Chung Khánh Dư là danh sĩ ở huyện Liêu Đông (tỉnh Liêu Dương). Xuống nam thi hương, nghe nói trong vương phủ có vị đạo sĩ biết được chuyện may rủi của người ta, định tìm tới hỏi. Thi nhị trường xong, tới suối Báo Đột (thuộc huyện Lịch Thành tỉnh Sơn Đông) thì gặp, thấy là một đạo nhân hơn sáu mươi tuổi, râu dài tới bụng, tóc bạc phơ phơ. Những người tới hỏi chuyện số may vận rủi chen chúc đông nghịt xung quanh, đạo sĩ đều miễn cuỡng trả lời. Chợt nhìn thấy sinh giữa đám đông, ông ta vui mừng cầm tay nói “Ông đúng là người tâm tính đức hạnh đáng kính”. Rồi kéo sinh lên gác trò chuyện, nhân hỏi “Có phải ông muốn biết tương lai không?”, sinh vâng dạ. Đạo sĩ nói “Phúc mệnh của ông rất mỏng, song khoa này thi hương cũng có thể hy vọng, có điều e rằng thi đỗ rồi lại không được thấy mặt cha mẹ nữa”. Chung vốn có hiếu, nghe thế rơi nước mắt, muốn bỏ thi trở về. Đạo sĩ nói “Nếu bỏ thi lần này thì không bao giờ đỗ nổi Cử nhân nữa”, sinh đáp “Mẹ mất không được thấy mặt, thật không đáng làm người, dẫu làm tới khanh tướng cũng có gì quý?”. Đạo sĩ nói “Kiếp trước ta có túc duyên với ông, ngày nay xin hết sức giúp đỡ”.
Rồi lấy thuốc trao cho, nói “Cứ sai người ngày đêm đi gấp về dâng cho lệnh đường, thuốc này uống vào có thể sống thêm bảy hôm, ông thi xong trở về mẹ con vẫn còn kịp nhìn thấy mặt nhau”. Sinh nhận thuốc, vội vàng ra về, lòng dạ rối bời, nghĩ rằng sống chết có ngày giờ, mình về sớm được một ngày thì phụng dưỡng mẹ nhiều thêm một ngày, liền gọi đầy tớ thuê ngựa tức khắc lên đường trở về Liêu Đông. Đi được vài dặm bỗng con ngựa quay đầu chạy ngược lại, đánh thì nó đứng ỳ ra, thúc bàn đạp thì nó khuỵu xuống, sinh toát cả mồ hôi cũng không làm sao được. Người đầy tớ bèn khuyên sinh ở lại, sinh không nghe, nhưng thuê con ngựa khác cưỡi thì cũng thế, đến tận chiều tối vẫn không đi được. Người đầy tớ lại khuyên “Ngày mai là thi xong, có gấp gì một ngày một buổi? Ta xin đi ngay mang thuốc về trước thay chủ nhân, thế thì đôi đàng đểu trọn vẹn”, sinh bất đắc dĩ đành nghe theo. Hôm sau vào thi, sinh làm bài qua loa cho xong rồi lập tức lên đường trở về ngày đêm không nghỉ. Về tới nhà thì biết bệnh mẹ đang ngặt nghèo nhưng uống thuốc xong cũng hơi giảm. Sinh vào đứng trước giường rơi nước mắt, mẹ ra hiệu bảo nín khóc, rồi cầm tay sinh vui vẻ nói ”Mẹ vừa nằm mộng thấy xuống tới âm ty thấy Diêm Vương nét mặt ôn hòa nói rằng: Xét ngươi bình sinh không phạm tội gì lớn, nghĩ tới con ngươi chí hiếu nên cho ngươi sống thêm một kỷ (mười hai năm) nữa”.
Sinh cũng mừng, vài ngày sau quả nhiên thấy mẹ khỏe mạnh lại như cũ. Không bao lâu lại có tin báo thi đỗ, sinh chào mẹ tới đất Tế (tức vùng Sơn Đông), đút tiền cho quan Nội giám trong vương phủ xin gặp đạo sĩ. Đạo sĩ vui vẻ ra gặp, sinh bèn lạy tạ. Đạo sĩ nói “ông vừa đậu cao, Thái phu nhân lại được tăng thêm tuổi thọ, đó đều là nhờ ông có đức tốt, chứ bần đạo có tài cán gì đâu?”. Sinh càng phục tài tiên tri, lại xin hỏi việc chung thân. Đạo sĩ đáp “Ông không quý hiển lớn được, song được sống lâu là đủ rồi. Kiếp trước ông là đạo hữu với ta, có lần lấy đá ném con chó, lỡ tay giết chết nó, nay nó đã đầu thai làm ngựa rồi. Theo số mệnh mà bàn thì lẽ ra ông phải chết sớm, nhung nhờ lòng chí hiếu làm cảm động tới thần minh nên đã được giải tinh nhập hạn, chắc sẽ không hề gì. Nhưng phu nhân kiếp trước là đàn bà không giữ trinh tiết, lẽ ra kiếp này phải góa chồng sớm, nay ông nhờ có đức được kéo dài tuổi thọ thì lại không xứng đôi nữa, e rằng sang năm đài gương phải đổ”. Sinh bùi ngùi hồi lâu rồi hỏi vợ kế của mình ở đâu, đạo sĩ đáp “Ở Trung Châu (thuộc tỉnh Hà Nam), năm nay được mười bốn tuổi”. Khi chia tay lại dặn sinh “Nếu gặp tai họa thì cứ chạy mau về phía đông nam”.
Hơn năm sau, quả nhiên vợ sinh mắc bệnh chết. Sinh có người cậu làm Huyện lệnh Tây Giang (tỉnh Quảng Đông), mẹ sai đi thăm. Lúc về tiện đường sinh ghé qua Trung Châu xem lời tiên đoán của đạo sĩ về người vợ kế có nghiệm không. Ngẫu nhiên tới một thôn đang có đám diễn tuồng cạnh bờ sông, trai gái chen chúc đứng xem đông nghẹt, sinh vừa thả cương cho ngựa chậm rãi đi vòng qua thì bỗng có con ngựa đực đứt cương đuổi theo làm ngựa của sinh vọt chạy. Sinh ngoảnh lại lấy roi đánh vào đầu con ngựa đực, nó hoảng sợ lồng lên. Lúc ấy thế tử trong vương phủ mới được sáu bảy tuổi, người vú đang bế ngồi chơi trên đê, con ngựa đực xông về phía đó, đám tùy tùng đều không kịp chặn lại nên vương tủ bị xô ngã xuống sông. Đám tùy tùng quát tháo ầm ĩ tranh nhau đuổi bắt, sinh giục ngựa chạy bán sống bán chết, chợt nhớ lời đạo sĩ dặn bèn ra sức chạy về phía đông nam. Được hơn hai mươi dặm thì vào tới một thôn, thấy có ông già đúng trước cổng nhà nọ liền xuống ngựa vái chào. Ông già mời vào, tự xưng là họ Phương rồi hỏi khách từ đâu tới. Sinh quỳ rạp xuấng đất kể lại sự tình, ông già nói “Không hề gì, xin cứ nghỉ lại đây” rồi sai người đi nghe ngóng.
Đến tối được tin mới biết là thế tử trong vương phủ, cả sợ nói “Nhà ai khác thì ta còn có thể giúp, chứ cục cưng này thì không làm thế nào được”. Sinh năn nỉ mãi, ông già ngẫm nghĩ rồi nói “Quả thật là không giúp được, nhưng mời khách cứ nghỉ lại qua đêm nay ở đây, nghe ngóng xem tình thế ra sao mới tính tiếp được”. Sinh buổn rầu lo lắng, cả đêm không chợp mắt. Hôm sau nghe tin đã có trát nã bắt sinh, ai chứa chấp cũng sẽ bị xử tử. Ông già có vẻ lo lắng im lặng trở vào, sinh nửa sợ nửa ngờ không sao trấn tĩnh được. Nửa đêm, ông già qua gõ cửa phòng, vào ngồi một lúc rồi hỏi vợ sinh bao nhiêu tuổi. Sinh nói là góa vợ, ông già mừng rỡ nói “Kế ta ắt xong!!. Sinh hỏi kế thế nào, ông đáp “Anh rể ta mộ đạo Phật, vào núi Nam Sơn tu hành, chị ta nay đã qua đời, để lại một đứa con gái được người lão bộc chăm sóc cũng khá thông minh, xin gả cho ông, có đưọc không?”. Sinh mừng vì hợp với lời đạo sĩ, lại thành có kẻ thân thích ở nơi xa, có thể thoát nạn, bèn nói “Tiểu sinh thật rất may mắn, nhưng đang là kẻ có tội ở xa nhà, rất sợ làm lụy cả cha vợ”. Ông già nói “Như thế là tính kế cho ông đấy. Anh rể ta đạo thuật thông thần nhưng lâu lắm không hỏi tới việc đời rồi. Có điều đám cưới xong ông cứ bàn với cháu ta, thế nào cũng có cách mà”. Sinh càng mừng, liền qua nhà cô gái làm lễ cưới.
Cô gái đã mười sáu tuổi, xinh đẹp không ai bằng, nhưng sinh cứ thấy mặt lại thở dài Cô gái hỏi “Thiếp dù quê mùa xấu xí, nhung chẳng lẽ chàng lại ghét bỏ sao?”. Sinh tạ lỗi đáp “Nương tử là người tiên, ta được cưới làm vợ là may lắm, chỉ vì đang có tai họa nên sợ sẽ có chuyện ngang trái cho nhau”, rồi kể thật hết sự tình. Cô gái oán cậu không phải là giống người, tai họa tày trời như vậy mà đã không bàn trước cũng chẳng nói rõ, làm mình sa hầm sẩy hang. Sinh quỳ rạp xuống nói “Đây là vì tiểu sinh cố chết lạy lục cầu khẩn, nên cậu nhân từ nhưng hết cách giúp, chỉ biết nàng có thể cứu sống người đã chết, đắp thịt cho xương khô thôi. Ta thật không xứng đáng sánh duyên với nàng, nhưng may mà nhà cửa cũng không đến nỗi nào, nếu được sống sót thì ngày sau xin lấy hương hoa thờ phụng”. Cô gái than “Chuyện đã tới nước này thì còn nói gì nữa! Nhưng cha đã lập chùa để tu, dứt hết lòng yêu thương con cái của người đời, có điều không còn cách nào thì phải cùng tới đó cầu khẩn, sợ là phải quỳ một phen cực khổ đây”. Rồi đó nàng thức trắng đêm lấy nệm dày khâu làm đệm độn vào đầu gối cho hai người, lấy áo dài mặc phủ ra bên ngoài, rồi sai gọi kiệu lên núi.
Vào Nam Sơn hơn mười dặm thì núi cao đường dốc, quanh co hiểm trở không sao đi kiệu nữa, phải xuống đi bộ. Cô gái đi rất khó khăn, sinh kéo tay dìu đỡ, vất vả hồi lâu mới lên tới trên núi. Thấy cổng chùa không còn xa, bèn cùng ngồi xuống nghỉ chân. Cô gái thở hổn hển, mồ hôi ròng ròng, son phấn trôi hết, sinh thấy thế thương xót nói “Vì ta mà nàng phải chịu khổ tới nỗi này”. Cô gái vừa thở vừa đáp “Chỉ sợ bấy nhiêu còn chưa phải là khốn khổ đâu”. Hai người nghỉ giây lát rồi đưa nhau vào chùa, lạy Phật rồi vào trong, quanh co một lúc thì tới thiền đường. Thấy một nhà sư già ngồi xếp bằng, mắt nhắm nghiền như người mù, có một tiểu đồng cầm phất trần đứng hầu. Trong phương trượng quét dọn rất sạch sẽ, nhưng trước chỗ sư ngồi lại bày đầy đá sỏi, la liệt như sao trên trời. Cô gáỉ không dám chọn lựa gì, bước tới quỳ ngay xuống, sinh cũng quỳ xuống phía sau. Sư hé mắt nhìn rồi nhắm ngay lại cô gái làm lễ ra mắt rồi nói “Lâu rồi không tới thăm cha, nay con vừa lấy chồng, nên đưa chồng con tới chào”. Hồi lâu nhà sư mới mở mắt nói “Con vãi con này chỉ làm khổ ta”, rồi lại im lặng. Vợ chồng quỳ hồi lâu chồn cả chân, đá sỏi nghiến vào đầu gối, đau không chịu nổi. Lại một hồi lâu sư mới hỏi “Đã dắt ngựa lại chưa?”, cô gái thưa chưa. Sư nói “Vợ chồng về mau đi, dắt nó tới đây ngay”. Hai người lạy rồi đứng lên, khập khiễng dìu nhau đi, về tới nhà lập tức cho dắt con ngựa của sinh vào núi, nhưng chỉ làm đúng theo lời sư dặn chứ không rõ ông có ý tứ gì.
Vài hôm sau nghe đồn là đã bắt được tội nhân làm vương tử rơi xuống sông đem chém, vợ chồng mừng lắm. Liền sau đó trong núi sai tiểu đồng tới, đưa sinh một đoạn gậy trúc bị chặt đứt, nói “Kẻ chết thay là ông này đấy”, rồi bảo sinh cúng tế để giải oan cho cây trúc. Sinh nhìn thì thấy chỗ bị chặt có vết máu, bèn khấn khứa rồi chôn cất: Nhưng vợ chồng cũng không dám ở đó lâu, nên ngay trong đêm đưa nhau về Liêu Dương.