Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truyện Ngắn Đặc Sắc Nga

Xôê

Tác giả: Nhiều Tác Giả

Một cây thông khổng lồ, trọn cả một cây.

Hẳn là người ta đã chặt nó đâu đó tận trong rừng Kômi và chở về đây trên một toa tàu đặc biệt. Mùi nhựa hăng nồng từ cây thông loang ra trong nhà câu lạc bộ được đất sưởi khá ấm.

Và trong lúc Epghênhi Kadimirôvich đăm chiêu chậm rãi đi quanh cây thông nằm đó, thích thú thở hít cái mùi đầy sức sống gần như đã bị lãng quên, cái đế gỗ hai khúc gỗ to được bào nhẵn nhụi bắt chéo nhau – đã được chuẩn bị xong. Người giúp việc của ông đã làm việc ấy.

Bây giờ phải dựng cây thông lên rồi trang trí, sau đó các thủ trưởng cứ việc mà vui thú. Công việc vặt vãnh chẳng khó khăn gì, bởi vì gì thì gì đi nữa, khi còn tự do, Epghênhi Kadimirôvich vốn là một họa sĩ.

Còn trong khi ông phụ trách câu lạc bộ chưa có mặt, ta tranh thủ dự trữ thêm hơi ấm là việc không nên bỏ qua.

Epghênhi Kadimirôvich cùng với Nexte – tên anh giúp việc của ông – cùng ngồi xuống bên bếp lò nóng hổi, lấy thuốc ra hút; ông chỉ huy đã dốc cho họ cả một lô thuốc lá sợi.

– Theo điều khoản nào? – Epghênhi Kadimirôvich hỏi.

Nexte đưa mắt nhìn ông. Đôi mắt kiên nghị, bình tĩnh.

– Tớ hỏi một tí, cậu bị tù vì tội gì thế?

– Vì chính những cái này đây. – Nexte từ tốn đặt hai bàn tay mình lên đùi. Hai bàn tay mugich to lớn.

– Thế đôi búa tạ của cậu đã làm gì vậy?

– Có nghĩa là đôi tay này chứ gì. Nguy hiểm về mặt xã hội.

– Chuyện cổ tích? Cậu đã cho kẻ nào đó nếm mùi chăng?

Nexte liếc nhìn Epghênhi Kadimirôvich.

– Không lẽ trông tôi giống một tên giết người ư?

– Rõ. Thuộc giới phú nông?

– Chà, ông… Vậy mà cũng là dân trí thức, có học. Bọn kulắc phú nông thì bố tôi đã từng bóp hết ngay từ hồi nội chiến kia…

Epghênhi Kadimirôvich chẳng biết làm gì khác, ngoài một cái nhún vai.

Và im lặng một lúc, Nexte bắt đầu kể chuyện về bản thân mình.

Và đây là câu chuyện của anh mà Epghênhi ghi nhớ được.

Đầu mùa xuân năm 30, Nexte và một người bạn cùng làng ra khỏi Hồng quân trở về. Hai người lòng phấn chấn, vừa đi vừa ca hát. Họ đã phục vụ Tổ quốc một cách vinh quang. Còn trước mặt là những cuộc gặp gỡ với người thân thuộc, với người yêu thương. Nói tóm lại, đầy niêm vui sướng.

Chiều tối Nexte về tới gần căn nhà gỗ thân thuộc. Trong cửa sổ không thấy ánh đèn lửa. Không ai ra đón anh. Quỷ quái gì thế này? Anh chẳng đã viết thư cho cha anh rồi sao? Mà chó nhà đâu? Tại sao nó không sủa? Tại sao nó không bay ra nhảy chồm bám lên ngực anh?

Nhưng tất cả những điều ấy chỉ là những chuyện vặt vãnh so với những gì anh nhìn thấy trong nhà, mọi cái đều tan hoang, đổ gẫy và không một bóng người… Chỉ có một con mèo, khi anh bật que diêm lên, nó lao vút lên phía sau bếp lò một cách hoang dại.

Nexte chạy bổ sang hàng xóm. Có chuyện gì xảy ra vậy. Bố anh đâu? Mẹ anh và các em gái của anh đâu?

Bị đày đi Xibir cả rồi.

Tại sao lại đi Xibir? Bố anh bị đày đi Xibir ư? Một chiến sĩ Hồng quân. Xuất thân từ bần nông. Đã dựng lên chính quyền Xô viết trong nội chiến ở chính đây cơ mà.

– Không, cái này vớ vẩn thế nào ấy. Phải lập tức đến Xô viết xã, rồi lên tỉnh hỏi cho ra nhẽ.

– Ấy, tốt hơn là đừng có đi, người anh em ơi! – Bác hàng xóm khuyên can. – Chứ không người ta sẽ tóm cổ cả anh nữa đấy. Và nói chung, hiện thời vẫn còn chưa muộn, chuồn khỏi nơi đây là tốt nhất…

Ra khỏi nhà người hàng xóm, Nexte như người mất hồn. Không lẽ những chuyện đó lại là sự thực ư? Không lẽ anh lại phải chạy trốn khỏi làng quê thân thuộc của mình hay sao?

Gần căn nhà gỗ của mình, anh nghe có tiếng ai sụt sịt. Anh đi tới. – Timôkha. Anh ta ngồi trên hiên nhà và khóc. Hóa ra cả anh ta cũng được số phận chuẩn bị sẵn cho một món tặng vật như thế. Hóa ra là cả gia đình anh ấy cũng bị đày đi Xibir rồi.

Mà sự thể, như sau này Nexte biết được, hóa ra là như thế này… Trong làng bắt tay vào xây dựng nông trang, người ta thông qua một danh sách xem ai là kulắc phú nông để đánh đổ. Người ta nêu một tên họ, nêu tên họ thứ hai. Và bỗng nhiên bố Nexte nghe thấy người ta đọc đến cả tên họ của bố Timôkha.

– Ơi bà con, bà con làm sao vậy? Ông ấy đã chiến đấu cùng với tôi kia mà, suốt cả cuộc nội chiến chúng tôi đã cùng nhau tiêu diệt kẻ thù.

– Sao thế, anh ủng hộ tên kulắc ấy hả? Mà chính anh cũng là kulắc đấy thôi! Kia kìa, nhà anh lợp mái tôn hẳn hoi. Năm ngoái anh chở bao nhiêu lúa mì ra chợ?

– Thưa bà con, thì tôi chỉ thực hiện chỉ thị của chính quyền Xô viết mà thôi. Vlađimia Ilich Lênin đã nói gì sau cuộc nội chiến? Hãy làm gương, hãy trồng nhiều lúa mì hơn. Vì thế tôi đã vun trồng, đã nuôi chính quyền Xô viết, còn khi cần, cầm súng bảo vệ nó.

Nói chung, dù bố Nexte có chứng minh gì đi nữa, ông vẫn bị quy là phần tử kulắc và bị đày đến vùng Xibir lạnh giá. Trong những toa chở bò. Cùng một nhóm với những kẻ mà ông đã chiến đấu chống lại trong cuộc nội chiến.

– Bây giờ thì chúng ta biết làm gì đây, Nexte? Biết đi đâu bây giờ? – Timôkha nghẹn ngào, giọng đầy nước mắt.

Hai người quyết định đi Xibir. Đi tìm người thân. Giấy tờ có đủ, quân phục Hồng quân, chắc hẳn chẳng ai dám bắt giữ.

Họ đi khá lâu. Nhưng cuối cùng ở Xibir họ đã tìm ra dấu vết của đoàn tàu. Và bây giờ té ra là không phải chỉ có hai người họ ở trong tình cảnh như vậy. Những kẻ đáng thương như họ, những chiến sĩ Hồng quân mới giải ngũ, mà nhà cửa bị tan hoang kể có đến hàng chục.

Họ đã bàn bạc nhau cùng hành động.

Và rồi Nexte và Timôkha tìm thấy người trong gia đình. Đầu đội trời, chân đạp đất. Túm tụm bên nhau, như dân Digan. Cơ man nào là người. Và gần như không có lính canh gác. Đất mẹ Xibir – chạy đi đâu được?

Nhưng hóa ra là đến đây con đường khổ ải của những con người này cũng chưa phải đã chấm đứt. Họ còn bị xua đi tiếp, qua cả rừng taiga tới miền băng giá. Đào vàng. Xong việc ở đấy thì họ phăng teo. Nếu như anh không chết rấp vì đói thì bệnh hoại huyết cũng sẽ kết liễu đời anh. Chưa một người nào từ chỗ đó mà được mạnh chân khỏe tay trở về.

– Nhưng có, có những miền đất ở Xibir, – Một ông cụ người địa phương nói. – ở đó có thể sống ra con người.

Tự do, và có thể tìm đến đó, hàng đời yên ổn, không ai tìm ra nổi.

Mọi người nắm tay theo cụ. Ai là người muốn đi vào chỗ cầm chắc cái chết?

Và thế là nảy ra một ý đồ điên rồ – bỏ trốn. Đi tìm nơi có thể sống được. Người quyết định tiến hành công việc như thế tập họp được không phải là ít. Tất cả đều là những người dũng cảm nhất, dẻo dai nhất.

Trang bị thóc giống, bánh mì – trút bỏ ra mọi thứ, để có cái đem đổi lấy được. Rồi sau đó bắt đầu tìm ra bờ sông theo từng nhóm, từng nhóm một.

Mọi người đóng bè mảng, ngồi lên rồi nhổ neo.

Bơi mảng trên sông mất một hồi lâu, phần lớn là bơi trong đêm. Chung quanh rừng cây hoang vắng. Xa lạ. Cô tịch. Nhưng cũng vui tịnh không một bóng người.

Cuối cùng họ đổ bộ lên bờ. Bè mảng phải đem đốt hết để phi tang. Bây giờ thì cứ thử đi mà tìm họ. Sau đó họ còn luồn rừng đi bộ mấy ngày đường nữa. Và họ đã tìm ra một địa điểm – một con sông nhỏ với những bãi cỏ ngập nước. Cả chim. Thú rừng. Nhiều vô kể. Hạt dẻ, quả rừng đều sẵn.

Và thế là họ bắt đầu gây cuộc sống trên mảnh đất hoang dại. Họ bắt đầu chặt cây, đánh gốc, dựng lên những căn nhà gỗ đầu tiên.

Lúa mì trên những thửa ruộng đầu tiên bị băng lạnh chết mất cả. Và họ đã phải chịu đựng, đã phải nếm trải mất hai năm. Họ biết rõ – như vẫn thường nói – chỉ có Chúa với lại chính bản thân họ mà thôi. Không có lúa mì – một nửa số người bị chết vì đói. Quần áo không có. Giày dép không có. Thêm vào đó lại còn tai họa nữa của Xibir: ruồi nhặng, muỗi mòng…

Nhưng dù thế này hay thế khác, họ vẫn trụ được. Rễ đã bám được vào mảnh đất chẳng lấy gì làm ngọt ngào này.

Về đến đây thì một vấn đề mới lại được đặt ra: sống như thế nào đây?

Trước đó, khi họ phải vật lộn để mà sống sót, mọi người không ai nghĩ tới vấn đề này. Họ sống quần tụ. Và tất cả mọi người, không cần ai thúc giục, đều làm lụng gắng hết sức. Còn bây giờ, khi họ đã đứng vững được đôi chút, dục vọng con người bắt đầu nổi lên. Bắt đầu nổ ra chuyện cãi cọ, xung khắc. Thậm chí máu kulắc đã nổi lên ở người này người kia (trong số họ có cả những người thực sự là dân kulắc): liệu có thể sống dựa dẫm vào người bên cạnh được chăng?

– Chúng ta sẽ sống như cha ông chúng ta đã sống. – Một số người đã nói như thế.

Nhưng các cựu chiến sĩ Hồng quân và bọn thanh niên kiên quyết chống lại những người kia.

– Không. – Những người này tuyên bố. – Chúng ta sẽ sống theo chế độ Xô viết. Chẳng lẽ chúng ta đã đổ máu vì chính quyền Xô viết một cách phí hoài sao? Ta hãy làm như thế này: Xây dựng một chính quyền Xô viết thực sự.

Và họ đã bắt đầu xây dựng chính quyền Xô viết. Mọi việc đều thông qua con đường bầu cử. Giới lãnh đạo không có một đặc quyền đặc lợi nào. Kẻ nào không làm kẻ ấy đừng ăn. Và còn nhiều điều nữa cũng theo tinh thần như vậy.

Dần dà, họ đạt được cả quan hệ với thế giới bên ngoài. Với điểm dân cư gần nhất – điểm dân cư ấy cách chỗ họ cũng phải ba, bốn trăm cây số – họ chở tới đó các sản phẩm của mình: lông thú, cá. Còn ở đó, họ mua về cho mình mọi thứ cần thiết.

Nói chung là họ sống được, phong lưu lên. Nhà cửa khang trang. Một thôn xóm khá giả, no đủ. Họ tổ chức câu lạc bộ, thành lập trường học, và trường học mang tên Lênin. Chúng ta sẽ sống theo Lênin!

“Nhưng liệu có phải đã đúng theo Lênin chưa?” – Những người cựu chiến sĩ Hồng quân suy nghĩ.

Liệu Lênin có tán thành họ hay không? Họ đã kéo nhau vào rừng taiga, đã quay lưng lại với thế giới bên ngoài, với cuộc đấu tranh. Chẳng nhẽ đấy mà là chính quyền Xô viết ư? Cuộc đấu tranh một sống một chết diễn ra năm Mười bảy, là vì cái này ư?

Không rõ mọi chuyện này sẽ được giải quyết ra sao, nhưng giữa lúc đó xảy ra một sự việc. Một lần vào mùa hè trong khu vực xóm làng của họ đã xảy ra một tai nạn máy bay. Xử lý thế nào đối với anh phi công đây? Bởi vì nếu thả anh ta ra, thì bí mật của họ thế là chấm dứt. Và người ta sẽ bắt họ phải chịu đựng những cực nhục như thế nào?

Một số người kiên quyết hơn cả đề nghị thủ tiêu anh phi công.

– Người ta không thương xót chúng ta, thì hà cớ gì chúng ta lại phải có lòng thương xót?

– Không, – Số người khác bác lại. – không được giết người vô tội. Chính quyền Xô viết thực sự không bao giờ hành động như vậy. Tốt hơn hết là chúng ta cứ kể rõ cho anh ta biết, chúng ta là những ai và giới thiệu cuộc sống của chúng ta cho anh thấy. Rồi sau đó sẽ bàn bạc thêm với anh ta.

Họ đã làm đúng như vậy.

Anh phi công rất thích thú cuộc sống của họ. Đúng, anh ta bảo: đây là chính quyền Xô viết thực sự. Và sau đó anh ta đã thề không bao giờ, kể cả phút lâm chung, anh ta cũng không tiết lộ bí mật của họ.

Việc hỏng hóc của máy bay hóa ra không có gì đáng kế. Họ đã mau chóng sửa chữa xong. Và một hôm, xúc động chia tay, anh phi công đã bay đi.

Bây giờ, khi đã có người từ thế giới rộng lớn đặt chân đến chỗ họ, những con người ở đây càng suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống – sự tồn tại của mình. Không, không thể sống mãi như thế này. Cuộc sống của những kẻ ẩn dật – đó không phải là con đường do Lênin vạch ra. Phải ra đầu thú, đúng hơn, phải đến tỉnh lỵ gần nhất và kể hết mọi chuyện đang có và mọi chuyện đã qua.

Có người đề nghị về thẳng Mátxcơva. Ở đó có Kalinin. Bản thân ông cũng vốn là nông dân. Ông sẽ phân xử. Ông sẽ hiểu lòng chúng ta. Thực ra thì chúng ta có làm điều gì xấu đâu. Người ta đã xúc phạm chúng ta một cách bất công. Nhưng chúng ta ngay ở nơi lưu đày cũng đã sống theo cách sống Xô viết, sống trong một nông trang. Chúng ta đã xới đất lật cỏ. Chúng ta đã chinh phục rừng taiga. Mà ngay ở thời cũ thì chỉ vì mỗi việc ấy thôi cũng đáng được thưởng mề đay lắm rồi.

Và họ đã quyết định như thế: cử đại biểu về Mátxcơva.

Nhưng các đại biểu đã không kịp ra đi.

Đang đêm, làng của họ đã bị lính đến vây chặt. Mọi người – già, trẻ, lớn, bé – bị xua hết ra khỏi nhà, trong bộ quần áo ngủ. Lính tách riêng phụ nữ và trẻ em. Sau đó họ đốt làng.

Có một đêm như thế. Những con người đứng trước mũi súng trường, hai tay giơ lên cao, trước mắt họ, làng xóm của họ bốc cháy, chính quyền Xô viết của họ bốc cháy.

Nexte ngừng kể. Và anh lại đặt hai bàn tay mugich nặng nề lên đùi, nhìn chúng. Epghênhi Kadimirôvich cũng đưa mắt nhìn hai bàn tay ấy, rồi nhìn Nexte. Và ông không biết nên nghĩ thế nào.

Bảy năm sống trong các trại cải tạo, ông đã được nghe đủ thứ chuyện. Nhưng câu chuyện này… không lẽ tất cả những gì mà Nexte kể đều là sự thực hay sao?

Mà có thể đó chỉ là chuyện bịa đặt. Có thể đó là một di sản của câu chuyện cổ tích về hạnh phúc của người dân, một truyện cổ tích được Nexte sáng tác lại theo lối mới? Tại đây, sau hàng rào dây thép gai, anh ta không biết để đôi tay lam làm của mình vào công việc gì?

Nhưng quả là thực đau lòng: mọi điều mà Nexte đã kể cho ông nghe nó giống như câu chuyện cổ tích, một câu chuyện cổ tích khủng khiếp, trong đó cái thực, cái hư quyện chặt với nhau một cách khó tin nhất.

Bình luận