Đới sinh ở An Khánh (tỉnh thành An Huy), lúc trẻ tính bừa bãi không kiềm thúc. Một hôm say rượu từ nơi khác về, dọc đường gặp người anh họ ngoại là Quý sinh, lúc đang say mờ mịt cũng quên mất là Quý sinh đã chết, bèn hỏi “Trước nay ở đâu?”. Quý nói “Ta đã chết rồi, ông quên hay sao?”. Đới mới sực nhớ ra nhưng đang say cũng không sợ hãi, bèn hỏi “Ông làm gì dưới âm ty?”, Quý đáp “Gần đây làm chức giữ sổ sách cho Chuyển Luân vương điện hạ*”. Đới nói “Nếu thế thì chắc ông biết được họa phúc của mọi người”, Quý nói “Đó là chức phận của ta, sao lại không biết? Chỉ là nhiều quá, nếu không phải là người thật thân thiết thì không nhớ kỹ thôi.
*Chuyển Luân vương điện hạ: theo truyền thuyết dưới âm phủ có mười vua, trong đó Chuyển Luân vương coi việc cho các hồn ma đi đầu thai.
Ba hôm trước tình cờ soát lại sổ sách, thấy có tên ông”. Đới vội hỏi trong ấy viết thế nào, Quý đáp “Thật không dám dối, tên ông có trong số những người bị giam vào ngục tối”. Đới cả sợ tỉnh rượu hẳn, năn nỉ xin cứu giúp. Quý nói “Đây không phải là việc ta giúp được, chỉ có việc thiện là có thể giải cứu thôi. Nhưng sổ sách ghi tội lỗi của ông dày cả ngón tay, không có việc thiện lớn thì không cứu được, mà Tú tài nghèo khó thì làm sao làm được việc gì lớn. Thôi cứ lập tức mỗi ngày làm một việc thiện, không hơn một năm như vậy thì không được xét tới đâu. Bây giờ đã muộn rồi, giả như cố sức thì may ra có thể thoát khỏi địa ngục”. Đới nghe thế rơi nước mắt lạy rạp xuống đất cầu khẩn, khi ngẩng lên thì Quý đã biến mất bèn buồn bã trở về.
Từ đó sửa lòng đổi nết, không dám sơ sẩy. Trước kia Đới tư thông với người đàn bà láng giềng, người chồng biết nhưng không nói ra, định rình bắt quả tang, nhưng Đới đã sửa nết không đi lại với người đàn bà nữa, người chồng rình mãi không bắt được căm tức lắm. Một hôm gặp nhau ngoài ruộng bèn giả vờ trò chuyện, lừa Đới tới cái giếng cạn rồi xô xuống. Giếng sâu mấy trượng nên y nghĩ thế nào Đới cũng chết, nhưng nửa đêm thì Đới tỉnh dậy, ngồi dưới giếng gào lớn mà không ai biết. Người láng giềng cũng sợ Đới sống lại, sáng hôm sau tới nghe ngóng, nghe tiếng Đới kêu cứu vội ném đá xuống. Đới lùi vào hốc dưới giếng, không dám kêu nữa, người láng giềng biết là chưa chết bèn xúc đất lấp giếng đầy gần tới miệng.
Cái hốc dưới giếng tối om, thật không khác gì địa ngục, Đới không có gì ăn, nghĩ thầm ắt phải chết. Lom khom bò vào trong khoảng ba bước thì đều là nước, không sao đi tiếp bèn quay lại ngồi chỗ cũ, ban đầu thì thấy đói bụng, hồi lâu cũng quên đi. Nhân nghĩ dưới suối vàng không có điều thiện gì mà làm, đành niệm Phật mà thôi. Kế thấy lửa ma trơi bay túa tới lập lòe đầy hang, bèn khấn “Nghe nói lửa ma trơi đều là hồn ma chết oan, ta tuy còn sống nhưng cũng khó trở về, nếu có thể trò chuyện được với nhau thì cũng đỡ tịch mịch”. Chỉ thấy các đốm lửa ma trơi đều họp cả trên mặt nước, trong mỗi đốm đều có một người cao khoảng nửa người thường. Sinh hỏi từ đâu tới, họ đáp “Đây là cái hầm than cũ, chủ nhân đào lấy than động tới ngôi mộ cũ bị tướng công Long Phi khoét đất dẫn nước biển vào dìm chết bốn mươi ba người, bọn ta đều là các hồn ma ấy”.
Sinh hỏi tướng công là ai, họ đáp “Không biết, nhưng tướng công là kẻ sĩ văn học, nay làm mạc khách của Thành hoàng, ông cũng thương bọn ta vô tội mà chết nên cứ năm ba ngày lại cho một bữa cháo loãng. Nhưng xương cốt bọn ta bị dầm trong nước lạnh không có ngày siêu thăng, nếu ông trở về được nhân thế xin vớt mớ xương tàn xây cho ngôi mộ làm phúc thì bọn ta dưới suối vàng được đội ơn nhiều lắm”. Đới nói “Nếu vạn nhất được trở về thì chuyện ấy có khó gì? Chỉ là thân dưới chín suối, làm sao dám mong ngày thấy lại mặt trời”. Nhân dạy đám ma niệm kinh Phật, vê đất làm tràng hạt, cứ theo đủ tạng số mà đọc, không biết ngày đêm thế nào, cứ mệt thì ngủ, thức thì ngồi niệm Phật mà thôi.
Chợt thấy chỗ sâu bên trong có ánh đèn lồng, bọn ma mừng rỡ nói “Tướng công Long Phi cho ăn đấy”, rồi rủ Đới cùng đi. Đới sợ nước sâu, đám ma ép kéo đi, phất phới bay lên, quanh co chừng nửa dặm, tới một chỗ thì buông xuống bảo tự đi càng đi càng lên cao như bước lên bậc thang cao vài trượng, hết bậc thang thấy phòng ốc, trên sảnh đường có một ngọn nến cháy sáng, to bằng cánh tay. Đới đã lâu không thấy đèn lửa, mừng quá rảo bước tới, thấy ở trên có một ông già ngồi, mặc áo đội mũ nhà nho. Đới dừng chân không dám bước tới nữa song ông già đã nhìn thấy, kinh ngạc hỏi người lạ từ đâu tới đây.
Đới bước lên quỳ xuống thưa chuyện mình, ông già nói “Té ra là cháu năm đời của ta”. Bèn bảo đứng dậy cho ngồi, tự nói “Ta tên là Đới Tiềm, tự Long Phi, trước đây vì đứa cháu hư là Đường kết đảng với bọn xấu, đào hầm than gần mộ khiến lão phu không được yên ổn dưới suối vàng nên khơi nước biển dìm chết cả bọn, người là con cháu dòng nào?”. Đại khái họ Đới có năm chi, Đường là ngành trưởng, lúc đầu có nhà thế gia trong huyện đút tiền cho Đường để đào hầm lấy than cạnh mộ tổ, các em sợ thế lực nên không ai dám cãi lại. Không bao lâu nước dưới đất vọt ra, những người đào than đều chết dưới hầm, gia đình họ họp nhau thưa kiện, Đường và nhà thế gia kia vì thế trở nên nghèo khó, con cháu Đường đến nỗi không có tấc đất cắm dùi.
Đới là dòng dõi của em Đường, từng nghe ông cha kể lại chuyện ấy, bèn thưa với ông tổ. Ông già nói “Hư hỏng như thế thì con cháu làm sao mà khá được? Cháu đã tới đây, phải tiếp tục học hành”. Rồi lấy rượu thịt cho ăn uống, kế đem sách đặt lên bàn, đều là những văn trường ốc trong niên hiệu Thành Hóa Hoằng Trị thời Minh (1465-1505) bắt phải học, lại ra đề bài cho làm văn như thầy dạy trò. Nến trong sảnh đường đều sáng, cắt bấc đi cũng không tắt. Đới cứ lúc mệt thì ngủ, không biết đang ngày hay đêm. Ông già lúc đi vắng thì sai một tiểu đồng tới hầu hạ, lâu như trải qua mấy năm nhưng may mà không phải chịu khổ. Có điều là không có sách gì khác để đọc, chỉ có trăm bài văn bát cổ, vài ngàn bài thơ mà thôi. Một hôm ông già nói “Cháu đã hết hạn quả báo, sắp được trở về nhân thế. Chỗ mộ ta có đường hầm đào than xoi vào, gió âm châm chích xương cốt, sau này cháu đắc chí rồi hãy dời mộ ta ra cánh đồng phía đông”. Đới cung kính vâng dạ. Ông già bèn gọi bọn ma tới sai đưa Đới ra chỗ cũ, đám ma lạy rạp nghe lệnh, nhưng Đới cũng không biết làm sao mà lên khỏi giếng được.
Trước là gia đình thấy Đới mất tích, tìm kiếm khắp nơi, mẹ lên báo quan, bắt bớ đòi gọi rất nhiều người mà không có chút manh mối gì. Qua ba bốn năm, quan thôi giữ chức, việc tìm kiếm tra xét cũng thưa dần, vợ Đới không chờ được bèn xin lấy chồng khác. Gặp lúc người làng vét giếng cũ, vào trong hốc thấy Đới, vỗ về thấy chưa chết cả sợ báo cho gia đình biết, cáng về nhà mấy ngày mới nói được, kể lại mọi chuyện đã qua. Sau khi Đới rơi xuống giếng, người láng giềng cãi vã rồi giết chết vợ, bị cha vợ thưa kiện, giam nhốt xét xử hơn một năm, chỉ còn bộ da bọc xương trở về, nay nghe tin Đới sống lại cả sợ bỏ trốn. Người trong họ bàn xin thưa quan trừng trị, Đới không nghe, cứ nói “Trước đây là ta chuốc lấy tội, chuyện đó là âm ty trừng phạt chứ y có can dự gì?”, người láng giềng thấy không có ý gì khác bèn lần mò trở về.
Nước dưới giếng đã vét sạch, Đới thuê người xuống thu nhặt xương cốt, đều sắm quan tài chôn cất ở nghĩa địa làm phúc. Lại giở tới gia phả thấy có tên Tiềm tự Long Phi, bèn sắm sửa lễ vật ra cúng tế trước mộ. Quan Học sứ nghe chuyện lạ, lại khen ngợi văn bài của Đới, khoa ấy lấy Đới làm hạng ưu cho đi thi hương, kế Đới thi đỗ Cử nhân. Đới trở về liền xây dựng phần mộ ở cánh đồng phía đông, dời mộ Long Phi ra đó, xuân thu cúng tế, hương lửa không dứt.
Dị Sử thị nói: Làng ta có người đào than, hầm than bị nước ngập, hơn mười người bị khốn dưới đó. Người ta múc nước tìm xác hơn hai tháng mới cạn mà hơn mười người không ai chết cả. Té ra lúc nước đổ tới thì họ cũng bị vây trên chỗ cao nên không bị chết đuối. Dòng dây xuống đưa lên, gặp gió thì tắt thở, một ngày một đêm mới tỉnh lại. Mới biết người ta ở dưới đất thì cũng như chim rắn côn trùng, nhất thời chưa thể chết được. Nhưng chưa có ai sống được suốt mấy năm dưới đất, nếu không phải là kẻ chí thiện thì ba năm liền sống trong địa ngục làm sao có thể sống mà trở về.