Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truyện Ngắn Đặc Sắc Nga

Con Trai Người Phi Công

Tác giả: Nhiều Tác Giả

Tôi có thể cam đoan rằng chưa bao giờ được nghe nói đến phi công Prexnhiakốp. Nhưng gương mặt của anh trên tấm ảnh này tôi lại thấy rất quen thuộc.

Anh chụp ngay sau chuyến bay. Anh đội mũ chụp kính trong đó có thể thở được ở nơi không còn không khí. Mặc bộ trang phục này, trông anh giống người thợ lặn hơn là phi công.

Đại úy Prexnhiakốp người tầm thước. Nhưng điều này khó nhận ra ngay trên ảnh, bởi vì ảnh chụp có nửa người. Nhưng lại có thể nhận thấy ngay đôi gò má rộng, cả cặp mắt đen, hai hàng lông mày không đều đặn, cả đường trũng phía trên môi trên, cả vết sẹo trên trán. Mà có thể đó không phải là vết sẹo, mà là một món tóc, dính bết xuống trán trong chuyến bay gian khổ?

Bức ảnh là sở hữu của Vôlốtka Prexnhiakốp và được treo trên đầu giường của chú bé. Mỗi khi có khách mới đến nhà, Vôlốtka thường dẫn người đó đến dưới tấm ảnh và bảo:

– Ba cháu.

Chú nói điều đó như thể quả thực chú giới thiệu khách với người cha của mình.

Vôlốtka hiện sống ở Mátxcơva, ở phố nhỏ, chòi gác rơm rạ. Tất nhiên ở đường phố của Vôlốtka chẳng có chòi gác nào, hơn thế nữa lại là chòi gác rơm rạ. Chung quanh chỉ là những dãy nhà mới đồ sộ. Chòi gác rơm rạ ở vào thời vua Piôtr đệ nhất kia, ở đây quả có một chòi gác. Không hiểu bấy giờ các chòi gác ấy đặt ở chỗ nào nhỉ. Gần “cửa hàng thực phẩm” hay ở góc phố bên cạnh quỹ tiết kiệm ngày nay. Và tên người gác ấy là gì nhỉ, bác người gác mà trong đêm mưa gió, bão tuyết thỉnh thoảng chạy về căn chòi ấm áp một lúc để lấy lại hơi sức và sưởi bên ngọn lửa đôi bàn tay lạnh cứng vì băng giá? Chỉ chạy về nán lại lấy một chút thôi. Người gác trong khi thừa hành phận sự không được quẩn quanh trong căn chòi ấm áp.

Dưới cửa sổ ngôi nhà Vôlốtka suốt ngày đêm xình xịch tiếng xe tải tự động… Ở gần đây có công trường xây dựng nhưng Vôlốtka quen với tiếng động cơ ầm ĩ rồi, vì thế chú không để ý gì tới tiếng động ấy. Thế nhưng không chiếc máy bay nào bay qua trên đầu chú mà chú lại bỏ qua. Nghe tiếng động cơ ở trên cao, chú thảng thốt rồi chăm chú nghe ngóng, cặp mắt xáo động của chú vội nhìn lên tìm kiếm đôi cánh bạc nhỏ xíu của chiếc máy bay trên bầu trời. Cũng phải nói thêm là, thậm chí không nhìn lên trời, chú cũng có thể xác định được chiếc máy bay đang bay đó là máy bay gì: máy bay bình thường hay máy bay phản lực – và chiếc máy bay ấy có bao nhiêu “con trượt”. Được như vậy là bởi vì từ bé chú đã quen với đủ loại máy bay.

Khi Vôlốtka còn bé tí, chú sống ở rất xa, rất xa Mátxcơva. Trong một thị trấn thành phố, cũng như con người ta có cả những thị trấn thành phố quân sự mà.

Vôlốtka ra đời ở thị trấn này và chú đã sống ở đó hẳn nửa số năm đã sống của mình. Con người không có thể nhớ được anh ta đã biết đi như thế nào và biết nói được từ đầu tiên ra sao, ấy vậy nhưng nếu anh ta đã ngã và giập đầu gối, thì anh ta ghi nhớ. Nhưng thuở nhỏ Vôlốtka không bị ngã và cũng không giập đầu gối và trên lông mày của chú không để lại vết sẹo, bởi vì cả lông mày chú cũng không bao giờ để ngã sứt. Và nói chung là chú chẳng nhớ gì hết.

Chú không nhớ chuyện, mỗi khi nghe tiếng động cơ, chú lại mở to cặp mắt xanh lam hơi lồi ra tìm kiếm cái gì đó trên bầu trời. Và chuyện chú đưa tay với: chú muốn tóm bắt chiếc máy bay. Cánh tay chú bấy giờ mập mạp, có ngấn ở cổ tay. Cứ như thể có người nào đó đã lấy bút chì đen khoanh dấu ở chỗ ấy.

Khi Vôlốtka còn bé tí tèo teo, chú chỉ biết đòi không thôi. Rồi đến khi lớn hơn một chút – chừng ba bốn tuổi – chú bắt đầu hỏi. Chú hỏi mẹ chú những câu hỏi bất ngờ nhất, và có cả những câu hỏi mà mẹ chú không thể trả lời được.

– Tại sao máy bay ở trên bầu trời không bị rơi xuống? Tại sao bên ta dấu hiệu là ngôi sao, mà bên phát xít lại là dấu thập ngoặc?

Vôlốtka sống với mẹ. Chú không có bố và thoạt đầu chú cho rằng chính như vậy mới phải. Và nói chung chú chẳng hề lo nghĩ gì về chuyện không có bố. Chú cũng chẳng hề hỏi han về bố, bởi vì chú không biết rằng lệ thường chú phải có bố. Nhưng một lần chú đã hỏi mẹ chú:

– Ba con đâu?

Chú nghĩ rằng mẹ chú có thể trả lời một cách dễ dàng và đơn giản câu hỏi ấy. Nhưng mẹ chú lặng im. “Cứ để cho mẹ nghĩ đã”, Vôlốtka quyết định như vậy và chờ đợi. Nhưng mẹ chú thế là không trả lời gì cho câu hỏi của chú.

Điều đó không làm cho Vôlốtka buồn rầu cho lắm, bởi vì nhiều câu hỏi khác mẹ cũng không trả lời mà.

Vôlốtka không hỏi mẹ thêm về câu hỏi này nữa. Một khi mẹ đã không thể’ trả lời được, thì hỏi làm gì, nhưng bản thân chú không dễ dàng quên câu hỏi này như đã dễ dàng quên liền nhiều câu hỏi khác. Chú cần phải có bố, vì thế cứ đợi chờ khi nào đó bố chú tự xuất hiện.

Kể cũng lạ, Vôlốtka đã biết đợi chờ. Chú không đi lung tung mọi chỗ để tìm bố và không đòi mẹ phải đi tìm ra người bố không thể nào tìm ra được ấy cho chú. Chú chỉ đợi chờ, nếu như một đứa trẻ phải có bố thì sớm hay muộn cũng tìm ra bố.

“Không hiểu ba sẽ xuất hiện như thế nào nhỉ? – Vôlốtka thầm nghĩ. – Đi bộ đến hay đi ô tô buýt đến?

Không, ba sẽ đi máy bay đến bởi vì ba là phi công cơ mà? Trong thị trấn quân sự, bố của những đứa trẻ khác đều là phi công cả”.

Mỗi khi đi dạo chơi với mẹ, chú chăm chú quan sát những người đàn ông gặp trên đường. Chú cố đoán xem trong số họ ai giống bố mình.

“Bác này người dài quá, – Chú nghĩ khi nhìn một thiếu úy cao dỏng. – ba mà như thế này thì khó mà leo được lên lưng. Và tại sao bác ấy không có ria? Ba thì thế nào cũng phải để ria. Chỉ có điều không giống như ria của bác bán hàng ở cửa hàng bánh mì. Ria bác ấy màu hung. Mà ria của ba phải là màu đen kia…”.

Càng ngày Vôlốtka càng sốt ruột chờ đợi việc bố về hơn. Nhưng bố chú không ở đâu về cả. Hóa ra bố chú sống ngay bên cạnh.

– Mẹ ơi, mẹ làm cho con một con tàu. – Một hôm Vôlốtka bảo mẹ chú và đưa cho mẹ một mảnh gỗ.

Mẹ chú nhìn con một cách bất lực, tựa hồ đứa trẻ vừa hỏi chị một trong những câu hỏi mà chị không sao trả lời nổi. Nhưng sau đó ánh mắt chị lóe lên niêm quyết tâm. Chị nhận lấy mảnh gỗ ở tay đứa con, lấy con dao to làm thức ăn và bắt đầu gọt đẽo gỗ. Con dao không tuân theo sự điều khiển của mẹ Vôlốtka: nó lạng đi không như ý mẹ chú muốn, mà tùy theo hứng của nó – hết xiên rồi lại vẹo. Sau đó con dao trượt đi và cắt vào ngón tay mẹ. Máu chảy ra. Mẹ ném mảnh gỗ gọt đẽo dở dang sang bên cạnh và bảo con:

– Tốt hơn là mẹ sẽ mua cho con một con tàu nhỏ.

Nhưng Vôlốtka lắc đầu.

– Con “ứ” thích tàu thủy mẹ mua. – Nó nói và nhặt mảnh gỗ ở sàn lên.

Bạn bè của nó có những con tàu nhỏ rất đẹp. Có cả ống khói, cả cánh buồm. Còn Vôlốtka chỉ có một mảnh gỗ nham nhở đẽo gọt dở dang.

Nhưng chính cái mảnh gỗ kỳ cục được gọi là con tàu ấy lại đã đóng một vai trò rất quan trọng trong số phận của Vôlốtka. Nó đã giúp cho Vôlốtka tìm ra người bố.

Một lần Vôlốtka đi lại thơ thẩn ở hành lang trước căn hộ, tay cầm con tàu – mảnh gỗ, và chạm trán với bác hàng xóm Xécgây Ivanôvits. Bác hàng xóm là phi công. Suốt ngày này sang ngày khác, bác ấy bận công việc ngoài sân bay. Còn Vôlốtka thì “bận” ở trường mẫu giáo. Vì thế mà chú bé và người phi công không gặp nhau và hầu như không biết nhau.

– A, chào người anh em! – Xécgây Ivanôvits thấy Vôlốtka ở hành lang, liền lên tiếng chào.

Vôlốtka ngẩng đầu lên và chăm chú nhìn người hàng xóm. Bác ta mặc sơ mi trắng, còn quần dài và giày ủng của bác ta là quần dài và giày ủng của quân đội. Chiếc khăn mặt vắt vai.

– Xin chào! – Vôlốtka đáp lại.

Đối với mọi người, cả người lớn lẫn trẻ con, Vôlốtka đều xưng hô cộc lốc như vậy.

– Tại sao người anh em thơ thẩn một mình ở hành lang thế này? – Bác hàng xóm hỏi.

– Chơi!

– Sao người anh em không ra ngoài trời?

– Không được phép. Bị ho.

– Hẳn là tại đi giày không có bọc cao su sục vào vũng nước chứ gì?

– Không. Cháu ăn tuyết.

– Rõ.

Đến cuối câu chuyện xảy ra ở hành lang mờ mờ tối, bác hàng xóm nhận thấy mảnh gỗ trên tay Vôlốtka.

– Người anh em có cái gì ở tay thế?

– Con tàu nhỏ.

– Đây mà là con tàu ư? Đây là mảnh gỗ chứ đâu phải tàu bè gì. – Bác hàng xóm nói và đưa ra một ý kiến. – Để đây làm cho người anh em một con tàu nhỏ bé.

– Nhưng đừng có làm hỏng gỗ đấy. – Vôlốtka đe trước và đưa cho bác hàng xóm mảnh gỗ.

– Thế tên người anh em là gì nhỉ? – Vừa xem xét mảnh gỗ, bác hàng xóm vừa nhân tiện hỏi chú bé.

– Vôlôđia.

– Vôlốtka hả?

Vôlốtka hay đấy. Mẹ vẫn gọi chú là Vôlôdenka, vậy mà ở đây lại là Vôlốtka. Hay lắm.

Trong lúc Vôlốtka ngẫm nghĩ về cái tên gọi mới của mình, thì bác hàng xóm đã lấy ở túi ra một con dao gấp và khéo léo bắt đầu gọt mảnh gỗ.

Đấy mới là một con tàu – một chiến hạm tuyệt vời làm sao! Cân đối, nhẵn nhụi, có ống khói ở giữa, có súng đại bác ở mũi. Đặt xuống sàn, tàu không đứng được mà đổ ềnh sang bên. Nhưng ở ngoài các vũng nước nó lại cảm thấy thật vững vàng, không có sóng nước nào lật đổ được nó. Bạn bè của Vôlốtka ngồi xổm háo hức nhìn xem con tàu. Đứa nào cũng muốn sờ mó một tí. Giật sợi dây kéo một lần, Vôlốtka hoan hỉ.

– Đừng có làm bắn nước! – Chú quát một thằng bạn, làm như thể con tàu phải kỵ nước không bằng.

– Đừng có kéo thế, lật tàu mất! – Chú nghiêm nghị đe một đứa bạn khác, mặc dù con tàu của chú là một con tàu vững chãi bậc nhất của hạm đội khu nhà.

– Ai làm cho cậu con tàu này thế? – Một đứa bạn hỏi Vôlốtka.

Vôlốtka ắng lặng. Sau đó hít thật nhiều không khí và mạnh bạo tuyên bố:

– Ba tớ!

– Nói láo! – Thằng bạn bảo nó. – Mày làm gì có ba!

– Không, có chứ! Có chứ! – Vôlốtka trả lời một cách kiên quyết. – Ba tớ không chỉ làm cho tớ cái này thôi đâu.

* * *

Tối hôm ấy mẹ nhận ra đồ chơi mới của Vôlốtka. Chị cầm con tàu nhỏ dưới sàn lên, chăm chú xem xét và hỏi:

– Con lấy ở đâu ra thế này?

– Ba làm cho con. – Vôlốtka trả lời.

– Ba nào? – Mẹ chú ngạc nhiên nhíu cặp lông mày. – Ba nào kia? Con không có ba…

Những lời cuối cùng người mẹ khó khăn lắm mới nói ra được, nhưng câu nói của mẹ không làm cho Vôlốtka buồn rầu chút nào hết. Chú bé cãi lộn:

– Sao lại không có ba nhỉ. Có! Thì đến bọn con gái cũng có ba nữa là con là con trai.

Mẹ chú đành thôi không tranh cãi. Cặp mắt to bướng bỉnh của đứa con trai đang nhìn chị. Trong đó chứa chất bao nhiêu quyết tâm và nỗi tuyệt vọng làm cho chị phải nín lặng. Chị hiểu rằng trong đứa con trai nhỏ đã xuất hiện tính cách, rằng nó không chịu dễ dàng rút lui khỏi cái mà đáng là phần của nó, cái mà được chính bản chất thiên nhiên xác định.

Người mẹ cụp mắt nhìn xuống và bỏ đi. Còn nó vẫn không rời khỏi chỗ đứng, con người bé nhỏ ấy, con người đang sẵn sàng tự vệ. Nó ôm chặt con tàu nhỏ của mình vào ngực, như thể có kẻ nào đó định cướp mất của nó báu vật này.

Xécgây Ivanôvits không hề ngờ rằng con tàu thủy nhỏ bé lại có thể làm được chuyện gì đó với người hàng xóm bé nhỏ. Và tất nhiên là anh không thể lại nghĩ rằng trong cuộc đi tìm bố mình, Vôlốtka lại chọn chính anh.

Ở trường mẫu giáo về, Vôlốtka hỏi mẹ:

– Ba có nhà không?

Người mẹ không trả lời gì hết. Khi đó, lựa thời cơ chú lẻn ra hành lang và đi đến trước cửa phòng bác hàng xóm. Chú lấy vai đẩy cửa. Cửa không mở, bố không có nhà.

Vôlốtka không nản lòng. Bố không có nhà thì có gì ghê gớm chứ! Quan trọng là có bố.

Dần dần ở Vôlốtka hình thành một quan niệm của mình về “ba”. “Ba” của chú sống ở căn phòng khác, ăn ở nhà ăn công cộng và tự mình đặt nước trà cho mình uống. Và nếu như “ba” bị đứt cúc áo thì “ba” tự khâu lấy. Và “ba” không phải xin phép ai khi “ba” ra đi cũng như khi “ba” trở về, Vôlốtka cho rằng “ba” phải đúng như vậy.

Tình cờ một lần Vôlốtka bị ốm khá nặng. Lần ấy chú ăn quá nhiều tuyết và thế là chú bị sốt nóng. Chú nằm trên giường và người nóng rừng rực. Chú có cảm giác rằng giường chú đang đặt trên lửa và lửa đang cháy gối, chăn, áo chú. Và người ta phải luôn luôn cặp nhiệt độ cho chú bởi vì sợ rằng không khéo thì cả chú cũng bị cháy sạch mất. Vôlốtka không rên rỉ, không than thở, không đòi mẹ. Chú can đảm chịu đựng cơn bệnh. Chú hít mạnh. Đôi lúc chú phát ho, và khi ấy, trong ngực chú có một quả cầu òng ọc xù xì lăn qua lăn lại.

Suốt ngày bà cụ ở căn hộ bên cạnh sang ngồi bên giường Vôlốtka. Bà cụ muốn cho Vôlốtka ngủ, vì thế bà cụ kể chuyện cổ tích. Cuối cùng thì Vôlốtka không ngủ mà chính bà cụ lại ngủ thiếp đi.

Buổi tối khi mẹ đi làm về, bà cụ sẵn sàng đứng dậy và bỏ về phòng của mình.

Có mẹ ở nhà vui hơn nhiều. Mẹ đi lại, mang cái gì đó vào, đưa cái gì đó ra, đánh rơi xuống sàn nhà. Làm cho Vôlốtka phát ngán, hết cho chú uống thuốc, lại uống thuốc, lại uống nước quả ép chua chua. Mẹ đặt bàn tay mát lạnh lên trán Vôlốtka. Việc đó thì thích đấy. Mẹ lật “mặt lạnh” của gối lên – việc đó cũng thích. Chỉ có điều đáng tiếc là mặt gối chẳng mấy lúc lại nóng ran lên.

Mẹ cứ luôn luôn hỏi:

– Con có đau đầu không? Con muốn ăn gì? Con thích gì?

Nhưng Vôlốtka chẳng muốn gì cả. Chú không biết rằng do tuyết lạnh mà lại nóng như thế này và nôn nao quá. Chú im lặng.

Nhưng đột nhiên chú bé bảo:

– Mẹ ơi, mẹ gọi ba cho con.

Người mẹ quay ra cửa sổ. Chị làm ra bộ không nghe thấy lời đề nghị của đứa con. Chị hy vọng rằng nó sẽ quên điều đề nghị ấy.

Nhưng, chờ đợi một lát Vôlốtka nhắc lại:

– Mẹ gọi ba cho con.

Người mẹ đứng ngây ra bất động. Chị đứng xoay lưng về phía con, và đứa bé không nhận thấy bộ mặt của chị trở nên bất lực như thế nào, còn đôi mắt chị ứa tràn lệ. Chị có thể làm nhiều việc cho đứa con trai. Tặng cho nó thứ đồ chơi đắt tiền, mua cho nó món quà thật ngon. Có thể vì nó mà làm lụng suốt từ sáng đến tối khuya. Có thể’ truyền cho nó máu của mình, cuộc đời mình. Nhưng chị biết lấy đâu ra người bố cho nó? Lấy đâu ra, một khi Vôlốtka quả thực không có bố?

Nhưng Vôlốtka chờ đợi chị đi gọi “ba” và chị đã bước đi. Chị đi ra hành lang và chậm chạp đi đến cửa phòng người hàng xóm. Chị đến gặp một người xa lạ để đề nghị người ấy trở thành “ba” của đứa con chị trong chốc lát.

Nén hết nỗi sỉ nhục và hổ thẹn, chị gõ cửa phòng người hàng xóm.

– Xin mời! – Có tiếng đáp lại ở bên trong.

Người mẹ có cảm giác giọng trả lời gay gắt và thiếu niềm nở. Và vì thế mà chị thấy càng khó khăn hơn. Nhưng dù sao đi nữa chị vẫn đẩy cửa vào.

Người hàng xóm đang ngồi sau bàn và uống nước trà. Chắc hẳn là anh vừa trở về, bởi vì anh vẫn còn đi giày ủng và mặc áo sơ mi màu xanh ngụy trang, cổ thắt cà vạt màu đen. Anh vừa uống nước trà vừa đọc báo. Khi người mẹ mở cửa, anh ngước mắt ngạc nhiên nhìn và đứng dậy, tay vẫn không rời tờ báo và cốc nước. Anh không đưa ghế ra mời khách và thậm chí cũng không mời khách vào phòng. Người đàn bà đứng sững lại bên ngưỡng cửa.

– Xécgây Ivanôvits, – Người mẹ lên tiếng và giọng của chị run lên, dường như có gì đó bị tan vỡ. – Xécgây Ivanôvits, cháu nó gọi đồng chí là bố. Tôi cũng không biết tại sao đầu óc cháu lại nảy ra cái chuyện đó… Cháu nó còn nhỏ lại ngốc nghếch…

Người mẹ nói, còn người hàng xóm bối rối nhìn chị và gật đầu. Có cảm giác chuyện đang nói không phải về anh mà về một người nào khác. Anh vẫn chưa hiểu người ta cần gì ở anh.

– Mà hiện nay, – Người mẹ nói tiếp. – cháu đang ốm. Và cháu gọi đồng chí.

Người mẹ im lặng cúi đầu. Chị chờ đợi xem người hàng xóm sẽ trả lời chị thế nào. Còn người hàng xóm chẳng nói chẳng rằng. Nhưng anh bỗng cuống quýt tất bật: đặt cái cốc nước trà xuống bàn, ném tờ báo xuống chiếc đi văng, và không hiểu tại sao lại khoác lên người chiếc áo quân phục.

– Tôi sang ngay đây. – Anh lúng búng nói.

Tại sao anh cần phải mặc thêm chiếc áo quân phục có quân hàm chỉnh tề, có phải cấp trên gọi đâu kia chứ.

Anh đi theo người mẹ.

Thận trọng, dường như sợ làm kinh động, anh đi đến bên chiếc giường con của Vôlốtka và cúi xuống, sẽ hỏi:

– Người anh em ốm đấy à?

Vôlốtka gật đầu. Cặp mắt đau ốm của chú sung sướng sáng lên. Chú chống khuỷu tay nhổm dậy và hỏi:

– Ba bay cao chứ?

– Cao, người anh em ạ. – “Ba” trả lời.

– Cao hơn cả Xaprunốp ư?

Người hàng xóm nhếch miệng cười:

– A, hóa ra người anh em biết Xaprunốp ư? Quen anh ta hả?

Vôlốtka lắc đầu. Chú không quen biết người phi công lừng danh của thị trấn quân sự. Chú mới chỉ được nghe về người ấy.

– Đây hiện còn chưa bay cao hơn Xaprunốp, – Người hàng xóm thú nhận. – nhưng cũng ít nhiều cào gãy bầu trời.

Vôlốtka tưởng tượng ra “ba” lấy móng tay cào gãy bầu trời. Và chú bé liếc nhìn bàn tay người phi công, móng tay của người phi công cắt ngắn. “Móng tay thế này thì khó mà cào gãy bầu trời được”, – Vôlốtka nghĩ thầm.

Từ lúc Xécgây Ivanôvits tới, chú bé tỉnh táo hẳn ra. Hẳn là, khi có bố bên cạnh thì chẳng có bệnh tình nào đáng sợ hết. Người mẹ đi sang căn bếp. Và còn lại có hai người: đứa con trai và “bố” nó.

Xécgây Ivanôvits vốn là người độc thân, anh chưa bao giờ có gia đình riêng, chưa bao giờ có con cái. Và anh đối với trẻ con không phải với thái độ khó chịu của một kẻ độc thân mải mê công việc, mà như thể người ta đối với một vật quý của người khác mỏng manh rất dễ vỡ: bao giờ họ cũng cầm lên tay thật nhẹ, cố gắng sao để không vô ý đánh rơi. Nhưng với Vôlốtka, anh đối xử một cách mạnh bạo. Anh đặt tay lên trán rồi xoay người chú bé đặt nằm sang phía khác, thậm chí anh còn định kể chuyện cổ tích.

Chuyện cổ tích của anh thành ra chuyện truyền thuyết: về máy bay, người thợ máy và vị tướng…

Một tình cảm mới mẻ, chưa từng biết rụt rè len vào trái tim nghiêm khắc của một con người chỉ quen tiếp xúc với binh sĩ và máy móc.

Nhìn chú bé Vôlốtka bé bỏng đang hừng hực trong cơn sốt nóng, anh bỗng nhận ra mình sẵn sàng ốm thay cho chú bé: đối với anh thì có gì đáng kể, nhưng với chú bé thì cực quá.

Lúc đó đã muộn rồi, người hàng xóm sửa soạn ra về. Nhưng Vôlốtka chộp lấy tay anh:

– Ba, ba đừng đi!

Chú bé nắm lấy tay Xécgây Ivanôvits, tựa hồ bàn tay đàn ông khỏe mạnh này chính là cuộc sống của chú, và nếu thiếu nó thì chung quanh sẽ mất hết ý nghĩa.

– Ờ, đây không bỏ đi đâu, – Xécgây Ivanôvits bối rối nói. – nhưng người anh em ngủ đi.

Nhưng Vôlốtka lại sợ ngủ thiếp đi mất, mặc dù mắt chú đã ríu lại. “Mình mà ngủ là ba đi mất” – chú bé nghĩ vậy và gắng sức mở to đôi mắt. Còn môi chú se sẽ thì thào:

– Ba đừng đi… Con sẽ không ăn tuyết nữa. Cả hàng rào con cũng sẽ không bao giờ trèo lên nữa… Cả xúp con cũng sẽ ăn hết… Ba không đi chứ? Hả ba?

Và mơ mơ màng màng chú nghe thấy giọng nói bình tĩnh của Xécgây Ivanôvits:

– ừ, không đi, không đi đâu.

Cuối cùng Vôlốtka thiếp ngủ mất. Chú thiếp ngủ, tay vẫn không rời bàn tay của “ba”.

Vào những ngày hiếm hoi khi Vôlốtka bắt gặp “bố” ở nhà, chú cố gắng làm sao được ở bên “bố” thật lâu. Và Xécgây Ivanôvits với một sự chịu đựng kiên nhẫn đã thỏa mãn mọi điều ước muốn của đứa “con trai” mới xuất hiện của mình.

– Này. – Vôlốtka bảo (bao giờ chú cũng nói với Xécgây Ivanôvits: “này”). – Này, cho con nhong nhong đi.

– Gì kia?

– Cho con nhong nhong. – Vôlốtka thản nhiên nhắc lại và bắt đầu leo lên vai Xécgây Ivanôvits.

Và người hàng xóm ngoan ngoãn để chú bé ngồi lên hai vai. Sau đó, cảm thấy “kỵ sĩ” đã ngồi chắc chắn, anh bắt đầu đi quanh phòng.

– Phi nhanh! – “Kỵ sĩ” ra lệnh và đưa hai tay ôm chặt lấy cổ “con ngựa” của mình.

Sau đó Vôlốtka đề nghị:

– Ba đến đón con ở mẫu giáo. Thứ bảy các ba đều đón bạn con.

Xécgây Ivanôvits đưa tay gãi đầu, tuy nhiên anh cũng hứa sẽ đến đón Vôlốtka và anh đã giữ lời hứa.

Một chiều cô bảo mẫu vào căn phòng nơi Vôlốtka đang chơi với các bạn và gọi to:

– Prenhiakốp, bố đến đón cháu kìa.

Vôlốtka đỏ mặt lên vì sung sướng và lao ra cửa như một đường đạn. Ở đây “bố” đang ngồi trên ghế đi văng. “Bố” mặc áo capốt, còn chiếc mũ kêpi có hình “cái bắp cải” mạ vàng đặt trên đùi. Dáng điệu của “bố” rất trang trọng và hoan hỉ. Vôlốtka chạy đến và kéo tay “bố”, còn “bố” thì co lại. “Bố” cảm thấy lúng túng vụng về giữa những chiếc bàn ghế con con và những cái mắc áo treo những chiếc áo măng tô ngắn ngủn.

Rồi sau đó hai người đi bên nhau trên đường phố của thị trấn quân sự, và Vôlốtka bíu chặt tay “bố”. Chú bé cố bước những bước thật dài để không tụt lại sau “bố”. Và luôn luôn chú nhìn ngang nhìn ngửa. Chú muốn sao các bạn và người quen của chú nhìn thấy: chú đang đi với “bố”. Sau đó thì sẽ không thể còn một kẻ nào dám bảo: “Nói láo, mày không có bố”!

Nhiều người quen biết Xécgây Ivanôvits, và khi gặp nhau trên đường họ đều gật đầu hoặc đưa tay lên mũ chào anh. Điều đó cũng làm cho Vôlốtka thích thú.

Một phi công quen biết hỏi sau khi chào Xécgây Ivanôvits:

– Con trai hả?

Xécgây Ivanôvits im lặng, nhưng sau đó từ trên cao ngó nhìn Vôlốtka, anh trả lời:

– Con trai.

Anh nói câu đó như thách thức, làm như thể người phi công quen vừa hỏi anh có ý châm chọc, còn anh thì trả miếng lại vậy.

Nhưng Vôlốtka không chú ý đến thái độ “bố” trả lời thế nào. Hai người bước đi tiếp, và Vôlốtka thấy thật sung sướng.

* * *

Trường mẫu giáo nằm sát rìa thị trấn quân sự. Sau hàng rào thấp đủ màu sắc bắt đầu là thảo nguyên. Mùa đông tuyết phủ kín và không trông thấy hàng rào đâu. Mùa hè cỏ thảo nguyên mọc lút các cọc rào.

Còn ở giữa thảo nguyên là sân bay. Cái sân bay thức suốt ngày đêm, náo động, sống cuộc sống quyến rũ nhưng nguy hiểm của mình.

Từ đó những chiếc máy bay màu bạc với những đôi cánh xuôi về phía sau như hai cánh tay để ở tư thế sắp nhảy lao lên bầu trời. Có cảm giác ở dưới mặt đất những chiếc máy bay đó không có gì để thở, vì thế chúng sung sướng gầm rít lao vào bầu trời xanh thăm thẳm, nơi có thể hít thở căng lồng ngực vậy. Rồi khi những bàn tay dũng cảm của người phi công đưa máy bay lên rất cao, trên trời chỉ còn in một vệt màu trắng, tươi mát, ở dưới đất chỗ nào cũng nhìn thấy rõ.

Có lần cao tít trên đầu bỗng vang lên một tiếng nổ chói chát. Người mới ở nơi khác đến giật mình, đưa mắt tìm kiếm dấu vết vụ nổ ở trên không… Nhưng dân của thị trấn quân sự vẫn bình thản như thường. Họ biết rằng chẳng có vụ nổ nào hết. Chẳng qua ở tầng cao tít tắp mắt người không nhìn thấu, một trong những máy bay màu bạc vừa vượt qua cái giới hạn thanh âm và tăng tốc nhanh hơn tiếng động. Đó không phải là vụ nổ, mà là một cú giáng của đôi cánh hùng mạnh.

Các máy bay đi và lại trở về sân bay tiễn đưa và chờ đón.

Và ngày lại ngày cứ như vậy.

Khi xảy ra chuyện kia thì tại trường mẫu giáo đang giờ nghỉ trưa, các cháu đang ngủ. Và Vôlốtka cũng đang ngủ ngon lành, bởi vì tiếng rít của các máy bay chiến đấu không cản trở giấc ngủ của con trai người phi công.

Vôlốtka ngủ, còn lúc đó Xécgây Ivanôvits ở trên trời.

Anh đã lên tới tầng cao thẳm, nơi bầu trời đã không còn là màu xanh lam, mà tối mù, và người ta bảo, ngay ban ngày cũng nhìn thấy rõ các vì sao. Ở đó bầu trời không còn thuộc trái đất, và ở đó con người của trái đất không có gì để thở. Anh phải thở bằng ôxi mang theo. Và cả máy móc ở đấy cũng hoạt động không dễ dàng gì, nó cũng thiếu không khí: đôi cánh của nó mất điểm tựa.

Khi anh thực hiện những động tác điều khiển máy bay, thân thể’ của anh trở nên nặng nề. Khó có thể’ nhắc tay lên được. Hai mắt trĩu xuống như bị đổ chì. Anh có cảm giác máy bay bắt người lái tuân theo ý nó và nó quyết định không trở về mặt đất nữa.

Những tiếng nói mặt đất hạ lệnh:

– Hạ thấp!

Và bầu trời đã trả lời mặt đất:

– Tôi đã hiểu mệnh lệnh.

Quỷ thật, máy bay chỉ huy người lái!

Bằng những động tác không vội vàng, người phi công đẩy cần điều khiển ra xa và giảm vòng động cơ, và chiếc máy bay như đã bị chế ngự, ngoan ngoãn quay khỏi các vì sao trở về trái đất.

Một giọt mồ hôi nhỏ ra trên trán anh và anh không thể nào lấy bàn tay mà lau đi bởi vì rằng gương mặt anh ẩn sau mặt kính trong của chiếc mũ bảo hiểm trùm kín. Anh nghĩ bụng khi nào xuống tới đất, thế nào anh cũng phải lau ngay giọt nước khó chịu này. Những chiếc kim đồng hồ máy móc sẽ rung rinh, muốn bảo rằng chúng đâu có ngủ im. Trái đất gần lại.

Và đến đây đột nhiên đèn đỏ báo động lóe lên – Tín hiệu cháy.

Anh lập tức quên khuấy ngay về giọt mồ hôi. Anh bắt đầu kiểm tra, liệu cái “gã thần kinh” (anh em phi công thường gọi đùa cái tín hiệu cháy, thường hay báo động hão) có láo lếu không đấy. Nhưng lần này “gã thần kinh” không nhầm. Người phi công tắt động cơ đang cháy và báo cáo cho mặt đất:

– Động cơ phải bị cháy.

– Đồng chí thử dập lửa! – Mặt đất hạ lệnh.

Bây giờ chiếc máy bay vun vút hạ xuống thấp. Có cảm giác nó bị rơi. Anh dập đám cháy. Anh muốn dứt bỏ khỏi mình ngọn lửa đang như một mảnh vải đỏ dính nhớp lật phật cạnh vòi phun bên phải. Nhưng cả dòng không khí bay ngược lại, cả ống chữa cháy tự động đều không chế ngự được ngọn lửa, nó bám vào máy bay mới chặt làm sao. Ngọn lửa đốt cháy động cơ thấy còn ít, và nó lan ra thân máy bay.

Chiếc máy bay cháy mất độ cao.

Và đột nhiên anh phi công cảm thấy cần điều khiển bị mất độ đàn hồi của nó. Nó lúc lắc một cách bất lực, và chiếc máy bay không thi hành các mệnh lệnh dành cho nó.

Anh phi công hiểu rằng đã xảy ra cái điều khủng khiếp nhất: các dây kéo tay lái đã bị cháy cả. Tay lái không còn điều khiển được nữa. Còn chiếc máy bay đang rơi xuống rìa thị trấn quân sự.

Khi anh báo cáo tình hình cho mặt đất, từ đó mệnh lệnh đưa tới:

– Xaprunốp! Rời máy bay. Nhảy dù!

Nhưng anh đáp lại:

– Tôi không thể nhảy dù.

– Quỷ thật! Xaprunốp!

Tiếng nói của người chỉ huy oang oang trong ống nghe. Nhưng anh phi công im lặng. Anh không có thời giờ nói chuyện! Chiếc máy bay rơi xuống khu ô vuông nhỏ bằng phẳng, nơi giữa những nhà cửa khác có cái trường mẫu giáo.

Cái khu ô vuông ấy với một sức mạnh không lay chuyển tiến gần đến anh mỗi lúc một to ra, một rõ thêm. Nó như một hòn nam châm cứ hút miết chiếc máy bay bị hỏng hết cần lái.

– Xaprunốp, – Mặt đất gào lên. – Xaprunốp!

Anh lặng thinh. Anh không trả lời và mặt đất cho rằng anh đã chết nhưng Xaprunốp đang vật lộn.

Còn Vôlốtka trong lúc đó vẫn ngủ say.

Không ai biết rằng con người ấy nghĩ gì khi nhìn thẳng vào mắt thần chết, anh có những suy nghĩ gì trong những giây phút cuối cùng mà cuộc sống còn cho anh. Không ai có thể bảo đảm rằng người “bố” của Vôlốtka trong chiếc máy bay cháy nghĩ tới đứa con trai của anh. Nhưng có những cử động của trái tim con người mạnh hơn ý nghĩ và nồng nhiệt hơn tình cảm. Trong những cử động ấy là tình yêu và lý trí, sự quyến rũ và âu yếm đột nhiên chuyển thành sức mạnh, và trước mắt sức mạnh ấy, tất cả sự sợ hãi, ngờ vực, lòng ích kỷ đều bất lực.

Anh vẫn lái được chiếc máy bay cháy tránh khu nhà trường mẫu giáo. Điều đó xảy ra ở gần sát mặt đất. Anh đã thả hết các vòng quay của động cơ còn lành lặn, và máy bay đã bị lái tránh sang bên. Dường như anh lái chiếc máy bay tránh đi được không phải bằng sức mạnh của chiếc động cơ mà bằng ngực mình, hai tay, những nhịp đập cuối cùng của trái tim mình.

Anh không kịp nhảy dù nữa: độ cao không còn đủ.

* * *

Ký ức của con người không giống một bà già mà bạ cái gì vớ được cũng nhét cả vào cái giỏ của mình. Nó là một bậc thông thái biết chọn lọc, trước khi lấy mang đi một cái gì đó của đời anh, nó còn ngắm nghía chán chê, cân lượng trên lòng bàn tay, suy đi tính lại: lấy hay không lấy.

Vì thế Vôlốtka Prexnhiakốp, sống ở phố nhỏ chòi gác rơm rạ biết rất ít về Vôlốtka ở thị trấn quân sự xa xưa. Dường như chúng không chỉ là một bộ mặt mà là hai kẻ khác biệt nhau.

Chỉ có một lần “ba” làm cho Vôlốtka bé nhỏ chiếc tàu thủy con con, nhưng Vôlốtka lớn lại tin rằng “ba” đã làm cho chú cả một hạm đội nhiều con tàu. Chỉ có một lần Vôlốtka thiếp ngủ tay không rời bàn tay lớn của “ba”, mà ký ức lại khẳng định rằng gần như ngày ngày chú ngủ, tay nắm tay ba. Chỉ có một lần người phi công ấy đến trường mẫu giáo đón cậu con trai, mà ký ức thầm thì bảo rằng việc đó đã diễn ra hàng ngày.

Có thể, ký ức con người thêm thắt chút ít chăng? Mà có thể nó chọn ra điều chủ yếu và phóng đại điều đó lên đến mức suốt đời có thể nhìn thấy rõ?

Khi anh hy sinh, Vôlốtka còn bé tí. Thậm chí chú không được biết ngay về cái chết của “ba”. Một chiếc máy bay nào đó bị tan xác. Một phi công nào đó bị hy sinh. Thị trấn quân sự để tang: Ở đây trong mỗi nhà đều có phi công, và với mỗi người trong số đó có thể xảy ra chuyện tương tự… Nhưng ở trường mẫu giáo cuộc sống vẫn diễn ra như lệ thường, như không hê có chuyện gì xảy ra cả.

Đi mẫu giáo về, Vôlốtka đến gõ cửa phòng “ba”. Nhưng không ai trả lời. Vôlốtka không ngạc nhiên về điều ấy. “Ba” thường vắng nhà: công việc của “ba” là như vậy.

Nhưng việc “ba” vắng thật lâu ngày cuối cùng cũng bắt đầu làm chú bé lo lắng. Và một lần chú đã hỏi mẹ:

– Ba đi đâu nhỉ?

Người mẹ chú không trả lời câu hỏi đó.

Hoặc giả chị quay đi chỗ khác, hoặc giả chị bỏ vào bếp. Nhưng lần này mẹ chú không quay đi và cũng không bỏ đi. Chị nắm lấy hai vai Vôlốtka kéo chú lại bên mình và chăm chú nhìn vào cặp mắt chú. Sau đó ôm chặt con vào lòng và bảo:

– “Ba” con đã hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ.

Vôlốtka không hiểu “hy sinh” là thế nào và sao lại “trong khi thi hành nhiệm vụ” nữa? Chú hỏi:

– Thế bao giờ ba về?

– Không bao giờ cả. – Mẹ chú nói và ôm chặt chú vào lòng.

Vôlốtka tuột khỏi vòng tay ôm của mẹ và nghi ngờ nhìn vào mắt mẹ: “không bao giờ” là thế nào kia chứ?

– Ba lên xe ô tô đi hay bay đi? – Vôlốtka hỏi.

– “Ba” hy sinh, – Mẹ chú nhắc lại. – chết. Con hiểu không? Không bao giờ con có “ba” nữa.

– Thế còn con thì sao? – Vôlốtka lắp bắp và đã định òa khóc, nhưng mẹ chú liền nói:

– Ba con là anh hùng.

Cái từ “anh hùng” đã làm cho chú bé yếu lòng. Cái từ đó không thể gắn với nước mắt. Rồi sau đó thì mẹ chú và chú rời khỏi thị trấn quân sự về Mátxcơva sống với bà.

Bây giờ Vôlốtka đã là một cậu chàng lớn tự lập. Chú đã hiểu mọi chuyện: cả thế nào là “hy sinh”, thế nào là “trong khi thi hành nhiệm vụ”. Và chú yêu bố mình, mặc dù biết người ấy một thời gian không bao lâu. Và chú không thấy buồn nhớ bố, chỉ luôn nhìn lên bức ảnh treo trên đầu giường. Chú ngắm nghía cặp lông mày không đều và đường trũng trên hàng môi trên, và cái sẹo trên trán. Mà có thể đó không phải là cái sẹo mà là một món tóc dính bết xuống trán trong chuyến bay gian khó?

Kể ra thì Vôlốtka hoàn toàn chẳng giống gì bố chú. Hai gò má của chú không rộng và cặp mắt không hẹp. Cặp mắt của Vôlốtka to tướng. Nhưng có thể nheo bớt cho bé lại mà. Còn đôi gò má có thể xuất hiện khi chú lớn lên. Chúng sẽ to ra. Vì con người còn lớn cho đến tuổi hai mươi kia mà.

Vả lại hoàn toàn không nhất thiết là mặt mũi con trai phải giống bố mình. Chú có thể giống mẹ. Điều chủ yếu là tính tình phải là tính tình bố.

* * *

Không, không phải ngẫu nhiên mà tấm ảnh treo trên giường Vôlốtka tôi lại thấy quen thuộc, đó chính là phi công Xaprunốp. Điều đó không thể có gì nghi ngờ. Đó chính là anh phi công Xaprunốp nổi tiếng đã bay tới tận trời tối đen và hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ. Chính anh đã cứu sống hằng trăm trẻ em bằng cái giá cuộc đời của mình.

Tôi chuyển cái nhìn từ bức ảnh sang Vôlốtka và hỏi:

– Thế họ của ba chú là gì nhỉ?

Vôlốtka nhìn tôi bằng cặp mắt lạnh lùng.

– Prexnhiakốp. – Chú nói và trong giọng của chú đầy vẻ tự tin. – Đại úy Prexnhiakốp. Thì cha với con bao giờ chẳng cùng một họ.

Bình luận
1440
× sticky