Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Truyện Ngắn Đặc Sắc Nga

Tại Căn Nhà Của Xioncopxki

Tác giả: Nhiều Tác Giả

Con sông Oka về mùa thu cạn nước, thân hình loang bạc gầy rộc đi của nó tưởng như sạm lại giữa đồng bãi xanh tươi rộng bao la. Từ chỗ này nhìn thấy rất rõ Kaluga, ở đó có thân hình màu bạc của quả tên lửa đang leo lên nền trời.

Nơi tận cùng dãy phố chạy ngoặt ra bờ sông có một nhà gỗ. Đã có một thời căn nhà này chỉ là căn nhà một tầng. Ông giáo Xiôncốpxki tậu lại của một chủ khác. Sau một trận lũ của con sông Oka vào đầu thế kỷ chúng ta, người ta thấy rằng giá có được thêm tầng gác hai thì tốt hơn – ở đó, trong trường hợp cần thiết, có thể tránh được những con nước xuân hung hãn.

Ngôi nhà làm bằng ván ghép mang dấu vết của nhiều lần sửa chữa và xây dựng thêm. Khi xưa nó được đăng ký bảo hiểm ở hội bảo hiểm Kaluga. (Tuy chẳng may trong nhà mà xảy ra cháy, hẳn là không một đội cứu hỏa nào thời đó cứu được nó thoát tai nạn).

Bên trong ngôi nhà cũng từng thấy nhiều chuyện: chốn này từng được nghe chán tiếng rìu và tiếng bào đưa trên mặt gỗ, tường nhà được vá đi vá lại chằng chịt, hai căn phòng nhỏ nép sát vào nhau, hai cầu thang tự đóng lấy bằng gỗ tiện lên xuống ở hai đầu. Hàng hiên cho đến nay vẫn không được sưởi ấm vì thế mà mùa đông chủ nhân của nó thường kéo dài bàn mộc và các đồ nghề thô sơ khác vào hai căn phòng trên ấm áp hơn.

Ở giữa trung tâm hình học của cái công trình đơn sơ này, giống như trái tim trong cơ thể sống, căn bếp được đặt thật tiện lợi. Trong căn bếp, cái lò sưởi Nga choán hết phần lớn diện tích. Những cái chạc sắt và những dụng cụ khác thật cần thiết trong các công việc nội trợ, càng giảm diện tích của căn bếp: ở đây bà Vacvara Epgraphôpna, nữ chủ nhà, xoay xở khá vất vả.

Nhưng, có lẽ, đối với chủ nhân, phần quan trọng nhất của ngôi nhà là xưởng thợ. Không có xưởng thợ này Xiôncốpxki không thể tưởng tượng nổi ý nghĩa cuộc đời mình, ông đã khôi phục lại xưởng thợ này ngay nếu như nó bị hủy hoại, luôn bổ sung thêm đủ các dụng cụ khác nhau. Ông đã làm việc với tư cách là một giáo viên trường trung học, cũng lại là một học giả, đồng thời là một ông thợ mộc và thợ thiếc. Số nghề nghiệp như vậy đối với một con người liệu đã coi là đủ chưa?

Tại đây, trong căn nhà gỗ Kaluga này, mọi cái vẫn giữ nguyên như sinh thời Xiôncốpxki. Mỗi vật đều trở nên thiêng liêng bởi đã được bàn tay của nhà bác học động đến. Vẫn còn nguyên vẹn cả chiếc xe đạp, chiếc xe bằng tuổi thế kỷ của chúng ta, hình thức giao thông ưa thích và duy nhất của chủ nhân nó.

Khi anh đi từ căn phòng nhỏ sang căn phòng kia. những căn phòng chật chội như những các-bin trên tàu vũ trụ, anh mường tượng rằng anh nghe thấy tiếng nói của chủ nhân trả lời các câu hỏi của những vị khách hiếu kỳ: các học giả, các kỹ thuật gia, đơn giản là các phóng viên báo chí. Có cảm giác những tiếng nói sinh thời của họ đang vang lên, anh lắng nghe như muốn nuốt lấy từng lời, và từng lời anh đều muốn ghi lại trong phòng làm việc, chẳng hạn…

– Kônxtantin Eđuacđôvits…

– Xin ông nói to lên một chút… – Xiôncốpxki chỉ lên hai tai mình, lập tức khum hai lòng bàn tay đưa lên bên tai[9].

– Kônxtantin Eđuacđôvits, trong thế kỷ của chúng ta, thế kỷ của hơi nước và điện…

– Ông nói thế nào kia? – Xiôncốpxki cau mặt.

– Của hơi nước và điện. – Anh phóng viên tin tức nhắc lại.

– Không, thưa chư huynh, – Xiôncốpxki bực mình. – ông hơi lạc hậu rồi đấy, ông năm nay bao nhiêu tuổi?

– Hai mươi sáu. – Anh phóng viên trả lời, một anh chàng tóc đen chải chuốt, mặc bộ đồng phục kẻ ô và thắt cà vạt, kiểu hiện nay Khơlextakôp vẫn thắt khi lên sân khấu địa phương.

– Thưa quý ông, đã đến lúc ông phải biết là một thế kỷ mới đã mở ra và, xin quý ông cho phép, thế kỷ mới đã được mười năm rồi. Hơi nước, theo quan niệm của tôi đang đi vào quá khứ. Kể ra thì điện lực còn tồn tại. Nhưng điều khác biệt nhất của thế kỷ chúng ta phải là bay.

– Sao kia ạ?

– Bay… Không còn bò dưới mặt đất – mà bay… Bay sẽ là một ngành chuyên môn của con người thế kỷ chúng ta. Vậy mà ông lại còn nói về hơi nước. Thật đáng xấu hổ đấy, thưa công tử.

– Nhưng xin lỗi ông, Kônxtantin Eđuacđôvits, ông vượt lên trước, lên trước quá xa.

– Thế ông thì muốn thế nào? Nhìn về quá khứ ư?

Anh phóng viên hí hoáy cây bút chì ghi lại điều gì đó vào sổ tay rồi anh nói…

– Ở góc nhà ngoài hành lang, tôi nhìn thấy máy tự trượt…

– Thì có gì là…?

– Phải chăng ông không cho rằng từ cái máy tự trượt này… – Anh phóng viên rời mắt khỏi cuốn sổ ghi chép và nhìn về mô hình một cái máy bay do Xiôncốpxki cấu tạo… – từ cái máy tự trượt này đến cái đó – một khoảng cách, nhưng ta nói lớn ghê gớm ư?

– Ông cho phép nói đùa thế, thưa công tử! Như ông đã biết tôi là thầy giáo nên tôi thích người ta ăn nói sao cho đúng văn phạm.

– Cái đó là tôi nghĩ vậy thôi. Kônxtantin Eđuacđôvits. Còn nói chung ra thì tôi có học vấn đại học. Trường đại học tổng hợp Iuziep, Kônxtantin Eđuacđôvits.

Xiôncốpxki sửa lại mục kỉnh, ông mỉm cười.

– Thưa chư huynh, còn tôi lại không thể khoe khoang vì điều đó. Đáng tiếc cho bản thân, tôi chưa tốt nghiệp đại học. Thế cái này thì sao?… Tôi đã đọc đúng hơn là đã tìm hiểu, đi sâu vào công trình của ông, cái có tên là “Việc nghiên cứu các không gian vũ trụ bằng các dụng cụ phản xạ”. Kể ra thật lý thú nếu được biết: ông đã học hỏi ở đâu, ai là người thầy – bác học đầu tiên của ông, ai đã gợi cho ông những cái… Nói thế nào đây…

– Những cái vô nghĩa? – Kônxtantin Eđuacđôvits đỡ lời.

– Không, không…

– Công tử ơi, chớ có ngại ngùng, cứ mạnh dạn mà nói…

– Vâng đây, đây, từ sau này mới thật chính xác – những tư tưởng mạnh bạo…

Kônxtantin Eđuacđôvits hít mạnh.

– Không có ai cả! – Ông ngừng một lát. – Kể ra thì như vậy cũng không đúng hẳn. Người ta đã gợi ý cho tôi. Và tôi đã học nghe được những điều gợi ý này dần dần trong một thời gian dài bắt đầu từ trên ghế nhà trường mà đi.

– Ai đã gợi ý, nếu đó không phải là bí mật?

– Xin quý ông! – Kônxtantin Eđuacđôvits, dứt khoát gập những ngón tay lại. – Ackhit[10] với con chim bồ câu của mình, ông sống trước ngày giáng thế của Giêsu Khrist. Người Hy Lạp này đã tạo ra một dụng cụ giống như con chim bồ câu. Một dụng cụ phản xạ! Và con bồ câu ấy đã bay vòng quanh một điểm nối với sợi dây giữ lại. Đó là điều gợi ý thứ nhất! Tiếp theo. Quả cầu của Herôn[11]. Quả cầu này quay dưới tác động của lực phản ứng của hơi nước. Thứ hai, ông biết gì về mũi tên lửa của “Hồ giang”?[12] Thuốc súng đã tác động cho nó bay. Cái đó có từ thời cổ Trung Quốc. Ba! Tiếp theo. Những quả pháo bông được miêu tả trong sách của Haxơ, Erônxpecgher, Suilap, Xemenôvít. Tất cả những cái đó đã có từ mấy thế kỷ trước kia. Đó là thứ tư! Tiếp theo. Còn những hội pháo bông của dân Nga chúng ta? Những hội pháo bông đã được tổ chức thường xuyên ở thế kỷ trước, trước trước nữa, thế kỷ trước trước và thế kỷ vừa qua? Cái đó là năm! Còn những quả tên lửa dưới nước của Sinđer của chúng ta đem ra thử ở nước Nga gần một trăm năm trước? Đó là sáu. Chẳng lẽ còn cần sự mách bảo gợi ý nào khác nữa ư? Phải chăng ngần ấy cũng còn là ít nữa sao?

Kônxtantin Eđuacđôvits đứng bật dậy và đưa tay chỉ vào cuốn sổ ghi của khách.

– Công tử ạ, ông viết đi, bởi vì rằng chúng ta càng nói công khai về việc bay trên không trung, về việc bay trong vũ trụ càng nhiều bao nhiêu, càng có nhiều trái tim hướng về niềm tin đúng đắn của thế kỷ hai mươi. Tôi xin nói với ông, hơn thế, cần phải nghĩ tới việc phân bổ con người tới ở trong không gian vũ trụ…

– Xin lỗi ông, nhưng cái đó thậm chí trong lãnh vực viễn tưởng cũng chưa nói đến.

– Thế ở đâu ra nhỉ? – Kônxtantin Eđuacđôvits ngồi xuống chỗ ngồi của mình và bắt đầu vẽ lên đấy những khối cầu trông giống những khúc dồi phồng to.

– Đúng hơn là trong một truyện thần thoại nào đó. – Anh chàng phóng viên rụt rè thổ lộ.

– Phải, tôi biết, – Xiôncốpxki nói, giọng khàn khàn. – nhiều người giao dịch với tôi và thậm chí cả các đồng nghiệp của tôi vẫn cứ coi tôi ít nhất là một kẻ mơ mộng. – Ông nhìn anh chàng phóng viên chằm chằm, hệt như ông vừa nảy ra một ý nghĩ lý thú nào đó: Mà có thể’ cho là kẻ điên rồ? Thế nào?

– Ông cứ nói…

– Không, không! Có lẽ là kẻ điên rồ… Mà tại sao lại không nhỉ? Đưa người đến ở các tinh cầu khác trong vũ trụ. Kỳ lạ? Không tưởng tượng nổi! Lạ lùng! Nhảm nhí! Nhưng sự thật là, – Ông đặt tay lên vai anh chàng phóng viên. – một kỷ nguyên mới sẽ tới. Thoạt đầu con người sẽ mọc cánh, sau đó mặt trăng và các tinh cầu khác sẽ gọi anh ta tới. Khi đó bằng bất cứ thứ bánh ngọt nào, bất cứ hứa hẹn mua chuộc nào cũng chẳng thể giữ nổi con người lại trái đất…

– Bằng cách nào kia chứ?

– Thế những máy bay để làm gì? Vận động phản xạ tồn tại đấy để làm gì? Tên lửa để làm gì?

– Thực ra, để làm gì kia?

– Để đưa con người vào vũ trụ. – Xiôncốpxki lên tiếng một cách dịu dàng, độ lượng! – Đó không phải là lời mê sảng, đó là những kết luận của khoa học. Tất cả đều đã được tính toán bằng những công thức chính xác…

– Những công thức của ông?

– Trong số đó có cả của tôi.

Anh chàng phóng viên lật trang sổ ghi chép của mình và hỏi:

– Nhưng ông lấy mọi cái đó từ đâu ra?

– Chỉ do việc tự học! Trước đây tôi không có điều kiện học hỏi các khoa học ở trong trường đại học. Tôi đã thi thí sinh tự do các kỳ thi lấy bằng giáo viên phổ thông[13]. Thưa quý ông, tôi có thể nói không quá khiêm tốn một điều: tôi là một giáo viên nhiệt thành. Thời giờ chủ yếu của tôi dành cho các em học sinh. Còn lại – để tự học. Sách chính là trường đại học của tôi. Cần phải làm để có tiên nuôi sống cả gia đình và chắt bóp từng đồng xu để mua dụng cụ và sách. Thiếu các dụng cụ đồ nghê và sách – đối với tôi không còn là cuộc sống.

Khi mọi người ngủ – tôi học hỏi theo sách. Khi mọi người nghỉ ngơi – tôi học hỏi trong sách. Vật lý, toán học, hóa học – đó là lãnh địa của tôi! Không có những môn đó liệu tôi đã làm được gì nào? Không có việc tự học, không hiểu tôi đã sống ra sao? Các ngài giáo sư và các ngài viện sĩ hàn lâm từ trên cao đọc các công trình của tôi một cách hạ cố, – điều này tôi biết. Thôi thì mặc họ, tôi chẳng phật lòng. Tôi không hơi đâu mà phật lòng phật dạ.

Điều quan trọng nhất trong đời là làm cái công việc yêu quý của mình. Còn việc tôi thiếu bằng đại học làm cho người nào đó bối rối, thì tôi chẳng có cách nào giúp họ. Phải, tôi là kẻ tự học. Thế ông có biết từ đó là thế nào không?… Đề nghị ông ghi vào và nhất thiết loan báo cho độc giả tờ báo của ông biết về từ đó: “Kẻ tự học” – một từ Nga. Nó chỉ có một nghĩa, anh tự học ở bản thân anh, anh tự dạy bản thân anh. Nhưng trong việc này có người lại quên một điều là: không thể tự học ở bản thân anh, tự dạy ở bản thân anh mà thiếu sự hỗ trợ của sách vở.

Trong sách vở có biết bao nhiêu là kiến thức? Cuốn sách vô giá biết chừng nào. Trong đó có biết bao nhiêu điều khôn ngoan mà loài người đã tích lũy được? Không thể phủ nhận rằng, được học ở các trường đại học là rất tốt, nhưng nếu như không có điều kiện được học? Nếu như hoàn cảnh nó như vậy? Khi đó chỉ còn một lối thoát là mau mau tìm đến sách. Và mặc cho thiên hạ gọi anh là kẻ tự học. Điều đó không có gì đáng phật lòng. Chỉ cần sao tự anh không rơi vào số những thằng ngốc… Anh chàng phóng viên lia ngọn bút chì trên mặt giấy với hết tốc độ có thể có của mình…

* * *

Cách ngôi nhà của Xiôncốpxki không bao xa, có một ngôi nhà khác – ngôi nhà này bằng kính và bê tông. Đứng ngay trên bờ cao bên sông Oka. Khi anh tiến gần tới Kaluga, từ xa anh đã thấy ngôi nhà này. Đó là nhà bảo tàng lịch sử khoa vũ trụ học. Nơi đây thu thập các kiểu mô hình phản lực và máy bay từ thời cổ xưa đến ngày nay.

Trong gian phòng lớn trang nghiêm trưng bày các máy móc vũ trụ của chúng ta mạ kền sáng loáng, bắt đầu từ quả vệ tinh quanh trái đất đầu tiên đến máy móc khổng lồ nhiều tấn, được đưa lên mặt trăng: và từ đó gởi về trái đất cho chúng ta những mẫu đất đá trên mặt trăng: Ở đây có cả các các-bin bị đốt cháy bởi cái nóng không tả được, từng bay trong vũ trụ và lại trở về trái đất. Những nhà du hành vũ trụ của chúng ta đã ngồi trong đó và cho đến nay họ vẫn đang sống khỏe mạnh.

Đi từ cỗ máy này sang cỗ máy khác, nhìn chân dung những con người đã tham gia vào việc sáng tạo ra những máy móc ấy, ngắm nghía loạt ảnh những nhà du hành vũ trụ dũng cảm, bạn sẽ luôn luôn nghĩ tới Xiôncốpxki. Bởi vì ông từng kiên trì, bền bỉ chứng minh một cách khoa học với những công thức và mô hình, truyền bá tư tưởng về những chuyến bay giữa các hành tinh, tiên đoán cho thế kỷ chúng ta là thế kỷ của việc bay trên không trung, thế kỷ của vũ trụ.

Ngày nay hầu như tưởng không phải là thật, nhưng chuyện đã có, đã xảy ra: ngay từ năm 1890, Xiôncốpxki đã viết công trình với cái tên “Về khả năng xây dựng khí cầu bằng sắt thép”! Vấn đề thực chất nói về những khí cầu lái. Rồi hai năm sau – một công trình thứ hai! “Khí cầu sắt thép, có điều khiển”. Ở đây vấn đề nói về “Lý thuyết khí cầu lái làm bằng thép hình sóng”…

Bên tai bất giác sống lại những cuộc chuyện trò trong ngôi nhà của Xiôncốpxki, những cuộc chuyện trò diễn ra ở thời đại mới sau này. Cuộc nội chiến chỉ vừa mới kết thúc. Lần ấy có một người trẻ tuổi đến Kaluga thăm ông. Anh ta nói về mình như sau:

– Cháu đã bay trên những máy bay “Farman”[14] và “Bleris”[15]. Cháu đã nhìn thấy những máy bay “Xepplin”[16] Đức. Và từ đó cháu không lúc nào quên ý nghĩ rằng ở đây, một nơi hẻo lánh thôn dã, cụ đã từng nhìn thấy trước mọi chuyện này. Và không chỉ nhìn thấy trước, mà còn chứng minh bằng toán học tất cả cái đó. Cụ chỉ cần có những người hỗ trợ và một ít sự quan tâm từ trên để có thể vượt thời đại của mình không chỉ trong lý thuyết mà cả trong thực hành.

Xiôncốpxki chăm chú nghe người khách. Cụ lên tiếng hỏi:

– Cả bây giờ anh cũng vẫn còn phục vụ trong hàng không?

– Không. Cháu đang theo học ở trường trung cấp kỹ thuật như cụ thấy đấy, có chậm đôi chút…

– Điều đó không sao. Và hoàn toàn nghiêm chỉnh: Tôi chẳng hạn, cũng chậm, thậm chí quá chậm, nhưng tôi không ca thán.

Người trẻ tuổi hóa ra đã đọc rất nhiều sách. Riêng những công trình của Xiôncốpxki thì anh biết hầu hết.

Và hết sức khen ngợi. Anh nói:

– Cháu có một số bạn bè. Ngành hàng không không còn làm chúng cháu quan tâm – đó đã là một điều hiển nhiên được thực hiện rồi.

– Tại sao? – Xiôncốpxki ngạc nhiên. – Thế máy bay nhiều chỗ ngồi? Anh đã thấy mô hình loại máy bay ấy ở hành lang chưa?

– Đã, đã thấy ạ.

– Chẳng lẽ đó là một điều đã được thực hiện?

– Hầu như vậy…

Xiôncốpxki ngạc nhiên nhún vai. Người trẻ tuổi giải thích ý kiến của mình:

– Có thể’, chúng cháu chẳng qua chỉ là những người mơ mộng. Có thể, đó là sai lầm của chúng cháu, nhưng chúng cháu đang nghĩ tới những chuyến bay lên mặt trăng và các vì sao. Cụ đã gieo vào lòng chúng cháu sự tò mò này. Và trong việc này chúng cháu không có lỗi gì.

– Cũng có thể. – Xiôncốpxki tán thành.

– Cháu đọc sách của cụ và cháu kinh ngạc. – Người khách trẻ nói tiếp. – Nhìn các mô hình của cụ và cháu lại kinh ngạc nữa… Theo chừng mực cháu hiểu thì chính quyền Sa hoàng không hạ cố để tâm đến cụ…

Xiôncốpxki bực bội lắc đầu. Cụ lấy ở ngăn kéo ra một tờ giấy và đưa cho người khách xem. Và người ta đọc to:

“… Dù các khí cầu hình dạng có thế nào đi nữa và làm bằng chất liệu gì đi nữa, tất cả những cái đó vĩnh viễn bởi sức mạnh của các vật thể, đều trở thành đồ chơi của những trận gió”.

Xiôncốpxki gõ gõ các ngón tay xuống bàn: thì, chỉ có những kẻ ngu xuẩn, những bộ óc rỗng mới có thể suy nghĩ như vậy…

* * *

Năm 1896 Xiôncốpxki làm việc đêm đêm, đôi khi cả những buổi sáng tinh mơ – trước khi đi dạy học ở trường, đã đi đến kết luận: tên lửa và chỉ có tên lửa có thể là biện pháp kỹ thuật duy nhất để bay vào vũ trụ. Cụ đã viết:

“… Để nghiên cứu khí quyển, tôi đề nghị tạo ra một bộ máy phản lực, có ý nghĩa là một loại tên lửa như loại tên lửa khổng lồ và cấu tạo một cách đặc biệt”.

Hơn thế nữa, nhà bác học còn lo trước đến cả việc các nhà du hành vũ trụ đi ra hẳn ngoài khoảng không vũ trụ. Để làm được việc đó, cần mặc cho nhà du hành vũ trụ thứ áo bay đặc biệt.

Nhà bác học còn nhìn trước cả việc đặt lên bề mặt vỏ ngoài của tên lửa những bộ ắcqui mặt trời. Bởi vì không thể không sử dụng năng lượng tuyệt vời mặt trời gởi cho. Mọi cái đó được đưa ra ở cuốn truyện “Ở bên ngoài trái đất”.

Nhiều, rất nhiều điều đã được củng cố bằng những công thức chính xác, những tính toán toán học. Điều tưởng tượng đi kèm với khoa học…

– Làm sao mà cụ đạt được tất cả mọi điều này, Kônxtantin Eđuacđôvits? Cháu biết, cụ không học qua các ban đại học.

– Tôi không giấu: tôi không được lui tới các tòa nhà đại học. Trường đại học của tôi ở đây. Dưới tầng một và trên tầng hai của ngôi nhà. Người ta không chở đến cho tôi các máy móc và các dụng cụ khác nhau. Tôi tự làm ra chúng bằng đôi bàn tay này. – Và Xiôncốpxki đưa hai bàn tay ra trước. Hai bàn tay của người thợ.

– Kỳ diệu!

– Chẳng có gì kỳ diệu cả, anh bạn của tôi! Nguyên tắc đầu tiên của tôi: không thương xót bản thân mình, làm việc, không chán nản, đi lên trước, luôn luôn tiến lên trước, thậm chí không chỉ gió, mà cả bão tố cuồng phong thổi vào mặt anh, anh cũng mặc. Nếu trong anh không có cái đó, nếu như anh thích ngồi nơi ấm áp và dễ chịu hơn, nếu sự thờ ơ của một số người này, sự ngờ vực của một số kẻ khác làm anh hoảng sợ, thì vứt bỏ những ý định của mình đi. Đừng tự hành hạ mình, đừng làm kiệt sức một cách vô bổ. Nếu như anh cho rằng anh đúng, anh có thể – không nay thì mai – chứng minh được lẽ phải của mình, thì hãy dũng cảm đi theo con đường của mình.

Người tiếp chuyện muốn lên tiếng hỏi một câu gì đó nhưng Xiôncốpxki ngăn anh lại.

– Tôi sẽ nói hết ý tôi ngay đây… Nhưng chỉ một niêm tin thôi chưa đủ. Cần phải cho mình thấy rõ, vì lẽ gì và vì ai mà anh sống và lao động thâu đêm suốt sáng, trong khi người khác thì nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, cần phải làm sao cho mình thấy rõ rằng lao động của anh cần thiết không chỉ riêng cho anh mà cả cho nhân dân. Nhất thiết cho nhân dân. Tại sao sau cách mạng tôi lấy lại được tinh thần? Tại sao bây giờ tôi sống với một niềm tin mãnh liệt vào tương lai? Rất đơn giản: Tôi hiểu – điều này tôi thấy rõ, – rằng chỉ có những người lao động mới có khả năng hiểu tôi, các tư tưởng của tôi. Chỉ có họ mới đưa đến đích cái mà đối với nhiều kẻ chỉ cho là một điều tưởng tượng hão huyền.

– Được nghe điều đó thật thú vị, cụ Kônxtantin Eđuacđôvits, cháu và các bạn của cháu cũng nghĩ hệt như vậy.

Xiôncốpxki phấn chấn. Nhà bác học chỉ lên đống giấy tờ nằm ngổn ngang trên mặt bàn, trên các thành cửa sổ, dưới sàn nhà:

– Và anh có biết ai sẽ thực hiện tất cả cái này?

– Ai ạ, thưa cụ Kônxtantin Eđuacđôvits?

Xiôncốpxki trả lời:

– Những người Bônsêvich.

* * *

Xiôncốpxki đã chuyện trò chính bằng những lời lẽ ấy chăng? Ai là những người tiếp chuyện của cụ? Hiện nay họ còn sống chăng, những người trẻ tuổi lúc ấy? Anh đi qua các phòng ngôi nhà gỗ và anh tự hỏi mình những câu hỏi, có thể, bây giờ đã không có ý nghĩa gì lớn. Điều chủ yếu là: đã có những cuộc trò chuyện tương tự như vậy, không thể không có những lời lẽ ấy hoặc giả Xiôncốpxki lấy ra từ các công trình của mình, hoặc giả từ những cuộc trò chuyện – chúng đi vào các công trình của cụ. Bây giờ cả điều đó cũng không có ý nghĩa gì lớn. Sự thể không phải ở ngữ pháp hay phép đặt câu trong ngôn ngữ của nhà bác học, mà ở thực chất.

Mà thực chất đã được vật chất hóa một cách hiển nhiên, chính xác, không thể biến đổi được trong đài kỷ niệm ra đời từ các tư tưởng, lời lẽ và ý đồ của Xiôncốpxki: đó là quả tên lửa của chúng ta từ bờ dốc bên sông Oka bay vút lên trời cao.

Ngày nay từ khắp mọi kinh tuyến, vĩ tuyến trên trái đất đều nhìn thấy rõ quả tên lửa ấy.

Bình luận