Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Tiểu Sử Steve Jobs

Chương 42: DI SẢN

Tác giả: Walter Isaacson

Thiên đường sáng tao sáng ngời

Thuyết trình tại Macworld 2006, phía sau là hình ảnh Jobs và Wozniak 30 năm trước.

FireWire

Cá tính của Jobs được phản ánh trong chính những sản phẩm của ông. Triết lý cốt lõi của Apple, từ thời chiếc Macintosh đầu tiên năm 1984 cho đến thế hệ iPad là sự tích hợp toàn bộ giữa phần mềm và phần cứng, và tất cả đều liên quan đến Steve Jobs: niềm đam mê, chủ nghĩa hoàn hảo, sự tinh quái, niềm khát khao, tính nghệ thuật, sự liều lĩnh và cả nỗi ám ảnh kiểm soát, được kết nối trọn vẹn với phương thức kinh doanh cũng như chế tạo sản phẩm của ông.

Lý thuyết trường thống nhất – thứ gắn liền với tính cách cũng như sản phẩm của Steve Jobs được khởi đầu bởi nét tính cách tiêu biểu nhất của ông: sự mạnh mẽ. Đôi khi, chính sự mạnh mẽ này là điểm cuốn hút, theo cách thức nhạt nhẽo của những kẻ chỉ có đam mê duy nhất là máy tính, chẳng hạn như khi ông giải thích về sự uyên thâm, sâu sắc trong phần âm nhạc của Bob Dylan hay tại sao bất kỳ sản phẩm nào Apple giới thiệu ra công chúng đều luôn là những sản phẩm đáng kinh ngạc nhất. Nhưng những lúc khác, sự mạnh mẽ đó lại thật đáng kinh sợ, điển hình như khi Steve quy kết Microsolf hay Google lợi dụng Apple.

Chính sự mạnh mẽ này đã mang đến cho Steve cái nhìn nhị phân về thế giới. Các đồng nghiệp của Steve thì cho rằng đó là sự lưỡng phân anh hùng/kẻ ngu dốt. Bạn có thể vừa thế này lại vừa thế kia, thậm chí chỉ trong cùng một ngày. Điều đó cũng đúng với sản phẩm, ý tưởng và thậm chí là cả đồ ăn: Một thứ vừa có thể là “tuyệt vời chưa từng có” nhưng cũng đồng thời có thể là kinh tởm, ngu dốt và không thể nuốt được.

Chính vì thế, bất kỳ lỗ hổng nhận thức nào cũng có thể khiến người ta trở nên huênh hoang, khoác lác. Vì vậy, đối với các công đoạn – việc hoàn thiện các mảnh kim loại, các khúc uốn cong của đầu đinh vít, các sắc thái của màu xanh trên chiếc hộp, khả năng cảm ứng của màn hình điều hướng – Jobs thường luôn nói rằng “chúng hoàn toàn đã vỡ mộng”, rồi sau đó khi hoàn toàn chắc chắn, ông mới tuyên bố các sản phẩm đó là “hết sức tuyệt vời”. Ông luôn tự cho mình là một nghệ sỹ – một yếu tố sẵn có trong con người ông – và thật sự theo đuổi tính nghệ sỹ đó.

Chính đòi hỏi về sự hoàn hảo đã khiến Steve buộc Apple phải có được sự kiểm soát toàn bộ đối với tất cả các sản phẩm của mình. Steve đã nổi sung, thậm chí còn tệ hơn, khi chứng kiến phần mềm tuyệt vời của Apple chạy trên phần cứng yếu kém của một công ty khác. Tương tự, Steve dị ứng với suy nghĩ rằng các ứng dụng hay nội dung chưa được chứng nhận sẽ làm “ô nhiễm” sự hoàn hảo nơi các thiết bị của Apple. Khả năng tích hợp phần mềm và phần cứng cũng như nội dung vào một hệ thống hợp nhất đã giúp ông thực hiện được mục tiêu về tính đơn giản. Nhà thiên văn học Johannes Kepler đã nói rằng “Thiên nhiên ưa chuộng sự đơn giản và tính đơn nhất”. Và Steve cũng vậy.

Thiên hướng đối với các hệ thống tích hợp đã khiến ông kiên quyết đi theo một khía cạnh của thiết bị nền tảng nhất trong thế giới công nghệ số: hệ thống mở và đóng. Các đặc tính chống tin tặc được truyền từ Câu lạc bộ máy tính Homebrew đã có được ích lợi từ hệ thống mở, bởi ở đó sự kiểm soát trung tâm rất yếu và người sử dụng có thể tự do thay đổi phần cứng và phần mềm, chia sẻ mã code, viết tiêu chuẩn mở, trốn tránh các hệ thống độc quyền và có những ứng dụng và nội dung tương thích với nhiều hệ thống hoạt động cũng như thiết bị khác nhau. Wozniak cũng đi theo xu hướng này: Chiếc Apple II mà ông thiết kế rất dễ mở và có nhiều khe cắm và cổng để mọi người có thể sử dụng sao cho thoải mái nhất. Nhưng cùng với Macintosh, Steve đã trở thành cha đẻ của một xu hướng hoàn toàn khác. Macintosh sẽ là một thiết bị mà phần cứng và phần mềm được đan cài chặt chẽ với nhau và không thể thay đổi. Những đặc tính chống tin tặc sẽ phải bị hy sinh để tạo ra một trải nghiệm người dùng đơn giản và trơn tru, liền mạch.

Cũng chính điều này là nguyên nhân khiến Jobs đưa ra quyết định rằng hệ thống điều hành của Macintosh sẽ không “tương thích” với bất kỳ phần cứng của một công ty nào khác. Ngược lại, Microsoft lại theo đuổi chiến lược hoàn toàn trái chiều, cho phép hệ thống điều hành của Windows được cấp phép thoải mái. Điều đó không giúp tạo ra những chiếc máy tính tinh xảo, nhưng lại đưa Microsoft đến vị trí thống trị trong thế giới hệ điều hành. Sau khi thị phần của Apple sụt giảm xuống còn dưới 5%, phương pháp của Microsoft được tuyên bố là “kẻ chiến thắng” trong lãnh địa máy tính cá nhân.

Tuy nhiên, về lâu dài, mô hình của Jobs được chứng minh là có những lợi thế nhất định. Bất chấp thị phần nhỏ bé, Apple vẫn có thể duy trì biên lợi nhuận lớn trong khi những nhà sản xuất máy máy tính khác chỉ ở mức thông thường. Ví dụ, năm 2010, Apple chỉ chiếm 7% trong tổng doanh thu của thị trường máy tính cá nhân, nhưng lại có được 35% lợi nhuận hoạt động.

Nổi bật hơn, đầu những năm 2000, sự kiên quyết của Jobs đối với hệ thống tích hợp toàn bộ đã mang đến cho Apple lợi thế trong việc phát triển chiến lược trục bánh xe công nghệ số – cho phép máy tính để bàn của bạn có thể kết nối trơn tru với tất cả các thiết bị di động, xách tay khác nhau. Ví dụ, iPod là một hệ thống đóng và tích hợp chặt chẽ. Để sử dụng nó, bạn cần sử dụng phần mềm iTunes của Apple và tải nội dung từ iTunes Store của họ. Kết quả là iPod, cũng như iPhone và iPad sau này, là sản phẩm xuất sắc tinh tế, trái ngược với các sản phẩm cạnh tranh thiếu liên kết và không thể tạo ra trải nghiệm người dùng toàn bộ liền mạch.

Chiến lược của Apple đã mang lại kết quả. Tháng 5 năm 2000, giá trị thị phần của Apple là 1/20 so với Microsoft. Nhưng đến tháng 5 năm 2010, Apple qua mặt Microsoft và trở thành công ty công nghệ giá trị nhất thế giới. Đến tháng 9/2011, giá trị của Apple vượt xa 70% so với Microsoft. Trong quý đầu năm 2011, thị phần máy tính cá nhân Windows giảm xuống còn 1%, trong khi thị phần của Mac tăng lên 28%.

Đến lúc này, một cuộc chiến mới lại bắt đầu trong thế giới thiết bị di động. Google tiến hành nhiều phương pháp mở hơn, cho phép bất kỳ nhà sản xuất máy điện thoại bàn hoặc điện thoại di động nào cũng có thể sử dụng hệ điều hành Android của họ. Đến năm 2011, thị phần di động của Google tương đương với của Apple. Mặt hạn chế trong hệ thống mở của Android đó là nó có thể bị phân đoạn. Rất nhiều nhà sản xuất máy cầm tay và máy tính bảng đã thay đổi hệ điều hành Android thành hàng chục loại và dạng khác nhau, khiến ứng dụng khó có thể duy trì được sự nhất quán cũng như không thể sử dụng được tất cả các tính năng của nó. Tuy nhiên, cả hai phương pháp này đều có những ưu điểm riêng. Một số người muốn được tự do sử dụng hệ thống mở và có nhiều lựa chọn đối với phần cứng hơn, trong khi những người khác rõ ràng lại thích sự kiểm soát và tích hợp chặt chẽ của Apple – đồng nghĩa với việc sản phẩm có giao diện đơn giản, tuổi đời pin cao, tính thân thiện với người dùng và sử dụng nội dung dễ dàng hơn.

Khuyết điểm trong phương pháp của Steve đó là chính khát khao đem lại niềm yêu thích, vui sướng cho người dùng đã khiến ông từ chối trao quyền cho họ. Một trong những nhà đề xuất thận trọng và thấu đáo nhất về một môi trường mở là Jonathan Zittrain của Đại học Harvard. Ông đã mở đầu cuốn sách The Future of the Internet – And How to Stop It (Tương lai của Internet – Và cách thức ngăn chặn nó) bằng phần giới thiệu về iPhone của Jobs, đồng thời đưa ra lời cảnh báo về hệ quả của việc thay thế máy tính cá nhân bằng “những ứng dụng nghèo nàn bám chặt vào một hệ thống kiểm soát”. Thậm chí, một người nồng nhiệt hơn – Cory Doctorow – người viết ra bản tuyên ngôn mang tên “Tại sao tôi sẽ không mua iPad” cho trang blog Boing Boing, đã viết: “Quá thông minh và chín chắn khi tiến hành cách thiết kế đó. Nhưng nó cũng rõ ràng là sự khinh miệt đối với người chủ của mình. Mua một chiếc iPad cho con của bạn không có nghĩa là ngay lập tức nhận thức rằng thế giới này là của bạn để rồi thích thì tách ra và tập hợp vào, mà nó là cách để nói với con cái của bạn rằng ngay cả thay pin cũng là việc mà bạn cần giao phó cho các chuyên gia.”

Đối với Jobs, niềm tin vào phương pháp tích hợp là chính đáng. “Chúng tôi thực hiện những điều này không phải bởi chúng tôi là những kẻ lập dị, độc đoán muốn kiểm soát mọi thứ”, ông giải thích “mà bởi chúng tôi muốn tạo ra những sản phẩm tuyệt vời, bởi chúng tôi quan tâm đến người sử dụng, và bởi chúng tôi muốn đảm trách toàn bộ các trải nghiệm của khách hàng thay vì những thứ tào lao mà những kẻ khác đã tạo ra.” Jobs cũng tin tưởng rằng mình đang mang đến sự phục vụ hữu ích cho con người: “Họ quá bận rộn hoàn thiện tốt nhất những công việc thuộc phạm vi của mình, và họ muốn chúng tôi làm cũng làm điều tương tự. Cuộc sống của họ quá bận rộn, họ có quá nhiều thứ để làm hơn là suy nghĩ về việc làm thế nào để kết nối máy tính của mình với các thiết bị.”

Đôi khi, phương pháp này không đem lại kết quả tốt đẹp đối với lợi nhuận kinh doanh ngắn hạn của Apple. Nhưng trong một thế giới với đầy ắp những thiết bị đáng bỏ đi, những thông báo lỗi khó hiểu và giao diện màn hình khó chịu, phương pháp này mang đến những sản phẩm đầy kinh ngạc với những trải nghiệm người dùng hấp dẫn. Sử dụng một sản phẩm Apple có thể được so sánh với cảm giác tuyệt vời khi đi dạo trong vườn Thiền ở Kyoto mà Jobs đặc biệt yêu thích, và không có trải nghiệm nào được tạo ra bởi sự tôn thờ “bệ thờ của tính chất mở” hay cho phép hàng nghìn bông hoa được nở rộ. Đôi khi, việc ở trong tay của những kẻ lập dị thích kiểm soát cũng là một điều hay.

Sự mạnh mẽ của Jobs cũng được thể hiện rõ rệt ở khả năng tập trung. Ông sẽ đặt ra những ưu tiên, hướng sự tập trung cao độ vào đó và không để xảy ra bất kỳ sự xao nhãng nào. Nếu một điều gì đó thu hút sự quan tâm của Job – giao diện người dùng cho Macintosh nguyên bản, thiết kế iPod và iPhone, đưa âm nhạc vào iTune Store – ông đều rất tập trung cao độ, không ngừng nghỉ. Nhưng nếu không muốn dính dáng đến một việc gì đó – một vấn đề nhức đầu liên quan đến pháp luật, một vấn đề kinh doanh, việc chẩn đoán ung thư của mình, sự lôi kéo của gia đình – ông sẽ kiên quyết phớt lờ nó. Chính sự tập trung đó đã giúp ông có thể nói không với những điều không mong muốn. Ông đã đưa Apple trở lại đường ray chính bằng cách loại bỏ tất cả chỉ trừ một vài sản phẩm cốt lõi. Ông tạo ra những thiết bị đơn giản hơn bằng cách giảm bớt các nút nhấn, phần mềm đơn giản hơn bằng cách loại bỏ các tính năng và giao diện đơn giản hơn bằng cách bỏ bớt đi các lựa chọn.

Jobs cũng mang khả năng tập trung cùng niềm yêu thích sự đơn giản đến với việc hành Thiền của mình. Việc này mài dũa khả năng đánh giá bằng trực giác, chỉ cho ông thấy cách thức loại bỏ bất kỳ thứ gì gây cản trở, ngắt quãng hay không cần thiết, và nuôi dưỡng nơi ông khiếu thẩm mỹ về chủ nghĩa tối giản.

Không may thay, việc hành Thiền của ông không bao giờ mang đến cho ông sự bình tĩnh hay trầm lặng nội tại, nhưng điều đó cũng lại là một trong những di sản của ông. Ông thường mất kiên nhẫn và rối loạn – những đặc điểm mà ông không thể che giấu. Hầu hết tất cả mọi người đều có một bộ điều chỉnh giữa tư duy và những điều nói ra – thứ điều tiết cảm giác độc ác và những cơn bốc đồng bảo thủ. Nhưng Jobs thì không. Ông trung thực đến tàn nhẫn. “Công việc của tôi là nói ra khi có bất kỳ điều gì không như mong đợi, chứ không phải là giấu giếm, bao che nó”, ông nói. Chính điều này khiến ông càng trở nên thuyết phục, lôi cuốn và gợi cảm hứng, nhưng đồng thời cũng, theo ngôn ngữ kỹ thuật, rất khốn nạn.

Andy Hertfeld đã nói với tôi: “Có một câu hỏi mà tôi thật lòng muốn Steve trả lời, đó là: ‘Tại sao đôi khi ông lại ích kỷ như vậy?’” Thậm chí ngay cả các thành viên trong gia đình cũng tự hỏi liệu có phải đơn giản là vì ông thiếu bộ lọc kiềm chế trước việc gây ra những suy nghĩ mang tính xúc phạm, gây tổn thương hay chủ ý phớt lờ chúng đi. Jobs tự cho rằng tính cách đó là do sinh ra đã thế. Nhưng tôi cho rằng ông thật sự có thể tự kiểm soát bản thân, nếu ông muốn. Khi Jobs gây tổn thương cho mọi người, đó không phải bởi ông thiếu nhận thức về cảm xúc. Mà hoàn toàn ngược lại: ông có thể quan sát và nhận biết con người, hiểu rõ suy nghĩ của họ cũng như biết cách kết thân, tán tỉnh hay thậm chí là gây tổn thương cho họ theo ý mình.

Sự cáu kỉnh, tồi tệ không mang cho ông điều gì tốt đẹp. Nó gây cho ông nhiều trở ngại hơn là giúp đỡ. Nhưng đôi khi, nó cũng hỗ trợ cho một mục đích nào đó. Những nhà lãnh đạo dịu dàng và lịch sự, những người luôn chú ý tránh gây tổn thương cho người khác, thông thường lại không hiệu quả trong việc thúc đẩy sự thay đổi. Hàng chục đồng nghiệp từng bị Jobs lăng mạ tồi tệ nhất đã trung thực thừa nhận rằng ông đã khiến họ làm được những điều mà họ chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể. Và ông đã tạo ra một doanh nghiệp ních đầy những tuyển thủ hạng A.

Thiên tiểu thuyết về chiến công của Steve là câu chuyện thần thoại được tạo ra và thừa nhận như một sự thật hiển nhiên tại Thung lũng Silicon: khởi sự một doanh nghiệp trong chính gara của bố mẹ và biến nó thành công ty giá trị nhất thế giới. Thẳng thắn mà nói, ông không sáng tạo ra nhiều thứ nhưng lại là bậc thầy trong việc kết hợp các ý tưởng, nghệ thuật và công nghệ theo những cách thức mà sẽ sáng tạo ra tương lai. Ông đã thiết kế Mac sau khi đánh giá sức mạnh của giao diện đồ họa theo cách mà Xerox đã không thể làm được, và sau đó tạo ra iPod khi thấu hiểu niềm vui sướng của con người nếu có được hàng nghìn bài hát trong chiếc túi của mình, nhưng theo cách thức mà Sony – nơi có đầy đủ tiềm lực và di sản – không thể hoàn thành. Một số nhà lãnh đạo thúc đẩy sự cải tiến bằng cách làm cho bức tranh tổng thể trở nên tốt đẹp hơn. Những người khác lại làm điều đó bằng cách làm chủ những vấn đề chi tiết. Jobs thì làm cả hai, liên tục không ngừng nghỉ. Kết quả là ông đã cho ra đời hàng loạt sản phẩm mà trong ba thập kỷ qua đã thay đổi hoàn toàn tất cả mọi lĩnh vực:

• Máy Apple II, sử dụng bảng mạch của Wozniak và trở thành chiếc máy tính cá nhân đầu tiên không phải chỉ dành cho những người có sở thích riêng với máy tính.

• Macintosh, chiếc máy tạo ra cuộc cách mạng máy tính gia đình và phổ biến hóa giao diện người dùng đồ họa.

• Toy Story và những bộ phim bom tấn khác của Pixar – những bộ phim đã mở ra sự kỳ diệu của hình ảnh kỹ thuật số.

• Chuỗi cửa hàng Apple – tái tạo lại vai trò của một cửa hàng trong việc xác định thương hiệu.

• iPod – sản phẩm thay đổi cách con người thưởng thức và đốt cháy âm nhạc.

• iTune Store – sản phẩm cứu sống ngành công nghiệp âm nhạc.

• iPhone – thứ đã biến những chiếc điện thoại di động thành các thiết bị lướt web, gửi nhận email, quay video, chụp ảnh và nghe nhạc.

• App Store – thứ đã tạo ra một ngành công nghiệp sáng tạo nội dung mới.

• iPad – sản phẩm khởi đầu cho dòng máy tính bảng và giới thiệu một nền tảng cho các loại hình video, sách, tạp chí và báo kỹ thuật số.

• iCloud – sản phẩm đánh bật máy tính khỏi vai trò trung tâm trong quản lý nội dung và giúp tất cả các thiết bị của chúng ta được đồng bộ hóa một cách trơn tru.

• Và bản thân Apple – thứ mà Jobs coi là sáng tạo tuyệt đỉnh nhất của bản thân, nơi mọi sự tưởng tượng, khả năng sáng tạo đều được nuôi dưỡng, ứng dụng và thực hiện theo cách thức sáng tạo đến mức đã trở thành công ty giá trị nhất thế giới.

Vậy Jobs có thật sự thông minh? Không, không hề như vậy. Mà thay vào đó, Jobs là một thiên tài. Bước nhảy vọt đầy sáng tạo của ông xuất phát từ bản năng, đầy bất ngờ và đầy tính ảo thuật. Thực tế, ông là một ví dụ điển hình của những gì mà nhà toán học Mark Kac gọi là thiên tài phù thủy – người mà sự hiểu biết và thông hiểu rất xuất sắc, đòi hỏi khả năng trực giác nhiều hơn là năng lực xử lý trí tuệ. Giống như những kẻ lái máy bay do thám, Jobs có thể “hấp thu” tin tức, đánh hơi được tiếng gió và cảm nhận được điều gì đang chờ mình phía trước.

Vì thế, Steve Jobs trở thành nhà điều hành doanh nghiệp vĩ đại nhất thời đại, người sẽ được công chúng ghi nhớ lâu nhất và nhiều nhất trong suốt một thế kỷ nữa tính từ thời điểm này. Lịch sử sẽ vinh danh ông trong đền thờ những danh nhân, bên cạnh Edison và Ford. Hơn bất kỳ ai khác trong thời đại của mình, Jobs đã tạo ra những sản phẩm hoàn toàn cải tiến, kết hợp sức mạnh của chất thi vị, thẩm mỹ với hệ điều hành. Một chút dữ tợn nơi ông khiến việc làm việc cùng ông cũng đáng lo như những gì mà ông đã gợi cảm hứng cho họ, nhưng cũng chính vì thế, ông đã xây dựng nên một công ty sáng tạo nhất thế giới. Ông có thể truyền vào ADN của công ty tính nhạy cảm đối với các thiết kế, chủ nghĩa hoàn hảo và sáng tạo mà đã khiến cho nó có được tên tuổi như hôm nay, thậm chí hàng thập kỷ sau, công ty vẫn sẽ thịnh vượng, phát triển nhất trong sự kết hợp giữa tính nghệ thuật và công nghệ.

Và một điều nữa…

Những người viết tiểu sử chúng tôi dường như đã hoàn thành những dòng cuối cùng. Nhưng đây là tiểu sử của Steve Jobs. Mặc dù ông không thể hiện niềm khát khao đối với việc kiểm soát dự án này, nhưng tôi nghi ngờ rằng mình vẫn không truyền tải được hết cảm nhận của bản thân về ông – cách ông khẳng định bản thân trong bất kỳ tình huống nào – nếu như tôi chỉ để ông lại cho sự phân định của lịch sử mà không để ông lên tiếng một lời nào.

Trong hàng loạt các cuộc trao đổi giữa chúng tôi, rất nhiều lần ông đã đề cập đến việc ông hy vọng ông sẽ để lại những di sản gì. Dưới đây là một số suy nghĩ của ông, theo đúng những gì ông nói:

“Đam mê của tôi là xây dựng một công ty bền vững, lâu dài nơi mọi người đều được thúc đẩy tạo ra những sản phẩm tuyệt vời. Tất cả những thứ còn lại đều là thứ yếu. Chắc chắn rằng nó phải đủ tuyệt vời để có thể tạo ra lợi nhuận, bởi lợi nhuận chính là thứ cho phép bạn tạo ra những sản phẩm tuyệt vời. Nhưng sản phẩm, không phải lợi nhuận, mới chính là động lực. Sculley đã mỉa mai những ưu tiên này rằng mục tiêu cuối cùng vẫn chỉ là kiếm tiền. Sự khác biệt của mục tiêu này hết sức tinh vi, mục tiêu như thế nào sẽ được thể hiện trong tất cả mọi thứ: những người bạn tuyển dụng, những người được đề bạt và những gì bạn thảo luận trong các cuộc họp.

Một số người nói: ‘Hãy mang đến cho khách hàng những gì họ muốn’. Nhưng đó không phải là phương pháp của tôi. Công việc của tôi là chỉ ra được những gì họ sẽ mong muốn trước khi họ biết được. Tôi nhớ Henry Ford có lần đã nói: “Nếu tôi hỏi khách hàng xem họ muốn gì, họ sẽ nói với tôi ‘Một con ngựa với tốc độ nhanh hơn’. Mọi người không biết mình muốn gì cho đến khi bạn chỉ ra điều đó cho họ. Đó chính là lý do vì sao tôi không bao giờ dựa vào các nghiên cứu thị trường. Nhiệm vụ của chúng ta là đọc những điều chưa có trên mặt giấy.

Edwin Land của Polaroid đã nói về sự giao thoa giữa con người và khoa học. Tôi thích sự giao thoa đó. Đó là một điều hết sức kỳ diệu và đầy ma thuật. Có rất nhiều cải tiến của con người, và đó không phải là nét đặc biệt trong sự nghiệp của tôi. Lý do mà Apple có được tiếng vang đó là bởi luôn có tính nhân văn sâu sắc trong những cải tiến của chúng tôi. Tôi cho rằng những nghệ sỹ xuất chúng nhất và những kỹ sư tài giỏi nhất là giống nhau, họ đều có khát khao thể hiện chính mình. Thực tế, một số những người giỏi nhất nghiên cứu máy tính Mac nguyên bản là những nhà thơ, nhạc sỹ. Những năm 1970, máy tính trở thành cách thức để con người thể hiện sự sáng tạo của bản thân. Những nghệ sỹ vĩ đại như Leonardo da Vinci và Michenlangelo đều rất xuất sắc trong lĩnh vực khoa học. Michenlangelo hiểu rất rõ cách khai thác đá, chứ không chỉ là cách trở thành một nhà điêu khắc.

Mọi người trả tiền để chúng tôi tích hợp mọi thứ cho họ, bởi họ không có thời gian để suy nghĩ về những chuyện vớ vẩn này. Nếu bạn có niềm đam mê cực độ đối với những sản phẩm tuyệt vời, điều đó sẽ thúc đẩy bạn muốn được tích hợp, kết nối phần cứng với phần mềm cũng như quản lý nội dung của mình. Bạn muốn phá vỡ một nền tảng mới, do đó bạn cần tự mình thực hiện điều đó. Nếu bạn để các sản phẩm của mình “mở” đối với các phần mềm hoặc phần cứng khác, bạn sẽ phải từ bỏ một số triển vọng của bản thân. Tại một số thời điểm trong quá khứ, đã có rất nhiều công ty trở thành biểu tượng của thung lũng Silicon. Đó là Hewlett-Packard trong một thời gian dài. Sau đó, trong thời đại của chất bán dẫn, vị trí đó là của Fairchild và Intel. Tôi nghĩ, vị trí đó cũng từng là của Apple trong một khoảng thời gian và sau đó phai nhạt dần. Và ngày nay, tôi nghĩ đó là Apple và Google – nghiêng về Apple nhiều hơn một chút. Tôi nghĩ Apple đã trụ vững được trong một thời gian dài. Đó có thể chỉ là một thời gian, nhưng nó đã vẫn vượt xa các đối thủ.

Thật dễ để “ném đá” vào Microsoft. Họ đã hoàn toàn đánh mất vị trí thống trị của mình. Họ trở nên hầu như không còn thích hợp. Tất nhiên là tôi đang đánh giá những gì họ làm và việc đó mới thật khó khăn làm sao. Họ không bao giờ hoài bão như họ nên như vậy. Bill muốn khắc họa bản thân như một con người của sản phẩm, nhưng anh không bao giờ được như vậy. Anh là một doanh nhân. Kinh doanh thành công và thắng lợi còn quan trọng hơn là tạo ra những sản phẩm tuyệt vời. Cuối cùng, anh cũng trở thành kẻ giàu có nhất thế giới, và nếu đó là mục tiêu, thì anh ấy đã đạt được nó.

Nhưng đó không bao giờ là mục tiêu của tôi, và tôi tự hỏi, cuối cùng liệu đó có thật sự là mục tiêu của anh ấy hay không. Tôi ngưỡng mộ Bill bởi công ty mà anh đã xây dựng – nó thật sự ấn tượng – và tôi thích làm việc cùng anh. Anh ấy thông minh, sáng chói và thực sự có khiếu hài hước. Nhưng Microsoft chưa bao giờ có được tính nhân văn và nghệ thuật tự do trong ADN của mình. Thậm chí ngay cả khi được quan sát Mac, họ cũng không thể sao chép tốt nó được. Họ hoàn toàn không thể làm được điều đó.

Tôi có quan điểm riêng về những nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của các công ty như IBM hay Microsoft. Công ty có một công việc tuyệt vời, sự cải tiến và trở thành độc quyền, lũng đoạn hoặc gần như thế trong một số lĩnh vực, rồi sau đó chất lượng sản phẩm dần trở thành thứ yếu. Công ty bắt đầu coi trọng những gã bán hàng giỏi, bởi họ là những người có thể dịch chuyển chiếc kim la bàn doanh thu, chứ không phải là các kỹ sư hay các nhà thiết kế. Vì thế, cuối cùng nhân viên bán hàng trở thành người điều hành công ty. John Akers của IBM là một nhà kinh doanh giỏi, có khả năng hùng biện và rất thông minh, nhưng anh ta không hiểu gì về sản phẩm. Điều tương tự cũng xảy ra với Xerox. Khi những gã bán hàng điều hành công ty, những anh chàng của sản phẩm không còn ý nghĩa gì nhiều, và phần lớn họ đều bị sa thải. Điều đó cũng xảy ra với Apple khi Sculley gia nhập công ty, đó là lỗi của tôi, và nó cũng xảy ra khi Ballmer tiếp quản Microsoft. Apple đã may mắn và đoạt lại vị trí của mình, nhưng tôi không cho rằng sẽ có gì thay đổi tại Microsoft nếu như Ballmer vẫn còn điều hành nó.

Tôi không thích mọi người tự gọi mình là “nhà khởi nghiệp” khi mà những điều họ thực sự nỗ lực làm là khai trương một doanh nghiệp mới và rồi sau đó bán đi, hoặc chào bán nó ra công chúng, để có tiền và tiếp tục công việc đó. Họ không sẵn lòng làm những việc cần thiết để xây dựng một công ty thực sự – công việc khó khăn nhất trong thế giới kinh doanh.

Công việc đó chính là cách bạn đóng góp và tiếp tục phát triển di sản của những người đi trước. Bạn xây dựng một công ty mà sẽ đứng vững trong một hoặc hai thế hệ nữa kể từ thời điểm bây giờ. Đó chính là những gì Walt Disney đã làm, và Hewlett – Packard và cả những người đã xây dựng Intel. Họ đã tạo ra một công ty với mục tiêu trường tồn, chứ không phải là để kiếm tiền. Đó cũng chính là những gì mà tôi muốn Apple trở thành.

Tôi không nghĩ rằng mình đã điều hành theo phương thức chà đạp, ức hiếp mọi người, nhưng nếu có điều gì đó xảy ra, tôi sẽ trực tiếp nói thẳng thắn với họ. Công việc của tôi là trung thực. Tôi hiểu rõ những gì mình nói và hóa ra tôi lại thường đúng. Đó là nền văn hóa mà tôi đã nỗ lực tạo ra. Chúng tôi hoàn toàn trung thực với nhau, và bất kỳ ai cũng có thể nói với tôi rằng họ thấy tôi hoàn toàn khốn nạn, đểu giả và tôi cũng có thể nói với họ những điều tương tự. Và chúng tôi đã có những cuộc tranh luận nảy lửa, gần như quát tháo vào mặt nhau, nhưng đó lại là một trong những khoảng thời gian tuyệt vời nhất mà tôi có. Tôi cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi nói “Ron, cái cửa hàng đó trông như cứt ấy” trước mặt người khác. Hoặc tôi có thể nói: “Chúa ơi, chúng con thật sự điên đầu với việc thiết kế kỹ thuật cái thứ này” trước mặt người chịu trách nhiệm vấn đề kỹ thuật. Bạn cần là người siêu trung thực. Có thể có một cách thức tốt hơn thể hiện những điều đó, chẳng hạn như một câu lạc bộ của những người đàn ông nơi tất cả chúng ta đều thắt cà vạt và nói thứ ngôn ngữ Bà-la-môn thượng đẳng cũng như hiểu rõ những mật mã, nhưng tôi không biết cách đó, bởi tôi là tầng lớp bình dân đến từ California.

Đôi khi tôi cũng đã quá khó khăn và khắt khe với mọi người, có thể là khó khăn hơn những gì cần thiết. Tôi nhớ khi Reed mới 6 tuổi, tôi về nhà sau khi sa thải một số người, tôi đã hình dung một người trong số họ sẽ về nhà và nói với gia đình cũng như đứa con trai nhỏ của mình rằng anh ta đã bị mất việc như thế nào. Đó thật sự là một việc khó khăn. Nhưng một số người phải làm việc đó. Tôi đã cho rằng công việc của tôi là đảm bảo rằng nhóm làm việc phải luôn xuất sắc, và nếu tôi không làm điều đó, sẽ không ai làm cả.

Bạn luôn phải luôn thúc đẩy sự cải tiến. Dylan có thể hát mãi những bài ca phản kháng, chống chiến tranh và kiếm được rất nhiều tiền, nhưng anh ấy đã không làm vậy. Anh ấy thấy cần phải tiến bộ hơn nữa, và khi thực hiện điều đó, bằng cách sử dụng các âm thanh điện tử năm 1965, anh ấy đã khiến rất nhiều người tức giận. Tour diễn quanh châu Âu của Bob năm 1966 rất tuyệt vời. Anh ấy đã đến và chơi những bản ghi-ta thính âm, và tất nhiên khán giả rất hài lòng. Sau đó, anh giới thiệu ban nhạc có tên The Band, và họ cùng sử dụng các nhạc cụ bằng điện, vì thế đôi khi khán giả lại la ó phản đối. Khi anh ấy hát “Like a Rolling Stone” và một khán giả la lên “Judas” thì Dylan sẽ nói “Hét to nữa nào” và họ sẽ làm như vậy. The Beatles cũng làm như vậy. Họ tiếp tục tham gia, tiến lên và chắt lọc hơn nữa nghệ thuật của mình. Đó cũng chính là những gì mà tôi nỗ lực theo đuổi, thực hiện – luôn luôn tiến lên.

Vậy điều gì đã thật sự thúc đẩy tôi? Tôi nghĩ hầu hết những người sáng tạo đều muốn thể hiện sự đánh giá cao đối với những lợi ích từ công trình của các thế hệ đi trước. Tôi không phải là người sáng tạo ra ngôn ngữ hay môn toán học mà mình đang sử dụng. Tôi cũng tạo ra rất ít thực phẩm cho bản thân, và không một chút đóng góp nào cho những trang phục đang mặc. Tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào các thành viên khác trong cộng đồng của chúng ta và những “đôi vai” khổng lồ khác mà chúng ta đang đứng lên trên. Rất nhiều người trong chúng ta muốn đóng góp cho cộng đồng, đồng loại và bổ sung hơn nữa cho dòng chảy công trình của chúng ta. Đó là sự thể hiện theo cách thức mà tất cả chúng ta đều biết – bởi chúng ta không thể viết những bài ca của Bob Dylan hay những vở kịch của Tom Stoppard. Chúng ta nỗ lực sử dụng tài năng của mình để thể hiện sự đánh giá đối với đóng góp của các thế hệ đi trước và bổ sung thêm một vài điều gì đó vào dòng chảy chung ấy. Đó chính là những thứ đã thúc đẩy tôi.

Đoạn cuối

Vào một buổi chiều đầy nắng, khi không khỏe lắm, Jobs ngồi trong vườn và nghĩ ngợi về cái chết. Ông nói về những trải nghiệm của mình tại Ấn Độ 40 năm trước, những nghiên cứu của bản thân về Phật giáo và quan điểm về việc đầu thai chuyển kiếp cũng như những điều siêu tưởng của tâm linh. “Tôi đã sống 55 năm trong niềm tin với Chúa”, ông nói “Tôi luôn cảm thấy rằng có quá nhiều điều cần làm khi sống hơn là khi xuôi tay nhắm mắt.”

Ông thừa nhận, khi đối diện với cái chết, rằng có thể ông đã quá tin tưởng vào cuộc sống sau cái chết “Tôi luôn muốn nghĩ rằng sẽ có sự sống sau cái chết,” ông nói. “Thật kỳ lạ khi nghĩ rằng bạn tích lũy được tất cả những kinh nghiệm này, dù có thể rất ít trong đó là sự thông thái, và rồi tất cả lại theo bạn ra đi. Vì thế, tôi thực sự muốn tin rằng có sự sống sau cái chết, dù đó có thể chỉ là sự tồn tại ý thức của bạn.”

Ông im lặng một lát rồi nói “Nhưng ngược lại, có thể nó giống như một chiếc công tắc tắt-bật. Bật nút! Và thế là bạn ra đi.”

Sau đó ông lại ngừng một lát và mỉm cười “Có thể đó là lý do tại sao tôi không bao giờ thích đặt những công tắc bật-tắt trên các thiết bị của Apple”.

Bình luận