo ra được. Bằng cách đó, nó có thể bám vào mặt trước của chiếc iPad mà không nhấn chìm cả thiết bị. Một người trong nhóm của Ive đã tìm ra cách chế tạo một chiếc vỏ tháo rời có thể nối với một bản lề nam châm. Khi bạn bắt đầu mở nó ra, màn hình sẽ hiện lên giống như gương mặt cười của một em bé đang bị thọc lét, sau đó vỏ bao sẽ gấp lại thành một giá đỡ.

Phát kiến này không có gì là công nghệ cao, mà hoàn toàn chỉ là cơ học. Nhưng nó thật sự rất thú vị. Nó cũng là một ví dụ nữa cho thấy khát khao của Jobs muốn có được một thể thống nhất hoàn toàn: Lớp vỏ bao và chiếc iPad được thiết kế cùng nhau sao cho tất cả các nam châm và bản lề đều nối với nhau trơn tru. Chiếc iPad 2 sẽ có rất nhiều cải tiến, nhưng chiếc vỏ bao táo bạo này, thứ mà hầu hết các CEO khác chẳng bao giờ để ý đến, sẽ là thứ đem đến nhiều hài lòng nhất.

Vì Jobs đang nghỉ chữa bệnh nên ông không được trông đợi sẽ có mặt tại buổi ra mắt chiếc iPad 2, dự tính là vào ngày 2 tháng 3 năm 2011 ở San Francisco. Nhưng khi giấy mời được phát ra, ông bảo tôi rằng tôi nên cố gắng đến tham dự. Vẫn là cảnh thường thấy: các giám đốc cấp cao của Apple ở hàng đầu tiên, Tim Cook ngồi nhai những thanh kẹo tăng lực, và hệ thống âm thanh phát hết công suất các bài hát của the Beatles rất phù hợp, cuối cùng là những bài “You Say You Want a Revolution” (Bạn nói rằng bạn muốn một cuộc cách mạng) và “Here Comes the Sun” (Tiến đến mặt trời). Reed Jobs đến nơi vào phút chót cùng khiến hai người bạn cùng phòng đại học tỏ ra khá sững sờ.

“Chúng tôi đã nỗ lực với sản phẩm này trong một thời gian dài, và tôi thực sự không muốn bỏ lỡ ngày hôm nay,” Jobs vừa nói vừa thong thả bước lên bục, vẻ ngoài hốc hác đến đáng sợ nhưng trên môi là nụ cười vui vẻ. Đám đông vỡ òa những tiếng hò reo và tung hô.

Ông bắt đầu giới thiệu chiếc iPad 2 từ lớp vỏ bao mới. Ông giải thích: “Lần này, lớp vỏ bao và sản phẩm được thiết kế cùng nhau.” Sau đó, ông chuyển sang đề cập lời chỉ trích đã giày vò ông bởi nó thực sự có ý đúng: Chiếc iPad ban đầu đã tiêu thụ nội dung tốt hơn là tạo ra nội dung. Vì vậy, Apple đã sửa lại hai ứng dụng sáng tạo tốt nhất dành cho Macintosh, GarageBand và iMovie, và tạo ra những phiên bản mạnh mẽ cho iPad. Jobs cho thấy có thể soạn nhạc và phối khí cho một bài hát, hoặc đưa nhạc và các hiệu ứng đặc biệt vào video, và đăng tải hoặc chia sẻ các tác phẩm ấy dễ dàng như thế nào khi sử dụng iPad.

Một lần nữa, ông kết thúc bài thuyết trình của mình bằng một slide mô tả điểm giao nhau giữa sáng tạo nghệ thuật và công nghệ đỉnh cao. Lần này, ông đưa ra một trong những cách diễn đạt rõ ràng nhất cương lĩnh của mình, rằng sự sáng tạo và tinh giản thực thụ đến từ việc tích hợp công cụ tổng thể – phần cứng và phần mềm, nội dung bên trong và vỏ bọc bên ngoài cùng trong một sản phẩm – chứ không phải là một hệ thống mở và phân mảnh như những gì đã xảy ra trong thế giới của máy tính cá nhân Windows và giờ đây đang xảy ra với các thiết bị Android:

Trong cốt lõi của Apple, công nghệ là chưa đủ. Chúng tôi tin rằng chính công nghệ kết hợp với tính nhân văn sẽ đem lại kết quả làm nức lòng chúng ta. Chẳng ở đâu điều này lại đúng đắn hơn như trong trường hợp của các thiết bị thời kỳ hậu máy tính cá nhân. Thiên hạ đang đô xô vào thị trường máy tính bảng này, và họ đang coi nó như chiếc máy tính cá nhân thứ hai, trong đó phần cứng và phần mềm là do các công ty khác nhau tạo ra. Kinh nghiệm của chúng tôi, và từng tế bào trong cơ thể chúng tôi, khẳng định rằng đây không phải là cách tiếp cận đúng đắn. Đây là những thiết bị hậu máy tính cá nhân cần có trực giác và dễ sử dụng hơn máy tính cá nhân, trong đó phần cứng, phần mềm và các ứng dụng cần được tích hợp càng phải nhuần nhuyễn hơn so với máy tính cá nhân. Chúng tôi tin tưởng mình có một cấu trúc và một tổ chức thích hợp, để tạo nên những loại sản phẩm này.

Nó là một cấu trúc đã ăn sâu bám rễ không chỉ trong công ty mà ông đã gây dựng nên, mà còn ở chính tâm hồn ông.

Sau sự kiện ra mắt, Jobs như được tiếp thêm sinh lực. Ông đến khách sạn Four Seasons để ăn trưa cùng tôi, vợ ông, Reed và hai người bạn của Reed ở Stanford. Lần này ông đã chịu ăn, dù vẫn hơi kén chọn. Ông gọi nước ép hoa quả tươi, sau đó đã trả lại tới ba lần vì cho rằng mỗi lần đều là nước quả đóng hộp, cùng một đĩa mì Ý trộn rau tươi mà ông đã đẩy ra xa chỉ sau một lần nếm. Nhưng sau đó ông ăn một nửa đĩa salad Louie của tôi và gọi một đĩa đầy cho riêng ông, tiếp theo là một cốc kem. Khách sạn tận tâm này cuối cùng đã mang ra được một cốc nước ép hoa quả đáp ứng được tiêu chuẩn của ông.

Ngày hôm sau ở nhà, ông vẫn rất hứng khởi. Ông đang lên kế hoạch sẽ bay một mình đến Làng Kona ở Hawaii, tôi bèn đề nghị được xem ông đã cho những gì vào chiếc iPad 2 của ông để chuẩn bị cho chuyến đi. Trong đó có ba bộ phim: Chinatown, The Bourne Ultimatum và Toy Story 3. Ngoài ra, chỉ có một cuốn sách mà ông đã tải xuống: The Autography of a Yogi, cuốn hướng dẫn thiền định và duy linh mà ông đã đọc lần đầu hồi thiếu niên, sau đó đọc lại ở Ấn Độ và từ đó trở đi đã đọc mỗi năm một lần.

Được nửa buổi sáng, ông quyết định là muốn ăn một thứ gì đó. Ông vẫn còn quá yếu để lái xe, vì vậy tôi đưa ông đến một quán cà phê trong một khu mua sắm. Quán chưa tới giờ mở cửa, nhưng người chủ, đã quen với việc Jobs gõ cửa vào những thời gian như thế này, rất vui vẻ để chúng tôi vào. Jobs nói đùa: “Ông ấy đã nhận sứ mệnh vỗ béo cho tôi.” Các bác sĩ yêu cầu ông phải ăn trứng vì đó là nguồn protein chất lượng, vì vậy ông gọi món trứng tráng. “Sống chung với một căn bệnh như thế này, cùng với tất cả những cơn đau liên tục nhắc nhở anh về cái chết, điều đó có thể có những tác động kỳ lạ tới não của anh nếu anh không cẩn thận,” ông nói. “Anh không lên kế hoạch trước cho nhiều hơn một năm, điều đó nghe thật tồi tệ. Anh cần ép bản thân lên kế hoạch như thể anh sẽ sống nhiều năm nữa.”

Một ví dụ của lối suy nghĩ thần kỳ này là kế hoạch xây dựng một chiếc du thuyền sang trọng của riêng ông. Trước cuộc phẫu thuật cấy ghép gan, ông và gia đình thường thuê một chiếc tàu để đi nghỉ tại Mexico, Nam Thái Bình Dương hoặc Địa Trung Hải. Trong rất nhiều những chuyến đi này, Jobs cảm thấy buồn chán và bắt đầu ghét thiết kế của chiếc tàu, vì vậy họ thường rút ngắn chuyến đi và bay đến Làng Kona. Nhưng thỉnh thoảng chuyến đi cũng diễn ra tốt đẹp. “Chuyến du lịch tuyệt vời nhất là lần chúng tôi đi xuôi bờ biển Italia, sau đó tới Athens – nơi đó đúng là địa ngục, nhưng đền Parthenon thì thật tuyệt diệu – tiếp theo là Ephesus ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở đây họ có những nhà tắm công cộng cổ xưa lát cẩm thạch cùng một khoảng ở giữa để các nhạc công biểu diễn.” Khi họ đến Istanbul, ông nhờ một giáo sư sử học đưa gia đình mình đi thăm thú các nơi. Cuối cùng, họ đến một nhà tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà bài giảng của giáo sư đã mang lại cho Jobs một cái nhìn thấu suốt về sự toàn cầu hóa của giới trẻ:

Tôi đã có được một khám phá thực thụ. Khi đó chúng tôi đều đang mặc áo choàng tắm, rồi họ pha cà phê Thổ Nhĩ Kỳ cho chúng tôi. Giáo sư giải thích rằng cà phê ở đây được làm ra khác biệt đến thế nào so với bất kỳ nơi nào khác, và tôi chợt nhận ra: “Thì sao chứ?” Đâu có đứa trẻ nào quan tâm đến cà phê Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả bọn trẻ nước này? Tôi đã ngắm nghía giới trẻ ở Istanbul suốt cả ngày. Tất cả bọn họ đều uống những gì mà giới trẻ trên khắp thế giới uống, họ mặc quần áo trông như của hãng Gap, và họ đều đang dùng điện thoại di động. Họ giống giới trẻ ở mọi nơi khác. Tôi nhận ra rằng giờ đây với giới trẻ thì khắp nơi trên thế giới đều giống nhau. Khi chúng tôi làm ra sản phẩm thì không có cái thứ gọi là điện thoại Thổ Nhĩ Kỳ, hay máy nghe nhạc mà giới trẻ Thổ Nhĩ Kỳ thích thú sẽ chẳng khác gì cái mà một thanh niên ở nơi khác sẽ muốn. Giờ đây chúng ta là một thế giới.

Sau niềm vui của chuyến đi đó, Jobs đã tiêu khiển bằng cách bắt đầu thiết kế và sau đó là liên tục thiết kế lại một chiếc tàu mà ông nói là ông muốn xây dựng một ngày nào đó. Khi trở bệnh vào năm 2009, ông suýt nữa đã hủy bỏ dự án này. Ông hồi tưởng lại: “Tôi đã cho rằng mình sẽ không còn sống khi nó được hoàn thành. Những ý nghĩ đó khiến tôi rất buồn, vì vậy tôi quyết định rằng thiết kế sẽ là một thú vui, và có thể tôi sẽ có cơ may sống sót khi nó được hoàn thành. Nếu ngừng thiết kế chiếc tàu rồi lại sống được hai năm nữa thi tôi sẽ bực mình lắm. Vì vậy tôi vẫn cứ làm tiếp.”

Sau khi ăn trứng tráng ở quán cà phê, chúng tôi quay về nhà ông, rồi ông cho tôi xem tất cả các mô hình và bản vẽ cấu trúc. Đúng như dự đoán, chiếc du thuyền trông rất bóng bẩy và tối giản. Sàn gỗ têch bóng nhẵn hoàn toàn và không hề được trang trí. Giống như ở một cửa hàng Apple, các cửa sổ cabin đều là những khung lớn, gần như từ sàn lên đến trần, còn khu vực sinh hoạt chính được thiết kế có những bức tường kính dài mười hai mét và cao ba mét. Ông đã nhờ kỹ sư trưởng của các cửa hàng Apple thiết kế một loại kính đăc biệt có thể đóng vai trò cốt chịu lực.

Cho tới khi đó, chiếc tàu vẫn đang được chế tạo tại xưởng đóng tàu Feadship Hà Lan, nhưng Jobs vẫn loay hoay với thiết kế của mình. Ông nói: “Tôi biết rằng mình có thể sẽ chết và để lại cho Laurene một chiếc tàu đang làm dở. Nhưng tôi phải làm tiếp. Nếu không vậy sẽ là một lời thừa nhận rằng tôi sẽ chết.”

Ông và Powell tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày cưới vài ngày sau đó, và ông thừa nhận rằng đã có những lúc ông không đánh giá bà đúng như những gì bà xứng đáng. Ông nói: “Tôi rất may mắn, vì ta chẳng thể nào biết được mình đang dấn thân vào cái gì khi cưới. Ta chỉ biết dựa vào trực giác. Tôi đã làm không thể tốt hơn, bởi Laurene không chỉ thông minh và xinh đẹp mà bà ấy còn là một người rất tất.” Ông rơi nước mắt trong chốc lát. Ông nói về những người bạn gái khác của mình, đặc biệt là Tina Redse, nhưng rồi khẳng định rằng mình đã dừng lại ở đúng chỗ. Ông cũng nhìn nhận lại rằng mình đã ích kỷ và đòi hỏi đến thế nào. “Laurene đã phải chịu đựng tính cách đó của tôi, cũng như chịu đựng bệnh tật của tôi,” ông nói. “Tôi biết rằng sống với tôi không phải là một việc dễ dàng gì cho cam.”

Một trong những thói ích kỷ của ông thể hiện ở chỗ ông có xu hướng quên các ngày kỷ niệm và sinh nhật. Nhưng lần này, ông quyết định lên kế hoạch thật bất ngờ. Họ đã làm đám cưới tại khách sạn Ahwahnee ở Yosemite, vì vậy ông quyết định sẽ đưa Powell trở lại đó vào ngày kỷ niệm của họ. Nhưng khi Jobs gọi đến, thì nơi này đã được đặt kín chỗ. Ông bèn nhờ khách sạn tiếp cận với người đã đặt căn phòng mà ông và Powell ở trước đây và đề nghị họ hủy lịch đặt phòng. Jobs hồi tưởng lại: “Tôi đề nghị trả tiền cho thêm một cuối tuần, nhưng người đó thật tốt bụng và nói: ‘20 năm ngày cưới ư, mời ông lấy phòng, nó là của ông.’”

Ông tìm lại ảnh cưới, do một người bạn chụp, và in ra những bản lớn trên giấy bìa dày rồi đặt vào một chiếc hộp rất tao nhã. Ông tìm lại trong chiếc iPhone của mình mẩu ghi chú mà ông đã soạn sẵn để cho vào chiếc hộp và đọc to nó lên:

20 năm trước chúng ta không biết nhiều về nhau. Chúng ta đã được trực giác mách bảo; ở bên em như thể đang ở trên thiên đường nơi hạ giới. Tuyết rơi khi chúng ta làm đám cưới ở khách sạn Ahwahnee. Năm thsng trôi qua, bọn trẻ ra đời, đã có những giây phút hạnh phúc, những thời điểm khó khăn, nhưng chưa bao giờ là những ngày tháng tồi tệ. Tình yêu và sự tôn trong giữa chúng ta đã tồn tại và nảy nở. Chúng ta đã cùng nhau trải qua thật nhiều khó khăn, và giờ đây chúng ta đang ở đúng xuất phát điểm của mình 20 năm trước – già dặn hơn, khôn ngoan hơn – với những nếp nhăn trên mặt và trong tim. Giờ đây chúng ta đã thấy được biết bao niềm vui, nỗi buồn, bí mật và cả những điều kỳ diệu của cuộc sống, và giờ đây chúng ta vẫn ở bên nhau. Chân anh vẫn chưa bao giờ chạm đất.

Đến cuối bài đọc, ông khóc đến không ngừng nổi. Khi đã lấy lại bình tĩnh, ông nói thêm rằng ông cũng sẽ dành một tập ảnh cho mỗi đứa con của mình. “Tôi nghĩ chúng sẽ thích được thấy rằng bố mình cũng có một thời trẻ trung.”

iCloud (Đám mây điện toán)

Năm 2001, Jobs đặt ra môt viễn cảnh: Chiếc máy tính cá nhân sẽ đóng vai trò “trung tâm số” của một loạt các thiết bị như máy nghe nhạc, máy quay phim, điện thoại và máy tính bảng. Viễn cảnh này nhắm đến điểm mạnh của Apple trong việc tạo ra các sản phẩm tích hợp dễ sử dụng. Chính vì vậy, Apple đã biến từ một công ty sản xuất máy tính đắt tiền thành công ty công nghệ giá trị nhất thế giới.

Năm 2008, Jobs đã khai triển viễn cảnh đó cho làn sóng tiếp theo của thời đại số. Ông tin rằng trong tương lai, máy tính để bàn sẽ không còn là trung tâm nội dung của bạn nữa, mà thay vào đó sẽ là “đám mây điện toán”. Nói cách khác, nội dung của bạn sẽ được lưu giữ trên các máy chủ từ xa do một công ty mà bạn tin tưởng quản lý, và bạn có thể truy cập nội dung đó trên bất kỳ thiết bị nào, ở bất kỳ nơi đâu. Ông sẽ mất ba năm để hoàn thiện được nó.

Ông bắt đầu với một bước đi sai lầm. Vào mùa hè năm 2008, ông cho ra mắt một sản phẩm tên là MobileMe, một dịch vụ thuê bao đắt đỏ (99 đô-la mỗi năm) cho phép bạn cất giữ sổ đia chỉ, tài liệu, hình ảnh, video, email và lịch trình của mình từ xa trong đám mây và đồng bộ nó với bất kỳ thiết bị nào. Trên lý thuyết, bạn có thể dùng iPhone hoặc bất kỳ chiếc máy tính nào để tiếp cận với mọi khía cạnh cuộc sống số của bạn. Tuy nhiên có một vấn đề lớn: Dịch vụ này, theo cách nói của Jobs, chẳng ra gì. Nó rất phức tạp, các thiết bị không đồng bộ hóa tốt, còn email và các dữ liệu khác thì ngẫu nhiên biến mất trong thinh không. “MobileMe của Apple có quá nhiều lỗi để có thể tin cậy,” đó là tiêu đề bài đánh giá của Walt Mossberg trên tờ Wall Street Journal.

Jobs rất tức giận. Ông tập trung đội ngũ MobileMe trong khán phòng của Apple, đsng trên bục và hỏi: “Ai có thể cho tôi biết mục đích của MobileMe là gì?” Sau khi các thành viên đưa ra câu trả lời, Jobs vặc lại: “Thế thì tại sao nó lại không làm được như vây?” Trong vòng nửa tiếng đồng hồ sau đó, ông tiếp tục nhiếc móc họ. “Các anh đã bôi nhọ danh tiếng của Apple,” ông nói. “Các anh nên ghét nhau vì đã gây thất vọng lẫn nhau. Mossberg, người bạn của chúng ta, không còn viết những điều tốt đẹp về chúng ta nữa.” Trước mắt tất cả những người ở đó, ông sa thải trưởng nhóm MobileMe và thay thế bằng Eddy Cue, người đã giám sát tất cả các nội dung Internet tại Apple. Như Adam Lashinsky của tờ Fortune đã nêu trong một bài mổ xẻ văn hóa cộng đồng ở Apple, “Trach nhiệm được đảm bảo nghiêm ngặt.”

Đến năm 2010, có thể thấy rõ rằng Google, Amazon, Microsoft và các công ty khác đều đang nhắm tới mục tiêu trở thành người giỏi nhất trong việc lưu trữ tất cả nội dung và dữ liệu trong đám mây điện toán và đồng bộ hóa chúng vào các loại thiết bị. Vì vậy Jobs tăng cường nỗ lực của mình. Mùa thu năm đó, ông giải thích với tôi:

Chúng tôi phải là công ty quản lý mối quan hệ của các bạn với đám mây điện toán – phát nhạc và video của bạn từ đó, cất giữ các bức ảnh và thông tin của bạn, và thậm chí có thể là cả các dữ liệu bệnh lý của bạn nữa. Apple là nơi đầu tiên có ý tưởng về chiếc máy tính trở thành một trung tâm số. Vì vậy chúng tôi đã viết nên tất cả các ứng dụng đó – iPhoto, iMovie, iTunes – và cài vào các thiết bị của mình như iPod, iPhone và iPad, và nó đã thành công vang dội. Nhưng sau vài năm nữa, trung tâm này sẽ chuyển từ máy tính của bạn sang đám mây điện toán. Vi vậy, vẫn là chiến lược trung tâm số ấy, nhưng trung tâm sẽ chuyển sang nơi khác. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ luôn luôn có thể tiếp cận nội dung của mình mà không cần thao tác đồng bộ hóa nữa.

Chúng tôi cần thực hiện sự biến đổi này, bởi đó là cái mà Clayton Christensen gọi là “thế tiến thoái lưỡng nan của người tiên phong,” trong đó những người phát minh lại thường là người cuối cùng thấu hiểu được nó, mà chúng tôi thì chắc chắn là không muốn bị bỏ lại đằng sau. Tôi sẽ biến MobileMe thành miễn phí, rồi chúng tôi sẽ làm cho việc đồng bộ hóa nội dung trở nên đơn giản. Chúng tôi đang xây dựng một trung tâm máy chủ ở Bắc Carolina. Chúng tôi có thể đáp ứng đủ nhu cầu đồng bộ hóa của bạn, và bằng cách đó chúng tôi có thể giữ được khách hàng của mình.

Jobs thảo luận về viễn cảnh này vào các cuộc họp sáng thứ hai, và dần dần nó được cải tiến thành một chiến lược mới. Ông hồi tưởng lại: “Tôi gửi email tới các nhóm vào hai giờ sáng và vật lộn với các chiến thuật. Chúng tôi nghĩ về nó rất nhiều vì đây không phải là công việc mà là cuộc sống của chúng tôi.” Dù một số thành viên ban giám đốc, trong đó có Al Gore, cân nhắc vấn đề về ý tưởng biến MobileMe thành dịch vụ miễn phí nhưng họ vẫn ủng hộ. Đó sẽ là chiến lược của họ nhằm thu hút khách hàng vào quỹ đạo của Apple trong thập kỷ tiếp theo.

Dịch vụ mới được đặt tên là iCloud, và Jobs đã tiết lộ nó trong lời gửi gắm chính tới Hội nghị các Lập trình viên của Apple trên toàn Thế giới vào tháng 6 năm 2011. Ông vẫn đang trong thời kỳ nghỉ chữa bệnh, và trong tháng 5 đã phải nhập viện vì nhiễm trùng và đau đớn. Một số người bạn thân thuyết phục ông đừng thuyết trình bởi nó sẽ đòi hỏi rất nhiều sự chuẩn bị và tập luyện. Nhưng viễn cảnh được dẫn đường cho một chuyển giao kiến tạo mới trong thời đại số dường như đã tiếp thêm cho ông sức mạnh.

Khi đứng trên bục phát biểu tại Trung tâm Hôi nghị San Francisco, ông mặc một chiếc áo len đen hiệu VONROSEN bên ngoài chiếc áo cổ rùa Issey Miyake màu đen quen thuộc của mình, và bên trong chiếc quần bò màu xanh là chiếc quần lót giữ nhiệt. Nhưng trông ông vô cùng hốc hác. Đám đông đứng vỗ tay chào đón ông rất lâu – “Điều đó luôn giúp ích rât nhiều, và tôi thật sự cảm kích,” ông nói – nhưng chỉ sau vài phút, cổ phiếu của Apple giảm hơn 4 đô-la, xuống còn 340 đô-la. Ông đang cho thấy một nỗ lực đáng khâm phục, nhưng trông ông rất yếu.

Ông nhường lại sân khấu cho Phil Schiller và Scott Forstall trình bày về các hệ điều hành mới cho Mac và các thiết bị di động, sau đó trở lại tự mình giới thiệu iCloud. Ông nói: “Khoảng 10 năm trước, chúng tôi đã có được một trong những nhận thức quan trọng nhất của mình. Máy tính cá nhân sẽ trở thành trung tâm cuộc sống số của bạn. Video, hình ảnh, âm nhạc của bạn. Nhưng nó đã sụp đổ trong vài năm gần đây. Vì sao?” Ông giải thích rằng việc đồng bộ hóa tất cả nội dung vào từng thiết bị là khó đến mức nào. Nếu bạn có một bài hát vừa được tải xuống iPad, một bức ảnh được chụp bằng iPhone và một video được giữ trên máy tính thì bạn sẽ cảm thấy mình giống như một nhân viên tổng đài thời xưa khi cứ phải tháo lắp dây cáp USB từ cái này sang cái khác để chia sẻ nội dung. “Đồng bộ hóa những thiết bị này đang khiến chúng ta phát điên,” ông nói và nhận được một tràng cười lớn tán thưởng từ dưới khán phòng. “Chúng tôi có một giải pháp. Đó là nhận thức lớn tiếp theo của chúng tôi. Chúng tôi sẽ giáng cấp máy tính cá nhân và Mac xuống thành một thiết bị, và chuyển trung tâm số vào đám mây điện toán.”

Jobs nhận thức rất rõ rằng “nhận thức lớn” này thực ra không hẳn là mới. Thật vây, ông nói đùa về cố gắng trước đây của Apple: “Các bạn có thể nghĩ rằng, ‘Tại sao tôi phai tin họ? Họ chính là những người đã tạo ra MobileMe’.” Cả khán phòng bật cười căng thẳng. “Cho phép tôi nói rằng đó không phải là giai đoạn tốt nhất của chúng tôi.” Nhưng khi ông giới thiệu iCloud, có thể thấy rõ rằng nó sẽ làm tốt hơn. Thư, danh bạ và các mục lịch đều được đồng bộ hóa ngay lập tức. Các ứng dụng, hình ảnh, sách truyện và tài liệu cũng vậy. Ấn tượng nhất là Jobs và Eddy Cue đã làm hợp đông với các công ty phát hành nhạc (không như Google và Amazon). Apple sẽ có 18 triệu bài hát trên các máy chủ đám mây của mình. Nếu bạn có bất kỳ bài hát nào trong số này trên các thiết bị hoặc máy tính của mình – dù là bạn đã sở hữu nó một cách hợp pháp hay bất hợp pháp – thì Apple cũng sẽ cho phép bạn có được phiên bản chất lượng cao của bài hát đó trên tất cả các thiết bị của mình mà không cần phải tốn thời gian và công sức tải nó lên đám mây. “Tất cả đều sẽ hoạt động tốt,” ông nói.

Khái niệm đơn giản đó – rằng mọi thứ đều sẽ hoạt động nhuần nhuyễn – như thường lệ vẫn là lợi thế cạnh tranh của Apple. Microsoft đã quảng cáo cho “Cloud Power” trong hơn một năm, và ba năm trước, kiến trúc sư trưởng bộ phận phần mềm của công ty, huyền thoại Ray Ozzie đã thốt lên: “Nguyện vọng của chúng tôi là mỗi cá nhân sẽ chỉ cần đăng ký các sản phẩm truyền thông của mình một lần, sau đó có thể dùng bất kỳ… thiết bị nào của mình để tiếp cận và thưởng thức sản phẩm truyền thông của họ.” Nhưng Ozzie đã rời Microsoft vào cuối năm 2010, và động lực đưa đám mây của công ty vào các thiết bị tiêu dùng không bao giờ được thực hiện. Amazon và Google đều đã đưa ra dịch vụ đám mây vào năm 2011 nhưng không công ty nào có khả năng tích hợp phần cứng, phần mềm và nội dung của một loạt các thiết bị. Apple kiểm soát tất cả các mắt xích và thiết kế để chúng cùng hoạt động: các thiết bị, máy tính, hệ điều hành và phần mềm ứng dụng, cùng với việc kinh doanh và cất giữ nội dung.

Tất nhiên, nó sẽ chỉ hoạt động nhuần nhuyễn nếu bạn sử dụng thiết bị của Apple và ở nguyên trong vòng phong tỏa của họ. Điều này tạo ra thêm một lợi ích cho Apple: sự trung thành của khách hàng. Một khi đã bắt đầu sử dụng iCloud, sẽ rất khó để chuyển sang dùng một thiết bị Kindle hoặc Android. Âm nhạc và các nội dung khác của bạn sẽ không đồng bộ với chúng; trên thực tế, chúng thậm chí có thể không hoạt động. Đó chính là kết quả đạt được sau ba thập kỷ tránh xa các hệ điều hành mở. “Chúng tôi đã nghĩ về việc liệu có nên tạo một phần nhạc cho Android,” Jobs nói với tôi trong bữa sáng hôm sau. “Chúng tôi đã cho iTunes vào Windows để bán được thêm iPod. Nhưng tôi không thấy có lợi ích gì trong việc cài đặt ứng dụng âm nhạc của chúng tôi vào Android, trừ việc làm hài lòng người sử dụng Android. Mà tôi thì không muốn làm hài lòng người sử dụng Android.”

Tổng hành dinh mới

Hồi 13 tuổi, Jobs tra cứu số điện thoại của Bill Hewlett trong danh bạ điện thoại rồi gọi cho ông để hỏi về một chi tiết cần cho bộ đếm tần số mà ông đang cố xây dựng, để rồi thành ra có được một công việc làm thêm hè tại bộ phận dụng cụ của Hewlett-Packard. Cùng năm đó, HP mua đất ở Cupertino để mở rộng bộ phận tính toán của mình. Wozniak đến làm việc ở đó, và chính ở nơi này ông đã thiết kế Apple I và Apple II trong những giờ làm đêm của mình.

Khi vào năm 2010, HP quyết định bỏ địa điểm của mình tại Cupertino, nơi chỉ cách tổng hành dinh One Infinite Loop của Apple 1,5 km về phía đông, Jobs đã lặng lẽ dàn xếp để mua lại nó và cả khu đất xung quanh. Ông rất ngưỡng mộ cách Hewlett và Packard đã gây dựng một công ty bền vững, và ông cũng tự hào vì đã làm được điều tương tự ở Apple. Giờ đây ông muốn có một đại bản doanh để trưng bày, một thứ mà không công ty công nghệ nào ở Bờ Tây có được. Cuối cùng ông tập hợp được tổng cộng 60 héc-ta, phần lớn trong số đó từng là các vườn mơ khi ông còn bé, rồi lao mình vào cái mà sau này sẽ trở thành một dự án di sản kết hợp đam mê thiết kế và đam mê tạo lập nên một công ty bền vững của ông. “Tôi muốn để lại một tổng hành dinh đầy dấu ấn thể hiện các giá trị của công ty đến muôn đời sau,” ông nói.

Ông thuê công ty kiến trúc mà ông cho là tốt nhất thế giới của Ngài Norman Foster, công ty đã xây nên những tòa nhà được bố trí rất thông minh, chẳng hạn như dinh thự được phục hồi lại Reichstag ở Berlin và tòa nhà 30 St. Mary Axe ở London. Chẳng có gì ngạc nhiên khi Jobs tích cực tham gia lên kế hoạch cả về tầm nhìn và chi tiết đến nỗi gần như không thể quyết định được thiết kế cuối cùng. Đây sẽ là tòa dinh thự trường tồn của ông, vì vậy ông muốn làm cho hẳn hoi. Công ty của Foster cử 50 kiến trúc sư tham gia đội ngũ, và rồi trong suốt năm 2010, cứ ba tuần họ lại mang đến cho Jobs những mô hình và lựa chọn đã được chỉnh sửa. Ông cứ liên tục nảy ra những ý tưởng mới, đôi khi là một hình dáng mới hoàn toàn, rồi buộc họ bắt đầu lại và đưa ra thêm các lựa chọn thay thế.

Khi ông cho tôi xem các mô hình và kế hoạch lần đầu tiên trong phòng khách của mình, tòa nhà trông giống như một đường đua uốn lượn khổng lồ được tạo nên từ ba hình bán nguyệt liên kết với nhau quanh một khoảng sân trung tâm rộng lớn. Tường là những tấm kính cao từ nền lên trần, còn nội thất bao gồm các hàng văn phòng di động cho ánh sáng mặt trời tỏa xuống các lối đi. “Thiết kế này tạo nên khoảng không gian hội họp linh hoạt,” ông nói, “và tất cả mọi người đều được hưởng ánh sáng mặt trời.”

Lần tiếp ông cho tôi xem thiết kế là một tháng sau đó, khi chúng tôi đang ở trong phòng hội nghị rộng lớn của Apple đối diện văn phòng của ông, ở đó một mô hình dự kiến của tòa nhà phủ kín chiếc bàn họp. Ông đã đưa ra một thay đổi lớn. Các văn phòng di động đều sẽ được đặt cách xa cửa sổ, nhờ đó các hành lang dài đều sẽ ngập tràn ánh nắng. Chúng cũng sẽ đóng vai trò là không gian sinh hoạt chung. Ông đã tranh luận rất nhiều với một số kiến trúc sư bởi họ muốn cửa sổ được mở ra. Jobs thì chưa bao giờ thích ý tưởng là mọi người có thể mở được các thứ. Ông tuyên bố: “Điều đó sẽ chỉ khiến cho người ta làm loạn.” Ông đã chiến thắng trong vấn đề đó, cũng như ở nhiều chi tiết khác.

Khi về nhà vào buổi tối hôm ấy, Jobs khoe các bản vẽ trong bữa tối, Reed bèn nói đùa rằng cái vẻ ngoài lơ lửng ấy làm cậu liên tưởng đến bộ phận sinh dục của đàn ông. Jobs gạt bỏ lời bình luận ấy, coi đó chỉ là tư duy của một người chưa trưởng thành. Nhưng ngày hôm sau, ông đề cập đến bình luận ấy với các kiến trúc sư. “Thật không may là một khi tôi đã kể với anh chuyện đó thì anh sẽ không bao giờ có thể xóa bỏ hình ảnh ấy khỏi tâm trí mình,” ông nói. Vào lần tiếp theo tôi tới thăm, hình dáng của tòa nhà đã được thay đổi thành một hình tròn đơn giản.

Thiết kế mới này đồng nghĩa với việc sẽ không có một tấm kính thẳng nào trong tòa nhà. Tất cả đều sẽ được uốn cong và ăn khớp với nhau. Đã từ lâu, Jobs vẫn luôn bị các tấm kính mê hoặc, và theo kinh nghiệm của ông khi đòi hỏi các tấm kính lớn làm theo yêu cầu cho các cửa hàng của Apple, ông tự tin rằng hoàn toàn có thể tạo ra một số lượng lớn những tấm kính cong khổng lồ. Khoảng sân trung tâm dự kiến sẽ có chiều dài khoảng 244 mét (gần bằng chiều dài của ba sân bóng đá), và ông cho tôi xem mô hình này với những tấm khăn trải bàn, ngụ ý rằng nó có thể bao quanh Quảng trường St. Peter ở Rome như thế nào. Một trong những ký ức còn sót lại của ông là về các vườn cây ăn quả từng tồn tại trên khu đất này, vì vậy ông bèn thuê một chuyên gia trồng cây đầy kinh nghiệm từ Stanford và ra chỉ thị rằng 80% khu đất sẽ là cảnh thiên nhiên với 6.000 cây cối. Jobs hồi tưởng lại: “Tôi đã đề nghị ông ấy phải trồng một vườn mơ mới. Trước đây ta thấy chúng ở khắp nơi, ngay cả ở các góc đường, và chúng đã trở thành di sản của thung lũng này.”

Đến tháng 6 năm 2011, thiết kế của tòa nhà bốn tầng rộng hơn 90 km2 với sức chứa hơn 12 nghìn nhân viên đã sẵn sàng được tiết lộ. Ông quyết định thông báo với Hội đồng Thành phố Cupertino một cách lặng lẽ và không công khai ngay sau ngày công bố dịch vụ iCloud tại Hôi nghị Lập trình viên Quốc tế.

Dù không còn mấy sức lực nhưng ông vẫn có một lịch trình kín vào ngày hôm đó. Ron Johnson, người đã triển khai các cửa hàng của Apple và điều hành chúng trong hơn một thập kỷ, đã quyết định đồng ý đề nghị trở thành CEO của J.C. Penney, và sáng hôm đó ông đã đến nhà Jobs đề bàn về sự ra đi của mình. Sau đó Jobs và tôi cùng đến một quán cà phê tên là Fraiche ở Palo Alto, ông đã nói rất hào hứng về các sản phẩm trong tương lai của Apple. Cuối ngày, ông được đưa tới Santa Clara để dự cuộc họp quý của Apple với các giám đốc cấp cao của Intel, ở đó họ thảo luận về khả năng sử dụng chip Intel trong các thiết bị di động tương lai. Đêm hôm đó, ban nhạc U2 trình diễn ở Oakland Coliseum, Jobs đã định sẽ đến. Thay vào đó, ông quyết định tối hôm ấy sẽ trình bày đồ án của mình với Hội đồng Cupertino.

Đến nơi mà không có bộ sậu tùy tùng hay bất kỳ sự phô trương nào, với dáng điệu thoải mái, vẫn mặc chiếc áo len màu đen đã mặc tại buổi nói chuyện hội nghị lập trình viên, ông đứng trên bục với chiếc điều khiển trong tay và trình bày các slide thiết kế với các thành viên hội đồng trong 20 phút. Khi một tòa nhà hình tròn bóng bẩy như tới từ tương lai hiện lên trên màn hình, ông ngừng lại và mỉm cười. “Trông như thể một chiếc tàu vũ trụ vừa hạ cánh,” ông nói. Một lát, ông thêm: “Tôi nghĩ chúng tôi có thể xây dựng nên tòa nhà văn phòng tuyệt nhất thế giới.”

Thứ Sáu tuần tiếp sau, Jobs gửi email tới một đồng nghiệp cũ là Ann Bowers, vợ góa của nhà đồng sáng lập Intel Bob Noyce. Bà là giám đốc nhân sự cũng như quản lý của Apple thời kỳ đầu những năm 1980, chịu trách nhiệm khiển trách Jobs sau những cơn thịnh nộ của ông và xoa dịu các đồng nghiệp. Jobs hỏi rằng liệu hôm sau bà có muốn đến thăm ông hay không. Bowers đang ở New York, nhưng bà đã đến nhà ông vào chủ nhật ngay khi bà quay lại. Khi đó, ông lại trở bệnh, rất đau đớn và hầu như chẳng còn chút sức lực nào, nhưng ông vẫn rất hào hứng cho bà xem hình ảnh của đại bản doanh mới. Ông nói: “Bà hãy tự hào về Apple. Bà hãy tự hào về những gì chúng ta đã gây dựng.”

Sau đó ông nhìn bà chăm chú và hỏi một câu khiến bà “bất ngờ”: “Hãy cho tôi biết, hồi trẻ tôi như thế nào?”

Bowers cố gắng đưa ra một câu trả lời trung thực: “Ông rất mạnh mẽ, và khó tính. Nhưng tầm nhìn của ông thì đầy thuyết phục. Ông đã bảo chúng tôi, ‘Hành trình chính là phần thưởng.’ Điều đó quả thật là đã đúng.”

Jobs trả lời: “Đúng. Tôi đã học được nhiều điều trong hành trình đó.” Rồi vài phút sau, ông nhắc lại câu trả lời, như để trấn an Bowers và chính mình: “Tôi đã học được nhiều điều. Thật sự đấy.”

Bình luận