Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trân Châu Cảng

Chương 2

Tác giả: Randall Wallace

12 năm sau.

Trên bầu trời thuộc sân bay quân sự Hoa Kỳ ở New Jersey, một đội gồm 10 máy bay đồng loạt cất cánh vút lên trời xanh. Rafe trên máy bay chỉ huy và Danny bay ngay bên cánh phải của anh. Họ đều lái máy bay chỉ huy và Danny bay ngay bên cánh phải của anh. Họ đều lái máy bay chiến đấu cho dù vào thời điểm tháng 1 năm 1941, nước Mỹ chưa hề tham chiến.

Trong vòng 12 năm, thế giới đã thay đổi nhiều lắm. Nhưng những thay đổi lớn ấy hình như chỉ ở đâu đó phía bờ bên kia đại dương. Một người có tên là Adolf Hitler đã thống trị nước Đức. Nhiều người trên thế giới này cũng theo phe ông ta. Cả phi công lừng danh người Mỹ là Charles Lindbergh cũng ủng hộ học thuyết Hitler. Họ cho rằng những thay đổi mà Adolf Hitler mang đến là điềm lành. Hitler đã thực hiện công cuộc tái thiết nước Đức thành công, vượt qua những cuộc khủng hoảng khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Lúc này ông ta đang tổ chức một cuộc chiến tranh nhằm kết thúc mọi cuộc chiến tranh khác giống như báo chí thường gọi. Và nước Đức có đầy đủ sức mạnh và động cơ đẩy cỗ máy chiến tranh quay nhanh. Có một số người, mà một phần lớn trong số họ là những người không phải ở châu Âu, và một số ít người Mỹ cảm thấy những động cơ gây chiến của Adolf Hitler là không ổn, đặc biệt Hitler còn phát triển những đội quân hùng mạnh và đưa vào sử dụng những loại vũ khí giết người hàng loạt.

Trong trò chơi này, Hitler không đơn độc. Phía bên kia bờ Thái Bình Dương, cách nước Mỹ một nửa quả địa cầu, người Nhật cũng bắt đầu xây dựng đế chế riêng của mình, sẵn sàng xâm lấn những nước láng giềng.

Thay vì chống lại những nỗ lực của Nhật và Đức đang dồn sức để thực hiện một cuộc chiến tranh mới, nước Mỹ, nhìn chung, lại giúp đỡ hai nước này. Nếu thiếu dầu lửa của Mỹ, Nhật phải bó tay và Hoa Kỳ vẫn là nhà cung cấp dầu lửa chính cho Nhật Bản nhiều năm qua, cùng những khối lượng kim loại khổng lồ. Trong khi đó, nước Mỹ thiếu tiền mặt sau nhiều năm dài của cuộc Đại Khủng Hoảng. Nguồn kim loại lớn nhất cung cấp cho Nhật Bản được người Mỹ gom nhặt từ những vùng nông thôn. Cách kiếm tiền đơn giản nhất là đi nhặt những mảnh sắt vụn từ những thiết bị hư hỏng nằm rải rác trên các cánh đồng, gom chúng lại thành những đống phế liệu chở về thành phố. Lúc nào cũng có người sẵn sàng mua. Rafe và Danny cũng có lần tham gia vào việc thu gom phế liệu ấy. Nhưng sau một chuyện xảy ra khiến họ thôi không làm công việc ấy nữa.

Số là có lần, Rafe và Danny hí hửng kể cho ông nội Rafe nghe về công ty tư nhân của họ làm ăn phát đạt bằng cách thu gom phế liệu. Ông ngồi yên trên chiếc xích đu trước hiên nhà, chỉ nghe mà chẳng nói câu nào. Cho đến khi đề tài chuyển sang kế hoạch chi xài món tiền kiếm được, ông nội mới bình thản phả khói thuốc và phán một câu:

– Này! Mấy thằng nhãi kia! Rồi tụi bay chẳng hí hửng được lâu đâu. Nói cho mà biết những mảnh sắt vụn ấy sẽ biến thành đạn chì rồi quay trở lại rít trên đầu tụi bay! Lúc ấy mới sáng mắt ra. Lúc ấy có ôm cả đống tiền cũng chẳng cứu nổi mạng mình đâu, các con ạ.

Thế là hai nhà doanh nghiệp trẻ tuổi đành giã từ đống sắt vụn về sống trong trang trại nhà Rafe vì cha của Danny đã chết. Cũng phải nói thêm rằng, trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, một mảnh đạn pháo đã phạt đứt cánh tay của cha Danny. Nghe ông nội khuyên như thế Rafe và Danny biết mình phải tìm cách khác kiếm tiền. Hoặc nếu không, thì thà không làm gì cả còn hơn là góp sức đúc lên những viên đạn chì đã từng lấy đi một cánh tay của cha Danny trong chiến tranh.

Nhưng bọn họ cũng không ngồi chơi xơi nước được lâu. Có cách kiếm tiền mới. Đáng ra họ phải trả tiền để được làm việc ấy mới phải. Đó là lái máy bay phun thuốc trừ sâu và phân bón cho các cánh đồng. Với sự giúp đỡ của cha Rafe, cả hai bới tìm trong đống phế liệu ra đầy đủ phụ tùng và ráp một chiếc máy bay thứ hai phục vụ cho công việc làm ăn của gia đình. Và lần đầu tiên trong đời, hai thằng lao vào nhau ẩu đả quyết liệt để xem ai có quyền được lái chiếc máy bay này.

Một thời gian sau, không lực Hoa Kỳ cho họ một cơ hội chưa từng có trong đời. Và hôm nay đây, trung úy Rafe McCawley và trung úy Danny Walker đang ở trong buồng lái trên hai chiếc máy bay dẫn đầu phi đội gồm 10 máy bay chiến đấu vút ngang qua bầu trời phía trên căn cứ quân sự New Jersey. Đại úy Connor phụ trách huấn luyện từ mặt đất hướng dẫn bằng bộ đàm.

– McCawley và Walker nghe đây! tản đội hình ra!

– Ông vừa bảo chúng tôi co cụm đội hình lạ ư? – Giọng McCawley vang lên trong máy bộ đàm có chất lượng âm thanh cực tốt. Mỗi khi được bay lên không trung, giọng của McCawley có pha lẫn tiếng cười vui.

– Danny à! Hình như ông ấy vừa bảo tụi mình co cụm đội hình lại thì phải?

– Ừ! Tớ cũng nghe thấy đấy. Walker đáp.

Viên đại úy chỉ huy chỉ còn biết chửi thầm nhìn lên hai chiếc máy bay dính với nhau như hai con sam lướt trên bầu trời xanh ngắt.

– Này! Này! Đừng có bay dính vào nhau như thế! – đại úy Connor hét.

Ông rất yêu quý hai chàng trai này. Đối với ông, tự phụ một chút cũng không sao, miễn là kỹ thuật bay của anh phải chuẩn. Hai chàng trai người Tennessee này đã chứng tỏ năng khiếu lái máy bay từ khi còn học ở học viện quân sự. Theo ông, họ sẽ còn tiến xa hơn cả các giáo viên của học viện. Giờ là thời bình. Nếu như binh chủng không quân không đòi hỏi phải có thêm nhiều phi công trẻ và nếu các giáo viên già của học viện có việc gì khác để mà làm thì hai thằng bé mặt búng ra sữa, tính tình rất dễ thương kia có thể tự dạy cho nhau là đủ. Connor thuộc hạng giảng viên gạo cội trong học viện. Ông biết một căn cứ quân sự chẳng có gì trang bị cho các phi công lái máy bay chiến đấu ngoài cách trang bị cho họ lòng dũng cảm và kỹ năng bay. Đặc biệt là căn cứ đó do đại tá Jimmy Doolittle chỉ huy. Nhưng đại úy Connor vẫn thích hai chàng trai này. Mặc dù, họ có vẻ tự mãn nhưng vẫn giữ được nét lịch sự tao nhã của dân Tennessee.

McCawley và Walker dẫn đầu đội bay gồm 10 chiếc máy bay đang đưa cả đội hình nhanh nhẹn quay trở lại. Connor nhìn chiếc máy bay xé không khí với vẻ mặt đầu thán phục. Tám phi cơ khác trong đội bay theo với một niềm tin vững chắc không gì lay chuyển nối. Như thể McCawley và Walker đã tạo nên những đường mìn trên không cho toàn đội khiến họ chỉ còn việc hào hứng lướt theo.

Lúc này các phi công trẻ khác trong đội đang lao vào vòng cua gắt theo sau chiếc máy bay dẫn đầu như bản sao của chiếc máy bay đầu tiên vậy. Đại úy Connor nói vào máy bộ đàm:

– Tốt đấy! Đưa cả đội hình bay theo chiều mũi tên đi.

Thời ấy, máy bay P-40 được coi là máy bay chiến đấu tốt nhất của không quân Hoa Kỳ. Bắt đầu, họ chuẩn bị hạ cánh theo một đội hình chặt chẽ. Lần lượt từng chiếc trượt trên đường băng, ngay cạnh nơi viên đại úy phụ trách đào tạo đang đứng. Tất cả các phi công điệu đàng tắt động cơ ra khỏi phòng kính che buồng lái. Sau một chuyến bay tập dài mà hầu hết những người trong số họ còn rất sung sức. Các phi công ra khỏi máy bay đến gần đại úy Connor. Đại úy nghĩ thầm: Nếu ta chỉ có một nửa sức lực của tụi bay thôi thì cả thế giới này đã nằm gọn trong tay ta rồi. Bất chợt ông nhận ra tất cả các máy bay đều dừng lại. Chỉ còn lại hai chiếc P-40 vẫn chưa xong động tác này. Không cần điểm danh, ông biết ngay hai người kia là ai. Ông hỏi lớn:

– McCawley và Walker đâu?

Hóa ra hai chiếc mày bay kia vẫn còn đang ở trên không. Chúng lượn vòng ở hai đầu sân bay và bây giờ đang lao thẳng vào nhau hệt như hai viên đạn vừa bắn ra khỏi nóng súng ở hai phía đối diện. Connor kêu lên:

– Ồ không! Đừng!

Các phi công khác đều ngước mặt nhìn lên.

Bên trong buồng lái Rafe và Danny bình thản mở van tiết lưu. Sau khi đạt đến tốc độ cho phép, hai chiếc máy bay lao thẳng vào nhau với một vận tốc gấp đôi vận tốc cho phép bay bình thường. Tiếng động cơ rít lên nghe thật hào hứng, nhưng cũng thật đáng sợ.

Các phi công đứng trên đường băng nín thở nhìn theo hai chiếc P-40 rít lên ầm ầm và như muốn nuốt chửng nhau trên bầu trời. Billy, hay còn gọi là Billy Nhí, bởi vì anh ta có khuôn mặt rất trẻ, nhìn theo hai người bạn thân đang nhào lộn trên trời mà phát hoảng lên. Trông hai đường bay thẳng như kẻ chỉ, không ai có thể tưởng tượng được họ có thể tránh được nhau. Billy hét lên, nhưng tiếng hét của anh bị tiếng động cơ rít trên không trung nhấn chìm.

Cách đầu họ hai mươi sải, hai chiếc máy bay cùng lao tới và chỉ trong tích tắc nữa thôi chúng sẽ lao thẳng vào nhau ngay trước mắt những người đang xem. Hai chiếc máy bay chiến đấu P-40, nghiêng cánh 450. Lúc này, cánh của chúng chĩa thẳng lên trời và hai cái bụng máy bay sượt ngang qua nhau chỉ trong đường tơ kẽ tóc. Tiếng gió rít lên làm quần áo của những người đứng dưới mặt đất bay phần phật. Mũ nón bốc khỏi đầu họ văng xuống đất như thể đang giữa cơn cuồng phong khủng khiếp.

Trong buồng lái Rafe và Danny cười phá lên. Máy bay của họ bay cách xa nhau cũng nhanh như khi họ bay lại gần nhau. Hai trái tim cùng chung sự hồi hộp rồi cùng thoả mãn vì đã được sống hết mình. Danny tăng tốc độ, tiếng động cơ gầm rít và máy bay bay vút lên trời tựa như một con diều hâu đang nương theo chiều gió. Rafe tự thưởng cho mình bằng một màn nhào lộn trên không. Máy bay của anh ta bây giờ bay hình xoắn trôn ốc như một cái ruột gà mở nút chai. Mũi máy chĩa thẳng lên trời như thể nó muốn thoát khỏi lực hút của Trái Đất và phóng thẳng về phía các vì sao.

Trên đường băng, những phi công khác cười lớn và reo hò ầm ĩ như thể chính họ đang ở trong buồng lái của hai chiếc máy bay thần diệu kia. Đại úy phụ trách huấn luyện chẳng biết chiếc nón lưỡi chai của mình nằm dưới đất ngày cạnh chân ông tự lúc nào. Ông cứ đứng ngây ra nhìn. Cuối cùng ông lẩm bẩm: – Hậu sanh khả úy! Có tụi bay thì an ninh quốc gia không còn có gì phải lo ngại nữa.

Anthony là một người lính gốc Ý, dáng thư sinh đến từ Broocklyn. Anh sải bước nhặt nón đưa cho đại úy, mỉm cười:

– Chắc ông cũng nghe nói rồi, chỉ huy. Hai tay này lái máy bay nhà nông từ khi còn trong bụng mẹ mà! Không có gì đáng ngạc nhiên khi họ bay điệu nghệ như thế trong những chiếc máy bay P-40.

Danny cho máy bay trượt dài trên đường băng nhập bọn với những máy bay đã hạ cánh trước đó. Anh tắt động cơ trước khi nhảy ra khỏi buồng lái, lột chiếc mũ bay bằng da khỏi đầu, để bạn bè chiêm ngưỡng mái tóc màu hạt dẻ lúc nào cũng dựng ngược. Danny khoe hàm răng trắng bóng như một minh tinh màn bạc cùng đám bạn bè. Anh tháo dây an toàn, chân trước chân sau nhảy ra khỏi buồng lái. Chợt Danny giật mình:

– Rafe đâu?

Một anh bạn trong đội bay thường được các bạn gọi là Gã Đầu Đỏ, bởi vì mái tóc màu đỏ rực như ngọn lửa cháy trên thân đuốc gầy nhom. Danny xoa cằm nhìn lên bầu trời. Lúc này máy bay của Rafe vẫn đang bay lên cao thật chậm theo chiều xoáy trôn ốc lên cao và lên cao mãi. Viên chỉ huy đội huấn luyện gào lên bào máy bộ đàm:

– Tôi bảo hạ cánh xuống ngay! McCawley! – Nhưng trả lời ông chỉ có tiếng eo éo thoát ra ở chiếc máy bộ đàm cầm tay.

– Tôi không nghe thấy ông nói gì cả! Nhắc lại được không? – Danny chửi thề. Anh tức giận thở hào hển. Vừa nhảy trở lại buồng lái, đưa tay mở động cơ thì chỉ huy Connor hét lên:

– Anh kia! Xuống đây! Walker. Đây là mệnh lệnh.

– Thế còn nó thì sao? – Danny bảo, hất hàm về phía chiếc máy bay đang lượn vòng trên nền trời.

– Thằng đó đâu còn muốn nghe lệnh tôi nữa.

Danny đang định hỏi ông nói thế nghĩa là sao. Chợt anh nhận ra máy bay của Rafe lên ngày càng cao và bắt đầu tăng tốc hệt như một tay đua ngựa đang ghìm cương trước khi thực hiện một cú vượt rào nguy hiểm.

– Thế nào nó cũng làm điều đó cho mà xem.

Billy hỏi:

– Điều gi?

– Thì điều đó đó!

Máy bay của Rafe giờ chỉ còn là một chấm nhỏ trên nền trời. Đột nhiên, ngay lúc này, nó như ngừng hẳn lơ lửng trên không trung.

Billy hỏi:

– Đó là cái gì?

Cả Red và Anthony cũng cau mày chờ câu trả lời.

– Vòng nhào lộn ngoài!

Nhiều năm qua, ít người dám mơ đến chuyện thực hiện màn diễn tập này. Họ coi đó như một đỉnh cao của ngành hàng không. Nếu ai chỉ có tay nghề xoàng thôi mà dám mạo hiểm định thử trò này thì máy bay sẽ vỡ tan ra thành từng mảnh trước khi bốc cháy ngùn ngụt trên trời. Cũng có người thành công, nhưng chuyện xảy ra lâu lắm rồi. Tác giả không phải ai khác chính là đại tá Jimmy Doolittle, chỉ huy trưởng đương nhiệm của căn cứ không quân này. Sau ông, cũng có vài người thử sức. Số người thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn tất cả những người khác đều phải thiệt mạng vì dám trèo cao.

Bình thường, các phi công hay trình diễn trò vòng nhào lộn trong. Tức là phi công chỉ việc kéo cần điều khiển về phía sau để cho chiếc mũi của máy bay chĩa thẳng lên trời. Làm thế không khó. Đà của máy bay cộng với khí động lực khiến cho màn nhào lộn trong rất dễ thành công. Thường thì các phi công hay dùng màn nhào lộn này để thử nghiệm những gì mình đã được học trên ghế nhà trường. Nhiều thập kỷ qua, phi công coi màn nhào lộn trong là chuyện nhỏ. Nhưng nhào lộn ngoài thì khác hẳn. Đó là phi công sẽ để máy bay hạ xuống thật thấp, sau đó hoàn thành một vòng nhào lộn hầu như từ sát dưới mặt đất và bốc thẳng lên cao. Lúc đó thì buồng lái của máy bay như đang rơi ra ngoài không trung, nguy hiểm hơn vòng nhào lộn trong rất nhiều. Phi công lúc ấy sẽ không nhìn thấy mặt đất lướt dưới cánh máy bay mà chỉ còn biết đặt cả mạng sống của mình vào linh cảm và tài nghệ điều khiển phi cơ trong một thời điểm mà không có gì có thể bảo đảm mạng sống cho anh ta. “Được ăn cả, ngã về không” không có cái gì đứng ở trung bình, mức giữa.

Đại úy Connor hoảng lên:

– Ồ không! Đừng.. đừng!

Anthony và Billy cũng bên cạnh ông gào lên, thấy trái tim mình đông cứng lại.

– Đừng mà! Đừng!

Trong buồng lái, Rafe hít một hơi thật dài. Đây chính là lúc anh hiểu mình nhất. Khó khăn, nguy hiểm, cô đơn, nỗi sợ hãi bị bạn bè coi thường và ước muốn được là chính mình thách thức anh. Cũng ngay lúc này đây, những lỗi lầm trong quá khứ đang quay trở lại hành hạ anh. Anh phải chiến đấu đánh bại nó. Cảm giác lúc này hệt như lúc Calvin Pearson giơ cao bài làm của anh cho cả lớp cười chế nhạo. Cùng lúc, nhiều cảm xúc trái ngược dâng trào. Sự thôi thúc phải hoàn thành nhiệm vụ lẫn sự bình tĩnh đối mặt với hiểm nguy, sự giận dữ và quả quyết như một con rồng đang thổi những hơi nóng hổi như hơi nóng phả ra từ chiếc đèn hàn trong tay người thợ nung nấy tâm can của Rafe. Rafe hoàn toàn có thể dựa vào những cảm xúc đó để có thêm nguồn sinh lực mới mà không làm phương hại đến sự trong sáng, rõ ràng của ý thức và mục đích đã được định sẵn. “Hãy làm nó” là những từ ngữ xuất hiện từ kinh nghiệm, từ tiềm thức, như tiếng vọng của một giấc mơ hơn là một lời mách bảo vu vơ của giác quan thứ sáu.

Một khi đã quyết định làm một việc gì, anh hình dung được việc ấy anh sẽ phải làm ra sao rất lâu trước khi quyết định. Cơ thể anh bắt đầu chuyển động thành thạo mà không cần tâm trí mách bảo. Rafe cũng không cần phải hô to khẩu hiệu như bao người khác bắt đầu làm một việc trọng đại. Ngay lúc này, bàn tay trái của anh mở hết van tiết lưu, tay phải đẩy cần số về phía trước, chân trời dâng cao và mặt đất chỉ hiện ra lờ mờ trước mặt Rafe.

Năng lượng của máy bay vụt biến mất.

Chiếc P-40 rú rít lao thẳng xuống mặt đất với một tốc độ chóng mặt. Trong buồng lái, cơ thể của Rafe nhanh nhẹn hơn cả chiếc phi cơ được thiết kế như một máy bay chiến đấu. Sự hoà hợp của những lực vật lý bắt đầu khiến cho thân máy bay rung lên và cuối cùng máy bay của anh lắc thật mạnh. Khi ấy máy bay rớt chậm hơn. Và đó là điều mà Rafe cần. Anh kéo van tiết lưu khiến máy bay rung lên dữ dội và nó cứ thế rơi ngày càng nhanh hơn. Dưới đường băng, Danny lẩm bẩm như đang cầu nguyện.

– Rafe, cậu làm được mà! Tớ tin cậu làm được!

Chiếc P-40 nhào thẳng xuống mặt đất với một tốc độ chóng mặt. Trong khi rơi, nó quay một nửa vòng, đầu của phi công lộn ngược xuống đất. Với kinh nghiệm bay nhiều năm, cơ thể của Rafe dính chặt vào ghế bằng một loại keo vô hình. Mặt đường băng trải nhựa vụt qua trước mặt. Thân máy bay chỉ cách mặt đường có 10 sải. Chưa một ai trong số những người đứng trên đường băng hôm ấy từng thấy một vật nào lao nhanh đến thế. Tất nhiên đạn bắn đi khỏi nòng súng thì nhanh hơn rồi. Nhưng có ai nhìn thấy đường đạn bay ra sao đâu. Còn chiếc P-40 này hệt như một ánh chớp được tạo thành từ động cơ và sức gió. Rafe bắt đầu cho máy bay vút lên cao. Lúc này, buồng lái của anh đang ở phía ngoài vòng tròn. Máy bay tiếp tục lao thẳng lên nền trời một lần nữa. Tốc độ khủng khiếp đẩy chiếc máy bay lên cao mãi, nhưng đột nhiên nó bay chậm lại, phản lực của máy bay nhanh chóng kết thúc cuộc vật lộn nhằm thắng lực hút của Trái Đất khi chiếc máy bay vọt lên nền trời xanh thành một đường thẳng đứng. Danny và bạn anh đứng nhìn, họ không còn biết tim mình còn đập hay không và mũi mình còn thở hay không nữa. Bởi vì khi đã lên đến đỉnh điểm của vòng nhào lộn thì chiếc máy bay dường như bị chết máy. Nếu như tốc độ bay không được điều chỉnh và phi công không tính được sức gió một cách kỹ lưỡng thì chiếc máy bay này sẽ rơi thẳng xuống mặt đất mà không ai có thể cứu vãn được, hệt như một mảnh kim loại khổng lồ rớt từ trên trời xuống.

Và người ta đã từng chứng kiến rất nhiều cảnh như vậy rồi. Lúc đó, mọi chuyện không còn nằm trong tầm kiểm soát của phi công nữa. Trong buồng lái, Rafe không ngừng điều chỉnh các van tiết lưu của máy bay và lại tiếp tục cho chiếc phi cơ của mình lại cắm xuống đất một lần nữa. Chỉ khác là lần này độ cao anh tự định ra cho mình là hết sức hạn hẹp. Tất cả những khó khăn của một màn nhào lộn ngoài nằm ở thời điểm này đây. Màn nhào lộn ngoài như một hành động ngông cuồng chống lại bà mẹ thiên nhiên. Nhưng lúc này, Rafe đã quá say sưa với màn mạo hiểm được bay lượn, được làm những điều mà không phải ai cũng làm được, khiến anh không còn muốn tỉnh táo cân nhắc giữa cái sống và cái chết nữa.

Đối với Danny, Billy, Rafe, Anthony, cả đại úy Connor cùng với tất cả các phi công khác trong đội đang đứng dưới đường băng thì hình như Rafe đang không có đủ độ cao để hoàn thành màn trình diễn này. Máy bay của anh sững lại giữa không trung. Lát sau, tốc độ của máy bay lên cao, lợi dụng từng cm của độ cao cho phép. Nhưng đối với những người đang đứng quan sát thì anh vẫn đang đứng ở quá thấp.

Cả Rafe cũng có cảm giác ấy. Xung quanh lúc này hoàn toàn yên ắng. Khoảnh khắc đối diện với nguy hiểm đến với anh không an bình như bầu không khí bên ngoài. Bản thể của anh như muốn la lên thật lớn và nỗi lo sợ đang bắt đầu gặm nhấm tâm can Rafe.

Nhưng anh quyết định vẫn làm như mình đã định. Anh mở van điều lực hết cỡ.

Nhưng anh không chỉ làm thế rồi ngồi chờ ông trời cho mình được phép sống còn. Muốn sống anh phải đưa máy bay đạt đến tốc độ lớn nhất và chọn lấy một thời điểm thích hợp nhất, thời điểm mà sức gió và mật độ không khí trong ngày hôm đó cho phép máy bay của anh biến vận tốc thành lực xoay vòng.

Chiếc máy bay lao thẳng xuống mặt đất, bụng ngửa lên trời.

Lúc máy bay lộn vòng thì cánh của nó chỉ còn cách mặt đất có một sải.

Tát cả bạn bè anh, trừ Danny và đại úy Connor, đều ồ lên sung sướng.

Trong buồng lái, Rafe hài lòng tự thưởng cho mình một nụ cười thật tươi.

Tim của những người đứng trên đường băng vẫn còn đập thình thịch trong lồng ngực khi chiếc P-40 của Rafe hạ cánh xuống đường băng và hướng về phía họ. Phi công của toàn đội bay chạy ào ra mừng đón anh. Riêng đại úy Connor vẫn đứng yên một chỗ và lắc đầu. Danny trèo lên máy bay trước mọi người. Anh nhảy lên cánh máy bay trong khi Rafe đã cho máy bay ngừng hẳn và đang mở mái vòm kính của buồng lái, Danny ôm chầm lấy Rafe, lắc mạnh, thân hình bạn anh đập rầm rầm lên ghế.

– Mày muốn chết sao mà làm trò nguy hiểm đó hả? Đồ khùng!

Danny gào lên nhào vào buồng lái ôm lấy bạn, hai chân vẫn còn khua khoắng phía ngoài. Trong khi đó, các phi công khác quây tròn xung quanh và gào lên chúc mừng. Danny ghé vào tai Rafe la lớn:

– Chưa bao giờ tao thấy có thứ gì khác trên đời đẹp hơn vòng nhào lộn vừa rồi! Đẹp lắm! Đẹp chưa từng thấy!

Bình luận