An Đại Thành là người huyện Trùng Khánh (tỉnh Tứ Xuyên), cha đỗ Cử nhân nhưng mất sớm, em là Nhị Thành còn nhỏ. Sinh cưới Trần thị, tiểu tự là San Hô, nhưng mẹ sinh họ Thẩm tính tình hung dữ, đối xử tàn tệ, có khi ngược đãi mà San Hô không tỏ ra hờn oán, cứ sáng ra là trang điểm tới hầu. Gặp lúc sinh bị bệnh, mẹ cho rằng nàng trang điểm để mê hoặc sinh bèn chửi mắng. San Hô lui về, tháo bỏ trang sức, rửa hết phấn son rồi tới, mẹ tức giận, đập đầu vào tường gào thét. Sinh vốn có hiếu bèn đánh vợ, mẹ mới hơi nguôi giận, từ đó càng ghét con dâu, tuy nàng chăm chỉ hầu hạ vẫn không thèm nói với nàng một câu. Sinh biết mẹ giận cũng ngủ riêng, tỏ ý dứt tình với vợ.
Lâu ngày mẹ vẫn không hả dạ, cứ chửi chó mắng mèo để nói cạnh San Hô. Sinh nói “Cưới vợ là để hầu hạ cha mẹ, nay đã như thế thì có vợ làm gì?”, bèn thôi vợ, sai bà vú già đưa San Hô về. Vừa ra tới cổng làng, San Hô khóc nói “Là đàn bà mà không làm vợ người ta được, về nhà còn mặt mũi nào nhìn thấy cha mẹ, chẳng bằng chết đi cho xong”. Rồi rút kéo may trong tay áo ra đâm vào cổ họng, mọi người xúm lại cứu thì máu đã ướt đẫm áo quần, bèn dìu về nhà người thím trong họ. Bà thím sinh là Vương thị, góa chồng ở một mình bèn giữ nàng lại ở đó. Bà vú trở về, sinh dặn giấu kín chuyện nhưng trong lòng vẫn thầm sợ mẹ biết. Qua vài hôm nghe ngóng biết vết thương của San Hô đã hơi lành, bèn tới nhà Vương thị bảo đừng giữ San Hô ở đó. Vương thị gọi vào, sinh không chịu vào, chỉ hung hăng đòi đuổi San Hô. Không bao lâu nàng ra gặp sinh, hỏi “San Hô có tội gì?”, sinh trách là không hầu hạ được mẹ. San Hô im lặng không nói câu nào, chỉ cúi đầu khóc nức nở, lệ đỏ như máu ướt đẫm vạt áo, sinh động lòng thương xót không sao nói nữa liền trở về.
Qua mấy hôm mẹ sinh biết chuyện, giận dữ tới nhà Vương lớn tiếng chửi mắng. Vương cũng ngạo nghễ không chịu lép, kể tội lại mẹ sinh ngược đãi San Hô, lại nói “Nàng ta đã bị đuổi, thì còn là người gì của nhà họ An nữa? Ta đây giữ con gái nhà họ Trần chứ không giữ con dâu nhà họ An, ai cần bà chõ mồm vào việc nhà người khác?”. Mẹ sinh tức lắm nhưng đuối lý, lại thấy Vương thị có vẻ hung dữ bèn xấu hổ gào khóc quay về. San Hô áy náy, nghĩ tới việc qua ở nơi khác. Nguyên dì sinh là bà Vu, tức chị bà Thẩm, hơn sáu mươi tuổi thì con trai chết, chỉ còn một đứa cháu nội và con dâu góa, rất yêu mến San Hô, nàng bèn từ giã Vưong thị tới đó ở. Bà Vu hỏi biết duyên cớ, rất chê em gái hung dữ mê muội, muốn đưa nàng về ngay. San Hô hết sức nói là không được, lại xin đừng nói lộ ra. Rồi đó nàng ở cùng với bà Vu như mẹ chồng nàng dâu. San Hô có hai người anh nghe chuyện rất thương em, muốn đón nàng về gả chồng cho, nhưng San Hô nhất định không chịu, chỉ theo bà Vu kéo sợi dệt mướn sinh nhai.
Sinh sau khi bỏ vợ thì mẹ tìm đủ mọi cách cưới vợ cho, nhưng tiếng hung dữ đã lan rộng ra nên gần xa không ai muốn kết thông gia. Được ba bốn năm, Nhị Thành dần lớn lên, bèn hỏi vợ trước cho. Vợ Nhị Thành là Tàng Cô, hung dữ còn quá mẹ sinh, mẹ mà có vẻ nổi nóng thì Tàng Cô dằn giọng đối đáp, Nhị Thành lại nhu nhược không dám bênh vực ai, vì thế mẹ cũng không dám ra oai nữa, đã không dám bới móc lại trở lại tìm cách lấy lòng nhưng Tàng Cô vẫn không ưng ý. Tàng Cô sai khiến mẹ chồng như đầy tớ, sinh không dám nói gì, chỉ cố sức làm lụng thay mẹ, làm hết những việc rửa chén quét nhà, mẹ con thường những lúc không có ai cứ nhìn nhau khóc lóc. Không bao lâu mẹ uất ức sinh bệnh nằm liệt giường, những việc trở mình đi đồng đều nhờ sinh giúp, sinh suốt đêm không được ngủ, hai mắt đỏ ngầu.
Gọi em tới giúp, Nhị Thành vừa vào phòng thì Tàng Cô đã gọi đi mất. Sinh vì vậy tới kể với bà Vu, định nhờ bà tới trông nom mẹ mình, vào tới cửa thì vừa khóc vừa kể, kể chưa xong thì San Hô sau màn bước ra, sinh hổ thẹn quá im bặt định ra về. San Hô lấy hai tay khép cổng, sinh quýnh quáng xô nàng ra cướp đường chạy về, cũng không dám kể với mẹ. Không bao lâu bà Vu tới, mẹ sinh mừng rỡ giữ lại. Từ đó nhà bà Vu ngày nào cũng sai người đưa thức ăn ngon tới cho, bà nhắn con dâu rằng “Ta ở đây không đói, đừng gởi thức ăn thế nữa”, nhưng ở nhà cứ đều đặn gởi tới. Bà Vu không nếm qua một miếng, cứ dành lại cho người bệnh ăn, bệnh mẹ sinh cũng đỡ dần. Cháu nội bà Vu lại vâng lệnh mẹ đem thức ăn tới cho bà và hỏi thăm sức khỏe mẹ sinh, mẹ sinh than “Nàng dâu ngoan thật, chị tu mấy kiếp mà được như thế?” Bà Vu hỏi “Có bằng nàng dâu em đuổi không?” Bà Thẩm nói “Ôi! Nói ra không hết chuyện, nhưng làm sao mà được như vợ thằng cháu bên nhà!”. Bà Vu nói “Nàng dâu còn thì em không biết vất vả, em nóng giận thì nàng dâu không biết oán trách, có chỗ nào không bằng dâu chị?”. Bà Thẩm rơi lệ tỏ ý hối hận, lại hỏi “San Hô lấy chồng khác chưa?”. Bà Vu đáp “Không biết, để hỏi lại sau”.
Mấy hôm sau bà Thẩm khỏi hẳn, bà Vu từ giã ra về, bà Thẩm khóc nói “Sợ chị đi thì em chết mất thôi”. Bà Vu bèn bàn với sinh chia gia tài cho Nhị Thành ra ở riêng, Nhị Thành nói với Tàng Cô, Tàng Cô không vui nói nhiều lời xúc phạm tới anh, động chạm tới cả bà Vu. Sinh bèn tình nguyện đưa hết những ruộng tốt cho Nhị Thành, Tàng Cô mới vui vẻ, lập tờ chia gia tài xong bà Vu mới về. Hôm sau bà Vu lấy xe tới đón bà Thẩm, bà Thẩm vào tới nhà trước hết xin gặp con dâu bà Vu, hết sức ca ngợi nàng hiền.
Bà Vu nói “Đàn bà có trăm việc hay cũng đâu tránh khỏi có một điều dở. Ta phải rộng rãi bao dung, chứ như em thì cho dù có con dâu như ta e cũng chưa chắc đã nhờ vả gì được”. Thẩm nói “Ồ, oan cho em lắm, chị bảo em là súc vật gỗ đá hay sao? Em cũng có miệng có mũi, há lại ngửi mùi thơm mà không biết sao?”. Bà Vu hỏi “Như San Hô bị đuổi, không biết nghĩ tới em sẽ nói gì?”, bà Thẩm đáp “Chỉ có mắng chửi thôi”. Bà Vu nói “Nếu em tu tỉnh thì chẳng có chỗ nào để mắng chửi, mà cũng chẳng có chỗ nào ghét để chửi mắng”. Bà Thẩm nói “Ai cũng có lúc lỗi lầm, chỉ có điều cô ta không thể hiền, nên em biết là cô ta sẽ chửi mắng”. Bà Vu nói “Người đáng oán lại không oán thì đức thế nào đủ biết rồi, người đáng đuổi lại không đuổi thì tài thế nào đủ biết rồi. Những thức ăn hôm trước đem qua cung dưỡng vốn không phải của con dâu chị gởi đâu, mà là của con dâu em gởi đấy”. Bà Thẩm giật mình hỏi “Chị nói gì?”, bà Vu đáp “San Hô tới đây lâu rồi, những thức ăn gởi cho em là của nàng thức đêm dệt thuê lấy tiền mua đấy”
Bà Thẩm nghe thế nước mắt ròng ròng, nói “Em còn mặt mũi nào nhìn con dâu nữa?”. Bà Vu bèn gọi San Hô, San Hô rơi lệ bước ra, lạy rạp xuống đất, mẹ đau xót hổ thẹn tự vả vào mặt mình, bà Vu khuyên mãi mới thôi, từ đó lại là mẹ chồng nàng dâu như trước. Hơn mười hôm sau cùng trở về, trong nhà chỉ còn vài mẫu ruộng xấu không đủ ăn, chỉ trông mong vào việc sinh học hành thi dỗ, San Hô thì may thuê dệt mướn. Nhị Thành có tiếng khá giả nhưng anh không qua nhờ vả, em cũng không ngó ngàng gì tới, Tàng Cô vì chị dâu từng bị đuổi nên khinh bỉ, San Hô cũng ghét cô ta đanh đá nên không đếm xỉa tới. Anh em ở sát vách nhau, Tàng Cô thường chửi chó mắng mèo, cả nhà đều bịt tai không nghe, Tàng Cô không cớ gì để gây sự bèn chửi chồng đánh tỳ nữ. Một hôm đứa tỳ nữ treo cổ tự tử, cha cô ta kiện Tàng Cô. Nhị Thành lên hầu quan thay vợ bị đánh đập rất nặng nhưng Tàng Cô cũng bị bắt, sinh chạy chọt lo lót khắp trên dưới cũng không được tha. Tàng Cô bị đánh vào mười ngón tay tróc hết cả thịt, quan lại tham lam đòi hỏi rất nhiều. Nhị Thành cầm cố ruộng vườn đem đủ số tới vợ mới được tha về. Nhưng chủ nợ cứ hàng ngày tới đòi, bất đắc dĩ phải bán hết ruộng tốt cho ông Nhiệm trong làng.
Ông Nhiệm vì thấy một nửa số ruộng ấy là của Đại Thành nhường cho, mời sinh tới ký tên vào văn tự bán ruộng. Sinh tới nơi, ông Nhiệm chợt nói “Ta là An Hiếu liêm đây, Nhiệm mỗ là ai mà dám mua cơ nghiệp của ta?”, rồi nhìn sinh nói “Âm ty cảm động vì vợ chồng con hiếu thảo nên sai ta tạm tới gặp mặt một lần”. Sinh rơi lệ nói “Cha có thiêng xin cứu giúp cho em con”, An đáp “Thứ con hư dâu dữ có gì đáng tiếc, về nhà rồi mau lo tiền bạc tới chuộc lại cơ nghiệp của ta”. Sinh nói “Mẹ con con chỉ kiếm được đủ sống, lấy đâu ra nhiều tiền như thế?”. An nói “Dưới gốc cây Tử vi có vàng chôn, cứ lấy mà dùng”. Sinh định hỏi lại thì ông Nhiệm im bặt, lát sau tỉnh lại cũng không biết mình vừa nói gì.
Sinh về kể lại với mẹ, cũng chưa tin lắm thì Tàng Cô đã dắt mấy người gia nhân ra đào vàng, sâu xuống bốn năm thước mà chỉ thấy có gạch ngói, không có chút gì gọi là vàng bạc, thất vọng trở về. Sinh nghe nói Tàng Cô đào vàng liền dặn mẹ và vợ đừng ra nhìn, sau nghe nói không tìm được gì, mẹ sinh lén tới xem chỉ thấy gạch ngói trộn lẫn với đất cát bèn về. Kế San Hô tới thì thấy dưới hầm đất đều là bạc nén trắng xóa, gọi sinh tới xem thì quả đúng thế. Sinh nghĩ đây là của ông cha để lại, không nỡ giấu diếm bèn gọi Nhị Thành tới chia đôi, mang lên mấy lần mới hết, phần ai người ấy bỏ túi mang về. Nhị Thành cùng Tàng Cô xem lại, mở túi ra chỉ thấy toàn là gạch ngói cả sợ. Tàng Cô ngờ Nhị Thành bị anh lừa liền bảo Nhị Thành tới nhà anh dò xét, thì thấy anh đang bày vàng bạc ra giường, mẹ con đang vui vẻ chúc mừng nhau.
Nhị Thành vào kể lại với anh, sinh cũng sợ nhưng trong lòng rất thương hại, bèn tặng hết số vàng bạc của mình. Nhị Thành mừng quá mang đi trả nợ, rất biết ơn anh. Tàng Cô nói “Xem đó đủ biết là anh gian trá, nếu không phải là hối hận thì đời thuở nào có ai đem phần mình được chia mà nhường hết cho người khác không?”, Nhị Thành nửa tin nửa ngờ. Hôm sau chủ nợ sai người tới nói “Những tiền trả nợ đều là bạc giả, ta sẽ thưa lên quan”. Hai vợ chồng đều tái mặt. Tàng Cô nói “Thế nào nào? Ta đã nói là anh không hiền đến như thế, làm thế là để giết thằng đấy”. Nhị Thành sợ hãi tới năn nỉ chủ nợ, chủ nợ căm tức không chịu, Nhị Thành bèn gán văn tự ruộng mới lấy đủ số tiền đã trả nợ về.
Nhìn kỹ thấy hai nén bạc bị chặt ra, chỉ có một lớp bạc thật mỏng như chiếc lá bao bên ngoài, còn bên trong đều là đồng cả. Tàng Cô bèn bàn với Nhị Thành giữ lại hai nén bị chặt còn bao nhiêu đem trả cho anh xem thử ra sao, lại dặn nói rằng “Mấy lần được anh nhường nhịn thật lấy làm bất nhẫn, xin giữ lại hai nén để nhớ ơn, còn những ruộng đất đã cầm đó cũng là của anh, em không quen làm nhiều ruộng, những cơ nghiệp đã bỏ đi, có chuộc lại hay không là quyền ở anh”. Sinh không biết cứ cố nhường, Nhị Thành nhất quyết từ chối. Sinh bèn nhận lại bạc, cân lên thì thiếu hơn năm lượng, bèn bảo San Hô bán nữ trang bù vào cho đủ số rồi đem tới trả nợ. Chủ nợ nghi cũng là số bạc cũ, lấy dao chặt ra xem thì sắc bạc trong ngoài đều như một không khác nhau mảy may bèn nhận bạc, trả lại văn tự ruộng đất cho sinh. Nhị Thành trả bạc cho anh xong cho rằng thế nào cũng có chuyện lôi thôi, kế nghe sinh đã chuộc lại được cả ruộng vườn cũ rồi, rất lấy làm lạ. Tàng Cô nghi là lúc đào lên anh đã giấu hết bạc thật đi, tức giận qua nhà anh gây gổ chửi mắng, lúc ấy sinh mới rõ vì sao Nhị Thành trả lại tiền bạc.
San Hô bước ra cười nói “Ruộng vườn còn cả đây, sao lại giận dữ”. rồi bảo sinh đem văn tự ruộng đất ra đưa Tàng Cô. Một đêm Nhị Thành mơ thấy cha về trách mắng, nói “Ngươi bất hiếu bất đễ, đã sắp đến ngày chết, một tấc đất cũng không có được lại còn tranh chiếm ruộng vườn, định làm gì hả?”. Tỉnh dậy nói với Tàng Cô, muốn đem ruộng đất trả lại anh, Tàng Cô chế nhạo là ngu. Lúc ấy Nhị Thành có hai con trai, đứa lớn bảy tuổi, đứa nhỏ ba tuổi, không bao lâu thì đứa lớn mắc bệnh đậu chết. Tàng Cô sợ bảo Nhị Thành đưa lại văn tự ruộng đất cho anh, nhưng nói mấy lần sinh vẫn không nhận. Không bao lâu đứa con nhỏ lại chết. Tàng Cô càng sợ, tự mang văn tự ruộng đất tới đưa chị dâu, lúc ấy sắp hết mùa xuân, ruộng bỏ hoang không cày, sinh bất đắc dĩ phải ra gieo cấy.
Tàng Cô từ đó sửa đổi tính nết, sáng thăm tối viếng mẹ như con hiếu, cũng hết sức kính trọng chị dâu. Chưa được nửa năm mẹ bệnh chết, Tàng Cô khóc lóc rất đau xót, bỏ cả ăn uống, nói với người ta rằng “Cha mẹ chồng chết khiến ta không được hầu hạ, đó là trời không cho ta được chuộc lỗi đấy”. Sau sinh nở mười lần đều không nuôi được, bèn nuôi con anh làm con mình. Vợ chồng sinh đều sống lâu, sinh được ba con trai, hai người thi đỗ Tiến sĩ, người ta thường nói rằng đó là trời báo đáp lòng hiếu hữu vậy.
Dị Sử thị nói: Nhà nghèo hay con hiếu, nước loạn biết tôi trung, nhà hay nước cũng đều như thế chăng? Con dâu dữ cải hóa thì mẹ chết, té ra một nhà hiếu thuận thì kẻ không có đức khó mà hưởng được. Tàng Cô tự hối cải, nói trời không cho mình chuộc tội, không phải kẻ ngộ đạo thì làm sao nói ra được câu ấy? Lẽ ra phải chết sớm mà lại được sống lâu thì cũng là trời tha tội cho, song sống mà không được thanh thản thì là trời có ý trừng phạt chăng?