Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truyện Ngắn Đặc Sắc Nga

Chiếc Vĩ Cầm Của Gvarneri

Tác giả: Nhiều Tác Giả

Anhia không nghe thấy có người gõ cửa sổ. Lúc đó cô đang đọc “Mùa hè kỳ lạ” của Feđin, đọc đến đoạn: Anôtska nói ra ý nghĩ của mình một cách mạnh bạo đến mức ngay cả ông nhà văn thủ đô Paxtukhốp cũng phải kiêng nể. Anhia thông cảm với Anôtska và tự hào về Anôtska, bởi vì bản thân cô hiểu rõ việc trước những người lớn tuổi, thông minh – mà thông minh theo cách của mình, khác hẳn cô, và vì thế mà coi cô nếu như không hẳn là một con ngốc thì cũng gần như thế – mà dám bảo vệ ý nghĩ của mình là một việc làm như thế nào!

Người ta lại gõ cửa lần nữa, bây giờ gõ ngoài cửa ra vào, ấy thế mà Anhia vẫn không nghe thấy. Và buổi tối hôm đó có thể cũng lại chỉ là một buổi tối bình thường, nếu như những người đứng ngoài cửa không đoán ra cứ tự tiện kéo mạnh cánh cửa và cứ tự tiện vào nhà không chờ Anhia mời.

Cô không nhìn thấy những người vừa vào nhà cô bị cái giá sách che mất cửa. Các em học sinh ở trường cô học trước cố ý đặt cái giá sách như vậy để luồng không khí giá lạnh không thổi vào bên sườn cô.

Và những ngày đầu tiên, khi, ngoài học sinh ra, hầu như chẳng có ai đến mượn sách nữa, mỗi tiếng cánh cửa bật là cô lại bật dậy. Cô hấp tấp nhảy ra khỏi chỗ ngồi sau bàn – lòng đầy hy vọng, tin tưởng thầm cầu khẩn một người nào đó không rõ, cầu khẩn sao ở ngưỡng cửa của cô xuất hiện ra một người bạn đọc thực sự, người mà vì người đó cô ngồi ở đây cho đến tận canh khuya và chịu đựng hết những lời nhạo báng. Chuyện đã cách đây hai năm về trước, từ đó đã qua nhiều biến đổi, và dần dà cô đã được ngồi yên sau bàn.

– Mà mình với cậu rơi vào chỗ thế nào thế này nhỉ? Chà, quỷ thật, đây cũng không phải văn phòng, mà… Này, ở đây có ai sống không đấy?

Loáng một cái Anhia vòng ra khỏi giá sách. Ở ngưỡng cửa có hai người đàn ông. Rõ ràng đây là hai người khách lạ – không phải người làng và cũng không phải là người ở trong quận nữa. Họ mặc những chiếc bành tô mùa thu ngắn, áo của một người bằng dạ mềm có hai nếp phủ rộng trên chỗ ngực, áo của người kia có bộ khuy vàng kỳ lạ, tất nhiên là hàng ngoại quốc. Một người quàng chiếc khăn viền đăng ten, còn ở người kia – chiếc khăn bằng lông dê – ở làng thì chỉ có những người đàn bà mới dùng những chiếc khăn như vậy… Anhia lướt nhìn họ một lượt, còn ý nghĩa của nó đã vượt đi ngược cả sự kiện diễn ra, – đây hẳn là đại biểu Xô viết về, thế thì bây giờ cô sẽ nói hết mọi cái về cái nhà câu lạc bộ – cái phòng ướp lạnh chứ không phải nhà cửa nữa. Xô viết thôn không cho chất đốt để sưởi, họ bảo sắp đến mùa xuân rồi. Mà có thể không phải đại biểu Xô viết? Vậy thì đây là ai? Hay từ tỉnh ủy về? Bất luận là ai cô cũng sẽ đem mọi việc ra tố cáo. Không phải từ tỉnh ủy ư? Vậy còn có thể là ai nữa?

Còn hai người khách cau có và lầm lầm, như Anhia cảm giác thế, xét nét cô. Cô theo dõi mắt nhìn của người quấn khăn quàng bằng lông dê, và cô nhìn thấy rõ bản thân như nhìn thấy một người khác: gương mặt có gò má cao, cặp mắt màu hạt dẻ, “những cái đuôi nhỏ” màu hung đỏ, món tóc con trai trên trán. Chiếc áo săng đay, chiếc quần trượt tuyết, đôi ủng dạ khâu đế, lại còn chiếc áo lông cừu từ thời học sinh khoác trên vai – chẳng ra con trai, mà cũng không ra con gái.

– Con bù nhìn có phải không? – Cô nói, sau khi cuối cùng đã gặp cặp mắt nhìn qua cái người quàng khăn lông dê. Và nhận thấy người ấy đỏ mặt tía tai lên. – Nhà chúng tôi hiện nay quả là tủ ướp lạnh, đành phải chất tất cả lên người – như vậy mà cũng chẳng thấy ấm. Ấy, mời các đồng chí vào đây, ở chỗ này ấm hơn, ở đây tôi có bếp…

Hai người khách, rõ ràng là hơi lúng túng vì sự tấn công trước của Anhia và vì cái khóa mở đầu quan hệ lại hóa ra ở trong tay cô, bèn ngoan ngoãn len theo cô vòng qua giá sách đến bên cái bếp đang cháy đỏ. Người đi trước – cái người quàng khăn bằng lông dê – không hiểu sao cô cảm thấy là người nhà hơn, anh ta có gương mặt rộng, nặng nê với đôi hàng lông mày chẳng dài. Anh ta nhìn gằm gằm, hơi lơ đãng. Còn ở người thứ hai gương mặt thanh tú, ngăm ngăm, bộ điệu giễu cợt, và cô lập tức quay ngoắt khỏi nụ cười giễu cợt, và chỉ nói với người quàng khăn lông dê:

– Tên tôi là Anhia Ptitxưna, – Cô tự giới thiệu. – coi thư viện. Còn các đồng chí là ai?

– Còn tôi là Đônxki. – Người da ngăm ngăm nói.

– Đừng bỡn cợt nữa. – Người kia bực bội càu nhàu. – Cô cho hỏi, ở đây có khách sạn hay cái gì đại loại như vậy không?

– Có nhà khách.

– Chúng tôi cần phải ngủ lại đêm. Mặt đường đóng băng… Xe của chúng tôi trơn trượt tẹo nữa thì lật ngửa, vì thế đành phải đợi đến sáng mai. Tỉnh lỵ còn xa đây không cô?

– Đi bằng xe tốt – ba giờ đồng hồ… Các đồng chí đi từ đâu tới vậy?

– Từ Mátxcơva. Tôi là nhạc công, ngày mai tôi phải biểu diễn… Đây là bạn của tôi, nhà văn. – Anh giới thiệu tên mình và tên người bạn.

Anh có thể thề rằng cô bé này trong giây lát lớn vụt lên trước mắt anh ta. Khi anh giới thiệu cái tên đồ sộ, vang dội, đã nổi tiếng vùng này, không hề sợ bao giờ đổ vỡ được của mình, thường là anh thấy người tiếp chuyện anh lập tức như bị chững lại – cái gì kia chứ. Sự kính trọng, lòng khâm phục, nỗi lúng túng? Chính bản thân anh do đó cũng cứng đờ, ngượng ngùng và buồn tẻ. Vậy mà cô bé này – cô ta đỏ bừng cả mặt cả tai, cặp mắt xanh xanh vàng vàng, màu hạt dẻ, hung đỏ của cô lóe lên một ý nghĩ đột ngột gì đó. Cô đứng trước họ – cao dong dỏng, căng thẳng, với gương mặt đỏ bừng bừng, gương mặt này giờ đây gợi nhớ đến một cái gì. Phải, phải, hoa Cháy, có cái thứ hoa như vậy ở Xibir, một lần anh đã được người ta tặng sau buổi biểu diễn. Hung đỏ như ngọn lửa.

Ở cô trên gương mặt chẳng có gì là cái vẫn thường thấy xuất hiện một cách ngán ngẩm và tầm thường ở những người khác mỗi khi nghe đến tên anh. Đúng hơn cả là, nói chung cô chẳng hề biết tí gì về anh. Và trong anh thoáng hiện lên thiện cảm chuyển thành ý nghĩ như thường có vào những đêm giao thừa, trong tiếng chuông đồng hồ điểm mười hai tiếng. Thế là tất cả cái gì nặng nề, ngờ vực xấu xí đã ở lại sau, và đã đến một giây phút – ngưỡng cửa vào cái mới, và cái mới ấy là một cái gì đó hoàn toàn khác hẳn. Sự ra đời mới của anh, tuổi trẻ, sự trong sạch và khả năng vui sướng… cái cảm giác này biểu hiện trong anh đơn giản hơn – nó gắn với chuyến đi này, và anh cảm thấy rằng thằng bạn của anh đã bày ra cái trò không đến nỗi ngu ngốc lắm – đi bằng xe hơi, và cũng không đến nỗi bi thảm cho lắm cái việc hai đứa bị ném vào một cái làng khỉ ho cò gáy này và anh sẽ ngủ không ra sao cả trước buổi biểu diễn của mình.

– Vâng, – Anhia, hít một hơi đầy, tựa hồ định lặn sâu khỏi bờ vực. – các đồng chí đã ở đây thì không thể đi đâu được nữa. Không-đi-đâu-được. Cho là có người đến đón các đồng chí đi cũng vậy. Ông chủ tịch mà nhìn thấy chiếc xe con là lập tức biết ngay là có khách. Thế là lập tức cho đón các đồng chí đến ngay chỗ ông ta. Nhưng mà các đồng chí đừng có mà đồng ý. Được không nào?

Cô vừa nói vừa hấp tấp đóng cúc áo ngoài, buộc dây mũ chụp tai.

– Tôi đi một loáng… đến nhà khách. Tôi sẽ thu xếp, các đồng chí cứ yên tâm. Mà trong thời gian đó thì các đồng chí sưởi cho ấm, nghỉ ngơi.

Đã ra tới cửa, cô quay lại chỗ hai người, chỗ cái bếp lò, mở cửa ngăn đặt thức ăn, xỏ bao tay chộp lấy cái chảo lôi ra. Cái chảo rắc đầy muối ngả màu nâu vì nóng, có những củ khoai tây nướng vỏ vàng rực. Anhia đổ khoai ra mặt chiếc bàn nhỏ kê sát bên tường, cất cái chảo vào ngăn bếp lò.

– Tạm thời các đồng chí ăn cho đỡ buồn. Cái thứ khoai tây như của chúng tôi đây không ở đâu có đâu… Tự nó sẽ chui tuốt vào mồm cho mà xem.

Cô chọn lấy một củ trong đống khoai, lấy nắm tay nhỏ đập xuống. Cái vỏ khoai nứt ra, và Anhia bửa củ khoai ra làm hai, mềm mại óng ánh hột đường.

– Chúng tôi ăn như thế này đây. – Cô nói và khi đã đi tới cửa lại quay lại kêu to. – Các đồng chí không được đi đâu đấy, tôi giao lại những tài sản quý giá cho các đồng chí đấy nhé! Ở đây là mười lăm ngàn đồng rúp mới đấy…

Cô lấy vai hất mạnh cánh cửa nặng nê và biến mất.

– Chà, cái cô bé điên rồ! – Anh chàng tự giới thiệu với Anhia là Đumitri Đônxki nói. – Tuôn ra một tràng, rồi thì xích chúng ta lại đây… Chà chà! Valeri, chúng ta làm gì đây?

– Ăn khoai tây.

– Vậy thì có thể đem cái “tráp nhỏ” ở xe vào chăng? Trong đó mình có mang cônhắc, cá hồng…

– Không, không, tôi không thể. Mà cả cậu mình cũng khuyên không nên – không tiện, đây là thư viện kia mà, người ta sẽ lui tới.

– Ôi lạy Chúa, thì đòi hỏi gì ở chúng ta kia chứ: chúng ta là những người khách đi đường. Với lại có ai phải giữ kẽ ở làng quê, cậu như là người ở sao Hỏa rơi xuống không bằng, thật đấy…

– Xasa ạ, thôi thì tùy ý cậu.

Trong câu trả lời rõ ràng có sự bực bội, mệt mỏi. Anh lại tiếc là đã bằng lòng đi chuyến này. Giá anh cứ đi bằng xe lửa chuyến đêm, tha hồ mà ngủ ngon, ngày mai tới biểu diễn – rồi là về. Đi nghe theo những lời lảm nhảm lãng mạn! Mà không, chẳng qua là anh đã đồng ý để khỏi bị Xasa, người bạn cũ đã có ý định “lay chuyển” anh khỏi rầy rà anh mãi. “Cậu tưởng tượng mà xem, chúng ta sẽ đi qua những thành phố Nga cổ, với những cái nhà thờ nhỏ bé đứng trên đồi, với những người đàn bà chậm rãi đi trên những thành phố vắng. Rồi trên đường về chúng ta sẽ vào ngủ đêm lại ở Xpaxki, nơi ngày xưa đủ loại lữ khách đã nghỉ lại nhà Turgheniép… Thế nào? Cậu có tưởng tượng được không? Hàng loạt những cảm xúc, những sự pha trộn kỳ lạ giữa các thời đại, những cảm giác mới… Tất cả mọi người đều đi vào mùa hè, còn chúng ta. – Chúng ta đi vào lúc mùa đông thở hơi thở cuối cùng, khi anh cảm thấy ở tất cả mọi cái đều có những sức lực tích lũy, những sức lực mà chỉ nay mai là bùng ra nổi loạn, làm nổ tung sự yên tĩnh của ngày đông… Xe của mình loại hảo hạng, mình sẽ chở cậu đi một cách thận trọng như chở một cái bát pha lê…”.

Không, nếu như hoàn toàn thành thực, thì chính cả anh cũng thích cái chuyến đi này, thích tới cái mức mà Xasa gán cho. Có điều không thể thú nhận với Xasa điều đó, nếu không sẽ bị hạ thấp trước đôi mắt đảo lộn cả tâm hồn người ta, đôi mắt hài hước; và anh ta sẽ cười khẩy mà theo dõi từng hơi thở và ánh mắt – nghiên cứu cái chuyển động tâm lý, kiểm tra xem hiệu lực của liều thuốc.

Liều thuốc… cái ấy thì anh tự thú nhận với bản thân mình, rằng dù sao đi nữa cũng có một cái gì trục trặc, rằng chính bản thân anh đang chờ đợi một liều thuốc gì đó. Mọi cái mà mới chỉ ít lâu làm anh vui sướng, thì nay chỉ gây cho anh thấy bực bội! Nào là ở những hàng ghế đầu trong bất cứ một buổi biểu diễn nào của anh, anh đều thấy thấp thoáng những đầu bạc, những mái tóc chải kiểu cách kỳ dị của các bà già mặc những chiếc áo váy dài hào nhoáng. Nào là sau cánh gà cũng chen chúc những chú bé và cô bé với những gương mặt ngây thộn ra vì thán phục. Nào đi ngoài phố luôn có những người không quen biết chào anh. Bây giờ anh cảm thấy rằng, những bà già đều dự các cuộc biểu diễn của anh không phải để nghe anh đàn, mà là để hồi tưởng, có nghĩa là không phải sống bằng nhạc của anh, bằng những đau khổ dằn vặt và hạnh phúc trong những tìm tòi qua anh, những viễn tưởng của anh, không cùng anh rơi xuống vực sâu và để rồi leo lên những đỉnh cao chói lọi của cái cuộc sống hùng vĩ khác đã khuất nhưng còn để lại sau mình những tâm sự này, mà là để hồi tưởng lại những cuộc sống bé nhỏ của mình, hồi tưởng cái tuổi thanh xuân vừa mới trở thành tro bụi của mình.

Có thể, cả chính anh đối với họ – cũng chỉ là giấc mộng của các hình ảnh khác, những thần tượng tuổi thanh xuân của họ? Bây giờ anh có cảm giác là sở dĩ những chú bé và cô bé đến túm tụm sau cánh gà là do một ngọn sóng hiếu danh nhục nhã xô đẩy chúng đến – chúng sẽ khoe với bạn bè rằng chúng đã được nhìn thấy anh, đã được nói chuyện với anh và cũng hoàn toàn như mọi người khác, không có dấu ấn thiên tài trên trán rằng, gương mặt của anh bình thường nặng nề… Và người ta chào anh trên đường phố không phải vì muốn biểu lộ sự biết ơn vì những giây phút cao cả của cuộc sống mà anh đã tặng cho họ, mà là muốn chứng tỏ rằng mình cũng thuộc vào cái loại người đặc biệt có khả năng đánh giá được “Tiếng ríu rít của bày quỷ” của Paganir.

Một thời gian dài, rất dài – mười lăm, hai mươi năm – anh đã đàn cho chính bản thân mình. Âm nhạc đối với anh là cả cuộc đời. Tất cả mọi cái không phải là nhạc đều làm anh bực bội – sự cần thiết phải ăn uống, phải may mặc, phải đó đây, chuẩn bị đi đường hay đi máy bay ra nước ngoài, – tất cả những gì ở giữa những lúc đàn, lúc nghỉ, hoạt động cần thiết của sự sống. Anh thấy khổ sở phải gặp gỡ mọi người, phải tiếp chuyện, hiểu cho được những gì người ta nói với anh khi một số phóng viên đến phỏng vấn anh sau chuyến đi biểu diễn của anh sang châu Âu và Mỹ về, do những giọng nói dai dẳng của họ, những câu hỏi rành rọt, liến láu của họ ở trong anh bùng sôi lên ngọn triều tức tối. Những câu hỏi của họ có quan hệ gì đến âm nhạc của anh kia chứ? “Ở Pháp anh thích gì? Người ta đón tiếp anh ra sao? Bao nhiêu người đến dự cái buổi biểu diễn của anh? Giờ rảnh rang anh sử dụng ra sao?” Anh sử dụng giờ rảnh rang của mình với cây vĩ cầm, và ở Pháp anh thích âm nhạc, âm nhạc của anh.

Thế mà, bỗng nhiên… mà có thể, không phải bỗng nhiên, có thể chẳng qua là trước đây anh không cho phép bản thân mình suy nghĩ và nhận xét cái tình cảm tự vệ tự nhiên này? Bỗng nhiên nảy ra cảm giác rằng anh và cử tọa – nói chung chẳng phải là một khối thống nhất gì. Rất nhiều những thế giới khác biệt, và mỗi thế giới – tự mình tồn tại lấy, và hai mươi năm anh chỉ sống bằng ảo mộng, rằng anh luôn luôn liên kết được những thế giới này vào một dù chỉ trong giây phút ngắn ngủi, nhưng có thể, là những giây phút có ý nghĩa duy nhất của cuộc đời.

Ai đàn cho ai mới được? Vì ai mà anh vét cặn bản thân mình – lần nào cũng vét đến đáy, vét đến mức là có cảm giác lần sau không còn có gì để đàn, anh hoàn toàn trống rỗng? Hoàn toàn bị hút cạn. Ờ, do đâu mà trong tiếng Nga có cái từ – hút cạn. Hít cạn. Uống cạn…

Mà có thể, chẳng qua là anh trở nên đàn tồi hơn? Đàn không có kỹ thuật – đâu phải. Tồi tệ hơn – lạnh lùng hơn? Có thể, chẳng qua là anh chẳng biết gì con người? Mà anh cần biết để làm gì kia chứ? Anh có một nhiệm vụ đời sống khác – anh muốn rằng người ta được biết những cuộc đời khác – cao thượng hơn, ý nghĩa hơn là cuộc đời của chính họ…

Tất cả cái đó nay sống trong anh, như một căn bệnh nặng nê, bí ẩn, cần phải phát hiện ra. Anh không còn tin vào sức mạnh siêu việt của âm nhạc nữa. Không còn tin vào cái quyền lực thần diệu của chính mình nữa. Không tin ở mình, mỗi một tác phẩm mới anh đều đi về địa phương đàn thử đã – cũng giống như thông qua một cuộc tổng duyệt gì đó.

Anh dễ dàng nghe theo Xasa, đề xướng ra cái chuyến đi vô nghĩa này – đi ô tô vào mùa đông, thêm vào đó cái bụng lại đói. Ngoài vợ và mẹ ra, Alecxanđr là người duy nhất anh có thể không phải vất vả gì cũng chịu đựng được trong cuộc sống của mình, – từ buổi biểu diễn ngày anh còn trẻ, cái buổi biểu diễn mà Alecxanđr đã đến dự với tư cách là một phóng viên tường thuật của tờ báo Mátxcơva. Khi đó hai người đã đi bộ trên phố Mátxcơva, cho mãi đến lúc những xe ô tô điện đầu tiên bắt đầu chạy mở đầu một ngày mới, thoạt tiên họ đi bộ là do cả hai đều không để ý đến thời gian, còn sau đó là do cả hai người đều không có tiên để đi xe tắc xi…

Xasa cuối cùng vẫn mang chiếc “tráp nhỏ” vào, một cái tráp gỗ sồi xinh xắn, quà của những người mến phục anh ta ở vùng sông Đông tặng cho anh ta. Alecxanđr đã sống cả một mùa hè ở làng Côdắc của họ. Anh ta cắt mỏng những miếng giò hun khói, bóc cá hồng, bày bánh mì, rượu cônhắc ra, và đến lúc này thì một lúc có mấy cô gái xộc vào thư viện, cô nọ đẩy cô kia đi trước, cười khúc khích và ngượng ngùng, có cả thảy ba cô, má đỏ ửng vì giá lạnh, cùng choàng một kiểu khăn lông giống nhau.

– Xin chào các bác! – Các cô cùng đồng thanh nói và lại cười khúc khích.

Một trong ba cô, đảo mắt nhìn qua những món nhắm trên bàn, bước lên trước, lôi ra một cái túi đặt xuống ghế, nhanh nhẹn lôi từ đó ra một cái bọc gói bằng khăn trải bàn để lên bàn và nói:

– Đây là cô Anhia bảo chuyển đến các bác. Và ra lệnh là: làm sao các bác ăn bằng hết. Nếu không cô ấy sẽ giận đấy.

Và, bây giờ thì cô nọ lại tranh vượt trước cô kia, cả ba lao vụt ra cửa.

Trong bọc khăn trải bàn có mấy quả trứng luộc còn nóng, miếng mỡ lợn, nắm muối và mấy trái táo to, tươi rói, tựa hồ vừa trẩy ở trên cây xuống, chín bóng, nửa vàng – nửa đỏ.

– Nào, ông bạn, coi bộ bắt đầu sống được đấy. – Xasa nói, hai bàn tay khô gầy xoa xoa vào nhau. – Cô bé điên rồ ấy – hóa ra là một cô gái thông minh. Có thể, dù sao cậu cũng uống chút ít giải nhọc đường trường chứ, Valeri?

– Không. – Anh ương bướng trả lời, mặc dù, nói chung thì tợp một ít rồi lăn ra ngủ li bì, như thể hàng nghìn năm nay chưa được ngủ rồi cũng không phải là việc tồi.

Anhia trở về, khi trên bàn chỉ còn cái cành táo và vỏ khoai tây.

– Ấy thế là mọi chuyện đâu vào đấy. – Cô nói. – Tôi đã thu xếp đâu vào đấy cả. Có điều là không ở nhà khách. Ở đấy hôm nay có anh em lái xe ngủ lại, anh em mệt nhừ vì con đường này nên giờ đã đang ngủ say cả rồi. Họ lại phải ra đi vào sáng sớm mai… Mấy lại nói chung, các đồng chí cũng chẳng ngủ nổi ở đấy đâu! Họ ngáy mới kinh khủng.

Cô cười ngượng nghịu, tựa hồ ngượng thay cho những cái anh chàng lái xe tuy không quen biết, nhưng là “người nhà” này và bào chữa cho sự mệt mỏi của họ.

– Mấy lại ở đây nóng lắm, bác Agasav đốt lò sưởi quá chăm… Ấy vậy, đồng chí kỹ sư trưởng về nông nghiệp mời các đồng chí lại chỗ các đồng chí ấy. Các đồng chí ấy ở căn nhà của các chuyên viên, căn nhà ở đấy đầy đủ tiện nghi. Các đồng chí đến đấy nghỉ, còn các đồng chí kia sẽ lại đây.

– Ôi lạy Chúa. – Xasa thở dài. – Sao lại phải rắc rối như vậy kia chứ, con người đáng yêu? Cô thích những câu chuyện huyễn hoặc? Cô nhận đi, rằng cô cố ý bày ra thế để thành ra sự cố chứ gì, có đúng không?

Cô gái hy vọng nhìn người thứ hai, và người kia hiểu cô, giật tay áo Xasa:

– Thôi đi, cậu. Nào, bây giờ chúng tôi phải đi đâu đây?

– Bây giờ… tạm thời ở đó còn đang sửa soạn… đồng chí có thể đi với tôi đến một chỗ. Chỗ này ngay cạnh đây thôi… Xem một chỗ…. một… – Cô nói, không nghe thấy lời mình, nhìn đăm đăm vào một mình anh, bằng ánh mắt đề nghị anh hiểu cho, tin mình.

– Thôi được, các bạn. – Xasa nói, cười khẩy. – Trong lúc các bạn đi đến một chỗ… một… còn tôi sẽ xem lại xe. Cô cho biết có thể để nó vào chỗ nào được nhỉ?

– Phải quá. – Anhia nói không giấu nổi sự nhẹ nhõm và mừng vui. – Bác thợ cơ khí đang đợi đồng chí ở bên cạnh xe của các đồng chí, lúc ấy sẽ chỉ nhà và sẽ sắp xếp đâu vào đấy.

Cái chỗ mà Anhia đưa anh nhạc công đến hóa ra là một nếp nhà gỗ nhỏ cùng dãy với nhà thư viện, cách nhà thư viện ba nhà. Anhia mở khóa, bật sáng đèn và anh đã nhìn thấy một gian phòng rộng với những bức tường trát vách sần sùi, nhưng quét vôi trắng kỹ lưỡng. Gian phòng tưởng như lớn hơn cả chính bản thân nếp nhà.

Khi đứng ngoài trời nhìn vào.

Trên tường treo những bức tranh đóng trong những cái khung gỗ đơn giản, có lẽ do bàn tay của một người thợ mộc trong thôn làm ra.

Đây là những bức tranh của các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Anh còn chưa cảm thấy rõ họ tài hay không, nhưng tính chất nghê nghiệp ở đây không còn nghi ngờ gì cả. Đây không phải là những bản sao chép – anh không nhận ra một bức tranh quen nào cả, nhưng đôi ba tên tuổi anh cảm thấy lờ mờ có quen biết. “Sân bay miên Bắc”… Nếp nhà gỗ nhỏ, ngập trong tuyết đến mái, những chiếc xe trượt do hươu kéo, hẳn là vừa đưa hành khách đến sân bay, một con chó ló ra một cách lo lắng qua màn tối…

Bên một bức tranh anh dừng lại khá lâu, con suối hẹp xuyên qua những đống tuyết hiện ra dưới đáy một khe sâu phủ tuyết. Ở một điểm nó đan chéo với ánh sáng mặt trời, đường ánh sáng mặt trời từ trên cao xuyên đến gặp nó, và cái điểm giao tiếp ấy hồ như tóe ra tia lửa thần kỳ – tất cả bùng lên niềm hoan hỉ, niềm hoan hỉ của hứa hẹn không gì ngăn cản được, báo hiệu mùa xuân… Dường như tất cả thế gian hàng nghìn năm chỉ có sống để cái ánh sáng mặt trời này gặp được con suối mỏng manh, và chỉ giờ đây mới bắt đầu cuộc sống thực sự, con sông trở thành dòng thác, núi non mọc đầy rừng Taiga… Tên của bức tranh rất đơn giản và thanh thoát – “Con suối con Laletinô”.

Anh nghe thấy đằng sau lưng anh, Anhia thở hồi hộp, thế là quay lại, anh hỏi:

– Bức tranh này ở đâu ra thế?

– A, đây là những người của chúng tôi đưa về. Những người tốt nghiệp trung học của chúng tôi. Người phục vụ trong quân đội, người làm việc trong các lĩnh vực khác. Họ về nghỉ phép – chẳng ai là về tay không. Chúng tôi có thầy giáo Akim Ivanôvits. Một lần đội học sinh chúng tôi đã lao động mùa hè thu nhặt củ cải đường và được một số tiền kha khá. Còn nửa tháng nữa mới tới ngày tựu trường, vì thế Akim Ivanôvits mới bảo: “Các em ạ, số tiền này các em có thể mua quần áo. Quần áo thì rồi các em sẽ mặc rách đi – và thế là hết tiền… Còn với số tiền này các em có thể làm một việc mà không bao giờ hao tốn hết”. Lúc ấy chúng tôi đứng ngây ra mà nghe. Thầy giáo bảo: “Chẳng hạn như có thể tổ chức đi thăm Lêningrát”.

Chà, sau đó biết bao nhiêu là chuyện! Akim Ivanôvits đích thân đi đến gặp tất cả các phụ huynh, thầy giáo đã nói gì với các phụ huynh, như thuyết phục các phụ huynh ra sao?… Chỉ có thầy giáo mới có thể làm được. Đồng chí biết không, thầy mới chỉ năm mươi tuổi thôi nhưng ngay đối với các ông bà già thầy cũng đang là thầy dạy. Từ làng này thầy đã ra mặt trận, đã đi qua khắp cả châu Âu, nhưng rồi thầy chẳng muốn bỏ đi đâu, mà lại trở về làng.

Cô nói nhanh, hồ như nuốt mất chữ, lẫn mất cả ý. Và bỗng nhiên anh cảm thấy một cách sâu sắc rằng trong một tiếng đồng hồ qua, trong lúc cô gái bỏ đi đâu đó thì đã có chuyện gì xảy ra với cô: cô hoàn toàn khác hẳn với cô trong giây phút đầu tiên. Có thể chẳng qua là cô ngượng ngùng trước anh?

– Cô kể rất là lý thú. – Anh định giúp cô.

– Ôi, nếu như tôi có thể kể cho ra đầu ra cuối hẳn hoi! – Đột ngột, cô nói một cách thất vọng, đưa hai lòng bàn tay ôm chặt lấy má và nhìn thẳng vào mắt anh. – Akim Ivanôvits – đó là tất cả… Ở trường chúng tôi có một bảo tàng mới quý chứ! Trong đó có đủ mọi thứ trên khắp thế gian – cả những cây cỏ, cả những sinh vật… Thú rừng, chim muông, loài bò sát… Đài khí tượng tự tay chúng tôi cùng với Akim Ivanôvits xây dựng, xây dựng theo bản vẽ của thầy… Và đây nữa – phòng trưng bày tranh. Cái này là sau chuyến đi Lêningrát về, sau khi chúng tôi đi thăm bảo tàng Nga. Akim Ivanôvits luôn luôn nói: con người ta cần phải thấy cái chân chính… Đồng chí hiểu chứ? Và nếu như…

Tiếp theo đáng ra cô phải nói: và nếu như hôm nay đồng chí lại lên đàn, người của chúng tôi lại được nghe. Nhưng cô đã vấp và bây giờ cô không làm sao dám nói rằng lúc này đây, có lẽ là nhà câu lạc bộ đã chật ních những người rồi: bởi vì căn nhà khách cô chỉ ghé vào có một phút, còn suốt thời gian sau cô đi tập hợp các bạn gái trong câu lạc bộ và chạy đến trường tìm Akim Ivanôvits. Thầy hứa là sẽ cho tất cả học sinh nghỉ học giờ cuối cùng để về đưa cha mẹ đến câu lạc bộ. Chỉ đến lúc này cô mới tưởng tượng đầy đủ hết mức độ nỗi kinh khủng của cái việc cô đã bày ra đây là một tên tuổi lẫy lừng khắp thế giới, chắc là ngay cả người Mátxcơva cũng khó lọt được đến cái buổi biểu diễn của anh, vậy mà cô lại quyết định một việc không hỏi anh: báo động khắp cả hàng xóm. Cô đã học đủ các sách – mà lại quên mất rằng cuộc sống không phải sách vở, mà cô đâu có phải Anôtska của Fêđin. Mười tám tuổi, cô chẳng được một ai gọi một lần nào là Anôtska, chỉ những Anka, với Anna, với Nhưnrka, và chẳng ai quỳ dưới “chiếc giày vàng” của cô, như viết trong sách[6].

Mọi cái cô đều phải đoạt lấy qua đấu tranh, mọi cái cô đều phải chứng minh. Cô đã phải chịu đựng biết bao nhiêu chuyện vì cái thư viện này! Trước tiên là từ phía mẹ cô: “Thế nào, bị miếng bánh dê ăn quyến rũ hẳn? Chà, lũ các người, lũ thanh niên, mới thông minh gớm! Còn bọn chúng tao vào cái tuổi các người bây giờ lại hùng hục lao vào những chỗ khó khăn: cánh đàn ông lái máy kéo – bọn chúng tao cũng đi lái máy kéo. Mà cái máy kéo lúc đó như thế nào kia chứ? Đâu phải như máy kéo bây giờ – cứ bấm các thứ nút, thế là xong… Không, cô bé yêu quý của tôi ạ, thật là tên sen đầm Đức. Chỉ vừa ngồi vào cầm tay lái là cái đồ đểu giả ấy hất ngay cho cô một cái, như con ngựa bất kham ấy, thế là cô nằm ệch xuống đất. Không, cô đừng có tưởng rằng tôi than thở đâu, – tôi tự hào kia, phải! Cánh đàn ông ra mặt trận cả, vậy mà không có cánh lái máy kéo đàn bà này thì sự thể đã ra thế nào không biết? Chắc hẳn người ta đã phải tự nai lưng ra mà kéo cày lấy, khá thì cũng phải lẽo đẽo cày theo bằng bò… Chà! Và con cũng có thể thực sự vào đời, con gái ạ.

Con cứ xem xem – bạn bè của con sau khi tốt nghiệp trường trung học đều đi làm những công việc thực sự cả: người đi vắt sữa, người đi học lái máy kéo, người ra thành phố vào đại học. Mà con thì lúc đó lại có điều kiện hơn chúng – tiếng tăm của mẹ lúc đó còn chưa lắng mất. Mấy lại ngày nay chính Matrena dạy bảo bọn con gái. Matrena với Pasa Angheliha suốt đời đã thi đua nhau. Ai chứ Matrena biết rõ phải dạy bảo ra sao”.

Mẹ Anhia có gương mặt gò má cao giống người Kanmưc, nước da ngăm ngăm, mái tóc đen mượt, suốt đời cắt ngắn như kiểu tóc những năm ba mươi. Và bà giữ mãi chiếc khăn màu đỏ đội đầu cho đến lúc già.

Ngay cả bây giờ bà cũng vẫn còn mang cái khăn ấy, mặc dù đã không còn sức làm việc trên máy kéo nữa, đã mười năm rồi bà chuyển sang vắt sữa bò.

Tiếp theo mẹ Anhia – các bà phụ nữ khác trong làng cũng phụ vào: “Thế nào, Nhưnrka, con đường đi của bà mẹ – dốc trơn quá hẳn? Đâu phải, nói gì thì nói chứ, cô là cô bé thông minh, ở trong thư viện của cô tha hồ ấm áp và chẳng bao giờ lấm bụi cả”.

Nghe mọi người nói, cô chỉ cười. Đầu ngả sang vai, cô cười, cô nhìn vào mắt người nói. Các bà phụ nữ bảo với mẹ cô: “0, Nhưnrka tính tình thật là vàng… Nhổ vào mặt cô bé, mà nó vẫn cứ hồ hởi như hoa… Bỏ qua tai hết”. Nhưng Anhia có bỏ qua tai cái gì đâu, cô ghi nhớ tất cả. Chỉ có điều, làm sao lại có thể oán giận mọi người được, họ không được biết một điều khác, cái đó đâu có phải là lỗi tại họ, rằng thời trẻ họ không có thời giờ sức lực để cầm đến sách, mà đến tuổi già thì tâm hồn đã han gỉ, cứ thử mà nhồi nhét cái gì vào đó xem.

Đáng bực hơn cả là mẹ cô không muốn hiểu cô. Vào những ngày đầu tiên từ sáng cho đến nửa buổi trước khi mở cửa thư viện, Anhia chạy đến trại chăn nuôi giúp đỡ mẹ. Thấy thế một lần mẹ lại bảo cô: “Nhưnrka, mẹ nhận nuôi thêm mấy con bò nữa nhé? Nếu như con giúp mẹ, mẹ sẽ lo liệu được”. – “Mẹ, con chỉ muốn là giúp để mẹ đỡ vất vả hơn thôi, chứ đâu có phải để thêm công thêm điểm. Nhà ta cái gì cũng đã đầy đủ. Mẹ xem, chỉ sau một năm là người ta cho con hai bộ quần áo len, một đôi bốt, chiếc áo lông cừu màu… Việc gì cứ vì đồng tiên mà suốt đời đầu tắt mặt tối? Tốt hơn là mẹ nghỉ ngơi đi, ngồi mà đọc sách!”- “Hừm, hoặc con là một con ngốc loạn trí, hoặc chẳng qua là con muốn trêu chọc mẹ – mẹ mà ngồi đấy đọc sách, trong khi đôi bàn tay mẹ vẫn còn đòi hỏi công việc!” – “Mẹ, chẳng lẽ mẹ không muốn biết cuộc sống của những người khác ra sao ư? Mẹ đọc một trăm cuốn sách thì cũng hồ như mẹ sống thêm một trăm cuộc đời nữa!” – “Với mẹ thì chỉ nguyên một cuộc đời của mẹ cũng đủ rồi. Mẹ chẳng cần phải cuộc đời nào khác cả. Cũng như đối với người khác thì cuộc đời mẹ có cần làm gì”.

Khi Anhia đã làm ở thư viện được khoảng một năm, không một ai trong làng xóm còn lấy cái chỗ ngồi ấm áp và không lấm bụi ấy ra mà chê bai được cô nữa. Chẳng phải chờ đến lúc có được người đọc nghiêm túc tìm đến cô. Cô tự đeo lên lưng một chiếc ba lô cô đã mua để dùng cho chính việc này, và đi đến khắp những nơi xa xôi nhất trong làng xóm. Cô đi đến các nơi phân phát sách, ghi yêu cầu của người đọc để lần sau sẽ mang tới cho họ những cuốn sách họ cần, kể cho họ nghe về những cuốn sách cô yêu thích. Cô mang sách đến cho chị em thợ vắt sữa ở trại chăn nuôi. Mang sách đến cho anh em lái máy kéo ngoài đồng. Cứ đến giờ ăn trưa, ngồi vào ăn là họ đề nghị: “Nhưnrka, trong lúc chúng tôi ăn, – cô đọc cho nghe để giải trí chút ít nào”.

Rồi qua thêm một năm nữa mọi người thấy quen với việc trong làng của họ hàng tuần vào tối thứ bảy có tổ chức quán cà phê thanh niên, rằng trong câu lạc bộ của họ người ta diễn “Đám cưới ở Malinoska”, diễn khéo đến nỗi khách ở các nông trang khác cũng kéo đến xem. Rằng trong dạ hội Puskin, bà Agasa, người trông coi việc lao công ở nhà khách, đã hát bài “Bão tuyết mịt mù…” Và các bà phụ nữ đã ứa nước mắt. Và chẳng ai nghĩ ngợi rằng chính cái cô coi thư viện Nhưnrka, con gái bà lái máy kéo đã liên kết những con người sống trong cái làng này từ lọt lòng mẹ lại gần với nhau. Nghĩ ngợi thì chẳng nghĩ ngợi được điều đó đâu nhưng mọi người đã gọi cô là Anna, cô Anna yêu quý.

Còn bây giờ đây cô muốn lại làm cho mọi người được hưởng một điều vui sướng nữa – muốn nhà nghệ sĩ đàn cho họ nghe những khúc nhạc mà họ chỉ có thể được nghe trên đài. Và, biết đâu đấy, rất có thể họ không còn có dịp nào khác được nghe tiếng đàn của anh, tiếng đàn sinh động phát ra từ dưới những ngón tay anh bấm. Và cô tin ở mình rằng cô sẽ giải thích được cuộc đời của mình, cuộc đời của mẹ cô, cuộc đời của làng xóm cho anh hiểu… Chà, chẳng nhẽ lại có thể làm được điều đó ư? Lời nói theo nhau chậm rãi bò ra nhợt nhạt như thể tấm vải phai màu sau vụ nắng hè. Điều chủ yếu nhất là cô không làm sao giải thích được việc anh đàn sẽ quan trọng đến mức nào. Bởi vì anh đúng là cái chân chính, mà Akim Ivanôvits luôn luôn nói tới.

– Nếu như đồng chí biết được là tôi đã bày ra cái trò gì. – Cô nói, giọng hoàn toàn thất vọng và nức nở òa lên khóc.

– Có chuyện gì thế cô? – Anh hỏi, cô cảm thấy anh hỏi một cách nghiêm khắc giống hệt như Akim Ivanôvits hỏi mỗi khi một học sinh nào đó đến lớp mà không thuộc bài địa lý.

– Xin đồng chí tha thứ cho tôi… Ngượng quá… Tôi không thể nói ra được.

– Nào, nào, có chuyện gì xảy ra ghê gớm đến thế mới được kia chứ? – Anh còn mỉm cười, và gương mặt của anh thay đổi đến nỗi không nhận ra được nữa: cặp lông mày rướn lên cao, đôi mắt mở to, nghịch ngợm. Hồ như anh thông đồng tham gia với cô vào một trò chơi vui nhộn nào đó.

Tái mặt đi, cô se sẽ thở dài.

– Dân làng chúng tôi đang đợi đồng chí ở câu lạc bộ… chỉ có điều xin đồng chí đừng từ chối ngay. – Cô vặn vẹo ngón tay, nhưng cặp mắt vẫn nhìn thẳng. Đoạn cô nói thêm. – Bởi vì rất nhiều người trong bà con có thể sống hết cuộc đời của mình mà chẳng được nghe đồng chí đàn.

…Khi hai người đi vào câu lạc bộ, anh lập tức đưa mắt nhìn bao quát xem căn phòng sẽ truyền âm thanh ra sao. Anh yên tâm: đây là ngôi nhà thờ cũ, âm thanh sẽ trọn vẹn, ngân lên trang trọng. Sau đó anh nhìn khắp lượt cử tọa từ phía sau, phía lưng người ngồi trở lên – không có một chỗ trống nào, bọn trẻ con thì đứng chen chúc bên cạnh các thành cửa sổ, một lối đi thảm đỏ trải dài giữa các hàng ghế phô tơi thẳng lên sân khấu, và khi anh đi theo sau Anhia bước lên lối đi đó, người ta lập tức quay cả về phía anh mà nhìn.

Trong lúc anh lấy cây vĩ cầm ra khỏi hộp, Anhia bước ra trước sân khấu – thân người dong dỏng với đôi vai rộng, bộ áo váy da màu xanh sáng, đôi bốt da hai màu hung hung cao gót, mái tóc bồng lên đỏ rực. Anh đưa mắt nhìn cả căn phòng, rồi nhìn lên Anhia, cô gái dỏng cao với đôi vai khỏe mạnh và gương mặt sáng ngời, đỏ bừng, tràn ngập niêm hạnh phúc và trang trọng, và anh thấy nghẹn ngào.

Đây không phải là niêm cảm xúc của hai mươi năm về trước, khi lần đầu tiên anh đứng mặt đối mặt với một cử tọa rộng lớn, mà lúc đó anh sợ không dám nhìn thẳng xuống, khi đó trước cử tọa là một chú bé run rẩy, kẻ mà với tất cả sức lực hăng say của tuổi trẻ chỉ muốn một điều: sao để người ta hiểu được mình và công nhận mình. Sao để từ giây phút đó bắt đầu mối liên hệ hạnh phúc giữa anh với họ, những người có khả năng cũng yêu quý cái mà anh yêu quý, yêu quý âm nhạc. Giờ đây chỉ một cái nhìn anh cũng có thể thu hết cả cử tọa này, cả căn phòng được phân đôi ra bởi lối đi thảm đỏ, và trong giây lát chiếu sáng anh thấy ra cuộc đời của những con người, những con người mà trong giây phút này trên mặt hiện rõ sự sẵn sàng bắt tay vào công việc lao động.

Phải, phải, ở họ là những gương mặt chăm chú, nghiêm trang, kín đáo của những con người sẵn sàng bắt tay vào công việc lao động, công việc lao động mà họ buộc phải làm lấy một mình, công việc lao động mà họ không thể ỷ lại vào ai. Họ ngồi đó, đặt những bàn tay nặng nê lên đùi – những bàn tay cái gì cũng làm được, những bàn tay thần diệu, những bàn tay mà lúc này đây, trong giây phút rảnh rang đến đột ngột, đang khoan khoái nghỉ ngơi.

Phía bên phải, ở hàng hai, những cô gái choàng những chiếc khăn lụa màu kiểu cách rực rỡ bên trên những mái tóc chải bồng cao, cười nhìn nhau – và lập tức anh cũng lại hiểu họ: đấy là những người trợ lực của Anhia, những người mà chỉ trong một giờ đồng hồ tập hợp được tất cả làng đến ngôi nhà thờ cổ, sửa soạn được phòng nhạc, tìm mượn được cái thảm đỏ trải lối đi này và giờ đây còn chưa trấn tĩnh được sau cuộc phiêu lưu sung sướng.

Khi Anhia bằng cái giọng lảnh lót, hổn hển giới thiệu anh, anh nâng cây vĩ cầm trên đôi bàn tay đưa thẳng ra, nâng một cách nương nhẹ như thể nâng một đứa bé mới đẻ, bước tới trước, gần lại với gian phòng cử tọa và hạ thấp giọng nói:

– Đây là một cây vĩ cầm đặc biệt. Đây là cây vĩ cầm của Gvarneri, nghệ nhân tuyệt diệu của Ý. Trên thế giới này chỉ có vài ba cây.

Chính bản thân anh hẳn cũng không giải thích nổi vì sao anh lại nói vậy. Có thể vì anh cho rằng đó là món tặng phẩm quý giá nhất mà anh có thể đem đến tặng cho những người bà con của Anhia – bắt cái cây đàn kỳ diệu của Gvarneri phải lên tiếng cho họ nghe.

Anhia đứng ở bên cánh gà sân khấu, tựa lưng vào tường, nhìn xuống cử tọa, và khóc. Thoạt tiên cô nhìn anh, nhìn gương mặt to nặng nề của anh, cặp lông mày của anh rướn lên cao và động đậy, đôi mắt của anh mở to tròn, anh dẩu cặp môi lên, cặp má căng ra, gương mặt của anh lộ ra cuộc sống bấy nay anh vẫn giấu kín mọi người. Anh không còn cần biết là mọi người nhìn thấy nó thế nào – thấy nó đần độn hay thông minh, xấu xí hay xinh đẹp, và cái đó làm cho anh trong mắt nhìn của Anhia bỗng trở nên bé bỏng như một đứa trẻ, và trái tim cô thắt lại bởi một nỗi thương xót khôn cùng!

Cô tưởng tượng là hầu như mỗi tối anh đều ra đứng trước mọi người với cây vĩ cầm kỳ diệu của mình – cũng hoàn toàn cởi mở, và bất cứ một ai đều có thể nghĩ về anh tùy thích, tùy thích nghĩ về gương mặt nặng nề của anh, về cặp lông mày rướn lên cao một cách nực cười kia… Và anh có ai để thương anh, an ủi anh, yêu anh không biết mệt không nhỉ? Và cô thấy nhói lên đau xót vì rằng cái gương mặt này, cái gương mặt mà thoạt nhìn cô đã tin tưởng hết mức, thoáng hiện lên đây và rồi sẽ mãi mãi đi khỏi cuộc đời của cô. Và chẳng bao giờ anh còn nhớ tới cái cô bé tóc hung ở cái làng mà ngay cả tên làng anh cũng không biết.

Và cuộc đời của cô lại sẽ chảy đi như trước đây: sáng sớm cô sẽ lại chạy đến trại chăn nuôi chỗ mẹ làm, giúp mẹ, sau đó ngồi ở thư viện, đi đến các nhà, rồi trước khi đi ngủ lại tranh luận với mẹ – cuộc tranh luận không bao giờ kết thúc, – và mẹ cô lại chì chiết cô vì cái cuộc sống dễ dàng không lấm bụi.

Người mẹ yêu thương, phải đâu ngẫu nhiên mà mẹ cô căm ghét tất cả mọi cuộc sống không lấm bụi – mẹ cô căm ghét bởi vì chính do cái công việc “dầu mỡ” của mẹ cô mà cha cô đã bỏ đi. Cha bỏ đi với người đàn bà khác sạch sẽ gọn gàng.

Ngay bây giờ đôi khi Anhia cũng vẫn như thấy lại trước mặt cái cảnh đã diễn ra trong ngày đó. Đời cô không có gì ghê sợ hơn buổi ấy. Lúc đó cô đang ngồi học bài. Cánh cửa ra vào ầm ầm mở toang ra, đôi nạng gỗ của cha cô bay vào phòng, tiếp theo là mẹ cô tóc trần, mặc chiếc áo khoác ngoài ngắn bằng lông cừu không gài cúc. Mẹ ngã dụi xuống giường và gào khóc: “Lạy Chúa, vì sao mà Người trừng phạt con! Cả đời con, con làm lụng! Chính vì thế mà mọi người tôn trọng con, thế mà hắn, quân đê tiện, lại đi đánh đổi lấy kẻ nào kia chứ – đổi lấy mụ Marutka làm ở bưu điện! Đổi lấy đôi tay trắng trẻo!”

Anhia còn đang đi lại chỗ mẹ thì cha cô đã bò về, không nạng, đầm đìa mồ hôi, tóc xõa xuống trán, mặt đỏ bừng và đôi mắt điên dại… Chắc hẳn có chỗ cha cô đã phải nhảy lò cò trên một chân, tay vịn vào bờ rào của các nhà bên đường, có chỗ lại đã phải bò. May mà buổi tối không trăng sao. Đến lúc này, cha cô vịn vào thành cửa, toàn bộ thân hình vạm vỡ vươn thẳng dậy, và át những lời than vãn của mẹ, cha cô tuôn ra một tràng: “Hừm, thế là hết, cô vợ đáng yêu ạ, đến bước xuống lỗ tôi cũng không thể quên được! Lăng nhục một kẻ ở tiên tuyến về? Bắt bò như một con chó? Thế là hết. – Thôi ở đây mà làm bạn với cái máy cày, mụ đàn bà dầu mỡ ạ!… Nhưnrka, đưa đôi nạng đây!”

Và chẳng nhìn đến mẹ, cũng chẳng nhìn đến cô, cô bé Anhia, con gái của mình, cha cô cứ thế bỏ đi không đóng theo sau cánh cửa ra vào. Và ngay đêm đó, để sáng ra không phải thấy nỗi khinh bỉ mình trong mắt nhìn của mọi người, cha đã cùng Marutka – mụ đưa thư, tìm ra đường cái lớn và ra đi, chắc hẳn đi nhờ chiếc xe qua đường gặp đầu tiên. Cả hai hồ như rơi tõm xuống nước mất hút. Có người bảo hồ như cả hai đi đến vùng khai hoang. Có người khác lại bảo – họ đến công trình xây dựng ở Xibir. Có thể tin được điều đó – cha cô là một tay thợ mộc hạng giỏi, chỗ nào mà chẳng cần đến họ kia chứ…

Và bây giờ trong việc lựa chọn nghề của Anhia, mẹ cô thấy lại ánh phản chiếu của tất cả cuộc đời bà, sự thật của bà, khát vọng của bà. Bóng đen của nỗi đau khổ xa xưa và còn như sống đó, đôi bàn tay không bụi bặm của Marutka. Vì thế Anhia làm sao có thể chứng minh được cho bà thấy là đối với cô, đối với Anhia, sách không thua kém gì cái máy cày đối với mẹ cô. Đó là tình yêu của cô mà vì nó cô sẽ chịu đựng hết cả! “Được rồi, ta sẽ thi vào học ở trường đại học thư viện Mátxcơva, học hàm thụ, và mẹ sẽ hiểu rằng đây cũng là một sự nghiệp một khi có cả trường đại học như thế… Ta sẽ đi đến Mátxcơva để thi. Và sẽ đi dự tất cả các buổi biểu diễn của anh…”.

Cô mỉm cười, nhìn sâu vào trong sân khấu, khi cử tọa vỗ tay náo nhiệt. Cô có cảm giác là cô hoàn toàn không nghe nhạc, cái âm nhạc bắt cô hồi tưởng lại tất cả cuộc sống, nỗi đau xót và niềm sướng vui, nỗi tủi hận và điều tốt lành, cho phép cô khóc tiễn đưa và giải thoát khỏi hết thảy mọi cái – vì sự mở đầu của một cái gì mới mẻ, cái mới mẻ mà chính bản thân cô còn chưa thấy…

Khi người ta đưa anh về ngôi nhà, nơi người bạn của anh đã thiếp ngủ một cách vô tư, và mọi người đã ra về cả, anh còn đứng hồi lâu ở hiên cửa, lắng nghe ở đâu đó xa xa, những tiếng hát đồng ca của các cô thanh nữ mang lại thánh thót, rõ ràng:

Em sẽ gọi anh là vầng mặt trời nhỏ,

Chỉ có điều anh hãy chiếu sáng hơn…

Mùa xuân đang đến kia, một mùa xuân tràn đầy hứa hẹn.

Bình luận