Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truyện Ngắn Đặc Sắc Nga

Băng Chuyền

Tác giả: Nhiều Tác Giả

Trên mặt sông, đối diện với thành phố, nhóm thợ mộc bảy người hối hả sửa chữa cái cột chắn băng đỡ chân cầu: mùa đông vừa qua, cái cột đã bị đám thị dân ở các xóm ngoại ô dỡ trộm sạch.

Năm nay mùa xuân đến muộn – tháng Ba trẻ đẹp trông cứ như thể tháng Mười già cỗi. Mãi gần nửa buổi – mà chẳng phải ngày nào cũng thế – trên nền trời đầy mây đen, vầng mặt trời nhợt nhạt như trong ngày đông tháng rét mới lấp ló trong những khoảng trống màu lam giữa những đám mây đen ấy, và lạnh nhạt, cau có ngó xuống mặt đất.

Hôm nay đã là ngày thứ sáu của Tuần Lễ Thánh, vậy mà về đêm tuyết tan chảy giọt trên mái nhà lại đóng lại thành những băng nhũ xanh biếc dài tới nửa arsin[1]; băng trên sông, không còn bị tuyết bao phủ, nom cũng xanh như những đám mây mùa đông.

Cánh thợ mộc làm việc, còn ở đằng kia, trong thành phố, tiếng chuông đổng ngân nga buồn bã và thúc giục. Những người thợ ngẩng đầu lên, mắt đăm chiêu nhìn hút vào đám sương mù xam xám bao phủ thành phố, và những lưỡi rìu vung lên để bổ xuống thường ngập ngừng dừng lại giây lát trên cao, hầu như sợ làm đứt mất hồi chuông ngân nga êm dịu.

Đây đó trên dải sông rộng, những cành tùng cong queo chồi lên, đánh dấu đường đi lại, đánh dấu những chỗ băng đã tan và những kẽ nứt trên băng: chúng nhô lên cao như những cánh tay người chết đuối, co quắp vì những cơn giật dội.

Dòng sông gợi nên một cảm giác buồn nản, bải hoải: mặt sông vắng ngắt, đầy những vết lốm đốm như vẩy mụn, như một con đường thẳng buồn tẻ hun hút vào cõi mù mịt, nơi có ngọn gió lạnh buốt, ẩm ướt thoi thóp thở ra.

Thợ cả Ôxip, một lão mugich nhỏ bé chải chuốt, vóc người cân đối, có bộ râu bạc trắng xén vuông vức, xoắn cẩn thận thành những vòng nhỏ trên đôi má hồng hào và cái cổ mềm mại, – luôn luôn có mặt ở khắp mọi nơi và mọi lúc, thỉnh thoảng lại quát tháo:

– Lũ gà con, nhanh tay lên nào!?

Và lão nói với tôi, nửa như khuyên bảo, nửa như giễu cợt:

– Cậu giám thị, làm gì mà cứ hếch cái mũi đần độn của cậu lên trời thế? Ta hỏi cậu, cậu được cắt cử đến để’ trông nom công việc, phải không nào? Cậu là người của ông chủ thầu Vaxi Xergâuts cử đến, phải không nào? Thế nghĩa là cậu phải đốc thúc bọn ta – bọn kia, làm nhanh lên. Đó, cậu được cắt cử đến để lập công trạng như thế, vậy mà cậu, chú bé của ta, cái cây chết đắng chết khô, lại cứ hấp ha hấp háy mắt mà nhìn công việc của mình! Cậu không được quyền hấp háy mắt, cậu phải mở to cả hai mắt ra mà nhìn, và đôi khi phải thét lác lên, vì rằng người ta cắt cử cậu đến với chúng tôi để làm người cai quản… Vậy thì cậu chỉ huy đi, đồ trứng chim cu ạ!

Lão lại quát anh em thợ:

– Đừng có đứng mà ngáp dài nữa! Đồ ma rừng, hôm nay chẳng phải là ngày kết thúc công việc hay sao nào?

Bản thân lão là kẻ lười biếng bậc nhất trong bọn. Lão thông thạo công việc của mình, biết làm ăn một cách tháo vát, sôi nổi, khéo léo và say sưa, nhưng lão không thích nhọc xác và luôn luôn kể’ những chuyện hoang đường. Đúng vào lúc công việc đang trôi chảy, khi người ta say mê và lặng lẽ chăm chú làm mọi việc cho thật trơn tru, đâu vào đấy, thì Ôxip đột nhiên cất lên cái giọng nhỏ nhẹ như tiếng ong vo ve:

– Thế này này, anh em của tôi ạ, có một chuyện…

Hai ba phút gì đó người ta hầu như không nghe lão, mải mê đẽo, bào, chặt, nhưng cái giọng nam cao nhỏ nhẹ cứ mơ màng tuôn ra như nước chảy và quấn quýt lại, làm lẫn lộn, trói buộc sự chú ý của người ta. Đôi mắt xanh lơ trong sáng của Ôxip nheo lại một cách khoan khoái. Lão đưa những ngón tay lên xoắn xoắn bộ râu quăn và, bập môi khoái chí, nhẩn nha buông từng lời như xâu chuỗi hạt vào chỉ.

– Hắn ta bắt được con cá nheo ấy, để nó vào giỏ, đi qua rừng trở về, vừa đi vừa nghĩ bụng: “Chà, sẽ được một nồi canh cá ra trò đấy?” Nhưng bỗng đâu chẳng hiểu từ chỗ nào một giọng đàn bà thánh thót kêu: “Elexya ơi, Elexya à…”

Anh chàng Lenka dài nghêu xương xẩu, người Morđavi, có cái biệt hiệu Narôđetx, – một gã trai trẻ có đôi mắt nhỏ lúc nào cũng có vẻ ngạc nhiên, – buông rìu xuống và đứng ngây ra, mồm há hốc.

– Còn trong giỏ, một giọng trầm trầm ồm ồm đáp lại: “Ở đâ… ây!” và lúc đó trong giỏ có tiếng đập lộp bộp, con cá nheo quẫy mình, nhảy vọt ra và đi trở lại, quay về vũng nước xoáy của mình…

Ông lính già Xanhiavin, một tay nát rượu, cau có, bị bệnh tức thở và từ lâu không hiểu vì sao đã bực bội với tất cả cuộc sống, cất giọng khàn khàn:

– Cá nheo làm sao lại đi trên cạn được, nó là cá kia mà?

– Thế cá có nói được không đã nào? – Ôxip ngọt ngào hỏi lại.

Môkây Buđưrin, gã mugich tăm tối, có bộ mặt như mõm chó, lưỡng quyền và cằm vêu ra phía trước, còn trán thì lại lẹm về đằng sau, – một con người lầm lì và không có gì đặc sắc, chậm rãi tuôn qua mũi mấy tiếng ưa dùng của mình:

– Hoàn toàn đúng…

Và mỗi lần như thế những tiếng ấy lại như những quả đấm chắc nịch nặng nề thụi vào ngực tôi.

Công việc chững lại, bởi vì Bôiep, một gã nói ngọng và lệch người, cũng muốn kể một chuyện gì về cá và đã lên tiếng, nhưng chẳng ai tin gã, người ta cười cái giọng ngọng nghẹo của gã, gã thì thề thốt, chửi rủa, bực bội khua cái đục lên và nuốt nước bọt nén cơn tức tối quát tháo, khiến mọi người bật cười:

– Một đứa thì có nói láo thế nào đi nữa các người cũng cứ vểnh tai lên mà nghe, còn người ta nói chuyện thực cho các người thì các người lại hí tướng lên, quân thô lỗ…

Mọi người bỏ việc, ồn ào, tay không vung tít lên: khi đó Ôxip bỏ chiếc mũ lông ra, để lộ cái đầu tóc bạc trang nhã, hói ở trên đỉnh, và nghiêm nghị quát:

– Thế nào, ngừng tay hả? Các người tự cho phép các người nghỉ hả? Thôi thì tùy!

– Chính ông đầu têu ra lại còn. – Ông lính già khò khè nhổ bọt vào lòng bàn tay.

Ôxip sán đến bên tôi:

– Thế nào, cậu giám thị…

Tôi có cảm giác là lão kể những câu chuyện tầm phơ làm cho mọi người bỏ việc là có dụng ý gì đó, nhưng tôi không hiểu – lão muốn dùng cái ba hoa của mình để’ che giấu sự lười biếng của lão hay là muốn cho mọi người được nghỉ? Trước mặt chủ thầu, Ôxip tỏ ra nịnh nọt luồn cúi, “giả bộ ngu si”, cứ mỗi thứ bảy lão lại moi được của ông chủ ít nhiều cho nhóm thợ “nhấp giọng”.

Nói chung lão là người của “phường hội”, nhưng các ông già không ưa lão, coi lão là thằng hề, biếng nhác, và coi thường lão, còn bọn thanh niên thích nghe lão ba hoa, nhưng cũng chẳng coi lão ra gì, luôn ngờ vực một cách công khai và thường là độc địa.

Anh chàng người Morđavi, một thanh niên có học, người mà đôi khi tôi chuyện trò “tâm tình”, có lần đáp lại câu hỏi của tôi: “Ôxip là người như thế nào?”, cười khẩy trả lời:

– Cũng chẳng biết… có quỷ biết lão là người thế nào… cứ kể cũng không đến nỗi nào…

Và ngẫm nghĩ một lát, anh nói thêm:

– Bác Mikhailô quá cố, một tay mugich trực tính tinh khôn, – có lần đôi co với lão Ôxip ấy, bác ta nói: “Anh mà là người ư? Thằng người làm công trong anh đã ngoẻo rồi, còn ông chủ trong anh thì chửa ra đời, anh, anh sẽ suốt đời ở trong xó xỉnh, như một quả dọi bị bỏ quên lủng lẳng trên dây ấy…” Đấy, nói về lão như vậy có lẽ đúng đấy…

Và ngẫm nghĩ thêm nữa, anh chàng Morđavi băn khoăn nói nốt:

– Kể ra thì lão cũng không đến nỗi nào, cũng tốt bụng thôi…

Giữa đám người này, vị trí của tôi thật dở hết chỗ nói: vì chú thiếu niên mười lăm tuổi, tôi, được chủ thầu cử đến để’ ghi chép những chi phí về vật liệu, theo dõi sao cho đám thợ mộc khỏi ăn cắp đinh, không lôi gỗ đến quán đổi rượu. Đám thợ mộc đã ăn cắp đinh không hê kiêng nể gì tôi, lại còn cố tỏ cho tôi thấy rằng giữa bọn họ, tôi là người thừa, làm họ ngán ngẩm. Và nếu như người nào đó thấy có dịp va mảnh ván vào người tôi hay bằng cách nào khác, gây cho tôi một sự tủi bực nhỏ là họ biết cách làm việc đó rất khéo léo.

Đối với họ, tôi thấy lúng túng, ngượng ngập, tôi cứ muốn nói với họ điều gì có thể dàn hòa giữa họ với tôi nhưng tôi không tìm ra lời lẽ cần thiết, mà cái cảm giác khó chịu rằng mình là con người thừa cứ đè nặng lên tôi.

Mỗi lần tôi ghi vào sổ số lượng vật liệu lấy dùng, Ôxip lại khoan thai đến bên và hỏi.

– Vẽ rồi à? Nào, cho xem với nào…

Lão nheo nheo mắt nhìn vào chỗ ghi chép và nói một cách bâng quơ:

– Cậu viết nhỏ quá…

Lão chỉ biết đọc chữ in, viết cũng viết theo kiểu chữ in sách nhà thờ – kiểu chữ thường lão nhìn không hiểu.

– Cái chậu giặt này là chữ gì vậy?

– Tốt!

– Tô-ốt! Gớm, cái thòng lọng gớm chửa. Thế còn dòng này thì viết cái gì?

– Ván dày một versôc[2] dài chín arsin, năm tấm.

– Sáu tấm.

– Năm.

– Sao lại năm? Đấy, ông lính già chẳng đã cưa một tấm là gì?

– Bác ta làm việc ấy vô ích, không cần thiết…

– Sao lại không cần thiết? Ông lão chẳng mang một nửa đến quán rượu là gì?

Đôi mắt màu xanh lơ như những đóa hoa mua, lấp lánh nụ cười vui vẻ, nhìn thẳng vào mặt tôi, lão lấy ngón tay xoắn xoắn râu cằm và nói một cách trơ tráo tột bực:

– Vẽ sáu đi, đúng như thế đấy! Đồ trứng chim cu ạ, cứ thử nghĩ mà xem, – ướt át, giá buốt, công việc nặng nhọc – người ta cũng phải mua vui một chút cho hởi dạ, lấy rượu sưởi ấm tâm hồn lên chứ? Cậu đừng có nghiệt ngã quá, nghiệt ngã không được lòng Chúa đâu…

Lão nói rất dài, ngọt nhạt, màu mè, lời lẽ cứ tới tấp đổ xuống người tôi, như mạt cưa, lòng tôi hồ như bị mụ mị đi và tôi lặng lẽ đưa cho lão xem con số đã chữa lại.

– Ờ, phải, thế mới đúng. Mà chữ số trông cũng đẹp hơn, gớm chưa, trông cứ như một mụ thương gia ngồi chồm chỗm ấy, bụng phệ, nhân hậu…

Tôi thấy lão đắc chí kể lại cho đám thợ nghe về thành công của mình. Tôi biết rằng tất cả bọn họ khinh bỉ tôi vì tôi đã nhượng bộ, trái tim mười lăm tuổi của tôi ấm ức nấc lên, còn trong đầu tôi thì rối rít những ý nghĩ buồn bã, u tối.

Mọi chuyện này thật là lạ lùng và ngu ngốc. Tại sao lão lại tin chắc rằng tôi sẽ không chữa con số 6 thành con số 5 như cũ và không nói cho chủ thầu biết chuyện họ đã lấy ván gỗ đi đổi rượu để uống.

Có một lần họ ăn cắp hai funtơ[3] đinh bù loong năm phân và đinh đỉa.

– Này, – Tôi báo trước cho Ôxip biết. – tôi ghi việc này lại đấy.

– Cứ ghi đi! – Lão đồng ý, động đậy đôi lông mày bạc. – Quả thực là cái trò đùa mới kỳ lạ làm sao kia chứ? Cứ ghi đi, ghi cái lũ trẻ ranh ấy vào sổ…

Và lão quát đám thợ:

– Này, lũ quân vô tích sự, người ta ghi phạt lũ người về khoản đinh bù loong và đinh đỉa ấy.

Ông lính già cau có hỏi:

– Tại sao?

– Ghi phạt, chứ còn sao nữa. – Ôxip bình tĩnh giải thích.

Đám thợ mộc làu bàu, gườm gườm nhìn tôi, còn tôi thì không tin chắc rằng mình sẽ làm cái việc mà tôi vừa dọa họ – mà nếu tôi có làm thực, thì việc đó tốt chứ sao.

– Tôi sẽ xin chủ thầu bỏ việc thôi, – Tôi bảo với Ôxip.

– Còn các bác thì quỷ tha ma bắt các bác đi! Sống với các bác thì rồi cũng đến thành ăn cắp.

Ôxip ngẫm nghĩ, vuốt râu, ngồi xuống bên cạnh tôi và sẽ sàng nói:

– Đúng lắm.

– Cái gì kia?

– Bỏ là phải. Coi với quản quái gì cái mã cậu. Giữ những chân ấy thì cần phải biết thế nào là của cải, như chó giữ của cho chủ, như giữ chính bộ lông của mình, giữ cái gia tài bố mẹ để lại cho mình… Còn cậu đối với việc này chỉ là con chó con non nớt, cậu chưa cảm biết được của cải cần làm gì. Nếu như bảo cho Vaxi Xergâyits biết cậu đã phóng tay cho bọn tôi thế nào thì ông ta hẳn sẽ cho cậu xơi một cái bạt tai ngay – dứt khoát là thế! Bởi vì cậu không làm lợi gì cho ông ấy mà chỉ làm cho ông ấy thiệt hại, con người ta phải làm lợi cho chủ chứ – cậu hiểu không?

Lão vấn một điếu thuốc đưa cho tôi.

– Hút đi, đầu óc sẽ nhẹ nhõm hơn. Cậu bé bút chì ạ, nếu như tính cậu không lanh lợi và tháo vát như vậy thì lẽ ra tôi bảo với cậu là: liệu mà đi vào nhà tu đi! Nhưng tính cậu không hợp với việc này, tính cậu cục cằn như lưỡi rìu ấy, trong tâm hồn đầy gai ngạnh, có lẽ đến đối với chính cả vị tăng viện trưởng cậu cũng chẳng kính nể. Tính khí như cậu thì chẳng thể chơi bài được! Mà tu sĩ – thì cũng giống như thể con sáo sậu: mổ hạt của ai chẳng cần biết, gốc rễ sự việc chẳng quan hệ gì đến nó, nó no vì thóc lúa, chứ chẳng no bằng rơm rạ. Tôi thành tâm nói tất cả những điều đó với cậu, như tôi nhận xét thì cậu là người xa lạ đối với công việc của chúng tôi – một trứng chim cu lạc tổ…

Lão bỏ cái mũ lông ra – bao giờ cũng làm thế mỗi khi muốn nói một điều gì đặc biệt có ý nghĩa, – lão nhìn lên bầu trời xám tro và bật to thành lời:

– Trước Thượng đế, công việc của chúng tôi là việc ăn cắp ăn trộm, và chúng tôi chẳng mong gì Người thương xót…

– Hoàn toàn đúng! – Môkây Buđưrin lên tiếng, hệt như tiếng kèn clarinet.

Từ bữa đó lão Ôxip tóc bạc quăn quăn có đôi mắt sáng và tâm hồn khó hiểu đối với tôi trở nên lý thú dễ chịu, giữa hai chúng tôi nảy sinh một cái gì giống như tình bạn, nhưng tôi nhận thấy mối quan hệ tốt đối với tôi – không rõ vì sao – lại làm cho Ôxip mất tự nhiên; khi có người khác lão không nhìn tôi, đôi tròng mắt màu hoa mua lơ đãng như không hồn, bối rối đảo lên đảo xuống, run rẩy, và cặp môi lão méo xệch đi một cách giả dối, khó chịu, khi lão nói với tôi:

– Này, theo dõi cho kỹ vào, phải tỏ ra xứng với miếng bánh người ta trả công, chứ không kìa – ông lão lính đang nhai đinh kìa, quân ăn sống nuốt tươi.

Nhưng khi chỉ có riêng hai người, lão với tôi thôi thì lão lại nói năng dịu dàng như khuyên dạy tôi, trong đôi mắt lão thấp thoáng một nụ cười thông minh, và đôi mắt ấy chiếu rọi vào mặt tôi hai luồng ánh sáng xanh lơ. Tôi chăm chú nghe lời lẽ của con người này, coi đó là những lời lẽ đúng đắn, được cân nhắc kỹ, mặc dù đôi khi lão nói khá lạ lùng.

– Cần phải là một người tốt. – Có lần tôi đã nói với lão như thế.

– Ờ, tất nhiên rồi! – Lão đồng ý ngay, nhưng liền đó lão cười tủm tỉm, nhìn đi chỗ khác, nói khẽ. – Có điều nên hiểu người tốt như thế nào đấy? Tôi thì tôi nghĩ rằng người ta cứ nhổ toẹt vào cái tử tế, cái lẽ phải của anh, nếu nó không có lợi cho họ: không, anh hãy quan tâm đến họ, hãy dịu dàng với bất cứ ai, chiều chuộng, an ủi mọi người… chưa biết chừng sẽ có lúc điều đó cũng đến với chính anh? Tất nhiên là chẳng phải bàn cãi gì nữa – là một người tốt, nhìn mặt mình trong gương cũng thú vị đấy… Có điều, tôi thấy rõ rằng đối với người ta thì dù anh là kẻ cắp hay vị thánh hiền cũng thế thôi: chỉ cốt sao anh thân thiết, nhân hậu với họ là được. Đấy, người ta cần là cần cái đó kia…

Tôi rất chú ý xem xét mọi người, tôi cứ nghĩ rằng mỗi một người đều phải làm cho tôi thích thú và hiểu được cuộc sống khó hiểu, phức tạp, tủi hận này, và tôi có riêng một câu hỏi thôi thúc, không bao giờ im tiếng.

“Tâm hồn con người là cái gì vậy?”

Tôi có cảm giác là có những tâm hồn người được cấu tạo như những quả cầu bằng đồng. Chúng gắn chặt trong lồng ngực người ta không suy suyển, chúng phản chiếu tất cả cái gì động đến chúng, phản chiếu bằng một điểm trên bề mặt của mình, vì vậy phản chiếu sai lệch, quái gở và đáng chán. Lại có những tâm hồn bằng phẳng như tấm gương soi, – như vậy thì cũng cầm bằng hoàn toàn không có chúng.

Nhưng tôi có cảm tưởng rằng phần lớn tâm hồn con người ta thường chẳng có hình dạng gì hết, như thể những đám mây và nhiều màu sắc lờ nhờ giống hệt thứ miêu nhan thạch giả, – chúng luôn luôn biến đổi theo màu sắc của vật chạm đến chúng.

Tôi không biết, không thể hiểu tâm hồn của lão Ôxip đúng thực như thế nào, bằng trí tuệ, không thể nào hiểu được nó.

Chính là tôi nghĩ về những điều đó, khi nhìn sang bên kia sông, nơi thành phố bám vào sườn núi đang ca hát, tiếng chuông gióng giả vang ra từ tất cả các tháp chuông vươn cao lên trời, trông giống những ống màu trắng của cỗ đại dương cầm tôi yêu thích trong nhà thờ Ba Lan. Những cây thánh giá nhà thờ chẳng khác gì những vì sao mờ nhạt, bị bầu trời xám giam hãm, chúng nom buồn tẻ, lấp lánh và run rẩy, như cố vươn lên cao hơn nữa tới vòm trời trong trẻo sau bức màn mây xám bị gió xé rách tơi tả. Còn mây lướt nhanh và bóng mây làm phai mờ những màu sắc sặc sỡ của thành phố: những tia sáng mặt trời bắn ra từ những hố sâu xanh thẳm giữa những đám mây, và rọi xuống thành phố, tưới lên nó những màu sắc vui vẻ, thì, mây lập tức che lấp mặt trời, trôi nhanh hơn, bóng mây nặng hơi nước trở nên nặng nề hơn, và tất cả mọi cái lại tối xám, sau khi lóe lên niềm vui sướng chỉ trong giây lát.

Nhà cửa thành phố giống hệt như những đống tuyết bẩn, mặt đất dưới những ngôi nhà ấy đen sạm, trơ trọi và cây cối trong vườn – chẳng khác gì những gò đất ánh phản quang mờ đục của các khung kính trên những bức tường nhà xám xịt gợi nhớ mùa đông, và bao trùm lên tất cả là nỗi buồn da diết của mùa xuân nhợt nhạt phương bắc đang nhè nhẹ lan ra.

Misuc Điatlốp, một gã trai trẻ măng, tóc sáng, môi như môi thỏ, thân hình nở nang, vụng về, thử cất giọng hát:

Sáng ra cô bé đến với chàng

Nhưng chàng đã tắt thở hồi đêm…

– Chà, cái đồ con đĩ! – Ông lính già quát Điatlốp. – Mày quên hôm nay là ngày gì rồi sao?

Bôiep cũng nổi cáu, giơ nắm đấm dọa Điatlốp và huýt sáo:

– Đồ óc chó!

– Chúng ta là dân của rừng rú, sống dai dẳng, sung sức. – Ôxip nói với Buđưrin, lão ngồi vắt vẻo trên đỉnh cột chắn băng và nheo mắt ngắm độ thoải của cột. – Dịch đầu cọc sang bên trái độ một versôc nữa được đấy! Mà nói nôm na ra thì là dân man di mọi rợ. Này nhé, thấy một vị thầy tu là bọn họ ùa ngay tới, vây quanh, quỳ sụp xuống, khóc lóc: Thưa đức ông rất thánh, xin người hãy dùng quyền phép ngăn cấm lũ chó sói cho chúng tôi, lũ chó sói làm tội làm tình chúng tôi! Còn lão già quát họ: “Chà chà, lão nói, các ngươi là dân chính giáo hả? Được, lão nói, ta sẽ đưa các ngươi ra tòa án xử tội thật nặng!” Lão giận dữ, nhổ toẹt ngay vào mõm họ. Lão già ơi là già, một người hiên lành, đôi mắt nhỏ thường chảy nước mắt…

Phía dưới, cách những cột chắn bang chừng hai chục xajen[4] bọn thủy thủ và dân lang thang đang đập băng quanh thành sà lan: họ ráng sức thúc mạnh xà beng đập phá cái vỏ mỏng màu xám của dòng sông, những cây sào mảnh thấp thoáng trên không trung, đẩy các mảnh băng đã bị đập vỡ xuống dưới mặt băng; nước ì oạp từ phía bờ cát, có tiếng nước chảy róc rách. Ở chỗ chúng tôi, bào đưa sồn sột, cưa rít lên, sống rìu đập bình bịch, đóng sâu những chiếc đinh đỉa sắt vào thân gỗ màu vàng đã bào nhẵn – và xen lẫn với những âm thanh ấy, tiếng chuông nhà thờ lảnh lót, đã dịu đi nhiều vì từ xa truyền tới, làm rung động tâm hồn…. Tôi có cảm giác rằng cái ngày màu xám bằng tất cả công việc của mình đang lên tiếng ngợi ca mùa xuân, gọi mùa xuân đến với mặt đất đã tan hết tuyết, nhưng còn trơ trọi và nghèo nàn.

Có người nào gào lên bằng cái giọng khàn khàn vì cảm lạnh:

– Gọi hộ gã người Đư-ức vơ-ới, không đủ người làm…

– Hắn ở đâu?

– Xem ở quán rượu xem…

Tiếng nói nặng nề trôi trong không khí ẩm ướt, buồn bã chảy loang ra trên dòng sông mênh mang.

Người ta làm việc hối hả, sôi nổi, nhưng làm ẩu, qua quýt, ai cũng nóng ruột về thành phố, về nhà tắm và về nhà thờ; Xasốc Điatlốp nóng ruột hơn cả. Cũng như anh, Xasốc tóc màu sáng, hệt như vừa được luộc bằng nước giặt quần áo, nhưng lại quăn, người cân đối và nhanh nhẹn, chốc chốc lại nhìn lên mạn sông phía trên, anh chàng thì thào với anh.

– Nghe không, hình như băng đang rạn vỡ thì phải?

Hồi đêm mặt băng vừa “động”, cảnh sát trên sông từ sáng hôm qua đã không cho ngựa đi qua sông. Trên những tuyết cầu, thảng hoặc mới có một người bộ hành đi qua, trông như những hạt cườm đang lăn và mỗi khi ván cầu lún xuống người ta nghe rõ tiếng đập của nó xuống mặt nước hệt như tiếng bập môi.

– Băng đang rạn vỡ. – Misuc Điatlốp nói, đôi hàng mi trắng chớp chớp.

Ôxip khum tay che mắt nhìn xuống sông, nói át Misuc.

– Có vỏ bào trong đầu cậu khô đi kêu lạo xạo thì có! Làm đi, cứ biết làm đi, con trai mụ phù thủy ạ! Này giám thị, thúc bọn chúng đi, sao cậu cứ chúi mũi vào sách ấy?

Công việc còn độ hai giờ nữa thì xong, toàn bộ cái bướu của cọc chắn băng đã được bọc lớp ván mỏng màu vàng như mỡ, chỉ còn đặt những thanh chống dày bằng sắt vào nữa là xong hẳn. Bôiep và Xavianhin đục ổ để cho những thanh chống đó vào, nhưng ổ không đúng cỡ, hẹp quá – rãnh máng không ăn được vào gỗ.

– Đồ dân Morđavi mù. – Ôxip quát tháo, ngón tay gõ gõ lên trán. – Làm ăn thế ư?

Đột nhiên từ đâu đó trên bờ sông, tiếng người nào vui sướng gào to:

– Chu-yển-ển rồ ồ i!

Và như thể đi kèm với tiếng gào đó, có tiếng lào xào thong thả, tiếng rạn nứt se sẽ lan ra trên mặt sông; những cành thông làm mốc trông giống những cánh tay bắt đầu run rẩy, tựa hồ chới với bám lấy cái gì trong không khí, còn bọn thủy thủ, bọn người lang thang thì vung sào loạn xạ, ầm ĩ leo thang dây lên boong sà lan.

Thật lạ lùng, trên sông ở đâu mà bỗng xuất hiện nhiều như thế: Hệt như họ nhảy vọt từ dưới mặt băng lên và bây giờ chạy đi chạy lại tán loạn như đàn quạ sợ hãi nghe súng nổ. Họ nhảy nhót, chạy, kéo những tấm ván gỗ và những cây sào ném đi và lại chộp lấy.

– Thu nhặt lấy dụng cụ! – Ôxip kêu to. – Nhanh tay lên, mẹ… lên bờ.

– Thế là đi toi mất lễ Phục sinh rồi!? – Xasốc chua xót thốt lên.

Trông thì tưởng chừng như con sông không nhúc nhích, mà thành phố giật mình, nghiêng đi và cùng với ngọn đồi ở phía dưới bập bênh trôi ngược dòng sông. Những gò cát xám ở trước mặt chúng tôi, cách khoảng mươi xajen, cũng động đậy và trôi đi, xa dần chúng tôi.

– Chạy. – Ôxip quát to, đẩy vào người tôi. – Làm gì mà đứng há hốc mồm ra thế?

Cảm giác khủng khiếp về nguy hiểm đang ập tới nhói lên trong tim. Chân tôi cảm thấy băng đang tuột đi ở phía dưới và tự chúng lao đi mang thân thể tôi chạy về bờ cát tua tủa những cành liễu không lá mà trận bão tuyết mùa đông đã bẻ gẫy khỏi cây. Bôiep, ông lính già, Buđưrin và hai anh em Điatlốp đã nằm bò toài ở đó. Gã trai Morđavi chạy bên cạnh tôi và bực tức chửi, còn Ôxip – bước đi phía sau, quát lên:

– Đừng rủa nữa, Narôđex.

– Nhưng biết làm thế nào bây giờ, bác Ôxip…

– Cũng như mọi khi thôi.

– Nhưng chúng ta nhắc đến ở đây đến hai ngày là ít…

– Ừ thì ngồi đây.

– Thế còn ngày hội?

– Thì năm nay người ta vui hội thiếu chú mày…

Ngồi trên cát, ông lính già hút tẩu và cất giọng khàn khàn.

– Hoảng hồn lên cả… năm ba xajen là tới bờ, vậy mà các người cắm đầu cắm cổ chạy…

– Thì ông là người chạy đầu tiên chứ ai. – Môkây nói.

Nhưng ông lính già nói tiếp:

– Mà sợ cái gì kia chứ? Đến Chúa Giêsu cũng còn chết nữa là…

– Nhưng Người lại tái sinh kia mà. – Anh chàng người Morđavi giận dỗi làu bàu, còn Bôiep quát mắng:

– Im đi, đồ chó cún! Mày được quyền bàn luận về chuyện ấy à? Tái sinh! Hôm nay mới là thứ sáu, chứ đâu phải “Chúa nhật”.

Vừng mặt trời tháng ba bừng sáng, trong các khe màu lam giữa những đám mây băng lấp lánh, cười cợt chúng tôi. Ôxip khum tay che mắt nhìn ra sông vắng người và nói:

– Sông đã chồm đứng dậy… có điều không lâu đâu.

– Không cho chúng ta về dự hội. – Xasốc cau có than thở.

Bộ mặt không râu, không ria, sạm đen và xương xẩu, như củ khoai tây chưa cạo vỏ của gã trai người Morđavi nhăn nhó bực bội, anh chàng luôn chớp chớp mắt và làu bàu:

– Ngồi chết ở đây… Không bánh mì, không tiền bạc. Người ta thì vui thú, còn bọn ta thì… Chúng ta đi hầu hạ cho những lòng tham lam, chẳng khác gì những con chó…

Ôxip nhìn chằm chằm ra sông, và, rõ ràng là đang nghĩ về chuyện gì khác, nói như mê ngủ:

– Ở đây hoàn toàn không phải vì lòng tham lam, mà là do sự cần thiết! Những trụ chắn băng ở chân cầu để làm gì? Bảo vệ sà lan và những cái khác khỏi bị băng phá. Băng ngu ngốc lắm, nó mà xô vào đoàn sà lan, thì ôi thôi còn đâu là của cải nữa…

– Chao ơi – thây kệ… của cải của chúng tôi ư?

– Nói chuyện với đồ ngốc…

– Đáng ra phải chữa sớm hơn…

Ông lính già nhăn mặt dữ tợn và quát:

– Thôi đi, cái thằng cha Morđavi này!

– Sông chồm lên rồi. – Ôxip nhắc lại.- Hừm…

Trên dãy sà lan, bọn thủy thủ gào thét, còn từ dưới sông, hơi lạnh đưa lên và một bầu không khí yên lặng độc ác đầy vẻ rình mò lan tỏa ra. Những cột mốc đánh dấu trên mặt băng chuyển chỗ lung tung, thay đổi hẳn hình nét vẽ trên băng, và mọi cái đều như biến đổi, tràn ngập một sự chờ đợi căng thẳng.

Một cậu trong bọn trẻ se sẽ và rụt rè hỏi:

– Bác Ôxip, bây giờ làm thế nào?

– Cái gì? – Ôxip hỏi lại như đang mê ngủ.

– Chúng ta cứ đành bó gối ngồi đây ư?

Bôiep cất giọng mũi, trêu chọc nói:

– Chúa trừng phạt bọn tà đạo các người không cho dự lễ thánh của Chúa, có phải không nhỉ?

Ông lính già ủng hộ bạn, – bàn tay cầm tẩu chỉ ra sông và cười khẩy, làu bàu:

– Thèm về thành phố lắm hả? Thì đi đi! Băng chuyển. Đi mà chết chìm, không chết chìm thì người ta sẽ tóm cổ vào bóp cảnh sát… Cho mà dự lễ – tha hồ mà khoái!…

– Hoàn toàn đúng. – Môkây nói.

Mặt trời đã khuất hẳn, dòng sông tối lại, còn thành phố lại hiện ra rõ hơn – bọn thanh niên giương mắt bực tức và buồn rầu nhìn chằm chằm về thành phố và im lặng, đẫn đờ.

Tôi thấy tẻ nhạt và nặng nê, như thường lệ mỗi khi nhận thấy chung quanh ta, mỗi người một ý nghĩ khác nhau, và không có một mong ước duy nhất có thể liên kết người ta lại thành một sức mạnh toàn vẹn và bướng bỉnh. Tôi muốn bỏ mặc họ và một mình đi qua mặt băng.

Ôxip hồ như bỗng nhiên thức giấc, đứng thẳng lên, bỏ mũ lông ra, quay về phía thành phố làm dấu thánh, rồi nói một cách rất đơn giản, bình tĩnh và oai vệ:

– Nào, anh em, ơn Chúa phù hộ, ta lên đường.

– Về thành phố ư? – Xasốc reo lên, đứng phắt ngay dậy.

Ông lính già, không nhúc nhích, nói như đinh đóng cột:

– Chết chìm hết.

– Thế thì ông cứ ở lại.

Và nhìn tất cả mọi người, Ôxip lớn tiếng nói:

– Nào, nhanh lên!

Tất cả đứng dậy, túm tụm lại thành một nhóm. Bôiep xếp lại đồ đạc trong túi dết rên rỉ:

– Đã nói đi, là phải đi! Ai ra lệnh người đó chịu trách nhiệm.

Ôxip hồ như trẻ lại, khỏe hẳn ra: vẻ láu lỉnh dịu dàng trên gương mặt hồng hào biến mất, đôi mắt tối lại, trở nên nghiêm khắc, sắc sảo, dáng đi lười nhác uể oải cũng biến mất – lão bước đi rắn rỏi, quả quyết.

– Mỗi người cầm lấy một thanh gỗ và cầm ngang người nếu chẳng may – cầu Chúa tránh cho điều dữ – có ai tõm xuống nước, hai đầu gỗ sẽ mắc lại trên mặt băng, sẽ giữ người lại! Và để đi qua những kẽ băng nứt… Dây thừng có không đấy? Narôđetx, đưa cho tôi cái ống thủy chuẩn… Xong cả chưa? Nào, tôi đi đầu, theo sát tôi là người nào nặng nhất? Ông, ông lão lính! Sau đó là Môkây, anh chàng người Môrđavi, Bôiep, Misuc, Xasốc – Mácximôvits nhẹ hơn cả, cậu ta đi sau cùng… Bỏ mũ ra, cầu xin Đức mẹ đi! Kìa, cả vừng dương cũng ló ra đón chào chúng ta kia…

Mọi người nhất loạt bỏ mũ ra, để lộ những mái đầu bù xù, bạc trắng, hay màu hạt dẻ. Xuyên qua màn mây trắng mỏng manh, mặt trời ngó nhìn xuống những mái đầu ấy, rồi lại trốn đi, hệt như không muốn khơi niềm hy vọng cho họ.

– Nào! – Ôxip nói, giọng khô khan, lạ hẳn. – Chúa phù hộ chúng ta! Cứ nhìn theo chân tôi bước. Không đi sát theo lưng nhau, giữ cự ly người nọ cách người kia ít nhất là một xajen, mà càng xa hơn càng tốt. Nào ta đi, các con.

Dúi cái mũ lông vào ngực áo, tay cầm ống thủy chuẩn, Ôxip thận trọng và nhẹ nhàng thoăn thoắt đưa chân bước xuống mặt băng và lập tức, sau lưng lão, trên bờ, một tiếng kêu thảng thốt cất lên.

– Lũ cừu, đi đâ… âu…

– Cứ bước đi, đừng có ngoái lại phía sau! – Người dẫn đầu sang sảng ra lệnh.

– Qu-ay la-ại, đồ qu-uỷ…

– Đi đi, anh em ơi, phải nhớ Chúa chứ? Người có gọi chúng ta về dự lễ đâu…

Tiếng còi cảnh sát rít lên, còn ông lính già cao giọng càu nhàu:

– Mẹ-ẹ, lũ tà đạo… các người gây chuyện rắc rối rồi! Bây giờ là bờ bên kia người ta đánh điện ngay về sở cảnh sát… May mà không chết chìm thì cứ là vào bóp làm bạn với rệp… Tôi là tôi không chịu trách nhiệm đâu…

Giọng nói hào hứng của Ôxip dẫn đầu đoàn người theo sau như thể kéo họ đi bằng một sợi dây:

– Nhìn cho tinh dưới chân!…

Đoàn người đi chéo ngược dòng sông, và tôi đi sau cùng, nhìn thấy rõ lão Ôxip nhỏ bé, tươm tất, đầu bạc trắng như lông thỏ, khéo léo trượt trên băng, hầu như không nhấc chân lên. Theo sau lão, sáu hình người đen đen lảo đảo kéo thành chuỗi dài, nom như được xâu vào nhau bằng một sợi chỉ vô hình, đôi khi bóng của họ hiện ra bên cạnh trải trên mặt băng dưới chân họ. Đầu đoàn người cúi xuống, giống những người đi xuống núi và thân ngả về phía sau vì sợ ngã.

Phía sau, tiếng người kêu mỗi lúc một nhiều hơn – rõ ràng là một đám đông dân chúng đã đổ dồn tới, không còn phân biệt được lời lẽ gì cả, chỉ nghe thấy một tiếng ồn ào khó chịu.

Cuộc diễu hành thận trọng này đối với tôi trở nên một công việc máy móc, buồn tẻ, tôi quen đi nhanh nên bây giờ chìm ngập vào tâm trạng mê mê tỉnh tỉnh, trong lòng hồ như trống rỗng, không còn nghĩ ngợi gì về bản thân mình nữa, chính mình lìa bỏ mình và đồng thời mọi cái đều nhìn thấy rõ đặc biệt, nghe thấy rõ đặc biệt. Dưới chân, mặt băng xám xanh như màu chì, bị nước ăn mòn, ánh sáng phản chiếu hắt lên sáng lóe mắt. Đôi chỗ mặt băng vỡ ra, gồ lên như cái bướu rồi bị dòng băng trôi nghiền nát thành mảnh vụn, dồn lại từng đống, lỗ chỗ như hòn đá kỳ, nhưng sắc cạnh như mảnh kính vỡ. Những đường nứt xanh lạnh lùng mỉm cười, rình bắt chân người. Đế giày rộng bản giẫm lép bép, tiếng nói của Bôiep và ông lính già cứ lải nhải đến phát ngán, – cả hai cứ như hai cây sáo cùng một mồm ngậm thổi.

– Tôi không chịu trách nhiệm.

– Tất nhiên, cả tôi.

– Một kẻ được phép chỉ huy, còn người khác có thể còn minh mẫn gấp nghìn lần thì.

Ở ta, con người sống bằng sự minh mẫn ư? Ở ta mọi người chỉ sống bằng cái cuống họng…

Ôxip giắt vạt áo lông cừu vào thắt lưng, đôi chân lão mặc quần dạ lính màu xám: bước đi lanh lẹn, nhún nhảy như lò xo. Lão bước tựa hồ phía trước lão luôn luôn có một kẻ nào đó cứ nắm lấy lão. Kẻ ấy chỉ có lão nhìn thấy, y cứ xoắn lấy lão khiến lão không thể đi theo đường thẳng, con đường ngắn nhất, còn lão phải đấu tranh với y, cố lẩn tránh hắn, lúc né sang phải, lúc né sang trái, thỉnh thoảng quay ngoắt lại và luôn luôn nhảy nhót, vẽ ra trên mặt băng những đường ngoằn ngoèo, những vòng cung. Tiếng nói của lão vang lên không ngừng, du dương như hát, hòa điệu với tiếng chuông ngân nga, nghe thật sướng tai…

Đoàn người đã ra tới giữa dải băng rộng bốn trăm xajen, thì trên đầu dòng có tiếng lào xào ghê rợn vọng tới, và đúng lúc đó băng trôi dưới chân tôi, tôi lặng người đi và không đứng vững, ngã khuỵu gối xuống, kinh ngạc bàng hoàng. Nhưng tôi vừa ngước nhìn về phía đầu dòng, thì lập tức nỗi sợ hãi chẹn lấy cổ tôi, khiến tôi không thốt ra tiếng được nữa, mắt tôi hoa lên – lớp vỏ băng xám bỗng sống dậy, gù lên, trên mặt băng phẳng nhô lên những cạnh sắc, trong không trung có tiếng xào xạo lạ lùng – giống hệt như có người nào đưa đôi chân nặng nề bước trên kính vỡ.

Ngay cạnh tôi nước chảy rít lên se sẽ, gỗ nứt răng rắc, rít lên như một sinh vật, người ta gào thét, túm tụm lại một đám, và trong tiếng ồn ào mơ hồ kinh sợ, tiếng Ôxip sang sảng vang lên:

– Tản đi… tản đi – tách xa nhau ra, những đứa con của Chúa… Bà mẹ đã chuyển rồi, chuyển rồi. Rảo bước lên, anh em! Kìa – chuyển rồi.

Lão nhảy cẫng lên như bị ong bò vẽ đốt, và cầm cái ống thủy chuẩn dài một xajen, như cầm khẩu súng trường, chọc chọc quanh mình, tựa như đang đánh nhau với kẻ nào đó, còn thành phố nom lẩy bẩy, trôi đi ngang bên lão. Băng dưới chỗ tôi kêu rít lên, vỡ vụn ra, nước trào lên chân, tôi chồm dậy, mê mụ bổ theo Ôxip.

– Đi đâu? – Lão vung ống thủy chuẩn lên, quát. – Đồ quỷ, đứng lại.

Tôi tưởng chừng như đấy không phải là Ôxip nữa, – gương mặt trẻ lại lạ lùng, mọi nét quen thuộc biến đâu hết, đôi mắt xanh lơ chuyển thành màu xám, lão hồ như cao vọt lên nửa arsin. Thẳng như một chiếc đinh mới, chân khép chặt, vươn lên cao, lão quát, mồm há to:

– Đừng có rối lên, đừng có túm tụm lại – ông lại phang cho vỡ toang sọ cả lũ bây giờ!

Và lão lại vung ống thủy chuẩn về phía tôi.

– Cậu đi đâu?

– Chúng ta đến chết chìm cả mất. – Tôi se sẽ nói.

– Xì! Câm đi.

Nhưng nhìn tôi, lão nói thêm, khẽ hơn và dịu dàng hơn:

– Chết chìm thì thằng ngốc cũng có thể chết được, còn cậu thì phải thoát khỏi nguy hiểm… cần nhất định phải lên bờ bằng được!

Và lão lại sôi nổi, hét lên những lời khích lệ, ưỡn ngực ra, hất đầu về phía sau.

Mặt băng nứt rạn và kêu lạo xạo, thong thả vỡ ra, chúng tôi bị cuốn đi, từ từ trôi ngang qua thành phố, một sức mạnh ghê gớm bỗng bừng tỉnh trong lòng đất và kéo căng bờ sông ra. Một phần bờ sông – ở phía dưới chúng tôi – không động đậy, còn phần đối diện với chúng tôi, lặng lẽ đi ngược lên trên sông, chẳng bao lâu nữa, mặt đất sẽ nổ bung ra.

Cái chuyển động chậm chạp, ghê rợn này khiến ta mất cảnh giác về sự liên hệ với mặt đất: tất cả rời chỗ, khiến lòng ta tê tái, chân tay bủn rủn. Trên trời những đám mây đỏ lặng lẽ lướt đi, những mảnh băng phản chiếu mây trời, cũng đỏ lên như thể căng thẳng ra để với lấy tôi. Cả mặt đất bao la sống dậy đón sự sinh nở của mùa xuân, vươn dài ra, rướn cao bộ ngực ẩm ướt bờm xờm, làm xương cốt kêu răng rắc, và dòng sông nằm trong thịt đất tráng kiện, tựa hồ như sống động, tràn đầy dòng máu đặc, sôi sục.

Cảm giác tủi bực về sự nhỏ bé và bất lực của mình trong cái chuyển động tự tin, bình tĩnh của những khối đồ sộ này đè nén tâm thần, còn trong lòng – trùm lên trên nỗi tủi bực – một niềm mơ ước táo tợn của con người lớn dần lên, cháy sáng: giá mà vươn được tay ra, oai nghiêm đặt tay xuống núi, đặt tay lên dải bờ và nói: “Đứng lại, đợi ta đến đã!”

Tiếng chuông đồng ồn ào, nghe buồn như tiếng thở dài, nhưng – tôi nhớ ra rằng qua một ngày nữa thôi, đêm đến, nó sẽ rộn lên vui vẻ, báo tin Chúa tái sinh.

Làm sao sống cho tới lúc nổi lên tiếng chuông đó!…

Bảy bóng người đen đen lay động trong mắt, nhảy nhót trên mặt băng, những bóng người ấy vung những mảnh ván trong không trung như vung những mái chèo còn phía trước họ, một lão già giống như Thánh Nikôlai xoay trở lanh lẹn, giọng nói uy nghiêm của lão ta không ngừng vang lên sang sảng.

– Không chậm một phút!

Mặt sông trở nên gồ ghề, cái sống lưng linh hoạt của nó rùng mình và uốn éo dưới chân, gợi nhớ tới con cá voi trong truyện “Con ngựa có bướu” và từ dưới lớp vẩy băng, sông mỗi lúc một phô rõ tấm thân bằng chất lỏng của nó: nước đục ngàu lạnh giá bắn tóe lên thèm thuồng liếm chân người.

Tốp người đi theo một lối hẹp như cái sào nhỏ ngay bên bờ vực sâu. Tiếng nước vỗ nhè nhẹ, réo rắt nhắc ta nghĩ đến cái chiều sâu không đáy, tưởng tượng thấy thân thể ta tụt rất lâu, rất lâu trong cái khối lạnh buốt chật chội ấy và mắt ta mờ lòa, tim ta lặng đi như thế nào. Trong ký ức chợt hiện lên hình ảnh chết đuối, những sọ người trơn nhớt, những cái mặt phù lên, mắt lồi ra, ngây dại, những ngón tay xòe ra trên những bàn tay sưng húp, da lòng bàn tay nhàu nát như cái giẻ…

Người đầu tiên tụt xuống kẽ băng là Môkây Buđưrin. Gã đi trước anh chàng Morđavi, như thường lệ lầm lì, lặng lẽ như không có gã, bước đi bình tĩnh hơn tất cả mọi người, thế mà bỗng nhiên – giống như có người giật chân gã, – gã biến mất, trên mặt băng chỉ còn đầu và tay gã bám chặt vào thanh gỗ dài.

– Giúp hắn một tay. – Ôxip gào lên. – Đừng có xúm xít tất cả lại. Một, hai người lại giúp thôi!

Còn Môkây, phì phì, nói với anh chàng Morđavi và tôi:

– Cứ tránh ra các cậu thanh niên… tôi tự… không sao đâu…

Gã trèo được lên mặt băng và vừa vẩy nước vừa nói:

– Những tay nghịch ngợm kia cứ túm tụm lại khéo mà rồi bản thân lại chìm nghỉm bây giờ đấy…

Bây giờ, răng đánh lập cập và đưa cái lưỡi to liếm cặp ria ướt, gã trở nên đặc biệt giống một con chó lớn, ngoan ngoãn.

Chợt nhớ lại chuyện cách đây một tháng gã đã mất đứt một ngón cái ở tay trái vì lưỡi rìu. Gã giơ mẩu ngón tay nhợt nhạt với cái móng xám ngoét lên và đưa đôi mắt tối sầm khó hiểu ngắm nghía, gã nói một cách hối hận, se sẽ:

– Đã biết bao nhiêu lần tôi làm hỏng nó, cái của ngốc nghếch này, bao nhiêu lần cũng chẳng nhớ nữa!… Nó bị sai khớp, cử động trật trẹo… Bây giờ thì tôi đem chôn nó…

Gã gói ghém cẩn thận mẩu ngón tay đứt vào miếng vỏ bào, để vào túi rồi mới buộc vết thương ở tay lại.

Tiếp theo gã đến lượt Bôiep thụt xuống tắm nước lạnh, tôi có cảm giác như tự gã lăn xuống dưới băng, nhưng liền đó gã gào lên hoảng hốt:

– Ôi cha mẹ ơi, tôi chết chìm mất, chết chìm mất anh em ơi, giúp tôi với…

Và kinh hãi, gã vùng vẫy, rối rít đến nỗi khó khăn lắm mới kéo được gã lên và vì loay hoay bên cạnh gã mà anh chàng Morđavi lộn đầu xuống nước suýt chết toi.

– Tẹo nữa thì đến với ma quỷ mà chầu lễ. – Trèo lên được mặt băng, gã cười ngượng nghịu nói, bây giờ nom gã càng gầy và xương xẩu hơn.

Lát sau, Bôiep lại tụt xuống hố băng và kêu ré lên.

– Đừng gào lên, Iaska, nhát như cáy ấy! – Ôxip quát, vung ống thủy chuẩn lên dọa. – Việc gì mà ông làm mọi người hoảng lên? Rồi ta cho ông biết tay. Cởi dây lưng ra, lộn túi ra, anh em ạ, như thế sẽ thoải mái hơn…

Cứ mươi bước lại có những cái hàm tua tủa răng há hoác ra, phát lên những tiếng kêu rau ráu và phun nước bọt đục ngầu, những cái răng màu xanh nhọn sắc ngoạm lấy chân người ta, tưởng chừng dòng sông cứ muốn nuốt tụt người ta vào bụng, như rắn nuốt chửng ếch nhái. Giày và quần áo ướt đẫm, làm cho khó nhảy, kéo người ta xuống; tất cả mọi người trở nên trơn tuột như được liếm sạch, vụng về và câm lặng, chuyển động nặng nề, chậm chạp và nhẫn nhục.

Nhưng, Ôxip hầu như đã đếm trước số kẽ nứt trên băng và cũng ướt át như mọi người, lão nhảy từ tảng băng này sang tảng băng khác như chú thỏ; nhảy xong lão dừng lại giây lát, và nhìn quanh, quát lên sang sảng:

– Nào, nhìn cho tinh vào!

Lão đùa cợt với dòng sông, dòng sông rình bắt lão, nhưng lão già bé nhỏ này lẩn tránh được, biết lanh lợi đánh lừa nó, vượt qua những cái bẫy bất ngờ. Thậm chí tôi có cảm giác như lão còn chỉ huy cả hoạt động của mặt băng, đẩy những tảng băng lớn chắc chắn đến chân chúng tôi nữa.

– Những đứa con của Chúa, đừng có nản chí đấy.

– Ái chà chà, bác Ôxip! – Anh chàng người Morđavi khẽ reo lên khoái trá. – Người thế mới là người chứ!

– Đây mới thực sự là một con người.

Càng gần tới bờ, băng càng vỡ nhiều và bọn chúng tôi càng có nhiều người tụt xuống nước. Thành phố gần như đã trôi ở ngang ngay bên cạnh, chẳng mấy chốc chúng tôi sẽ bị cuốn ra sông Vônga, mà ở đó băng còn chưa chuyển động và chúng tôi sẽ bị hút tụt xuống dưới mặt băng ở đó.

– Chắc là chúng ta chết chìm thôi. – Anh chàng Morđavi thì thào nói, chốc chốc lại đưa mắt nhìn bóng chiều hôm xanh mờ phía bên trái.

Nhưng bỗng nhiên – như thương hại chúng tôi – một khối băng đồ sộ thúc cạnh vào bờ, chồm lên, vỡ răng rắc và đứng dừng lại.

– Cha-ạy. – Ôxip gào toáng lên. – Ba chân bốn cẳng chạy!

Lão nhảy lên khối băng lớn, trơn, tuột, ngã xuống, và ngồi ở mép băng, nước bắn tóe lên người, để cho cả bọn chạy lên trước – năm người đã chen nhau vọt được lên bờ. Anh chàng Morđavi và tôi dừng lại, muốn giúp Ôxip.

– Các chú lợn con, chạy ù lên nào!…

Mặt lão xanh xám và run lên, đôi mắt sa sầm, mồm mở to lạ lùng.

– Đứng dậy đi, bác…

Lão cúi đầu.

– Hình như chân què rồi. Không dậy được…

Chúng tôi nâng lão dậy, dìu đi, còn lão choàng hai tay bá cổ chúng tôi, làu bàu, răng đánh lập cập.

– Lũ ma rừng, đến chết chìm cả thôi… thôi, nhờ ơn Chúa… Cẩn thận đấy – băng không chịu nổi ba người đâu, bước cho cẩn thận! Chọn chỗ nào băng không bị tuyết phủ, chỗ ấy băng chắc chắn hơn. Các cậu cứ bỏ quách mình đây thì phải!…

Lão nheo nheo một mắt lại nhìn vào mặt tôi, hỏi:

– Thế cuốn sách ghi tội lỗi của chúng tôi chắc là ướt hết cả rồi phải không, hỏng mất rồi phải không?

Khi chúng tôi rời khỏi khối băng ban nãy đã chồm lên bờ sau khi nghiên nát vụn một chiếc sà lan thì tất cả phần băng còn nằm dưới nước, kêu răng rắc, bập bênh, chìm xuống nổi lên, rồi trôi đi.

– Gớm chửa? – Anh chàng Morđavi tỏ ý hài lòng. – Nó cũng biết phận mình!

Ướt át, lạnh cóng và phấn khởi, chúng tôi ở trên bờ giữa đám thị dân ngoại ô. Bôiep và ông lính già đã đang chửi nhau với họ; chúng tôi đặt Ôxip lên những thân gỗ, lão vui vẻ nói to:

– Anh em ơi, thế là cuốn sách đi đời rồi, ướt sạch cả…

Cuốn vở này nặng như một hòn gạch trong ngực áo tôi. Tôi lén lút rút nó ra, ném xa ra ngoài sông, nó rơi đánh bẹt một cái như con ếch xuống mặt nước tối đen.

Anh em Điatlốp chạy bổ lên đồi tìm quán rượu mua vôtka, họ vừa chạy vừa đấm nhau và gào thét.

– Hà hà!

– Gớm chửa!

Một ông lão cao lớn có bộ râu xồm xoàm của một vị sứ đồ và đôi mắt của một tên ăn cắp nói quả quyết ngay bên tai tôi:

– Các người khuấy động dân chúng yên lành, cần phải đập vào mõm các người, quân đáng nguyên rủa…

Bôiep vừa xỏ lại giày vừa hỏi to:

– Chúng tôi làm gì khiến các người phải lo sợ nào?

– Người chính giáo bị chết chìm, – Ông lính già làu bàu, giọng càng khàn hơn. – còn các người thì đã làm gì?

– Thế chúng tôi biết làm gì kia chứ?

Ôxip nằm dưới đất, duỗi thẳng chân, và hai tay run run sờ soạng cái áo lông cừu ngắn, khẽ than vãn:

– Ôi, mệt quá đi mất… Hỏng cả cái áo… mà đã mặc được một năm đâu!…

Lão trở lại bé nhỏ, mặt nhăn nhó và nằm trên mặt đất, lão hồ như tan ra, mỗi lúc một thêm bé nhỏ.

Đột nhiên, ngửng dậy, lão ngồi lên, kêu lên một tiếng và bằng một giọng giận dữ cao lanh lảnh cất tiếng nói:

– Quỷ đã đưa bọn các người, lũ ngốc đến nhà tắm, nhà thờ rồi nhé, gớm chửa? Chạy ngay đến đó đi… Không có các người, Chúa không sống nổi với ngày hội của mình… Thật là rủ nhau lao vào chỗ chết… làm hỏng hết cả áo quần, quỷ tha ma bắt các người đi…

Mọi người đi lại giày, vắt kiệt quần áo, mệt mỏi hít mạnh, kêu than, chửi nhau với bọn thị dân, còn lão quát tháo mỗi lúc một hăng.

– Gớm thế đấy, bọn đáng nguyền rủa, các ngươi đã nghĩ ra cái trò như thế đấy? Chúng cần phải đến nhà tắm kia… Chà, cứ gọi cảnh sát tới, cảnh sát sẽ cho các ngươi biết nhà tắm.

Trong bọn thị dân, người nào đó săn đón nói:

– Đã cho người đi gọi cảnh sát rồi đấy ạ…

– Ông nói cái gì vậy? – Bôiep quát Ôxip. – Ông vờ vĩnh cái gì vậy?

– Tôi ấy ư?

– Phải, ông!

– Khoan đã! Sao lại thế?

– Ai xúi giục người ta đi, hả?

– Ai?

– Ông.

– Tôi?

Ôxip giật lên như thể bị chứng kinh giật, và thất thanh nhắc lại.

– Tôi ư?

– Hoàn toàn đúng. – Buđưrin nói bình tĩnh và rành rọt.

Anh chàng Morđavi cũng xác nhận, khe khẽ, buồn buồn:

– Có Chúa, đúng là bác, bác Ôxip ạ!… Bác quên rồi…

– Tất nhiên, ông là người đầu têu. – Ông lính già gào lên, cau có và chắc chắn.

– Ông ta quê-ên. – Bôiep hung hăng quát to. – Lại chả quê-ên! Không, đó là ông ta thử xem có đổ lỗi lên đầu người khác được không đấy mà, chúng ta biết tỏng ra rồi.

Ôxip lặng thinh và nheo mắt, nhìn quanh những con người ướt át, ăn mặc lôi thôi lếch thếch.

Sau đó nấc lên một cách lạ lùng – chẳng hiểu là cười hay khóc – hai vai giật giật và dang hai tay ra, lão bắt đầu làu bàu:

– Ờ mà đúng đấy… đúng là do tôi bày ra. Lạ chưa!

– Thế đó! – Ông lính già reo lên đắc chí.

Nhìn ra con sông đang sôi sục, như nồi cháo kê, Ôxip, cau mặt và ân hận nhìn lánh đi, nói tiếp:

– Quả là mê muội thật… Ôi, lạy Chúa! Mà sao lại không chết chìm cả nhỉ? Thật không thể hiểu nổi! Chao ôi, đức Chúa! Anh em ạ… đừng giận tôi, vì ngày hội… hãy tha thứ cho tôi!… Tâm trí tôi lúc đó mụ mị đi hay sao vậy. Đúng: tôi đã xúi giục… Chà, thằng khọm ngu…

– Thế hả? – Bôiep nói. – Thế nếu như tôi chết chìm rồi, thì bây giờ ông nói thế nào?

Tôi có cảm giác rằng Ôxip thực tâm kinh ngạc vì chợt hiểu ra cái việc lão vừa làm vô ích và điên rồ đến chừng nào.

Người nhớt nhát, như bị liếm, giống con bê vừa mới đẻ, lão ngồi trên mặt đất, lúc lắc đầu, hai tay bới cát quanh mình, và luôn mồm lạu bạu những lời hối lỗi, giọng lạc hẳn đi, mắt không nhìn ai cả.

Tôi nhìn lão, nghĩ bụng – cái con người thống soái đi trước mọi người, ân cần, thông minh và uy nghiêm dẫn dắt mọi người theo mình đâu rồi?

Trong lòng tôi tràn ngập một nỗi trống trải khó chịu, tôi ngồi xuống bên Ôxip, và mong muốn gìn giữ lại một cái gì đó, tôi khẽ nói với lão:

– Thôi đủ rồi bác ạ.

Lão liếc nhìn tôi, lấy tay chải râu, cũng khẽ đáp lời:

– Thấy chưa? Thế đó…

Và lại nói to với mọi người:

– Thật là dại dột phải không?

Trên đỉnh đồi, trên nền trời đã tối lại một hàng cây lởm chởm như đám lông cừu đen, quả đồi phủ phục bên bờ sông như một con thú vật. Bóng chiều xanh sẫm xuất hiện, ló ra từ sau những mái nhà tựa sát vào làn da tối thẫm của quả đồi. Những bóng đen ấy, giống như những vết thương nhỏ ló ra từ cái miệng màu hung, ướt át của khe đất cát ngoác rộng, hướng ra phía sông, tưởng chừng như cái mõm ấy vươn tới mặt nước để uống.

Sông tối lại, tiếng lạo xạo và nghiến rít của băng càng dồn dập hơn, đều đặn hơn, đôi khi những khối băng lớn thúc cạnh vào bờ như những cái mõm lợn dũi đất, đứng bất động giây lát, chao đi, rồi rời bờ tiếp tục trôi, một khối băng khác lại lười nhác trườn đến chiếm chỗ của nó.

Nước lên rất nhanh, vỏ tràn bờ đất, rửa sạch bùn rác – bùn rác loang ra như một đám khói đen trên mặt nước đục ngầu. Trong không trung có một âm thanh kỳ lạ: tiếng gì rau ráu và chép chép, giống như một con thú khổng lồ, vừa nhai ngấu nghiến cái gì, vừa thè lưỡi ra liếm láp.

Từ thành phố, tiếng chuông nhà thờ ngọt ngào, lảnh lót, rầu rĩ lan ra, càng ra xa càng yếu dần.

Như hai chú chó cún vui vẻ, anh em Điatlốp tay cầm những cái chai lao từ đỉnh đồi xuống, còn cắt ngang đường của họ – dọc theo bờ sông – lão cảnh sát trưởng mặc đồ xám và hai tên cảnh sát quần áo đen đi tới.

– Chao ơi, lạy Chúa! – Ôxip rên rỉ, xoa xoa đầu gối.

Bọn thị dân, trông thấy cảnh sát, tản ra, im lặng chờ đợi, còn lão cảnh sát trưởng – một con người khô khẳng, mặt choắt, ria mép màu hung vểnh lên như mũi tên – tiến đến bên chúng tôi, nghiêm khắc nói bằng một giọng trầm khàn khàn thiếu tự nhiên:

– Ra là các người đấy phỏng, bọn quỷ…

Ôxip nằm ngửa ra đất và vội vã lên tiếng:

– Đó là do tôi cả, thưa ngài, tôi đầu têu mọi chuyện! Xin ngài tha thứ cho, vì những ngày hội lớn mà tha thứ cho, thưa đại nhân…

– Sao lại thế, đồ quỷ già! – Lão cảnh sát trưởng quát lên, nhưng tiếng quát của lão lập tức chìm nghỉm vào dòng những lời lẽ ngọt ngào cảm kích cứ tuôn ra ùn ùn.

– Nhà cửa chúng tôi ở cả bên này, trong thành phố; bờ bên kia chúng tôi chẳng có gì hết, tiền nong cũng không mà bánh ăn cũng không, mà ngày kia, thưa đại nhân, là ngày vĩ đại của Chúa Cơđốc rồi, – cần phải đi nhà tắm, chúng tôi, những con chiên của Chúa, mong được tới dự lễ chầu ở nhà thờ, thế là tôi mới bảo: “Nào, anh em ơi, nhờ ơn Chúa, chúng ta không đi làm việc gì xấu mà sợ”. Và vì cái tội ngang ngược thì tôi đã bị trừng phạt, thưa đây, cả cái chân tôi đã gãy nát rồi ạ…

– Hừm! – Lão cảnh sát trưởng nghiêm khắc quát tháo. – Thế ví thử các người chết chìm cả – khi đó thì sự thể sẽ ra sao?

Ôxip thở dài thườn thượt và mệt mỏi:

– Sự thể sẽ ra sao, thưa đại nhân? Chẳng làm sao cả ạ, xin ngài tha thứ…

Lão cảnh sát chửi rủa, mọi người nghe lão lặng lẽ và chăm chú, giống như không phải lão chửi rủa và văng tục một cách trơ tráo mà đang nói những lời quan trọng mà mọi người nhất thiết phải biết và ghi nhớ lấy.

Sau đó lão cảnh sát trưởng ghi tên chúng tôi lại rồi bỏ đi; chúng tôi uống rượu vôtka cháy bỏng, nóng người và phấn chấn lên, chúng tôi bắt đầu sửa soạn để về nhà. Ôxip mỉm cười, nhìn theo bọn cảnh sát và đột nhiên, nhanh nhẹn đứng bật dậy, hối hả làm dấu thánh.

– Thế là kết thúc mọi chuyện, lạy Chúa…

– Thế nghĩa là, – Bôiep ngạc nhiên và thất vọng cất cái giọng khàn. – thế nghĩa là chân còn lành nguyên? Nghĩa là không gãy?

– Ông lại muốn nói gãy thật sao?

– Chà chà – anh hê! Cứ như Petruska[5] đáng thương ấy…

– Nào, anh em ơi, ta đi thôi! – Ôxip ra lệnh, chụp cái mũ lông ướt lên đầu.

Tôi đi bên cạnh lão đằng cuối cả đám người. Lão nói với tôi sẽ sàng, thân thiết như bảo cho biết một chuyện bí mật mà chỉ mình lão biết.

– Dù có làm gì đi nữa, xoay xở thế nào đi nữa, mà không khôn ngoan, không dối trá thì không thể nào sống nổi, cuộc sống nó như thế, nó như thế đấy… Ta muốn lên cao, nhưng quỷ lại kéo chân ta xuống.

Tối mịt và trong đêm tối bừng lên những đốm lửa đỏ, lửa vàng, như muốn gọi:

“Các người, lại đây!…”

Chúng tôi đi về phía tiếng chuông thánh thót trên đồi, nước chảy réo rắt dưới chân chúng tôi, và giọng nói ngọt ngào của Ôxip chìm ngay vào những tiếng ồn ào ấy:

– Tôi lừa bọn cảnh sát bợm chứ! Đó, chuyện gì cũng phải làm như thế – sao cho không có ai hiểu gì hết, mà mỗi người đều tưởng rằng chính đó là cái lò xo chủ yếu, phải… Cứ để mỗi người nghĩ rằng tâm hồn họ đã lái các việc.

Tôi nghe lão nói và chẳng hiểu gì.

Mà tôi cũng chẳng muốn hiểu, trong lòng thảnh thơi và nhẹ nhõm, tôi không biết tôi có thích Ôxip hay không, nhưng tôi sẵn sàng đi bên cạnh lão tới bất cứ nơi nào cần tới – dù lại qua sông đi trên mặt băng trơn tuột dưới chân.

Chuông nhà thờ rền rĩ, ca hát, và tôi vui sướng nghĩ rằng:

“Ta sẽ còn đón gặp mùa xuân biết bao nhiêu lần nữa kia chứ!”

Ôxip nói, hít mạnh:

– Tâm hồn con người ta có cánh – trong giấc ngủ, nó bay lên…

Có cánh ư? Tuyệt diệu!

Bình luận
1440
× sticky