Sự kiên trì kiêu ngạo của anh chàng kỹ sư trẻ vừa khiến Minaiev bực bội, vừa hấp dẫn ông một cách lạ lùng, Olkhovxki không tán thành bất cứ một đòi hỏi nào. Dùng những ngón tay thanh tú, lấm bẩn, chốc chốc anh ta lại chộp lấy cái nắp lọ mực trên bàn Minaiev rồi để nó trên mặt kính phủ bàn. Tiếng kin kít khó chịu hòa với ý nghĩ khó chịu của các từ ngữ do Olkhovxki phát ra, cùng ấn tượng do bài báo của anh ta gây nên, cái bài cũng gay gắt một cách khó chịu như vậy. Thực ra, điều làm ông bực bội hơn cả là sự thật không phản bác được của bài báo; Olkhovxki đã chứng minh một cách đầy thuyết phục tính chất không kinh tế của loại động cơ mới do viện sĩ Stroiev thiết kế. Minaiev không thể cho phép in một bài như vậy: Giải thích cho cậu bé này hiểu rằng việc phê phán viện sĩ Stroiev sẽ gây nên đủ thứ chuyện lôi thôi cả cho công tác của viện nghiên cứu, lẫn cho chính Minaiev, một viện trưởng chưa có quyết định chính thức đề bạt.
– Tôi đề nghị một cách thân tình là hãy bỏ hết những gì có dính dáng đến Stroiev đi. – Minaiev nói một cách nhẹ nhàng. – Và trong phần phê phán cũng nên bớt cái giọng gay gắt đi: được như vậy tôi sẽ cho đăng ngay.
Olkhovxki bật dậy, người cúi gập, khuôn mặt nhợt nhạt của anh ta ửng đỏ lên, tay thu lại thành hai nắm đấm.
– Vậy thì bài báo của tôi sẽ nói về điều gì? Chẳng về gì cả nữa! – Anh thốt lên, giọng lanh lảnh. – Đồng chí hiểu cho, những cái động cơ ấy sẽ dẫn tới việc tiêu phí hàng nghìn tấn nhiên liệu. Làm sao đồng chí có thể… – Đôi lông mày thẳng của anh ngạc nhiên rướn cao lên. – Không, không, không có một sự thay đổi nào hết. Không vì một lý do nào hết. Đồng chí Vlađimir Pakhomovich, như vậy sẽ là một chuyện vô nguyên tắc!
“Cừ lắm”, Minaiev thầm nghĩ. Trong tư thế của Olkhovxki có cái gì đó quen thuộc một cách lạ lùng… Và đột nhiên trước mắt Minaiev hiện lên cái cảnh xa xưa đã bị quên lãng, khi ông cũng như thế này, cong người, hai tay nắm lại, quát tháo bằng cái giọng đứt quãng… khi đó tóc ông cũng rối bù và trên ve áo khoác cũ sờn cũng là tấm huy hiệu đoàn viên thanh niên Kômxômol như thế này. Hồi ức thật cảm động, nhưng nó không hề được phản ánh trong ánh mắt đã tắt của ông, hai mi mắt nặng nề mệt mỏi nửa khép lại. Bộ mặt gồ ghề, đầy nghị lực của ông giữ một cách vững chắc ở khóe miệng nét biểu hiện không rõ ràng, có thể phỏng đoán theo các hướng khác nhau.
– Anh cứ thích khua cái từ ấy – tính nguyên tắc. – Minaiev lạnh lùng nói. – Nhưng anh cứ thử thể hiện nó ra xem. Xin anh hãy làm việc để có lấy được cái quyền và các phương tiện thực hiện nó. Phải, đồng chí Olkhovxki ạ, – Ông nhắc lại với một sự thích thú độc địa. – hãy thực hiện đi, chứ đừng có tuyên bố vì điều đó buộc phải hy sinh cái gì đó.
Olkhovxki cúi xuống bàn. Mái tóc rậm của anh xõa xuống. Từ dưới mái tóc, đôi mắt long lanh sáng tức tối nhìn Minaiev.
– Đồng chí Vlađimir Pakhomovich, thế đồng chí đã giành được cái quyền trở thành có nguyên tắc như thế nào ạ?
Câu hỏi đã làm Minaiev bực mình bởi sự bộc trực hình như của chính bản thân mình, đã có lần vang lên trong chính căn phòng làm việc này. Nở chính cái nụ cười cởi mở thân thiện, cái nụ cười đã từng cứu ông trong những phút khó khăn, ông nói một cách hạ cố:
– Cẩn thận hơn một chút, anh làm đổ lọ mực mất đấy.
Olkhovxki đỏ mặt lên, vội dịch ra xa.
– Thế đấy, anh thấy không, – Minaiev nói tiếp. – quan trọng là biết dịch ra xa đúng lúc.
Cuộc chuyện trò này để lại cho Minaiev một cảm giác nặng nề. Thôi được, bây giờ điều quan trọng duy nhất là quyết định bổ nhiệm chính thức, khi ấy có thể giúp đỡ Olkhovxki, khi ấy ta sẽ chẳng còn sợ gì, ngay cả Stroiev nữa, có thể cứ giữ vững ý kiến của mình trước bất cứ một ai. Có chính kiến ấy chưa đủ, mà đi với nó còn cần phải có địa vị phù hợp… Những ý nghĩ đó làm ông yên lòng lại một cách quen thuộc, mỗi lần sau một bước ngoắt ngoéo khó chịu, chúng lại tận tụy hiện ra.
Ít lâu sau từ Thành ủy có công văn gửi xuống hỏi về bài báo của Olkhovxki. Công văn do một cán bộ chỉ đạo của Thành ủy là Loktev ký, kèm theo công văn có đính cả bức thư của Olkhovxki. Đọc xong thư, Minaiev nổi giận… Chính sách hèn nhát của Minaiev đã củng cố thêm đường lối độc tài của Stroiev… Ở cương vị như vậy đã đến lúc cho phép mình được “hưởng sự xa hoa” là bảo vệ ý kiến của riêng của mình. – xem kìa, anh chàng thông minh đã tự nới thắt lưng cho mình đến mức ấy đấy.
Minaiev đích thân viết công văn trả lời, ngắn gọn, cô đọng và đồng thời cũng chết người, sử dụng hết mức tính đa nghi của Loktev mà ông biết rõ. Olkhovxki được hình dung ra là một kẻ đáng ngờ, khó chịu, bằng những trò eo xẹo của mình hay làm mất thời giờ của mọi người, việc anh ta nêu ra còn chưa rõ ràng, khiếm nhã. Đôi chỗ trong thư hơi nhiều lời. Nhưng Minaiev biết rõ: càng nhiều lời càng có sức thuyết phục. Đặt chữ ký lên mặt giấy, ông lóng ngóng cào ngòi bút và tiếng ngòi bút kẹt rít trên giấy làm ông cau mặt… Thì biết làm sao được kia chứ, ngay trước việc hoàn tất mọi niêm hy vọng của mình, ông không thể nào lại mạo hiểm vì sự bướng bỉnh của cậu bé con này. Tự Olkhovxki buộc ông phải viết như thế. Không sao, không sao, sau này ông sẽ sửa chữa lại mọi chuyện. Và ông ném sự việc của Olkhovxki vào loạt “tạm hoãn cho đến khi được đề bạt chính thức”.
Thứ trưởng Petrishchev được Minaiev hết sức kính trọng, và có lẽ chính vì vậy mà việc ông về thăm viện không làm Minaiev vui mừng. Khi có mặt Petrishchev, bao giờ Minaiev cũng có một cảm giác khó hiểu và bị dồn ép vì một nguy cơ nào đó. Kể ra thì, cảm giác hoàn toàn không cần thiết ấy không hề cản trở Minaiev mỉm cười, bông đùa, đôi khi thậm chí còn làm bản thân ông phải kinh ngạc, bởi những đường gân thớ thịt trên mặt, giọng nói, đôi tay của chính ông hành động với một thái độ tự chủ hồn nhiên như thế nào.
Minaiev đưa Petrishchev đi thăm các phòng thí nghiệm, giới thiệu đề tài các công việc đang tiến hành ở đây, lắng nghe ý kiến nhận xét và, mặc dù cũng vẫn chính những ý kiến nhận xét mà bản thân Minaiev, đã nói với các cấp dưới của mình, ông vẫn cứ đề nghị người trợ lý ghi lại, tính toán rằng sự chú ý như thế sẽ làm Petrishchev hài lòng.
Trong một phòng thí nghiệm, khi đang giới thiệu cái máy dao động, Minaiev nhìn thấy Olkhovxki lên đến gần đồng chí thứ trưởng. Anh ta trông nhợt nhạt khác thường. Cái cằm nhọn giật giật. Đôi mắt đen mở to nhìn với một niềm hy vọng và cả nỗi sợ hãi. Mỗi phút chờ đợi lại làm vợi bớt quyết tâm của Olkhovxki, và hiểu rõ điều đó, Minaiev cho máy hoạt động. Tiếng máy rồ lên như luồng nước bật lên trần và tỏa ra, nhận chìm căn phòng vào tiếng ầm ầm đều đặn. Minaiev đe dọa đưa mắt nhìn Olkhovxki, cố ngăn anh ta lại, tỏ cho anh ta thấy rằng anh ta vội vã với chuyện đề nghị của mình lúc này là quá sớm. Bởi vì chỉ còn phải chờ đợi vẻn vẹn độ một tuần lễ gì đó mà thôi. Thái độ ích kỷ của Olkhovxki làm ông bực mình, nhưng khi Olkhovxki cuối cùng lên tiếng thì Minaiev lại bình tĩnh lại.
Đáng ra nên trình bày ngay thực chất của sự việc thì Olkhovxki lại lúng túng trong những câu chữ dài dòng chuẩn bị sẵn, bắt đầu nói về ngọn nguồn của chủ nghĩa bảo thủ, hệ thống trách nhiệm – không ai có thể hiểu anh ta muốn gì. Trong ánh mắt đồng chí thứ trưởng, Minaiev nhận thấy sự chăm chú cảm thông và ông bỗng cảm thấy xấu hổ thay cho Olkhovxki. “Làm sao mà cứ kéo dài thế mãi, cái anh chàng lý thuyết gia hỉ mũi chưa sạch, đồ thộn. – Minaiev rủa thầm trong bụng. – Thật là đồ vô dụng! Người ta sẽ ngắt lời anh ta bây giờ cho mà xem”.
– Xin lỗi đồng chí, – Petrishchev lên tiếng, – thực ra thì đồng chí muốn gì kia?
Olkhovxki bối rối lặng thinh, tiếp tục mấp máy đôi môi khô khốc không thành tiếng. Minaiev cụp mắt nhìn xuống. Lạy Chúa, cậu bé mới vụng về làm sao? Olkhovxki cho tay vào túi, giựt mạnh tập bản thảo quăn nếp gấp ra và dúi cho Petrishchev. Đồng chí thứ trưởng mở tập bản thảo gập nếp ra: bên trong có một đồng rúp nhàu nát nằm gọn giữa đống vụn thuốc lá. Có người phì cười, đồng chí thứ trưởng không kìm được đưa trả đồng rúp cho Olkhovxki, và cùng bật cười. Và lập tức chung quanh mọi người đều cười. Chẳng có gì đáng phật lòng trong tiếng cười ấy, trong những trường hợp như thế cần phải lên tiếng cười cùng với mọi người, cùng mọi người bông đùa nhưng Olkhovxki lại đỏ dừ mặt lên, một nụ cười thẹn thùng đần độn làm méo mó bộ mặt anh ta: có cảm giác, anh ta òa khóc bây giờ mất.
– Tôi đề nghị đồng chí, đích thân đồng chí tìm hiểu cho, – Olkhovxki vội cất lời với một sự tuyệt vọng, khi muốn gì đi nữa chỉ còn giây phút cuối cùng và có thể nói tất cả. – chứ không đồng chí lại gửi… cho đồng chí Vlađimir Pakhomovich…
– Nhất định chúng tôi phải tìm hiểu. – Đồng chí thứ trưởng nói một cách hết sức bình tĩnh và thư thái.
Khi mọi người trở về phòng làm việc của Minaiev, Petrishchev hỏi xem anh chàng kỹ sư trẻ ấy đưa bản thảo gì cho ông vậy.
Phơi bày những lo ngại của mình có liên quan đến Stroiev hẳn là không có lợi, vì thế Minaiev đã bắt đầu:
– Bản thảo… – Sau đó ông ngừng lại. – Có lẽ đồng chí phụ trách bộ phận của Olkhovxki sẽ có thể đánh giá nó tốt hơn tôi.
“Mình không thể nói khác”, tự bào chữa, ông thầm nghĩ, hình dung ra trước mọi cái sẽ xảy ra.
Phụ trách bộ phận nhận xét về những phương pháp tính toán lý thú do Olkhovxki đề ra, và ngay đấy lại nói thêm – cần phải có sự kiểm tra kỹ lưỡng gạt bỏ mọi trò tung bắn đối khứ như thế, mọi sự ồn ào, thưa kiện, thư từ. Ông ta cố không chút gì làm nguy hại đến Minaiev và đồng thời giữ tính khách quan đối với Olkhovxki:
– Tôi không thể ngờ cậu ta lại là tay gây sự đến như vậy. – Petrishchev ngạc nhiên.
– Tôi trước cùng học với cậu ấy ở trường tổng hợp. – Trợ lý của Minaiev nói. – Cậu ta bao giờ cũng thế nào ấy. – Trợ lý ngoáy ngoáy ngón tay bên cạnh thái dương.
Minaiev biết rằng anh chàng trợ lý nói như vậy bởi vì anh ta cho rằng Minaiev muốn anh ta nói vậy, nhưng dù sao nữa cái đó hơi quá…
– Tất nhiên, trong chúng ta có loại người như vậy. – Đồng chí thứ trưởng nói. – Họ nghiêm khắc, đòi hỏi lập ban thanh tra, gây gổ. Nhưng sau đó hóa ra chỉ là một chuyện gây gổ hình thức. Nhưng có những người bị cố tình gán ghép vào loại những kẻ gây gổ… – Ông cau mày, có lẽ sực nhớ tới một chuyện gì đó của bản thân mình.
– Dù thế nào đi nữa, bản thân vấn đề cũng cần phải quan tâm đến. – Minaiev vội vã nói với thái độ tự chủ thô lỗ mà Petrishchev ưa thích.
Petrishchev tán thành, dường như giao phó số phận của bản thảo cho Minaiev… Và mặc dù Minaiev thấy thích thú được sự tin cậy này, nó vẫn gây cho ông một cảm giác có lỗi mơ hồ. Minaiev tự trấn an mình: ông không có một trách nhiệm đạo đức nào hết trước Petrishchev. Petrishchev đã phải miễn cưỡng đồng ý, ông không thể tỏ ra thiếu tin cậy vào con người mà ông sắp đề bạt làm viện trưởng. Không làm sao khác được, anh bắt buộc người ta, nhưng người ta cũng bắt buộc anh, hiện thời đang còn có những hoàn cảnh như vậy.
Bây giờ, khi vấn đề đã được giải quyết, Minaiev bỗng thấy thương hại Olkhovxki. Thực ra thì Petrishchev đã bị thuyết phục rằng Olkhovxki là một tay gây gổ và một anh chàng kỳ quặc có hại. Điều đó thật không hay. Chúng ta giết chết chàng trai chỉ vì anh ta không biết cách bảo vệ lẽ phải của mình. Như vậy không được.
Ông hẳn sẵn sàng thích thú đến chừng nào kia chứ: gạt phắt mọi tính toán và cân nhắc của mình và sẵn sàng nói tất cả những gì ông suy nghĩ về sự cản ì mà Stroiev thổi bùng lên. Nhưng đôi môi của ông vẫn mím chặt như trước: ngồi trên ghế bành, ông nghe cái ý kiến của đồng chí thứ trưởng và bộ mặt nặng nề của ông giữ một vẻ chăm chú không gì lung lay được.
* * *
Trở thành viện trưởng, do hàng đống công việc nổi cộm lên, Minaiev quên bẵng Olkhovxki đi, và chỉ đến khi có công văn từ tổng cục gửi về, ông mới sực nhớ đến chuyện ấy. Kèm theo công văn hỏi lại, còn có thêm một lá thư nữa của Olkhovxki – anh ta tiếp tục một cách quyết liệt và vụng về cuộc đấu tranh không hy vọng. Do sự ngây thơ vụng dại, Olkhovxki coi thường máy chữ, và vì thế thậm chí cả vẻ ngoài của bức thư này được viết trên những tờ giấy vở học trò bằng nét chữ to tướng trẻ con, cũng đã làm cho người đọc có cảm giác không nghiêm túc.
Những đoạn đầu tiên Olkhovxki viết cẩn thận, sau đó chữ viết càng ngày càng xiên xẹo, các dòng chữ vội vã cong queo và Minaiev tin chắc rằng không có ai, ngoài ông ra, có thể đọc hết bức thư này.
Với một sự ngây thơ hùng hổ, Olkhovxki đả kích cả hệ thống công bố các công trình khoa học. “Ở ta thịnh hành kiểu trách nhiệm nguy hại từ một phía sườn, – Anh ta viết. – in một bài báo khoa học sâu sắc hay có điểm gì tranh cãi thì có nghĩa lý gì, vì bài báo ấy anh có thể bị bỏng, anh phải trả lời, còn gạt bài báo ấy đi – chẳng ai truy đến trách nhiệm của anh…”.
“Cuối cùng thì anh chàng cũng đã hiểu ra”. – Minaiev thầm nghĩ. Xét qua mọi điều thì chàng trai, sau những cú bị thâm tím và sưng vù của mình đã sáng mắt ra đôi chút. Không chỉ còn là số phận công trình của riêng mình mà là bản chất của các vật án ngữ nhớp nháp không thể xuyên qua nổi, là anh ta lần đầu tiên đụng phải trong đời, đã làm Olkhovxki phẫn nộ. Sự căm tức đã làm cho ý nghĩ của anh ta chín chắn hơn và sâu sắc hơn. Với một sự ân hận, Minaiev nhận ra trong đó những bốt điện giận dữ và đôi khi tuyệt vọng. Ông chậm trễ trả lời tổng cục, dự tính lúc rỗi rãi sẽ suy nghĩ ra một biện pháp nào đó để giúp Olkhovxki. Cái thính nhạy hình thành được qua năm tháng đã ghìm ông lại không vội vã chống Stroiev. Cần phải tự củng cố, chờ đợi thời cơ… Những kết luận ấy làm Minaiev ngạc nhiên: cuối cùng ông đã trở thành viện trưởng đấy thôi, nhưng tình thế sao chẳng có gì thay đổi cả…
Ở cuộc họp đảng: Olkhovxki xin phát biểu ý kiến và lên tiếng chỉ trích cán bộ chỉ đạo của Thành ủy Loktev vì sự hoàn toàn không hiểu biết tính chất của công trình khoa học, vì “thái độ bàng quan cứng đờ đối với suy nghĩ sống động,… “Thái độ thiếu cân nhắc của Olkhovxki làm Minaiev lo ngại – mọi điều Olkhovxki phát biểu quả là sự thật, tuy nhiên Olkhovxki không tính rằng chính vì sự bất tài của mình mà Loktev sẽ không bỏ qua bất cứ một phát biểu nào chống lại mình mà không trừng phạt. Sớm hay muộn ông ta sẽ tìm ra cơ hội thuận tiện để ngáng chân, rỉ tai loan truyền tin đồn, không từ bỏ một biện pháp nào hết.
Nghe Olkhovxki tấn công một cách không sợ hãi đối thủ rõ ràng cực kỳ mạnh, Minaiev cảm thấy mệt mỏi, thương xót và cảm thông. Thậm chí ông còn húng hắng giọng một cách hậm hực: đáng thương thì đáng thương đấy. Nhưng mà giúp thì hình như chẳng biết cách nào. Trong cuộc đấu tranh của mình, Olkhovxki đã đi quá xa; công khai ủng hộ anh ta – có nghĩa là đi vào mâu thuẫn với nhiều nhân vật có ảnh hưởng. Trong thâm tâm Minaiev ganh tị mạnh mẽ với sự tự do không cần đắn đo của Olkhovxki – mất, anh ta chẳng mất gì, sự tính toán, có lẽ, đối với anh ta là sự hèn nhát, còn sự chịu đựng – là sự yếu đuối.
Sang ngày hôm sau, sau cuộc họp, Minaiev để công văn hỏi và bức thư của Olkhovxki vào cặp hồ sơ “giao cho trợ lý trả lời”. Buổi tối, viên trợ lý, một chàng trai tóc chải mượt với bộ mặt vàng nhợt, đeo mục kỉnh có bộ gọng cũng vàng nhợt như vậy, lẹ làng không tiếng động bước trên đôi giày đế cao su dày, đi vào phòng làm việc và đưa cho ông ký tờ giấy được đánh máy trên tờ mẫu có dấu đỏ của viện. Giọng văn có thiện chí một cách mơ hồ của bức thư trả lời tước bỏ mọi lý do phản bác và giữ quyền kéo dài việc quyết định lâu vô thời hạn.
Minaiev tò mò từ dưới cặp mi mệt mỏi nửa khép nửa mở đưa mắt nhìn bộ mặt trơ trơ của viên trợ lý.
– Ý kiến của anh về Olkhovxki thế nào? Dù sao đi nữa anh ta cũng là một anh chàng có khả năng đấy chứ?
– Vâng, – Viên trợ lý đáp, cúi mái đầu chải mượt mà. – cậu ta có khả năng.
“Thế liệu anh, anh bạn quý mến, anh sẽ viết gì nếu anh cũng ngồi ở ghế của tôi?” – Minaiev muốn cất tiếng hỏi. Nhưng ông đã biết cách đánh giá con người ta và vì thế, giữ nguyên âm điệu câu hỏi, ông nói:
– Bây giờ thì đối với anh chuyện đó rất đơn giản, nhưng nếu như anh ở vào địa vị viện sĩ Stroiev…
Lần đầu tiên Minaiev nhìn thấy viên trợ lý của ông đã trở nên sinh động ra sao và đưa tay chải mái đầu một cách đặc biệt hăng hái, vỗ vỗ vào làn tóc bóng lộn.
– Đồng chí Vlađimir Pakhomovich, tôi hẳn cho đăng không cần đắn đo… Bởi vì một sự tiết kiệm như vậy.
– Thế đấy, vậy tại sao anh lại chuẩn bị cho tôi những câu trả lời như thế này. – Minaiev hỏi nhanh. – Bởi vì cái đó khác với ý kiến của anh kia mà? Tại sao anh lại hành động như nhân vật ngậm miệng thế?
Viên trợ lý chậm rãi, vuốt mạnh mái tóc:
– Tôi viết như đồng chí muốn, để đến một lúc nào đó sẽ viết như tôi cho là cần thiết. – Và anh ta cứng rắn nhìn thẳng vào mắt Minaiev.
– Ô hô! Và anh hy vọng rằng chuyện đó rồi có lúc sẽ xảy ra? – Minaiev mỉm cười một cách tư lự. Rút từ cái cốc nhỏ đựng bút ra cây bút chì to, màu xanh, ông đặt một chữ ký rõ to lên tờ giấy.
Olkhovxki không tìm đến Minaiev một lần nữa. Mấy lần Minaiev gặp anh ta ở hành lang viện. Olkhovxki đi qua, cau có cúi đầu, hai cánh tay dài buông thõng như hai cánh tay người khác. Minaiev cứ có ý muốn giữ anh ta lại, chuyện trò thân mật, khuyên giải đôi điều rằng cần phải biết chịu đựng: sắp tới đây Minaiev sẽ lên dự họp ban cán sự trên bộ, ở đấy sẽ có cơ hội trao đổi với ai đó. Nhưng ông cảm thấy ngay Olkhovxki sẽ không hiểu ông và điều đó thật đáng phiên lòng: Minaiev rất muốn chứng minh rằng ông không có lỗi, rằng quyền hạn của ông rất nhỏ nhoi.
Trước khi lên đường dự cuộc họp ban cán sự trên bộ, Minaiev được gọi lên Thành ủy. Ông biết rằng Loktev đang tìm cách sa thải Olkhovxki. Cuối cùng thì Loktev là ai? Chẳng qua chỉ là một cán bộ chỉ đạo của Thành ủy.
Anh ta lấy quyền gì mà can thiệp vào công việc của ta? Nếu như cần phải sa thải Olkhovxki thì chính tự ta đã làm việc đó. Do đâu mà ta phải dung túng cho cái lòng tự ái độc địa nhỏ mọn của nhân vật này nhỉ? Không đủ rồi, Loktev không phải là thủ trưởng của ta và không phải anh ta được quyền chỉ huy ta. Nếu như bí thư Thành ủy, đó lại là chuyện khác, còn đây chẳng qua chỉ là một cán bộ chỉ đạo! Ta đã qua khỏi cái lứa tuổi ấy rồi, đồng chí Loktev ạ, mà cả hoàn cảnh cũng không phải như trước nữa… Ông sẽ nói như vậy, và hoàn cảnh không phải như trước nữa – rõ hơn bao giờ hết. Ông thầm nhắc lại câu nói cuối cùng – một cách nhiều ngụ ý, với nụ cười khẩy thoảng nhẹ. Xe tiến tới gần tòa nhà của Thành ủy, ông máy móc đưa tay xoa cái cằm cạo nhẵn, sửa lại cà vạt, và lập tức sực nhớ ra, ông bực với chính bản thân mình vì cái cử chỉ quen thuộc ấy. Đủ rồi, đã đến lúc ông có thể cho phép mình giữ nguyên là bản thân mình, ông không thua kém gì các viện trưởng khác. Đặc biệt trong trường hợp này, ông có thể, ông phải đưa Loktev ra ánh sáng. Đặt chân lên lối cầu thang rộng rãi của Thành ủy, đi theo đường hành lang khoáng đạt chạy dài, Minaiev ngửng cao đầu, trong những đường nét bộ mặt nặng nề của ông, thay vào thái độ e dè quen thuộc, xuất hiện vẻ kiên quyết cứng rắn.
* * *
Một giờ sau ông ra khỏi Thành ủy. Mưa bắt đầu lắc rắc rơi. Những hạt nước li ti đây đó rải lên mặt đường nhựa. Minaiev đứng lại hồi lâu bên cạnh xe ô tô. Muôn vàn những vệt ướt hiện lên trên mặt đường nhựa xám. Những hạt nước rơi xuống áo bành tô mùa hè của Minaiev, ông cảm thấy ở đôi vai một cái rùng mình nhẹ.
– Đồng chí Vlađimir Pakhomovich, mời đồng chí vào xe. – Người lái nói.
Minaiev ngửng đầu lên ngạc nhiên nhìn anh ta.
– Anh cứ cho xe đi đi. – Ông nói và đóng sập cửa xe lại.
Chiếc xe ZIL bỏ đi, chỗ nó dừng hiện rõ trên mặt
đường. Minaiev nhìn những hạt mưa bắt đầu in dấu lên cái khung hình chữ nhật khô ráo, sáng sủa.
– Anh cứ cho xe đi đi. – Ông nhắc lại, lắng nghe giọng nói của chính mình.
Ông đi lên phía trước. Ông có đi đâu chăng nữa thì vẫn được coi là tiến lên trước. Ông có thể đi đến quảng trường, có thể rẽ sang đường bờ sông. Điều duy nhất ông không thể làm, đó là quay trở lại Thành ủy. Dù ông có tự thuyết phục mình thế nào đi nữa… Trong đời ông hiếm hoi xảy ra trường hợp khi ông có dịp ngoái nhìn lại chính bản thân mình. Không, không phải điều đó: Về bản thân mình, ông suy nghĩ khá đủ, ông cố nhìn trước mỗi động tác của mình, kiểm tra lời lẽ của mình, nhưng suy nghĩ về chuyện tại sao ông nghĩ thế này, mà không nghĩ thế khác, ông lại không có lúc nào. Bắt đầu câu chuyện tâm lý nặng nề… Cái tháo vát đã được rèn luyện mà cả lúc này đây ông dùng để thu hút bản thân mình thoát khỏi những suy tư nguy hiểm, làm ông thấy dễ chịu.
“Nhưng điều gì đã xảy ra ở Thành ủy kia chứ?” – đột nhiên ông sợ hỏi Loktev thô lỗ và trắng trợn đề nghị chuyển Olkhovxki đến trạm thí nghiệm ở Nicolaiev. Nghe Loktev, ông tự hỏi mình, rằng cái thằng cha học không đến đầu đến đũa, cau có, với bộ mặt chết trôi, vẻ như từ năm cũ này, không bao giờ sáng tạo ra được bất cứ một cái gì và không có khả năng sáng tạo, có quyền gì ngồi ở đây và điều khiển số phận những con người như Olkhovxki? Thậm chí để lấy lệ thôi hắn cũng không thèm hỏi gì về loại động cơ của Stroiev. Điều mấu chốt ở đây là gì? Hắn tin tưởng một cách chắc chắn rằng Minaiev sẽ làm như chính hắn muốn. Hắn lấy ở đâu ra cái đức tự tin tồi tệ ấy? Ở Thành ủy người ta mệnh danh hắn là “cau có – phá” và sợ dây với hắn.
Trên sông, lớp băng cuối cùng đang trôi đi. Đôi chỗ con sông còn trắng xóa, dường như lại đóng băng trở lại. Các tảng băng xô vào hàng cột đá ở chân cầu và nhẹ nhàng tan vỡ, những mảnh băng sắc cạnh, quay tròn, biến đi giữa những trụ cầu. Gập người qua thành cầu, Minaiev nhìn xuống bên dưới. Có cảm giác các tảng băng đứng nguyên tại chỗ, mà chính cái cầu thì chuyển động. Từ mặt nước tối đen, hơi lạnh phả lên, những tảng băng lấp lánh như pha lê, réo lên, tan vỡ biến thành đá và lấp lóa, chìm xuống dòng nước. Cố sức ép mình, Minaiev dứt khỏi thành cầu. Trong ngực ông nổi lên tiếng đập thình thịch, và lập tức ông cảm thấy nóng rực. Bỏ mũ ra, ông đưa ống tay áo quệt mồ hôi. Những hạt nước mưa lạnh thiêu đốt làn da nóng hôi hổi.
Ông cảm thấy mình già nua và vĩnh viễn mệt mỏi rồi. Ông đột nhiên nhìn thấy bản thân mình như từ phía ngoài một người đàn ông héo hon, hói đầu, lọm khọm, lần bước trên cầu, nắm trong tay cái mũ đội đầu. Trời ơi làm sao mà ông nhanh chóng già đi làm vậy? – Điều đó xảy ra từ bao giờ thế? Ông Volođya Minaiev, cây lĩnh xướng của đội đồng ca trường phổ thông, bí thư chi bộ khoa… Ông bỗng thấy kinh hãi: không lẽ ông đã trở thành một ông già?!
Với một sự hiển hiện đáng sợ, Volođya Minaiev hiện ra trước mắt ông. Volođya Minaiev – cặp mắt rực rỡ với cái cổ gà con nảy nảy, dáng hệt như anh ta khi đến cơ sở “Máy móc nông nghiệp”. Anh còn nhớ câu chuyện dính đến hệ thống trục của máy nổ? Có lẽ là bắt đầu từ đó? Ông nhớ. Phụ trách phân xưởng bảo ông: “Minaiev, cậu thò mũi vào còn sớm đấy. Cậu len lỏi đi đâu với những sức lực cỏn con của cậu, nếu chống lại tổng công trình sư kia chứ? Ông ta sẽ chặn mọi đường trong tương lai của cậu. Cậu là cái gì nào? Một anh thợ cả, loại như cậu, người ta nuốt chửng không cần nhai đâu”.
Ông nhớ đến sự bất lực nhục nhã của mình, khi tổng công trình sư, vừa nhắp nhắp cốc trà, vừa nghe những lời đầy hăng hái của ông, rồi nói, gọi trệch họ ông một cách có chủ ý: “Này Linyaiev, anh nghe đây, nếu như anh một lần nữa còn thọc vào với các trò ngu xuẩn này, tôi sẽ ném anh ra khỏi nhà máy. Thôi, đi đi”. Cùng với bạn bè ông còn thử kháng cự nữa, còn đi, còn chứng minh. Mọi chuyện đều vô ích.
Họ có thể tiêu phí vào cuộc đấu tranh vô hy vọng này ba năm… mười năm và chẳng đạt được gì hết. Họ có cả thảy ba người. Thoạt tiên người ta đuổi khỏi nhà máy một, rồi sau đó người thứ hai. Sắp đến lượt Minaiev. Bấy giờ ông làm ra vẻ chịu lép. Ông tự an ủi mình: chuyện này là tạm thời thôi. Đành phải đi đường vòng, trước hết phải đạt được sự tự chủ, được uy tín, rồi sau đó sẽ đánh tan nát bọn quan liêu kia. Nghiến răng chịu đựng, ông đã nhích dần tới đích của mình. Ông được cử làm phó phân xưởng. Ông đã huấn luyện mình biết chịu đựng và im lặng.
Vì cái tương lai kia ông có thể làm cái cần làm. Ông thề với chính mình – chịu đựng mọi chuyện. Ông xu phụ những kẻ ngu dốt đần độn. Ông biểu quyết “ủng hộ” khi lương tâm ông đòi hỏi chống lại. Ông nói những lời mà ông không tin. Ông khen ngợi cái đáng ra phải chửi rủa. Khi trở nên thực sự kinh tởm, ông im lặng. Im lặng – là hình thức tiện lợi nhất của lừa dối. Nó có thể dàn xếp được đối với lương tâm, nó dành cho mình cái quyền khôn khéo được giữ ý kiến riêng và có thể, khi nào đó sẽ nói ra ý kiến ấy. Chỉ có điều không phải ngay bây giờ.
Không phải ở cương vị phân xưởng trưởng và cũng không dành cho phụ trách bộ phận kỹ thuật và càng không dành cho kỹ sư chính của nhà máy. Và càng không phải dành cho anh nghiên cứu sinh đang sắp bảo vệ luận án. Hãy còn sớm, lần nào cũng còn sớm mà! Và danh mục các món nợ của ông cứ dài ra. Cuộc sống sinh ra những tư tưởng mới, đẩy đến trước ông những trở ngại mới. Còn có biết bao nhiêu Olkhovxki như vậy ở lại phía sau!…
Không mệt mỏi, tựa hồ như tổ kiến, ông đã tạo lập tòa nhà địa vị của mình, cố gắng làm cho nó càng bền chắc hơn. Để làm gì? Ông đã đạt được gì? Càng leo lên cao, ông càng còn lại là bản thân mình ít hơn. Ông càng khó khăn hơn trong việc dám liều lĩnh. Cái gì đã cản trở ông? Tại sao những người khác lại có thể làm được?… Tại sao Petrishchev có thể – người ta đã xử trí một cách bất công ông ấy, đã hạ chức, cắt chức, vậy mà ông ấy vẫn luôn luôn đi bừa lên theo con đường của mình và đã chiến thắng?
Không, với ông, với Minaiev, chẳng có gì cản trở cả, chẳng qua chỉ vì ông nhẹ xác hơn. Ông cho là như vậy: nhẹ xác hơn. Vì thế, khi Loktev, vung vẩy bản sao tờ công văn trả lời của ông gửi cho Thành ủy, chê trách ông hai mặt – “anh viết một đàng, anh nghĩ một nẻo, thế nào, anh ra lệnh báo cáo thế nào cho bí thư đây?” – Ông hiểu rằng Loktev chẳng kiêng nể gì cả, hắn có quyền công khai và bây giờ khi cần nhượng bộ, hắn có quyền nhượng bộ, nhẹ như không.
Mọi chuyện Loktev đề nghị, đều đểu giả, đểu giả hết chỗ nói, nhưng Minaiev sửng sốt vì một điều khác – Loktev ít ra đã dám nói thẳng hết những gì hắn muốn.
Loktev và Olkhovxki. Còn tất cả những người khác, có dính dáng đến sự việc này – tất cả đều nghĩ một đàng, mà làm một nẻo. Tất cả, kể từ chính bản thân Minaiev cho đến viên trợ lý của ông. Mỗi người đều đạo đức giả theo một cách, dối trá theo một cách, và có lẽ vì thế mà Loktev có quyền không cần phải dối trá nữa.
“Đê tiện đến thế là cùng!”- Ông căm tức nghĩ thầm, nhìn vào đôi mắt trống rỗng của Loktev. – Phải tống cổ hắn ra khỏi Thành ủy và đưa tất cả những kẻ như hắn ra khỏi Đảng. Một lũ vô lại độc ác. Nếu hắn mà bị tống ra khỏi nơi này thì thậm chí cho đi bán hàng giải khát người ta cũng không thèm nhận”, ông càng căm ghét và khinh bỉ Loktev bao nhiêu, ông khước từ hắn càng ôn hòa hơn bấy nhiêu. Rồi khi Loktev bắt đầu khăng khăng và dọa dẫm, thì ông xin hoãn vấn đề thêm vài ngày. Tỉnh táo đánh giá toàn bộ những điều khó chịu mà Loktev có khả năng gây ra cho ông, ông hy vọng sẽ tìm được sự ủng hộ ở Mátxcơva.
– Có điều anh đừng dây dưa đấy. – Loktev nói khi chia tay. – Chính anh biết rằng Olkhovxki là một gã phá bĩnh. Cần phải làm trong sạch viện, cho bầu không khí thêm lành mạnh.
“Chà, chó đểu thế là cùng” – Minaiev nghĩ bụng và bắt chặt tay Loktev.
Tại Mátxcơva, ở cuộc họp ban cán sự, viện bị khiển trách vì không hoàn thành kế hoạch và mặc dù phần lớn những điều phàn nàn nêu ra lại là lỗi ở bản thân bộ, nhưng không cần thiết phản bác lại, bởi vì người ta coi Minaiev là người mới và mọi điều trách cứ tức thì bị trút lên đầu ban lãnh đạo cũ. Nhưng nhờ vào chiến thuật như vậy, Minaiev lại xin được ngoại tệ để mua thiết bị.
Trong vấn đề lắt léo này, viện sĩ Stroiev lại ủng hộ đề nghị của viện và sau việc đó, Minaiev thấy sẽ bất tiện nếu lại đưa chuyện Olkhovxki ra đây. Sự bề bộn của chuyến công tác Mátxcơva đẩy lùi sự việc này, một sự việc mà ở đây, tại Mátxcơva trở nên nhỏ bé, chẳng đáng kể và chỉ lóe ra trong ký ức ông khi ông đã ở trên tàu, khi Minaiev chỉ còn lại một mình trong toa có giường ngủ gần như trống trải.
Có lẽ lỗi là tại trận mưa. Trận mưa bắt đầu lúc nào không hay, nó phủ lên mặt kính cửa sổ những vệt chéo lấp lánh. Những hạt nước li ti chảy ngoằn ngoèo, thu nạp thêm những hạt nước khác, rồi hòa vào nhau và càng trượt nhanh xuống. Sực nhớ đến lời hứa Loktev, Minaiev thở dài – có lẽ hắn đang gầm gào và lồng lộn ở nhà. Không làm thế nào khác được, đành phải chuyển Olkhovxki đến Nicolaiev vậy. Tạm thời, cho đến lúc bầu máu nóng của hắn nguội đi vậy.
Trên cái nền tối dày đặc của buổi đêm, mặt kính hai lần phản chiếu thân hình nặng nề, mặc bộ quần áo ngủ kẻ sọc màu hồng, bộ mặt húp híp với điếu thuốc lá ở khóe miệng mím chặt cương nghị và còn một bóng khác, mơ hồ hơn tất cả, lẫn trong cái vạch sáng của nước mưa. Khói thuốc lá chạm vào mặt kính lạnh, lan trải ra thành nhiều đường vằn vèo xoắn xuýt, nam nám, dính nháp. Xuyên qua những đường xoắn xuýt ấy, từ trong bóng tối sâu thẳm của cửa sổ, ở bên ngoài toa xe, một anh chàng trẻ tuổi, đội mũ kêpi bị thấm ướt, mặc tấm áo khoác ngoài sờn cũ của thời sinh viên đang nhìn vào Minaiev. Những dòng nước lăn dài trên hai gò má nhợt nhạt, trên cái cổ gà con gầy nhẳng của anh ta.
“Này bố già, vì sao bố già cứ nấn ná mãi thế, còn phải chờ đến bao giờ nữa mới được kia chứ, không lẽ bố già hoàn toàn không phải là một nhân cách nữa sao?”.
– ”À, mà kể ra thì đối với mọi người, bố vẫn là một nhân cách khá chi là quan trọng kia đấy. Tôi có tính đến những bối cảnh hiện thực, dễ dàng đòi hỏi khi còn ở bên dưới”.
– “Bố già hứa sẽ hành động theo ý mình, khi được chuẩn y làm viện trưởng. Sau đó là khi bố già củng cố vững vàng, còn bây giờ…” – “Cứ làm như thể viện trưởng là thượng đế không bằng. Tôi bị trói buộc chân tay. Nếu như tôi làm ở bộ, khi ấy hẳn tôi không bị phụ thuộc vào Loktev, tôi đã có thể…” – Gớm chửa, Loktev, những lời đe dọa của hắn là cái gì kia chứ, cần phải gặp thẳng bí thư thành ủy, cuối cùng thì có thể lên cả trung ương, thì bố già cũng đã có mặt ở đấy kia mà”. – “Và tôi đã làm và đang làm một cách trung thực với hết sức mình. Và với Olkhovxki, mọi chuyện rồi cũng sẽ đâu vào đấy, tôi sẽ đưa anh ta trở về”. – “Bố sẽ không đưa anh ấy về đâu và bố sẽ không bao giờ đưa anh ấy, cái anh chàng Olkhovxki ấy về, nếu anh ta không phải là một Minaiev, không tự biến mình thành một Minaiev, bố đã phản bội cả hai chúng tôi… làm sao tôi có thể tin bố kia chứ?”. – “Mị dân. Ba hoa vô trách nhiệm. Nếu như tôi nhượng bộ lúc này thì việc đó chẳng qua cũng chỉ vì tôi muốn có được cơ hội để ủng hộ không phải chỉ một mình Olkhovxki. Trên vai tôi là cả một viện nghiên cứu lớn, ở đó có hàng chục người như Olkhovxki, những người mà tôi có thể bảo vệ, vì thế tôi không có quyền…”.
Ngoài ra, có thể có một Minaiev thứ ba nữa, một Minaiev vô hình, đang tò mò lắng nghe ông viện trưởng, từ tốn bẻ gãy một cách đầy thuyết phục lý lẽ của chàng trai kia, chứng minh bằng sự kiện hẳn hoi sự tất yếu của những gì đã diễn ra và tựa hồ như để trấn áp anh chàng kia, ông đã hứa hẹn là đứng ra che chở cho Olkhovxki, đưa cậu ta trở về viện, một khi hoàn cảnh cho phép. Ông đã hoàn toàn chân thành, không quanh co, nhưng chàng Minaiev thứ ba vô hình này, thừa biết rằng hoàn cảnh tự nó sẽ chẳng bao giờ đến cả, và trò chơi này sẽ chẳng bao giờ kết thúc.
Từ mai trở đi ông sẽ luôn luôn cố giữ cho được bản sắc của chính mình. Tuy nhiên anh chàng thứ ba, chàng Minaiev vô hình ấy không hề tham gia vào cuộc tranh cãi, không lật tẩy một ai trong hai Minaiev kia, không nói lên một ý kiến nào, vì chàng Minaiev thứ ba này thừa biết rằng ông viện trưởng đã dám hành động đúng như mình muốn và chàng Minaiev vô hình này chính là một Minaiev mà thiên hạ chẳng một ai được hay biết cả. Thôi được, miễn là còn có hắn và hắn không lụi tắt đi là may mắn lắm rồi, ông tự an ủi mình như vậy. Mặc cho thiên hạ ai muốn bóp chết hắn thế nào, tùy thích. Họa có trời biết là trong ông có tới bao nhiêu Minaiev và tại sao họ lại không thể’ hợp nhất lại làm một được.
Những mảng khói uốn éo, lềnh bềnh, bay che khuất gương mặt ướt át ở đằng sau tấm kính và gương mặt đó đã lẩn trốn vào bóng đêm tối mò cùng với quá khứ. Cái quá khứ ấy trốn đi đâu? Điều duy nhất còn lại chỉ là cảm giác chờ đợi, không phải công việc mà chỉ là những niềm mong đợi và hóa ra là tất cả những năm tháng ấy chung quy đều là kết tinh của những chờ đợi triền miên. – Sự chờ đợi triền miên – nhưng chờ đợi cái gì mới được kia chứ? Ông cười khẩy và dụi điếu thuốc lá đi.
Sáng ra, viên trợ lý đón Minaiev trên sân ga. Cẩn thận quấn kỹ lại khăn quàng cổ, Minaiev lắng nghe những tin tức trong viện.
– À này. – Ông hỏi. – Loktev có gọi điện xuống không?
– Có ạ, gọi hai lần.
– Sự thể nó là thế đấy. – Minaiev buông thõng một câu.
Hai người chậm rãi bước đi trong đám đông trên sân ga ẩm ướt, họ đi qua toa tàu mà Minaiev vừa rời đó xuống. Những tấm kính bụi bặm của toa xe không phản chiếu một hình ảnh nào hết. Qua tấm kính tối mò chỉ nhìn thấy tấm vải trải giường nhàu nhờ, cái gạt tàn bẩn thỉu, đầy những mẩu thuốc vứt đi.