Cố sinh người Giang Nam, làm khách ở huyện Tắc Hạ (tỉnh Sơn Đông) bị đau mắt, ngày đêm rên rỉ, không thuốc men nào chữa được. Hơn mười hôm thì đỡ đau, nhưng cứ nhắm mắt lại là thấy một tòa phủ đệ lớn, bốn năm lần tới chỉ thấy cổng khép hờ, sâu bên trong có người qua lại nhưng nhìn từ xa không thấy rõ gì cả. Một hôm đang chăm chú nhìn ngó chợt thấy mình đã lọt vào bên trong, qua ba lần cửa vẫn không gặp một ai. Có tòa sảnh đường lớn dưới trải thảm lông màu đỏ, nhìn vào thấy bên trong toàn là trẻ con, đứa thì ngồi, đứa thì đứng, đứa thì bò, không biết bao nhiêu mà kể. Đang khi ngạc nhiên thì một người từ nhà trong đi ra nhìn sinh nói “Tiểu vương tử vừa nói có khách xa tới, quả đúng”, rồi mời vào.
Cố ngần ngại không dám, người ấy ép mãi mới vào. Hỏi đây là đâu, người ấy đáp “Phủ đệ của vương thế tử thứ chín, thế tử bị sốt rét mới khỏi, hôm nay tân khách tới mừng, tiên sinh thật là có duyên”, chưa dứt lời lại có người từ trong chạy ra giục vào mau. Phút chốc tới một nơi đình đài chạm trổ, lan can sơn son, có một ngôi điện quay mặt về hướng bắc, thềm gồm chín bậc, lên tới nơi thì khách đã đông đủ. Thấy một thiếu niên ngồi ngoảnh mặt về phía bắc, Cố biết là vương tử bèn sụp lạy, khách khứa đều đứng cả dậy, vương tử kéo Cố vào dãy bàn phía đông. Uống được vài chén thì đàn sáo trổi lên, các ca kỹ lên thềm diễn vở Hoa Phong chúc*.
* Hoa Phong chúc: sử chép có người đất Hoa Phong tới chúc thọ vua Nghiêu, người sau lấy tích này diễn thành kịch. Đây có ý chúc thọ vương tử.
Mới được ba màn thì chủ quán trọ và đầy tớ đưa cơm trưa vào, tới đầu giường gọi, Cố nghe thấy rất rõ ràng, sợ vương tử biết song chẳng ai nghe thấy cả. Bèn nói thác là thay áo bước ra, ngước nhìn thì mặt trời đã xế, thấy đầy tớ đứng ngay đầu giường mới sực hiểu là chưa từng rời khỏi quán trọ. Lòng áy náy muốn quay lại ngay, bèn bảo người đầy tớ đóng cửa ra ngoài. Vừa nhắm mắt lại thì thấy cung điện nhà cửa như cũ, vội vàng theo đường cũ trở vào, tới chỗ đám trẻ con lúc nãy thì không thấy đứa nào nữa mà chỉ có vài mươi người tóc rối lưng gù nằm ngồi bên trong, thấy Cố cùng cất tiếng chửi mắng “Đồ vô lại ở đâu vào đây nhòm ngó thế”. Cố hoảng sợ không dám phân trần, rảo bước ra phía sau, lên điện ngồi lại chỗ cũ, thấy trên cằm vương tử đã mọc thêm bộ râu. Vương tử cười hỏi đi đâu, tuồng đã diễn tới màn bảy rồi, rồi lấy chén lớn ra phạt.
Giây lát diễn xong, đám ca kỹ lại trình danh sách các vở tuồng lên, Cố chấm vở Bành Tổ lấy vợ*. Bọn ca kỹ lập tức lấy chén gáo dừa dâng rượu, phải tới năm đấu. Cố rời chiếu từ tạ, nói thần bị đau mắt, không dám uống say. Vương tử nói “Ông đau mắt thì có quan Thái y ở đây, cứ nhờ khám cho”. Trong dãy bàn phía đông lập tức có một người bước tới lấy hai ngón tay vạch mí mắt Cố ra, rồi lấy trâm ngọc chấm thuốc mỡ trắng tra vào, bảo nhắm mắt ngủ một lúc. Vương tử sai tiểu đồng dắt Cố vào phòng trong bảo nằm, thấy chăn nệm êm ấm thơm tho nên ngủ quên luôn. Không bao lâu chợt nghe tiếng chiêng khua ran, giật mình tỉnh dậy, ngờ là bên ngoài còn đang diễn tuồng, mở mắt nhìn thì ra là con chó trong quán trọ đang liếm dầu trong chảo, mà mắt dường như đã khỏi đau hẳn. Vội nhắm mắt lại nhưng không thấy gì nữa cả.
*Bành Tố cưới vợ: Sử ký của Tư Mã Thiên chép Bành Tổ thọ tám trăm tuổi, sống qua ba đời vua, cưới bốn mươi chín người vợ, có năm mươi bốn con trai, người sau lấy tích này diễn thành kịch. Đây có ý chúc tụng vương tử sống lâu, có nhiều con nối dõi.