Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Trân Châu Cảng

Chương 22

Tác giả: Randall Wallace

Không đủ xe cứu thương ở đảo Oahu cho hết các thương binh. Những xe tải quân đội mang đến cho bệnh viện cả đống người sống lẫn người chết.

Người thì la gào trong đau đớn, người thì bất tỉnh nhân sự tự lúc nào, người thì mạch vẫn còn đập, người thì trái tim đã im lặng tựa như một cái đồng hồ quên lên giây. Trong cơn hoảng loạn ngoài Trân Châu cảng thì những lính cứu thương và các bác sĩ quân y hải quân không thể phân biệt ngay ngoài chiến trường người nào có thể còn sống được, còn người nào đã hết hy vọng. Thế nên họ cứ lấy garo và gạc băng bó tạm thời và để mặc công việc chọn lựa cho bác sĩ và y tá trong bệnh viện. Những người bị thương được chở đến trên xe nằm bên cạnh những xác chết. Tất nhiên, đó là một chuyến du ngoạn chẳng vui thú gì.

Evelyn làm việc trong cảnh cuống cuồng tại khu vực chính của bệnh viện. Trông nàng lúc này chẳng khác nào một cảnh sát giao thông đang phát điên vì lượng xe cộ quá tải. Cô gái gào lên:

– Đưa những ca đang nguy kịch vào trong khu 1. Những người đã ổn định tương đối vào trong khu 2. Barbara, hễ tìm thấy ống tiêm nào thì lấy đầy thuốc kích thích và thuốc kháng sinh cho tớ nhé!

Có những lúc hình như chẳng ai nghe nàng cả. Một anh lính thủy có đeo một lá bùa móng thỏ được đưa đến gần Sandra. Một nửa khuôn mặt của anh đã bị mảnh đạn phạc mất khiến các y tá đứng ngây người và sợ hãi. Còn những người khác, những người chưa từng biết chiến trường là gì đứng đó run rẩy, cảm thấy chân tay mình dư thừa, không biết làm gì với một đám đông toàn những người mang những vết thương khủng khiếp. Thậm chí họ cũng không biết mình phải làm gì, thúc giục họ ngay khi họ vừa cáng đến, và một số người khác thì giống hệt như Barbara lúc này, chạy như điên như cuồng, chộp lấy những ống kim tiêm định làm đầy chúng với thuốc men nhưng lóng ngóng đến nỗi đổ đến một nửa ra ngoài. Cũng có nhiều lúc như lúc này đây, Evelyn cảm thấy mình không còn bình tĩnh nổi với những y tá mà nàng có trách nhiệm phải chỉ huy. Nàng thấy mình gần như kiệt sức trong cảnh hỗn loạn đầy những tiếng la hét om sòm xung quanh. Nàng cần một cái gì đó la lên như một mệnh lệnh nào đó, có thể ngay lập tức đặt mọi thứ đâu vào đó, nhưng đó là mệnh lệnh gì đây? Hai nhân viên quân y mang vào một sỹ quan trên chiếc cáng. Máu đỏ thấm thẫm dần ngực áo mầu trắng toát của viên sỹ quan này, nhưng anh ta vẫn còn tỉnh táo, tay giữ chặt lấy cáng. Những bác sĩ quân y không biết phải đặt anh ta ở đâu, cứ đứng đó nhìn Evelyn. Nàng bảo:

– Cứ đặt anh ấy xuống đất, ngay dưới chân các anh ấy.

Họ hạ cáng xuống sàn nhà ngay dưới chân Evelyn. Nàng quỳ xuống và bảo:

– Để tôi xem.

Mắt anh sĩ quan nhìn nàng như đã dại đi. Tuy nhiên, anh ta vẫn còn tỉnh táo, nhưng anh ta vẫn nhất định không chịu rời tay khỏi vết thương trên cổ. Tên của anh ta được in ngay trên cái bảng tên gắn ở áo sơ mi trong bộ đồng phục. Nàng cố đọc cái tên ấy đã gần bị che lấp bởi những giọt máu tươi.

– Jackson, thiếu tá Jackson. Anh hãy để cho tôi xem vết thương.

Anh ta lôi miếng gạc ra để Evelyn nhìn thấy. Lập tức máu phun ra đầy chiếc tạp dề trắng muốt hồ cứng của nàng. Máu từ động mạch chủ đỏ tươi, nàng trố mắt nhìn theo những giọt máu đỏ phun lên áo mình như thể máu của chính nàng, như thể dòng máu ấy được phun ra từ một vết thương đang há miệng đau đớn vô cùng của tâm hồn nàng. Không còn kịp nghĩ ngợi gì nữa, nàng làm đúng như những gì mình đã được huấn luyện và đúng với những gì linh tính mách bảo. Evelyn ấn mạnh tay phải của mình vào vết thương của Jackson, vào cái cổ nhầy nhụa đầy những dòng máu nóng của anh ta. Nàng tìm thấy động mạch chủ đã bị vỡ và nhét ngay ngón tay của mình chấn giữ dòng máu ngăn không cho nó chảy ra nữa. Cặp mắt nàng đang chăm chú nhìn khuôn mặt của người đàn ông đang hấp hối. Cặp mắt của anh ta van nài nàng hãy cứu lấy mạng sống của mình. Evelyn bắt đầu thở gấp, nàng không nhúc nhích được và cũng không biết mình phải làm gì bây giờ. Trong căn phòng được ngăn bằng những tấm kim loại bóng loáng, nàng nhìn thấy hình ảnh phản chiếu trong đó, đám y tá đang la hét, đứng bất động kinh hoàng vì những thân hình giãy giụa xung quanh họ. Nơi ngón tay trần của nàng, dòng máu ấm trào ra nơi động mạch chủ kéo nàng quay trở lại với hiện tại.

– Bác sĩ, bác sĩ đâu?

Bác sĩ xuất hiện ngay cạnh vai nàng. Anh ta cũng còn trẻ, giống như những người khác trong bệnh viện này, chưa bao giờ nhìn thấy những vết thương trong chiến đấu cho đến tận lúc này đây. Evelyn lúc này đã thấy mình chấn tĩnh được ít nhiều. Nàng bắt đầu giữ được giọng nói của mình đơn giản và dễ hiểu.

– Đứt động mạch, tuy nhiên, vẫn có thể cứu được.

Bác sĩ đến gần hơn để nghe nàng cho rõ. Anh ta cúi xuống nhìn người đàn ông bị thương và quay trở lại làm việc. Bỏ mặc Evelyn đứng đó mà không nói một lời. Evelyn gọi:

– Barbara! Mang hai gói huyết tương đến đây. Barbara đâu?

Barbara quỳ xuống trong kho quân nhu, trong lúc luống cuống nàng đã để rơi hai ống kim tiêm. Nghe tiếng Evelyn, nàng quay lại chụp lấy hai bịch huyết tương nhưng rồi loay hoay thế nào rồi cũng làm rớt luôn. Evelyn gào lên:

– Nghe tôi đây nè! Nghe tôi gọi đây.

Cùng lúc ấy, những tiếng ồn ào trong bệnh viện chợt im bặt. Những người bị thương cũng ráng không rên rỉ.

– Mọi chuyện rồi cũng được giải quyết thôi. – Evelyn nói to nhưng cũng rất bình tĩnh. – Mỗi người đừng lăng xăng làm hai ba việc một lúc. Cố tập trung vào giải quyết cho xong một công việc mà thôi. – Evelyn quay trở lại làm việc. Nhưng hoàn cảnh lúc này không còn lộn xộn nữa. Nàng nói nghiêm trang:

– Barbara đâu, mang hai gói huyết tương đến đây nhanh lên.

Barbara lập tức làm ngay. Nàng đang làm việc trong một cơn bão táp của chiến trường. Một cơn cuồng phong của kinh hãi, và chết chóc bao trùm lên tất cả bọn họ. Nàng cảm thấy mình đã làm được một việc. Cứ nhìn ánh mắt của người đàn ông bị thương mà nàng vừa cứu sống đang cảm phục nhìn nàng lúc này. Ánh mắt ấy cho nàng cảm nghĩ rằng nàng phải là và sẽ là người soi sáng, là một ánh đuốc trong cảnh hỗn loạn không biết đường nào mà đi, và cũng không biết phải làm gì của cả y tá lẫn các thương binh.

Khắp mọi nơi ở Trân Châu cảng, người ta như phát điên lên.

Những chiếc P-40 đến đảo Oahu sau 48 giờ bay từ đất liền đành chịu trận, giương mình ra cho đám máy bay chiến đấu Zero tấn công. Tại họ không thể nào đánh trả được, súng ống đều chưa được lắp ráp, lớp mỡ bảo trì vẫn còn nhầy nhụa trên các bộ phận súng, và những chiếc máy bay chiến đấu của kẻ thù không phải là mối hiểm nguy duy nhất. Khi họ bay đến thì súng phòng không từ dưới mặt đất đã bắn lên như mưa. Những khẩu súng của chính quân đội Mỹ bắn như vãi đạn dưới mặt đất, bởi giờ đây, họ nghĩ rằng, tất cả những gì xuất hiện trên bầu trời đều là máy bay không kích của Nhật cả.

Tại đài phát thanh đã đưa ra tín hiệu dẫn đường cho cả máy bay Mỹ lẫn máy bay Nhật Bản đến Trân Châu cảng, đã thay âm thanh du dương của đảo Hawaii bằng thông tin tất cả quân đội: hải quân và thủy quân lục chiến đều phải ra mặt trận để làm nhiệm vụ.

Tướng Walter Coo. Short là tư lệnh trưởng của quân đội Mỹ trên đảo Hawaii. Lúc này, đám trợ lý đã đứng vây xung quanh ông làm việc như điên để điều hành các cánh quân. Phát cho mỗi người một thông điệp ngắn ngủi cho Washington. Những hành động thù nghịch của Nhật Bản đã bắt đầu một đợt không kích vào Trân Châu cảng.

Tổng thống Roosevelt nhận được tin tức ấy tại Nhà Trắng khi ông đang ăn trưa cùng với bạn bè và một cố vấn của mình. Ông Hary Hoofskin nhận được điện thoại ngay sau đó trao ống nghe cho tổng thống. Roosevelt lặng người đi nghe người đầu dây bên kia nói một lát rồi treo máy, toàn thân run rẩy:

– Bọn Nhật đã tấn công Trân Châu cảng. – Ông bảo Hoofskin.

– Chúa ơi, chúng ta đã có thông tin về những thiệt hại chưa ạ?

Roosevelt liếc nhìn Hoofskin, ánh mắt ông nảy lửa. Hoofskin đã từng thấy Roosevelt nổi giận như thế nào, và ông biết cơn giận dữ của tổng thống là vô cùng khủng khiếp. Một cố vấn đã từng làm việc với Roosevelt từng nói với Hoofskin: Khi lên cơn giận dữ, tổng thống có thể nói những điều mà khiến cho anh không bao giờ còn muốn nhìn mặt ông ta một lần nữa. Hoofskin biết sự giận dữ của Roosevelt không hề nhằm vào ông, nhưng nó vẫn làm ông sởn cả tóc gáy.

– Hạm đội Hamingson của chúng ta đang thả neo ở đó không kịp trở tay có phải không? Roosevelt đoán thật kinh khủng: Chắc chắn mọi việc xảy ra đúng thế rồi. Và chuyện này vẫn chưa kết thúc đâu.

*

Trên bầu trời miền Trung Thái Bình Dương, sĩ quan chỉ huy Shimaki dẫn đầu nhóm tấn công đợt hai bình tĩnh điện đàm về đất liền.

– Đợt tấn công lần hai đây. Chúng ta đang dàn quân trên bầu trời của các căn cứ quân sự. Những máy bay thả bom bay ở độ cao nhất đang ở điểm tập kết. Còn những máy bay thả bom ở tầm thấp tấn công tàu thuyền ở ngoài cảng. Máy bay chiến đấu đang oanh tạc và làm chủ tình thế.

Nói xong, anh ta cho máy bay chúi đầu xuống trong một đợt tấn công mới.

Dưới kia, cả khu cảng đang chìm trong đổ nát và hoảng loạn. Khắp nơi đều nghe tiếng gào thét. Đàn ông cố tìm cách dập lửa và đưa những người bị thương đến bệnh viện. Lại một đợt xung kích mới của những máy bay Nhật. Những tàu thuyền nhỏ hơn an toàn trong cuộc tấn công lần đầu bây giờ đã thấy mình bắt đầu trở thành những mục tiêu của đợt tấn công lần hai. Một tiếng nổ làm rung chuyển mặt đất lắc mạnh con tàu Shaw, đập bể nó ra thành từng mảnh nhỏ. Những con tàu nhỏ khác bắt đầu tìm đường chạy quanh vì đã hiểu rõ ràng: bọn Nhật Bản kia không chịu tha bất cứ một ai.

Sự chống trả của phía Mỹ là rời rạc và không hiệu quả. Những đám khói đen đặc bay lên từ những con tàu hỏng còn làm cho bọn Nhật khó chịu hơn là sự kháng cự của binh lính Mỹ lúc bấy giờ. Một máy bay thả ngư lôi đã lao vào cột buồm lớn của một tàu khui trục đang cháy rừng rực vì viên phi công không nhìn thấy gì do đám khói đang bốc lên dày đặc đã xoay vòng rồi bốc cháy.

Những thủy thủ lặn hụp trong dòng nước xoáy trong cơn hoảng loạn cố gắng tìm mọi cách để sống sót… Những người đang ở trong một con tàu đang bốc cháy rừng rực đã dùng báng súng làm một chiếc cầu để leo qua những con tàu ít hư hỏng hơn thả neo bên cạnh họ. Những người khác nhảy xuống nước và bơi trong làn nước nổi đầy dầu cũng đang cháy bỏng. Họ chọn kiểu bơi ếch để tránh một mình không bị bỏng bởi những ngọn lửa trên mặt biển.

*

Ấn tượng đầu tiên của Evelyn với bệnh viện này là một màu trắng tuyết được sắp xếp theo một trật tự tuyệt vời và những cái giường không hề có bệnh nhân với khung giường bóng loáng và dra trải trắng muốt bây giờ là một cơn ác mộng của một màu đỏ khủng khiếp. Máu tung toé khắp mọi nơi. Những nệm trên giường ướt đẫm máu thấm xuống nhỏ giọt trên nền nhà, những vũng máu nối nhau thành những dòng chảy nhỏ. Lại thêm những vết thương của các thương binh cũng đang rỉ máu nằm trên nền nhà lát gỗ. Những binh lính bị bỏng và bị gãy chân tay, những thủy thủ và dân thường nằm lẫn lộn với nhau. Người hấp hối ở khắp mọi nơi la gào trong cơn đau đớn, cầu xin sự cứu giúp. Và Evelyn, với bộ y phục đã ướt đẫm máu làm việc không ngừng nghỉ giữa cơn hỗn loạn. Nhìn thấy bàn tay của Sandra run lên khi nàng tiêm một mũi vào tĩnh mạch của một thủy thủ đã bị cháy xém, nàng bảo bạn:

– Thôi đừng tìm ven nữa, cứ đâm kim tiêm, bơm thuốc vào thế là xong. Rồi hãy tìm cách nào đó mà đánh dấu những người được tiêm vào. Chúng ta phải biết được ai là người đã được tiêm Morphin rồi.

Sandra nghe lệnh, nàng nghiến răng và sọc mũi kim tiêm vào làn da thịt đã cháy đen. Sandra lấy ra một chiếc bút chì màu sáp trong túi áo, loại bút chì vẫn hay dùng để vẽ các biểu đồ sức khoẻ cho bệnh nhân. Sandra rút bút chì ra và hỏi với bạn:

– Đánh dấu thương binh ư? Đánh dấu vào chỗ nào?

– Lên trán họ ấy.

Evelyn trả lời, tự hỏi không biết đã bao nhiêu thương binh đã phải chịu hai lần tiêm Morphin giữa đám đông hỗn loạn điên khùng này, Sandra cố dùng cây bút chì sáp đánh dấu lên làn da cháy xém của viên thủy thủ nọ, nhưng chiếc bút sáp cứ trượt đi trên làn da mềm dơ bẩn và chẳng để lại dấu vết gì. Evelyn đến bên túi xách của nàng lục lọi một hồi lâu, lôi ra một thỏi son và viết chữ M lên trán bệnh nhân. Những y tá khác lập tức làm theo. Ngoài hành lang, các bác sĩ đang loại bỏ những phần chân tay bị hoại thư hoặc không thể cứu chữa được. Một bác sĩ trước đây đã từng là bác sĩ hải quân bị cưa ngang ống chân.

– Evelyn, mang garo đến đây cho tôi!

Nàng chạy đến bên hộc tủ tìm garo, nhưng garo đã hết rồi.

– Tôi cần garo ngay. – ông hét lên. Nàng cởi bỏ luôn vớ da chân và đưa đôi vớ vải ấy cho viên bác sĩ. Mắt hai người chạm nhau trong một khoảnh khắc.

– Tôi phải ra ngoài phân loại những người bị thương đây thôi. Nhìn kìa, họ mang những người bị thương đến đây bằng xe tải, anh biết không?

Ở ngoài cửa, nàng trở thành người gác cổng, lựa chọn người nào cần được cứu chữa. Ngoài sân là cả một thế giới lạ lùng mờ mịt khỏi trắng, những thủy thủ cháy đen đã cận kề với cái chết nhưng vẫn kêu gào sự cứu giúp. Xe tải liên tục thắng gấp, những chiếc xe tải nhỏ của dân thường chất đầy thương binh. Viên bác sĩ quân y thuộc bộ trung hải quân còn trẻ với những cặp mắt mở to kinh hãi nâng những thi thể lên cẩn thận hết mức có thể trong cuộc hỗn loạn như thế này và mang họ đến cửa ra vào của bệnh viện. Một lần nữa, Evelyn tự nghỉ mình phải cứng rắn lên, nàng sẽ phải ra những quyết định, những mệnh lệnh giữa cái sống và cái chết. Tại sao bác sĩ lại không làm việc này? Nếu như nàng sai, hoặc nếu như nàng không thể phát hiện ra khả năng hồi phục của từng người thì sao?

Nàng gạt những ý nghĩ ấy ra khỏi đầu, nhìn viên thủy thủ bị thương đầu tiên được mang đến bên cửa. Một đống bông băng đẫm máu ở ngay trước bụng anh này. Nàng chạm tay vào động mạch cổ và thấy mạch rất yếu. Nhưng nhiệt độ trên da vẫn ở mức bình thường, chẳng qua anh ta quá hoảng loạn mà thôi.

– Đưa vào khu phía trước ở những ca nặng. – Nàng nói với đám quân y và họ mang viên thủy thủ ấy vào bên trong.

Lại một thủy thủ nữa được mang đến, nói đúng hơn là một xác chết, rõ ràng anh ta đang hấp hối. Ngực thủng lỗ chỗ những vết đạn nhưng mắt vẫn mở to cầu khẩn nàng giúp đỡ. Nàng chạm vào vai anh và chỉ có thể nghĩ được một câu, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Mi mắt anh động đậy rồi nhắm lại. Nàng tự hỏi: Không hiểu anh ta đã chết chưa? Nhưng nàng không còn có thời gian để kiểm tra mạch nữa. Thêm nhiều ngươi bị thương được mang đến nhanh hơn. Không đủ thời gian để làm những thủ tục rườm rà, nàng đứng thẳng nói với viên y sĩ quân y đang khiêng cáng.

– Tiêm cho anh một mũi Morphin, từ cổ đến chân đã ở dưới địa ngục từ lâu rồi.

Những viên bác sĩ quân y trẻ đã nghe những lời như vậy nhiều hơn một lần trong ngày hôm đó. Họ mang viên thủy thủ đến khu vực rợp bóng mát dọc theo bức tường ngoài của bệnh viện, đặt nhẹ nhàng anh ta xuống bãi cỏ cạnh những người cũng còn rất trẻ lúc này đã chết từ lâu. Mảnh vườn rợp bóng cây của bệnh viện lúc này trông như một nhà xác lộ thiên. Evelyn nhìn theo chiếc cáng tự nhủ: Thế đấy, chiến tranh là như thế này đây.

Vừa quay trở lại cửa, nàng thấy ngay một người nữa được mang đến, mặc bộ đồ phi công có phù hiệu trên ngực, mà ngực anh ta thì đầy những vết đạn. Cả khuôn mặt cũng bị cày nát. Hai chân Evelyn mềm nhũn, nàng quan sát kỹ cánh tay áo đồng phục thấy cũng giống như loại Rafe và Danny thường mặc. Nàng bất chợt không giữ được thăng bằng nữa, và quỵ gối xuống chiếc ghế bên cạnh. Nàng lật tấm thẻ bài trên ngực người phi công nọ đọc và thấy một cái tên rất lạ. Evelyn cảm thấy nhẹ nhõm và tội lỗi, nàng bảo hai người khiêng cáng, họ đều là bác sĩ quân y.

– Đưa anh ấy đến dưới những bóng cây kia! Anh ấy chết rồi.

Nàng lấy lại sức bình sinh. Một thân thể nữa được đưa tới. Một phụ nữ nằm trên cáng mặc bộ đồng phục trắng toát. Bụng bị trúng đạn, hai tay nhợt nhạt ôm chặt lấy vết thương đang há miệng. Evelyn rời mắt khỏi vết thương và chạm vào cổ tìm mạch máu nhưng không thấy gì, nàng nhìn vào mặt bệnh nhân và nói:

– Cô này cũng chết rồi! Mang cô ấy tới….

Trời ơi! Đó chính là Betty.

Bình luận
× sticky