Anh Mỗ ở Sơn Đông sống bằng nghề diễn trò rắn, dạy được hai con rất thuần, đều màu xanh. Con lớn thì đặt tên là Đại Thanh, còn nhỏ gọi là Nhị Thanh. Con Nhị Thanh trên đầu có một cái chấm đỏ, đặc biệt khôn ngoan, lúc diễn trò bảo gì là làm nấy, người diễn trò rắn yêu quý khác hẳn với những con khác. Một năm nọ con Đại Thanh chết, y định tìm con khác thay nhưng chưa gặp dịp rảnh rỗi. Một đêm trọ lại ở chùa trong núi, sáng ra mở giỏ thì con Nhị Thanh cũng đâu mất, y lo buồn muốn chết, tìm tòi kêu gọi mà không thấy tăm hơi, lùm cây bụi cỏ nào cũng sục vào tìm, nghĩ rằng trước nay nó luôn trở về, vì vậy cứ ngồi đợi nó tự về. Mặt trời đã lên cao, cũng đã tuyệt vọng, bèn thất thểu lên đường. Đi được vài bước, nghe trong bụi cây có tiếng sột soạt, ngạc nhiên quay lại nhìn, thì thấy con Nhị Thanh bò tới. Y mừng như bắt được ngọc báu, đứng lại ở bên đường đợi, con rắn cũng dừng lại. Nhìn về phía sau thì thấy một con rắn nhỏ đi theo nó, bèn vỗ về nói “Ta cứ tưởng ngươi đi luôn rồi. Bạn nhỏ này là ngươi dắt về phải không?”. Bèn lấy thức ăn ra cho ăn, cho cả con rắn nhỏ ăn nữa, con rắn nhỏ tuy không bỏ đi nhưng có có vẻ sợ sệt không dám ăn. Nhị Thanh ngậm thức ăn cho nó, dáng như chủ nhà mời khách. Người nuôi rắn cũng đút cho, nó bèn ăn. Ăn xong nó theo Nhị Thanh chui vào giỏ, y vác về, dạy cho làm trò. Dần dà nó cũng vào khuôn phép không khác gì Nhị Thanh, y đặt tên là Tiểu Thanh, mang đi diễn trò khắp nơi, thu được rất nhiều tiền.
Đại để những người diễn trò rắn chỉ dùng những con dài hai thước là thôi, dài hơn thì quá nặng phải thay bằng con khác, nhưng vì con Nhị Thanh quá hay nên y chưa bỏ. Hai ba năm sau, nó đã dài hơn ba thước, nằm chật cả cái giỏ, y bèn quyết thả nó đi. Một hôm, đi tới Đông Sơn ở huyện Truy, bèn cho nó ăn thức ăn ngon, khấn thầm rồi thả ra. Nó đi rồi nhưng giây lát lại quay lại, cứ ngoằn ngòeo bò quanh cái giỏ. Người diễn trò rắn xua tay nói “Đi đi thôi, trên đời không có tiệc vui trăm năm không tan, từ nay ngươi náu thân nơi hang lớn, ắt sẽ thành thần long, đâu có thể ở trong giỏ được?”. Rắn bèn đi, y đưa mắt nhìn theo, lại thấy nó quay trở lại, xua cũng không chịu đi, cứ lấy đầu cọ cọ vào cái giỏ, con Tiểu Thanh ở trong cũng quẫy lộn soàn soạt. Y chợt hiểu, nói “Ngươi muốn từ biệt Tiểu Thanh phải không?” Bèn mở giỏ, Tiểu Thanh bò ra, hai con gác đầu thè lưỡi như nói chuyện dặn dò với nhau, rồi cùng bò đi. Y đang nghĩ rằng chắc con Tiểu Thanh cũng không về, thì thấy nó lặng lẽ trở lại một mình bò vào nằm trong giỏ.
Từ đó theo hoàn cảnh mà tìm, nhưng không được con nào ưng ý, mà con Tiểu Thanh cũng lớn dần, không thể diễn trò được nữa. Về sau được một con cũng hơi thuần nhưng không bằng con Tiểu Thanh, mà con Tiểu Thanh đã to bằng cánh tay đứa trẻ con rồi. Trước là con Nhị Thanh ở trong núi, những người đốn củi thường trông thấy, vài năm sau lại dài thêm mấy thước to bằng cái tô, thường hay ra đuổi người, nên người đi đường e dè ít dám qua lại nơi ấy. Một hôm người diễn trò đi ngang, con rắn lao ra như gió, y hoảng sợ bỏ chạy, rắn đuổi theo càng gấp, quay lại thì thấy nó đã gần sát tới nơi rồi. Nhìn thấy chấm đỏ trên đầu mới nhận ra là con Nhị Thanh, bèn buông giỏ xuống kêu “Nhị Thanh, Nhị Thanh!”. Rắn dừng lại, ngẩng đầu nhìn một lúc rồi phóng tới quấn lấy y như lúc còn diễn trò ngày trước. Y biết nó không có ý hại mình, nhưng nó quá to nặng, y đứng không vững ngã lăn xuống đất kêu lên, nó bèn buông ra. Lại lấy đầu cọ cọ vào cái giỏ, y hiểu ý, mở giỏ thả Tiểu Thanh ra. Hai con rắn gặp nhau quấn chặt lấy nhau một lúc lâu mới rời. Người nuôi rắn bèn nói với Tiểu Thanh “Ta đã muốn thả ngươi từ lâu, nay thế là có bạn rồi đấy”, rồi nói với Nhị Thanh “Nguyên là ngươi dắt nó về, nay cứ dẫn nó đi. Nhưng dặn các ngươi một câu, là núi sâu chẳng thiếu cái ăn, đừng ra quấy nhiễu người đi đường mà phạm tội với trời”. Hai con rắn cúi đầu như hứa vâng lời rồi cất mình đi, con lớn trước con nhỏ sau, qua khỏi rừng cây là nơi chia tay, người diễn trò rắn đứng nhìn theo cho đến khi chúng khuất dạng mới rời đi. Từ đó người qua lại trên đường lại được yên ổn, không rõ chúng đi đâu.
Dị Sử thị nói: Rắn là một loài vật ngu xuẫn mà có ý quyến luyến người xưa, lại còn có thể theo sự dạy bảo, như là đủ cả trí khôn. Chỉ quái lạ cho những kẻ rõ ràng là người, mà đi với bằng hữu mười năm ân nhân mấy đời lại nghĩ tới chuyện quăng xuống giếng, ném đá lên, nếu không như thế thì lúc đau ốm cần thuốc thang lại nghênh ngang không đoái hoài gì tới mà còn giận dữ thù hằn, cũng thẹn với rắn kia lắm vậy.