Tiến sĩ họ Thiệu tên Sĩ Mai là người huyện Tế Ninh (tỉnh Sơn Đông), lúc đầu làm Giáo thụ phủ Đăng Châu (tỉnh Sơn Đông). Có hai người Tú tài già sai người hầu đưa danh thiếp xin gặp, Thiệu thấy tên họ rất quen, nghĩ ngợi hồi lâu sực nhớ ra kiếp trước của mình, bèn hỏi người hầu có phải hai viên Tú tài ở thôn nọ thôn nọ không, lại hỏi tới phong thái thường ngày của họ, nhất nhất đều đúng. Đến lúc hai người vào gặp, cầm tay trò chuyện thân mật như quen nhau từ lâu. Thiệu hỏi Cao Đông Hải gần đây ra sao, hai người đáp đã chết đói trong ngục hơn hai mươi năm rồì, nay còn một con trai làm dân đen ở làng, nhưng sao Thiệu biết? Thiệu cười nói “Đó là người họ hàng của ta”.
Trước kia Cao Đông Hải là kẻ du thủ du thực nhưng tính tình hào sảng, trọng nghĩa khinh tài. Có người thiếu thuế phải bán con gái, Cao dốc túi ra đóng thay. Tới chơi bời ở một kỹ viện, trong kỹ viện che giấu một tên cướp, quan lùng bắt rất gấp, tên cười bèn chạy tới ẩn núp ở nhà Cao. Quan biết được bắt Cao, tra tấn nặng nề, Cao vẫn không khai, kế chết trong ngục. Ngày Cao chết là ngày Thiệu chào đời. Sau Thiệu tới thôn ấy, chu cấp cho vợ con của Cao, xa gần nghe thấy đều cho là chuyện lạ. Chuyện này là quan Thiếu tễ họ Cao kể lại, Thiệu là bạn đồng niên với Công tử Cao Dục Lương.
Phụ: Một Truyện Trong Trì Bắc Ngẫu Đàm
(Trì Bắc Ngẫu Đàm Nhất Tắc)
Bạn đồng niên với ta* là Thiệu Sĩ Mai ở huyện Tế Ninh, tự Dịch Huy, đỗ Cử nhân năm Tân mão đời Thuận Trị (1651), đỗ Tiến sĩ năm Kỷ hợi (1659), nhớ được kiếp trước mình là Cao Đông Hải người huyện Thê Hà (tỉnh Sơn Đông). Vợ ông là Mỗ thị, lúc chết nói rằng “Phải làm vợ chồng với nhau ba kiếp, kiếp sau thiếp sẽ thác sinh vào nhà họ Đổng huyện Quán Đào (tỉnh Sơn Đông), ở ngôi nhà thứ ba chỗ ngoặt cạnh bờ sông Lâm Hà. Sau khi ông bãi quan về, lúc tới ở chùa Tiêu Tự đọc kinh Phật nên tìm thiếp ở đó”. Sau Thiệu làm Giáo thụ phủ Đăng Châu, có lần được lệnh kiêm giữ chức Huấn đạo huyện Thê Hà bị khuyết, lúc rảnh rỗi tới hỏi chỗ ở cũ của Cao Đông Hải, tìm được một người cháu nội, bèn mua nhà của ruộng đất cho. Kế được thăng làm Tri huyện Ngô Giang (tỉnh Giang Tô), cáo bệnh về nghỉ, khách khứa đầy nhà.
* Ta: tức Vương Sĩ Trinh, tác giả Trì bắc ngẫu đàm.
Có người bạn đồng niên làm Tri huyện Quán Đào, Thiệu tìm tới thăm hỏi, ra ở chùa Tiêu Tự, trong chùa có một bộ kinh Phật, lúc rảnh rỗi giở ra xem. Chợt nhớ lời vợ, bèn theo bờ sông tìm, quả có họ Đổng ở nhà thứ ba chỗ ngoặt cạnh bờ sông. Trong nhà có người con gái chưa gả chồng, Thiệu kể chuyện cũ rồi xin cưới cô ta. Hơn mười năm sau, Đổng thị lại mắc bệnh, trước khi chết lại dặn Thiệu rằng “Lần này thiếp sẽ thác sinh vào nhà họ Vương ở huyện Tương Dương (tỉnh Hồ Bắc), trước cổng nhà có hai cây liễu. Vài năm nữa chàng tới tìm thiếp ở đó thì sẽ được tái hợp, sinh được hai con trai”, Thiệu theo lời quả đúng. Năm Kỷ mùi đời Khang Hy (1679) Thiệu ở kinh thường nhiều lần kể cho ta và bạn đồng niên là Thị ngư họ Phó, Đồng Thần Y, Phan Lại bộ, Trần Phục Dương nghe.
Phụ: Truyện Thiệu Sĩ Mai Của Tiên Sinh Lục Thú Sơn
(Lục Thú Sơn Tiên Sinh Thiệu Sĩ Mai truyện)
Thiệu Sĩ Mai tự Dịch Huy là người châu Tế Ninh tỉnh Sơn Đông. Kiếp trước tên Cao Tiểu Hòe, vốn là người Cao gia trang ở huyện Thê Hà, được sung chức Lý chính trong làng, lo việc chung giữ phép công, không lấy của dân một đồng. Lúc bệnh chết, thấy hai người áo xanh dáng như công sai tới bảo nhắm chặt mắt lại rồi cắp lấy mang đi rất mau, chỉ nghe bên tai gió thổi vù vù. Giây lát tới một gian phòng, hai người áo xanh bỏ đi mất, mở mắt nhìn thấy hai bà mụ đang đỡ đẻ trong màn, thì đã thác sinh vào nhà họ Thiệu rồi. Miệng không nói được nhưng trong bụng nghĩ thầm “Theo như trước mắt nhìn thấy thì nhà cửa vật dùng đều khác hẳn, nhưng chẳng lẽ cả chân tay da tóc cũng chẳng phải là ta như cũ sao?”. Đến năm hai ba tuổi biết nói rồi, cứ nói muốn tới Cao gia trang Cao gia trang thôi. Cha mẹ lấy làm lạ quát “Con nói bậy! Cao gia trang ở đâu?”.
Đến khi lớn đi học xa nhà, đem chuyện nói với thầy, thầy nói “Chuyện tiền thân ấy nên giữ kín là hơn”, từ đó không nói với ai nữa. Năm Kỷ hợi đời Thuận Trị Thiệu đỗ Tiến sĩ, nhận chức Giáo thụ phủ Đăng Châu, gặp lúc vâng lệnh kiêm giữ chức Huấn đạo huyện Thê Hà, trên đường đi ghé ngang Cao gia trang thì nhà cửa xóm làng vẫn còn như cũ, nhân họp người ở đó lại, hỏi rằng “ở đây từng có một người là Cao Tiểu Hòe phải không?”. Mọi người đáp “Có, nhưng chết đã lâu rồi”. Lại hỏi tới ngày tháng chết thì hoàn toàn khớp với ngày Thiệu sinh, bèn thuật lại mọi chuyện. Tìm tới con trai Cao, thì một đã chết, một đi vắng, chỉ có một con gái đã lấy chồng ở cách đó hơn một dặm. Gọi tới hỏi chuyện, nói những việc lúc con gái còn nhỏ đều đúng cả. Lại hỏi thăm các bậc cố lão trong làng, chỉ có một người còn sống, tóc bạc phơ phơ, đã hơn chín mươi tuổi rồi. Gặp nhau nói chuyện cũ, thân mật như quen biết đã lâu.
Sĩ Mai nhân đó sực hiểu cả mọi việc, mối ngờ vực suốt nửa đời từ đó tiêu tan, nhân vịnh thơ rằng “Hai kiếp mở toang đường sống chết, Một thân biết hết việc xưa nay”. Bèn bỏ tiền mua ruộng vườn cho con cái họ Cao. Về sau Thiệu được thăng làm Tri huyện Ngô Giang, nhân sĩ trong huyện rất truyền tụng chuyện của ông, buổi đầu ta* cũng chưa tin. Gặp lúc Cống sinh Đăng Châu Lý Viết Bạch, em ruột bạn đồng niên của ta là Viết Quế đi ngang ghé thăm, ta ngẫu nhiên nhắc tới. Viết Bạch nói “Chẳng lẽ là quan Giáo thụ phủ Đăng Châu ta là Tiên sinh Thiệu Dịch Huy sao? Chuyện đó có thật đấy, ta còn nhớ rõ mà”. Nhân kể chuyện lúc Thiệu ở Đăng Châu, thường kể chuyện cho người đồng liêu là Lý Phủ, Phủ kể lại cho Viết Bạch, nhiều lần đều như vậy. Ta bèn sắp xếp lại lời ấy, viết thành tiểu truyện. Cao Tiểu Hòe chỉ là một người Lý chính mà thôi, nhưng làm điều lành nên vẫn chết được yên lành, tái sinh nổi tiếng, huống là người khác sao? Ngày cuối tháng 5 năm Khang Hy thứ 7 (1668), Vân Gian Dã Sử Lục Minh Kha soạn.
* Ta: tức Lục Thứ Sơn tự xưng.