Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chuyện Tình Như Huyền Thoại

Chương 3

Tác giả: Barbara Taylor Bradford

Russell Dusty Rhodes nhìn India Standish, đứng bên cạnh cửa sổ, nói với cô:

– Điện thoại của em reo, chứ không phải của anh.

Cô cau mày, nhìn quanh phòng ngủ, kêu lên:

– Trời ơi, cái ví xách của em đâu rồi?

– Trên ghế kia, dưới áo dài của em ấy!

– Ồ phải rồi, anh nói đúng. – Nói xong, cô chạy đến ghế, một tay giữ chặt cái khăn tắm quấn quanh người, tay kia lấy cái ví xách, lấy điện thoại di động ra, áp lên tai. – Alô.

– India phải không?

– Chào Linnet.

– Chị đang ở đâu đấy? Đến cửa hàng Leeds rồi à?

– Không, tôi dừng lại giữa đường vài phút, rồi đi ăn trưa.

Dusty đứng bên kia phòng nhìn cô, cười toe toét.

Cô nhìn anh ta rồi lặng lẽ nói thầm bằng môi: im lặng.

Linnet nói:

– India, có chuyện rắc rối. Adele biến mất. Nhiều giờ rồi. Tessa đang nổi điên.

– Ôi lạy Chúa! – India ngồi phịch xuống ghế.

– Nó có thể đi lạc ngoài đồng, – Linnet nói tiếp. – Nhưng tôi không tin như thế. Theo tôi thì có lẽ Mark Longden đã bắt nó đi và Tessa cũng nghĩ thế.

– Đúng, tôi đồng ý. Nhưng chắc chắn anh ta sẽ không làm cho cô bé đau đớn.

– Phải, – Linnet cắt ngang lời cô ta, – nhưng nhiều lúc chuyện xảy ra không tốt đẹp, nên chúng ta phải tìm nó trước khi có chuyện không hay xảy ra. Tôi đã nhờ Jack Figg đến giúp đỡ, đồng thời người ta cũng đang đi tìm nó khắp lãnh địa Pennistone Royal. Độ nửa giờ nữa tôi sẽ có mặt ở đấy.

– Có lẽ tốt hơn tôi cũng nên đến đấy.

– Chị cứ đi ăn trưa cho xong đã, India. Chị không làm gì được đâu ngoài việc có mặt với Tessa, vì chắc là chị ấy rất lo sợ.

– Tôi nghĩ chắc là như vậy rồi. – India ngần ngừ một lát rồi hỏi: – Cô có nghĩ Jonathan Ainsley có nhúng tay vào việc này không?

– Tôi không nghĩ thế, nhưng nếu có ông ấy nhúng tay vào thì cục diện chắc sẽ thay đổi nhiều.

– Phải, cô nói đúng. Nhưng cô sẽ làm gì nếu…

– Chúng ta đừng nghĩ đến chuyện đó, India. Ít ra, khoan nghĩ đến. Hẹn gặp chị.

– Tôi sẽ đến ngay. – India tắt mát, bỏ lại vào ví, mặt cô tái mét, mắt lo âu.

– Có chuyện gì thế? – Dusty hỏi, ngồi thẳng trên giường, – sao trông em có vẻ lo sợ thế. Không được, đừng sợ, em không sợ gì hết, phải không?

India nhìn anh rồi gật đầu.

– Phải, em lo thật. Con của Tessa, bé Adele đã biến mất và Linnet nói có lẽ Mark Longden đã bắt nó đi.

– Thế là bậy rồi, em nghĩ sao?

– Em đồng ý với anh. Mark không đàng hoàng, có lẽ anh ta đã bắt cóc con bé.

– Có lẽ. Nó không đi lạc trong lãnh địa rộng mênh mông ấy chứ? – Anh lại nhướng mày.

– Em nghĩ cũng có thể. Nhưng nếu lạc thì chắc bây giờ người ta đã tìm ra nó rồi. Nó còn bé quá. Làm sao nó đi xa cho được? Linnet nói nó mất tích đã nhiều giờ rồi và nhiều người đã đi tìm.

– Tại sao hắn bắt con bé? Câu hỏi thật ngu ngốc, Rhodes à. – Anh ta tự trả lời và lắc đầu. – Như là vũ khí trong việc ly dị, hắn dùng cô bé để thao túng Tessa. – Anh đưa tay vuốt mái tóc đen, gợn sóng và mặt hiện ra vẻ tức giận. – Con người thật đê tiện! Nếu hắn dùng con bé vào việc này thì hắn quả là đồ con hoang.

India thở dài, đứng dậy, đưa tay lấy áo quần.

– Em có thể đến đấy trong vòng một giờ nữa cũng được, cho nên trở lại giường với anh đi. – Dusty nói, giọng nho nhỏ, bỗng nghe có vẻ dịu dàng, và anh nhìn cô cười với một nụ cười quyến rũ. Cô lại thấy hàm răng anh trắng toát, nổi bật trên màu nâu của làn da mặt. – Trở lại giường với anh đi, chúng ta làm chuyện ấy lại, – anh nài nỉ.

India lắc đầu.

– Em phải đi thôi, Dusty, – cô đáp, mặc dù vẻ luyến tiếc vẫn còn hiện trên mặt cô.

Anh không thể không thấy vẻ mặt ấy. Anh thấy mắt cô lộ vẻ khao khát. Anh hất tấm chăn ra sau, bước xuống khỏi giường, đến phía cô với ý đồ rõ rệt, nụ cười quyến rũ vẫn nở trên môi.

India nghĩ đôi mắt xanh của anh trông thật nguy hiểm, đôi mắt đầy thèm muốn. Ruột gan cô cồn cào, cô cảm thấy yếu đuối, hễ mỗi lần họ gần bên nhau là anh lại làm cho cô cảm thấy như thế này… lòng xao xuyến… đê mê. Cô đáp lại những ham muốn của anh rất dễ dàng. Chỉ cần ánh mắt của anh hay chỉ cần anh chạm tay vào người cô, là khao khát dâng lên trong cô.

Khi anh đến gần, cô thấy anh điển trai biết bao, hầu như đẹp một cách kỳ lạ. Như thể khuôn mặt đã được nhà điêu khắc bỏ ra rất nhiều thì giờ để tại nên: sóng mũi thẳng kiêu sa, vầng trán rộng, gò má cao, chiếc cằm tròn trịa và cặp lông mày cong duyên dáng trên đôi mắt xanh khêu gợi, khiến cho người ta phải xiêu lòng. Nhưng anh không có bộ mặt trẻ đẹp của các thần tượng trên màn ảnh và nét đẹp của anh có vẻ thô ráp, góc cạnh, như thể nhà điêu khắc bỗng nhiên muốn mau chóng hoàn tất công việc và tác phẩm trở nên ẩu tả.

Mặt anh tương xứng với cơ thể. Thân hình anh rắn chắc – ngực nở, vai rộng, bụng thon. Anh cao 1,8m, và vì cơ thể anh mạnh mẽ, nên trông anh có vẻ cao và khỏe. Khi mới gặp anh lần đầu, cô đã cảm anh ngay. Không có người đàn ông nào tác động đến cô nhiều đến thế.

Anh đến trước mặt cô, nụ cười quyến rũ vẫn trên môi. Anh kéo cô vào lòng, ôm cô sát vào người. Chiếc khăn tắm và áo quần rơi thành một đống xuống nền nhà, và cô quàng tay ôm vai anh. Anh cúi xuống, môi anh tìm môi cô, anh hôn cô say sưa, cô nghĩ chắc mình thua rồi, chắc cô sẽ lại bằng lòng trăm phần trăm lên giường với anh lần thứ hai trong ngày mất.

Nhưng ý thức trách nhiệm bỗng bừng lên trong cô. Cô nhớ đến các nguyên tắc của gia đình Harte, và cho rằng mình phải đến Pennistone Royal. Mặc dù cô rất muốn anh, nhưng ý thức gia tộc đã đánh thức lương tâm cô. Một người trong gia đình Harte đang gặp chuyện rắc rối, tất cả những người khác phải kề vai sát cánh để bảo vệ quyền lợi của họ.

India đẩy nhẹ Dusty ra, hai tay để trên ngực anh. Anh trì lại một lát, rồi bỗng anh lùi bước, nhìn vào mặt cô, vẻ ngạc nhiên hiện ra trên mặt.

– Anh đã biết nguyên tắc. – Cô nói nhỏ. – Em đã nói cho anh biết những nguyên tắc này nhiều năm rồi.

– Một người trong gia đình Harte, luôn luốn đến giúp đỡ những người khác trong gia đình Harte, khi họ gặp chuyện rắc rối.

Anh kêu lên:

– Em khỏi cần nói thêm. Anh đã biết, anh đã hiểu rồi.

– Xin anh đừng giận.

– Anh không giận, – anh đáp, quay người đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài, vẻ người cứng nhắc, mặt bất bình.

Không nói một tiếng, cô lấy áo quần, đi vào phòng tắm, lau người khô, mặc cái áo dài bằng vải lanh đen, rồi mang đôi giày cao gót bằng da đen. Khi cô trở ra phòng ngủ, anh vẫn còn đứng bên cửa sổ, nhưng đã mặc áo quần, chiếc quần jeans và áo thun trắng.

Nghe tiếng giày nện trên sàn gỗ, anh quay mặt nhìn cô.

– Xin lỗi, – anh nói nho nhỏ, bỗng anh có vẻ thẹn thùng.

India đi đến bên anh, chạm nhẹ vào má anh.

– Em muốn ở lại với anh, chắc anh biết và chắc anh cũng biết em rất yêu anh. Nhưng em không thể không làm tròn nghĩa vụ với gia tộc. – Cô nhún vai và nói tiếp. – Em nghĩ, cái nghĩa vụ này đã ngấm sâu vào trong em rồi.

Anh nắm bàn tay cô, đưa lên môi hôn.

– Anh biết. Nhiều lúc anh là kẻ hiếu chiến. – Anh bật cười. – Chắc em nói anh thường như thế phải không? Thôi được rồi, anh để em đi. – Anh dẫn cô đến cửa. – Nhưng với một điều kiện.

Cô bỗng thấy giọng anh dịu dàng và mắt anh ánh lên vẻ tươi vui. Cô đáp:

– Em bằng lòng bất cứ điều kiện nào, miễn là điều kiện có liên quan đến anh.

– Anh sợ khi em nghe điều kiện này rồi, em sẽ ân hận. Anh vội dẫn cô ra khỏi phòng ngủ và đi xuống cầu thang rộng lớn.

– Em sẽ ân hận à? – Cô hỏi, liếc mắt nhìn anh, vẻ mặt quyến rũ. – Vậy anh nói đi.

– Em phải ngồi cho anh vẽ. – Nhưng anh dừng lại trên cầu thang, quay mặt nhìn cô.

India há hốc mồm nhìn anh.

– Anh muốn em ngồi làm mẫu cho anh à? Anh muốn vẽ em à? Vẽ em?

Anh thấy anh đã làm cho cô kinh ngạc và nhận thấy sự kinh ngạc của cô rất đáng yêu. Bỗng anh thấy bối rối. Họ dừng lại giữa cầu thang lầu, ngay dưới trần nhà có hình vòm bằng kính. Ánh sáng chiếu qua vòm kính, biến mái tóc cô thành vầng hào quang màu bạc và cặp mắt màu xám trong hình như sáng lên trong ánh hào quang ấy. Tương phản với vầng hào quang trên đầu, mặt cô đầy nhục cảm, đôi môi chín mọng và gợi tình. Anh nín thở, muốn vẽ cô ngay lúc này. Mấy ngón tay anh ngứa ngáy.

Cô vội nói:

– Anh nhìn em chằm chằm, mặt anh trông rất kỳ lạ. – Cô đưa tay vuốt tóc; bỗng cô cảm thấy ngược ngập. – Chắc trông em bê bối lắm.

Anh ôm mặt cô trong hai tay, nhìn đăm đăm vào đôi mắt trong sáng, đẹp đẽ của cô.

– Anh muốn vẽ em ngay bây giờ, vẽ cái vẻ của em như thế này. Rất yếu đuối và cởi mở, nhục cảm còn lưu lại. Em như người phụ nữ vừa được thỏa mãn ở trên giường.

– Đúng thế.

– Vậy em làm thế nhé? Em ngồi cho anh vẽ nhé?

– Nếu anh thật sự muốn em ngồi, Dusty.

Anh cười, nắm tay cô, họ đi xuống cầu thang, khi xuống dưới chân cầu thang,Dusty dừng lại, nhìn cô một hồi lâu, ánh mắt trầm mặc.

– Em sẽ giải thích việc này như thế nào?

India cau mày bàng hoàng, nhìn anh với vẻ hơi ngạc nhiên.

– Em không hiểu anh muốn nói gì?

– Em sẽ giải thích với bố em như thế nào về bức vẽ?

– Em không biết anh muốn nói gì, Dusty.

Anh nhìn sát vào mặt cô, phân vân không biết cô chậm hiểu, hay là muốn đùa anh. Rồi bỗng dưng anh hiểu cô không hiểu mà cũng không đùa. Rất đơn giản, cô không nắm được vấn đề. Anh lắc đầu và cười nho nhỏ. Một lát sau, anh giải thích:

– Nhân vật nào trong tranh của anh cũng được trưng bày, ngay cả những bức chân dung của các khách hàng riêng, những bức này thường được chụp ảnh lại. Khi các bức hình này xuất hiện trên báo chí, thế nào bố cũng xem thấy. Ông sẽ nghĩ là anh hiếp em.

Cô hơi chột dạ, thỉnh thoảng lối ăn nói cục cằn của anh làm cho cô khó chịu, nhưng cô vẫn dịu dàng cười với anh và đáp:

– Anh đừng quá kỳ cục như vậy, bố em sẽ không biết đến những chuyện như thế này đâu.

– Ông sẽ biết, vì bức tranh mà anh định vẽ em, sẽ là bức rất khêu gợi nhục cảm, y như em bây giờ, và sẽ không dựa trên trí tưởng tượng mà vẽ.

– Ôi bố em không quan tâm đâu, ổng là người bình dân.

– Ông còn là Bá tước Dunvale, em cứ tin anh đi, ổng sẽ quan tâm. Ổng sẽ không muốn mọi người biết anh đã vẽ con gái ổng như thế. Anh ra sao? Anh là thằng thuộc giai cấp lao động, thằng hoạt náo, thằng nổi tiếng xấu, xuất thân từ khu nghèo khổ ở Leeds. Ổng sẽ không thích những người như thế.

– Quả anh là đồ ngốc. Hiện anh là nhà họa sĩ vĩ đại nhất. Mọi người đều biết thế. Nhưng thực ra em không lưu tâm đến việc bố em hay bất kỳ ai nghĩ gì. Em đã hai mươi bảy tuổi, em có thể làm gì em muốn. Em muốn được anh vẽ và thực ra em rất hãnh diện khi được anh yêu cầu ngồi cho anh vẽ.

– Đồng ý chưa?

– Rồi. – Cô chìa tay ra. – Chúng ta hãy bắt tay nhất trí. Khi bắt tay cô, anh cười ha hả, rồi anh kéo cô vào lòng, ôm ghì lấy cô, áp môi vào tóc cô, anh nói:

– Còn một điều kiện nữa, trước khi anh vẽ, em phải ngủ với anh, nếu em bằng lòng, em có hiểu không, thưa Công nương India?

– Rất hiểu, thưa ông Rhodes. Em hoàn toàn nhất trí.

Anh quàng tay quanh vai cô.

– Tốt, bây giờ anh đưa em ra xe, – anh nói nho nhỏ, vừa xoay nắm cánh cửa cao rộng. Bộ cửa mở ra hàng hiên ở mặt tiền nhà hướng về phía nam, trước hàng hiên có mái che cổng nhà, mái có bốn trụ cao chống đỡ và hàng hiên rộng chạy dài trước mặt nhà, rồi vòng quanh trước hai chái hai bên.

Khi họ bước ra ngoài, hơi nóng của buổi chiều tháng Tám ập vào người họ. Dusty nói:

– Trời thật oi bức, có vẻ như muốn mưa. – Anh nhìn lên trời. – Có sấm, India à, nhưng chắc em sẽ đến Pennistone Royal trước khi trời mưa.

– Em hy vọng thế, – cô nói nhỏ, vừa đưa mắt nhìn lên trời. Bỗng cô nghĩ đến nhóm người đang đi tìm Adele ngoài đồng dưới trời mưa. Nhưng cô hy vọng người ta đã tìm ra cô bé hay bé đã về nhà rồi. Khi nghĩ đến chuyện cô bé mất tích, cô rùng mình.

Dusty nhận thấy vẻ lo sợ của cô, anh nắm cánh tay cô cùng đi ra sân nhà. Sau một lát im lặng, anh nói:

– Có lẽ anh nên đi với em. Ở đấy chỉ có ba người đàn bà và…

– Có Evan nữa là bốn, – India cắt ngang lời anh.

– Đúng, bốn người. Nhưng các người cần có đàn ông. Đàn ông như anh, biết cách xoay xở. Mark Longden có thể xuất hiện để đưa ra yêu sách, theo lời em nói thì hắn rất gian manh.

– Phải, một gã gian manh, nhưng chúng tôi sẽ đối phó với gã được, xin anh đừng lo. Vả lại có Wiggs, người chỉ huy công nhân làm vườn, và có Joe, người quản lý đất đai.

– Và vì gia đình có nguyên tắc rồi, phải không India? Người ngoài không được xía vào.

India liếc mắt nhìn Dusty, cố xem thái độ của anh như thế nào. Anh có vẻ hơi phật ý. Khi thấy ánh mắt của anh ra chiều ranh mãnh, cô cười.

– Đúng, em xác nhận điều này, anh thật nhạy cảm, thưa ông Rhodes.

– Em cũng thế, thưa Công nương India, – anh đốp lại, liếc mắt nhìn cô.

Khi cô không trả lời, anh hỏi:

– Em định ở lại đây bao lâu?

– Trước khi chuyện này xảy ra, em định ở lại đây một tuần. Nhưng bây giờ tình hình thay đổi, em có thể ở lại đây lâu hơn, nếu em về nhà và không đến cửa hàng ở Leeds. Em có rất nhiều việc ở đấy, chắc em phải ở lại cho đến khi công việc hoàn tất.

– Khi nào thì anh bắt đầu vẽ em?

– Ngày mai. Hy vọng thế. Chuyện này còn tùy hoàn cảnh. – Anh nhận thấy giọng cô có vẻ lo lắng, anh bình tĩnh nói:

– Anh tin thế nào chiều nay Adele cũng về, India à. Anh nói thật đấy. Anh hy vọng chắc chắn như thế.

– Cám ơn, Dusty… – Cô ngừng nói nửa chừng, lục tìm chìa khóa xe trong ví, rồi bước đến chiếc xe hơi đậu bên cạnh các nhà kho.

Dusty đi theo cô đến bên chiếc xe, anh vỗ tay vào đầu xe.

– Anh thèm chiếc xe của em. Xe loại Aston Martin DB2/4 này là loại xe cũ rất đẹp, bây giờ hiếm có lắm.

Cô cười nhìn anh.

– Được bố cho dùng chiếc xe ông thích nhất không tuyệt hay sao? – Cô hôn lên má anh. – Nhưng chắc anh biết em là con cưng của ông mà. Nói xong, cô bước vào xe.

– Đừng nhắc đi nhắc lại những chuyện ấy, – Dusty đáp rồi phá ra cười. – Báo tin cho anh biết chuyện sắp xảy ra.

– Em sẽ báo. – Sau khi hôn gió anh qua cửa kính mở rộng, cô mở máy xe.

° ° °

Khi chiếc Aston Martin đã biến mất khỏi tầm nhìn của anh, Dusty quay gót, đi qua chiếc sân rải sỏi, xuống cái hồ dùng làm cảnh. Anh dừng lại bên mép hồ, nhìn xuống lòng hồ, anh sung sướng khi nhìn thấy ngôi nhà xây trên đồi từ triều đại George phản chiếu xuống đáy hồ qua mặt nước trong veo, phẳng lặng như một tấm gương trong. Anh nghĩ các kiến trúc sư của các thế kỷ 17 và 18 tài tình biết bao. Bất cứ khi nào thấy địa hình thuận lợi là họ xây nhà trên đồi, rồi tạo ra cái hồ nhân tạo ở phía chân đồi, để ngôi nhà phản ánh xuống mặt hồ vẻ huy hoàng rực rỡ của nó. Một công hai việc. Rất ấn tượng.

Dusty đã nghiên cứu về kiến trúc một thời gian, anh xem đây như là một phần trong chương trình học hội hoa của mình. Anh đặc biệt quan tâm đến những mẫu nhà của Andrea Palladio. Anh thường cho rằng biệt thự theo mẫu của Palladio xây trong công viên cây cối xanh tươi ở nước Anh là cảnh tượng đẹp tuyệt vời. Anh thấy đây là cuộc hôn nhân hoàn hảo giữa kiến trúc với thiên nhiên. Dusty yêu trường phái cổ điển trong kiến trúc, vì anh yêu tất cả các thứ cổ điển. Vào thời Phục hưng, William Kent, môn đệ của Inigo Jones, nhà kiến trúc vĩ đại thế 17, đã vẽ kiểu và xây ngôi nhà của anh, biệt thự Willows Hall, cách đây đã hơn hai trăm bảy mươi lăm năm và ngôi nhà hoàn toàn đúng theo trường phái Palladio. Dusty thích ngôi nhà ngay khi mới thấy lần đầu, mặc dù anh lo sợ khi nhận ra là ngôi nhà đã bị lãng quên, thiếu chăm sóc. Nhưng những nhân viên giám định nhà cửa mà anh đã mời đến xem, đều nói rằng ngôi nhà chỉ hư hại bên ngoài mà thôi, nếu nhờ một số thợ thủ công có tay nghề cao, họ sẽ tu sửa, phục hồi ngôi nhà lại giống như nguyên trạng.

Anh đi vào nhà, leo lên ngọn đồi nhỏ, và tự nhiên anh nghĩ đến India Standish. Nếu có người đàn bà nào ở trong nhà này mà thích hợp, thì đó chính là India. Dù sao thì cô cũng đã lớn lên trong biệt thự Glenloughlin ở Ireland, ngôi biệt thự này nổi tiếng từ thời George nhờ quy mô to lớn. Cho nên cô sẽ rất thoải mái khi sống trong khung cảnh vĩ đại ở Willows Hall này. Anh nghĩ, anh cũng xứng đánh ở trong ngôi nhà này, mặc dù anh đã lớn lên từ một nơi nghèo khổ, hoàn toàn khác hẳn với ngôi nhà này.

Dusty đã dành rất nhiều thời gian, công sức, tình cảm và tiền bạc vào Willows Hall hơn tám năm rưỡi nay, anh đã tự lực cách sinh để mua ngôi nhà này. Anh không nghĩ đến chuyện sẽ ở một nơi nào khác.

Khi lên đến đỉnh đồi, anh đứng lại nhìn mặt tiền nhà trong một lát và không thể nào không ngắm nghía lớp đá bạc màu ánh lên trong ánh nắng chiều. Trông mặt đá như thể đã được lau chùi bóng láng.

Khi Dusty ngước mắt nhìn trời, anh sung sướng khi thấy không còn sấm chớp nữa, chắc sẽ không mưa. Anh quay lại đi trên hàng hiên dài để đến xưởng vẽ của mình. Xưởng vẽ nằm cách bên trái ngôi nhà một chút, xưởng này do anh thiết kế. Đứng ngoài nhìn vào, trông nó như một ngôi nhà dành cho khách, vì nó có diện mạo giống ngôi nhà chính, theo kiểu Palladio.

Bên trong xưởng là một khoảng không gian rộng lớn, thoáng đãng, trần nhà cao vòi vọi, hai bên có nhiều cửa sổ. Ánh sáng ngoài trời chiếu vào trần nhà, toàn thể nhà xưởng đầy ánh sáng từ phía Bắc chiếu vào lung linh sáng sủa. Dusty nhấp nháy mắt, anh đưa tay chạm vào nhiều nút bấm, những tấm màn che cửa tự động kéo lại, biến căn phòng thành nơi râm mát.

Anh đi đến giá vẽ, lấy cây bút chì đen, nhanh tay phác thảo nét mặt của India. Bỗng anh dừng lại, ném cây bút chì xuống, bước đi khỏi giá vẽ, đến ngồi vào chiếc ghế bành.

Tại sao anh vẽ cô? Ý nghĩ thật kỳ cục. Chuyện này sẽ gây ra nhiều rắc rối. Trên nhiều mặt. Rắc rối cho cô. Rắc rối cho anh. Bố cô sẽ không thích cô giao du với anh. Dù cô tin tưởng như thế nào, thì anh cũng biết là ông không thích. Họ xuất phát từ hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Cô xuất thân trong một gia đình quý tộc cao sang, còn anh là đứa bé xuất thân trong giới lao động, đúng là anh nổi tiếng. Rất nổi tiếng và giàu nữa. Ấy là vì tài năng của anh, vì anh làm cái công việc mà nếu anh không làm thì anh sẽ không sống được. Công việc vẽ. Nhưng Bá tước Dunvale không quan tâm đến việc này. Người như ông chỉ quan tâm đến các lĩnh vực khác thôi. Ông ta chỉ quan tâm đến tài sản và quá khứ, và chỉ nghĩ đến những chuyện tầm thường như là anh đi học ở trường nào, bố anh làm gì và anh có giọng của kẻ cao sang không.

Không, chuyện này sẽ không hay ho gì cho cô, hay là cho anh, vì anh không có ý định sẽ đi đến hôn nhân với India. Anh sẽ phí thì giờ vàng bạc với cô khi anh vẽ và anh sẽ làm cho cô đau khổ khi chia tay. Phải, cô sẽ gặp chuyện rắc rối. Vì nhiều lý do.

Chiếc điện thoại màu đỏ để trên quầy reo vang. Anh nhìn cái máy với ánh mắt ngao ngán, không muốn đến trả lời. Nhưng chuông vẫn reo, đến hồi chuông thứ sau thì anh đứng dậy, bước đến quầy, nhấc máy lên nghe.

– Alô?

– Russell phải không?

– Chào Melinda.

– Làm sao anh biết em gọi?

– Tôi nhận ra giọng của cô.

– Russell, em muốn ra khỏi đây, – chị ta nói. – Anh nói bác sĩ Jeffers thả cho em ra.

– Chắc tôi không làm được đâu. Cô phải ở đấy cho đến khi đã hoàn toàn được giải độc. Khi ấy ông ta mới ký giấy thả cô ra. Tôi không làm sao giúp cô được việc này, chắc cô biết rồi.

– Russell, anh vui lòng xin ông ấy giúp em.

– Chắc cô biết ông ta không nghe đâu.

– Xin anh đừng trừng phạt em như thế này.

– Tôi đâu có trừng phạt cô, Melinda. Chính cô tự ký giấy xin vào bệnh viện mà.

– Em sẽ nói cho Atlanta biết việc anh đối xử với em như thế nào.

– Tôi không làm gì tệ với cô hết. Nhưng, con bé còn quá nhỏ, nó không hiểu gì đâu.

– Nó có khỏe không?

– Khỏe, nó rất tuyệt vời. Hôm qua tôi có nói chuyện với mẹ cô, bà nói con bé hạnh phúc như con chim sơn ca. Này, Melinda, tôi phải đi làm việc. Tôi đang làm việc.

– Anh sẽ nói với ông bác sĩ chứ? Xin anh.

– Được rồi, tôi sẽ nói. Ngày mai tôi sẽ gọi điện thoại cho ổng. Bây giờ nghỉ ngơi đi, cho chóng lành. Chào. – Anh gác máy, mắt nhìn vào máy điện thoại. Đấy, nếu có chuyện gì rắc rối thì chính chuyện này đây. Rồi còn nữa.

Anh than vãn. Anh sẽ làm gì về chuyện của Melindda và đứa con của anh? Anh sợ sẽ có người tìm ra chuyện giữa anh với họ. Anh nghĩ, thế nào, không sớm thì muộn, chuyện này cũng lọt ra ngoài… Anh quá nổi tiếng, nên không thể nào mà không… Anh cố xua đuổi ý nghĩ này đi, không muốn nghĩ đến nữa.

Và tại sao anh cứ muốn vẽ India? Vì cô đẹp và gợi tình, và trong đầu óc anh đã in hình của cô rồi, anh không thể bỏ đi mà không vẽ ra. Đấy là hình ảnh đã hiện hình rồi, khi có dịp là anh sẽ thể hiện lên khung vải.

Bất ngờ, anh nghĩ đến Tessa Longden và Adele. Anh biết rất rõ tâm trạng của nàng ra sao. Nói tóm lại, anh cũng có đứa con ba tuổi và anh biết nếu anh gặp hoàn cảnh như của Tessa, thì chắc anh sẽ nổi điên lên vì tức giận.

° ° °

India lái xe trên xa lộ với tốc độ đều đặn. Chẳng bao lâu nữa cô sẽ đi qua Harrogate và hướng về làng Pennistone Royal. Sấm chớp đã trôi hết ra biển Bắc, trời quang đãng trở lại. Cô mừng. Không có gì khổ bằng việc lục lọi tìm một đứa bé bị lạc trong những cánh đồng lúa và đồng cỏ sũng nước.

Có phải nó lạc trong lãnh địa không? Không. Mark Longden đã bắt nó vì có ác ý. Như Dusty đã nói, đây là chìa khóa cho gã mặc cả. Dusty. Anh quả là một con người khó tính và đầy mâu thuẫn. Anh có nhiều thành kiến, nhất là về quá khứ của anh và về sự khác biệt giai cấp. Cô thấy những ý tưởng này thật quá ngu ngốc. Anh sẽ không nghe cô. Nhưng không sao, cô đã yêu anh vào đêm đầu tiên gặp mặt, và không có gì sẽ thay đổi điều này được hết. Anh là người duy nhất cô muốn và quyết sẽ chiếm lấy cho được. Chiếm luôn. Đi đến hôn nhân. Đấy là mục đích của cô. Nhưng việc này sẽ không dễ dàng.

Dusty không muốn bị ai trói chân trói tay. Anh cũng không thích hứa hẹn với ai điều gì. Vì thế mà anh không lấy vợ hay quan hệ với ai lâu dài. Khi anh và cô mới gặp nhau, anh tuyên bố như để cảnh báo với cô rằng: “Yêu nhau rồi chia tay, đó là châm ngôn của tôi”. – Nói xong, anh phá ra cười khoái trá, như là thích thú vì thái độ sống của mình.

Anh cười luôn và cô thích như thế. Cô không chịu đựng nổi người buồn bã. Anh luôn luôn lạc quan yêu đời, sẵn sàng nắm lấy cơ hội vui sống, nhưng dĩ nhiên ngoại trừ niềm vui trong hôn nhân. Đây là vấn đề cấm kỵ, ngay cả chuyện thảo luận đến cũng không.

Dusty thích làm trai già, như anh gọi những người bạn trai, số này rất đông và nghề nghiệp thay đổi: diễn viên, văn sĩ, chính trị gia, nhà báo, “và”, như anh thường nói, “những kẻ độc thân vô danh mà tôi thương mến”. Anh cho mình là chàng Jack độc thân. – Chàng Jack Quậy độc thân. Anh thích nhậu nhẹt, quậy phá, luôn luôn cho mình là kẻ hoạt náo. Tuy nhiên, theo chỗ cô biết trong ba tháng hai người quen nhau, thì đây chỉ là hành động trình diễn. Vì nói thực ra thì anh uống rất ít, hầu như đêm nào anh cũng bồi dưỡng một ly Stolichnaya pha nước đá, để làm ra vẻ ta đây là bợm nhậu. Đàn ông trong gia đình Harte uống nhiều hơn Dusty rất nhiều. Nhưng vì anh cần bàn tay vững chắc để sáng mai còn làm việc.

Bút pháp của anh là hiện thực chủ nghĩa theo trường phái cổ điển, những nhà phê bình nghệ thuật có tiếng tăm, phê bình anh ngay khi anh mới vào nghề, họ cho anh là tân Pietro Annigoni, họ tuyên bố rằng anh thừa hưởng tài năng của nhà họa sĩ người Ý nổi tiếng đã chết vào năm 1988. Họ gọi Dusty là thiên tài với sự kính nể và mến phục như đối với Annigoni vậy. Tranh của Dusty có phong cách rất giống tranh của các họa sĩ lớn vào thời phục hưng, chú trọng đến những chi tiết chi ly trong tác phẩm và đến hậu cảnh của tác phẩm. Những bức chân dung vẽ về các danh nhân, cảnh trên bộ, cảnh trên biển đều đầy đủ chi tiết, cách dùng màu của anh rất khéo, khiến người ta nhìn vào là không thể rời mắt.

Bất cứ người nào mà vẽ kỹ càng như anh, đều không thể nào nhậu nhẹt lu bù được. Có lần cô nói với anh như thế, anh nháy mắt rồi cười toe toét với cô. Cô cũng nghĩ đến cái gọi là sự hoạt náo của anh. Cô chỉ cho đấy là sự vui vẻ ồn ào thôi, cười nhiều, nói to, vung tay múa chân. Chỉ làm cho có vẻ say thôi, chứ chẳng say sưa, mà chỉ là những hành động vô hại, và báo chí thổi phồng lên. Vì anh muốn họ làm thế. Anh thích nổi tiếng.

Lần đầu tiên khi cô biết tiếng tăm về nhậu nhẹt lu bù của anh chỉ là huyền thoại, cô đã bật cười. Cô biết sự thật ấy khi đang đi qua cửa hàng Harte với Linnet. Cô em họ nhìn cô rồi lắc đầu, nói gỏn lọn với cô rằng: – Kẻ nào vô cớ mà cười to như vậy, sẽ bị tròng vào áo bó dùng bắt người điên để dẫn đi. Nhất là khi họ ở trong cửa hàng sang trọng bậc nhất thế giới. Vì họ làm cho mọi người chú ý.

– Tôi xin lỗi, Linnet, – cô ấp úng nói, – nhưng tôi không thể không cười. Tôi bỗng nhận ra người bạn trai của tôi là người có tài đóng kịch.

Câu nói của cô làm cho Linnet chú ý thêm.

– Ồ, vậy thì chị lánh xa anh ta ngay, – cô ta nói lớn. – Ở đây chúng ta không cần những kẻ thiếu thành thật. Vả lại, thế nào anh ta cũng bị các chàng trai lột mặt nạ.

– Các chàng trai nào?

– Julian, Gideon, Toby và ngay cả cậu Desmond. Họ sẽ cùng đứng vào một phe để chống anh ta.

– Chắc thế.

– Nhân tiện hỏi chị, khi chị nói bạn trai, có phải chị muốn nói đến anh chàng VFP (very famous person) nào phải không?

– VFP à? Chữ này nghĩa là sao?

– Là người rất nổi tiếng. Chị có nói với tôi là chị đang quen người nào đấy rất nổi tiếng, nhưng chị không cho tôi biết người ấy là ai.

– Là Russell Rhodes.

– Dusty Rhodes à? Nhà họa sĩ phải không? – Hai mắt Linnet mở to.

India chỉ gật đầu để trả lời, nhưng cô rất sung sướng trước sự ngạc nhiên của Linnet.

– Trông anh ta hấp dẫn lắm, India.

– Đúng, nhưng có mặc cảm.

– Không ai mười phân vẹn mười, – Linnet đáp,� cười toe toét với cô chị.

Cô cười và đáp:

– Nhưng ít ra anh ta đã không lấy vợ, nên không có vợ cũ hay con cái để cạnh tranh. Thực vậy, trước khi anh ta gặp tôi, ảnh không gắn bó với ai lâu.

– Chị biết không, bố rất thích tác phẩm của anh ta, tất cả chúng tôi đều thích. Bố thường muốn Dusty Rhodes vẽ Paula, nhưng mẹ nói là quá bận, không thể ngồi nhiều giờ cho họa sĩ vẽ. Nhưng tôi muốn bà ngồi cho anh ta vẽ và bố cũng thế.

– Tôi đồng ý. Dusty là người có đủ tư cách để vẽ cho mẹ cô. Anh ấy có thể vẽ chân dung cho bà theo phong cách thời trung cổ rất đẹp.

Khi họ tiếp tục đi qua cửa hàng, Linnet hỏi cô rất nhiều chuyện về Dusty. Cô trả lời một vài câu hỏi, nhưng có những câu cô im lặng không nói. Cô cảm thấy không muốn tiết lộ quá nhiều về anh hay là về mối liên hệ của họ, ít ra là chưa tiết lộ. Vấn đề khó khăn với Dusty là thái độ của anh đối với gia đình cô. Chưa gặp người nào trong gia đình cô hết, mà anh đã xếp loại họ vào thành phần quý tộc. Anh đã miêu tả họ: “Quá lên mặt. Rởm đời. Đồ nhà giàu lười biếng, kiêu căng”. Không đúng chút nào hết, và cô đã cố gắng giải thích cho anh rõ. Cô nói rằng bà cố của cô khi mới vào đời nghèo xơ nghèo xác, nhưng anh không chịu nghe và thay đổi đề tài.

Mới đầu cô nghĩ anh đau khổ vì mặc cảm tự ti, vì quá khứ nghèo khổ, anh lớn lên trong những khu nhà ổ chuột ở Leeds. Chắc có lẽ anh thường nhớ đến thời này. Nhưng sau đó cô nhận ra anh không có mặc cảm tự ti chút nào hết. Anh là người tự tin và bình tĩnh mà cô chưa từng thấy, là người biết làm chủ tình thế, tỏ ra có duyên và khi muốn, anh có thể biểu lộ ra ngoài một tư cách hoàn hảo.

Tuy nhiên, Dusty cứ nghĩ bố cô xem anh là người thấp hèn, cho mối liên hệ của họ là không xứng hợp. Nhưng cô biết bố mẹ cô sẽ thích anh, chứ không phải chỉ khâm phục tác phẩm của anh mà thôi. Cô tự nhủ, mình phải cho anh một thời gian, rồi cho xe chạy chậm lại khi đến làng. Mấy phút sau, cô rẽ xe ra khỏi đường quốc lộ, chạy vào con đường làng dẫn đến cổng biệt thự Pennistone Royal.

Cô tập trung tư tưởng vào Tessa và hoàn cảnh hiện tại. Cô không biết tình hình sẽ ra sao đây. Cô cầu mong sẽ thấy Adele với mẹ bé ở nhà, chứ không phải bị thất lạc, hay là bị bắt cóc. Cô cầu mong gia đình không lâm vào cảnh bi đát.

Hình ảnh Jonathan Ainsley hiện ra trong óc cô khiến cô nhăn mặt. Theo chỗ cô mới biết gần đây, thì hình như Mark Longden đang bị ông ta chi phối. Thật khủng khiếp. Có thể nào Jonathan giật giây chăng? Có phải ông ta là quân sư trong vụ bắt cóc Adele không? Phải chăng sự thật đúng như thế? Cô không trả lời được.

Bình luận