Mẹ Vêxêlina Xtepanôpna yêu quý của con!
Chúc mẹ một buổi sáng tốt lành! Con biết rằng bác đưa thư công huân Vxevôlôt Ivanôvich của chúng ta bao giờ cũng đem thư đến Bến Lặng vào buổi sáng. Mặt trời từ từ hiện sau rừng, sương mù lững lờ bay trên dòng Đneprô, còn từ phía thượng lưu tiếng gà trống đua nhau gáy vọng tới.
Mẹ thân thiết của con! Con đã thi tốt nghiệp đại học, đã nhận bằng kỹ sư nông học. Cô gái đã cùng con về chơi nhà ta mấy bận, nay đồng ý sẽ thành vợ con. Từ lâu chúng con đã yêu nhau, chắc chắn là yêu nhau suốt đời. Lutmila giản dị, biết lo liệu. Tất nhiên, con không còn tin vào những nàng công chúa. Vaxilixa xinh đẹp, hiếm có thể gặp… Bấy giờ con chỉ chưa nói với mẹ về cha mẹ của Lutmila, còn chưa phải lúc. Cha Lutmila là ủy viên Đoàn Chủ tịch viện Hàn lâm khoa học, một người hiền hậu và nổi tiếng khắp nước.
Con chờ đợi sự đồng ý của mẹ, nhưng điều chủ yếu nhất là bây giờ mẹ phải ra thủ đô sống với con. Con sẽ có một căn hộ tuyệt vời. Mẹ đã hoàn thành nhiệm vụ trên vị trí không ai thay thế được của mình, – đã đến lúc cũng phải rời lưỡi cày và đồng ruộng mà nghỉ ngơi chứ. Vả lại cái gì là lập đi lập lại thì rồi cũng ngán.
Ngay cả từ thời kỳ đa thần, tổ tiên chúng ta đã ngủ rừng, đốt cây, đào gốc, cày đất, gieo hạt và gặt hái, luôn luôn lo lắng mong sao trời không đổ mưa đá, sấm chớp không đốt cháy lúa, mưa không ngập đồng ruộng. Đến ngày nay cũng vẫn những lo toan ấy. Vậy mà đã qua hai ngàn năm rồi. Đã đến lúc con với mẹ phải sống một cuộc sống khác.
Mẹ cho con gửi lời chào kính cẩn đến bác đưa thư Vxevôlôt Ivanôvich và cô Lubava,
Con trai của mẹ, Iarôxlap Riabinhin”.
Ngọn gió từ sông Đneprô ùa vào ô cửa sổ mở hé, giật lá thư của đứa con trai bà Vêxêlina ném xuống sau nhà. Bà Vêxêlina mở toang cửa sổ, đăm đăm nhìn về phía trời đông.
Vùng thượng lưu cháy rực trong ánh bình minh màu lựu. Bầy gà trống đua giọng thấp cao rộn rã lan xa trên dòng sông. Sương mù màu sữa bồng bềnh từng đám trên những ngọn anh đào còn mơ màng chưa tỉnh giấc. Ngọn gió mơn man gương mặt bà Vêxêlina, phảng phất mang theo hương vị cay cay của vỏ anh đào.
– Con trai thân yêu, con bẻ gãy xương sườn của mẹ đấy! – Bà Vêxêlina thốt lên và đột nhiên gục xuống thành cửa sổ, bà òa lên khóc nức nở, quên mọi sự, không phải e ngại, vì không ai nhìn thấy nước mắt của bà.
Khi trong lòng đã nhẹ bớt, bà chống đỡ mái đầu, mỉm cười cay đắng, nhìn mãi lên bức tranh lớn treo trên tường.
Một phụ nữ thân hình cân đối và khỏe mạnh, ôm cái giành đan bằng cành liễu bên sườn, đang sải bước trên đất cày ẩm ấm áp và vung rộng tay gieo hạt. Bên kia sông Đneprô tưng bừng ánh bình minh tháng năm, màu anh đào.
Người phụ nữ bước đi mải mê vững tin, vui thích vì cảm giác tràn trê tuổi xuân của mình.
Dường như mọi cái đều bình thường. Chỉ có một điều trên bức tranh này làm mọi người ngạc nhiên – đó là tấm huân chương Sao Đỏ bừng lên rực rỡ khác thường giữa những vệt sáng bình minh… trên ngực áo màu tím đã phai.
Dưới chân – một dòng chữ phóng khoáng cũng hệt như bước đi của người đang gieo hạt trên mảnh đất vừa bị tàn phá: “Vêxêlukha 25 tháng 5 năm 1945. Xviatôxláp Xtêpanôpna”.
– Thế nào, Vêxêlina Xtêpanôpna, thấy rõ là người ta không thể dùng một tay mà vỗ tay được chứ? – Bà Vêxêlina xót xa hỏi người phụ nữ gieo hạt.
Nhưng người phụ nữ trong tranh vội vã bước đi trên luống cày, đâu có thì giờ trò chuyện. Qua nét mặt có thể đoán được chị hiểu rõ là: bông lúa ngửng đầu lên năm này qua năm khác dưới ánh bình minh ửng hồng – chính là niêm vui của cuộc đời, niêm vui của sự sống.
Bà Vêxêlina chợt nhớ lại người con gái thân hình khô gầy, tô vẽ như con gái Nhật, với bộ mặt phớt đời của nữ tu sĩ, và thầm đặt chị ta đứng bên cạnh chị gieo hạt, sau khi đã cởi bỏ đôi giày màu ngọc bích hợp thời trang, cái áo đầy những móc kéo thay hàng khuy, cái mũ lông xù như tổ quạ… và bà khẽ bật cười.
Từ tấm chân dung nhỏ, đứa con trai nhìn bà chê trách, bà lại nghe thấy giọng nói của nó:
“Sa mạc Xahara đã là nơi con người sinh sống thời cổ đại, còn biển Bắc trước đây đâu có phải nơi băng giá – mọi cái đều thay đổi cả. Quy luật của biện chứng mà. Mẹ đã từng đi chân không trên luống cày, còn bây giờ phụ nữ ở tuổi mẹ đi giày hợp thời trang, mặc áo bằng sợi tổng hợp và sợi pôlyêtilen; đã có thời mẹ nai lưng kéo cày trên cánh đồng nông trang, còn bây giờ ở trại chăn nuôi của chúng ta, cái máy “Đaugava-200” thông minh thay người vắt sữa bò… Sao bỏ đó về đây mẹ lại hổ thẹn?”
Bấy giờ bà đồng ý với con trai. Nhưng giờ đây với tất cả lòng mình, bà căm ghét cô gái gầy khô – đôi mắt tô vẽ giả làm cô gái Nhật. Người phụ nữ bí ẩn ấy đùng một cái đã phá tan tòa lâu đài rực rỡ của hy vọng, công trình, mà – dần từng viên gạch, năm này qua năm khác – bà Vêxêlina đã xây dựng đúng ba mươi mốt năm trời. Bấy lâu bà ấp ủ niềm hy vọng trong lòng – bà sẽ gây dựng con trai thành một người trồng lúa.
…Bà Vêxêlina chậm rãi mặc lên người bộ áo diện nhất. Một lần nữa nhìn lại chị gieo hạt đang sải bước trên ruộng tháng năm, lần đầu tiên sau bao năm dài bà mới lại nhìn vào gương. Vẫn còn nét gì đó chung giữa bà và chị gieo hạt, làm cho mọi người phải ngạc nhiên về thân hình cân đối và sức lực thanh nữ tràn trề của mình. Chỉ có dấu vết phá hoại của thời gian đã động đến thân hình cân đối, đẫy đà của bà Vêxêlina ngày nay, những nếp nhăn đau thương đã in hằn lên bên mắt và miệng, và mái tóc hãy còn dày, nhưng không còn màu hạt dẻ sáng nữa, mà đã là màu cỏ vũ mao.
– Thế nào, Vêxêlina Xtêpanôpna! Việc gì phải đau khổ? Từ bấy đã bao nhiêu năm qua đi rồi, biến đi rồi… Gần bốn mươi năm? – Bà Vêxêlina tự nói với mình, và chợt nhớ ra, nói thêm. – Sa mạc Xahara đã có thời không phải là sa mạc, còn biển Bắc lại chưa đóng băng. Mọi thứ đều đua chạy vội vàng…
* * *
Từ dải bờ dốc dựng đứng, sông Đneprô mở ra tất cả vẻ huyền diệu của cái thế giới tươi sáng và lạ kỳ của nó. Chung quanh là một cái gì đó phóng khoáng, bao la và mang nặng tâm hồn Nga, đến nỗi trong lòng ta bỗng thấy thanh thản lạ thường.
Ruộng lúa xuân đã lên cao hết mức đung đưa nằm trải xa tít tắp, hết tầm mắt nhìn. Còn đằng kia, trên cánh đồng đất xốp bao la màu ngọc bích chạm chân trời, mùa hè sáng tưng bừng trong ráng mây hồng thắm suốt những bình minh, những hoàng hôn. Dòng Đneprô không hiểu đã thiếp ngủ hay vẫn đang lững lờ chảy – khuất giữa những rặng anh đào. Cách chừng một vecxta là khu nhà trung tâm của nông trang Thượng Lưu.
Đến mùa đông, dải bờ cao dựng đứng bị băng giá rạch nứt nẻ sớm sớm rên lên u u vì buốt lạnh kinh khủng, nhưng suốt mùa hè nó lại được những ngọn gió lùa âu yếm, và những con sơn ca báo mùa xuân.
Làng Bến Lặng chỉ mới gần đây thôi là một làng lớn, còn trước nữa lại nổi tiếng hơn về những hội hè lễ thánh, những cuộc dạo chơi bạt tử, thu hút trai gái hàng trăm làng quanh vùng kéo đến.
Thế hệ của bà Vêxêlina đã từng chơi hội không kể trời, kể đất, dường như linh cảm thấy rằng rồi đây họ sẽ không còn được thấy những cuộc dạo chơi náo nhiệt thu hút người khắp vùng tới, không còn được nghe tiếng phong cầm réo rắt và bước chân nhảy múa rộn ràng, nắm tay nhau thành vòng tròn theo điệu “cô gái Xécbi” mà nay vĩnh viễn bị lãng quên… Sau đó Bến Lặng không còn bao giờ được thấy tất cả mọi điều đó. Các bạn đồng niên của bà Vêxêlina đi lấy chồng cả, còn thế hệ mới coi đỉnh cao hạnh phúc của mình là các thành phố kia. Người làng thuyên chuyển cả lên Thượng Lưu, đến ở những ngôi nhà mới có nước máy nóng lạnh và bếp đun bằng hơi đốt. Ở đó có đủ cả: trường học, nhà văn hóa, mẫu giáo, vườn trẻ, cửa hiệu, nhà ăn công cộng, trại chăn nuôi…
Bến Lặng còn lại căn nhà của bà Vêxêlina kiêu hãnh sống đơn chiếc. Căn nhà cao làm bằng gỗ tùng hàng trăm năm, mái tôn sơn xanh, mặt nhà hướng về phía mặt trời mọc, từ trên bờ dốc cao nhìn sang phía bên kia sông Đneprô xa hàng chục dặm.
Bà Vêxêlina khước từ việc thuyên chuyển lên Thượng Lưu. Cụ kỵ của bà sinh thời dưới chế độ nông nô đã từng ca hát những bài hát của quân khởi nghĩa về các thủ lĩnh đi giải phóng người khổ nghèo. Cụ kỵ của bà Vêxêlina đã sống ở đây từ thuở xa xưa, đã vui chơi, đã yêu đương, cưới xin, cày ruộng và nằm xuống, sau khi đạt tới niềm hạnh phúc của sự yên tĩnh vĩnh cửu.
Vả chăng đi bộ theo bờ sông lên tới Thượng Lưu vẻn vẹn cũng chỉ mươi mười lăm phút. Đường dây điện về Bến Lặng vẫn được giữ nguyên, nhà bà Vêxêlina có cả máy vô tuyến truyền hình lẫn máy thu thanh. Vậy thì còn cần gì thêm nữa! Thêm vào đấy còn có cả con ngựa nòi Dapôrôgie vẫn chăn trên bãi cỏ non ngay gần chỗ ngoặt của dòng sông. Ngồi lên yên ngựa là tha hồ phi qua rừng, qua bãi lầy – tới đâu tùy thích, nơi không một chiếc xe ô tô nào có thể’ đi tới.
Con ngựa nâu vẫn thông minh – lốm đốm đen vàng ở mõm – đã hai mươi tám năm trung thành phục vụ đội trưởng sản xuất Vêxêlina Riabinhina, làm cho những người công nhân phải ngạc nhiên vì tuổi thọ của nó.
Chỉ riêng Vêxêlina là không ngạc nhiên, bà đã nghe ông nội của bà cho hay rằng cụ đã có con ngựa phục vụ cho cụ gần bốn mươi năm trời kia…
Nông trường có một số ô tô buýt, nhưng mọi người vẫn coi trọng yêu quý ngựa và đặt cho chúng những cái tên đặc biệt hiện đại. Con ngựa tải màu tro giống Vlađimia được gọi tên là “Maxcơvich”, con ngựa cái bạch chột một mắt và khập khiễng – được gọi là “Vonga”, con ngựa giống Orlôp – được gọi là “Gát”, còn con ngựa thiến màu hồng – được gọi là “Mát”…
Tên người ở vùng này chủ yếu được đặt theo tên chữ Xlavơ, vì thế mà ở các vùng thượng nguồn Đneprô mới có những Kađmia, Mirôxlap, Xviatôxlap Lubômia Milan, Xvetladur.
Điều đó không phải trò chạy theo thời thượng, mà chính là việc giữ gìn truyền thống ông cha. Từ cổ xưa, ở các vùng thượng lưu con sông vĩ đại, người ta yêu thích hơn cả là từ “tình yêu” với “yên bình”.
Từ Bến Lặng, dòng sông Đneprô đẩy lùi rừng cây về phía tây. Bắt đầu mảnh đất nguyên thủy với những con lợn lòi, gấu, linh miêu và gà rừng, loài muông thú còn giữ lại được từ cổ xưa.
Im lặng, hoang vắng.
Đều đặn đi lại về phía đó có một con tàu nhỏ nhưng lại mang tên khá kêu: “Piôtr Bagratiôn”. Trước đây Bến Lặng có cái bến đậu bằng gỗ thông, tỏa ngào ngạt mùi nhựa và quả thông sau những trận mưa. Con tàu nhỏ dừng lại, ghé bến đón người trong làng lên hoặc cho họ xuống bến. Trên một tấm tôn nặng nề nổi rõ hàng chữ “Bến Lặng”. Biển đề tên bến cho đến nay vẫn còn giữ được ở đó. Chỉ có điều “Piôtr Bagratiôn” thường chỉ rền rĩ nổi hiệu còi rồi cứ thế đi qua bến mà không dừng lại nữa. Ván gỗ thông ở thành bến nhiều chỗ đã mục hỏng, phủ kín địa y màu xanh.
Hai năm về trước bà Vêxêlina đã tiễn đưa đứa con trai Iarôxlap trên bến này. Người thuyền trưởng tráng kiện, với những túm tóc mai loăn xoăn đã bạc trắng, nhìn thấy bà Vêxêlina ăn mặc đỏm dáng, bèn vung hai tay lên, đánh rơi cả chiếc mũ thuyền trưởng với hình con cua và reo lên oang oang:
– Vaxilina xinh đẹp!
Từ buổi ấy người thuyền trưởng không ai thay thế được đã tự ý gắn thêm vào hai chữ to tướng ở mũi tàu “Piôtr Bagratiôn” một cái biển ghi thêm chữ “Bá tước” (có thể, ông chỉ treo biển ấy lên khi tàu lên tới các vùng thượng lưu), và khi tàu đi qua, buổi sáng ngược dòng, buổi chiều trở lại, khi hai bờ sông đã chìm trong bóng hoàng hôn ấm áp, ông đều mở loa, và đội nhạc lại cử khúc ca:
Trong rừng chim dạ oanh
Ca khúc ca lảnh lót
Người vợ góa trẻ măng
Sống trong thôn heo hút…
Gặp khi vừa lúc bà Vêxêlina có mặt ở bên sông, thuyền trưởng đứng thẳng người, ngả mũ khỏi mái tóc bù xù và vẫy bà cho đến lúc “Bá tước Bagratiôn” khuất sau quãng ngoặt vắng.
Chuyến cuối cùng của vụ nước, con tàu nhỏ quay trở lại sớm sủa khác thường. Anh đào cháy rực ngọn lửa đỏ thắm bên sông Đneprô đã chậm dòng, trầm mặc. Những chùm thanh hương trà nặng quả vin trĩu cành. Khắp rừng các bụi vêrêxcơ rộ hoa, những búp nụ tím hồng xinh xắn tung cánh. Mùa hè đã tới.
Bà Vêxêlina đang đứng gần bờ rũ quần áo, bàng hoàng khi con tàu nhỏ xô sóng nước rào rào vỗ bên thành ván thông. Thuyền trưởng “Bá tước Bagratiôn”, đứng trên đài chỉ huy cúi xuống – hầu như để’ ghi nhớ suốt đời – vui vẻ kêu to:
– Hẹn đến mùa xuân tới nhé… Vaxilina xinh đe-ẹp.
– Đe-ẹp! – Hai bờ vui vẻ vang lên trả lời. Và cái loa điện của ông lập tức hăng say cất tiếng ca:
Và anh chàng đánh cá Gã thương gia cùng ca Ôm hôn người vợ góa Thôn nhỏ sống vô tư.
Hôm nay phải là ngày đầu tiên đầu mùa nước của “Bá tước Bagratiôn”, bà Vêxêlina hồn nhiên như con trẻ lấy quần áo đẹp ra mặc để’ ra bờ sông đón chào con tàu nhỏ và vẫy người thuyền trưởng tính tình phóng khoáng, đền đáp lại thái độ chung thủy của ông.
* * *
Ngày lặng gió.
Bà Vêxêlina biết rằng hôm nay tại rừng bạch dương, bà con các đội của nông trang “Thượng Lưu” vui ngày hội được mùa. Hội ngày xuân. Nếu như không có lá thư làm bà bận lòng, hẳn bà đã có mặt ở đấy cùng với mọi người, chứ đâu lại ở trên dải bờ trơ trụi này.
Mặt trời cứ lên cao, lên cao dần trên dòng Đneprô ngái ngủ, mà con tàu vẫn chưa xuất hiện. Đã mấy giờ liền bà Vêxêlina đứng im như bức tượng trên bờ dốc cao, đôi mắt nhòa đi nhìn đăm đăm cánh đồng lên màu xanh. Chẳng bao lâu nữa, lúa mạch đen sẽ lên tiếng rì rào trước gió, đung đưa tràn đầy sức lực, lúa đại mạch ngọ nguậy những cái ria thô kệch, rồi sau đó đến lúa yến mạch rỉ rách lên tiếng.
Bấy giờ niềm vui thầm lặng hẳn sẽ tràn ngập toàn bộ con người bà Vêxêlina.
Phải chăng cũng niềm vui nguyên thủy này đã cổ vũ tâm hồn Xvêtôdar Riabinhin – ông nội của bà Vêxêlina, người đã từng cày những thửa ruộng này, phải chăng cũng niềm vui này đã cổ vũ cha bà. Và đây, đã ba mươi năm ruộng đồng mang lại niềm vui cho kẻ nối dõi của dòng họ – nữ đảng viên cộng sản Vêxêlina Riabinhina, một đội trưởng sản xuất không ai thay thế được của nông trang.
Có thể là, bắt đầu từ thống lĩnh Riurich, từ nước Nga thuở đa thần, thế hệ nọ truyền cho thế hệ kia kinh nghiệm trồng lúa, niềm tự hào và niềm hân hoan, các cụ truyền tới các cháu, các cháu – lại cho các cháu mới…
Nhưng bây giờ thế là cái vòng đã khép kín…
Dòng họ trồng lúa Riabinhin đã chấm dứt ư? Bà Vêxêlina – người cuối cùng của dòng họ này – có một đứa con trai, Iarôxlap. Đã ba mươi mốt năm nay bà gìn giữ nó như gìn giữ con ngươi của mắt, ngày đêm nghĩ ngợi về số phận, hạnh phúc người trồng lúa của nó. Nhưng học xong trường đại học Tổng hợp và trở thành người nông phu bác học, nó lại từ bỏ ruộng đất. Nó đã đánh đổi ruộng đất lấy người đàn bà hông hẹp có cặp mắt tô như cô gái Nhật.
Có phải chính bà – Vêxêlina Xtêpanôpna, người cuối cùng của dòng họ ông cha – có lỗi, vì cả bộ tộc Riabinhin đã bắt đầu trồng lúa từ thời những chiếc thuyền độc mộc đầu tiên xuất hiện trên dòng Đneprô, khi người ta cầu khẩn mặt trời trong sáng và cúng lễ cây phong xanh – nay lại kết thúc ở chính bà chứ không phải ai khác?
Hàng mấy nghìn năm con ngựa khổ sở phải kéo cái cày cái bừa ở vùng thượng lưu Đneprô, và chỉ chính quyền Xô viết mới cho những người trồng lúa cái máy kéo. Cuộc sống mới rộn lên sôi sục như nước lũ mùa xuân ở khắp vùng lân cận sông Đneprô. Bà Vêxêlina là người chứng kiến những ngày ấy.
Nhưng những kẻ ngoại bang kéo đến, chiếc giày ủng đóng ba mươi hai đinh sắt dưới đế giày xéo ruộng đồng.
Và thế là vùng Đneprô trở thành mồ chôn kẻ xâm lược, kẻ đã từng dễ dàng sải bước khắp châu Âu.
Buộc phải bắt đầu tất cả lại từ đầu, có thể, cũng như vào thời đa thần, lại phải mắc ách vào cái cày tay, đánh gốc cây, lấp chiến hào và hầm hố. Việc đó đổ lên lưng người con gái son trẻ nhất của dòng họ trồng lúa Riabinhin. Nhiều lần kiệt sức vì công việc lao động quá sức người và đói, Vêxêlina đã nằm xuống lòng đoạn hầm cỏ mọc um tùm và ngủ đêm ở đó… để’ sáng hôm sau lại mắc ách kéo cày.
– Chị đã một thân một mình làm nhiều hơn cả dòng họ của chị đã làm được! – Một lần ở hội nghị Đảng, đồng chí chủ tịch nông trang đã nói với Vêxêlina như vậy.
Bữa đó Vêxêlina suốt đêm cho tới sáng ở lại trên đồng. Những lời của đồng chí chủ tịch cứ lẩn quẩn trong đầu bà.
Còn trên cánh đồng bao la đang diễn ra một cuộc chiến đấu… Đồng ruộng của ông cha được tu sửa, lần đầu tiên kể’ từ thời có thủ lĩnh Riurich. Khắp nơi vang động những máy kéo, máy xúc, máy ủi, máy cạp. Rừng bật rễ, bụi bờ bay gốc, những lòng kênh và những con đường hình thành, những ống gốm nung được đặt sâu xuống đất, những đường ống tụ được xây dựng để’ thu nước thừa, những thửa ruộng đã hình thành được cày lên và quây tụ, phân bón được đưa đến.
Lần đầu tiên ở đây đã cải tạo một cách cơ bản đồng ruộng.
Ngay đêm ấy Vêxêlina đã tìm ra bằng được nhân viên kỹ thuật cải tạo đất, rồi lúc rạng sáng chiếc máy ủi bị hỏng, bà cưỡi ngựa phi tới khu bên cạnh, đánh thức người thợ máy xúc dậy và kéo anh ta tới đội của mình.
Trong năm năm trời khi Iarôxlap còn đang ăn học, bà đã có rất nhiều đêm không ngủ tương tự.
Và đây, bây giờ, từ trên bờ dốc cao nhìn ra, trước mắt bà Vêxêlina mở ra một cánh đồng bao la với những kênh mương vây chung quanh (Đneprô rộng lòng tiếp nhận nước từ những kênh mương ấy), với những đường ống đất nung và những ống tụ nằm dưới đồng lúa xao động trước gió.
Nếu như ông nội của bà Vêxêlina – Xvêtôđor Iarôxlavich – cùng những người làng bây giờ sống lại, nhìn thấy cánh đồng rộng hàng nghìn công mẫu không có một bụi cây nhỏ, một bãi sình lầy, không có những rừng thưa chen đất, lại biết được rằng năm ngoái ở đây đã thu hoạch được mỗi công mẫu tới ba mươi lăm tạ thóc, thêm bốn mươi tạ rơm khô… với lại nhìn thấy những cỗ máy khổng lồ chưa từng có này: những máy kéo, máy xúc, máy ủi, máy cày, thì hẳn cụ phải nghĩ rằng Chúa Giêsu đã chuyển thiên đường mà cụ từng mơ tưởng từ trên trời xuống đồng ruộng của cụ…
Bằng cả trái tim mình, bà Vêxêlina hiểu rõ rằng trên đồng ruộng này còn phải làm thêm một công việc to lớn nữa, vậy mà bà không còn ai để mà truyền lại lá cờ tiếp sức của người trồng lúa…
Lỗi lầm đó không để cho bà Vêxêlina yên lòng. Bà hiểu rằng nghĩa vụ của người phụ nữ trồng lúa, như nơi đây người ta vẫn gọi từ xa xưa, không chỉ là cày đất, gặt và đập lúa… Bởi vì người phụ nữ là biểu tượng của xương thịt vĩnh viễn sinh nở, là sự thể hiện tư tưởng của tình mẫu tử.
Bà Vêxêlina đã làm một bước ngoặt sai lầm ở quãng nào trên con đường đời? Khi nào? Và lỗi lầm của bà thực ra ở điểm nào?
Bà Vêxêlina trăn trở dằn vặt cố tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó. Trong ký ức hiện rõ toàn bộ cái điều thầm kín, mà bao năm dài đã được giấu kín bưng trong những ngóc ngách bí mật bảy lần khóa kín.
Một ngày tháng ba năm bốn ba. Hương vị thoang thoảng của thời kỳ tuyết tan lởn vởn bay trên bầu không khí yên tĩnh buồn lặng của đồng ruộng. Chỉ có điều sự yên tĩnh đó chỉ là một sự yên tĩnh giả dối. Ở chính nơi đây, nơi bà Vêxêlina đang đứng lúc này, cái tháp canh cứu hỏa được xây dựng bằng đá lấy dưới sông xếp lên, vươn cao cái đỉnh nhọn của mình thẳng lên trời. Ai đã xây dựng nên cái tháp ấy, xây dựng từ bao giờ – ngay cả ông nội của bà Vêxêlina khi đó đã tám mươi tuổi cũng không biết. Từ thuở ấu thơ của cụ, cái tháp ấy đã sừng sững đứng đó rồi. Thường người ta đứng canh trên cái tháp ấy, và nếu như ở đâu bỗng có cột khói hung dữ bốc lên trời cao là lập tức cỗ xe tam mã của đội dân phòng tình nguyện của Bến Lặng quả cảm lao đi…
Khi bà Vêxêlina đứng trên tháp ấy nhìn quanh, trước mắt bà mở rộng ra một khoảng mênh mông xa tít tắp đến nỗi tim bà lặng đi. Nhìn thấy cả Rgiép cổ kính, cả chỏm vàng của mái vòm nhà thờ Xinhiaghinxcaia ở Xưtsepcơ lấp lánh dưới mặt trời.
Vào ngày tháng ba, thời kỳ tuyết tan ấy, có những người mặc áo lông cừu ngắn màu vàng, khoác súng tiểu liên chạy tới Bến Lặng. Những quả trái phá rú rít nổ tung trên đầu họ, bãi ruộng tuyết phủ trắng bùng lên những tấm áo lông cừu tựa hồ như những bông hoa… Mỗi bông hoa rụng lại thêm một người quả phụ, mỗi bông hoa rụng, lại thêm một đứa trẻ mồ côi và những suối lệ người mẹ…
Bọn Đức dự định đóng lại lâu dài trên bờ hữu ngạn, suốt mùa hè chúng xây dựng công sự, và không phải ngẫu nhiên mà những nẹp quần đỏ của bọn sĩ quan tổng hành dinh của chúng thỉnh thoảng lại xuất hiện thấp thoáng nơi đó… Nhưng chúng đâu cướp được Đneprô: những công sự của chúng đã phải bỏ lại trống trơ. Tuy vậy bọn Đức không rời bỏ Bến Lặng.
Và đây các chiến sĩ Hồng quân – những người anh, những người cha và những người yêu của ai đó – vĩnh viễn nằm lại cánh đồng cạn nước, khi khắp bãi chăn nuôi, ngải hương lần thứ hai lại sắp nở hoa…
Khi đó bà Vêxêlina dúi chú bé Iarôxlap đang sợ hãi khóc ré lên vào tay người hàng xóm và vùng ra khỏi căn hầm chứa đồ.
Bà chạy băng qua bãi trống phủ tuyết, ngạt thở vì ngọn gió quấn. Tấm khăn vuông tuột khỏi đầu và bay đi như một cánh chim, như cố đuổi theo chủ nó.
Căn cứ vào những đám tuyết đột nhiên bắn tóe lên chung quanh, Vêxêlina hiểu rằng bọn Đức đang nhằm bắn theo mình… Quả đạn cối rên rĩ nổ toang phía trước, mặt tuyết lỗ chỗ vì mảnh đạn.
“Hẳn là, từ trên gác chuông chúng đã nhận ra rồi! Thế là hết…” – Vêxêlina buồn bực nghĩ thầm.
Khi đến suối Phinkin chỉ còn mấy bước chân, viên đạn đã đuổi kịp Vêxêlina… Máu từ cánh tay phải vọt ra một tia nóng hổi tỏa hơi. Như trước đây thường chơi lăn từ bờ dốc đứng xuống sông Đneprô vào ngày lễ tiễn đông,
Vêxêlina lăn tròn người xuống dốc suối. Một vệt máu đỏ ngoằn ngoèo để’ lại trên tuyết.
Vêxêlina lăn thẳng vào cánh tay của ai đó. Người kia ôm Vêxêlina vào bên ngực, không nhận ra là áo lông cừu của anh thắm đỏ những bông hoa anh túc rực lửa…
– Cô từ đâu tới đây, Vacvara khổ hạnh[7]? – Anh ta kiên tâm hỏi.
– Ở đấy., khẩu cối Đức trên tháp phòng cháy! Nó đang sát thương quân ta…
Mấy phút sau dưới hầm tránh pháo người ta băng bó lại cho Vêxêlina, còn anh đại úy vui tính, cặp mắt lồi sáng lên dưới cặp lông mày rậm rì, sau khi tuôn ra một câu chửi rắc rối đã động viên:
– Vậy mà chúng tôi cứ nghĩ là nó từ trong rừng bắn ra! Chà, khá lắm, cô em ạ! Chà, cô em ạ… Bây giờ chúng tôi sẽ hạ huyệt cho nó không vòng hoa… – Và lập tức hạ lệnh vào ống nói. – Gấu! Gấu! Tôi – Thứ sáu! Nhằm vào tháp phòng cháy… Góc độ chín ba mươi! Mức độ. Lựu pháo! Trái phá! Toàn pháo đội… Nhằm đúng…
Khi leo lên bờ suối, Vêxêlina nhìn thấy: ở chỗ cái tháp phòng cháy từ thời ông nội, một đám bụi mù mịt đang hạ xuống dần… Tiếng “u ra” xa xa vang rền vọng lại.
Anh đại úy mặc áo lông cừu ôm lấy Vêxêlina ghì chặt đến mức cúc áo cánh của Vêxêlina bật tung, và hôn một cách khéo léo, thật chặt vào cặp môi giá lạnh:
– Cám ơn cô em! Cô đã cứu sống được bao nhiêu người anh em… Tôi sẽ đề nghị tặng thưởng huân chương! Huân chương chứ không thể thấp hơn!
Và Vêxêlina, thèm thuồng hít thở hơi áo lông cừu và mùi dầu lau súng, bàng hoàng không sao trấn tĩnh được…
Qua hai tháng… Mà chuyện gì qua hai tháng sau nhỉ?
Vêxêlina đi xuống giếng, thích thú duỗi dài hai chân. Một hòn đá óng ánh như xà cừ – kỷ niệm về cái tháp phòng cháy – đã bị phủ kín bởi cành lá, rộng dài mát mẻ của bụi hoa…
Hai tháng sau Vêxêlina tự kéo cày trên bãi cỏ, nơi những người con trai và những người chồng, những người anh em và những người yêu của ai đó đã vĩnh viễn nằm xuống, những tấm áo lông cừu nở bung như những bông hoa…
Vết thương hóa ra không lấy gì làm nguy hiểm. Viên đạn không chạm xương, nhưng chắc là có đụng đến bộ phận nào đó trong người, bởi vì ngón tay phải, ngón tay mà người ta thường đeo nhẫn cưới, vĩnh viễn thành tật…
Người tiểu đoàn trưởng ấy không buông lời theo gió. Vào buổi sáng tháng năm năm chiến thắng, ngay trên ruộng cày, một vị chính ủy quân sự đã về gắn lên ngực tấm áo cánh tím bạc màu tấm huân chương chiến đấu Sao Đỏ. Vêxêlina mặt đỏ bừng như ánh bình minh, giật thót vì bàn tay xương xẩu của vị ủy viên quân sự chạm lên ngực.
Cũng ngày hôm đó họa sĩ quân đội Riabinhin, nhân bị thương nghỉ tại làng Bến Lặng đã vẽ Vêxêlina.
Anh cùng một họ với Vêxêlina. Ở Bến Lặng, có đến nửa làng cùng một họ Riabinhin, mặc dù Vêxêlina không nhớ được là có bao giờ đó cây thanh hương trà[8] lại mọc ở bên đường làng mình.
Rồi sau đó thì sao?
Sau đó hai mươi tám năm, Vêxêlina đã liên tiếp đón chào bình minh và tiễn đưa hoàng hôn ở trên đồng ruộng làng và lãnh đạo một đội sản xuất.
Iarôxláp lớn lên thầm lặng, hơi kín đáo, nhưng với mẹ lại cởi mở và thẳng thắn. Bằng sự nhạy cảm nữ giới của mình, Vêxêlina đã hiểu rằng: kín đáo và thầm lặng bởi vì nó thiếu sự âu yếm của cha, cởi mở với bà vì thương bà, hiểu rằng – hạnh phúc của mẹ đã lỡ làng…
Làng quê đâu cũng như đâu. Ở mỗi làng đều có những kẻ thích thú chuyện buồn của người khác. Các bà phụ nữ thích thì thào to nhỏ ở bên giếng nước xem “cái thằng bé đẻ rơi” – Iarôxláp, giống ai trong làng. Họ hết cho là giống ông này lại đồng ý với nhau là giống anh khác.
Bà hàng xóm Panfilôpna, nhà bình luận các tin tức mới trong quận, không chỉ biết rõ chàng trai nào để ý và ghé thăm chị quả phụ trẻ tuổi, mà còn biết cả những sự kiện ở Achentina và nguyên nhân các cuộc đảo chính ở các nước Mỹ Latinh. Bà ta khẳng định:
– Chị ta mang nó từ nơi khác về! Kiếm được ở đâu đấy! Cả quận ta không có loại người thầm lặng với lại lông mày mảnh như vậy… Lấy cả nhan sắc của tôi ra mà thề là – mang ở nơi khác về! – Bà nheo nheo con mắt trắng đục.
Với những lời bàn tán ấy, Vêxêlina chỉ trả lời ngắn gọn: Gà trống có gáy buổi tối, mặt trời cũng chẳng mọc lên đằng Tây!
Tháng sáu năm bốn mốt, Vêxêlina lùa đàn súc vật giống của nông trường tới vùng Iarôlapsina xa xôi. Trở về tới làng Bến Lặng, băng trên Đneprô đã lao xao và dải bờ dốc đứng đã cứng đang ở dưới chân. Tay chị bế đứa bé quấn trong tấm áo mưa cũ kỹ.
Với người làng, Vêxêlina trả lời gọn lỏn: con tôi!
Xtêpan Riabinhin – ông cụ thân sinh của Vêxêlina – lúc ấy đã qua đời ở đâu đó tại một làng thảo nguyên Côdăc vùng Lukhaia, bà mẹ vui mừng thấy đứa cháu, cũng có thể’, bà cụ làm ra vẻ vui mừng.
Vanhiusca Xiđôrốp – anh thợ rèn của nông trang và là một tay thợ lành nghề, – thường vẫn đưa đón Vêxêlina trong những tối vui trước chiến tranh, không xa lánh, mà ngược lại, hồ như càng quấn lấy Vêxêlina; hành động đó nung nấu thêm trí tưởng tượng không cùng của cánh đàn bà… Nhưng chỉ có điều mái tóc của anh chàng thợ rèn màu lá phong mùa thu, còn chú nhóc lại làm mọi người kinh ngạc về mái tóc tơ màu lanh.
Cả Bến Lặng chịu không biết đường nào mà lần.
Bà mẹ của Vêxêlina đã qua đời một buổi sáng băng giá năm bốn hai. Vanhiusca Xiđôrốp – người liên lạc của du kích – bị bọn hiến binh cơ động bắn chết ở ngã tư đường gần Bến Lặng một ngày nắng ráo tháng bảy cũng vào năm ấy.
Từ đấy đối với mọi người, Vêxêlina đóng chặt cửa lòng, sau bảy lần khóa. Những năm ngay sau chiến tranh, những người từ tiên tuyến trở về đua nhau theo đuổi Vêxêlina xinh đẹp duyên dáng, nhưng Vêxêlina cứ như một bức thành không ai phá nổi.
Trong những năm ấy ở vùng thượng lưu Đneprô người ta còn coi việc đi lấy một người đàn bà đã có con về làm vợ – dù thằng bé ấy có là cháu ruột của nữ hoàng Êcatêrina đệ nhị đi nữa – là một điều nhục chưa từng có. Thêm vào đấy mỗi một chàng trai bấy giờ lại có tới hàng chục cô gái làm đối tượng, không kể đến những chị vợ góa còn trẻ…
Nhưng đến khi Vêxêlina thay cái váy khâu bằng vải áo bạt cứng quèo và đôi giày bốttin lính, lần đầu tiên sau những năm dài mặc lại cái áo váy màu mận và đi đôi giày phụ nữ, kể ra, chỉ là đôi giày gót to kiểu trước chiến tranh, thì… Iarôxlap của chị đã học xong trường phổ thông cấp một của Bến Lặng. Vêxêlina đã hai mươi bảy tuổi rồi. Những cô gái chừng ấy tuổi thường không còn đi dự các tối khiêu vũ.
Thế là những năm tháng tươi đẹp nhất đã bay vèo qua như vậy, mạch nguồn tình yêu của trái tim Vêxêlina không còn khơi lại nữa…
Những người vợ góa trẻ và các cô gái già chung số phận như vậy thường sống những năm cuối cùng tuổi xuân của mình một cách phóng túng bất chấp sự đời, cố bù lại tất cả những gì đã bỏ lỡ và tất cả cay đắng của thân phận.
Đối với Vêxêlina Riabinhina – không những vì chị là đảng viên cộng sản và đội trưởng sản xuất nông trường, mà cả danh dự của dòng dõi đã giúp chị chế ngự những tình cảm nữ giới trong bản thân. Bây giờ chị dồn tất cả tình cảm không hề bị tiêu phí của mình cho Iarôxlap.
Đứa con lớn lên, là một chàng trai dễ ưa; các cô gái làng, thậm chí cả những cô hơn hẳn tuổi chú, bắt đầu dòm ngó chú quá sớm.
Vêxêlina không bao giờ phải nghĩ ngợi chuyện tại sao chị lại không được hưởng sự âu yếm vuốt ve của đàn ông, không được sinh đẻ những đứa con hợp pháp – những kẻ kế tục dòng dõi nhà nông Riabinhin.
Mà có thể, trong những đêm dài thao thức, khi cơn bão tuyết nửa đêm rền rĩ khóc than trên sông Đneprô và ngọn gió côi cút buồn bã gõ ngoài cửa sổ suốt đêm, những ý nghĩ tương tự như vậy cũng nảy sinh, chỉ có điều Vêxêlina không mở cửa cho chúng lọt vào trái tim. “Trong khu của chúng ta không còn có những đội trưởng sản xuất như vậy nữa đâu!” – Đại biểu đại hội Đảng, giám đốc nông trường Tikhôn Xidôp thích nói như vậy với các thủ trưởng khu. Và có lẽ ông nói đúng. Vêxêlina biết tổ chức.
Trong những năm sau chiến tranh, khi cùng chị em phụ nữ khác tự nai lưng kéo cày, Vêxêlina đã cắp giành lúa giống đi trên đất cày và gần như lấy sức ra thúc cánh phụ nữ trẻ ra đồng – lúc đó thật khó khăn.
Lúc bấy giờ, khi Vêxêlina chỉ huy mười lăm máy kéo, máy xúc, máy cạp, hàng chục ô tô tải, khi chị chịu trách nhiệm về công việc của các máy gặt liên hợp, máy gieo, toàn bộ cơ giới bánh xích – chỉ khu đất lúa vụ xuân cũng hơn nghìn công mẫu – thì công việc cũng không kém khó khăn. Đôi khi rất khó khăn.
Mọi người kính trọng chị vì chị thu xếp để cùng mọi người kịp đánh đống rơm rạ, bện lanh, khuân vác các bao thóc.
Khi khó khăn quá đỗi hay có thể nổ ra chuyện om sòm gì đó – thần kinh con người không chịu đựng nổi, – chị nhắc lại những lời thích thú của ông giám đốc nông trường:
– Các bà ơi, đây là chiến tuyến của chúng ta. Tốt hơn hết là ta cùng hát lên một bài! – Và chị cất cái giọng cao lảnh lót:
Chàng thường gặp gỡ tôi
Ném cho tôi khóe mắt
“Chào em, ơi người đẹp
Em làng nào tới chơi?”
Những người phụ nữ đã chực nổi khùng, lời qua tiếng lại với nhau, bỗng lại quên khuấy mọi chuyện và thân thiết hòa theo:
Nay chân lấm tay bùn Mai đời em gặt hái…
– Vêxêlukha! – Ông giám đốc gọi chị bằng cái biệt danh thân mật.
Anh em công nhân lại gọi:
– Chị Vêxêlukha của chúng tôi!
– Vêxêlinkha… – Đám đàn ông trẻ gọi chị hơi khác một chút, thầm ngắm nghía nét cân đối chưa phai nhạt của chị, còn nếu như người ta bảo với họ rằng Vêxêlinkha chưa từng có một người đàn ông nào, họ không tin, dù có đem họ ra chém đi nữa…
Học hết lớp mười, Iarôxlap không lao đi đại học. Vêxêlina hài lòng về quyết định đó: cứ để’ cho nó học hỏi lấy kinh nghiệm nhà nông, bởi vì cái kinh nghiệm đó đã được tích lũy hết thế hệ này sang thế hệ khác và không phải dễ gì đã hiểu được ngay một lúc.
Có điều con trai chị không thích thú gì lắm những đội luân canh và các tổ cơ giới – những người chủ mới trên ruộng đất. Nhưng lại thích thú đặc biệt với việc đặt các động cơ máy vắt sữa, các ống dẫn sữa và hệ thống lò ở các trại chăn nuôi.
Sở dĩ ngày nay tại các trại chăn nuôi vùng thượng lưu, mỗi cô vắt sữa có thể’ trông nom tới bảy mươi nhăm con bò cái, trước hết có công đóng góp của Iarôxlap, con trai Vêxêlina. Ông giám đốc không biết xếp anh ta ngồi chỗ nào trên đoàn chủ tịch. Bà mẹ lại buồn: bà chuẩn bị cho con làm công việc trồng lúa kia…
Đột nhiên Iarôxlap tuyên bố với mẹ:
– Mẹ! Con muốn trở thành kỹ sư nông học! Con đi xin vào đại học Tổng hợp đây!
Lần đầu tiên sau hai mươi bảy năm, bà Vêxêlina òa khóc vì sung sướng.
Nhưng còn Lubava thì sao? Bà Vêxêlina hoảng sợ. Bà đã hết lòng gắn bó với Lubava Xurikôva – cô gái vắt sữa nay đã nổi tiếng khắp cả khu, một cô bé xinh xắn dễ thương với cặp mắt hoa mua, gương mặt mũm mĩm với cái cằm lõm, lấm tấm những vệt tàn hương, như thể cánh ong…
Rồi đầu mùa xuân năm nay, Iarôxlap đưa về một cô gái lạ. Thoạt đầu mọi cái trong người phụ nữ hông hẹp này đều khó coi: mái tóc nhuộm màu lá bạch dương mùa thu và xoắn xuýt như lông cừu Rômanốp, đôi mắt làm giả đôi mắt cô gái Nhật và một cái khánh to lù lù màu đục với cái chuỗi xích kệch cỡm đeo lên ngực. Vêxêlina thầm để cô ta bên cạnh Lubava ngực căng tròn, mái tóc vàng ươm, tỏa sức sống tươi trẻ, phảng phất gió đồng, hương cỏ nội, và lòng bà thắt lại.
Người phụ nữ tóc hung hóa ra dịu dàng, niềm nở lễ phép. Nhưng dù sao đi nữa trong thái độ lịch sự của cô, bà Vêxêlina vẫn cảm thấy có nước sơn bóng bẩy, vị ngọt đường mật, còn trong vẻ khinh đời vay mượn của đôi mắt, bà cảm thấy có sự cẩu thả về tâm hồn như thế nào đó.
“Dân Digan xét ngựa qua con mắt của nó, nhưng cũng có khi nhầm, – Bà Vêxêlina tự làm yên lòng mình. – bởi không phải kẻ khôi ngô đã là tốt, là người làm được việc. Vậy thì… cần xem xét đã…”
– Bác Vêxêlina Xtêpanôpna! Cháu gặp bác nhiều lần rồi… – Cô gái lại cho biết.
– Ở đâu kia? – Bà Vêxêlina ngạc nhiên.
– Ở triển lãm của họa sĩ Riabinhin.
– Tôi chưa hê bao giờ đến các cuộc triển lãm…
– Cháu đã thấy bác trên bức tranh như thế này, chỉ có điều bức tranh kia to hơn một chút, tươi hơn. Người xem xúm xít chung quanh – kinh lên được. Cháu ghi nhớ hình ảnh bác.
Bà Vêxêlina không thấy vui, thậm chí đối với cả việc này. Một linh cảm lạ lùng về chuyện bất hạnh, một nỗi buồn đau nhói trong tim bà.
Và thế là cái ngày bi thương ấy đã đến…
Thoạt đầu nó không hê báo trước nỗi bất hạnh nào cả. Con trai bà một mực nài nỉ bà cùng đi ăn một bữa ở khách sạn có cái tên thơ mộng “Vazưra”.
– Mẹ ơi, mẹ làm con ngạc nhiên vì đức độ bậc thánh của mẹ đấy, – Iarôxlap vui vẻ nói. – chưa đến Mátxcơva một lần nào, chưa một lần nào đi vào nhà hát, chưa bao giờ lui tới khách sạn.
– Bác chưa hê thấy Mátxcơva ư? – Một nỗi hãi hùng lóe lên trong cặp mắt của cô gái điệu bộ.
– Chưa thấy… Nông trường của chúng tôi có lần đã tham gia cuộc triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân, có điều tôi bấy giờ bị ốm. – Bà Vêxêlina đâm bối rối như một cô bé.
Bà chưa bao giờ đến ăn ở các khách sạn và không tưởng tượng được việc đó ra sao. Nhưng khách sạn hôm ấy gây cho bà ấn tượng tốt. Khách hôm ấy không đông.
Trong lúc Iarôxlap trao đổi với cô bạn về các món ăn, bà Vêxêlina đưa mắt nhìn quanh. Trên tường treo một bức phù điêu bằng thép. Trên bức phù điêu khắc hai con bò đực bị ngã (không hiểu tại sao lại như vậy).
Mấy người đàn ông ngồi dưới bức phù điêu ấy, theo dõi bà Vêxêlina hồi lâu. Cuối cùng một người lên tiếng.
– Thế đấy. bà chị không chuẩn bị đầy đủ cỏ khô thức ăn cho chúng, thế là những con bò của bà chị chổng vó lên đó! Nhưng người ta lại treo lên đây để’ dân tỉnh lỵ ghi nhớ điều này.
Bà Vêxêlina thấy vui lên, cúi đầu xuống giấu nụ cười.
Cách một bàn có hai người khách mới vào ngồi, một người gật đầu chào bà Vêxêlina, và bà nhận ra đó là một đội trưởng đội sản xuất nông trường bên cạnh.
– Chà, chúng ta bị xạc mới ra trò chứ! Chà, mới ra trò chứ!
– Đặc biệt bí thư thứ nhất… với cả chủ tịch Xô viết khu cũng thế! – Những người hàng xóm bàn tán, và bà Vêxêlina hiểu ra rằng họ vừa bị người ta khiển trách.
– Này, dù sao cũng về nhà. Đường xa… ta đưa cay tí chút! – Anh đội trưởng đề nghị.
– Mẹ! Mẹ!… Thế nào, mẹ thấy ra sao? – Iarôxlap gọi bà Vêxêlina.
Bà Vêxêlina rất hài lòng việc con trai không gọi rượu. Cũng như mẹ, suốt đời anh ta không nhắp một giọt chất cay.
“Như vậy là nó chưa hư” – bà Vêxêlina vui mừng.
Nhưng đến khi chiếc đầu máy điêden kéo những toa xe kiều diễm không tiếng động khuất vào khoảng trời xa màu tím, cái ga nhỏ thị trấn, quét màu vôi xỉn ngán ngẩm, bỗng nhòa đi, nhòa mãi trước mắt bà.
* * *
Ga xe lửa Viadơma cháy.
Các toa xe tung lên tan tành, và mấy cái đầu máy rên rỉ tuyệt vọng. Những chiếc máy bay bụng sơn màu vàng với những dấu chữ thập ngoặc hung dữ che kín bầu trời.
Ngột ngạt vì chất nổ frotyl nồng nặc, mụ mẫm đi vì sợ, Vêxêlina bỏ chạy, còn trên đường chạy của chị, chỗ đùn lên những đống gạch đổ, chỗ những bức tường xiêu vẹo chắn ngang.
Trên mặt đường nhựa bị mảnh bom đạn cày lỗ chỗ như người rỗ, một đứa bé mặc mỗi chiếc áo cánh màu hoa mua bò lồm cồm, miệng ngằn ngặt kêu. Mảnh bom đạn réo lên và nhảy múa chung quanh nó, chạm nhau đánh tóe lửa, còn đứa bé cứ bò đi, bò đi, như thể bị bùa mê.
Vêxêlina bế xốc đứa bé lên, ôm chặt vào bên ngực áo cánh rách và chạy đi, chạy đi giữa những bức tường tóe lửa, giữa khói cháy và mùi khét. Những quả bom cháy xối lửa từ trên các mái nhà xuống.
– Con nhỏ của ai đây? – Thở hổn hển, Vêxêlina kêu to.
Đồng chí cảnh sát mặc chiếc áo varơi cháy đến mức tưởng như nó may bằng vải gai chậm rãi trả lời:
– Bà con tản cư chết hàng trăm người… Hôm nay chúng tôi đã thu nhặt có tới mười một cháu như thế này rồi.
Vừa lúc đó chiếc máy bay ném bom lao xuống, xả đại liên, là sát trên đầu Vêxêlina.
Vêxêlina kêu thất thanh và tỉnh dậy… Mồ hôi chảy nhễ nhại trên mặt, tràn vào mắt. Tim dồn dập đập gấp và nhoi nhói, như thể trong đó có giấu mũi kim nhọn.
Không, đó không còn cái máy bay bụng sơn màu vàng kêu ầm ĩ, bà đã cách biệt cái ngày ấy một khoảng xa ba mươi mốt năm trời… Mưa nặng hạt rào rào đổ xuống như vòm anh đào hoa nở rộ, trên dòng Đneprô phẳng lặng.
– Mưa sau thời vụ gieo hạt… thật là vàng ngọc! – Bà Vêxêlina vui sướng nghĩ và ngồi nhìn ra cửa sổ.
Bà Vêxêlina cứ ngồi như vậy cho đến rạng sáng, chìm đắm trong suy nghĩ, lắng nghe tiếng mưa lào rào xuống các vòm anh đào.
Khi hơi lạnh buổi sáng ào vào cửa sổ bỏ ngỏ và dịu dàng trùm lên thân thể, bà Vêxêlina vào bàn, và ngòi bút bà ghi lên những dòng chữ ngay ngắn rắn rỏi:
“Iarôxlap Ivanôvich của mẹ!
Con đã bước qua cái tuổi ba mươi và có quyền tự do chọn đường đi cho mình. Ở thế hệ mẹ, cuộc sống đòi hỏi phải trưởng thành rất sớm. Vào cái tuổi con lúc đó, người ta đã trở thành những vị thống soái. Còn Mikhain Frunde, theo người ta kể lại thì, vào tuổi bốn mươi đã nằm xuống và được người ta tiễn đưa trên giá súng đại bác. Họ đã kịp làm được nhiều việc lớn. Và con phải biết kịp làm! Đó là cái chính. Về lời mời của con, mẹ xin cảm ơn. Sinh thời, ông ngoại thích nói: “Trước khi kéo chuông, hãy nhìn vào ảnh thánh”. Mẹ đã nhìn vào ảnh thánh của mình – vào trái tim, và trái tim đã mách bảo mẹ: đây là bến đậu vĩnh viễn của người. Xin cảm ơn. Không bao giờ mẹ lại đi mặc tấm áo lông gấu còn sống. Mẹ không rời Bến Lặng đi đâu, bởi vì đối với mẹ nó không chỉ là bến đậu, mà là nơi nương tựa, là mẹ nuôi của mẹ, là niềm an ủi của mẹ. Các cụ kỵ ông bà đã đi mòn lối thành đường làng ở nơi đây, đã tắm trong dòng Đneprô, và năm này sang năm khác trồng lúa mì. Cả mẹ cũng làm công việc đó đã hai mươi tám năm trời rồi. Phải, tổ tiên xa xôi của mẹ hiển nhiên là những người nông phu, và suốt đời đã cày đất bằng ngựa kéo, mà có khi tự bản thân kéo lấy cày. Quả thực từ thuở đó đã qua nhiều năm rồi, có điều những nỗi lo nghĩ của chúng ta nay thì khác!
Nếu như hai ngàn năm người ta đào bới mảnh đất bên bờ Đneprô bằng cái cuốc cái cày, thì trong vòng năm năm nay mẹ và dân làng đã tu sửa cánh đồng hàng nghìn công mẫu. Mà cánh đồng này như thế nào kia nhỉ! Không bờ, không bụi, với những mương máng chung quanh (nay bà con đã thả giống cá chép vẩy bạc xuống nuôi), với những con đường ống tụ. Xe ô tô buýt của nông trường sẽ đưa những người trồng lúa ra tới tận cánh đồng và đón trở về nhà. Vậy mà cũng chính trên cánh đồng này người làng của mẹ đã làm chết không phải ít ngựa ở những vũng lây, không ít những con bò cái đi ăn thụt chân bỏ xác…
Điều mà ông cha không thể làm nổi suốt hai nghìn năm, lớp người của mẹ đã làm được trong năm năm. Đến cuối kế hoạch năm năm, toàn bộ đất đai nông trường như vậy cả. Bà con dân làng bắt mỗi công mẫu đất đều phải phục vụ tốt cho con người.
Nông trường đang xây dựng các tổ công nghiệp – các đội cơ học về mạng lưới cải tạo đất, xuất hiện các chuyên gia mới (các kỹ sư về cải tạo đất, các cán bộ kỹ thuật – cải tạo đất, các thợ lành nghề – cải tạo đất). Mà đỗi với công việc của con, có thể ở đây con tung hoành đến đâu kia chứ! Mảnh đất trên bờ Đneprô và công việc trồng lúa có thể làm cho con trở thành nhà bác học…
Con viết rằng đã đến lúc mẹ với con phải sống ở một cuộc sống khác. Nhưng chính là cái cuộc sống này đã đến với mảnh đất bên bờ sông Đneprô, người ta đã mơ ước suốt hai nghìn năm nay.
Con là con trai dũng cảm của mẹ! Suốt ba mươi năm con thậm chí không hỏi mẹ về cha con. Vậy thì con ghi nhớ là: mẹ của con cũng biết im lặng.
Mẹ không đẻ ra con. Con bò lồm cồm trên mảnh đất Viadơma nóng bỏng mùa thu năm bốn mốt, mảnh bom đạn bay vù vù vây chung quanh con. Sau đó suốt một ngày mẹ bế con đi khắp Viadơma, rồi đến khi mẹ phải đưa trả con cho bác cảnh sát đã mệt mỏi, con bíu chặt lấy cổ mẹ bằng hai cánh tay nhỏ bé và gào lên: “Mẹ -e…” Tưởng chừng, trái tim của mẹ vỡ tung ra. Về tới Bến Lặng, mẹ đã nói với mọi người: “Con tôi”! Mẹ đã chịu đựng biết bao nhiêu chuyện: những miệng lưỡi châm chọc độc ác, những tiếng chê cười to nhỏ, rồi cuộc sống riêng không lấy chồng. Mẹ chịu trách nhiệm trước dòng họ Riabinhin, vì cái chuyện chính mẹ là người chấm dứt các triêu đại nhà nông của dòng họ này. Đúng ra, thì hẳn là mẹ đã có một người chồng, có con cái, nhưng mẹ không tin chắc rằng khi ấy con có được hạnh phúc hay không. Vì con, mẹ đã khước từ hạnh phúc của mình. Con đã chính là niêm hạnh phúc của mẹ…
Năm năm gần đây mẹ đã sống trong đám sương mù khấp khởi mừng vui: Iarôxlap Riabinhin sẽ là người trồng lúa – bác học đâu tiên của dòng họ mẹ. Nhưng mẹ đã lầm!
Tình yêu không cân những người cố vấn, chỉ có tình yên chân thực mới đi theo chồng tới Xibir, đến nơi tù khổ sai.
Còn về những công chúa Vaxilixa xinh đẹp thì mẹ xin nói thế này: trên đất nước Nga các cô công chúa ấy đâu có biến mất! Mà nếu như ít gặp các cô công chúa Vaxilixa xinh đẹp ấy, là bởi vì còn nhiêu chàng Ivan ngốc nghếch không nhận ra, không hiểu được cái đẹp.
Con đừng trở về đây thăm mẹ nữa, mẹ đã làm tròn bổn phận của mình rồi. Còn nếu con định trở về thì hãy trở về vĩnh viễn.
Mẹ Vêxêlina Xtêpanôpna Riabinhina của con!
Bến Lặng”
Con tàu nhỏ mãi hôm nay mới xuất hiện. Hôm qua bà Vêxêlina đã chờ đợi mất công trên bờ dốc cao. Con tàu vẫn như cũ vậy, già nua và sạch sẽ, chỉ có điều… chỉ có điều trong cái tên của nó thiếu mất cái từ quen thuộc: “Bá tước”!…
Như một cô bé con ở cái tuổi xuân mười bảy của mình, bà Vêxêlina lao nhanh từ bờ dốc cao xuống bên mép nước, rùng mình cảm thấy ngọn gió tự do vuốt ve thân thể mình dưới lần váy áo, rũ tung mái tóc dày. Sát bên mép nước, bà Vêxêlina dừng lại đưa tấm khăn lên, sung sướng vẫy vẫy hồi lâu.
Nhưng sao thế này! “Piôtr Bagratiôn” không đi chậm lại, mà lừng lững bơi ngang qua. Từ cái loa điện của nó không vang lên khúc ca ngang tàng về cái làng nhỏ Côdăc với người quả phụ mạnh bạo như xưa nữa.
Bà Vêxêlina hoảng sợ nhìn lên chiếc cầu thuyền trưởng, và lòng bà chết lặng đi: Trên cầu, một chàng trai trẻ đội mũ thuyền trưởng và mặc cái áo cổ đứng rộng trễ vai…
* * *
Đồng chí Tikhôn Xidôp, giám đốc nông trường vui mừng thấy bà Vêxêlina tới. Ông đề nghị mọi người ra khỏi phòng làm việc của ông.
Tikhôn bao giờ cũng bình tĩnh, thản nhiên, con người như thế không thể pha trò cười, mà cũng không chọc cho giận được. Về điều ấy mọi người trong nông trường đều biết rõ. Ông chỉ mỉm cười với riêng bà Vêxêlina, người mà ông đánh giá cao và kính trọng.
– Này, ngồi xuống đây, chị Vêxêlukha! Có gì nói cho nghe nào!
– Anh hiểu không, Timôphêich… người ta cho tôi hai tháng nghỉ, có điều tôi không thể không làm việc. Tôi chết héo khô mất vì xa mọi người! Tôi muốn về đội sản xuất của mình…
Ông nhớ lại bức tranh, ở đó trên cái nền buổi bình minh hồng tươi, vui sướng vì cảm giác sức xuân trẻ khỏe, cô gái xinh đẹp đang gieo trồng, bước đi hăng say và tin tưởng, sẵn sàng bước đi như vậy trên khắp mặt đất, gieo niềm vui của cuộc sống – lúa mì.
“Nhưng với cô gieo trồng trong tranh trẻ tuổi ấy, chị đã khác quá xa, quá xa rồi”, – Tikhôn Xidốp buồn rầu nghĩ thầm, cảm thấy trong ngực bên trái… hầu như có một mẩu kim nhọn ngọ nguậy. Ông quan sát Vêxêlina, lòng thầm rầu rĩ: Vêxêlina trông vẫn còn thon thả cân đối, nhưng hầu như tóc đã bạc trắng, bên khóe miệng và đuôi mắt đã hằn những nếp nhăn…
Một tiếng nói khác hồ như lại nói: “Thì từ cô gieo hạt kia chị ấy đã bước đi hai mươi tám năm rồi! Mười ngàn ngày, vất vả vì bao nỗi lo toan hàng ngày của người trồng lúa!”
– Không, chị Vêxêlukha thân mến! Không, chị không thể bắt tôi vặn lại ốc đâu! Xidốp đâu phải con người như vậy! Chứng nhồi máu – đó là một vũ khúc phức tạp, theo sau có thể là điệu “Pôlka – bướm nhỏ” tiếp liền… Chị phải nghỉ ngơi thôi! Rồi phải đi an dưỡng ở suối nước khoáng Kixlôvôtxcơ. Như thế đó, chị Vêxêlukha ạ. Chị còn cần cho ruộng đất! Mỗi công mẫu đất của chúng ta đều sẽ phải phục vụ con người tốt nữa! Chúng ta sẽ còn phải thu hoạch được sáu mươi tạ lúa một công mẫu kia…
Đôi vai của bà Vêxêlina trễ lệch xuống, đôi mắt thu hẹp lại – dường như bà muốn nhếch giọng cười, – nhưng đột nhiên bà lại rũ rượi gục xuống bàn làm việc của đồng chí giám đốc và thổn thức khóc không ra nước mắt.
Xidốp đọc qua lá thư của Iarôxlap, nhích ghế ra, tập trung suy nghĩ hồi lâu về điều gì đó. Đọc lại lá thư và chỉ khi đó mới lên tiếng se sẽ, dường như đề cập hoàn toàn đến một chuyện khác:
– Hàng năm anh đào nở hoa khắp vùng Đneprô! Tốt lắm! Cả cỏ dại cũng mọc lên, mặc dù chúng ta không muốn điều đó… – Đoạn ông đổi giọng kiên quyết. – Thôi được, chị Vêxêlukha! Chúng ta cũng giống những người Xpác cổ xưa, vùng thượng lưu này là của chúng ta! Chúng ta đã đứng ở nơi đây, đang đứng và sẽ trụ vững cho đến giọt máu cuối cùng, đến hơi thở cuối cùng… cũng tại đây! Chúng ta sẽ nằm xuống đất! Bến Lặng không phải là mảnh đất thần tiên, mà là tiên duyên, nơi đang diễn ra cuộc chiến đấu vì lúa mì! Mà trên đất nước Nga có biết bao nhiêu bãi bờ như thế này kia!
Bà Vêxêlina về đến nhà rất muộn. Lần đầu tiên một ý nghĩ trăn trở day dứt lòng bà: thế là biết bao nhiêu điều đã vĩnh viễn mất đi trong cuộc đời…
Con chim cúc cu khóc than trong rừng phong lan um tùm. Lúa mạch đen rập rờn như những sóng lượn chạy sát ra tận mép nước bờ thoai thoải phía đông và nghiêng mình bên dải nước sâu. Những cột dây điện cao thế oai vệ, tự tin vào phẩm giá của mình, sải bước đi đâu về đằng xa tít tắp. Bầu trời trên ngọn rừng đang được những cánh máy bay siêu âm, mắt thường không nhìn thấy, tô vẽ những vệt dài trắng xóa.
Con tàu “Piôtr Bagratiôn” với cái vẻ của kẻ vừa hoàn thành phận sự chậm rãi trở về. Bà Vêxêlina đã định đi qua, nhưng có một sức mạnh nào đó kéo bà rời khỏi bờ, đẩy xuống tận mép nước, nơi có tảng đá bóng lộn như xà cừ đang được ngọn sóng âu yếm.
Anh thuyền trưởng trẻ nhận ra người đàn bà là lạ, cho tàu lại gần bờ, vui vẻ hét to:
– Giảm tốc độ chậm nhất! – Và cúi xuống phía bà Vêxêlina.
– Thuyền trưởng đâu? Ông thuyền trưởng già năm ngoái… – Bà Vêxêlina gọi với lên, giọng nghẹn lại.
Anh thuyền trưởng mới giật mình, như thể bị ngọn roi của người chăn cừu, so đôi vai lại dưới tấm áo cổ đứng rộng thùng thình, và tin cậy báo cho biết, tựa hồ như với người quen biết từ lâu:
– Ông cụ mất rồi… Đấy là bố cháu!
Lại như có một sức mạnh nào đó đẩy bà Vêxêlina, nhưng lần này đẩy vào ngực. Khó khăn lắm bà mới đứng vững, hai tay nắm lấy cổ áo khoác, nhưng bà tự chủ được mình: cậu thuyền trưởng trẻ măng này có thể nghĩ gì kia chứ?…
– Này con! Con… – Bằng một giọng lạc hẳn đi, bà lên tiếng đề nghị. – Nếu con chở con trai mẹ là Iarôxlap trở về, thì từ xa hãy cho nổi bài ca của cụ nhà lúc sinh thời yêu thích. Bài ca về cái làng Côdăc nhỏ bé ấy!
Người thuyền trưởng đưa tay vẫy bà Vêxêlina, tỏ ý đã hiểu và cứ ngoái lại nhìn mãi, cố gắng hiểu cho được người đàn bà lạ lùng với mái tóc xõa xượi bay theo gió này, cho đến lúc khúc sông ngoặt che khuất bà…
* * *
Từ thuở thơ ấu, bà Vêxêlina đã biết: mỗi thời điểm đều có hương vị của mình. Vào lúc chim cu than khóc gọi nhau và dạ oanh vui thú, thì gió đưa đến Bến Lặng mùi hương thơm của bạch dương và mùi hoa anh đào nở bên dòng sông Đneprô. Khi giống cuốc rầu rĩ kêu than giữa những đồng cỏ mọc cao um tùm, thì mùi hương thơm ngát và êm dịu của lá trân châu tràn tới; đến lúc chim cun cút lạc giữa biển lúa mạch đen mênh mông, lên tiếng gọi ai đó, thì mùi hương liễu diệp ngưng lại mãi ở Bến Lặng.
Khi tất cả mọi loài chim đã hát chán chê, đã buồn chán chê và chỉ còn chú dế mèn đêm đêm lên tiếng rền rĩ lặp đi lặp lại một bản đàn ngờ nghệch, thì bầu không khí tươi mát của trời đêm thấm đượm mùi vị hăng hăng của cây ngải lan xa…
Lúc này trên Bến Lặng sực nức mùi hương… Đâu đó một sợi tơ đàn trầm trầm, thánh thót rung lên trong đám cỏ dại ra hoa.
Bà Vêxêlina lượm cả một ôm hoa tướng, ngồi xuống bờ dốc cao. Chua xót nhếch miệng cười, bà Vêxêlina hồi tưởng bao nhiêu năm về trước, cũng chính trên bờ dốc này cùng bạn gái, Vêxêlina đã ngồi kết các vòng hoa và thả trôi theo dòng Đneprô, bói xem ai sẽ là người bạn đời mà thượng đế ban cho. Đâu những vòng hoa thiếu nữ đó và đâu những chàng hôn phu mơ tưởng. Và đây là lần đầu tiên từ thuở đó, người đàn bà bốn mươi tám tuổi rồi, bữa nay lại ngồi kết vòng hoa, vui sướng vì không ai nhìn thấy bà lúc này, để có thể cho bà là một kẻ mất trí…
Trong ôm hoa sực nức mùi thơm có đủ cả: cả con mắt quạ sáng ngời hạt cườm xanh biếc, cả nữ câu trắng bãi cỏ với những hàng mi màu hồng, cả những cái chén lớn trắng ngần của bìm bìm đồng nội, cả nụ vàng duyên dáng của kim mai e lệ cúi mái đầu kiêu hãnh, cả hạt châu của cỏ la công lấp lánh ánh bạc, loài thủy dương mai đóng bộ màu mận chín nghiêm nghị, còn liên lý thảo mùa xuân thì từ đỏ thẫm ngả màu xanh…
Vòng hoa kết được khá đẹp. Ở vùng thượng lưu Đneprô còn giữ lại phong tục cổ truyền rất xúc động, có thể, có từ thuở đa thần: khi tiễn đưa các cô gái và những người phụ nữ trẻ đi đoạn đường chót cùng, người ta trang điểm cho họ những vòng hoa đồng nội và rừng cây dại..
Chính ở nơi đây ba mươi năm về trước, Vêxêlina cũng đã thả xuôi một vòng hoa như thế này – một vòng hoa được kết rất đẹp… Váy áo trên người cô gái Vêxêlina lúc đó thật bình dị, mộc mạc. Chính bên bờ này cô đã ngồi bên Vanhiusa Xiđôrôp, hai người tựa sát bên nhau. Trên đầu họ thế giới gần xa hòa lẫn, phản chiếu trên dòng Đneprô tắm ánh trăng. Không gian thanh vắng lặng tờ trên sông và trên Bến Lặng. Trong đời cô gái Vêxêlina chỉ có vài đêm trăng trước chiến tranh như vậy. Và tất cả chỉ có ngần ấy.
Những kẻ đơm đặt chuyện trong làng đổ diệt cho chàng thợ rèn tài hoa Vanhiusa Xiđôrôp tuổi mười bảy là cha bé Iarôxlap, nhưng thực ra anh chàng còn ngượng không dám ôm lấy Vêxêlina, mà chính Vêxêlina lại ôm hôn anh ta khi anh ra đi theo du kích…
Chỉ một mình Vanhiusa biết về Iarôxlap (ngay cả mẹ đẻ, Vêxêlina cũng không nói), anh đã tuyên bố:
– Khá lắm, em Vêxenka. Hết chiến tranh, chúng ta sẽ cùng nuôi dạy nó. Nó sẽ là con trai của chúng ta!
Anh đã bị bắn chết bên đường cái, chính ở chỗ này, nơi Vêxêlina đang ngồi đây. Anh nắm hai tay dang rộng, tai như lắng nghe tiếng của đất quê… Bà Vêxêlina không nhận ra giọt nước mắt lớn nóng hổi lăn nhanh trên má, không nhận thấy tự mình khẽ lên tiếng hát như thế nào. Giọng bà ngập ngừng cất lên cao bên bờ Đneprô theo điệu dân ca:
Còn giờ đây hết khổ
Mọi việc đã thong dong
Vanka Xiđôrôp
Nằm lại ở bên đường…
Đột nhiên bà Vêxêlina lắc đầu, và nhớ lại những năm đã qua, bà cất tiếng hát vang xa bằng cái giọng lảnh lót mạnh mẽ của mình:
Anh nằm trong giấc ngủ.
Bàn tay thợ dang ngang…
Giữa tay anh nhú mọc
Hoa mua tím một nhành.
Mải mê với bài hát và suy tư, bà Vêxêlina không nghe thấy con tàu “Piôtr Bagratiôn” mà bà không còn mong đợi phấp phỏng nữa, bỗng nhiên lại trầm trầm hát lên bài ca về cái làng Côdăc xa xưa với người đàn bà góa trẻ tuổi, và sau bao năm dài, lần đầu tiên nó lại ghé vào đỗ.