Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ỷ Thiên Đồ Long Ký

Chương 14 – Thất hiệp tự hội lạc vị ương 2

Tác giả: Kim Dung
Chọn tập

Con ngựa tên Nguyên binh đó đang cỡi cũng không chịu nổi phản chấn của chưởng Du Liên Châu, hai chân trước khuỵu xuống. Tên quân Nguyên ôm Vô Kỵ thuận thế phóng luôn về phía trước, tiếp theo thi triển khinh công, chỉ chớp mắt đã chạy hơn một chục trượng. Trương Thúy Sơn nhảy lên, thấy nhị ca mặt trắng bệch, bị thương không phải nhẹ, vội vàng đỡ dậy.

Ân Tố Tố lòng thương con, không kể sống chết một mạch đuổi theo. Thế nhưng gã Nguyên binh đó khinh thân công phu cực cao, càng đuổi càng xa, về sau chỉ còn thấy một chấm nhỏ, quay qua một khúc rẽ không còn nhìn thấy đâu nữa. Ân Tố Tố vẫn không nản chí, tiếp tục đuổi. Nàng quên rằng tên quân Nguyên đó một chưởng đả thương Du Liên Châu, dẫu có đuổi kịp cũng không phải là địch thủ của y, trong lòng chỉ có một ý nghĩ: ?Dù có phải chết cũng nhất quyết cướp lại Vô Kỵ?.

Du Liên Châu thều thào nói:

– Mau gọi đệ muội trở lại, để ? để rồi ? mình tính sau.

Trương Thúy Sơn giơ cây giáo dài, đâm chết hai tên Nguyên binh ở trước mặt, hỏi lại:

– Sư ca bị thương ra sao?

Du Liên Châu đáp:

– Không sao đâu. Mau ? mau gọi đệ muội về lại gấp.

Trương Thúy Sơn sợ bọn quân Nguyên vẫn còn hảo thủ trong đó, mình vừa đi khỏi, sẽ quay lại hạ sát Du Liên Châu, nên đuổi theo bốn bề, từng đứa một giết hết, sau đó mới lấy một con ngựa, nhảy lên đuổi về hướng tây.

Đuổi được mấy dặm, thấy Ân Tố Tố chạy như người điên, nhưng bước chân loạng choạng, hiển nhiên đã mỏi mệt lắm rồi. Trương Thúy Sơn cúi xuống ôm nàng đặt lên trên yên. Ân Tố Tố chỉ tay về phía trước, khóc nói:

– Không thấy đâu nữa, đuổi theo không kịp, đuổi theo không kịp.

Nói rồi hai mắt trợn ngược bất tỉnh. Trương Thúy Sơn trong lòng khắc khoải an nguy của Du Liên Châu, nghĩ thầm: ?Trước hết mình nên lo cho nhị ca, sau đó hãy tính tới chuyện Vô Kỵ?. Chàng quay đầu ngựa, chạy về, thấy Du Liên Châu đang ngồi đả tọa, nhắm mắt điều quân khí tức.

Một lát sau Ân Tố Tố tỉnh lại, kêu lên:

– Vô Kỵ, Vô Kỵ.

Sắc mặt trắng bệch của Du Liên Châu cũng từ từ hồng trở lại, chàng mở mắt ra, nói nhỏ:

– Chưởng lực quả thật lợi hại.

Trương Thúy Sơn thấy sư huynh mở miệng nói, biết rằng tính mệnh không đến nỗi nào mới thấy yên tâm, nhưng không dám nói chuyện. Du Liên Châu từ từ đứng lên, hỏi khẽ:

– Không thấy tung tích gì sao?

Ân Tố Tố khóc đáp:

– Nhị bá, làm ? làm thế nào bây giờ đây?

Du Liên Châu đáp:

– Cô yên tâm, Vô Kỵ không sao đâu. Tên này võ công cao ghê gớm, nhất định không làm hại trẻ con đâu.

Ân Tố Tố đáp:

– Nhưng mà ? nhưng mà y bắt cóc mất Vô Kỵ rồi.

Du Liên Châu gật đầu, tay trái đưa ra vịn vào vai Trương Thúy Sơn, nhắm mắt suy nghĩ. Một lát sau, chàng mở mắt nói:

– Ta không nghĩ ra y thuộc môn phái nào, mình lên núi hỏi sư phụ xem sao.

Ân Tố Tố nôn nóng, nói:

– Nhị bá, mình phải tìm cách nào, đoạt lại Vô Kỵ trước đã. Tên đó ở môn phái nào sau này mình hỏi cũng được.

Du Liên Châu lặng lẽ lắc đầu. Trương Thúy Sơn nói:

– Tố Tố, trước mắt nhị ca đang bị trọng thương, tên đó võ công cao cường như thế, mình có kiếm được y thì cũng chẳng làm gì được đâu.

Ân Tố Tố vẫn bồn chồn nói:

– Không lẽ ? không lẽ mình mặc kệ nó sao?

Trương Thúy Sơn đáp:

– Mình không cần phải đi tìm y, y tất sẽ đi kiếm mình.

Ân Tố Tố vốn rất thông minh, chỉ vì đưa con yêu bị bắt nên kinh hoảng, đầu óc bối rối, bây giờ chợt nghĩ ra lập tức minh bạch. Tên Nguyên binh đó võ công cao cường như thế, đến Du Liên Châu còn bị chưởng lực của y chấn thương, tất nhiên y chỉ giả trang. Y đánh Du Liên Châu rồi nếu muốn lấy mạng hai vợ chồng không phải chuyện khó, nhưng lại chỉ bắt cóc Vô Kỵ, dụng ý chỉ để tra hỏi chỗ ở của Tạ Tốn. Khi Trương Thúy Sơn thuận tay thúc một cán mâu vào ngực, y giả vờ bất tỉnh, ba người đâu có lưu tâm tướng mạo thân hình ra sao, lúc này nghĩ lại, tên đó dường như để râu xồm, không khác gì những tên binh sĩ Thát Đát tầm thường. Trương Thúy Sơn bồng sư huynh để lên lưng ngựa, tự tay cầm cương, ba người cưỡi ngựa chầm chậm mà đi. Đến An Lục họ tìm một khách điếm nhỏ nghỉ ngơi. Trương Thúy Sơn gọi chủ quán mang đồ ăn đến, đóng cửa lại không ra, e gặp Nguyên binh gây thêm rắc rối. Ba người trên đường giết hơn một chục tên lính, tin chắc vài ngày sau đại đội Nguyên binh sẽ kéo đến tàn sát cướp bóc trả thù, dân chúng vùng này sẽ phải chịu không biết bao tai ương. Thế nhưng mỗi khi gặp chuyện bất bình, chàng không thể nào thõng tay không ngó đến. Quả thực cái nhục mất nước thì trên khắp cõi thần châu, người người đều chịu chung kiếp nạn.

Du Liên Châu tiềm vận nội lực, dẫn đi khắp các huyệt đạo trên thân thể để trị thương, Trương Thúy Sơn ngồi một bên canh chừng. Ân Tố Tố ngồi dựa vào ghế, nhưng nào có ngủ được. Đến nửa đêm, Du Liên Châu đứng dậy, đi chầm chậm trong phòng ba vòng cho rãn gân cốt, nói:

– Ngũ đệ, trong cả đời ta, trừ ân sư ra, chưa từng gặp một cao thủ nào như thế.

Ân Tố Tố trong lòng vẫn khắc khoải nhớ con, nói:

– Y bắt cóc Vô Kỵ chắc là để tra hỏi nơi ở của nghĩa huynh, không biết Vô Kỵ có nói không.

Trương Thúy Sơn hiên ngang đáp:

– Nếu như Vô Kỵ nói ra thì nó đâu có còn là con chúng ta nữa?

Ân Tố Tố nói:

– Đúng thế, chắc nó không chịu nói đâu.

Đột nhiên nàng òa lên khóc. Trương Thúy Sơn vội hỏi:

– Cái gì thế?

Ân Tố Tố nghẹn ngào nói:

– Vô Kỵ không nói, tên ác tặc ? tên ác tặc thể nào cũng đánh nó ? không chừng y còn dùng độc hình.

Du Liên Châu thở dài một tiếng. Trương Thúy Sơn đáp:

– Ngọc bất trác, bất thành khí[5]. Để cho thằng bé trải qua gian nan khốn khổ, không hẳn là không có chỗ hay.

Chàng tuy nói thế nhưng nghĩ tới không biết lúc này thằng bé đang bị người ta dày vò hành hạ, chịu đựng khổ sở, rên rỉ kêu la, chàng không khỏi vừa buồn rầu vừa tức tối. Chàng lại tự hỏi hay là lúc này nó đang bình an nằm ngủ? Nếu nó đem chỗ ở của Tạ Tốn nói ra thì là kẻ vong ân phụ nghĩa, so với bị độc hình còn tệ hại hơn nhiều. Trương Thúy Sơn nghĩ thầm: ?Thà rằng để nó chết ngay còn hơn là làm kẻ tiểu nhân bất nghĩa?.

Chàng nhìn vợ, thấy mắt nàng đầy vẻ sầu khổ đáng thương, bỗng giật mình nghĩ thầm: ?Nếu như tên ác tặc đó đem Vô Kỵ tới đây lấy tính mệnh uy hiếp, Tố Tố sẽ bị khuất phục không chừng?. Bèn hỏi:

– Nhị ca, anh có khỏe chưa?

Sư huynh đệ từ nhỏ đồng môn học nghệ, dù một lời nói, một ánh mắt, họ đều có thể tâm ý tương thông. Du Liên Châu nhìn thần sắc hai vợ chồng đã hiểu rõ dụng ý của Trương Thúy Sơn, nên nói:

– Khỏe rồi, mình lên đường qua đêm đi thôi.

Ba người chọn những con đường vắng vẻ quanh co, lợi dụng đêm tối mà đi. Họ sợ nhất không phải là kẻ kia có thể đuổi kịp sát hại mà chính là sợ y dùng những thủ đoạn tàn khốc đày đọa Vô Kỵ ngay trước mắt mình.

Cứ như thế, ngày nghỉ, đêm đi, trên đường quả nhiên vô sự. Thế nhưng Ân Tố Tố lòng nhớ nhung con, lại đi ban đêm trong núi non, nhiễm phải gió sương, nên bất ngờ ngã bệnh. Trương Thúy Sơn thuê hai cỗ xe lừa, để Du Liên Châu và Ân Tố Tố hai người đi, còn mình cưỡi ngựa hộ tống bên cạnh. Hôm đó ba người qua Tương Dương đến nghỉ tại một nhà trọ ở Thái Bình Điếm.

Trương Thúy Sơn lo liệu cho sư huynh xong, đang định về phòng mình để nghỉ, bỗng dưng có một hán tử đẩy then cửa lên, tiến vào phòng. Người này mặc áo chẽn màu xanh, tay cầm roi ngựa, ăn mặc trông như một phu xe. Y nhìn Du Trương hai người, cười khẩy một tiếng, rồi quay mình đi ra. Trương Thúy Sơn biết y không có ý tốt, giận thái độ vô lễ, thấy y vừa mở cửa đi ra, tay trái chàng liền chộp lấy cái then cửa, ám vận nội kình ném ra ngoài, nghe cạch một tiếng đánh trúng lưng y.

Người đó lảo đảo, ngã nhào về phía trước, gượng đứng dậy chửi:

– Tiểu tặc phái Võ Đương kia, chết đến đít còn giở thói hung hăng.

Miệng nói nhưng chân vẫn tiếp tục chạy ra ngoài, chân đi lảo đảo, xem ra trúng cái then cửa thụ thương không nhẹ. Du Liên Châu thấy việc xảy ra như thế, không nói một lời. Đến chiều tối, Trương Thúy Sơn nói:

– Nhị ca, mình lên đường được chưa?

Du Liên Châu nói:

– Không, đêm nay không đi, đến sáng mai cũng chưa muộn.

Trương Thúy Sơn suy nghĩ một giây, hiểu ngay ý của sư huynh, hào khí bừng bừng nổi lên, nói:

– Đúng thế, nơi đây cách bản sơn chỉ hai ngày đường, anh em mình vẫn còn dè dặt, chẳng hóa ra làm mất uy phong của sư môn hay sao? Ngay dưới chân núi Võ Đương mà mình vẫn còn phải đêm đi ngày nghỉ để tránh người thì còn thể thống gì nữa?

Du Liên Châu mỉm cười đáp:

– Vả lại hành tàng đã lộ rồi, để xem đệ tử phái Võ Đương đối phó với cái chết ra sao.

Hai người đi qua phòng của Trương Thúy Sơn, song song ngồi trên giường ấp[6], nhắm mắt đả tọa. Đêm hôm đó, ngoài song cửa, trên mái nhà, có bảy tám người đi qua đi lại canh chừng, nhưng không dám tiến vào phòng gây sự. Ân Tố Tố mơ mơ màng màng ngủ thiếp đi. Du Trương hai người không thèm để ý đến bọn người đó.

Hôm sau họ dùng điểm tâm xong mới lên đường. Du Liên Châu ngồi trong xe lừa, bảo xa phu mở hết rèm xe bốn bên để quan sát cho rõ. Đi khỏi Thái Bình Điếm chừng vài dặm, có ba người cưỡi ngựa từ phía đông đuổi đến, đi lẽo đẽo sau xe lừa, cách chừng mươi trượng, không tiến lên mà cũng không bỏ cách xa thêm. Đi thêm vài dặm nữa, đã thấy trước mặt có bốn người cưỡi ngựa đứng chờ bên đường, đợi bọn Du Liên Châu đi qua, bốn người đó lại đi theo sau. Vài dặm nữa lại có thêm bốn người ngựa khác gia nhập, tổng cộng thành mười một người.

Người đánh xe kinh hoảng nói với Trương Thúy Sơn:

– Khách quan, bọn người này cản đường có vẻ bất chính, chắc là ăn cướp rồi, mình phải cẩn thận.

Trương Thúy Sơn gật đầu.

Đến khoảng giữa trưa lại có thêm sáu người nữa. Những người đó ăn mặc không giống nhau, có người rất diêm dúa sang trọng, có người lại giống như phu xe, chạy cờ nhưng người nào cũng mang theo binh khí. Cả đoàn người không ai nói một tiếng nên không nghe được khẩu âm, nhưng đa số thân thể bé nhỏ, sắc da xạm đen, xem chừng từ phương nam đến. Đến quá trưa, họ đã lên đến hai mươi mốt người, có mấy kẻ lớn mật giục ngựa chạy lên, chỉ cách xe lừa chừng ba trượng thì không tiến nữa. Du Liên Châu ngồi trong xe nhắm mắt dưỡng thần, không thèm để mắt nhìn họ lấy một lần.

Chiều đến, từ trước mặt có hai con ngựa chạy đến. Người đi trước là một ông già râu dài, hai tay không. Người thứ hai là một thiếu phụ ăn mặc sang trọng, tay trái cầm song đao. Hai con ngựa đó đứng chặn ngay giữa đường, không cho xe đi qua.

Trương Thúy Sơn cố dằn cơn giận, ngồi trên ngựa ôm quyền thi lễ hỏi:

– Du nhị và Trương ngũ của phái Võ Đương chào hai vị, xin hỏi tôn tính đại danh của lão gia tử là gì?

Lão già đó nhếch mép nói:

– Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn ở đâu? Chỉ cần ngươi nói ra thì ta không làm khó dễ đệ tử phái Võ Đương.

Trương Thúy Sơn nói:

– Việc này tại ha không làm chủ được, phải nhờ sư tôn định đoạt.

Ông già nói tiếp:

– Du nhị bị thương, Trương ngũ đơn độc. Ngươi có một mình làm sao địch lại bọn ta bây nhiêu người.

Nói xong y thò tay vào trong lưng lấy ra một đôi phán quan bút, đầu bút đúc hình đầu rắn. Trương Thúy Sơn có ngoại hiệu là Ngân Câu Thiết Hoạch, tay phải sử dụng phán quan bút, nên trong võ lâm dùng phán quan bút để điểm huyệt chàng đều biết rõ, nay nhìn thấy xà đầu song bút này, trong lòng rung động. Trước đây chàng đã từng nghe sư phụ nói qua, nước Cao Ly có một phái sử dụng phán quan bút, đầu bút đúc hình rắn, chiêu số và phương pháp điểm huyệt khác hẳn Trung Thổ, đại khái là theo cách âm nhu tàn độc của loài rắn, chiêu số linh động, tên gọi là phái Thanh Long. Cao thủ xuất danh của phái đó họ Tuyền, còn tên là gì chính sư phụ cũng không biết. Chàng ôm quyền hỏi:

– Tiền bối có phải thuộc phái Thanh Long ở Cao Ly không? Không biết xưng hô với Tuyền lão gia tử thế nào?

Lão già đó hơi kinh ngạc, nghĩ thầm: ?Xem ngươi chừng ba mươi tuổi, nhưng sao kiến thức rộng đến thế, biết được lai lịch của ta?. Lão già đó chính là chưởng môn phái Thanh Long bên Cao Ly tên là Tuyền Kiến Nam, được bang chủ Tam Giang Bang ở Lĩnh Nam đem hậu lễ mời sang. Y mới đến Trung Thổ, chưa từng ra tay bao giờ, nào ngờ vừa ra mặt đã bị Trương Thúy Sơn nhận ra. Y giơ đôi bút khua một cái, nói:

– Lão phu chính là Tuyền Kiến Nam đây.

Trương Thúy Sơn nói:

– Phái Thanh Long ở Cao Ly trước nay không qua lại gì với võ lâm Trung Thổ, không biết phái Võ Đương đắc tội gì với Tuyền lão anh hùng, xin cho biết rõ.

Tuyền Kiến Nam lại nhếch mép, nói:

– Lão phu với các hạ không thù không oán, người Cao Ly chúng tôi cũng biết Trung Thổ có phái Võ Đương, Võ Đương thất hiệp đều là người tốt hành hiệp trượng nghĩa. Lão phu chỉ hỏi các hạ một câu: Kim Mao Sư Vương trốn ở đâu?

Tuy câu đó không phải là vô lễ nhưng cách nói rõ ràng uy hiếp, lại múa đôi phán quan bút, ra lệnh cho bọn người kéo tới vây quanh xe lừa, rõ ràng ý nói nếu không cho biết chỗ ở của Tạ Tốn họ sẽ ra tay động võ. Trương Thúy Sơn nói:

– Nếu như tại hạ không nói thì sao?

Tuyền Kiến Nam nói:

– Trương ngũ hiệp võ nghệ cao cường, bọn ta tuy đông người nhưng cũng chưa chắc cầm giữ được ngươi. Thế nhưng Du nhị hiệp bị thương nặng, tôn phu nhân lại bị bệnh, bọn ta được dịp bằng vàng, nhân người ta gặp nguy nan ra tay giữ hai người lại. Còn Trương ngũ hiệp cứ việc đi không sao.

Y nói tiếng Trung Hoa dùng chữ đã không đúng, giọng lại cứng nhắc thật là khó nghe. Trương Thúy Sơn nghe y đem bốn chữ vô liêm sỉ ?thừa nhân chi nguy? chính miệng nói ra, bèn nói:

– Được rồi, thế thì tại hạ xin lãnh giáo võ học cao chiêu của Cao Ly. Thế nhưng nếu Tuyền lão anh hùng chịu nhường tại hạ một chiêu, nửa thức thì sao?

Tuyền Kiến Nam cười đáp:

– Nếu như ta thua thì tất cả mọi người sẽ cùng xông lên, chứ bọn ta không theo cách thức một chọi một. Nếu phái Võ Đương đông hơn, các ngươi cứ việc lấy thịt đè người. Hồi xưa Tùy Dượng Đế, Đường Thái Tông, Đường Cao Tông bên Trung Quốc sang xâm chiếm lần nào cũng đem mấy chục vạn người đánh vài vạn quân của Cao Ly thì sao? Xưa nay đánh nhau bên nào nhiều là bên ấy thắng.

Trương Thúy Sơn biết rằng việc ngày hôm nay có nói nhiều cũng vô ích, chỉ có cách bắt được y làm con tin mới mong ép thủ hạ của y không dám tiến lên xâm phạm đến nhị ca và Tố Tố. Nghĩ thế chàng nhún mình, nhẹ nhàng nhảy xuống ngựa, chân trái vừa chấm đất, tay trái đã cầm hổ đầu câu bạc vụn, tay phải cầm phán quan bút thép ròng, nói:

– Các hạ là khách, xin mời ra tay trước.

Phán quan bút của chàng mười năm trước đã rơi xuống biển mất rồi, bút hôm nay mới mua ở tại một tiệm bán binh khí, tuy dài ngắn phân lượng không hoàn toàn vừa tay nhưng đành dùng tạm.

Tuyền Kiến Nam cũng nhảy xuống ngựa, gõ hai chiếc bút vào nhau nghe keng một tiếng, tay phải điểm hờ ra, bút bên trái vẫn còn giữ thế, thân hình chuyển sang bên cạnh Trương Thúy Sơn. Trương Thúy Sơn nghĩ thầm: ?Hôm nay ta vì an nguy của nghĩa huynh mà chiến đấu, Tố Tố là vợ ta hai người như một, nàng cũng có tình kim lan với nghĩa huynh, dù có vì y mà chết cũng không sao. Có điều nhị ca cùng nghĩa huynh vốn không quen biết, nếu vì y mà nhị ca phải chịu nhục thì không thể nào chịu được?.

Chàng thấy đầu bút của Tuyền Kiến Nam điểm tới, giơ câu gạt ra, nhưng tay chỉ sử dụng hai thành kình lực. Câu bút chạm nhau, thân hình chàng hơi lảo đảo.

Tuyền Kiến Nam trong lòng mừng quá, nghĩ thầm: ?Bọn Tam Giang bang ca tụng Võ Đương thất hiệp lên tận trời xanh, nhưng hóa ra chỉ đến thế. Có lẽ võ lâm Trung Nguyên muốn giữ thể diện nên đem nhân sĩ bản quốc thổi phồng lên gấp mấy lần?. Nghĩ thế cây bút ở tay trái y liền phóng ra ba chiêu. Trương Thúy Sơn né trái lách phải, cố gắng đón đỡ, trả lại một câu một bút nhưng kình lực yếu ớt. Tuyền Kiến Nam tin chắc hôm nay sẽ đánh bại Trương ngũ hiệp của phái Võ Đương, có thể nói y đến Trung Thổ đánh một trận là nổi danh, nên hai ngọn bút phi vũ, mỗi chiêu đều nhằm những điểm yếu hại trên người Trương Thúy Sơn điểm tới.

Trương Thúy Sơn giữ môn hộ thật nghiêm mật, ngưng thần quan sát kỹ càng chiêu số đối phương. Chàng thấy chiêu số của y nhẹ nhàng, bút cũng có chút kình lực, nhưng những huyệt đạo y điểm thiên về hạ tam lộ ở sau lưng, so với các phái chuyên điểm huyệt nổi danh ở Trung Thổ khác xa. Đấu thêm một lúc, thấy phán quan bút bên trái của y đều nhằm vào các huyệt bên dưới huyệt Linh Đài, từ Linh Đài, Chí Dương, Cân Xúc, Trung Khu, Tích Trung, Huyền Khu, Mệnh Môn, Dương Quan, Yêu Du đến huyệt Trường Cường ở đốt xương cùng; còn phán quan bút bên phải y điểm các huyệt trên hông và chân, từ Ngũ Khu, Duy Đạo, Hoàn Khiêu, Phong Thị, Trung Độc đến tận huyệt Dương Lăng trên đùi. Trương Thúy Sơn hiểu ngay bút bên trái của y chuyên điểm các huyệt trên Đốc Mạch còn bút bên phải nhắm vào các huyệt trên Túc Thiếu Dương Đảm Kinh, trông thì có vẻ phức tạp, thực ra chỉ có bấy nhiêu. Chàng nghĩ thầm: ?Năm xưa sư phụ có nói rằng phái Thanh Long của Cao Ly chuyên về điểm huyệt một bên người, tuy có vẻ độc địa, nhưng không đáng sợ. Hôm nay gặp phải, quả đúng như thế?.

Chàng đã tìm ra chiêu thức đường lối của dối phương rồi, ngân câu thiết bút tuy múa may đỡ đưới gạt trên ra chiều ra vẻ, thực sự chỉ cốt bảo vệ các huyệt trên đốc mạch và túc thiếu dương đảm kinh mà thôi, còn các huyệt khác trên thân thể không cần để ý tới. Tuyền Kiến Nam càng đấu càng hăng, hò hét vang dội, uy phong lẫm lẫm. Trương Thúy Sơn nghĩ thầm: ?Chỉ có chút võ công như thế này mà cũng dám đến tận chân núi Võ Đương gây rối ư?. Đột nhiên câu bên tay trái chàng sử cái móc trong tự quyết chữ ?long?, nghe soẹt một tiếng, móc trúng ngay huyệt Phong Thị trên đùi phải của Tuyền Kiến Nam. Tuyền Kiến Nam kêu ?Ối? một tiếng, chân phải khuỵu xuống. Bút bên phải của Trương Thúy Sơn liên tiếp điểm ra nhanh như lửa xẹt, các huyệt Linh Đài thuận thế đổ xuống, sử nét cuối cùng của chữ ?phong?, chẳng khác gì trong thư pháp kéo xuống một nét sổ, từ Chí Dương, Tiết Xúc, Trung Khu, Tích Trung ? ngay cả đến Trường Cường, trên khắp các huyệt Đốc Mạch đều điểm cả.

Nét bút đó nhanh như sao băng, khí nuốt Ngưu Đẩu, Tuyền Kiến Nam nào còn nhúc nhích gì được. Nét bút đó điểm vào các huyệt mà chính y cả đời nghiên cứu, nghĩ thầm: ?Thôi rồi, thôi rồi. Đối phương tài ba tuyệt luân như thế, ta không cách nào một hơi điểm luôn một chục huyệt như vậy. Ta so với học trò y cũng còn kém xa?.

Trương Thúy Sơn đưa câu chặn vào yết hầu của Tuyền Kiến Nam, quát lên:

– Các vị mau mau lùi ra. Tại hạ mời Tuyền lão anh hùng đi tới chân núi Võ Đương, sẽ giải huyệt thả về.

Chàng nghĩ bụng bọn này chắc đều là hạ thuộc của Tuyền Kiến Nam, trong lòng úy kỵ, ắt phải tránh ra. Nào ngờ thiếu phụ ăn mặc đẹp đẽ kia giơ song đao, kêu lên:

– Tất cả dàn hàng tiến lên, vây cái xe lừa lại.

Trương Thúy Sơn quát lên:

– Kẻ nào tiến lên, ta sẽ giết y trước.

Thiếu phụ cười nhạt, quát:

– Tất cả tiến lên.

Y thị nhảy xuống ngựa, múa đao xông lên, không coi Tuyền Kiến Nam vào đâu. Thì ra thiếu phụ đó là một đà chủ của Tam Giang bang, lần này ra tay qui mô, quyết ý bắt giữ Du Liên Châu và Ân Tố Tố để bức vấn chỗ ở của Tạ Tốn. Tuyền Kiến Nam chỉ là khách của Tam Giang bang, nếu không đắc lực, có chết dưới tay địch cũng chẳng hề gì.

Trương Thúy Sơn kinh hoảng, xem ra có giết Tuyền Kiến Nam cũng không đến đâu, thấy sáu bảy tên xông đến xe của Ân Tố Tố, sáu bảy tên khác xông đến xe của Du Liên Châu, chỉ một số ít cùng thiếu phụ nọ đến tấn công mình. Chàng chưa biết tính sao, bỗng nhiên nghe Du Liên Châu quát lớn:

– Lục đệ, mau ra mặt trừng trị bọn này đi.

Trương Thúy Sơn ngạc nhiên: ?Nhị ca định dùng kế không thành chăng?. Chỉ nghe từ không trung một tiếng hú, có tiếng người nói:

– Tuân lệnh. Ngũ ca ơi, anh khỏe chứ, có nhớ tiểu đệ không?

Từ một cây hòe lớn ở xa mấy trượng nhảy xuống một người, vừa tiến về phía trước, vừa rung động trường kiếm, chính là lục hiệp Ân Lê Đình. Trương Thúy Sơn mừng không ngờ nổi, kêu lên:

– Lục đệ, chú khỏe không?

Từ phía Tam Giang bang có mấy người tách ra ngăn trở, chỉ nghe ối chà, ối chà, leng keng không dứt, người nào người nấy đều bị đâm trúng huyệt Thần Môn, rơi binh khí. Thần Môn huyệt nằm ngay giữa xương cổ tay, trúng kiếm rồi, tay không còn sử nổi chút nào lực đạo nữa. Ân Lê Đình vừa múa kiếm vừa xông tới, gặp địch thủ ngăn trở, chỉ rung động trường kiếm, nghe keng một tiếng là một món binh khí rơi xuống. Thiếu phụ quay đầu kêu lên:

– Ngươi là Võ Đương ?

Leng keng, leng keng hai tiếng, hai thanh đao rời tay rớt xuống. Trương Thúy Sơn mừng quá, nói:

– Thần Môn Thập Tam Kiếm của sư phụ đã nghĩ ra rồi.

Thì ra Thần Môn Thập Tam Kiếm bao gồm mười ba đường, chiêu số khác nhau, nhưng tất cả đều đâm trúng ngay huyệt Thần Môn ở cổ tay. Mười năm trước khi Trương Thúy Sơn rời núi Võ Đương, Trương Tam Phong đã có ý đó, từng bàn với các đệ tử mấy lần, nhưng còn nhiều chỗ khó khăn chưa vượt qua được. Lúc này Ân Lê Đình sử dụng, những tay hảo thủ của Tam Giang bang không ai đỡ nổi một chiêu. Trương Thúy Sơn hết sức cao hứng, thấy mỗi chiêu Ân Lê Đình tung ra đều hết sức tinh diệu, chỉ mới sử dụng năm sáu đường, Thần Môn Thập Tam Kiếm chưa đi hết một nửa, đã có hơn một chục bang chúng của Tam Giang bang bị rơi binh khí rồi.

Thiếu phụ kêu lên:

– Tát nước, tát nước, mạnh ai nấy đi.

Bang chúng có người thì lên ngựa đào tẩu, có kẻ không kịp thượng mã, chỉ kịp quay mình bỏ chạy. Trương Thúy Sơn giải khai huyệt đạo cho Tuyền Kiến Nam, nhặt đôi xà đầu phán quan bút cài vào lưng y. Tuyền Kiến Nam thẹn đỏ mặt, cắm cúi đi thẳng nhưng không cùng hướng với Tam Giang bang.

Ân Lê Đình tra kiếm vào vỏ, nắm chặt hai tay Trương Thúy Sơn, vui mừng nói:

– Ngũ ca, em nhớ anh biết bao nhiêu mà kể.

Trương Thúy Sơn cười đáp:

– Lục đệ, chú cao lớn quá rồi.

Khi hai người chia tay, Ân Lê Đình mới có mười tám tuổi, mười năm không gặp, từ một thiếu niên dong dỏng gầy gầy đã trở thành một thanh niên vạm vỡ. Trương Thúy Sơn nắm tay Ân Lê Đình đến gặp vợ, Ân Tố Tố đang bệnh nặng, chỉ gật đầu mỉm cười, hạ giọng gọi khẽ:

– Lục đệ.

Ân Lê Đình cười đáp:

– Ngũ tẩu cũng họ Ân, thật là hay lắm, không những là chị dâu, mà cũng là tỉ tỉ của tiểu đệ nữa.

Trương Thúy Sơn nói:

– Nhị ca giỏi thật. Chú ẩn trên ngọn cây cao, ta không biết gì cả, nhị ca đã trông thấy rồi.

Ân Lê Đình bèn kể nguyên do vì sao đến ứng viện. Thì ra tứ hiệp Trương Tùng Khê xuống núi mua sắm các vật dụng cho tiệc thọ bách tuế của sư phụ, thấy có hai tên trong giới giang hồ lén lén lút lút, xem chừng bất chính, trong lòng khởi nghi: ?Phái Võ Đương của ta uy chấn thiên hạ, không lẽ còn có kẻ lớn mật dám đến chân núi vuốt râu hùm??. Chàng bí mật theo dõi, nghe hai người nói chuyện, mới biết Trương Thúy Sơn từ hải ngoại về, đã gặp được nhị sư ca Du Liên Châu, cả Tam Giang bang và Ngũ Phượng đao cùng muốn chặn đường, truy hỏi tung tích của Tạ Tốn. Trương Tùng Khê mừng lắm, lật đật quay về, lúc đó trên núi chỉ còn một mình Ân Lê Đình mà thôi, hai người lập tức chia nhau cứu viện, cùng nghĩ thầm: ?Đã có Du nhị và Trương ngũ cùng ở một nơi, hai cái bang hội, môn phái nho nhỏ đó có kiếm chỉ thêm nhục chứ làm gì được hai người?. Thế nhưng họ cùng muốn gặp lại Trương Thúy Sơn, sớm khắc nào hay khắc nấy nên cùng đi xuống nghênh tiếp. Việc Du Liên Châu bị thương hai gã giang hồ kia đâu có đề cập đến, nên Trương Ân hai người nào có hay biết. Trương Tùng Khê đi đánh đuổi hai tay hảo thủ của Ngũ Phượng đao phái đến, còn bọn Tam Giang bang thì do Ân Lê Đình thanh toán.

Du Liên Châu thở dài:

– Nếu không có tứ đệ tính toán xa xôi, không khéo hôm nay phái Võ Đương mình thật mất mặt.

Trương Thúy Sơn xấu hổ đáp:

– Chỉ bằng sức của một mình tiểu đệ, không bảo vệ nổi nhị ca. Than ôi, xa thầy mười năm, tiểu đệ đã thua kém anh em đồng môn quá xa rồi.

Ân Lê Đình cười đáp:

– Sao ngũ ca lại nói như thế? Nếu tiểu đệ không ra tay, bọn Tam Giang bang kia sẽ bị ngũ ca đánh cho một trận tan tác thật dễ dàng. Có điều vì ngũ ca phải chiếu cố cho nhị ca, lại e ngại ngũ tẩu kinh sợ. Công phu ngũ ca dùng đánh bại lão già Cao Ly, sư phụ chưa truyền cho người thứ hai nào. Kỳ này anh về núi, sư phụ vui mừng lắm, đem ra bao nhiêu công phu tinh diệu truyền cho, chỉ sợ ngũ ca học không kịp. Chiêu thuật của Thần Môn Thập Tam Thức để tiểu đệ nói cho sư ca nghe nhé?

Hai người sư huynh đệ tình thâm, xa nhau lâu nay trùng phùng, Ân Lê Đình hận không thể đem tất cả công phu học trong suốt mười năm qua trong khoảnh khắc nói hết cho Trương Thúy Sơn nghe. Hai người đi song song, Ân Lê Đình giơ tay múa chân, nói liên tu bất tận.

Đêm hôm đó bốn người ở lại khách điếm tại bến Tiên Nhân, Ân Lê Đình muốn nằm cùng giường với Trương Thúy Sơn. Trương Thúy Sơn vốn rất yêu anh chàng tiểu sư đệ này, thấy tuy đã cao lớn như thế nhưng đối với mình vẫn quí mến như xưa. Trong Võ Đương thất hiệp tuy Mạc Thanh Cốc là người nhỏ tuổi hơn hết, nhưng từ nhỏ tính tình đã trưởng thành, Ân Lê Đình so với sư đệ tính lại trẻ con hơn. Trương Thúy Sơn tuổi tác so với chàng không cách xa mấy, cho nên hai người thân nhau hơn cả.

Du Liên Châu cười nói:

– Ngũ đệ nay có vợ rồi, chú tưởng cũng vẫn còn như mười năm trước hay sao? Ngũ đệ, chú về kỳ này thật đúng lúc, anh em mình uống thọ tửu mừng sư phụ trăm tuổi xong, lại được uống hỉ tửu mừng lục đệ.

Trương Thúy Sơn mừng lắm, vỗ tay cười hỏi lại:

– Hay quá, hay quá. Tân nương là cô nào của chốn danh môn thế?

Ân Lê Đình mặt đỏ bừng, thẹn thùng không nói.

Du Liên Châu đáp:

– Chính là hòn ngọc quí trong tay Kim Tiên Kỷ lão anh hùng đó.

Trương Thúy Sơn lè lưỡi, cười nói:

– Lục đệ nếu ương ngạnh, cái roi vàng đó mà đét đít thì không vui gì đâu nhé.

Du Liên Châu mỉm cười, nói:

– Kỷ cô nương sử kiếm. Mong rằng những người bịt mặt hôm đó bên bờ sông không có Kỷ cô nương trong đó.

Trương Thúy Sơn kinh hoảng nói:

– Kỷ cô nương là môn hạ phái Nga Mi ư?

Du Liên Châu gật đầu nói:

– Những cô thuộc phái Nga Mi mình gặp bên bờ sông võ công bình bình, chắc không có Kỷ cô nương trong đó đâu, chứ không vì ngũ đệ muội lại đắc tội với lục đệ muội, người ta sẽ bảo ta thiên vị đó. Cô vợ chưa cưới của lục đệ nhân phẩn cực tốt, võ công lại cao cường, đệ tử danh môn tất nhiên không phải tầm thường, cùng với lục đệ đúng là một đôi duyên trời ?

Chàng nói tới đây, bỗng nghĩ ra Ân Tố Tố là con gái của giáo chủ tà giáo, nếu mình khen ngợi Kỷ cô nương như vậy, không khỏi khiến cho Trương Thúy Sơn chạnh lòng, đang định nói chữa mấy câu, bỗng có một người tiến đến trước phòng nói vọng vào:

– Du gia, có mấy người đến bái phỏng lão nhân gia, nói là bằng hữu của quí vị.

Đó là tiếng của điếm tiểu nhị. Du Liên Châu hỏi:

– Ai thế?

Điếm tiểu nhị đáp:

– Tất cả có sáu người, nói là môn hạ của Ngũ Phượng đao.

Ba người sư huynh đệ đều hơi giật mình, nghĩ thầm Trương Tùng Khê đi đánh đuổi bọn Ngũ Phượng đao, sao lại để cho địch nhân tìm đến tận cửa, không lẽ Trương Tùng Khê có gì sẩy tay chăng? Trương Thúy Sơn nói:

– Để em ra coi.

Chàng sợ nhị ca bị thương chưa khỏi, lỡ phải động thủ với người ta e gặp chuyện chẳng lành. Du Liên Châu nói:

– Cứ mời họ vào đây.

Một lát sau tiến vào năm người đàn ông và một thiếu phụ dung mạo đẹp đẽ. Trương Thúy Sơn và Ân Lê Đình hai tay không đứng mỗi người một bên Du Liên Châu phòng bị. Sáu người đó mặt mày buồn thiu, có dáng hổ thẹn, trên người không mang binh khí, trông không có vẻ gì là đến kiếm chuyện cả. Người đi đầu râu tóc điểm bạc, khoảng chừng ngoài bốn mươi, cung kính ôm quyền hành lễ, nói:

– Ba vị có phải là Du nhị hiệp, Trương ngũ hiệp và Ân lục hiệp chăng? Tại hạ là môn hạ Ngũ Phượng đao Mạnh Chính Hồng, có lời vấn an ba vị.

Bọn Du Liên Châu ba người vòng tay đáp lễ, trong lòng thấy có vẻ kỳ quái. Du Liên Châu nói:

– Mạnh lão sư khỏe chứ, mời các vị ngồi.

Mạnh Chính Hồng không dám ngồi, nói:

– Tệ môn ở tại Sơn Tây, Hà Đông, môn phái thật nhỏ, đã từ lâu ngưỡng mộ uy danh Trương chân nhân và quí vị thất hiệp, quả thực chẳng khác gì sấm nổ bên tai, chỉ có điều vô duyên chưa được dịp bái kiến. Hôm nay đến chân núi Võ Đương, đáng lẽ phải lên khấu đầu trước Trương chân nhân, nhưng nghe Trương chân nhân tuổi hạc đã trăm rồi, thanh cư tĩnh tu, chúng tôi là kẻ thô lỗ võ biền, không dám đến làm rộn tinh thần thanh tĩnh của lão nhân gia. Ba vị về núi xin cho chúng tôi gửi lời hỏi thăm, nhân tiện nói rằng môn hạ đệ tử của Ngũ Phượng đao ở Sơn Tây, chúc lão nhân gia thiên thu khang ninh, phúc thọ vô cương.

Du Liên Châu vốn dĩ bị thương chưa khỏi, ngồi trên giường ấp, thấy y đề cập đến sư phụ, vội vịn vai Ân Lê Đình xuống giường, cung kính đứng dậy, nói:

– Không dám, không dám. Tại hạ xin cám ơn.

Mạnh Chính Hồng nói tiếp:

– Chúng tôi ở đất Sơn Tây quê mùa, ếch ngồi đáy giếng, kiến thức nông cạn, chẳng biết trời cao đất dày, dám lớn mật làm càn, đến nơi quí địa. May nhờ Võ Đương chư hiệp khoan hồng đại lượng, lại giải cứu nguy nan cho chúng tôi, tại hạ cảm kích vô cùng. Hôm nay chúng tôi đến đây, trước là tạ ơn, sau là chịu tội, mong rằng ba vị đại nhân không thèm chấp cái lỗi lầm của kẻ tiểu nhân.

Nói xong sụp xuống lạy. Trương Thúy Sơn vội đỡ dậy, nói:

– Mạnh lão sư bất tất đa lễ.

Mạnh Chính Hồng ấp úng, muốn nói mà không dám nói ra. Du Liên Châu nói:

– Mạnh lão sư có điều gì muốn dạy bảo, xin cứ nói ra.

Mạnh Chính Hồng nói:

– Tại hạ cầu Du nhị hiệp ban cho một câu, cũng xin phái Võ Đương tha tội đừng trách cứ, để chúng tôi trở về bẩm lại với sư phụ.

Du Liên Châu mỉm cười hỏi:

– Quí vị từ đất Tấn đường xa đến đất Ngạc, có lẽ muốn hỏi về tung tích của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn chăng? Không biết Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn có chuyện gì với quí phái?

Mạnh Chính Hồng buồn bã nói:

– Gia huynh Mạch Chính Bằng chết thảm dưới chưởng của Tạ Tốn.

Du Liên Châu trong lòng rung động, nói:

– Chúng tôi quả có nỗi khổ tâm bất đắc dĩ, không thể nào phụng cáo nơi ở của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, xin Mạnh lão sư và quí vị lượng thứ cho. Còn việc tha lỗi gì gì đó, không cần phải đề cập tới nữa, gặp lại tôn sư Ọa lão gia tử, xin nói Du nhị, Trương ngũ và Ân lục hỏi thăm.

Mạnh Chính Hồng đáp:

– Thế thì chúng tôi xin cáo từ. Ngày sau phái Võ Đương có gì sai khiến, chỉ truyền tin đến, môn hạ Ngũ Phượng đao tuy năng lực nhỏ bé, nhưng việc chạy đi chạy lại quyết không dám từ nan.

Nói xong cùng năm người kia ôm quyền hành lễ, quay mình đi ra. Thiếu phụ nọ đột nhiên quay lại, quì xuống dưới đất, nói nhỏ:

– Tiểu phụ nhân được bảo tồn danh tiết, toàn do chư vị hiệp sĩ Võ Đương ban cho. Tiểu phụ nhân còn sống ngày nào, không dám quên đại ơn đại đức của chư vị.

Ba người Du Liên Châu không biết tình hình nguyên do bên trong, nhưng nghe y thị nói phụ nhân danh tiết, nên không tiện hỏi nhiều, chỉ ừ ào vài câu khiêm tốn. Thiếu phụ đó sụp lạy mấy lạy rồi mới ra cửa.

Năm người của Ngũ Phượng đao vừa ra khỏi, lập tức then cửa nâng lên, một người vụt tiến vào ôm chầm lấy Trương Thúy Sơn. Trương Thúy Sơn mừng rỡ kêu lên:

– Tứ ca.

Người tiến vào phòng chính là Trương Tùng Khê. Sư huynh sư đệ gặp lại nhau đều hết sức vui mừng. Trương Thúy Sơn nói:

– Tứ ca, anh thật túc trí đa mưu, đã làm cho môn hạ Ngũ Phượng đao đổi thù ra bạn, thật không phải dễ.

Trương Tùng Khê cười đáp:

– Cái đó cũng là cơ duyên xảo hợp chứ tứ ca có công lao gì đâu.

Chàng liền đem sự tình đầu đuôi kể lại cho mọi người nghe.

Nguyên lai thiếu phụ xinh đẹp nọ họ Ô, là con gái thứ hai của chưởng môn Ngũ Phượng đao, chính là vợ của Mạnh Chính Hồng. Lần này sáu người xuống Hồ Bắc, điều tra nơi ở của Tạ Tốn, trên đường đi gặp đà chủ của Tam Giang bang, mới nghe nói Trương Thúy Sơn biết được tung tích của Kim Mao Sư Vương. Họ Ô từ nhỏ được nuông chiều, chủ trương lập kế bắt Trương Thúy Sơn để tra hỏi. Mạnh Chính Hồng trước nay sợ vợ như cọp, nhưng lần này nhất quyết không nghe lời, nói là đệ tử phái Võ Đương rất cao cường, chi bằng dùng lễ mà cầu, đối phương nếu không ưng chịu, lúc đó hãy tính kế khác. Ô thị nói:

– Thời cơ gặp là phải làm ngay, nếu để cho Trương Thúy Sơn về đến núi Võ Đương rồi, bọn họ sư huynh đệ gặp nhau, lại có Trương Tam Phong đứng đằng sau, lúc đó làm sao tra hỏi được?

Hai người nói qua nói lại, gây chuyện cãi nhau. Bốn người kia chỉ là sư đệ sư điệt, nên không dám đứng về phe nào. Ô thị tức giận nói:

– Anh là tên nhát gan, việc này báo thù cho huynh trưởng anh chứ đâu phải báo thù cho huynh trưởng tôi. Hừ, nam tử hán đại trượng phu mà gặp việc không có chút đảm lược nào, nếu Trương Thúy Sơn có cho biết chỗ ở của Tạ Tốn, liệu anh có dám đi kiếm y không? Lấy phải người như anh thật phí cả đời.

Mạnh Chính Hồng vốn quen nhịn vợ nên không dám đáp lại, nhưng không chịu theo ý của vợ, bỏ thuốc mê vợ chồng Trương Thúy Sơn tại khách điếm trên đường. Ô thị giận dữ, nửa đêm nhân lúc chồng ngủ say, len lén trở dậy ra đi.

Y thị nghĩ rằng một mình ra tay, tìm được tung tích Tạ Tốn sẽ trêu chọc ông chồng một chuyến, nào ngờ mọi việc đều bị một tên đà chủ Tam Giang bang nhìn thấy cả. Tên đó thấy Ô thị xinh đẹp, nổi lòng tà dâm, nên bí mật theo sau. Ô thị bỏ thuốc mê, nào ngờ chính mình lại uống phải mê dược. Con bọ ngựa định bắt con ve sầu, có biết đâu con chim vành khuyên ở đằng sau, Trương Tùng Khê đi giám thị sáu người của Ngũ Phượng đao nên mọi việc đều biết hết. Chàng đợi khi Ô thị trong tình thế nguy cấp mới ra tay cứu, trừng trị tên đà chủ Tam Giang bang một phen đích đáng. Trương Tùng Khê không nói tên tuổi, chỉ nói là môn hạ đệ tử của phái Võ Đương. Ô thị vừa thẹn vừa sợ, quay về gặp chồng, nói rõ mọi chuyện. Chính vì thế phái Võ Đương trở thành đại ân nhân nên cả bọn đến gặp Du Liên Châu để cảm tạ ân đức. Trương Tùng Khê đợi sáu người đi rồi mới hiện thân, để cho Ô thị khỏi xấu hổ.

Trương Thúy Sơn nghe câu chuyện xong, thở dài nói:

– Đánh đuổi bọn Tam Giang bang có hành vi bất lương không phải chuyện khó, nhưng tứ ca hành xử để lại dư tình, biến thù thành bạn, thật hợp tâm ý của sư phụ.

Trương Tùng Khê cười nói:

– Mười năm xa nhau, vừa gặp lại chú đã cho tứ ca lên tận mây xanh rồi.

Hôm đó, bốn sư huynh đệ nằm giường cạnh nhau nói chuyện suốt một đêm. Trương Tùng Khê tuy đa trí, nhưng đối với cao thủ giả trang làm quân Nguyên bắt cóc Vô Kỵ, đánh Du Liên Châu bị thương, cũng không đoán ra được là ai.

Sáng sớm hôm sau, Trương Tùng Khê gặp Ân Tố Tố. Năm người đi thủng thẳng mất thêm một ngày một đêm nữa thì đến núi Võ Đương. Trương Thúy Sơn mười năm mới trở lại nơi sinh sống từ tấm bé, muốn chạy ngay lên bái kiến sư phụ, cùng đại sư ca, tam sư ca, thất sư đệ gặp gỡ. Tuy vợ đau con mất tích, nhưng niềm vui vẫn lớn hơn nỗi sầu.

Lên đến trên núi, thấy trước cổng buộc tám con tuấn mã, yên cương mới tinh, không phải là ngựa của bản sơn. Trương Tùng Khê nói:

– Trong nhà có khách, không nên gặp làm gì, bọn mình đi theo cửa hông mà vào.

Trương Thúy Sơn liền đỡ vợ theo cửa bên vào trong đạo quan. Đạo nhân và thị dịch trong quan thấy Trương Thúy Sơn lành lặn trở về, ai nấy đều hết sức vui mừng. Trương Thúy Sơn nhớ mong muốn vào bái kiến sư phụ, nhưng đạo đồng phục thị Trương Tam Phong nói là chân nhân chưa khai quan, nên Trương Thúy Sơn chỉ còn nước khấu đầu trước tọa quan của thầy, sau đó quay về đi gặp Du Đại Nham.

Đạo đồng phục thị Du Đại Nham nói nhỏ:

– Tam sư bá ngủ rồi, sư thúc có muốn lay sư bá dậy không?

Trương Thúy Sơn xua tay, rón rén đi vào trong phòng. Chàng thấy Du Đại Nham đã nhắm mắt ngủ say, sắc mặt xanh xao, hai má hóp, con người như rồng như hổ mười năm trước nay là một người bệnh thoi thóp nằm đó. Trương Thúy Sơn nhìn sư huynh một hồi, nhịn không nổi nước mắt ròng ròng.

Chàng đứng bên giường hồi lâu, gạt lệ đi ra, hỏi tiểu đạo đồng:

– Đại sư bá và thất sư thúc đâu?

Tiểu đạo đồng nói:

– Hai người đang ở đại sảnh tiếp khách.

Trương Thúy Sơn vào trong hậu đường đợi đại sư ca và thất sư đệ, nhưng cả nửa ngày, khách vẫn chưa đi. Trương Thúy Sơn hỏi đạo nhân bưng trà:

– Khách là ai thế?

Đạo nhân đáp:

– Hình như là bảo tiêu thì phải.

Ân Lê Đình đối với vị sư ca lâu ngày mới gặp này vô cùng quyến luyến, chạy đi một lát lại quay về với Trương Thúy Sơn, nghe chàng hỏi liền đáp:

– Đó là ba tổng tiêu đầu, Kỳ Thiên Bưu tổng tiêu đầu của Hổ Cứ tiêu cục ở Kim Lăng, Vân Hạc tổng tiêu đầu của Tấn Dương tiêu cục ở Thái Nguyên, còn người thứ ba là Cung Cửu Giai tổng tiêu đầu của Yến Vân tiêu cục ở kinh sư.

Trương Thúy Sơn hơi giật mình, hỏi lại:

– Cả ba vị tổng tiêu đầu cùng đến ư? Mười năm trước, trên toàn thiên hạ ba vị này là ba tiêu đầu võ công cao siêu hơn cả, danh vọng lớn nhất, hiện nay có còn được như thế không? Ba người cùng lên núi, tại sao vậy?

Ân Lê Đình cười đáp:

– Chắc lại có món hàng nào bị mất, kẻ cướp là loại có thế lực, ba tổng tiêu đầu không địch lại, đành phải lên núi cầu đại sư huynh. Ngũ ca, mấy năm nay đại ca càng ngày càng được người ta tín nhiệm, trên giang hồ ai gặp chuyện khó khăn đều đến xin đại sư ca ra mặt.

Trương Thúy Sơn mỉm cười:

– Đại sư ca Phật diện từ tâm, ai cầu đến cũng đều ra tay giúp đỡ. Mười năm không gặp, chẳng biết đại ca có già đi chút nào không?

Nghĩ đến đây, ý muốn gặp lại sư ca càng khó ngăn được nên nói:

– Lục đệ, để ta ra sau bình phong ngó xem sư ca và thất đệ xem hình dáng bây giờ ra sao.

Chàng đi ra sau bình phong, ghé mắt nhìn ra, thấy Tống Viễn Kiều và Mạc Thanh Cốc hai người ngồi ở chủ vị bên dưới tiếp khách. Tống Viễn Kiều mặc đạo trang, gương mặt điềm đạm, hòa hoãn vẫn chẳng khác xưa, tướng mạo so với mười năm trước không khác mấy tí, chỉ có tóc mai điểm trắng, thân hình cũng mập hơn nhiều, hẳn là trung niên phát phúc. Tống Viễn Kiều không xuất gia, nhưng vì sư phụ là đạo sĩ, lại sống ở đạo quan, thành thử khi ở trên núi Võ Đương thường thường ông mặc theo lối đạo gia, chỉ khi nào xuống núi mới đổi mặc theo lối thường.

Mạc Thanh Cốc thì lại càng cao to vạm vỡ, tuy mới ngoài hai mươi nhưng mặt để đầy râu, trông bề ngoài còn già hơn cả Trương Thúy Sơn.

Mạc Thanh Cốc lớn tiếng nói:

– Đại sư ca chúng tôi nói một là một, hai là hai, với ba chữ Tống Viễn Kiều, chẳng lẽ ba vị còn chưa đủ tin hay sao?

Trương Thúy Sơn nghĩ thầm: ?Cái tính tình thô hào của thất đệ vẫn y như cũ. Chẳng biết có chuyện gì mà lại đấu khẩu với người ta thế??. Chàng quay ra nhìn vào phía khách, thấy ba người đều khoảng trong ngoài năm mươi, một người khí độ uy mãnh, một người cao cao gầy gầy, mặt mày xương xẩu, còn người cuối cùng trông như người bệnh, gầy gò hom hem. Đứng sau ba người có năm người thõng tay đứng hầu, chắc là tử đệ của ba người đó. Gã cao gầy nói:

– Tống đại hiệp đã nói thế, chúng tôi nào dám không tin? Chỉ có điều không biết Trương ngũ hiệp lúc nào mới về tới, có thể cho chúng tôi biết đích xác được không?

Trương Thúy Sơn hơi giật mình: ?Thì ra ba người này vì ta mà đến đây, hẳn là đến để hỏi về tung tích của nghĩa huynh?. Nghe thấy Mạc Thanh Cốc nói:

– Bọn chúng tôi sư huynh đệ bảy người, tuy dù bản lĩnh không bao nhiêu, nhưng việc hành hiệp trượng nghĩa xưa nay không chịu kém ai, may được bạn bè giang hồ khen thưởng, ban cho ngoại hiệu ?Võ Đương thất hiệp?. Bốn chữ Võ Đương thất hiệp nói ra thật đáng xấu hổ, chúng tôi vốn không dám nhận ?

Trương Thúy Sơn nghĩ thầm: ?Mười năm không gặp, không ngờ thất sư đệ ăn nói được dõng dạc đến thế, trước kia ai hỏi một câu đã mặt đỏ tía tai cả nửa ngày mới trả lời. Trong mười năm qua, trừ mình với tam ca ra, anh em ai cũng một ngày vượt xa ngàn dặm cả?.

Lại nghe Mạc Thanh Cốc nói tiếp:

– Thế nhưng chúng tôi vì đã mang cái tiếng đó, trên được ân sư nghiêm huấn, hành sự không dám sai chạy chút nào. Trương ngũ ca là một trong Võ Đương thất hiệp, tính tình nho nhã hòa thuận, trong bảy anh em chúng tôi, bụng dạ anh ta tốt nhất. Các ông vu cáo ngũ ca của tôi sát hại toàn gia Long Môn tiêu cục, thật là nói nhăng nói cuội.

Trương Thúy Sơn chột dạ, nghĩ thầm: ?Thì ra bọn này vì chuyện Long Môn tiêu cục Đô Đại Cẩm mà đến. Nghe nói phía nam Trường giang thì Hổ Cứ tiêu cục ở Kim Lăng đứng đầu, có lẽ bọn họ nghe tin ta từ hải ngoại trở về, nên Hổ Cứ tiêu cục ước hẹn với Tấn Dương, Yến Vân hai tiêu cục cùng lên vấn tội?.

Đại hán khí độ uy mãnh kia nói:

– Võ Đương thất hiệp danh tiếng vang dội, trong võ lâm ai mà không ngưỡng mộ? Mạc thất hiệp chẳng cần phải khoe khoang, chúng tôi cũng đã nghe tiếng từ lâu rồi, chẳng khác gì sấm nổ bên tai.

Mạc Thanh Cốc nghe y ra lời nhạo báng, mặt liền biến sắc, nói:

– Kỳ tổng tiêu đầu quả thực muốn gì, nói rõ ra cho biết.

Gã đại hán khí độ uy mãnh đó là Kỳ Thiên Bưu, Tổng tiêu đầu của Hổ Cứ tiêu cục. Y lớn tiếng nói:

– Võ Đương thất hiệp nói một là một, nói hai là hai, vậy thì các cao tăng của phái Thiếu Lâm không lẽ nói láo sao? Tăng nhân Thiếu Lâm chính mắt trông thấy, già trẻ lớn bé cả nhà Long Môn tiêu cục ở Lâm An bị Trương Thúy Sơn Trương ngũ hiệp — hạ sát.

Y nói tới ba chữ Trương ngũ hiệp, chữ hiệp kéo dài, rõ ràng có ý chế giễu. Ân Lê Đình nghe thấy nổi giận bừng bừng, tên này dám nhạo báng ngũ ca, còn nặng hơn vả cho mình ba cái tát, đang định đi ra lý luận, Trương Thúy Sơn vội giữ lại, xua tay. Ân Lê Đình thấy chàng tỏ vẻ đau khổ, xem ra có điều khó xử, không hiểu lý do, nghĩ thầm: ?Công phu hàm dưỡng của ngũ ca ngày càng cao, thảo nào sư phụ vẫn thường khen ngợi?.

Mạc Thanh Cốc đứng dậy, lớn tiếng nói:

– Không nói gì ngũ ca của chúng tôi lúc này chưa về đến núi, mà có về núi rồi thì cũng nói có đến thế. Mạc mỗ cùng Trương Thúy Sơn sinh tử có nhau, việc của anh ấy cũng là việc của mỗ. Ba vị không phân xanh đỏ tím vàng, nhất định vu hãm cho ngũ ca của mỗ hại toàn gia Long Môn tiêu cục. Được rồi, tất cả mọi việc cứ coi như Mạc mỗ đã làm, nếu ba vị muốn báo thù cho Long Môn tiêu cục, cứ việc đòi mạng ta là xong. Ngũ ca của ta không có nơi đây, Mạc Thanh Cốc cũng là Trương Thúy Sơn, Trương Thúy Sơn cũng là Mạc Thanh Cốc. Nói thực với quí vị, Mạc mỗ võ công mưu trí kém xa ngũ ca, các vị tìm đến ta báo thù thì cũng là vận may lắm đấy.

Kỳ Thiên Bưu giận dữ đứng vụt dậy, lớn tiếng nói:

– Kỳ mỗ hôm nay đến núi Võ Đương làm rộn, kẻ học võ trong thiên hạ, ai ai cũng bảo chúng tôi múa búa trước cửa Lỗ Ban, thật là không biết lượng sức mình. Thế nhưng cả nhà Đô Đại Cẩm Đô huynh bị chết đã mười năm, mối oan khiên đến nay chưa rửa, Kỳ mỗ không còn nhịn được nữa rồi. Phái Võ Đương giết cả hơn bảy mươi người của Long Môn tiêu cục còn được, có giết thêm Kỳ mỗ thì cũng có thấm vào đâu? Tiện thể giết luôn hơn chín chục mạng người của Hổ Cứ tiêu cục đất Kim Lăng cũng chẳng sao. Hôm nay máu Kỳ mỗ chảy trên núi Võ Đương, thì chết cũng gọi là đáng nơi đáng chốn. Khi chúng tôi lên núi, tôn kính Trương chân nhân đức cao vọng trọng, không dám mang theo binh khí, vậy Kỳ mỗ xin chịu chết dưới quyền cước của Mạc thất hiệp.

Nói xong y hùng dũng đi vào giữa sảnh. Tống Viễn Kiều trước sau không nói một lời, lúc này thấy hai người sắp ra tay động thủ, giơ tay ngăn Mạc Thanh Cốc lại, mỉm cười nói:

– Tam vị đến tệ xứ, nói qua nói lại, nằng nặc cho là tệ ngũ sư đệ giết hại toàn thể Long Môn tiêu cục. Cũng may là tệ sư đệ không bao lâu sẽ về đến núi, ba vị tạm nhịn một thời gian nữa, gặp mặt tệ sư đệ trước, sau sẽ phân biện trái phải được không?

Người thân hình khô gầy trông như người bệnh là Tổng tiêu đầu của Yến Vân tiêu cục Cung Cửu Giai nói:

– Xin mời Kỳ tổng tiêu đầu ngồi xuống đi đã. Trương ngũ hiệp nếu như chưa về đến núi, việc này không dễ gì bỏ qua, chi bằng bọn mình bái kiến Trương chân nhân, xin lão nhân gia kim khẩu xác định, ban cho một lời. Trương chân nhân là đương kim Thái Sơn Bắc Đẩu của võ lâm, anh hùng hảo hán trong thiên hạ không ai không kính ngưỡng, không lẽ lão nhân gia không phân biệt trái phải, che đậy cho đệ tử hay sao?

Câu nói của y nghe tưởng như lễ phép, nhưng hàm ý thật lợi hại. Mạc Thanh Cốc đâu phải không nghe ra, lập tức đáp lại:

– Gia sư bế quan tĩnh tu, hiện chưa khai quan. Hơn nữa, những năm gần đây mọi việc trong phái Võ Đương, đều do đại sư ca chúng tôi liệu lý cả. Ngoại trừ những cao nhân danh vọng thật lớn trong võ lâm, gia sư rất ít tiếp khách.

Chàng nói thế ý cho họ biết rằng các ngươi thân phận chưa đáng để gặp Trương Tam Phong. Người cao gầy, tổng tiêu đầu của Tấn Dương tiêu cục Vân Hạc cười khẩy nói:

– Thiên hạ sao lại có việc xảo hợp đến thế, bọn ta vừa mới thượng sơn, tôn sư Trương chân nhân lại bế quan ngay. Không phải hơn bảy mươi mạng người của Long Môn tiêu cục lại chỉ bế quan là trốn tránh được đâu.

Cung Cửu Giai nghe câu đó thấy quá nặng nề, vội đưa mắt ngăn lại. Thế nhưng Mạc Thanh Cốc nhịn không nổi, lớn tiếng hỏi lại:

– Ngươi nói sư phụ ta vì sợ mà bế quan ư?

Vân Hạc cười nhạt, không trả lời. Tống Viễn Kiều tuy hàm dưỡng rất cao, nhưng nghe y làm nhục đến ân sư, cũng không thể không bực mình. Trước mặt Võ Đương thất hiệp mười năm nay chưa một ai dám nói điều bất kính đến Trương Tam Phong. Chàng dẽ dàng nói:

– Ba vị ở xa đến là khách, chúng tôi không dám đắc tội, xin tiễn biệt.

Nói xong ông phất tay áo một cái, một luồng gió mạnh theo đó ào ra, ba chén trà trên bàn của Kỳ Thiên Bưu, Vân Hạc, Cung Cửu Giai bị cuốn lên nhắc về trên bàn của Tống Viễn Kiều. Ba chén trà đó chầm chậm nhấc lên, nhẹ nhàng rơi xuống, rớt tới bàn chỉ nghe mấy tiếng lạch cạch nhưng tuyệt nhiên không sóng giọt nước nào ra ngoài.

Khi tay áo của Tống Viễn Kiều phất ra, bọn ba người Kỳ Thiên Bưu bị luồng tụ phong[7] tưởng như nhu hòa, nhưng thực sự nặng như cối đá ép lên ngực. Họ không sao thở được, muốn ho cũng không xong, vội vàng vận nội công chống lại. Thế nhưng làn gió chợt đến, chợt đi, ba người vừa hết tức ngực, lập tức ợ ợ ợ ba tiếng thật to, mỗi người thở hắt ra một cái. Cả ba sợ hãi không để đâu cho hết, biết rằng nếu như Tống Viễn Kiều tống thêm làn tụ phong thứ hai từ tay trái ra, luồng gió thứ hai này ép vào, nội tức họ đang vận lên sẽ đi ngược trở về, nếu không chết ngay tại chỗ, ít nhất cũng bị trọng thương, nội công phải mất quá nửa. Đến lúc này, ba tổng tiêu đầu mới biết vị Tống đại hiệp nho nhã nhu hòa kia thân mang tuyệt nghệ cao thâm không sao tưởng tượng được.

Trương Thúy Sơn đứng đằng sau bức bình phong, nghe đến chuyện Ân Tố Tố giết toàn gia Long Môn tiêu cục lòng bối rối không yên, đến khi thấy Tống Viễn Kiều phất tay tỏ lộ nội công thâm hậu, chàng cảm phục vô cùng, nghĩ thầm: ?Nội công của phái Võ Đương ta càng luyện lâu, tiến bộ càng nhanh. Khi ta ở trên đảo Vương Bàn Sơn nội lực so với nghĩa huynh xa cách một trời một vực, thế nhưng lúc chia tay nhau trên Băng Hỏa đảo, xem chừng hai bên không còn chênh lệch bao nhiêu. Năm xưa khi nghĩa huynh ở Lạc Dương mưu toan giết đại sư ca, lúc đó đương nhiên đại sư ca không chống nổi. Thế nhưng dẫu cho nghĩa huynh hai mắt chưa mù, giờ này chưa chắc đã hơn được đại sư ca bao nhiêu. Chỉ thêm mười năm nữa, đại ca, nhị ca nhất định không kém nghĩa huynh chút nào?.

Chỉ nghe Kỳ Thiên Bưu ôm quyền nói:

– Đa tạ Tống đại hiệp thủ hạ lưu tình, xin cáo biệt.

Tống Viễn Kiều và Mạc Thanh Cốc hai người đưa khách ra đến mái hiên. Kỳ Thiên Bưu quay lại nói:

– Xin hai vị dừng bước, không cần phải tiễn xa.

Tống Viễn Kiều nói:

– Chẳng mấy khi được ba vị tổng tiêu đầu quang giáng tệ sơn, lẽ nào không đưa tiễn? Sau này có dịp dến kinh sư, Thái Nguyên, Kim Lăng tại hạ thể nào cũng đến thăm quí cục đáp lễ một chuyến.

Kỳ Thiên Bưu nói:

– Chúng tôi đâu dám.

Y lãnh giáo võ công của Tống Viễn Kiều rồi, thấy vị Tống đại hiệp này tuy trong mình mang tuyệt nghệ nhưng cử chỉ, ăn nói tuyệt nhiên không kiêu ngạo chút nào, trong lòng hết sức bội phục, cái chủ đích hưng sư vấn tội[8], báo cừu xả mệnh lúc lên núi xem ra không còn nữa.

Trong khi hai người còn qua lại mấy lời xã giao, từ cổng ngoài một người trung niên, thân hình tuy nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn tinh minh, mặt đầy anh khí, rảo bước đi vào. Tống Viễn Kiều nói:

– Tứ đệ, lại đây gặp mấy vị bằng hữu.

Nói rồi giới thiệu với mấy người trong bọn Kỳ Thiên Bưu. Trương Tùng Khê cười nói:

– Ba vị đến thật đúng lúc, tại hạ có mấy món đồ muốn giao lại cho quí vị.

Nói xong chàng lấy trong bọc ra ba gói nhỏ, đưa cho mỗi người một gói. Kỳ Thiên Bưu hỏi:

– Cái gì đây thế?

Trương Tùng Khê nói:

– Cái nầy xem ở đây không tiện, các vị xuống núi rồi hãy mở ra coi.

Ba người sư huynh đệ tiễn khách đến tận ngoài cổng đạo quan mới cùng các tổng tiêu đầu cáo từ. Mạc Thanh Cốc đợi họ vừa đi khỏi lập tức hỏi ngay:

– Tứ ca, ngũ ca đâu? Anh ấy về đến núi chưa?

Trương Tùng Khê cười đáp:

– Chú đi vào gặp ngũ đệ đi. Còn ta và đại ca ngồi trong sảnh đợi ba tiêu khách quay trở lại.

Mạc Thanh Cốc kêu lên:

– Ngũ ca ở đâu? Ba gã tiêu khách ấy quay lại làm gì?

Chàng trong lòng nhớ nhung Trương Thúy Sơn, không đợi Trương Tùng Khê nói rõ lý do, tất tả đi vào nội đường. Mạc Thanh Cốc đi rồi, quả nhiên ba gã tiêu sư lật đật trở lên, rập đầu lạy Tống Viễn Kiều và Trương Tùng Khê. Hai người vội vàng hoàn lễ. Vân Hạc nói:

– Đại ân đại đức của chư hiệp phái Võ Đương bây giờ Vân mỗ mới biết. Lúc nãy Vân mỗ ngôn ngữ mạo phạm đến Trương chân nhân, quả thật không bằng con heo con chó.

Nói xong y giơ tay lên, đứng xoạc cẳng, liên tiếp tự vả vào mặt mình hàng chục cái. Y ra tay thật mạnh, khiến hai má sưng vù, vẫn chưa chịu thôi. Tống Viễn Kiều ngạc nhiên không hiểu, vội vàng ngăn lại. Trương Tùng Khê nói:

– Vân tổng tiêu đầu là một nam tử có chí khí, có tâm nguyện khu trừ Thát Lỗ, lấy lại giang sơn. Phàm hảo hán Trung Hoa ai chẳng có lòng như thế. Cái công lao nhỏ bé này, chính là bổn phận của chúng tôi, Vân tổng tiêu đầu việc gì phải làm như thế.

Vân Hạc nói:

– Tính mệnh cả nhà lớn bé nhà Vân mỗ, đều do chư vị ban cho. Vân mỗ hoang mang, năm năm qua như người mơ ngủ. Mới đây ngôn từ thiếu khiêm tốn, hai vị nếu không đánh cho một trận thì trong lòng Vân mỗ quả thực chưa an.

Trương Tùng Khê mỉm cười đáp:

– Chuyện cũ bỏ qua đi, chẳng cần đề cập tới. Những lời của Vân tổng tiêu đầu dù cho gia sư có chính tai nghe thấy chăng nữa, thì cũng kính trọng công việc mà Vân tổng tiêu đầu đã làm, quyết không để tâm.

Thế nhưng Vân Hạc vẫn băn khoăn không yên, tự trách mãi. Tống Viễn Kiều không rõ lý do, chỉ thuận mồm nói vài câu khiêm tốn, thấy Kỳ Thiên Bưu và Cung Cửu Giai luôn mồm cám ơn, nhưng xem chừng Trương Tùng Khê không coi trọng hai người cho lắm, khác hẳn đối với Vân Hạc. Ba người tổng tiêu đầu lại khẩn khoản xin đến bên ngoài chỗ Trương Tam Phong tọa quan lạy mấy lạy, rồi đi gặp Mạc Thanh Cốc tạ lỗi nhưng Trương Tùng Khê đều nhất nhất từ chối.

Ba người đó đi rồi, Trương Tùng Khê mới thở dài, nói:

– Ba người đó tuy với chúng ta trong lòng cảm ân, nhưng việc Long Môn tiêu cục không hề nhắc đến. Xem ra cảm ân là một việc, còn họa sự này vẫn chưa tiêu trừ được.

Tống Viễn Kiều định hỏi nguyên do, bỗng thấy Trương Thúy Sơn từ nội đường chạy ra, phục xuống lạy, kêu lên:

– Đại ca, đại ca có nhớ tiểu đệ không?

Tống Viễn Kiều là người khiêm cung lễ độ, tuy đồng môn sư huynh đệ lâu ngày gặp lại, trong lòng khích động nhưng vẫn không thiếu phép tắc, vội vàng quì xuống hoàn lễ, nói:

– Ngũ đệ, rồi ra chú cũng về được.

Trương Thúy Sơn kể lại sơ qua vì đâu thất lạc. Mạc Thanh Cốc tính gấp gáp, liền hỏi:

– Ngũ ca, ba gã tiêu khách vô lễ, nhất định vu cho ngũ ca giết cả nhà Long Môn tiêu cục ở Lâm An, nhưng anh công phu hàm dưỡng cao thâm, sao không ra dạy cho chúng một mẻ?

Trương Thúy Sơn mặt buồn thiu, thở dài một tiếng, nói:

– -??? Ngọn ngành mối manh trong đó không thể nói một lời mà xong. Để em kể lại cho rõ ràng nhờ chư huynh đệ tìm ra cách nào giải quyết.

Ân Lê Đình nói:

– Ngũ ca khỏi lo, Long Môn tiêu cục hộ tống tam ca không xong, khiến cho một đời tàn phế. Dù cho ngũ ca có thực sự giết cả nhà Long Môn tiêu cục chăng nữa, cũng chỉ vì tình nghĩa huynh đệ sâu xa, do cái khích động nhất thời ?

Du Liên Châu quát lên:

– Lục đệ, sao chú ăn nói bậy bạ như thế? Nếu câu đó sư phụ nghe được, thể nào cũng nhốt chú vào phòng tối một tháng là ít. Giết người lớn bé cả nhà, diệt môn tuyệt khẩu, đời nào chúng ta có thể làm được?

Tống Viễn Kiều chỉ lặng lẽ đợi Trương Thúy Sơn. Trương Thúy Sơn thần sắc hết sức thê lương, một lúc sau mới nói:

– Toàn gia Long Môn tiêu cục tiểu đệ không giết một người nào. Em không bao giờ dám quên lời dạy của sư phụ, làm lụy đến thịnh đức của huynh đệ đồng môn.

Tống Viễn Kiều nghe thế mừng lắm, thở phào một hơi. Cả bọn tuy không tin Trương Thúy Sơn đã làm chuyện tàn ác độc địa như thế, nhưng các cao tăng chùa Thiếu Lâm nhất quyết đổ riệt cho chàng, lại nói là chính mắt trông thấy, lúc ba tổng tiêu đầu lên núi vấn tội, chàng lại không ra nói rõ trái phải, mọi người không khỏi trong lòng nghi nan. Bây giờ nghe Trương Thúy Sơn nói như vậy đều cảm thấy trút đi được một nỗi lo, nghĩ thầm: ?Trong chuyện này chắc có nhiều điều khó khăn, nhưng chỉ cần không phải y giết người, thể nào mình cũng giải quyết được?.

Lúc đó Mạc Thanh Cốc mới hỏi nguyên do vì sao ba người tiêu khách đã xuống núi rồi lại quay lại. Trương Tùng Khê cười đáp:

– Trong ba gã tiêu khách đó, đúng ra người nói năng vô lễ là Vân Hạc kia nhân phẩm lại tốt hơn cả. Tại một dải Tấn Thiểm y rất có tiếng tăm, nên bí mật liên lạc hào kiệt ở Sơn Tây, Thiểm Tây cắt máu ăn thề, muốn nổi dậy đánh đuổi bọn Thát tử Mông Cổ.

Cả bọn Tống Viễn Kiều đều trầm trồ khen ngợi. Mạc Thanh Cốc nói:

– Đâu có ngờ y trong lòng lại có chí khí đến thế, thật là đáng kính đáng phục. Tứ ca, anh đừng kể vội, đợi tiểu đệ trở về hãy ?

Nói xong vội vã chạy ra cửa. Trương Tùng Khê quả nhiên ngừng lời, quay sang hỏi Trương Thúy Sơn về phong cảnh Băng Hỏa đảo. Trương Thúy Sơn nói tới việc mỗi năm sáu tháng trời sáng, sáu tháng trời tối, ai nấy ngạc nhiên. Trương Thúy Sơn nói:

– Ở nơi đó dông tây nam bắc không rõ rệt, nơi mặt trời mọc chưa hẳn là phương đông.

Chàng lại đem băng sơn và những chuyện kỳ lạ khác kể cho mọi người nghe. Còn đang nói, Mạc Thanh Cốc đã quay trở lại, nói:

– Tiểu đệ đuổi theo Vân tổng tiêu đầu ngỏ lời xin lỗi, khen y là một hảo nam từ chí khí hiên ngang.

Mọi người đều biết gã tiểu sư đệ này tính tình bộc trực nên cũng đoán được mọi sự. Mạc Thanh Cốc chạy đi chạy lại mấy dặm đường không ngại mệt mỏi, biết Vân Hạc là một người như thế, nếu không tận mặt nói vài câu cởi mối tị hiềm, ắt sẽ mấy đêm mất ngủ. Ân Lê Đình nói:

– Thất đệ, chuyện của tứ ca còn đợi chú về mới kể, nhưng ngũ ca kể chuyện quái lạ trên Băng Hỏa đảo nghe còn hay hơn nhiều.

Mạc Thanh Cốc nhảy dựng lên, kêu:

– A, vậy ư?

Trương Tùng Khê nói tiếp:

– Gã Vân Hạc kia trù tính mọi sự ?

Mạc Thanh Cốc xua tay ngăn lại:

– Tứ ca, xin lỗi, xin tứ ca đợi thêm một chút ?

Trương Thúy Sơn mỉm cười:

– Thất đệ không lúc nào chịu thiệt.

Nói xong chàng đem mọi chuyện kỳ lạ trên Băng Hỏa đảo thuật lại một lần nữa. Mạc Thanh Cốc kêu lên:

– Kỳ quái, kỳ quái. Tứ ca, bây giờ anh nói được rồi.

Trương Tùng Khê nói:

– Gã Vân Hạc đó trù tính mọi kế hoạch, chỉ đợi đến ngày là các nơi Thái Nguyên, Đại Đồng, Phần Dương ba xứ nhất tề khởi nghĩa. Nào ngờ trong số người cùng ăn thề lại có một tên phản bội, ba ngày trước khi khởi sự, ăn cắp danh sách của những người cùng mưu toan, luôn cả kế hoạch do chính tay Vân Hạc viết đến báo cáo cho quan binh Mông Cổ.

Mạc Thanh Cốc vỗ đùi kêu lên:

– Chao ôi, thế thì nguy quá.

Trương Tùng Khê kể tiếp:

– May thay việc cũng xảo hợp, lúc đó đệ lại đang ở Thái Nguyên, có việc phải vào trong phủ đường, nửa đêm thấy tên tri phủ và tên bạn đồ thì thào bàn định, nghe chúng định cách nào mật báo triều đình, một mặt điều binh khiển tướng, quăng một mẻ lưới bắt sạch bọn người đang mưu định khởi nghĩa. Tiểu đệ liền nhảy vào giết luôn cả tên tri phủ lẫn gã phản bội, nhặt lấy trù hoạch thư và danh sách, quay trở về nam.

Vân Hạc thấy danh sách và kế hoạch khởi sự bị mất cắp, biết rằng đại sự không xong, chẳng những việc khởi nghĩa hỏng đã đành mà tất cả những người có tên trên danh sách đó cũng sẽ bị cái họa toàn gia tru lục, vội vàng nửa đêm truyền tin cho nhau, để mọi người bôn tẩu trốn tránh. Thế nhưng lúc đó cửa thành đã đóng rồi, muốn thông tin cũng không được. Sáng hôm sau tin quan phủ bị giết truyền ra, thành Thái Nguyên đóng lại truy tầm thích khách.

Vân Hạc lòng như lửa đốt, thân phận chẳng khác gì con kiến bò trong chảo nóng, nghĩ gia đình mình tất cả bị chém đầu đã đành mà hai tỉnh Tấn Thiểm cũng không biết bao nhiêu nghĩa sĩ bị họa. Nào ngờ đợi mấy ngày sau vẫn thấy an nhiên vô sự, về sau không tìm ra thích khách, việc tra hỏi rồi cũng lơi đi, mọi việc đâu lại vào đấy. Bọn họ thấy tên phản bội cũng chết trong phủ đường, biết rằng có người bí mật cứu mình, nhưng không cách nào biết được là chính tiểu đệ làm.

Ân Lê Đình nói:

– Thế vừa rồi tứ ca giao lại cho y chắc là danh sách và trù hoạch thư, phải không?

Trương Tùng Khê đáp:

– Đúng thế.

Mạc Thanh Cốc hỏi:

– Còn Cung Cửu Giai thì sao? Tứ ca giúp y cái gì?

Trương Tùng Khê đáp:

– Tên Cung Cửu Giai này võ công cao cường lắm, thế nhưng nhân phẩm hành vi không thể nào so với Tổng tiêu đầu Vân Hạc được. Sáu năm trước, y bảo tiêu đến Vân Nam, ở Côn Minh nhận lời gửi gấm của một lái buôn, chuyển một chuyến châu ngọc đáng giá tới sáu mươi vạn lạng bạc châu báu tới Đại Đô . Thế nhưng khi tới Giang Tây thì việc không hay xảy ra, bên hồ Bà Dương, bị ba trong số Bà Dương tứ nghĩa vây đánh, cướp mất tài hóa. Mất chuyến này, Cung Cửu Giai dù có khuynh gia đãng sản cũng không đền nổi số châu báu đã nhận, nhất là Yến Vân tiêu cục lại đứng đầu các tiêu cục ở phương bắc, một khi y hạ bảng rồi, sau này ai còn làm ăn gì được nữa. Y nằm trong khách điếm suy qua nghĩ lại, cuối cùng toan kết liễu cuộc đời.

Bà Dương tam nghĩa vốn không phải lục lâm đại đạo, sao lại đi cướp món châu báu này? Thì ra lão đại trong tứ nghĩa phạm tội, đang bị giam trong nhà lao ở phủ Nam Xương, nay mai sẽ bị xử chém. Tam nghĩa đã hai lần cướp nhà tù nhưng không cứu được người anh cả, quan phủ lại càng phòng phạm nghiêm nhặt hơn. Bà Dương tam nghĩa biết y tham tiền, nên toan đem số châu báu đó hối lộ để y giảm khinh tội danh cho lão đại. Tiểu đệ thấy bốn anh em thật là nghĩa khí, nên tìm cách cứu lão đại ra khỏi nhà lao, yêu cầu bọn họ đem châu báu trả lại cho Cung Cửu Giai. Gã tổng tiêu đầu đó tuy mặt mày đáng ghét, ăn nói vô duyên, nhưng bình sinh cũng chưa làm điều gì ác, tại Đại Đô cũng không giao kết quan phủ, hà hiếp người lương thiện, có cứu mạng y cũng là chuyện tốt. Đệ nói Bà Dương tứ nghĩa không được đề cập đến tên Trương Tùng Khê, chỉ giữ lại mảnh gấm đoạn dùng để bọc châu báu lại thôi. Lúc nãy tiểu đệ đem trả lại mảnh gấm đó, y phải biết ngay là chuyện gì rồi.

Du Liên Châu gật đầu:

– Việc này tứ đệ làm là đúng lắm. Gã Cung Cửu Giai không nói làm chi, nhưng cứu Bà Dương tứ nghĩa thì phải ra tay.

Mạc Thanh Cốc nói:

– Tứ ca, thế còn Kỳ Thiên Bưu thì anh giao cái gì thế?

Trương Tùng Khê nói:

– Đó là chín mũi Đoạn Hồn Ngô Công tiêu[9].

Năm người nghe nói đều ?A? lên một tiếng. Đoạn Hồn Ngô Công tiêu cũng khá nổi danh trên giang hồ, là ám khí thành danh của đại hào Ngô Nhất Manh đất Kinh Châu. Trương Tùng Khê nói:

– Chuyện này quả thực tiểu đệ lớn mật quá, đến bây giờ nghĩ lại, hôm đó quả thực nguy hiểm. Gã Kỳ Thiên Bưu bảo tiêu đi qua Đồng Quan[10], vô ý gây chuyện với đệ tử của Ngô Nhất Manh, hai người động thủ, Kỳ Thiên Bưu xuất chưởng đánh y bị thương nặng. Kỳ Thiên Bưu biết mình gây ra đại họa, vội vàng giao lại tiêu ngân, đang đêm lẻn trốn về Kim Lăng, tụ tập bằng hữu, hợp lực đối phó với Ngô Nhất Manh. Thế nhưng y vừa tới Lạc Dương thì bị Ngô Nhất Manh đuổi kịp, hẹn với y hôm sau ở bên ngoài cửa tây thành Lạc Dương tỉ thí.

Ân Lê Đình nói:

– Ngô Nhất Manh võ công cao cường lắm, Kỳ Thiên Bưu làm sao là đối thủ của y được?

Trương Tùng Khê đáp:

– Đúng thế. Kỳ Thiên Bưu cũng biết tài nghệ y, không sao đỡ nổi một mũi tiêu của Ngô Nhất Manh, nhưng không còn cách nào khác, nên đến gặp anh em họ Kiều ở Lạc Dương nhờ giúp đỡ. Kiều thị huynh đệ liền nhận lời, nói: ?Bằng vào võ công anh em chúng tôi, Kỳ đại ca chắc cũng biết quyết không sao địch lại Ngô Nhất Manh đâu. Thế nhưng đại ca đã gọi chúng tôi ra, có thì cũng chỉ đứng ngoài la hét trợ uy thôi. Được rồi, ngày mai giờ ngọ, bên ngoài cửa thành phía tây, anh em chúng tôi thể nào cũng có mặt?.

Mạc Thanh Cốc nói:

– Anh em họ Kiều cũng là tay sử dụng ám khí có hạng, có họ giúp sức, Kỳ Thiên Bưu lấy ba địch một, may ra đánh ngang tay được với Ngô Nhất Manh. Nhưng không biết bên phía Ngô Nhất Manh có còn ai không?

Trương Tùng Khê nói:

– Ngô Nhất Manh chẳng có ai khác, nhưng có điều anh em họ Kiều chơi khăm. Sáng hôm sau, Kỳ Thiên Bưu đến nhà họ Kiều, toan cùng họ thảo luận sách lược nghinh địch, nào ngờ người giữ cửa nói là: ?Đại gia và nhị gia sáng sớm nay có chuyện gấp phải đi Trịnh Châu, dặn Kỳ lão gia đừng chờ nữa?. Kỳ Thiên Bưu nghe nói thế tưởng chừng giận muốn vỡ bụng mà chết. Mấy năm trước anh em họ Kiều có chuyện ở Giang Nam, Kỳ Thiên Bưu từng giúp đỡ họ rất nhiều, nào ngờ khi nguy nan nhờ cứu viện, anh em họ mồm nói thật ngọt tai, nhưng chân lại bôi mỡ, chạy bay chạy biến. Kỳ Thiên Bưu biết Ngô Nhất Manh tâm địa ác độc, ước hội này không sao trốn tránh được, đành về khách điếm viết một lá thư để lại, tính toán hậu sự, giao cho người đưa tin xong, còn mình đi ra ngoài thành phó ước.

Chuyện này trước sau đều lọt vào mắt tiểu đệ. Hôm đó đệ giả trang làm một người ăn mày, bôi mặt nằm ở một gốc cây lớn ngoài thành phía tây. Chẳng mấy chốc Ngô Nhất Manh và Kỳ Thiên Bưu trước sau đến đó, hai người ra tay đánh nhau. Đấu được vài hiệp, Ngô Nhất Manh liền giở sát thủ ném ra một mũi Đoạn Hồn Ngô Công tiêu. Kỳ Thiên Bưu thấy không cách nào đỡ được, nhắm mắt chờ chết. Tiểu đệ liền lướt ra, giơ tay bắt lấy mũi tiêu. Ngô Nhất Manh vừa sợ vừa tức, quát hỏi đệ có phải là người của Cái Bang không? Tiểu đệ chỉ cười hì hì không trả lời.

Ngô Nhất Manh liên tiếp ném ra tám mũi Ngô Công tiêu. Ám khí thành danh của y quả thực phi thường, nếu như dùng võ công bản môn để bắt thì không có gì là khó. Tuy nhiên tiểu đệ sợ y nhìn ra được, nên cố giả cách chân trái bị què, tay phải cụt, chỉ dùng một tay trái, lại dùng cách bắt phi tiêu của phái Thiếu Lâm, lòng bàn tay úp xuống đất mà bắt, bắt tất cả chín mũi phi tiêu, nhưng lòng bàn tay bị mũi độc tiêu thứ bảy của y cào xước, thật là mười phần nguy hiểm. Quả nhiên y quát hỏi đệ là học trò của vị cao tăng nào trong phái Thiếu Lâm, tiểu đệ giả câm ú ớ, nói năng ấp úng một hồi. Ngô Nhất Manh biết rằng không địch nổi, tức giận bỏ đi, trở về Kinh Châu đóng cửa không ra ngoài nữa, mấy năm nay không thấy xuất hiện trên giang hồ.

Mạc Thanh Cốc lắc đầu:

– Tứ ca, Ngô Nhất Manh tuy không phải là phường lương thiện, nhưng gã Kỳ Thiên Bưu cũng chẳng tốt lành gì, hôm đó nếu như tứ ca bị thương bởi Ngô Công tiêu, có phải khổ không? Chuyện đó mạo hiểm quả thực không đáng gì.

Trương Tùng Khê cười đáp:

– Thì cũng vì ta nhất thời hiếu sự, lúc trước đâu có ngờ rằng những mũi phi tiêu Ngô Công đó lợi hại đến thế.

Mạc Thanh Cốc tính tình sảng trực, làm sao hiểu chân ý của việc Trương Tùng Khê làm, nhưng Trương Thúy Sơn thì hiểu ngay tứ ca tận tâm kiệt lực chẳng qua chỉ để giải tỏa cái vụ đại cừu toàn gia Long Môn tiêu cục bị giết mà thôi. Anh ấy biết Hổ Cứ đứng đầu các tiêu cục vùng Giang Nam, các đầu não tiêu cục một dãy Dực Lỗ đều thuộc Yến Vân, các tỉnh tây bắc thì Tấn Dương tiêu cục là nhất. Sau này nếu chuyện Long Môn tiêu cục xảy ra, ba tiêu cục này nhất định đứng ra nên anh ấy phải ra tay giúp cho ba điều ân huệ. Ba chuyện đó nhìn qua thì tưởng ngẫu nhiên, nhưng thực ra Trương Tùng Khê đã cố gắng tìm tòi, chờ đợi cơ hội, không biết tốn mất bao nhiêu thời gian, bao nhiêu tâm huyết.

Trương Thúy Sơn nghẹn ngào nói:

– Tứ ca, anh em mình tình huynh đệ như tay chân, tiểu đệ không dám nói đến chữ ?tạ?, cũng chỉ vì đệ muội trước đây sai trái, gây ra cái đại họa này.

Chàng đem chuyện Ân Tố Tố cải trang như thế nào, đang đêm đến giết toàn bộ gia quyến của Long Môn tiêu cục kể lại đầu đuôi, sau cùng nói:

– Tứ ca, chuyện này rồi sẽ kết thúc ra sao, xin tứ ca tính cho tiểu đệ một điều.

Trương Tùng Khê trầm ngâm hồi lâu nói:

– Việc này phải nhờ sư phụ chỉ thị. Nhưng ta thiết tưởng người chết rồi không sống lại được, đệ muội đã bỏ ác làm lành, không còn là cô gái giết người không chớp mắt khi xưa. Tri quá năng cải, thiện mạc đại yên[11]. Đại ca nghĩ có phải không?

Tống Viễn Kiều phải đối phó chuyện đại sự liên quan đến mấy chục nhân mạng, nhất thời trù trừ không quyết định được. Du Liên Châu gật đầu nói:

– Đúng thế.

Ân Lê Đình sợ nhất là nhị ca, biết đại ca là người dễ tính, dễ dàng xuôi theo, còn Du Liên Châu là người thiết diện vô tư, ghét kẻ ác như kẻ thù, e sẽ làm khó khăn cho ngũ tẩu, nên từ trước tới nay vẫn canh cánh không yên. Chàng đâu hay Du Liên Châu biết chuyện này từ trước, đã tha thứ cho Ân Tố Tố nên thấy nhị ca gật đầu, trong lòng vui sướng nói:

– Thế thì ai hỏi tới, ngũ ca cứ nói không phải mình giết. Cái đó cũng không nói sai, vì ngũ ca đâu có làm.

Tống Viễn Kiều trừng mắt nhìn Ân Lê Đình:

– Nếu cứ chối tội như thế, lòng ngũ đệ sao an? Chúng ta mang tiếng hiệp nghĩa, lòng mình sao an?

Ân Lê Đình vội nói:

– Thế thì làm sao bây giờ?

Tống Viễn Kiều nói:

– Theo ý ngu huynh, đợi khi tiệc thọ của sư phụ xong rồi, chúng ta trước hết đi tìm đưa con của ngũ đệ, sau đó sẽ mở anh hùng đại hội tại Hoàng Hạc Lâu. Khi chuyện Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn kết thúc rồi, sáu người sư huynh đệ chúng ta, thêm cả ngũ đệ muội, bảy người cùng xuống Giang Nam, trong vòng ba năm, mỗi người phải làm cho được mười điều thiện.

Trương Tùng Khê vỗ tay reo lên:

– Đúng thế, đúng thế. Long Môn tiêu cục chết uổng bảy mươi người, mỗi người chúng ta làm mười điều thiện, cứu được một hai trăm người vô tội, xem ra miễn cưỡng có thể bỏ qua được.

Du Liên Châu nói:

– Đại ca tính thế cũng ổn, sư phụ chắc cũng bằng lòng. Nếu không thì dù có bắt ngũ đệ muội đền mạng cho bảy mươi mạng người của Long Môn tiêu cục, cũng chỉ chết thêm một người, có ích lợi gì?

Trương Thúy Sơn tới nay vẫn lo lắng, nghe đại sư ca an bài như thế, trong lòng thật mừng nói:

– Để tiểu đệ nói cho Tố Tố hay.

Chàng nói cho vợ nghe những lời Tống Viễn Kiều vừa nói, lại báo tin sau khi anh em chúc thọ sư phụ rồi, sẽ cùng nhau đi tìm Vô Kỵ. Ân Tố Tố vốn không bệnh tật gì nhiều, chỉ vì thương nhớ con mà thành ốm, nghe trượng phu nói như thế, nghĩ thầm bằng tài sức của sáu người trong Võ Đương lục hiệp, thể nào cũng đem được Vô Kỵ trở về, nàng mới khoan tâm.

Trương Thúy Sơn lại đi thăm Du Đại Nham, sư huynh đệ gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi, mỗi người mang một tâm sự.

[1] Áo dệt bằng sợi dây sắn (pueraria thunbergiana)

[2] dao đài là cái lầu bằng ngọc dao, ý nói càng tăng vẻ đẹp

[3] chỉ bộ áo cà sa và bát khất thực của nhà sư đời trước truyền cho đời sau. Nguyên nghĩa chỉ dùng cho Thiền tông mà thôi, đây nói chung về việc truyền chức chưởng môn của một môn phái.

[4] Loại tên bắn ra có tiếng kêu rít, dùng để báo hiệu (sounding-arrow)

[5] Ngọc không mài dũa, không thành đồ vật.

[6] Nguyên tác kháng là một loại giường xây bằng gạch, dưới có đốt than cho ấm

[7] gió từ tay áo ra

[8] ra quân hỏi tội

[9] mũi phi tiêu có hình con rết (ngô công)

[10] thuộc tỉnh Thiểm Tây

[11] biết sai lầm mà sửa đổi, là một điều tốt lớn vậy

Chọn tập
Bình luận
× sticky