Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truyện Ngắn Đặc Sắc Nga

Con Gái Rượu

Tác giả: Nhiều Tác Giả

Từ lâu Masa bị gán cho cái tên “con gái rượu”, và cái tên ấy cứ bám chặt lấy cô. Ngày còn ở trường phổ thông bạn bè cũng thường trêu chọc cô bằng cái tên ấy. Còn bây giờ, cái tên ấy đã lẵng nhẵng theo cô vào năm thứ nhất trường đại học. Tất nhiên cũng có lý do của nó. Ăn mặc bao giờ cũng lịch lãm, được săn sóc chu đáo, Masa làm cho đôi người phát ghen và bực bội. Sau khi góa chồng, bao nhiêu sự chăm chút bà Klavơđia Paplôpna đều dồn cả cho con gái, kể ra cũng có hơi quá mức. Tất cả tiên của đều đổ cho cô con gái thừa kế, mọi sự quan tâm lo lắng đều dồn cả cho cô.

Hàng xóm láng giêng thường trách bà Klavơđia Paplôpna, họ bảo rằng bà làm như vậy là phản giáo dục. Trong thâm tâm, bà Klavơđia Paplôpna đồng ý với họ, nhưng bà không đủ can đảm và nghị lực bắt mình thay đổi cách xử sự. Masa vốn là con gái cưng của chồng bà, người mà bà yêu thương vô hạn, vì thế bây giờ bà muốn rằng con gái của ông Vađim chồng bà, lớn lên phải là một đóa hoa xinh tươi nhất, ăn mặc thanh lịch nhất, không phải lo lắng gì hết.

Masa không nhớ rõ cha. Cô mới lên ba thì cha cô đã qua đời. Nhưng trong nhà, trên các mặt tường đều có những tấm ảnh cha cô nhìn cô. Cặp mắt của cha cô hiền hậu, long lanh sáng, giống như cặp mắt của mẹ cô. Bà Klavơđia Paplôpna thường kể lại cho cô bé biết trước đây ba cô từng là một người yêu lao động và khiêm tốn như thế nào, được mọi người kính nể ra sao. Và bà mẹ đã giáo dục cho Masa được nhiều đức tính tốt ấy. Còn những điều có liên quan đến việc ăn mặc và những chuyện lo lắng chăm sóc bất tận của người mẹ đối với cô con gái thì không hề làm Masa hư hỏng và chỉ đứng ngoài mới có cảm giác rằng những sự lo lắng chăm sóc ấy là quá nhiều. Điều đó quả là đứng ngoài mà xét thôi. Còn Masa, cô biết chọn bạn chơi, không bao giờ cô tỏ ra kênh kiệu đối với bạn bè đồng niên, và ngay cả với những người đùa ác đối với mình, cô cũng giữ được thái độ đúng mực và khi cần thiết cô cũng biết tự bảo vệ lấy mình.

Giá mẹ Masa hàng ngày không mang bữa ăn điểm tâm đến trường cho Masa, thì mọi chuyện đều đâu vào đấy thật êm đẹp. Nhưng ý muốn của mẹ cô không gì lay chuyển được. Sáng sáng hai mẹ con bao giờ cũng hấp tấp, chân trong chân ngoài, đứng uống vội uống vàng mỗi người một tách trà, nhưng đến mười một giờ, bà Klavơđia Paplôpna xin phép thủ trưởng (cơ quan Bộ cách trường đại học vài bốn bước chân), chạy sang trường tìm Masa trong đám sinh viên ồn ào đổ ra chơi.

Chỗ này thì không thể nào thiếu những câu trêu chọc.

– Ruxakôva! Mẹ đến tìm. – Một người nào đó cất tiếng oang khắp cả hành lang mặc dù Masa đã thấy rất rõ là mẹ đến, và tự cô cũng đang vội ra đón mẹ.

Sự thể dẫn đến chỗ Masa xin mẹ khi đến cứ đợi cô ở ngoài góc đường phố.

– Con của mẹ ngốc ơi là ngốc. Thì mặc họ. Có gì nào! Họ gọi con là con gái rượu? Tuyệt! Cho họ gọi là cái chõ đi nữa cũng mặc, miễn là con không bị đưa vào bếp lò là được.

– Gớm, mẹ thì…

Hai mẹ con tranh luận nhau và rồi cũng thỏa thuận chuyển sang tình trạng bí mật. Suốt cả mùa thu và mùa đông ngày ngày giờ nghỉ hai mẹ con gặp nhau ở góc phố Palikha và phố Rừng. Đứng chuyện trò với nhau vài ba phút, vui cười, thì thầm to nhỏ rồi ai lại trở về việc ấy, cho đến chiều, đôi khi đến tận tới đêm – bà mẹ bao giờ cũng bận nhiều việc, bà thường làm quá giờ.

Một trong những cuộc gặp gỡ bí mật ấy, chuyện xảy ra lúc đó đã vào đầu mùa xuân, đã làm cho bà mẹ thực sự bối rối. An sâu khoanh bánh kẹp nhân thường lệ vào túi áo vectông trượt tuyết, Masa nói như chuyện thường tình:

– Mẹ, chuyến này chúng con đi khai hoang đấy.

– Sao lại đi khai hoang?

– Thế đấy. Các đoàn viên thanh niên cộng sản đều đi hết.

– Con nói cái gì vậy?

– Đúng thế mà, mẹ. Hôm nay khu đoàn sẽ triệu tập.

Masa còn nói điều gì nữa – nói một cách say sưa, hào hứng nhưng mẹ cô chẳng còn nghe lọt tiếng nào hết. Bên tai bà tiếng trống báo động của câu đầu tiên mà cô con vừa nói vang lên mỗi lúc một mạnh.

Ngày hôm đó lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, bà Klavơđia Paplôpna đi làm về sớm. Còn Masa lần đầu tiên trong đời về muộn.

Buổi tối hôm đó đầu óc bà mẹ đã nghĩ tới bao nhiêu chuyện. “Mà có thể, mọi chuyện chỉ là lỗi tại mùa xuân?” Bà Klavơđia Paplôpna nhớ lại là mới đây trong khi khâu lại chỗ cặp sách bị sứt chỉ của con gái, tình cờ bà đã dốc ở trong ngăn cặp rơi ra một lá thư của ai đó, bà vừa định cúi xuống để nhặt lên, thì Masa đã kiên quyết ngăn lại, tự nhặt lấy, hai má thoáng ửng đỏ lên:

– Cái này là của Xlavơka gửi… Chẳng có gì đặc biệt. Thì mẹ cũng biết anh ấy, mẹ…

Mãi đến mười giờ đêm mới có tiếng con gái về gõ cửa và cô con chẳng kịp cởi áo ngoài, chạy bổ vào bíu lấy cổ mẹ.

Hai mẹ con ngồi thu vào góc ghế đi văng đồ sộ, cũ kỹ, trò chuyện thâu đêm.

Masa cứ nhắc đi nhắc lại hàng chục lần tất cả các câu hỏi mà ở khu đoàn đã hỏi cô và các câu trả lời của cô. Và cả chuyện anh bí thư khu đoàn đã nhìn cô ra sao, chuyện cô đã làm cho anh ấy bật cười vì trả lời anh ấy rằng tạm thời thì tiểu sử lý lịch của cô còn chưa có. Cả chuyện sau đó anh bí thư đã hoàn toàn nghiêm chỉnh báo với Masa rằng anh ấy hoan nghênh quyết định của anh chị em sinh viên dành tất cả kỳ nghỉ hè lên vùng khai hoang.

* * *

Cái ngày ấy đã đến một cách nhanh chóng, quả là nhanh chóng. Sau buổi học, không rẽ về nhà, Masa đến thẳng cơ quan Bộ tìm mẹ và bà không còn đợi con nói, qua tất cả bộ dạng của con gái cũng đã hiểu hết mọi chuyện.

– Bao giờ thế?

– Ngày mười bốn. Tàu ba giờ chiều.

– Trời! Xin hoãn lấy hai tuần thôi vậy. Sinh nhật của con vào ngày mồng một tháng sau! Mẹ đang chuẩn bị quà cho con. Nếu con muốn, mẹ sẽ đến khu đoàn nói cho! Người ta sẽ cho phép con, mẹ tin như vậy!

Masa đã biết là mẹ không dễ dàng để cho cô đi, nhưng không bao giờ lại nghĩ rằng sự chia tay sẽ lại day dứt đến như vậy. Hai mẹ con chuyện trò suốt một đêm nữa – gần như trong cả một đêm. Cả khóc nữa, cả cười nữa, nhưng dù sao gần sáng thì cả hai đều hoàn toàn có ý thức đi đến một quyết định duy nhất là Masa không thể nán ở lại.

– Người ta trao cả giấy quyết định rồi ư?

– Trao ngay lúc đó! – Masa trở dậy, đi lấy cặp sách đến, trịnh trọng thò tay vào cặp – vào cái ngăn mà khi ấy lá thư đã rơi ra, và không hiểu sao lại hơi đỏ mặt.

– Hệt như ba nó! – Bà Klavơđia Paplôpna thầm thì. – Hệt! Vậy mà ai lại đi nghĩ đến cái tên “con gái rượu” gán cho nó kia chứ! Phải gọi là “con gái của bố” mới phải. Thật như đúc!

Sắp hết đêm rồi, bà Klavơđia mới gà gà hỏi con:

– Hôm nay là mười một rồi hả?

– Không, mười hai chứ mẹ. Sáng rồi, mẹ xem!

Và cô nói tiếp luôn:

– Thế mẹ có ra ga tiễn con không?

– Con không ngượng chứ?

– Tất nhiên là không rồi.

Im một lát Masa nói thêm:

– Chỉ có điều mẹ đừng mang theo bánh kẹp nhân nhé.

– Chà con bé, ngốc ơi là ngốc! Thật là ngốc chẳng hiểu gì cả… Thế Xlavơka của con cũng đi chứ?

– Chẳng hiểu ở nhà anh ấy không cho đi, hay bản thân anh ấy không dám nữa… Đấy mới thực là “con gái rượu” chứ! Vậy mà chẳng hiểu sao người ta lại không trêu chọc anh ta, mà lại trêu chọc con…

* * *

Ngày mười bốn trên sân ga người đi đưa tiễn hóa ra đông gấp bội số người xung phong đi vùng khai hoang. Đám người ào ào đông đảo như những đợt sóng cứ tràn lên đoàn tàu chuẩn bị khởi hành. Vì thế mà cả đầu tàu, cả các toa xe trông đều nhỏ bé bất lực, gần như một thứ đồ chơi.

Bà Klavơđia Paplôpna, thoạt đầu bị lạc trong biển sóng người này, bỗng có cảm giác rằng bà tham dự một ngày hội tuổi trẻ, một ngày hội vui thích, vô tư lự, trong đó mọi cái – cả nhà ga, cả đoàn tàu, cả những con người cầm những bó hoa, đeo ba lô, tay xách va li, tất cả mọi cái đó đều như trong mơ thoáng hiện trong chốc lát… Chắc hẳn vì thế mà mắt bà chưa rớm lệ như ở một số bà mẹ và thậm chí một số ông bố khác, và nói chung bà xử sự, ít ra là bê ngoài, không có gì có thể làm cho con gái ngượng ngùng cho đến phút cuối cùng.

Bà lặng lẽ đứng lảng ra một góc trong lúc cô con gái đi tìm được chỗ của mình trên toa. Sau đó hai mẹ con đi đi lại lại mấy lượt dọc theo đoàn tàu, tay nắm tay trông thật ngộ nghĩnh như thể một đôi nữ sánh vai trong đội ngũ đi tham quan.

Sau đó trước mặt cả đám đông, Masa đột nhiên khóc òa lên, và một người nào giọng khàn khàn từ cửa trên toa tàu gọi toáng khắp sân ga:

– Ruxakôva. a.!…

Masa làm ra bộ không nghe thấy và, chỉ liếc mắt nhìn cái bọc giấy đồ sộ, buộc gói lôi thôi và, trông cũng rõ là khá nặng, mà bà mẹ suốt thời gian qua hết chuyển tay này lại sang tay kia.

– Con đừng sợ, đây không phải là bánh kẹp nhân. Thì biết số phận ném các con đến nơi thế nào kia chứ.

– Mẹ, thì mẹ con ta đã thỏa thuận với nhau rồi kia mà.

– Thôi được, thôi được, theo ý của con vậy. – Bà mẹ một lần nữa lại xốc cái bọc giấy đang tuột khỏi tay. – Chẳng lẽ mẹ con lại giận dỗi nhau vì chuyện vặt ngay trước khi con ra đi này.

Đúng lúc đó mệnh lệnh vang lên khắp sân ga: “Lên xe”.

Masa vụng về ôm lấy mẹ, hôn vào đâu đó bên cạnh má và lẩn ngay vào cửa toa tàu.

Bà Klavơđia Paplôpna không suy nghĩ lâu, bước tới chỗ người phụ trách toa xe đứng ở bực toa, đưa cho bác ta bọc giấy…

– Nhờ bác chuyển cho Masa! Masa Ruxakôva…

Người phụ trách toa xe gật đầu hiểu ý. Lát sau bộ mặt xúc động của cô gái hiện ra ở sau khung cửa sổ cuối toa.

Buổi tối hôm đó, người phụ trách toa sau khi đi khắp các toa, mới tìm ra Masa lúc này chuyển sang cuối đoàn tàu với các bạn cùng lớp.

– Cái này không phải của cháu! – Nhìn thấy bọc giấy quen thuộc, Masa kiên quyết chối từ.

– Của cháu, của cháu! Bác đã đi hỏi tất cả các cháu tên Masa trên tàu, còn lại có mình cháu.

Tất cả toa tàu đều mục kích thấy cảnh này. Lại có một anh chàng độc mồm nào đó không kìm được:

– Ruxakôva được quà mẹ gửi!

Suốt đêm Masa không ngủ được, đến gần sáng cô đi đến quyết định: “Dù mình có phải ở xa nhà bao lâu đi nữa. Trong bất cứ tình huống nào, mình cũng sẽ không mở bọc giấy này – phải cho mẹ thấy. Mình có còn bé nữa đâu kia chứ!”

Chẳng bao lâu bà Klavơđia Paplôpna bắt đầu nhận được các lá thư, trong đó cô con gái hào hứng kể lại tỉ mỉ mọi chuyện: người ta đã đón tiếp đoàn tàu sinh viên đi khai hoang ra sao, xếp sắp chỗ ăn chỗ ở ra sao, Masa và các bạn cô sống rất đầy đủ, được ăn ngon và no nê, chỗ nào cũng có tiện nghi, có phục vụ đầy đủ, còn thiên nhiên xung quanh thì mới đẹp làm sao!

Thậm chí để miêu tả đêm hôm thanh vắng giữa thảo nguyên, Masa cũng tìm ra những lời lẽ đẹp đẽ, mặc dù hồi ở trường phổ thông Masa không làm sao làm nổi bài văn về đề tài “Em đã nghỉ hè như thế nào?” Vậy mà ở đây không hiểu từ đâu đem đến niềm hưng phấn đến như vậy, đến mức tự Masa cũng phải đọc đi đọc lại những lá thư của mình đến mấy lần trước khi gửi đi. Và cái điều lý thú nhất (tuổi trẻ xếp sắp một cách thông minh như vậy đó!) – Masa bắt đầu chân thành tin vào tất cả những chuyện của cô viết cho mẹ…

Quả thực Masa thấy thích thú – cái món cháo nấu sống Masa cảm thấy là một món quà sáng ngon nhất trên đời, cả nước trà không có đường cũng lại ngọt hơn cả bất cứ loại mật ong nào và cái bao nệm cỏ mỏng manh trải ngay trên đất còn êm hơn cái nệm lông tơ dày nhất. Còn khi, sau buổi lao động nặng nhọc tay chân đau nhức nhối – và sáng ra thậm chí không còn sức thu dọn căn lều ở, Masa nghĩ bụng: “Hoàn toàn giống như sau buổi luyện tập thể thao ở công viên Xôkônniki”.

Và một thông điệp mới được gửi về Mátxcơva nói về chuyện rèn luyện bằng thể thao trước đây nay đem lại bao lợi ích. Khi ấy mẹ xin cho Masa vào nhóm chơi quần vợt và theo dõi sao Masa không bỏ một buổi tập nào, và ở nhà, khi thời giờ cho phép, chính mẹ thường kiểm tra xem lưới vợt của Masa còn căng không, và đã đến lúc phải mua vợt mới chưa… thật là một việc thông minh quá.

Bà mẹ đọc thư, nửa tin nửa ngờ. Bà ngẫm nghĩ: “Nếu quả đúng mọi chuyện như thế thì tốt, mà có là chuyện “làm ra vẻ ta đây” kiè,u trẻ con chăng nữa, thì nói chung cũng không phải tệ hại – có nghĩa là con người đang lớn lên, vươn lên giành lấy chiến thắng, và chẳng mấy nữa sẽ chiến thắng”.

Bà Klavơđia Paplôpna nhớ lại chuyện chính bản thân mình khi cần phải làm cho cha mẹ yên lòng cũng đã từng là một cô bé bịa đặt có cỡ và bà tư lự mỉm cười, trong lúc đọc lá thư mới, được tô vẽ rõ đẹp. Đôi khi bà chạy sang hàng xóm.

– Có thư của cháu Masa! Các bác xem này, thậm chí nét chữ của cháu nó cũng cứng cỏi lên!

Bà sẵn sàng đọc to tất cả lá thư từ đầu đến cuối, nhưng chẳng bao giờ bà làm việc đó, mặc dù tất cả mọi người trong căn nhà đều muốn biết từ nguồn chính xác xem thực sự cô bé mà mọi người đều yêu mến sống ra sao, thở hít ở giữa thảo nguyên xa vợi, lộng gió thế nào.

Bà Klavơđia Paplôpna chỉ đem khoe những cái phong bì trên đó có những hàng chữ nghiêng nghiêng, nhưng vững vàng, dường như không phải bàn tay của Masa, mà là bàn tay người lớn nào đó viết.

Khi bà Klavơđia Paplôpna một mình ngắm nghía các lá thư, bà thậm chí nhận ra cả một chi tiết nhỏ mà mọi người không nhận thấy: con gái bà viết cái địa chỉ Mátxcơva mềm mại hơn, thanh mảnh hơn, còn địa chỉ gửi trả to thô hơn gần như là bằng những chữ in. Và chỉ một điều đó thôi cũng nói với trái tim bà mẹ biết bao nhiêu điều thầm kín.

Masa tự hào về hoàn cảnh mới của mình. Ở đây, ở vùng đất khai hoang này, cô bỗng cảm thấy sức mạnh trong bản thân, nhìn thấy tận mắt những tình huống khó khăn khác nhau phải lùi bước như thế nào trước con người, nếu như con người ấy không hèn nhát và biết tự trọng. Và cô không phải là “con gái rượu”. Không, không, Masa không nhận cái tên ấy. Không lần nào, kể từ khi hai mẹ con chia tay nhau. Tuy thế, Masa lại muốn mẹ mình xin nghỉ phép, dù rất ít ngày thôi, đến đây thăm mình. Dù có hàng trăm đứa ngốc gào toáng lên: “Ruxakôva! Mẹ cậu tìm đến cậu kia!” cũng mặc.

Nhưng bà Klavơđia Paplôpna trước mắt không thu xếp công việc để nghỉ phép được. Bà viết cho con gái rằng bà sẽ nhận được tiền trả thêm và sẽ lấy số tiền ấy mua quần áo rét sắp tới. “Số quần áo cũ của nhà ta đã tã rồi – phải mua sắm lại, theo sự tính toán hà tiện của mẹ cũng phải tới hai trăm rúp”.

Còn vùng đất khai hoang vẫn là vùng đất khai hoang thôi. Về điều này chính đồng chí bí thư khu đoàn cũng đã nói rồi. Bây giờ Masa thường nhớ những lời anh nói ở cuộc họp mặt hôm ấy: “Có khi không được ngủ đẫy bữa, cũng có khi không được ăn đúng bữa”.

Nếu như anh ấy tin tưởng bọn Masa hơn chắc anh ấy không phải vừa nói về mọi điều này, miệng vừa mỉm cười, nụ cười bấy giờ Masa không thích thú lắm, và tất nhiên anh ấy hẳn còn nói thêm: “Mà có khi còn tha hồ rét phát run lên”. Đặc biệt vào cái đêm như đêm nay chẳng hạn. Masa nghĩ thầm qua giấc ngủ chập chờn giá lạnh. Gió luồn lỏi cùng một lúc từ khắp các khe cọc lều vào căn lều bạt cũ và định mang cô đi tới tận cùng thảo nguyên, nhưng mà thật ngược đời, ở đây đâu có mở đầu, mà cũng chẳng có tận cùng – điều này bây giờ Masa đã biết rất chính xác: cô đã đi khắp trên chiếc xe tải tấn rưỡi của nông trường hàng mấy trăm vecxtơ, đã hít bao nhiêu bụi với hoa cỏ dại. Đến nay cát vẫn còn lạo xạo trong miệng, ráp ráp trên da người, mặc dù buổi tối bọn bạn gái đã giội cho Masa hẳn nửa xô nước – suất nước rửa ráy một ngày của cả lều.

Mà như thể cố tình trêu ngươi, mấy bữa nay củi lại không kịp chở đến nữa, mọi người đi nằm mà không được ăn bữa tối và bọn bạn gái, từ lâu đã nhòm ngó cái bọc giấy của Masa, liền mở cuộc tấn công quyết liệt:

– Ma-a-sa…

– Gì nào?

– Ấy ngủ khì ư?

– Đã thấy đến giấc mơ thứ bảy rồi. Và lần nào cũng như nhau.

– Về chuyện gì vậy?

– Về chuyện củi để rán khoai tây.

– Thì bọn này cứ thế. Có lẽ ấy phải mở kho ra thôi, bỏ cái dự trữ của ấy ra đây.

– Các ấy ạ, không thể được. Thì mình đã nói rồi mà.

– Dù sao đi nữa ấy cũng phải thương bạn chứ.

Masa nằm im lặng mấy phút, sau đó bật dậy lấy cái bọc giấy cất kỹ ra.

– Một lũ háu ăn, ngốn đi!! Đừng để mắt mình phải thấy?

– Khoan, khoan, thế ấy đi đâu?

– Thế các ấy nghĩ rằng mình là sắt à?

– Chỉ vì thế mà ấy bỏ đi ư?

– Chỉ vì thế.

Nói vậy, Masa bỏ đi tìm đến bọn bạn quen ở cuối xóm lêu bạt. Sáng hôm sau, khi Masa trở về, bộ dạng bọn bạn gái trông no nê, mãn nguyện cũng hơi có vẻ biết lời. Còn trong căn lêu vẫn còn sực mùi gì đó mà thậm chí khứu giác đang đói của Masa cũng không thể đoán ra được ngay.

– Các ấy ăn pho mát à?

– Cả cá mòi nữa.

– Thế giò?

– Và thậm chí không gẩy mỡ đi.

– Ăn với bánh mì chứ?

– Ngốn hết bốn cái! Tất nhiên cứng khô lại rồi, đôi chỗ mốc xanh dù có gói giấy bóng kính. Để dành cho ấy chút ít đấy. Có ăn không?

– Thì mình đã nói rồi mà. Chỉ có điều đừng có giận mình nhé, được chứ?

– Bọn mình chẳng giận đâu.

Giải hòa. Tâm trạng Masa lại phấn khởi, mặc dù người ta hứa phải ít nhất mười một giờ mới chở bữa ăn sáng đến thẳng chỗ làm việc.

Trong lúc bọn Masa lắc lư trên chiếc xe tải, trong đầu Masa nảy ra một ý định: hôm nào nhận được tiên thù lao lao động đầu tiên, cô sẽ đi nhờ xe thị xã Kôtsêtap mua các thức ăn và gửi bưu điện về cho mẹ cái bọc giấy thức ăn của mẹ không được dùng đến, mẹ thấy đấy, con sống rất đầy đủ, hoàn toàn không thiếu thốn gì hết.

Nghĩ sao làm vậy, Masa hỏi kỹ bọn bạn xem trong bọc giấy thức ăn của mẹ mà họ ăn hồi đêm có những thứ gì, và qua mấy ngày sau, một buổi sáng chủ nhật nắng ráo, Masa hăm hở bước đi trên các đường phố của thị xã hoàn toàn xa lạ. Cô đi từ cửa hàng này sang cửa hàng kia, từ hiệu thực phẩm này sang hiệu thực phẩm khác. Buổi tối trở về công trường, Masa ngồi rất lâu đóng gói cẩn thận tất cả số thực phẩm đã mua được.

Masa tính toán: hàng gửi từ đây phải hai tuần sau mới tới nhà, mọi thức đều sẽ khô đi giống như ở bọc giấy của mẹ – kể cả bánh mì lẫn mọi thứ ăn khác. Sự thể lại xảy ra hơi khác một chút. Ngày hôm sau anh bí thư tổ chức đoàn có nhiệm vụ phải ra thị xã. Anh nhận đem hộ gói quà của Masa ra đây gửi bưu điện. Tới thị xã đột nhiên anh lại nhận được điện khẩn của Trung ương Đoàn gọi về và thế là anh ra thẳng sân bay, từ đó trở về Mátxcơva. Về đến thủ đô, ngay hôm thứ hai anh đem gói quà của Masa ra bưu điện Trung ương gửi, thậm chí lại lấy làm thích thú vì mình có thể hoàn thành vượt mức việc Masa nhờ, khi biết được anh đã hoàn thành nhiệm vụ hệ trọng được cô giao một cách xuất sắc như vậy, hẳn Masa phải vui hết chỗ nói!

* * *

Người nhân viên bưu điện sáng sớm thứ ba đã đánh thức bà Klavơđia Paplôpna, và trước khi đến cơ quan Bộ, bà Paplôpna kịp chạy ra bưu điện và thậm chí kịp thời chia sẻ niềm vui với hàng xóm:

– Cháu Masa gửi hàng qua bưu điện về! Hẳn là nó thu vén đồ đạc thừa gửi về trước để lúc về rểnh rang hơn. Cháu sẽ về vào dịp lễ! Trước đây cháu đã nói ý như vậy!

Rồi bà chạy đến cơ quan, xúc động, hồi hộp, sung sướng.

Đi làm về, bà Klavơđia Paplôpna khéo léo bắt tay vào mở gói hàng. Bà hồi hộp, nhưng không vội vã. Và càng mở thêm những lượt giấy đóng gói – trái tim còn chưa đoán ra chuyện gì của bà càng thêm hồi hộp.

Và bà Klavơđia không còn hiểu ra sao khi bà đặt ra bàn ăn cả một chồng đồ hộp, những miếng pho mát tươi thơm, những khúc giò hun khói và những cái bánh mì bình thường – cũng còn mới nguyên, mềm mại, hầu như vừa lấy ở bếp lò ra.

Thậm chí lá thư tìm thấy ở đáy gói hàng cũng không giúp được cho bà Klavơđia Paplôpna hiểu được mọi chuyện này có nghĩa là thế nào.

Masa viết:

“Mẹ thân yêu! Con sống rất đầy đủ. Tất cả mọi thử thức ăn của mẹ chỉ để hỏng phí hoài. Con gửi lại cho mẹ để chính mẹ thấy rõ điều này và không lo lắng gì nữa. Đến ngày lễ chắc con không về kịp – ở đây cần phải làm cho xong mọi công việc. Nhưng mẹ đừng có lo, mọi chuyện đều tốt đẹp. Nói chung mọi điều ở đây đều tốt đẹp. Còn với Xlavơka mẹ nói hộ con (nếu anh có gọi điện hỏi con) là dù sao đi nữa việc anh ấy không đi với chúng con thật là uổng. Kỳ quặc thật. Vùng đất khai hoang thật là tuyệt vời, quả đúng như vậy! Nhưng về chuyện này để khi về gặp mẹ con sẽ kể lại kỹ. Hôn mẹ. M. của mẹ”.

Bà Klavơđia Paplôpna hồi lâu cứ đặt đi đặt lại những thứ lấy ở gói hàng bưu điện ra, mỉm cười, lúc bối rối, lúc u buồn. Cuối cùng, cầm lấy chiếc bánh mì bột trắng mềm tươi mới, bà giật mình vì ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu: “Mà bánh mì này chính là bánh mì Masa làm ra! Bánh mì Masa!… Làm sao mà mình không đoán ra ngay nhỉ? Lao động của con nó, công sức của con nó! Quả thực cái này tuyệt vời, tuyệt vời!”

* * *

Bà Klavơđia Paplôpna không đến nỗi nhầm lắm. Là người thành phố, bà không hiểu được rằng thời vụ thu hoạch còn chưa tới nhưng những bông lúa mì do hai bàn tay con gái bà chăm bẵm mỗi lúc đang một nặng thêm, một đầy đặn thêm, một hùng tráng thêm. Tất cả thảo nguyên đã ngời lên màu vàng đen dưới nắng thu. Thảo nguyên, mà quả thực ở đấy không có đầu, không có cuối, không có tận cùng…

Bình luận
1440
× sticky