Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truyện Ngắn Đặc Sắc Nga

Đại Tá Giagata

Tác giả: Nhiều Tác Giả

Đôi khi quá khứ đan kết với hiện tại hay, nếu các bạn muốn nói khác, hiện tại đan kết với quá khứ một cách thật hết sức lạ lùng. Có khi chúng ta buộc phải chia ly với những con người mà ta không muốn chia ly, nhưng có khi… có khi ta phải gặp lại những kẻ thù mà ta không thể chịu nổi và thậm chí gặp lại những kẻ mà ta coi như đã chết. Chuyện ấy thêm một lần nữa khẳng định chân lý rằng không phải mọi cái trong cuộc sống đều theo quy luật và sự ngẫu nhiên đóng một vai trò không nhỏ trong đó.

Chẳng hạn, do sự ngẫu nhiên như vậy mà tôi đã phải nhiều lần gặp lại một kẻ khó chịu nhất trần đời. Dốc mọi sức lực tôi cố gắng tránh hắn, nhưng hắn vẫn cứ xuất hiện lại trên con đường đời của tôi. Một lần tôi thậm chí đã nhìn thấy xác hắn, nhưng gần một phần tư thế kỷ sau tôi lại chạm trán, mặt giáp mặt với con người ấy và trong những hoàn cảnh khá là lý thú. Tuy nhiên, tôi xin kể chuyện cho có đầu có đuôi…

Hồi thanh niên tôi bị mắc một chứng bệnh gì bí hiểm. Nói thật ra thì cho đến bây giờ tôi cũng vẫn chưa biết cái bệnh ấy là bệnh gì. Một trong các bác sĩ đã tìm ra là tôi viêm ruột thừa, có nghĩa là viêm mấu hình giun của manh tràng và người ta đã mổ cho tôi. Nhưng tôi vẫn đau đớn như cũ. Ông thầy thuốc khác cho rằng tôi có sỏi trong thận, ông đã lấy ra được một hòn trong số đó. Nhưng tôi vẫn ốm.

Ông đốc tờ thứ ba, gọi hai vị trước là những tên lái ngựa, chẩn đoán là tôi loét tá tràng. Người ta cắt chỗ ấy đi mất một nửa, và tôi vẫn lại chẳng thấy hơn gì. Tôi gầy mòn vì những cuộc mổ xẻ, vì vậy người ta gửi tôi đến nhà an dưỡng để phục hồi cái sức khỏe đã bị rệu rạo.

Và… sự thể trở nên ổn. Ở đấy người ta không dọa dẫm tôi phải cắt bỏ, lấy ra, làm ngắn bộ phận nào đó trong cơ thể. Tôi sống lặng lẽ, bình yên, lấy lại được niềm tin vào cuộc sống. Nhưng đến lúc ấy thì thật là bất hạnh, lại xảy ra một việc phá đi mất tình trạng cân bằng về tinh thần của tôi.

Vào một ngày đẹp trời, một người đàn ông trẻ trung, mặc bộ lễ phục cấp đại tá đến nhà nghỉ. Người ta xếp ông ấy bên cạnh tôi. Qua bức vách ngăn mỏng manh tôi nghe rành rọt mọi chuyện ông ta đùa giỡn với cô y tá của chúng tôi như thế nào, tuôn ra những câu bông đùa nhà binh tục tĩu và cười bằng cái cười nghe khó chịu. Còn khi một mình, ông ta đi đi lại lại từ góc này đến góc kia bằng những bước chân người lính chắc nịch, rống lên hát đi hát lại một bài.

Chẳng bao lâu sau tôi đã thuộc lòng cả lời bài hát ấy và thậm chí bây giờ tôi còn có thể nhắc lại không hề vấp.

Nếu như trái tim tràn đầy dũng cảm

Nếu như anh không sợ hãi kẻ thù

Nếu như bao giờ cũng sẵn sàng lưỡi kiếm

Nếu như bao giờ cũng sẵn sàng xung trận

Nếu như trung thành vô hạn với quê hương

Và bao giờ cũng kịp đến xả thân

Có nghĩa là anh là con người đáng tin và chung thủy

Có nghĩa là, anh là người Látvia chân chính

Có nghĩa là, anh là người Látvia chân chính…

Và chính vì “người Látvia chân chính” ấy mà tôi phải trải qua không phải chỉ một phút buồn rầu. Sự thể ở đây không chỉ vì bài hát và những cuộc hành binh náo động của ông ta. Tôi hẳn trốn tránh được những điều đó một cách khá là đơn giản: tôi chỉ việc lấy bông thút nút chặt hai lỗ tai. Điều khủng khiếp nhất bắt đầu vào ban đêm, khi người hàng xóm của tôi ở nhà ăn trở về, tuôn ra những thanh huyền của mình đến tột độ và rền vang một thứ giống như chiếc côngtrơbát sai điệu. Trong những trường hợp như thế ông ta thường quên cả lời lẫn giai điệu, mà vì thế chỉ đơn giản rống lên ư ử, cuối cùng dốc toàn lực nhấn mạnh vào câu kết thúc: “Có nghĩa là anh là người Látvia chân chính, có nghĩa là anh là người Látvia chân chính”.

Nhưng vì lẽ công bằng cũng phải nói là ông đại tá của tôi mau chóng mệt, hoàn toàn như một người trần tục bình thường và khi ấy ông ta nằm vật ra giường, cái giường rên lên thảm thiết dưới sức nặng của ông ta. Còn tôi, thở phào nhẹ nhõm, chìm đắm vào những cơn ác mộng.

Nhưng ngay cả thời gian tạm nghỉ như vậy kéo dài cũng không được lâu. Tôi bị đánh thức dậy bởi những âm thanh lạ lùng, rất mạnh, vang từ bên kia vách ngăn mỏng sang: ở bên đó có gì đó gầm gừ thở phì phì, rít lên. Có cảm giác vừa có một cái máy bay bị tai nạn bay lạc vào buồng của người hàng xóm hay một chiếc ô tô thời thượng cổ lăn bánh vào đấy chăng.

Tôi nhét bông vào lỗ tai và trùm kín đầu. Nhưng đều vô ích. Tiếng phì phì và tiếng rống mỗi lúc một thêm to. Tôi còn đang tìm một cách hiệu quả thoát khỏi cái tình trạng vừa nảy sinh ấy thì đột nhiên viên đại tá bị tiếng ngáy của chính mình đánh thức, bắt đầu trăn trở trên giường. Sau đó những quả đấm của ông ta thụi vào bức vách ngăn rung lên.

– Ông cần gì vậy? – Tôi vội lên tiếng đáp.

– Ông đừng có mà ngáy thế nữa! – Viên đại tá rống lên bên kia bức vách. – Và đừng có làm tôi thức dậy.

– Không thể như thế được, – Tôi rụt rè bác lại. – tôi không có thói quen ngáy trong khi ngủ.

Người hàng xóm của tôi bập môi bực bội:

– Thế có ai lại nghe tiếng ngáy của chính mình kia chứ? – Ông ta thốt lên và ngay tức khắc chuyển sang “anh”, bắt đầu nghiêm khắc quát mắng tôi, hệt như đối với một người lính dưới quyền. – Anh phải bỏ cái thói quen ngu ngốc ấy đi. Với cái thói quen ấy làm sao anh đánh nhau được? Ngay từ xa kẻ thù đã nghe tiếng trung đoàn của anh bố trí ngủ đêm ở đâu, sẽ cho bao vây và tiêu diệt. Ghi nhớ cho kỹ. Người lính có thói ngáy, khi đi ngủ ở nơi sát nách địch nhất thiết phải nằm nghiêng bên phải để không đè lên tim. Còn mũ sắt và túi dết cấm không được đem gối đầu. Những thứ đó phải ở ngay dưới tay để người bên cạnh bất cứ lúc nào cũng có thể dùng chúng mà bịt họng anh lại khi anh ngáy quá to.

– Nhưng tôi không có mũ. – Tôi nói chêm vào.

– Sao lại không có? Để mất đâu rồi? – Viên đại tá quát to. – Ngay ngày mai lập tức phải báo cáo với đại đội trưởng rằng vì đánh mất mũ sắt, đại tá Giagata phạt tống giam anh hai ngày hai đêm. Anh sẽ ngồi tù khi hết hạn tập luyện. Rõ không?

– Rõ, thưa ngài đại tá. – Tôi trả lời theo kiểu quân sự, hy vọng như vậy sẽ làm yên lòng ông ta. – Hai ngày hai đêm ngồi nhà cải hối khi hết hạn luyện tập.

– Như vậy, như vậy đó. – Từ bên kia vách ngăn vọng sang. – Và cấm không một âm thanh nào nữa. Tôi là tống vào xà lim biệt lập đấy!

Ở buồng bên ấy mọi cái đã lắng im, nhưng chỉ lát sau ở đấy đã nổi lên tiếng chiếc máy bay bị tai nạn. Còn tôi run rẩy vì sợ, chờ đợi phải nhận những lời quở mắng mới và nóng lòng nóng ruột mong cho trời sáng để sau bữa ăn sáng sẽ đi vào cánh rừng nhỏ đánh một giấc ngủ cho đã.

Sáng hôm sau, viên đại tá ở khách sạn trở về và sau khi trình diễn tiết mục độc tấu thường lệ của mình, liền đi nằm ngủ, mọi cái lại bắt đầu từ đầu. Sự khác biệt chỉ ở chỗ bấy giờ ông ta không đấm vào vách ngăn mà đấm vào cửa ra vào. Khi tôi ra mở cửa, viên đại tá mặc bộ quần áo ngủ nhàu nhịt tức tối xộc vào buồng tôi. Đưa mắt nhìn bao quát đôi chân trần run rẩy của tôi, ông ta ra lệnh:

– Che cái của nợ ấy lại!

Tôi vật vã mặc quần dài và đứng theo tư thế nghiêm.

– Lại không cho người ta ngủ? – Ông ta nói nhanh ẩn giấu sự đe dọa. – Lại ngáy hả? Thế nào, anh định báo cho quân địch chỗ đóng quân của bên ta hả?

– Nhưng tôi đâu có ngáy thưa ngài đại tá. – Tôi cãi lại.

– Thế kia đấy! – Ông ta quát ầm lên. – Người ta bắt quả tang, mà còn chối cãi. Anh làm sao, muốn kẻ thù tiêu diệt nát trung đoàn của ta hả? Ta mà biết trước thì ta đưa anh về đội nhạc hơi của trung đoàn. Ở đó thì cứ việc ngáy suốt từ sáng đến tối. Nhưng một khi anh là lính, anh phải phục tùng kỷ luật, hiểu chưa? Nếu không ta sẽ đưa anh như một tên phản bội ra tòa án binh. Ngáy ở trong quân đội cũng chính là phản bội.

– Nhưng thưa ngài đại tá… – Tôi lại toan cãi lại.

Nhưng Giagata rút khẩu súng ngắn trong túi áo ngủ ra và gí vào dưới mũi tôi.

– Câm miệng!… – Ông ta quát. – Chứ không ta sẽ gửi anh sang thế giới bên kia không cần tòa án binh gì nữa. Khi người lính không thi hành mệnh lệnh, chỉ huy có quyền bắn tại chỗ, hiểu không? Thấy ngay là anh coi thường kỷ luật mà. Tìm thấy mũ sắt chưa?

– Nhưng mà tôi làm gì có kia chứ! – Tôi lắp bắp.

– Sao lại không có? – Đại tá Giagata ngạc nhiên, vẫn cầm súng nhằm vào tôi. – Anh hãy chuyển lệnh ta sáng mai đại đội trưởng phải lên gặp ta mang theo sổ quân trang. Ta sẽ đích thân kiểm tra và liệu đó, nếu mà nói láo thì… – Ông ta vừa nói vừa huơ huơ khẩu súng ngắn. – Còn bây giờ đi đến buồng đầu nhà và sao cho không có một tiếng động nào nữa! Rõ chưa? Không một tiếng động…

Cất khẩu súng ngắn vào túi áo ngủ, ông ta bỏ đi, sập mạnh cửa lại. Còn tôi, thở không ra hơi, vội mặc quần áo, thu nhặt đồ đạc và rón rén trên đầu ngón chân đi ra ngoài đường. Khi đi được tới nhà ga, tôi có cảm giác như tôi vừa thoát được khỏi giá treo cổ.

Đến đây có thể đã kết thúc câu chuyện nếu như chúng tôi không gặp lại nhau và không phải chỉ một lần. Lần đầu tiên xảy ra sau chuyện nhà nghỉ tại các khóa tập trung quân sự mùa hè mà tôi bị gọi đi. Chỉ huy trại hóa ra là đại tá Giagata. Tôi cố tránh mặt ông ta nhưng ông ta vẫn nhận ra tôi. Một lần vào buổi tối, ông ta gọi tôi tới gặp và lần này gọi tôi bằng “ông”, hỏi tôi:

– Hình như chúng ta có quen nhau thì phải?

– Đúng như vậy ạ, thưa ngài đại tá.

– Như vậy là, ông đào ngũ?

– Thưa, sự thể nó là thế, thưa ngài đại tá? – Tôi trả lời, cho rằng viên chỉ huy đùa. Nhưng đôi mắt ông ta lóe lên ánh sáng hung dữ.

– Thế ông có biết vì tội ấy sẽ bị sao không?

Tôi cố giữ sao cho đây vẫn là chuyện đùa, và vì thế mỉm cười nhận xét:

– Thưa ngài đại tá, nhưng tôi đã đào ngũ không phải từ quân đội, mà từ nhà nghỉ.

– Không có gì khác nhau cả! – Ông ta quát. – Kẻ đào ngũ có khả năng bỏ chạy bất cứ từ đâu. Tối hôm qua đã có ba tên đào ngũ khỏi trại và tôi cho rằng, đó là theo gương ông.

– Xin thề có Chúa, tôi chẳng dính dáng gì ở đây, thưa ngài đại tá.

– Thôi được, lần này thì tôi tin. – Viên đại tá nói một cách ảm đạm. – Còn chuyện ngáy của ông thế nào?

Thái độ hồn hậu của viên đại tá khuyến khích tôi, thế là tôi mạnh dạn kể lại chuyện như trên thực tế có thật, viên đại tá tím mặt lại tức tối.

– Anh nói láo! – Ông quát to. – Trong đời ta chưa hề ngáy. Nếu không từ lâu ta đã bay khỏi hàng ngũ sĩ quan. Ngáy – đó là đồ lợn, là phản bội. Vì tội thóa mạ chỉ huy – phạt ba ngày nhà cải hối! Đằng sau… quay!

Ông ta hô khẩu lệnh:

– Đến nhà cải hối… bước!

Nện rõ từng bước chân, tôi đi tới phòng giam. Hết hạn ba ngày, như một kẻ có vết chính trị, tôi bị chuyển tới đại đội phạt và vì thế không còn liên quan đến đại tá Giagata nữa, tuy nhiên về sau đường chúng tôi đi lại gặp nhau.

Khi bọn phát xít tiến công vào nước Látvia Xô viết, tôi chỉ huy một đơn vị những người tình nguyện tiến hành cuộc đấu tranh chống bọn thổ phỉ và biệt kích ở hậu phương của chúng ta. Và sau một lần đụng độ ở gần biên giới Extônia, trên lề rừng còn lại xác mấy tên thổ phỉ bị quân ta bắn chết. Một người trong bọn chúng khiến tôi nhận ra: đó là đại tá Giagata. Bên cạnh xác của hắn lăn lóc đôi ủng láng bóng: rõ ràng là viên đại tá đã tháo ra trước đó để chạy được gọn hơn.

Chúng tôi không có thời gian bận tâm tới hắn, phải lao đi tóm bắt những tên thổ phỉ còn lại đang còn trốn trong rừng. Tưởng là đến đây thì tôi có thể tin chắc mà xóa bỏ tên Giagata ra khỏi đầu óc nếu như trong thời gian đi thăm miền Nam nước Pháp mới đây, chính xác hơn là ở Nixơ, hắn lại không hiện ra trước tôi. Và chuyện ấy xảy ra như thế này.

Tôi dừng chân lại khách sạn Anbéc, cửa sổ của khách sạn nhìn ra quang cảnh tuyệt vời, chỗ dạo chơi tràn ngập ánh sáng. Tuy nhiên tối hôm ấy tôi không màng gì đến vẻ đẹp và quang cảnh. Đi đường mệt mỏi, tôi đi ngủ sớm. Nhưng tôi chỉ vừa chìm vào giấc ngủ lơ mơ thì bên kia tường vang lên tiếng ngáy ầm ầm, dường như có ai đó cố công một cách vô hiệu quả nổ máy chiếc máy bay. Đột nhiên tiếng ngáy chấm dứt, tiếng giường cọt kẹt, và qua một phút người ta gõ cửa buồng tôi. Tôi trở dậy ra mở cửa và thấy bên ngưỡng cửa là một lão già khô khẳng mặc áo véttông. Tay trái lão không còn, con mắt phải của lão được che bằng mảnh băng đen, với cái cúi chào lịch sự, lão xin lỗi vì đã đến làm phiền, rồi nói:

– Mơxiơ, ông có thể se sẽ một chút ít được không?…

– Không lẽ tôi làm ồn? – Tôi hỏi, nhún vai.

– Biết nói thế nào với ông. – Lão già nói nhanh, luôn vấp. – Ông ngáy, và cứ ngáy to đến mức tôi phải tỉnh lại. Xin lỗi ông, nhưng điều đó đúng như vậy.

Tôi nổi nóng. “Lại một tên mất trí nữa” – tôi nghĩ bụng. Nếu như chính mắt tôi không nhìn thấy xác tên Giagata thì có lẽ tôi quyết định ngay là đứng trước tôi đây phải là hắn. Nhưng ngược lại với những hy vọng của chúng ta, những người chết đâu có sống lại. Và vì thế tôi cố trấn tĩnh và với khả năng có thè,, tôi trả lời người lạ này một cách lịch thiệp:

– Mơxiơ thân mến, nếu như có người nào đó ngáy thì đấy hẳn chỉ là ông.

– Nhưng chính tôi đến phàn nàn ông chứ không phải ông đến tôi.

– Cái đó chẳng có nghĩa là gì hết, – Tôi nói, bất giác cười khẩy. – trước đây tôi có biết viên đại tá Giagata.

Người khách lạ mở to con mắt độc nhỡn của mình.

– Ông biết tôi ư?

– Không – ông, – Tôi nói một cách thiếu tự tin. – không lẽ…

– Đúng. Tôi là Giagata mà. Trước kia tôi là đại tá trong thời gian chiến tranh, phục vụ trong các đơn vị SS, chỉ huy trung đoàn. Đã được tặng thưởng chữ thập sắt và các huân chương khác. Và vì thế tôi hết sức yêu cầu ông…

– Nhưng sao lại như vậy nhỉ! – Tôi thốt lên. – Bởi vì ông đã chết ngay trong những ngày đầu chiến tranh kia mà.

– À, ra chuyện ấy! – Lão dài giọng. – Đấy chẳng qua chỉ là cái mẹo thôi. – Và bật ra tiếng cười khí khí đểu giả, lão tiếp. – Mẹo quân sự mà! Còn ông có biết kẻ nào phản bội chúng tôi khi đó không. Một trong những tên ngáy đêm đấy. Cũng như ông ấy. Vì thế, tôi đã trừ khử cả bọn chúng như những tên phản bội.

– Nhưng dù sao đi nữa ông vẫn là xác chết. – Tôi bình tĩnh nói với lão. – Chuyện gì mà ông lại ngủ ở khách sạn nhỉ. Ông đi ra nghĩa địa đi! Chỗ của ông là ở đấy.

Và không còn lịch sự gì thêm nữa, tôi đuổi lão ra khỏi cửa. Nhưng viên chỉ huy đội SS cũng chẳng nghĩ tới chuyện đi ra nghĩa địa nào. Lão bỏ về buồng mình, và lát sau từ đó lại vọng sang tiếng ngáy.

Bình luận
1440
× sticky