Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trân Châu Cảng

Chương 19

Tác giả: Randall Wallace

Những ngôi sao bắt đầu nhạt dần trên nền trời và phía Đông, trời cũng chuyển sang một màu xám nhạt. Suốt đêm, đội thủy thủ của Nhật đã chất lên những chiếc máy bay chiến đấu những trái bom thủy lôi và bây giờ họ đang chất đạn dược lên những chiếc máy bay cuối cùng chuẩn bị cho cuộc không kích.

Dưới boong tàu, những phi công trẻ tự chuẩn bị tinh thần cho mình đối mặt với những gì sắp xảy ra. Một vài người ngồi trước những chiếc rương đựng đồ cá nhân lầm rầm cầu khẩn. Những người khác viết những bài thơ chăn chối. Số còn lại thì viết thư cho vợ, người yêu và những người thân trong gia đình.

Một phi công còn quá trẻ để lập gia đình và quá bẽn lẽn để có được một người bạn gái đang ngồi viết những dòng sau:

Cha kính mến! Giờ con sắp lên đường để hoàn thành nhiệm vụ và sứ mệnh của con. Con hy vọng sẽ mang mạng sống của mình ra đem lại niềm vinh dự cho gia đình ta. Nếu con có phải chết, con cũng nên hy sinh dâng hiến mạng sống của mình không nuối tiếc, để trở thành một đầy tớ trung thành của tổ quốc chúng ta và trở thành một đứa con mang lại niềm tự hào cho gia đình.

Trong phòng điều khiển của con tàu Akagi, Yamamoto đứng nhìn không rời mắt ra ngoài cửa sổ để quan sát phía ngoài. Những thủy thủ trên boong đứng nghiêm thành hàng trông chăm chú chờ người lính danh dự kéo ngọn cờ Nhật Bản lên cao dần trong bầu trời rạng sáng. Lá cờ mang hình mặt trời đang lên kiêu hãnh bay phần phật trong gió. Thủy thủ lặng lẽ ngắm nhìn lá cờ tổ quốc và Yamamoto tự hỏi: Nếu như họ tỉnh táo một chút, rất có thể họ sẽ cảm nhận được nỗi sợ hãi, hoảng loạn sắp sửa diễn ra. Nhưng tiếc thay, những người trẻ tuổi kia lại không tỉnh táo. Chỉ có kỷ luật khắt khe mới có thể khiến họ ngăn dòng cảm xúc đang dâng trào trong lúc này. Khi lá cờ của Nhật Hoàng đang xé gió trên không trung và những lá cờ chiến đuôi nheo của hạm đội bay phần phật ngay phía bên dưới thì các thủy thủ đã gầm lên lời thề chiến thắng.

Tiếng còi hú lên, mệnh lệnh được tuôn ra và gió thổi ào ào bên tai, tất cả mời gọi đoàn quân tiến tới. Boong tàu nhộn nhịp, và mặc dù Yamamoto có quyền lực đưa ra bất cứ lời mệnh lệnh nào mà ông cho là đúng lúc, nhưng vẫn cảm thấy quyển lực cho phép mình dành chiến thắng hầu như nằm ngoài tầm tay ông. Ông không thể dừng bánh xe chiến tranh đang trên đà lăn tới. Mà ai lại muốn đứng ngáng đường cỗ xe chiến tranh chỉ muốn ngốn thịt người. Những chiếc máy bay hiệu Chiro cánh ngắn được cọ sạch và đánh bóng loáng, những bánh xe được tra dầu chạy thật êm, những tấm kính phủ trên buồng lá được chà cho sáng bóng lên đang đậu trên boong của chiếc tàu hàng không mẫu hạm. Các phi công đeo những dải băng trắng có hình mặt trời mọc trên trán chạy về phía những máy bay của mình và leo vào trong buồng lái. Cánh quạt bắt đầu quay và động cơ đã được khởi động. Đám thủy thủ trên boong của con tàu hàng không mẫu hạm lôi những con chèn dưới các bánh xe của máy bay. Tất cả đều đã sẵn sàng lên đường.

Một sĩ quan trên boong nhìn về phía Yamamoto chờ ông ra hiệu. Khi Yamamoto ra dấu thì những chiếc máy bay đầu tiên bắt đầu rời boong của chiếc chiến thuyền khổng lồ. Bánh xe trượt dài trên đường băng, một lần nữa, các thủy thủ đứng nghiêng mình chào những phi công đang chuẩn bị lên đường trở thành những người hùng của đất nước.

Một người ghi chép lại giây phút lịch sử sẽ suy ngẫm lại những sự kiện diễn ra vào buổi sáng hôm đó. Có thể cho rằng những giờ phút kế theo thời khắc, những chiếc máy bay bắt đầu trượt trên đường băng là những giờ phút soi sáng nhất của thế kỷ 20 và có thể của cả thế kỷ 21 nữa. Bởi vì theo cách nhìn của họ, mở đầu một cuộc chiến tức là đã bắt đầu sắp xếp lại cả thế giới. Những suy nghĩ đó quả thật là vớ vẩn.

Làm sao một thời khắc có thể được tách riêng ra mà trầm trồ khen ngợi nếu không tính đến những thời khắc lịch sử khác sâu thành chuỗi dẫn đến thời điểm ấy và cả những phản ứng dây chuyền sau này tiếp nối kể từ thời khắc kia bắt đầu. Chỉ có một điều chắc chắn, chỉ có những người trực tiếp mục kích Trân Châu cảng ngày hôm đó mới có thể nói lên quan điểm của chính họ ở một góc nhìn khách quan nhất.

Trong một trạm rada trên đảo Oahu, một sĩ quan và một binh nhì đang ngồi ngáp dài bên thiết bị rada của họ. Họ được lệnh phải trực cho tới tận 7 giờ sáng và chỉ còn có một giờ nữa là đến giờ nghỉ. Nhưng bởi vì cái kĩ thuật này mới và những người làm việc trên thiết bị ấy phải học hỏi thêm nhiều nữa mới sử dụng thành thạo được. Viên sĩ quan trực cho phép binh nhì được ngồi trước màn hình thực tập trong vài phút. Thế rồi tên binh nhì nói:

– Cái gì vậy? Tôi thấy có một cái gì mờ mờ ở đây. – Tuy nhiên giọng nói ỉu xìu ấy cho thấy cả anh ta lẫn viên sĩ quan kia chẳng ai để ý và cảnh giác đến cái điều họ đang vừa nhìn thấy. Bây giờ đã sắp bắt đầu một ngày mới mà họ thì lại chẳng đang ở tuyến đâu, thiết bị thì lại quá lạ lẫm. Thế nên chẳng ai phát hoảng lên và tin vào những gì màn hình đang cho họ thấy. Viên sĩ quan đến gần hơn, ngồi bên cạnh chồng hồ sơ mà anh ta vừa sắp xếp lại, nhìn lên màn hình.

Đầu tiên, anh ta nghĩ là tay binh nhì này chắc đã nghịch ngợm một vài phím bấm nên tạo ra những đốm chấm sáng làm mờ màn hình đi. Nhưng rồi anh ta nhìn thấy ngay rằng màn hình không hề mờ đi một cách khó hiểu. Quả thật có những chấm sáng nhận được từ rada đang di chuyển từ phía Đông Bắc tới. Rất rất nhiều chấm sáng như thế túm tụm lại với nhau như thể một đám mây.

Viên sĩ quan nói:

– Tôi chưa từng thấy có một cái gì tương tự như vậy. – Anh ta nhấc ống nghe lên, tên binh nhì đập nhẹ vào màn hình rada và sau đó vỗ mạnh vào hai bên sườn như thể người ta làm khi tivi cũ kỹ của nhà họ bị nhiễu, nhưng những chấm sáng kia vẫn không biến đi.

Trong phòng chỉ huy quan sát, một viên sĩ quan quân đội khác phải đợi điện thoại nghe phía đài rada thông báo và hỏi lại nó đến từ hướng nào? Ông ta nghe câu trả lời, sau đó che ống nghe rồi thông báo cho viên chỉ huy trưởng. Ông ta phải làm thế bởi đã có lệnh phải tuyệt đối bí mật trong khi liên lạc tránh bị tình báo Nhật phát hiện.

Trạm rada đã nhận được tín hiệu của một đám mây cách điểm chớp sáng đến từ phía Đông Bắc. Viên chỉ huy trưởng đội tuần tiễu để máy bộ đàm trên bàn và vào đài KGMB nghe tiếng nhạc phát đi từ đài phát thanh Hawaii làm ông yên lòng. Ông gật đầu về phía chiếc bộ đàm và bảo:

– À, đó là đội quân của ta và đã đến sớm hơn lịch trình đấy mà. Có một đội máy bay ném bom BM-17 đang tiến vào đất liền vào cảng. Họ dùng tín hiệu radio để báo cho đội bay biết có thể hạ cánh an toàn, đừng có làm náo loạn lên khắp nơi, chỉ báo với bọn ở trạm rada là đừng lo gì cả. Đây là động đội của chúng ta, thế thôi.

Ở trạm rada, viên sĩ quan phân vân không nghe chỉ huy của mình thông báo, thế nhưng anh ta vẫn phải tuân lệnh.

– Tôi nghe rồi thưa ngài. – Anh treo máy lên và bảo với viên binh nhì nọ: – Họ bảo với ta đừng lo lắng gì về chuyện này. Ở trạm rada không biết có một chuyến bay bình thường của một đội máy bay ném bom đến từ đất liền và viên chỉ huy đội trực bảo vệ hôm ấy cũng không nhận ra có rất nhiều những chấm sáng trên màn hình rada so với số lượng máy bay ném bom của Mỹ đến đảo Hawaii theo lịch trình ngày hôm đó.

Mỗi một chấm sáng hiển hiện trên màn hình rada của Mỹ là một máy bay ném bom hạng nhẹ, gồm có ba người trong đội bay. Những chiếc máy bay này vững vàng và rất mạnh mẽ. Nó được sơn màu cát hơi nâu để khó bị phát hiện ra trên nền trời Thái Bình Dương. Một nhân viên trong thành viên của đội hình bay gọn nhẹ ấy giữ nhiệm vụ hoa tiêu. Tiếng nhạc từ đảo Hawaii vang ra từ máy bộ đàm của anh ta làm công việc của anh trở nên đơn giản hơn. Tiếng nhạc ấy là dấu hiệu an toàn cho cả cuộc tấn công. Viên phi công của chiếc máy bay Nhật Bản nhìn sang bên trái và thấy mặt trời đang lên cao trên vùng Đông đang tỏa sáng bằng những tia nắng rực rỡ về khắp các phía trông giống như hình mặt trời trên lá cờ của Nhật. Viên phi công này cho rằng đó là một điềm tốt và anh ta nói điều đó với bạn bè của mình.

Chiếc máy bay đầu tiên rời boong tàu của những hàng không mẫu hạm Nhật Bản là máy bay trinh thám. Bây giờ nó bay tự do giữa những máy bay dân dụng trên bầu trời sáng chủ nhật mà không hề bị rada phát hiện. Máy bay này đang bay trên bầu trời Trân Châu cảng và thông báo bằng bộ đàm về hạm đội tàu chiến. Toàn bộ khu cảng đều yên tĩnh, tàu bè vẫn ở nguyên chỗ. Đây là một tin tức tuyệt vời, máy bay trinh thám nói thêm hai từ chẳng êm tai chút nào sau tin mừng vừa qua. Những tàu khu trục đã đi đâu mất rồi. Khi thông điệp được giải mã và đến tay Yamamoto, ông đọc nó trong im lặng và bảo đám nhân viên:

– Chúng ta phải đạt cho được yếu tố bất ngờ. Nhưng những tàu khu trục của Mỹ lại không ở trong cảng, ta chẳng thích điều này chút nào.

Những lời của Yamamoto nói ra nghe có vẻ nhẹ nhàng như thế. Nhưng sự biến mất của ba con tàu hàng không mẫu hạm của Mỹ vẫn thường thả neo trong Trân Châu cảng đã khiến Yamamoto run sợ. Tất cả những tàu khác của Mỹ thì đều trong cảng, đang đứng chờ tựa như những miếng thịt tươi hay những con mồi con cho hạm đội chiến tấn công của ông. Yamamoto không biết những tàu chiến của Mỹ đã đi đâu. Phải chăng chúng đang đi do thám phía Nhật Bản và chỉ chờ ông ra tay tấn công là bọn chúng liền đập cho quân của ông te tua. Một khi ông đã cử những máy bay của ông đến Trân Châu cảng và nếu người Mỹ tìm thấy tàu của ông thì họ sẽ đánh chìm những tàu chiến của Nhật Bản và tất cả những máy bay chiến đấu cũng có thể bị bắn hạ.

Thật ra thì những con tàu cả Mỹ đang ở cách xa Trân Châu cảng hàng trăm hải lý. Một chiếc đang tập trận, hai chiếc khác đang đi về hướng Midway mà không hề nghi ngờ rằng người Nhật sắp sửa tấn công vào Trân Châu cảng, mà nếu nó có nghi ngờ đi chăng nữa thì nó cũng ở quá xa Trân Châu cảng để có thể quay về ngay lúc ấy. Ý tưởng gọi những máy bay của mình quay trở về nung nấu trong đầu Yamamoto, nhưng những chiếc tàu ngầm đã tấn công bất ngờ hàng mấy giờ trước đây rồi. Chuyện họ khám phá ra sự có mặt của những tàu ngầm này là chuyện không thể tránh khỏi. Thế mà người Mỹ vẫn chưa báo động gì cả. Nếu quả họ biết mà vẫn án binh bất động để chờ quân Nhật tới thì cơ hội tấn công bất ngờ hoàn toàn biến mất.

Thôi, đã đâm lao thì đành phải theo lao. Tư lệnh không quân Genda biết rằng Yamamoto đang nghĩ gì, ông an ủi bạn mình:

– Chúng ta còn một tàu chiến đang được giấu kỹ. Trong trường hợp bị tấn công ông vẫn có thể lên tàu đó và tháo chạy.

Yamamoto đáp:

– Đã ngồi lên mình hổ rồi thì cứ phải quất roi đi thôi, không còn cách nào khác.

Và thế là 190 máy bay chiến đấu của Nhật Bản vút lên trên nền trời xanh như ngọc ngay phía trên Trân Châu cảng vào ngày chủ nhật 07/12/1941.

*

Tư lệnh Kimmel ra khỏi nhà sớm sáng ngày hôm đó. Ông đi đánh golf với bạn bè và các đồng nghiệp. Vừa mới bước chân ra ngoài ánh nắng mặt trời chan hoà thì tiếng điện thoại reo trong nhà. Một thành viên thuộc êkip của ông thông báo:

– Thưa tư lệnh, một tàu chiến của chúng ta có báo cáo rằng đã bắn chìm một tàu ngầm của địch đang tìm cách tiến về phía Trân Châu cảng.

– Báo ngay tin ấy về Washington. – Kimmel nói ngay tức khắc và trước khi ông kịp hỏi tiếp thì một chiếc xe jeep đã đỗ xịch ngay trước cửa nhà ông, chuẩn bị đưa ông vội vã đến thẳng sở chỉ huy tại Washington.

*

Ngồi sâu trong tầng hầm của trung tâm tình báo hải quân, một viên sĩ quan đánh máy trẻ đang vật lộn với chiếc máy giải mã. Thurman đứng bên cạnh anh ta, chiếc thắt lưng quần của ông kéo cao lên tới tận ngực. Mỗi khi căng thẳng, ông thường kéo quần mình lên rất cao.

– Này con trai, lần đầu sử dụng máy này hả? – Ông hỏi.

– Vâng, thưa ngài, là lần đầu tiên, thế nên tôi rất lo sợ, thưa ngài.

Thurman hít một hơi thật sâu, cố giữ bình tĩnh và quay sang chiếc máy giải mã đang làm việc chậm chạp. Những dòng chữ trên giấy trắng từ từ chui ra khỏi chiếc máy ấy, những cuộc đàm phán hoà bình là vô hiệu. Phải chịu đó là quá đủ với Thurman. Ông chộp lấy điện thoại, quay số của các ban ngành trên lầu và nói không khách sáo.

– Chúng tôi vừa nhận được một thông điệp từ phía Nhật Bản, nghe như lời tuyên chiến. Tôi đang ở dưới này đây, cố tìm cách để cứu cả thế giới, trong khi các người lại gửi cho tôi một tay điện đàm viên với đám mụn nhọt có tuổi thọ còn cao hơn cả thâm niên đánh máy tính của anh ta. Tôi cần giúp đỡ ngay bây giờ. Cám ơn nhiều!

Từ trong thâm tâm, Thurman biết như thế là đã quá trễ, nhưng ông cố tự trấn tĩnh bản thân và tự thuyết phục mình rằng giác quan thứ sáu của ông lại báo nhầm rồi. Ông không còn nhớ trong đời ông có từng bao giờ linh cảm lại đưa ra những thông điệp lầm lẫn.

*

Khi vừa bước chân vào văn phòng, tư lệnh Kimmel đã nhận được những thông báo mới nhất từ tay viên trợ lý. Anh này báo cáo lên: tình báo hải quân đã thâm nhập được vào mạng điện đàm từ Tokyo đến đại sứ quán Nhật Bản ở Washington. Tokyo chỉ thị cho nhân viên đại sứ quán của mình đốt hết tất cả tài liệu mật và đập tan các máy giải mã hiện có trong toà đại sứ.

– Thế bên phòng tác chiến đã kêu gọi các chỉ huy quân đội về tình trạng báo động chưa? – Kimmel hỏi.

– Chưa, thưa ngài. Tất nhiên lời chỉ dẫn của Tokyo cho toà đại sứ Nhật Bản ở Washington không phải là một lời tuyên chiến.

Tuy nhiên, không sĩ quan chuyên nghiệp nào nghe những thông tin như vậy lại kết luận rằng: Không phải người Nhật đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn chống lại Mỹ. Tư lệnh Kimmel và đồng nghiệp của ông cũng chờ đợi điều tương tự sắp xảy ra. Nhưng những thông điệp gửi từ Washington đã không còn là một lời báo trước nữa rồi, bởi vì khi những thông điệp ấy tới được tay Kimmel thì bom đã rơi như mưa trên bầu trời Trân Châu cảng.

Khi đội máy bay đầu tiên của Nhật đã nằm trong bầu trời của Trân Châu cảng, chúng liền chúi mũi xuống đất, sà thấp xuống bay theo đội hình tấn công.

*

Cảng ấy vẫn còn nằm yên lặng, thư thái dưới tầm bắn của những chiếc máy bay hung hãn, Đó là vào một sáng chủ nhật, mọi khung cảnh, con người như còn ngái ngủ. Hầu hết những thủy thủ, lính tráng và dân thường trên đảo Oahu vẫn còn vùi đầu trong nệm êm gối ấm. Sắp sửa đến Giáng Sinh rồi, những hàng cây bên đường trang trí xanh đỏ và thơm ngát mùi mận chín. Trẻ con mặc áo lông, còn đàn bà phụ nữ ngồi đầu trên những chiếc xe hơi gia đình đến nhà thờ sớm để chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh sẽ được tổ chức hết sức tưng bừng vào năm nay. Trong khu cộng đồng các gia đình, lính tráng và sĩ quan, người ta mặc những chiếc quần soọc đi dạo phố cùng những chiếc áo thun sặc sỡ đủ màu đang đi ra phía cửa trước để nhặt báo buổi sáng mang vào nhấm nháp bên ly cà phê.

Trên những boong tàu của con tàu chiến Arizona, một đội kèn đồng đã từng đoạt giải âm nhạc vào đêm hôm trước đang tự cho phép mình tự thưởng quyền được ngủ trễ.

Sáng ngày hôm sau, bên cầu tàu, một anh lính kèn còn trẻ lo lắng luyện tập để chuẩn bị chơi lần đầu trong lễ chào cờ buổi sáng ngày hôm sau.

*

Trên chiến hạm West Virginia, Dorie Miller lau sàn nhà bếp. Bên ngoài khu vực nhà ăn, một thủy thủ trẻ ngồi mở chiếc túi mà anh đã được nhận từ một người bạn gái từ quê nhà. Anh nhận được túi này từ lâu nhưng để dành không mở nó ra chờ cho khi bạn bè ngủ say, chỉ có một mình anh mới len lén mở chiếc túi, lòng tràn trề hy vọng. Khi mở chiếc gói giấy, đằng sau túi, anh phát hiện ra nàng đã gửi cho anh một tấm hình chụp chân dung của nàng cùng với một chiếc móng thỏ sâu vào một sợi dây chuyền. Anh lính cảm thấy tim mình ấm áp lên bởi món quà từ quê nhà, anh đeo chiếc bùa hộ mệnh lên cổ.

Ở trung tâm Washington, cặp mắt của Thurman càng mở lớn khi những dòng chữ in liên tục nối đuôi nhau ra khỏi máy giải mã, mối hữu hảo đã không còn đến thời kì quan hệ thù địch giữa Mỹ – Nhật.

Trên những đỉnh núi nhìn ra Trân Châu cảng, những người đi bộ, dạo chơi, leo núi đã cắm trại ngủ suốt đêm lúc này đang lục đục dậy dần. Khi ánh bình minh vừa ló dạng, họ có cảm giác như những vị chúa tể tối thượng của đảo Hawaii đang nâng cả hòn đảo này lên mà lắc. Những âm thanh ấy không đến từ trong lòng đất. Vị chúa tể của những cơn động đất Madame Pele chưa ra tay, tiếng gầm rít đến từ không trung dày đặc những máy bay chiến đấu. Hàng chục, hàng chục chiếc máy bay như thế đang cắm đầu lao về phía Trân Châu cảng.

Trên biển, những con tàu đậu trong cảng vẫn yên ắng, động cơ lạnh giá và những chiếc neo yên tĩnh ngủ say dưới lớp cát trong lòng biển nơi bến cảng.

Cách đó nửa hải lý, những chiếc tàu thả ngư lôi của Nhật bắt đầu sà xuống thấp, chỉ cách mặt nước có vài bộ, tiếng động cơ của nó rối rít bởi phải giữ đúng cự ly.

Còn phía trên đầu, những đội hình bay của các máy bay thả bom Nhật Bản đã sẵn sàng bay theo đội hình chờ nhấn nút cho bom rơi.

Bên ngoài những sân bay xung quanh Trân Châu cảng, những chiếc máy bay của Mỹ co cụm lại chẳng khác nào đám tàu thuyền đang neo đậu dưới kia. Máy bay không có vũ khí, đạn dược, không sẵn sàng để bay và không hề được bảo vệ.

Trên con tàu chỉ huy, tư lệnh Yamamoto và đám tuỳ tùng của ông ta cúi người trên những chiếc bản đồ tác chiến chờ đợi tin tức báo về. Ngay trước cả khi tin tức của đợt ném bom đầu tiên quay về sở chỉ huy thì mệnh lệnh cho toán máy bay thứ hai hướng về Trân Châu cảng đã chuẩn bị cất cánh trên boong của chiếc hàng không mẫu hạm khổng lồ.

*

Vài phút sau khi đồng hồ điểm 8 giờ sáng, hai viên thủy thủ đứng trên boong của chiếc tàu Mỹ Oklahoma, một chiếc tàu đầy tự hào, bởi vì nó còn rất mới, rất đẹp. Là một trong những chiếc tàu đẹp và tốt nhất của hạm đội. Bọn họ cùng nhau hút chung một điếu thuốc và nhìn ra phía cảng yên tĩnh, thanh bình. Một người trong số họ nhìn thấy được vài mày bay đầu tiên trong đội hình bay của Nhật Bản, anh ta đã chỉ cho bạn mình bảo:

– Cậu nhìn kìa.

– À, máy bay của bên quân đội ấy mà. – Bạn thân của anh ta đáp: – Đang bay tập ấy mà. – Có thứ gì đó rớt ra từ chiếc máy bay đầu tiên và rơi tõm xuống làn nước xanh ngắt. Chiếc máy bay vòng trở lại bỏ đi.

– À, lại là thả thủy lôi trong cuộc bay tập ấy mà. – Họ nhìn theo những quả thủy lôi thi nhau rơi xuống thành hàng thẳng đứng. Có một vệt nước trắng màu bọt tung lên khi mỗi quả thủy lôi thả xuống.

– Này, bây giờ cậu hãy nghe đây nhé! Có một tiếng rầm rất nho nhỏ thôi, khi những quả thủy lôi nhỏ ấy chạm vào thân tàu đấy.

Họ bình tĩnh ngắm nhìn với vẻ tò mò rất ngộ nghĩnh trong khi thủy lôi rơi như mưa xuống cạnh chiếc Oklahoma ngay đằng sau đuôi tàu, sát vạch kẻ trọng tải. Một tiếng nổ cực lớn dựng lên một bức tường bằng nước cao tới 50 bộ chụp lên boong tàu hất đám thủy thủ và mọi thứ khác văng mạnh xuống biển ở phía thân bên kia tàu.

Khi tiếng nổ cực lớn rộ lên khắp Trân Châu cảng vào ngày hôm đó, vẫn còn có những cư dân sống ở trung tâm Oahu cách đó chỉ vài dặm không nghe thấy gì, không nhìn thấy gì và không hề biết gì đến cuộc tấn công cho đến khi cuộc tấn công chớp nhoáng này kết thúc.

Bình luận