Vệ Uyên, tự Sư Hồi, người Đông A Trịnh Châu. Nghiện rượu thành tật, thông minh hơn người nhưng lười đọc sách, hơn bốn mươi tuổi vẫn tay trắng nghèo hèn, thủy chung chưa ra làm quan. Gặp lúc mùa hè nóng bức, Sư Hồi cùng bạn bè đầu hồ uống rượu, say nằm dưới tường, mơ thấy mình đang ở chỗ khác. Chợt có tin báo người nước Nhũng Miến vào cướp, cư dân dìu già cõng trẻ chạy tán loạn. Sư Hồi hốt hoảng lủi trốn, đến khi trở về thì trong nhà đều đầy những người bị bắt, một mình đi vào núi, bàng hoàng mấy năm, không chốn nương thân. Chợt gặp ba người bạn cũ là Diêm Trung Phu, Lý Hanh Gia, Vương Miễn Phu, hỏi han tình hình, cho biết vợ con đều không việc gì.
Sư Hồi cả mừng vì được quá cả lòng mong mỏi, bèn nói “Ta khốn khổ ba năm, đói rét phiêu linh, ăn bữa sáng không biết bữa tối, thường nghĩ lúc gặp gỡ vui chơi trước kia, uống một hơi hết vài đấu rượu, nay muốn được uống một chén cho đỡ khát, cũng không phải chuyện gì lớn. Các ông thấy sao?”. Trung Phu nói “Cách đây vài dặm có quán rượu, nhị muội của ta coi việc hâm rượu, rất xinh đẹp, cứ cùng tới thăm”. Sư Hồi càng mừng, vào tới chợ thì đúng như lời Trung Phu. Sư Hồi đầu tiên uống một vò, lại gọi lấy thêm rượu, thấy a hoàn bưng rượu ra có vẻ buồn rầu.
Sư Hồi trách nói “Người hàng rượu gặp khách thì phải vui vẻ, tại sao ngươi lại như thế?”. A hoàn khóc nói “Tiền bối không biết đó thôi. Vật người vừa uống không phải là lúa mạch nấu ra, mà đều là tinh huyết của người ta. Người là người cõi trần, lại vứt bỏ tiền trình, rước lấy tai họa, lúc chết sẽ bị ép cốt tủy mà làm rượu”, Sư Hồi chớp chớp mắt không tin. Cô gái bèn dẫn vào nhà trong, vòng qua sảnh lớn, thấy đồ nấu rượu bày la liệt, bên cạnh có hơn trăm người trần truồng ngồi đó, nam nữ lẫn lộn. Có hai con quỷ lớn cầm kích theo thứ tự xóc lên cho vào vò rượu, lấy đá lớn đè xuống. Máu từ miệng chảy ra, giây lát thành rượu, Sư Hồi hoảng sợ tỉnh dậy. Nhìn thấy tiểu đồng đang hầu bên cạnh, tân khách vẫn đang ngồi, tiếng đầu hồ vẫn khua lanh canh. Bèn kể lại giấc mộng thì vốn chưa đầy một giờ, nhớ lại những điều đã trải qua, thì lại trong vài năm. Người thời Đường chép truyện Thái thú Nam Kha* anh đào áo xanh** giấc mộng kê vàng ở Hàm Đan***, việc cũng tương tự Văn thiên lục chép việc Trương sinh xuống âm ty (4*), cũng rất giống chuyện này.
* Truyện Thái thú Nam Kha: Nam Kha ký của Lý Công Tá thời Đường chép Thuần Vu Phồn ở Quảng Lăng, phía nam nhà ở có cây hòe lớn, cành lá xanh tốt. Gặp hôm sinh nhật Phồn say rượu nằm ngủ, mơ thấy tới nước Đại Hòe An, cưới công chúa, làm Thái thú quận Nam Kha hai mươi năm, sinh năm trai hai gái, cực kỳ vinh hiển. Sau đánh nhau với giặc thua trận, công chúa cũng chết, bị cách chức. Tỉnh dậy thấy nằm ở sân, mà mặt trời chưa lặn ly rượu uống dở vẫn còn. Bèn đi tìm dưới gốc cây hòe, thấy một tổ kiến lớn, mới sực nghĩ ra nước Đại Hòe An là bầy kiến dưới cây hòe, quận Nam Kha là một cành hòe hướng về phía nam. Về sau người ta dùng từ “Nam Kha” để chỉ sự hư ảo của vinh hoa.
**Anh đào áo xanh: nguyên văn là “Anh đào thanh y”, chưa rõ là sách gì.
*** Giấc mộng kê vàng Hàm Đan: xem chú thích truyện Tục hoàng lương, quyển V.
4* Văn thiện lục… âm ty: chưa rõ là sách gì.