Ở Trung Châu có đạo sĩ đi xin ăn trong làng xóm, ăn no rồi nghe tiếng quạ kêu, bèn nói với chủ nhân coi chừng cháy nhà. Chủ nhân hỏi duyên do, đáp “Chim vừa nói Cháy nhà khó cứu, sợ lắm!”. Mọi người đều cười, không ai đề phòng. Hôm sau, quả nhiên bị cháy, lan ra luôn mấy nhà, mới phục ông ta là thần. Có người hiếu sự theo hỏi, gọi ông ta là tiên. Đạo sĩ nói “Ta bất quá là nghe hiểu được tiếng chim thôi, đâu phải là tiên”. Lúc ấy có con chim sẻ kêu trên cây, mọi người hỏi nó nói gì, đạo sĩ đáp “Chim sẻ nói: Mừng sáu nuôi mừng sáu nuôi, mười bốn mười sáu thì chôn. Chắc là nhà nào có con sinh đôi, hôm nay là mùng mười, không quá năm sáu ngày nữa thì đều chết”. Hỏi ra quả có hai đứa bé tự nhiên mà chết, ngày tháng đều đúng. Quan huyện nghe chuyện lạ, gọi đạo sĩ tới, đãi làm khách.
Gặp lúc có bầy vịt đi ngang sân, quan hỏi chúng nói gì, đạo sĩ đáp “Nội thất của minh công ắt đang có chuyện tranh cãi, vịt nói Bãi bãi, hỏi ông ta, hỏi ông ta”. Quan huyện rất phục, đại khái vì thê thiếp cãi nhau, ông ta bực mình nên bỏ ra ngoài. Một hôm khác đang ngồi, bầy vịt lại đi ngang, quan huyện lại hỏi. Đạo sĩ đáp “Lời nói hôm nay khác với hôm trước, đại khái là chuyện minh công đang tính toán thôi”. Hỏi tính toán chuyện gì, đáp “Chúng nói Sáp một trăm tám, tiền một ngàn tám”. Quan huyện thẹn, ngờ là đạo sĩ nói mỉa, đạo sĩ xin đi, quan huyện không cho. Qua mấy ngày, quan huyện tiếp khách chợt nghe tiếng chim cuốc kêu, khách hỏi, đạo sĩ đáp “Nó nói là Bãi quan về bãi quan về”. Mọi người đều ngạc nhiên biến sắc, quan huyện cả giận, đuổi đạo sĩ đi. Không bao lâu, quả nhiên việc quan huyện ăn hối lộ bị phát giác. Than ôi, vị tiên kia đã răn trước rồi, mà tiếc cho người tham lam không chịu tỉnh ngộ!
Tục đất Tế (tỉnh Sơn Đông) gọi ve là “Sảo thiên”, loại màu xanh là “Đô liễu”.Trong huyện ta có hai cha con, cùng là học trò hạng thanh xã* đi khảo khóa hàng năm. Chợt có con ve bay tới đậu vào áo, người cha mừng nói “Sảo thiên là điềm tốt”. Một đứa nhỏ thấy thế cãi “Sảo thiên đâu mà sảo thiên, đô liễu đấy”. Hai cha con không vui, kế quả nhiên đều thi rớt, bị truất về làm dân**.
* Hạng thanh xã: Học chính toàn thư chép thời Thanh có lệ khảo khóa học trò hàng năm, chia làm sáu hạng mà thăng giáng, hạng thứ năm và thứ sáu gọi là thanh và xã, nếu lại thi rớt sẽ bị truất làm dân.
** Quả nhiên… làm dân: ở đây có chỗ chơi chữ. “Sảo thiên” nghĩa đen là hơi khác đi, nên người cha mới mừng, cho là điềm thi đỗ, sẽ được lên hạng, nhưng “Đô liễu” nghĩa đen là đều thôi rồi, đây ý nói đó là điềm báo cả hai cha con cùng bị truất.
_________________