Đại tá Jimmy Doolittle khoảng hơn 40 tuổi, nhưng chí khí còn mạnh hơn cả tuổi 20. Tất nhiên ông không thể sống lại những năm tháng của tuổi 20 để chứng minh mình vượt qua rào cản của cuộc sống như thế nào. Nhưng Doolittle hình dung được và tin chắc rằng sau này, tuổi càng cao thì sự chịu đựng đau đớn và những cơn bệnh tuổi già sẽ không còn là khả năng chịu đựng của thân thể như khi còn trẻ nữa. Lúc ấy, chỉ dựa vào ý chí mới có thể vượt qua được tất cả. Cũng phải nói thêm là phải dựa vào cả kinh nghiệm sống nữa. Khi còn là một phi công trẻ tài ba, lòng dũng cảm của ông có thừa để lái máy bay chiến đấu. Nhưng trong một thế giới điên khùng, đầy rẫy những quan liêu trong quân đội thì ông có thêm một tính cách đặc biệt khác: sự bền gan, sự quả quyết để làm mọi việc cho đến cùng. Ông đã sống gần hết đời mình với lực lượng không quân, hết mình với cả cấp dưới và cả với cấp trên.
Lòng can đảm đó là kết quả của sự tự rèn luyện nhiều năm. Cho dẫu thế, đại tá Jimmy Doolittle nhiều khi vẫn phải tự hỏi mình rằng ông phải cứng rắn như thế nào nữa mới khiến bọn trẻ ngày nay phải tâm phục, khẩu phục. Ông nghĩ nhiều về điều này, bởi vì ông đang huấn luyện những phi công trẻ, và ông biết mình sẽ không bao giờ làm được công việc của mình một cách xuất sắc trừ phi ông tin rằng và cả những gã trai trẻ đang đứng dưới quyền ông huấn luyện kia cũng phải tin một điều: Ông vẫn còn ngon lành và thiện nghệ hơn chúng.
Làm cho bọn trẻ phải tâm phục khẩu phục không phải là điều gì khó lắm. Mỗi năm nhìn vào mắt các học viên của trường huấn luyện ông đều nhận thấy vẻ sùng kính ông trong con mắt họ. Mỗi khi gặp ông là chúng dập gót giầy đứng nghiêm chào chứ không dám tỏ ra lấc cấc khó ưa. Tất cả những chàng trai được ông gọi vào trong văn phòng của mình, mặc dù có nhiều người ông chỉ gọi vào để khen ngợi thôi cũng đều run như cầy sấy.
Doolittle thích người ta tôn sùng mình. Ông luôn mồm nhắc câu “Quân lệnh như sơn”. Nhưng nhìn đám lính trẻ đầu gối va vào nhau lập cập thì ông chẳng thích chút nào.
Rafe McCawley không hề run rẩy khi được gọi vào phòng chỉ huy.Nhưng chắc chắn anh ta đang rất hồi hộp.
Doolittle ngồi sau bàn làm việc, mắt nhìn thẳng bào Rafe McCawley, ông nói cố làm ra vẻ nghiêm trọng.
– Nhiều người nghĩ những ai thích cú nhào lộn ngoài thường là liều lĩnh và vô trách nhiệm.
McCawley cất lời. Anh vẫn dùng giọng Tennessee như bình thường. Nhưng giọng nói có phần nhẹ nhàng hơn, dễ nghe hơn. Vì anh đang sống trong một môi trường gồm những người đến từ nhiều miền khác nhau trên đất Mỹ.
– Thưa chỉ huy. Không thể gọi là tắc trách được. Bởi vì chính ngài là người đầu tiên trình diễn thành công cơ mà!
– Này! Nói thế là hơi vô lễ đấy nhé!
– Không dám, thưa ngài. Ý tôi là chỉ những phi công muốn phô tài thì mới cho màn trình diễn đó là nguy hiểm. Còn với những phi công khác, đó lại là một niềm cảm hứng. Tôi rất biết ơn ngài vì những gì ngài đã làm đối với tôi. Và để đáp lại lòng cảm kích ấy, tôi đã thực hiện màn trình diễn kia thay cho lời cảm ơn, để tôn vinh ngài đấy, thưa chỉ huy. Với lòng biết ơn và kính trọng xuất phát từ tận đáy lòng tôi đã không tiếc tính mạng mình để nói lời cám ơn sao cho có ý nghĩa nhất.
– Tớ biết cậu đang nịnh thúi. Nhưng nghe được những lời này thật mát lòng mát dạ.
– Cám ơn, thưa chỉ huy.
– Tôi đã tự tay mình tống cổ biết bao gã không đủ phẩm chất ra khỏi đội của mình. Nhưng chưa có ai đang ở trong đội tôi lại tình nguyện bỏ tôi mà đi cả.
Ông dừng lại, cân nhắc từng lời nói. Rafe vẫn đứng đó tự hỏi: liệu quyết định của mình có đúng đắn không? Và mọi người sẽ phản ứng ra sao đối với công việc anh sắp làm? Doolittle nhìn ra ngoài cửa sổ hồi lâu. Lát sau, ông quay lại nhìn Rafe nói tiếp:
– Chưa bao giờ tôi thấy nước Mỹ lại kiên quyết đứng khoanh tay nhìn cả châu Âu đang chìm trong biển lửa chiến tranh như thế này. Khi tổng tư lệnh Fenton bảo tôi rằng người Anh đang thành lập một đội có tên là Đại Bàng, tuyển mộ những người Mỹ xung phong sang giúp người Anh chiến đấu với người Đức thì tôi có hai ý nghĩ trái ngược nhau. Một là rồi đây máu của người Mỹ sẽ phải đổ khi nhận lời giúp họ. Và hai là tự bản thân tôi cũng muốn sang đó một chuyến thử sức mình xem sao.
Doolittle đứng lên vòng qua bàn bước tới bắt tay Rafe thật chặt.
– Tôi rất cảm phục tinh thần của cậu McCawley ạ! Chúc cậu lên đường may mắn.
*
Trong doanh trại của Rafe, các phi công trẻ đang làm dáng. Vì đêm nay, họ sẽ cùng đi chơi. Danny đứng trước gương trong phòng tắm, xịt nước hoa Old Spice vào lòng bàn tay rồi vỗ lên mặt và cổ, rồi hài lòng nhìn bóng mình đã chỉnh tề trong gương. Thực ra Danny không thấy vẻ bề ngoài của mình có gì hấp dẫn cả. Theo anh, điều đáng tự hào nhất là những gì mình làm được trong đời và việc đó đã mang lại ích lợi cho mình và cho người khác như thế nào. Tuy nhiên, Danny không chỉ ngồi đó suy ngẫm và tự hào về những gì mình đã làm được. Chưa bao giờ anh đánh giá thấp dáng vẻ bề ngoài. Bộ quân phục anh đang mặc trên người là điều anh tự hào nhất trong đời. Nó xứng đáng với những cố gắng và công lao của anh. Những đứa con trai nhà giàu ở một đất nước dân chủ như nước Mỹ vẫn có thể dùng thế lực, tiền tài để dành lấy những công việc hoặc những vị trí nhàn hạ trong quân đội. Nhưng riêng những tấm phù hiệu của phi công thì không tiền tài nào có thể mua được. Danny cũng như đồng đội của mình, đều phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt khổ công tập luyện mới có được tấm phù hiệu ấy. Và Danny tôn trọng tất cả các bạn bè trong đội của mình. Cho dù người này hay người kia đều có những thiếu sót nhất định. Nhưng họ cũng biết vượt qua chính mình để hoàn thành tốt những công việc khó khăn được giao. Đối với nghề lái máy bay chiến đấu, cả những thất bại và những thành công đều phải để lại đằng sau để phi công tiến bộ và tiến bộ không ngừng. Đức tính Danny quý nhất đó là sự tận tâm, tận lực trong nghề nghiệp. Về phần kỹ năng lái máy bay, anh không cho phép bất cứ ai qua mặt mình, ngoại trừ thằng Rafe. Đối với Danny, bây giờ cũng như suốt quãng đời về sau này, bất cứ người nào thắng nổi anh thì sự thắng lợi ấy cũng chỉ là tạm thời. Danny đã cố gắng rất nhiều để đạt thành tích cao. Học hỏi tự nâng cao tay nghề, và anh sẽ không bao giờ ngưng quá trình tự hoàn thiện mình. Những tháng ngày rèn luyện trong quân đội qua mau. Và giờ đây, anh đã trở thành một sĩ quan đáng được mọi người tôn trọng.
Lúc này, đứng bên tay trái Danny là Anthony và Billy. Cả hai đang xịt nước hoa lên tóc và chải cho thật mượt. Anthony có mái tóc dầy rậm màu đen đặc trưng của người Ý. Anh này thường hay ra ngoài chơi khuya nên rất có kinh nghiệm chải chuốt sao cho vừa mắt các cô gái. Còn Billy lại đến từ Kansas, đó là một bang của Mỹ chứ không phải một thành phố lớn, nên có phần ngượng ngập hơn. Dù đã thấm dầu chải tóc lên mái tóc màu vàng rậm rạp nhưng nhìn kiểu chải đầu của Billy, người ta vẫn hình dung ra anh đang cào rơm ở cánh đồng sau nhà. Dù thế, Billy không hề tỏ ra mất tự tin. Anh chàng này mềm tính nhất, dịu dàng nhất trong đội, có khuôn mặt trẻ con. Thế nhưng anh luôn tỏ ra quan tâm đến mọi người và cũng rất quan tâm tới chuyện người ta nghĩ về mình như thế nào. Mỗi khi có ai đó nhìn mình, anh lại đỏ mặt lên sung sướng. Còn Anthony là dân chính gốc New York, lịch lãm và khôn ngoan, luôn khiến Billy hài lòng. Lúc này, anh ngắm Billy trong gương, thầm kêu lên:
– Cậu đẹp trai lắm đấy! Thế này thì các cô đến chết mê chết mệt thôi.
Vừa nói, anh vừa ngắm kỹ mái đầu bóng lưỡng của mình trong gương, xoa tay vẻ hài lòng.
– Tớ bảo này Billy, khi cậu kéo được cô nàng y tá ra một chỗ rồi, thì hãy nhìn vào mắt cô ta và nói: Em yêu! Người ta đang huấn luyện anh thành một chiến binh, nhưng chiến đấu thực sự ra sao thì anh vẫn còn chưa biết. Nhưng nếu ngày mai đây anh có phải chết thì đêm này anh phải biết sống hết mình nghĩa là thế nào. Cậu hãy cứ nói ra câu đó cho tớ! Tớ nói câu đó nhiều lần rồi, và đã khiến nhiều nàng phải đổ nghiêng đổ ngả.
Red đứng bên tay trái của Danny đã đánh răng xong và đang rửa mặt. Anh này có tật nói lắp mỗi khi anh quá phấn khích hoặc quá lo lắng, thậm chí ngay cả lúc đứng trước mặt người thân hoặc bạn bè. Đêm nay tật nói lắp của anh trở nên tệ không thể nào chịu nổi. Red lắp bắp:
– Nó…nói…nói…đúng…đúng…đấy!
Cả bọn cùng cười đùa, xô đẩy nhau trên đường ra khỏi doanh trại. Tối nay xe buýt của căn cứ sẽ đưa họ đến Mahattan vui vẻ một chầu. Các cô y tá xinh đẹp đang đợi họ ở đó. Khi cả bọn vừa ra đến cửa thì Rafe từ sở chỉ huy trở về. Danny nói:
– Cậu đây rồi! Tớ định tối nay không thấy cậu thì sẽ không đi. Nhưng nếu không có bọn mình thì họ chắc sẽ buồn lắm đấy.
Rafe mỉm cười, nhưng ánh mắt không được vui. Danny nghĩ chắc ông Doolittle định kỷ luật Rafe nặng hay sao mà trông anh có vẻ trầm ngâm đến thế. Anh vỗ vai bạn an ủi:
– Yên tâm đi! Doolittle đâu giết cậu được mà cậu sợ.
Anh ôm choàng qua vai Rafe và dẫn bạn đến chỗ những chiếc xe buýt đang đợi sẵn. Rafe vỗ vào lưng Danny vẻ độ lượng. Chưa bao giờ cha của Danny có cử chỉ ấy với anh, nhưng chính cha của Rafe lại thường âu yếm vỗ vào lưng anh như thế.
– Danny này! Tớ có chuyện này muốn nói với cậu.
– Thì nói đi!
Nhưng đứng giữa đám bạn cùng đội thì Rafe không muốn nói. Anh bảo những người khác:
– Các cậu cứ đi đi! Tụi tớ sẽ theo ngay bây giờ đây.
Thế là khi tất cả những người khác đi về phía xe buýt chuẩn bị khởi hành đến một buổi tối ngọt ngào thì Rafe và Danny tụt lại đằng sau. Cả hai đi về khoảng trống gần bãi đậu xe dưới hàng đèn tồi mờ. Tối nay là một tối mùa đông đẹp trời hiếm có ở New Jersey. Trời không quá lạnh đến độ mặt đất phải đóng băng. Nhung vì là mùa đông nên không ngọn cỏ nào mọc nổi. Đất cứng và lạnh. Gió thổi làm bay những mẩu thuốc và giấy bọc kẹo Swingum tả tơi trong gió. Ở quanh doanh trại quân đội nào mà chẳng thế, đâu có sạch bong như sàn khách sạn được. Thường thì khi nào có bạn tâm tình họ mới kéo nhau ra đây. Dựa vào thái độ của Rafe, Danny đoán ra họ sắp nói về một điều rất quan trọng đây.
Những phi công khác đã ra tới xe buýt. Họ ngồi đó chờ và trò chuyện râm ran. Những cuộc huấn luyện sắp kết thúc. Tin đồn trong doanh trại đang lan dần rằng có thể tuần tới họ sẽ biết mình chính thức thuộc quân số của căn cứ nào. Hầu hết các phi công đều rất trẻ, chưa được đi đây đó nhiều, chưa ai trong số họ được đi đâu xa trước khi vào quân đội. Đối với họ, những khả năng thuyên chuyển trong tương lai nghe như những cuộc thám hiểm kì thú đầy hồi hộp, đầy kịch tính. Và chắc chắn các cô gái sẽ chào đón họ như những người hùng. Tối nay, sẽ rất vui. Dù sao các cô y tá không nhẹ dạ như các cô gái dân thường. Tuy nhiên, những chàng phi công đón nhận việc đó như một thử thách và họ đang nóng lòng muốn vượt qua thử thách đó để hái được trái cấm. Anthony hét lên bảo người lái xe:
– Thôi mình đi đi thôi!
Billy cản:
– Chúng ta phải đợi Danny và Rafe nữa chứ!
– Không biết chúng nó làm cái quái gì thế nhỉ? – Red tự hỏi.
Billy, Red và Anthony nhìn về phía Rafe và Danny đang đứng trong bóng tối phía đàng xa.
– HÌnh như chúng đang cãi cọ.
Danny bước lùi lại, xoa xoa cái cằm như thể không biết nên mắng cho thằng bạn chí cốt một trận hay là bạt tai cho nó vài cái. Billy, Red và Anthiny đã thấy Rafe và Danny cãi nhau nhiều lần rồi. Nói cãi nhau thì không đúng, chỉ tựa như anh bảo em vậy thôi. Nhưng lần này thì khác hẳn, to chuyện thật rồi.
Danny hỏi:
– Cậu sao làm được chuyện đó chứ?
– Đại tá sẽ giúp tớ hoàn tất thủ tục.
– Tớ không hỏi về chuyện giấy tờ. Tớ hỏi là làm sao cậu dám đưa ra quyết định như thế mà không nói với tớ một câu.
– Xin lỗi Danny! Nhưng người ta chỉ nhận những phi công giỏi nhất thôi. – Rafe cười gượng.
– Đừng đùa nữa Rafe. Cậu đang nói về chiến tranh đấy. Nói cho cậu biết là tớ biết rõ chiến tranh mang lại những gì cho con người ta. Chiến tranh là một cái máy xay thịt khổng lồ, cậu biết chưa. Và cái máy xay thịt đó chỉ chấp nhận thu nạp những kẻ mù quáng dẫn thân vào chỗ chết mà chẳng đem lại điều tốt đẹp nào. Tớ đã đọc được trong một cuốn sách nói rằng chiến tranh có nghĩa là con trai của một người nông dân ở bang Kansas cố tìm cách giết con trai của một công nhân ở Berlin. Cả hai điên cuồng lao vào chém giết lẫn nhau mà không biết tại sao họ phải làm như thế.
– À, nếu tớ mà đã đọc được câu chuyện ấy thì tớ có đủ khôn ngoan để không xung phong đi đợt này.
– Cậu quá đáng lắm Rafe.
Danny cố giữ bình tĩnh, cả hai đã nổi sung lên và sẵn sàng nhào vào nhau bất cứ lúc nào.
– Này! Tớ nói cho cậu nghe, chiến tranh không phải trò đùa. Chiến tranh là cái nơi mà kẻ thua sẽ bị giết chết và không bao giờ có kẻ thắng. Những ai ra về thì cũng đều phải chịu những tổn thất và mất mát, không về thể chất thì cũng về tinh thần. Cứ nhìn cha tớ thì biết.
– Danny, tớ biết cậu đang nghĩ gì, và vì nghĩ như thế cho nên cậu ở nhà là đúng lắm. Nhưng tớ thì không nghĩ như cậu đâu. Tớ nghĩ mình phải có bổn phận đi chuyến này.
– Rafe à! Đừng thuyết giáo! Đừng lên lớp tớ về bổn phận nữa! Thằng này cũng mặc quân phục y như bộ quân phục cậu đang mặc trên người đấy nhé. Nếu chiến đấu là việc không thể đừng thì tớ đây không ngán. Nhưng việc gì phải ôm rơm cho nặng bụng. Lần này chẳng ai bắt buộc cậu phải dấn thân vào chỗ chết cả.
– Đối với tớ đây là cơ hội.
Danny nghĩ thầm. Khốn kiếp thật! Mỗi khi Rafe đánh trúng điểm yếu của anh thì anh thường chỉ biết cấm khẩu. Danny đứng đó cố kìm chế cơn giận dữ, cố nghĩ ra điều gì hợp lý để thuyết phục bạn mình. Nhưng chưa kịp nghĩ ra điều gì thì Rafe đã bồi thêm:
– Danny à! Tớ biết cậu nói đúng. Chiến tranh không phải trò đùa, cũng không phải đánh trận giả như hồi thơ bé chúng mình thường chơi. Giờ đây chúng ta đã là những người đàn ông thật sự. Chúng ta sống trong một thế giới đầy rẫy những cảnh ngang trái, cá lớn nuốt cá bé. Cậu nên nhớ trong đời tớ, chưa bao giờ tớ có thể khoanh tay đứng nhìn cảnh ấy. Chúng mình đều là đàn ông, giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha, đúng không nào?.
Giờ thì Danny thấy cơn giận bay đâu mất. Anh cứ vẫn đứng như trời trồng. Rafe vẫn thường biết cách khoá miệng anh. Có tiếng Billy réo gọi từ phía xe buýt.
– Này! Các cô y tá xinh đẹp đang chờ mấy anh đấy!
Như để phụ hoạ với lời mời gọi, người lái xe nhấn còi tu..tu.. báo đã trễ giờ. Danny không nhúc nhích. Rafe nói:
– Đi thôi nào!
– Để lần khác. Tớ chẳng còn lòng dạ nào mà tiệc tùng lúc này nữa.
Rafe buồn bã nhìn Danny quay lưng lủi thủi bước về doanh trại. Bóng tối xung quanh như mênh mông hơn, buồn bã hơn. Nhìn bóng Danny buồn bã cúi đầu, Rafe biết mình sẽ không bao giờ quên được giây phút này. Nhưng có một điều anh còn chắc chắn hơn là không có gì trên đời này có thể làm tan vỡ tình bạn thân thiết giữa họ.
Trên xe buýt, một tay Red ôm cổ người lái xe, một tay nhấn liên tục vào kèn xe. Rafe nhìn theo Danny một lần nữa. Anh ước sao mình có thể ở lại cùng với bạn. Cả hai sẽ trò chuyện suốt đêm bên vại bia sóng sánh trong căn tin của doanh trại.
Nhưng rồi đó, Rafe còn phải đi gặp một người nữa.
Red lại nhấn còi và Rafe đành quay lưng chạy về phía xe buýt, nhảy lên bậc cửa trước khi nó kịp chuyển bánh tiến về phía trung tâm thành phố New York.