Hề Thành Liệt là sĩ nhân ở Thành Đô (tỉnh thành Tứ Xuyên), có một vợ một thiếp, người thiếp họ Hà, tiểu tự là Chiêu Dung. Vợ chết sớm, Hề lấy vợ kế họ Thân nhưng không tử tế được với nhau, ngược đãi Hà làm khổ lây cả Hề, cả ngày cãi vã ầm ĩ không sao sống nổi, Hề tức giận bỏ đi. Sau khi chồng đi, Hà sinh được một trai đặt tên là Đại Nam. Lâu ngày Hề không trở về, Thân gạt Hà ra không cho ăn cơm chung, cứ tính ngày đong gạo cấp cho.
Đại Nam lớn dần, Hà không dám xin cấp nhiều hơn, phải dệt vải để kiếm thêm. Đại Nam thấy trẻ con ở trường ngâm nga đọc sách thích lắm nói với mẹ muốn đi học, mẹ thấy còn nhỏ quá nên tạm đưa tới trường cho học thử để làm khó. Nhưng Đại Nam thông minh, học mau gấp đôi các trẻ khác. Thầy lấy làm lạ, tình nguyện dạy không lấy tiền, Hà bèn cho con theo học, thù tạ chút ít cho thầy. Được hai ba năm Đại Nam đã đọc thông kinh sử, một hôm về nói với mẹ “Trong trường có năm sáu đứa đều xin tiền cha mua quà bánh, sao con không có cha?”. Mẹ nói “Lúc nào con lớn mẹ sẽ cho biết”. Đại Nam hỏi “Con mới bảy tám tuổi, lúc nào mới là lớn”, mẹ đáp “Con tới trường đi ngang miếu Quan Đế thì nên vào lạy, người sẽ phù hộ cho mau lớn”.
Đại Nam tin lời, ngày hai buổi đi qua đều vào miếu lạy. Mẹ biết, hỏi con cầu xin chuyện gì thì đáp “Chỉ xin người sang năm cho con lớn như mười lăm mười sáu tuổi”. Mẹ cười, nhưng Đại Nam sức học và vóc dáng đều tăng nhanh, đến năm mười tuổi đã như mười ba mười bốn, làm văn thì thầy học cũng không thể thêm bớt sửa đổi. Một hôm nói với mẹ “Trước mẹ nói lúc nào con lớn mẹ sẽ cho biết cha ở đâu, nay đã đến lúc rồi!”. Mẹ nói “Chưa đâu, chưa đâu!”. Lại hơn một năm nữa, đã như người lớn hẳn hoi, càng gạn hỏi luôn luôn. Mẹ bèn thuật lại ngành ngọn. Đại Nam nghe kể vô cùng thương cảm, muốn đi tìm cha. Mẹ nói “Con còn nhỏ lắm, mà cha con sống chết ra sao chưa rõ, làm sao tìm được?”.
Đại Nam không đáp đi ra, đến trưa không về, mẹ tới trường hỏi thì thầy nói sau giờ cơm sớm chưa trở lại trường. Mẹ cả kinh, thuê người đi tìm kiếm khắp nơi mà không thấy tung tích. Đại Nam ra cửa, không biết nên đi đâu, cứ theo đường mà đi. Gặp một người đang đi Quỳ Châu (huyện thuộc Tứ Xuyên), tự nói là họ Tiền, bèn xin đi theo. Tiền thấy đi chậm chán quá, thuê cho con lừa đỡ chân, tiền lưng cạn hết. Tới Quỳ Châu cùng ăn cơm, Tiền ngầm bỏ thuốc mê vào, Đại Nam mê man bất tỉnh. Tiền chở tới một chùa lớn nói là con mình, đi đường bị ốm hết cả tiền ăn, muốn bán cho sư. Các sư thấy mặt mũi khôi ngô tranh nhau mua, Tiền được vàng ra đi.
Các sư đổ nước cho, Đại Nam dần tỉnh lại, sư ông mới biết bèn tới xem, thấy tướng mạo lấy làm lạ, hỏi biết được ngọn ngành càng thương, trách phạt các sư rồi cho Đại Nam tiền bảo đi. Có Tú tài họ Tưởng ở huyện Lô Châu (tỉnh Tứ Xuyên) thi trượt trở về trên đường gặp hỏi biết chuyện khen là hiếu, bèn dắt cùng đi. Tới Lô Châu ở lại nhà Tưởng hơn một tháng, tìm hỏi khắp nơi. Có người nói trong các thương nhân đất Mân (tỉnh Phúc Kiến) có người họ Hề, bèn chào Tưởng để đi Mân. Tưởng tặng tiền áo giày, làng xóm cũng góp tiền giúp đỡ.
Trên đường có hai khách buôn vải đi Phúc Thanh (tỉnh thành Phúc Kiến) rủ đi cùng. Đi được vài ngày, họ nhìn thấy tiền trong túi Đại Nam bèn đưa tới chỗ vắng trói tay chân cướp sạch rồi bỏ đi. Gặp lúc có ông Trần người huyện Vĩnh Phúc (tỉnh Tứ Xuyên) đi ngang đó cởi trói cho chở về nhà. Nhà Trần giàu có, khách buôn các trấn trong vùng phần lớn đều xuất thân từ nhà ông. Ông dặn các khách buôn Nam Bắc hỏi giùm tin Hề, giữ Đại Nam lại cho học với các con mình. Đại Nam bèn ở lại không đi đâu nữa, nên quê càng xa, tin nhà càng vắng.
Hà Chiêu Dung sống cô đơn ba bốn năm, Thân thị chu cấp ít đi, ép phải tái giá nhưng Hà tự làm lụng mà sống, không chịu đổi lòng. Thân bán bừa cho một khách buôn ở Trùng Khánh (tỉnh Tứ Xuyên), người ấy bắt cóc Hà mang đi. Đến đêm Hà lấy dao tự cứa cổ, người khách buôn không dám ép, chờ vết thương lành bán lại cho một khách buôn ở Diêm Đình. Tới Diêm Đình, Hà tự rạch bụng thấy cả ruột gan, người khách buôn sợ bó thuốc cho, khi lành rồi Hà chỉ xin cho làm ni cô. Người khách buôn nói “Ta có người bạn buôn không có ngọc hành thường nluốn tìm một người để may vá, ở với y cũng như làm ni cô, mà cũng có thể bù lại cho ta ít tiền”, Hà nghe theo. Người khách buôn cho kiệu đưa đi, tới cửa chủ nhân bước ra thì là Hề sinh. Nguyên Hề đã bỏ nghiệp nho đi buôn, người khách buôn thấy không có vợ nên đem Hà tặng cho. Hai người gặp nhau kinh ngạc đau xót, cùng kể nỗi khổ, Hề mới biết là có con trai đi tìm cha chưa về. Hề bèn nhờ các quán trọ dò hỏi tin tức Đại Nam, còn Chiêu Dung từ chỗ là thiếp trở thành chính thất.
Nhưng nàng trải nhiều tai nạn nên đau yếu lắm bệnh không làm được việc nhà, bèn khuyên chồng lấy vợ lẽ. Hề nhớ lại tai họa trước đây nên không nghe, Hà nói “Nếu thiếp là kẻ tranh giành nơi giường chiếu thì mấy năm nay đã theo người sinh con rồi, làm sao còn đoàn tụ với chàng như hôm nay! Vả lại việc người ta đối xử với mình nay còn thầm đau trong lòng, lẽ nào mình lại đối xử như thế với người khác”. Hề bèn dặn bạn khách buôn mua cho một người thiếp già hơn ba mươi tuổi. Qua nửa năm, khách quả mua được người về, vào tới cửa thì ra là Thân thị, ai cũng lạ lùng kinh sợ. Trước đó Thân thị ở một mình thêm được hơn năm thì anh là Bao khuyên tái giá. Thân nghe theo, duy ruộng nương thì bị họ hàng nhà chồng cản trở không cho bán, liền bán các vật dùng được mấy trăm lượng vàng về nhà anh ở. Có người khách buôn ở huyện Bảo Ninh (tỉnh Tứ Xuyên) nghe nói có nhiều của hồi môn bèn đút lót nhiều tiền cho Bao để lừa cưới. Nhưng người khách buôn già nua không còn sức làm đàn ông, Thân oán anh không chịu ở yên, hết thắt cổ lại nhảy xuống giếng, phiền nhiễu không chịu nổi. Người khách buôn giận, lục soát tiền bạc lấy hết, định đem bán làm thiếp, nhưng ai nghe cũng chê đã quá ba mươi rồi.
Người khách buôn đi Quỳ Châu đưa Thân cùng đi, người bạn buôn với Hề gặp bèn mua về. Thân gặp mặt Hề thì vừa thẹn thùng sợ sệt không nói một câu. Hề hỏi người bạn buôn biết rõ đầu đuôi bèn nói “Nếu gặp được người đàn ông mạnh khỏe thì đã ở lại Bảo Ninh, đâu có gặp nhau ở đây, cũng là số trời. Nhưng nay ta mua thiếp chứ không phải cưới vợ, nên cứ vào lạy Chiêu Dung cho đúng lễ vợ cả vợ bé đã”. Thân lấy làm nhục, Hề nói “Trước kia ngươi làm vợ cả thì sao?”. Hà khuyên thôi nhưng Hề không chịu, cầm gậy đe dọa cưỡng ép, Thân bất đắc dĩ phải lạy, nhưng trước sau vẫn không chịu hầu hạ, chỉ làm lụng ở phòng khác. Hà đều bỏ qua hết, cũng không nỡ xét nét siêng năng hay lười biếng. Hề cứ chuyện trò yến ẩm với Chiêu Dung là gọi Thân thị tới hầu hạ bên cạnh, Hà muốn sai tỳ nữ thay nhưng không nghe. Gặp lúc ông Trần Tự Tông tới làm Huyện lệnh Diêm Đình, Hề có việc tranh chấp nhỏ với người làng, họ bèn kiện Hề tội bắt vợ cả làm vợ lẽ, Trần thét đuổi ra.
Hề mừng ca ngợi ông với Hà. Một đêm đã khuya, đứa hầu nhỏ gõ cửa vào bẩm quan huyện tới. Hề hoảng sợ vội tìm áo mũ thì quan đã tới cửa phòng, lại càng sợ không biết làm gì. Hà nhìn kỹ, vội bước ra nói “Con ta đây mà” rồi bật khóc, Trần bèn lạy phục xuống đất khóc nức nở, té ra Đại Nam lấy họ ông Trần nay đã làm quan. Lúc trước từ kinh tới đi vòng qua quê cũ mới biết hai mẹ đều đã cải giá, trong lòng đau xót. Họ hàng biết Đại Nam đã làm quan liền trả lại ruộng vườn nhà cửa, Đại Nam cho đầy tớ ở lại sửa sang xây cất đợi ngày cha về. Kế được bổ nhiệm ở Diêm Đình, lại muốn bỏ quan tìm cha, ông Trần hết sức khuyên can. Vừa gặp lúc có người thầy bói bèn xin một quẻ, thầy bói nói “Nhỏ làm lớn, dưới thành trên, tìm trống được mái, tìm một được hai, làm quan rất tốt”. Trần bèn đi nhậm chức, vì không tìm được cha nên làm quan không uống rượu ăn mặn.
Hôm ấy nhận được đơn kiện của người làng thấy nói đến họ Hề có ý ngờ, ngầm sai tớ gái dò hỏi thì quả là cha. Bèn nhân lúc đêm tối vi hành, gặp mẹ càng tin thầy bói tài giỏi. Lúc ra về dặn đừng tiết lộ, đưa ra hai trăm lượng vàng, bảo cha sửa soạn về quê. Cha về tới nơi thì nhà của mới mẻ, nuôi thêm người hầu ngựa cưỡi, nghiễm nhiên là một đại gia. Thân thị thấy Đại Nam sang giàu càng hổ thẹn, anh là Bao biết được, kiện lên quan giành lại ngôi vợ cả cho em. Quan xét được sự thật, giận nói “Đã tham của khuyên em tái giá, bỏ Hề lấy chồng hai lần rồi, lại còn mặt mũi tranh giành cả lẻ như xưa à?”, rồi sai đánh Bao thật đau. Từ đó danh phận rõ ràng, Thân coi Hà như em, Hà cũng coi Thân như chị, thức ăn cái mặc đều chia cho. Thân lúc đầu vẫn sợ Hà trả thù, đến lúc ấy càng thẹn thùng hối hận. Hề cũng bỏ qua lỗi trước, cho người nhà gọi Thân là Thái mẫu, chỉ không được phong tặng thôi.
Dị Sử thị nói: Làm cho chúng sinh điên đảo không biết đâu mà bàn, đó là sự khéo léo của tạo hóa vậy. Hề sinh không thể sống được với vợ và thiếp thì chỉ là một người tầm thường thôi, nếu không có mẹ hiền con thảo thì làm sao có được sự hội ngộ kỳ lạ, ngồi không mà hưởng phúc đến trọn đời như vậy.