Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đèn Không Hắt Bóng

Chương VIII

Tác giả: Watanabe Junichi

ÐỒNG HỒ ĐÃ ĐIỂM MƯỜI GIỜ mà Naoe vẫn chưa thấy đến.

Người tiếp bệnh nhân trong phòng khám là Kobashi: hôm qua anh đã ở lại trực đêm.

Naoe xưa nay không bao giờ đến sớm, nhưng quá mười giờ mà ông vẫn chưa đến thì đó là chuyện không bình thường. Các nữ y tá bắt đầu lo lắng. Bà y tá trưởng Sekiguchi từ trên tầng ba chạy xuống phòng khám. Chắc ở phòng tiếp nhận đã gọi điện cho bà.

– Sao, bác sĩ Naoe vẫn chưa đến à?

Đồng hồ treo tường chỉ mười giờ mười lăm.

– Chưa. – Akiko Takagi ngừng tay thay băng ngước mắt nhìn Sekiguchi.

– Chắc các bệnh nhân đã chờ từ lâu, phải không?

– Người đến sớm nhất đã chờ từ chín giờ.

Trên bàn của Naoe có một chồng gồm khoảng năm tập bệnh án.

– Có lẽ hôm nay ông ấy nghỉ chăng?

– Không phải đâu. Sau giờ nghỉ trưa có phẫu thuật.

Akiko cài đầu băng.

– Phẫu thuật à?

Bà y tá trưởng nhìn lên tấm biển treo trên tường. Dưới các ô ghi đơn thuốc, ở cuối bảng có đề tên và ngày giờ làm phẫu thuật. Không thấy đề một phẫu thuật nào cho ngày hôm nay.

– Đêm qua tôi trực, sau giờ nghỉ trưa hôm nay tôi muốn về nhà… Có được không ạ? – Akiko hỏi.

– Tôi nghĩ là có thể, – Sekiguchi nói một cách thiếu quả quyết. Bà ta nhìn quanh. Trong phòng tiếp nhận ngoài Akiko ra còn có Kaoru Uno và Midori Tanka, còn trong phòng ghi danh thì có Noriko Shimura và Akiko Nakanishi. Thường thường đối với một phẫu thuật nhỏ như cắt bỏ ruột thừa thì chỉ cần hai y tá.

– Phẫu thuật gì thế?

– Nạo thai.

Bà y tá trưởng trợn mắt tròn xoe.

– Chính bác sĩ Naoe sẽ làm à?

– Hình như thế. Bác sĩ Murase hôm nay sẽ không đến. Không phải ngày.

– Lần đầu tiên tôi nghe thấy.

– Vậy ra chị không biết à? – Akiko ngạc nhiên nhìn bà y tá trưởng.

– Không.

Kobashi lúc bấy giờ đang khám bệnh nhân, quay lại.

– Sao, chính Naoe sẽ làm ư?

– Vâng, – Akiko nhún vai. – Anh cũng chưa nghe nói ư?

– Chưa.

Kobashi đã khám xong. Bệnh nhân cúi chào rồi ra khỏi phòng.

– Chính em cũng mãi đến tối qua mới biết. Bác sĩ Naoe có gọi điện cho em lúc chín giờ, yêu cầu chuẩn bị các dụng cụ.

– Những chuyện này thực bất ngờ. – Bà y tá trưởng liếc mắt về phía Akiko, vẻ bất mãn rõ rệt, và nói thêm: – Dù sao thì lẽ ra cô cũng nên nói cho tôi biết khi giao ban.

Akiko lúng túng.

– Em tưởng mọi người đều biết, cả chị cũng vậy.

– Chưa ai biết cả. Thì ngay bác sĩ Kobashi cũng có hay biết gì đâu?

Bị vặn lại như vậy, Akiko ngượng nghịu cúi đầu, tuy cô tuyệt nhiên không có lỗi trong việc cả Kobashi lẫn bà y tá trưởng đều không biết gì. Những cuộc phẫu thuật đều do các bác sĩ ấn định, còn các cô y tá thì chỉ được chỉ thị khi cần thiết.

– Phẫu thuật này làm cho bệnh nhân nào?

Akiko lặng thinh.

– Sao, cô không biết à?

– Tôi chỉ được lệnh chuẩn bị dụng cụ! – Akiko đáp xẵng.

– Rốt cuộc chỉ là một mình Naoe biết… – Bà y tá trưởng lẩm bẩm đoạn nói, giọng dàn hòa: – Ông ấy thấy cần làm gì là cứ thế mà làm, còn chúng ta bị đặt vào một tình thế ngu xuẩn ra sao thì ông ấy cũng mặc.

Cuộc phẫu thuật này, xét tự bản thân nó, là một phẫu thuật sơ đẳng. Chỉ cần một bác sĩ và một y tá là hoàn toàn đủ. Nhưng Sekiguchi cảm thấy lòng tự ái của mình bị tổn thương nặng nề. Làm y tá trưởng mà lại chỉ nhờ sự tình cờ mới biết được là sắp có một cuộc phẫu thuật! Chẳng ai coi bà ra gì!…

– Như thế tức là nữ bệnh nhân chưa vào viện.

– Hình như thế.

– Ai thế nhỉ?… Tiên sinh không biết à? – Sekiguchi quay sang hỏi Kobashi.

– Tôi không biết, – Kobashi đáp xẵng trong khi lấy tập bệnh án tiếp theo.

– Thật là vô lối!

Bà y tá trưởng nhìn đồng hồ. Vào lúc ấy Noriko từ phòng ghi danh bước sang.

– Noriko này, – bẽ mặt vì thái độ lạnh nhạt của Kobashi, Sekiguchi vội quay sang cô nữ y tá, – cô không biết gì về cuộc phẫu thuật hôm nay à?

– Phẫu thuật ạ? Không… tôi không biết.

Rõ ràng là Noriko nghe nói đến chuyện này lần đầu.

– Thế mà bác sĩ Naoe mãi bây giờ vẫn chưa đến.

Kim phút trên đồng hồ treo tường nhích lên một quãng ngắn. Mười giờ hai mươi phút.

– Có lẽ bác sĩ ốm chăng?

Noriko nhún vai. Cô rất muốn trả lời: “Sao các người lại hỏi tôi? Tôi có phải là vợ ông ấy đâu mà biết”.

– Nếu ông ấy không định đến hôm nay thì ít ra cũng phải báo chứ! Cô thử gọi điện về nhà ông ấy xem!

– Tôi không biết số điện. Bà tự gọi lấy thì hơn.

Noriko quay lưng về phía bà y tá trưởng, lấy trong tủ thuốc ra hai ống thiazin và quay về phòng ghi danh.

– Mời bệnh nhân tiếp theo, – Kobashi nói với Akiko lúc bấy giờ đang ngồi trầm ngâm.

– Thế-ế-ế đấy… Mãi vẫn không thấy đến. – Cố trấn tĩnh, bà y tá trưởng nhìn ra hành lang. Khoảng hai mươi bệnh nhân đang ngồi im lặng kiên nhẫn chờ.

– Tiên sinh, – Sekiguchi yêu cầu Kobashi, – có lẽ tiên sinh cứ khám các bệnh nhân của ông ấy trước đi! – Bà hất hàm về phía chồng bệnh án đặt trên bàn của Naoe. – Chứ không thì có mấy người đã đợi đến hơn một tiếng đồng hồ rồi đấy.

– Để cho người ta đợi lâu thế kia thật quá tệ.

– Tôi không khám cho họ đâu.

– Tại sao?

– Vì đó là những bệnh nhân mới đến lần đầu hoặc là những bệnh nhân do chính bác sĩ Naoe điều trị. Tôi không có quyền khám cho họ.

– Nhưng bây giờ muộn quá rồi còn gì!

– Thì cho họ về đi.

Sekiguchi im lặng, chẳng còn biết giải quyết ra sao.

– Và xin chấm dứt câu chuyện đi.

– Tiên sinh!… – Akiko kêu lên, không dám tin ở tai mình nữa.

– Thôi cô im đi!

– Biết làm thế nào bây giờ? – Sekiguchi tuyệt vọng thở dài rồi vội vã sang phòng ghi danh gọi điện thoại.

Mãi nửa giờ sau, khi đã gần đến mười một giờ, Naoe mới đến. Mặt ông xưa nay vẫn xanh xao nhưng hôm nay trông như thể không còn hột máu nào, tóc tai thì bù xù không chải.

– Xin lỗi vì đã đến muộn…- Naoe nói lẩm bẩm, không rõ là nói với Kobashi hay nói với cô y tá, đoạn buông phịch người xuống ghế nhắm mắt lại và thở dài. Xung quanh mắt ông có cái quầng thâm xanh, nom trũng sâu hẳn xuống, và mỗi đường nét nhỏ trên mặt ông đều để lộ một sự mỏi mệt khủng khiếp.

Một cô nhân viên bên phòng ghi danh chạy sang.

– Tiên sinh có điện thoại.

– Ai gọi đấy?

– Một người tên Yamaguchi.

– Yamaguchi à?

– Thấy nói là ông bầu của cô ấy.

– À-à… – Naoe vỗ lên trán một cái rồi đứng dậy.

– Noriko-san! Bác sĩ đến rồi – Sekiguchi ngó vào phòng ghi danh nói. Bà y tá trưởng lúc nào cũng tìm cách ghép đôi Noriko với Naoe và Akiko với Kobashi. Rõ ràng là bà cố dùng cách ấy để dò la, may ra có đánh hơi thêm được điều gì chưa biết chăng, và sự phân phối lứa đôi này chẳng làm cho hai cô y tá hài lòng cho lắm.

– Chào bác sĩ, – Noriko vừa nói vừa đi vào phòng. Naoe đã nói chuyện điện thoại xong và đang ngồi im, hai mắt nhắm nghiền.

– Anh ốm à?

– Không…

Noriko gặp Naoe gần đây nhất là ba ngày trước, ở nhà ông.

– Có thể mời các bệnh nhân vào chưa ạ?

Naoe nhìn Akiko đang đứng bên cạnh, rồi nói:

– Cô đã chuẩn bị dụng cụ chưa?

– Rồi ạ. Chỉ còn phải diệt khuẩn nữa thôi. Em đã giao ban rồi. Em có thể về được không ạ?

– Cô về đi.

Naoe trở về bàn, cầm lấy tập bệnh án nằm ở trên cùng rồi bảo Noriko.

– Mời vào đi!

***

Sáng hôm ấy, Naoe tiếp khoảng mười lăm bệnh nhân và kết thúc buổi khám muộn hơn thường lệ. Mặc dầu Naoe làm việc rất nhanh, bệnh nhân cuối cùng ra về vào khoảng mười hai giờ rưỡi.

Kobashi kết thúc sớm hơn và đã lên phòng điều hành.

Khi cánh cửa đã khép lại sau lưng bệnh nhân cuối cùng, Naoe kiệt sức ngả người ra lưng ghế.

– Đưa tôi một cái khăn ướp lạnh!

Noriko lấy khăn ướt lau mặt cho Naoe. Các cô y tá khác, chắc không muốn làm phiền hai người, đã bỏ đi sang phòng ăn.

– Anh làm sao thế?

– Không có gì đặc biệt.

– Anh lại uống rượu đấy à?

Naoe không đáp, ngồi thẳng lên một chút và buông một tiếng thở dài nặng nhọc.

– Anh cần nằm một chút.

– Ừ…

– Ở phòng điều hành bây giờ có ai không?

Naoe im lặng.

– Có lẽ ta tìm một phòng bệnh nhân bỏ không nhé?

– Tôi sẽ lên phòng sáu trăm lẻ một.

– Sáu trăm lẻ một ư? – Noriko ngạc nhiên hỏi lại.

– Ừ, hiện nay nó đang bỏ trống.

– Anh đợi một chút, để em trải giường đã!

– Không cần, nằm ở đi văng cũng được.

– Không được! Một nhoáng là xong ngay mà!

Phòng 601 ở tầng sáu, có một phòng ngoài, một phòng cho người nuôi bệnh nhân, một phòng cho bệnh nhân, một phòng tắm, một phòng toilet, có cả máy thu hình – nói tóm lại là một phòng thượng hạng. Ở tầng sáu có cả thảy ba phòng như vậy. Hiện thời hai phòng là 602 và 603 đang có người nằm: một ông giám đốc của một hãng buôn lớn và một nhà hoạt động văn hóa có tên tuổi.

Naoe cởi blouse, nằm lên chiếc giường vừa mới dọn và nhắm mắt lại. Các cửa sổ đều mở ra sân, và trong căn phòng im lặng khác thường: chỉ thỉnh thoảng mới có tiếng xe hơi từ đâu xa lắm vọng lại. Thậm chí nằm ở đây khó có thể tin rằng đây gần như là trung tâm thành phố.

Ánh sáng nhợt nhạt của ngày thu len qua mấy bức màn xanh, và trong cái ánh sáng mờ mờ ấy gương mặt Naoe trông tối tăm, như không còn sức sống.

– Chườm nước lạnh lên trán cho anh nhé?

– Không. Không cần.

– Có lẽ anh ăn chút gì nhé?

– Có nước quả gì không?

– Để em xem.

– Nhưng phải lạnh lạnh một chút.

Ra đến gần cửa, Noriko dừng lại một chút trước tấm gương cài lại áo blouse trên ngực và chạy đi. Khi cô quay lại, Naoe đang nằm nghiêng, ngoảnh về phía tối.

– Có rồi đây!…

– Cám ơn.

Naoe hơi nhấc đầu lên, uống cạn cốc một hơi.

– Tốt quá!

– Uống nữa nhé?

Dưới chân Noriko còn để một chai nước quả nữa.

– Đủ rồi. Bây giờ mấy giờ?

– Một giờ kém mười.

– Thế rồi cơ à?…

Naoe nhìn trân trân lên bức tường trắng. Những nét mặt của ông sắc nhọn lên, trong bóng tối mờ mờ đôi má trông càng hốc hác.

– Anh đã đỡ mệt được chút nào chưa?

– Hình như chẳng đỡ mấy.

– Sao lại có thể uống rượu nhiều như thế?!

– Tôi không uống rượu.

– Vậy thì anh làm sao thế?

– Không quan trọng.

Naoe lại nhắm mắt. Noriko kéo rèm kín lại, và trong phòng càng tối hơn ban nãy.

– Sáng nay ở bệnh viện loạn cả lên.

– Việc gì thế?

– Cả bà y tá trưởng lẫn bác sĩ Kobashi đều không biết gì…

Naoe im lặng.

– Cô bệnh nhân của anh tên là gì?

– Akiko Yamaguchi.

– Có phải người hôm trước ghé bệnh viện không?

– Phải.

– Chính hôm ấy anh đã thỏa thuận với cô ta về phẫu thuật sắp tới phải không?

– Một người bạn của tôi yêu cầu tôi làm. Người ấy quen với ông bầu của cô ta.

– Ông bầu à?

– Ừ. Akiko Yamaguchi là tên thật của cô ta, còn tên sân khấu là Hanajio. Hanajio Junko.

– Cô ca sĩ ấy à?

– Phải, chính cô ấy.

– Tức là cô ấy sẽ được nạo thai ở bệnh viện ta à?

– Đúng. Và sẽ nằm ngay phòng này.

– Ở đây… – Noriko đưa mắt nhìn quanh phòng một lượt. – Thế thì cô ấy sắp đến bây giờ à?

– Phải, đã thỏa thuận là sẽ làm ngay sau giờ nghỉ trưa, nhưng cô ta có điện đến báo rằng cô ta sẽ đến trễ hơn một chút.

– Cô ấy từ đâu đến đây?

– Từ Fukuoka. Nhưng hình như nhỡ mất chuyến bay.

– Phải. Ông bầu của cô ta nói rằng tối hôm qua sau buổi biểu diễn ở trung tâm văn hóa, cô ta có buổi gặp gỡ với những người hâm mộ, và sáng nay cô ta phải đến cửa hàng đĩa hát cho công chúng xin chữ ký, rốt cuộc những chuyện ấy đã chiếm nhiều thì giờ hơn là cô dự tính.

– Thế thì cô ta sẽ đến bệnh viện…

– …Vào lúc năm hay sáu giờ, – Naoe tiếp theo câu nói của Noriko. – Cô ấy bảo thế.

– Đến là làm ngay sao?

– Hôm nay em làm kíp ban ngày à?

– Vâng.

– Takagi xin về nhà rồi.

– Nếu cần, em sẽ ở lại.

– Thế thì tốt.

– Nhưng như thế thì khổ quá – Vừa đến nơi đã lên bàn mổ ngay mà lại đi rất xa, mãi từ Fukuoka.

– Đời các nữ nghệ sĩ là như vậy. Biết làm thế nào được.

– Nhưng đây là vấn đề sức khỏe của cô ấy.

– Cô ấy không có chủ quyền đối với bản thân.

Naoe chậm rãi xoay người nằm sang sườn bên kia. Trong hành lang có tiếng ai bước sột soạt. Một nữ y tá. Có tiếng gõ cửa phòng bên. Rồi bên cửa ra vào có thể nghe những tiếng nói, nhưng không rõ đang nói gì.

– Thế ra không ai biết việc này sao? – Noriko hạ thấp giọng hỏi.

– Chỉ có bác sĩ trưởng biết.

– Trông bên ngoài thùy mị thế mà… – Noriko cắn môi im bặt. Biết đâu lại chẳng có lúc cô rơi vào tình cảnh ấy…

– Phải tuyệt đối bí mật về việc này.

– Đối với cả bà y tá trưởng sao?

– Chẳng qua tôi quên nói với bà ấy, chỉ có thế thôi.

– Bà ấy rất khó chịu về việc này! Chắc chắn là bà ấy đã báo cáo với bà Gyoda là hôm nay anh đến muộn.

– Mặc xác bà ấy! Tôi nghỉ một chút nhé. Độ hai giờ đánh thức tôi dậy. – Đoạn Naoe quay mặt vào tường.

– Khi nào Hanajio đến thì đưa cô ta lên đây à?

– Cô ta sẽ đến sau năm giờ.

– Có lẽ nên giữ thêm một nữ y tá nào đấy ở lại chăng?

– Không cần. Cô và y tá trực cũng đủ lắm rồi.

– Vâng.

Noriko ngoái lại nhìn. Cô chợt hình dung nàng Junko Hanajio kiều diễm sau khi mổ sẽ nằm lại trong phòng này ra sao.

***

Đã năm giờ rồi mà Junko Hanajio vẫn chưa thấy đâu. Các bác sĩ và y tá đều đã về nhà. Trong phòng điều hành, Naoe nằm trên đi văng đọc mấy tờ báo mới ra sáng nay.

– Thôi tôi về, – Kobashi treo chiếc blouse lên mắc áo, rồi lấy chiếc áo màu nâu sáng của ông.

– Kobashi, anh đợi một chút.

Kobashi quay về phía Naoe.

– Tôi có ghé các phòng bệnh nhân… Jiro Toda, người bị đánh thương ở mặt, vẫn còn nằm ở đây. Anh giữ hắn lại phải không?

– Tôi.

– Tại sao? Hắn có chịu trả tiền nữa đâu.

Naoe chống khuỷu tay ngước nhìn lên Kobashi đang đứng trước mặt.

– Tôi cho rằng để hắn ra viện bây giờ là quá sớm.

– Rồi sao nữa?

– Tạm thời tôi trả tiền thay cho hắn.

– Ra thế…

Naoe gấp tờ báo lại ném lên bàn con.

– Như thế tức là viện phí của hắn từ nay về sau sẽ do anh trả ư?

– Chẳng qua tôi tạm cho Toda vay tiền… Cho đến khi nào bố mẹ hắn gửi tiền lên.

– Thế nếu họ không gửi thì sao?

– Ta không nên đoán trước chuyện chưa đến.

Naoe xoa cằm.

– Tôi hiểu anh một phần. Nhưng anh có chắc là làm như vậy không quá đáng không?

– Tại sao? Tôi cho rằng hắn cần được điều trị tiếp trong bệnh viện. Không có tiền không phải là một lý do để ném một con người đang cần săn sóc ra ngoài đường.

– Thế à?

– Chứ không thì thành ra những người như Toda phải ra viện trong khi cũng đúng lúc ấy người ta lại nhận những người hoàn toàn không có việc gì nằm ở đây cả. Tôi không tán thành làm như vậy. Chỉ có những kẻ trục lợi mới có thể hành động như vậy! – Kobashi ném lên Naoe một cái nhìn giận dữ. – Ông cho như thế là đúng à?

– Không, tôi không cho như thế là đúng. Nhưng không thể đổ hết tội cho những người thầy thuốc làm tư.

– Nhưng chẳng phải bác sĩ trưởng đã ra lệnh tống cổ bệnh nhân đi đó sao?

– Chỉ vì Toda không trả tiền… Nhưng bây giờ thì ổn cả rồi mà! Anh đã nộp tiền thay hắn, chỉ có điều…

– “Chỉ có điều” gì?

– Các bác sĩ không được thiết lập những mối quan hệ như vậy với bệnh nhân.

– Tại sao? Nếu một bác sĩ trả viện phí cho một người nghèo thì như thế có gì là xấu?

– Là xấu hay là tốt, vấn đề có phải ở đấy đâu? – Naoe ngẫm nghĩ một lát. – Quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân phải là quan hệ thuần túy sự vụ.

– Đồng ý. Nhưng trong trường hợp này không có cách gì khác.

– Cần phân biệt ai cần và có thể được giúp đỡ và thông cảm, còn ai…

– Ông muốn nói gì?

– Tôi chỉ muốn nói rằng một tên du đãng hai mươi lăm tuổi chuyên quấy phá các nhà hàng khó lòng có thể nghèo túng đến như vậy.

– Nhưng quả thật hắn không thể trả tiền…

– Thôi được. Anh thấy thế nào tốt thì cứ thế mà làm.

Naoe với lấy tờ báo.

Kobashi đứng im một lát, ngạt thở vì nỗi căm phẫn đang cuồn cuộn trong lòng, rồi cúi xuống cầm lấy cặp.

– Chúc ông may mắn.

– Cám ơn – Naoe đáp lễ.

Tấm lưng Kobashi đang đi xa dần trông đầy sát khí.

Về phía Tây ánh nắng đã tắt, và trong phòng tối sầm lại rất nhanh. Trong thành phố Tokyo chi chít những tòa nhà đồ sộ, không thể trông thấy vầng tà dương đang lười biếng treo trên đường chân trời. Nó chậm chạp men theo vòm trời tụt xuống mỗi lúc một thấp, rồi sau đó là đêm xuống rất nhanh.

Naoe lại nằm xuống đi văng cầm tờ báo lên đọc. Sau khi Kobashi ra về, trong phòng điều hành ngoài Naoe ra không còn ai ở lại. Naoe thấy buồn ngủ. Cơn bệnh ban sáng hãy còn để lại những dấu hiệu khá rõ rệt. Ông thiu thiu ngủ, không biết Noriko đã vào phòng.

– Anh không thấy tối à?

Noriko bật đèn lên. Mấy bộ đèn màu ánh sáng ban ngày lắp trên trần nhấp nháy một lát rồi lần lượt sáng lên.

Naoe vẫn nằm yên, tờ báo phủ kín mặt.

– Dụng cụ đã chuẩn bị xong. Hễ bệnh nhân đến, có thể bắt tay vào ngay.

Naoe bỏ tờ báo ra và nheo nheo đôi mắt nhìn lên mấy ngọn đèn.

– Anh vừa ngủ đấy ư?

– Không.

– Chắc anh chưa ăn gì? Em mang lên nhé.

– Chưa cần.

– Hôm nay anh trực à?

– Phải, tôi đổi phiên với Kawabara.

– Thế thì phải đổi phiên cho cả em nữa.

Noriko khao khát nhìn Naoe, nhưng ông vẫn tiếp tục nhìn lên trần với đôi mắt trống rỗng. Noriko quan sát ông vài phút rồi đến ngồi xuống cạnh đi văng.

– Dạo sau này anh gầy đi nhiều quá.

Naoe ậm ừ mấy tiếng gì không rõ.

– Anh cân đã lâu chưa?

– Lâu rồi.

– Trông rõ cả xương đòn gánh… – Noriko âu yếm nhìn khắp người Naoe.

– Trong các nữ y tá có cô nào trực hôm nay? – Naoe chậm chạp ngồi dậy. Vì nãy giờ nằm, tóc ông bù xù lên.

– Sugie và Nakanishi.

– Ai sẽ phụ giúp cuộc phẫu thuật? Có phải em không?

– Dĩ nhiên là em.

Ngoài hành lang có tiếng bước sột soạt; rồi có tiếng gõ cửa.

Noriko giật mình đứng dậy, vội vã dọn dẹp mấy cái chén trên bàn.

Murakami bước vào phòng.

– Vừa rồi có người gọi điện yêu cầu nói lại rằng cô Yamaguchi nào đấy đã về tới sân bay Haneda và hiện giờ đang đi xe thẳng về bệnh viện.

– Rõ.

Murakami đưa mắt nhìn rất nhanh liếc về phía Noriko đang dẹp mấy cái chén, rồi bước ra ngoài.

– Cô ấy sẽ đến đây vào khoảng bảy giờ. Như thế tức là cuộc phẫu thuật sẽ bắt đầu vào lúc bảy giờ rưỡi?

– Có lẽ thế.

Noriko đem mấy cái chén ra rửa.

– Không biết tình nhân của cô ấy là ai nhỉ?

Naoe lặng thinh. Ông vuốt lại mái tóc, rồi đến cạnh cửa sổ nhìn xuống đường qua khe hở giữa hai bức màn.

– Mổ một mình như vậy anh có sợ không?

– Có gì mà sợ?

– Thế nhỡ có chuyện gì xảy ra… Anh cứ tưởng tượng xem nó sẽ um lên như thế nào!

– Nghệ sĩ, danh ca… cơ thể ai mà chẳng giống nhau.

– Cố nhiên, nhưng…

– Có lẽ tôi nằm nghỉ thêm chút nữa.

Naoe lại nằm xuống. Noriko rửa chén xong đem xếp cả vào cái tủ chìm.

– Có lẽ uống trà hay cà phê?

– Không, không cần.

– Nếu thế em xuống chuẩn bị phòng mổ.

Noriko đứng dậy đi ra cửa, nhưng ra đến ngưỡng cửa cô dừng lại.

– Mai anh có rỗi không?

– Mai ư?

– Em đến anh được không?

– Em đến đi.

– Thế thì bảy giờ!

Gương mặt rạng rỡ hẳn lên, Noriko ra khỏi phòng.

***

Junko Hanajio đến bệnh viện vào lúc bảy giờ hơn. Một đôi kính màu nhạt, chiếc áo nhung đen có măng sết và cổ trắng, chiếc quần cachemire đen, chiếc áo khoác midi vắt trên tay. Bất kỳ ai mới thoạt nhìn qua cũng biết ngay đây không phải là một người đàn bà trần thế bình thường.

– Đây là Yamaguchi. Bác sĩ Naoe có ở đây không?

Người cùng đi với Hanajio là một người đàn ông vạm vỡ mặc chiếc áo vét tông sọc màu sáng. Ông ta đến trước bàn giấy ghi danh. Cô y tá trực nhìn qua hai người rồi nhấc ống máy.

Khi Naoe xuống, Junko và ông bầu đã ngồi cạnh nhau trên hai chiếc ghế, ngoan ngoãn đợi ông.

– Xin bác sĩ thứ lỗi cho chúng tôi đến muộn.

Ông bầu đứng dậy và giới thiệu Junko. Cô ta vội vã bỏ kính và cúi chào.

– Chương trình làm việc ở Fukuoka rất căng thẳng, cho nên chúng tôi không đi sớm được. Xin bác sĩ lượng thứ, – ông bầu lại xin lỗi một lần nữa. Junko, đầu cúi gằm, đặt lên đùi đôi tay với móng sơn bóng lộn.

– Sao Hanajio-san xanh thế? – Naoe liếc nhìn khuôn mặt hơi gầy của Junko. Ông thỉnh thoảng vẫn trông thấy cô ta trên tivi nhưng bây giờ, nhìn gần sát, khuôn mặt của cô, hầu như không hóa trang, trông nhỏ bé và mệt mỏi lạ lùng.

– Những ngày vừa qua rất khó nhọc. Tuy cô ấy cũng đã được nghỉ ngơi ít nhiều trên máy bay, – ông bầu trả lời thay cho Junko.

– Hai vị chưa ăn tối chứ?

– Chưa. Trước khi máy bay cất cánh cô ấy chỉ ăn một ít xà lách và uống một chén nhỏ cà phê.

Junko gật đầu như để xác nhận câu nói của ông bầu.

– Thế thì ổn rồi, có thể cho thuốc gây mê.

Naoe kín đáo nhìn Junko một lần nữa. Không cao lắm, nhưng thanh tú, trang nhã, trên màn ảnh thật sự là một mỹ nhân. Thế nhưng trông gần thế này thì lại có cảm giác như một cây héo.

– Cô có mang áo ngủ và khăn mặt theo sẵn không?

– Có, tôi đã mua dọc đường. – Ông bầu lại đáp thay: rõ ràng là cái gì ông ta cũng lo liệu chu đáo.

– Mời các vị, tôi sẽ đưa các vị lên phòng nghỉ. Phẫu thuật sẽ bắt đầu sau ba mươi phút.

Junko Hanajio xuống phòng mổ lúc tám giờ kém hai mươi. Cô mặc chiếc áo bằng dạ mỏng có điểm hoa, tóc cô búi ra sau gáy và buộc chặt lại bằng một chiếc khăn trắng. Trong bộ trang phục giản dị này trông cô như một người con gái hết sức bình thường.

– Trước tiên chúng tôi sẽ tiêm thuốc mê vào tĩnh mạch. Xin cô đếm “một”, “hai”…

Junko im lặng gật đầu.

– Ái, đau!

Chiếc kim tiêm lún vào cánh tay trắng mảnh dẻ. Junko sợ hãi co rúm lại.

– Một… Hai… – Trong phòng mổ vang lên cái giọng nói quen thuộc đã bao nhiêu lần nghe trên tivi. Bây giờ giọng nói ấy nghe xa xôi và không có màu sắc.

– Một, hai, – Noriko nhắc lại.

Giọng nói yếu ớt, nghe như đang tắt dần của Junko dường như dựa vào giọng nói mạnh mẽ của cô y tá, vang to lên một chút, nhưng dần dần, chịu tác dụng của thuốc mê, mỗi lúc một khẽ hơn, rồi cuối cùng im hẳn trong khi Junko đang đếm dở.

– Hô hấp bình thường chứ?

– Vâng.

Dưới ánh đèn sáng rực, khoảng ngực để trần của Junko nâng lên hạ xuống đều đều theo nhịp thở. Trên cái vú ở bên trái có một vết bầm nhỏ do một chiếc hôn để lại.

– Huyết áp?

– Trăm mười.

– Tốt.

Naoe lấy chiếc gương phẫu thuật và cúi xuống cái thân thể đang nằm thẳng trước mặt ông.

***

Cuộc phẫu thuật kết thúc sau hai mươi phút. Tấm drap trải dưới thân thể của Junko thấm máu. Naoe rút đôi găng tay vấy máu, bỏ mũ, tháo vải che mặt, rồi châm thuốc hút.

– Để cô ấy nằm một chút, cho đến khi nào tỉnh dậy.

– Ông bầu đang chờ bác sĩ ở dưới kia. Ông ấy bảo muốn nói chuyện gì đó với bác sĩ.

– Tôi xuống ngay.

– Bác sĩ không tắm à?

– Để sau.

Không bỏ điếu thuốc lá đang ngậm trong miệng, Naoe ra phòng thay áo, cởi bộ áo mổ, mặc chiếc blouse thường vào và xuống phòng tiếp nhận. Ông bầu, hai tay đút túi, đang sốt ruột đi đi lại lại trong phòng khách.

– Xong rồi ạ?

– Vâng.

– Cám ơn bác sĩ.

– Chừng hai mươi phút nữa thuốc mê sẽ hết tác dụng, và lúc bấy giờ có thể đưa cô ấy về phòng riêng.

– Rất tốt ạ.

Naoe mở cửa phòng và đưa tay ra hiệu mời người đàn ông vào.

– Tôi xin nghe ông. Ông muốn nói gì với tôi?

– Số là… Ông bầu ngượng nghịu rúm người lại và cúi đầu rất thấp. – Số là chúng tôi muốn giữ bí mật về tất cả việc này.

– Tôi hiểu. Các nhân viên của bệnh viện sẽ thu xếp để các bệnh nhân không biết gì hết.

– Dọc đường chúng tôi đã phải đổi mấy lần taxi. Tôi tha thiết mong rằng nếu bọn phóng viên mò đến thì các ông sẽ không cho họ vào.

– Tôi sẽ nhắc lại một lần nữa ở phòng ghi danh.

– Bây giờ xin nói đến những kế hoạch sắp tới…

– Tôi nghe ông…

Naoe mở vòi nước hứng đầy cốc và uống cạn một hơi.

– Số là ở studio cũng không có ai biết gì. Chỉ có tôi và viên thư ký của Junko là biết chuyện. Nhân thể cũng xin nói rằng cô thư ký ấy sắp đến đây.

– Nói tóm lại ông muốn gì ở tôi?

– Khi nào Junko có thể bắt đầu làm việc trở lại?

– Cũng tùy công việc.

Ông bầu bứt rứt xoa xoa hai tay và nhích tới gần sát Naoe.

– Bác sĩ ạ, chúng tôi phải ghi băng một buổi biểu diễn ca nhạc trên đài vô tuyến truyền hình ở Chiba.

– Khi nào?

– Ngày mai, lúc hai giờ.

– Ngày mai ư?

– Vâng.

Naoe nhìn chằm chằm vào mặt ông bầu. Như vậy nghĩa là Junko chỉ có được một nửa ngày để lại sức…

– Nếu buổi ghi băng bắt đầu từ hai giờ, thì các vị phải rời bệnh viện vào khoảng mười hai giờ hay sớm hơn nữa?

– Còn phải duyệt lại cách dựng cảnh nữa… – Gương mặt ông bầu mỗi lúc một rõ thêm vẻ ân hận. – Và thời gian duyệt cũng bằng thời gian ghi băng.

– Thế tức là các vị phải rời bệnh viện lúc…

– Mười giờ sáng thì tốt, – ông bầu cố giấu đôi mắt, nói gần như thì thầm. – Chắc bác sĩ cũng có nghe nói… Khách đặt hàng của buổi truyền hình này là hãng dược liệu T. Nói chung, thực chất ở đây là có sự cạnh tranh giữa mấy ban nhạc khác nhau. Mỗi ban có ba người – cả ba đều là thành viên của một gia đình. Hanajio sẽ có chân trong ban giám khảo, và ngoài ra sẽ hát một số bài. Chủ yếu là cô ấy sẽ ngồi, thành thử tôi nghĩ là không có gì đáng sợ lắm.

– Đó là ông nghĩ thế đấy thôi.

– Xin lỗi bác sĩ, bản thân tôi gần đây cũng đã trải qua một phẫu thuật, cho nên tôi biết rõ sau đó người ta yếu đến mức nào.

– Thôi ta đừng nói chuyện ấy nữa.

– Thưa bác sĩ, trên các báo đã loan tin từ lâu rằng Junko sẽ tham gia buổi truyền hình này, và hơn một nửa số khán giả đến dự chỉ là để xem cô ấy thôi. Bây giờ mà từ chối thì không thể được nữa rồi. Dĩ nhiên tôi hiểu như vậy là không hợp lý, nhưng… – Ông bầu đưa khăn mùi soa chấm lên trán, mặc dầu cái trán ấy không có lấy một giọt mồ hôi nào. – Vậy xin bác sĩ cho biết ý kiến.

– Tôi chỉ có thể có một ý kiến duy nhất mà thôi.

– Không được ạ?

Naoe gật đầu.

– Nhưng không có cách gì từ chối được đâu ạ!… – Đôi mắt ông bầu lộ rõ vẻ tuyệt vọng. – Có lẽ có cách gì…

– Thôi, tôi thấy ông đã quyết định ngày mai ra đi bằng bất cứ giá nào.

– Như vậy tức là cũng có thể được?

Ông bầu háo hức chồm người ra phía trước.

– Tôi không nói thế. Tôi chỉ nói là nếu ông đã quyết định như vậy rồi thì cứ thế mà làm.

– Như thế nghĩa là thế nào?

– Chỉ có nghĩa là như thế thôi.

– Thế liệu lên sân khấu có làm sao không?

– Ấy, cái đó thì tôi không thể nói trước được.

– Nói chung cô ấy cũng khỏe…

– Cũng có thể mọi sự sẽ trót lọt, mà cũng có thể là không.

– Xin bác sĩ nói thẳng ra, bác sĩ lo điều gì?

– Chỉ nửa ngày sau một phẫu thuật như thế thì thể chất bất kỳ một người phụ nữ nào cũng khó lòng chịu nổi. Nhưng ông đã nói không còn thay đổi gì được nữa kia mà.

– Không phải đâu bác sĩ ạ, tôi không hề có ý nghĩ muốn làm một điều gì trái ý bác sĩ. – Ông bầu lại xoa tay. – Chẳng qua chương trình quá sít sao…

– Cho nên ông cố nài tôi ưng thuận chứ gì?

Naoe kéo tập bệnh án của Hanajio lại và bắt đầu viết kết luận.

– Nếu bác sĩ cho phép, ngày mai lúc mười một giờ chúng tôi sẽ lên xe đi Chiba. Sau khi ghi băng chúng tôi có buổi duyệt các ca khúc mới với sự có mặt của tác giả và sau đó đi thăm các cửa hàng đĩa hát, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm những việc ấy thật nhanh, sau đó Junko chỉ còn phải trả lời một buổi phỏng vấn và ngay tối hôm đó chúng tôi sẽ trở về bệnh viện.

Naoe vẫn viết tiếp, không nhìn sang ông bầu.

– Tôi làm mất thì giờ của bác sĩ, tôi nói dông dài về những chuyện vặt như vậy… Xin bác sĩ thứ lỗi.

– Đối với tôi ông chẳng có gì phải xin lỗi.

Ông bầu thở dài một tiếng rõ to rồi lại đưa cái khăn trắng muốt lên lau trán.

– Người trả giá cho cách làm ăn liều lĩnh của ông sẽ không phải là tôi, mà là Junko.

– Phải… làm nghệ sĩ thật cũng không đơn giản.

Naoe đã viết xong, ngẩng đầu lên.

– Chúng tôi sẽ đền ơn bác sĩ, – ông bầu nói, giọng xiểm nịnh.

– Nếu bằng rượu thì tốt.

Nghe thấy câu gợi ý cụ thể đến như vậy, ông bầu giương mắt nhìn Naoe với một nỗi kinh ngạc không giấu giếm.

– Mà không phải là whisky, – Naoe nói thêm. – Sake ngon thì tôi thích hơn.

Ông bầu gật đầu, trong lòng chưa hết hoang mang. Lúc bấy giờ Noriko bước vào phòng. Cô vẫn mặc chiếc blouse ban nãy đã mặc trong phòng mổ, chân đi dép nhẹ không bít tất, đầu đội khăn y tá.

– Có thể đưa cô Hanajio về phòng riêng được rồi ạ.

– Tỉnh rồi ư?

– Gần tỉnh hẳn. Đã có thể trả lời tên mình là gì.

– Huyết áp?

– Trăm mười. Mạch bảy mươi tám.

– Chuẩn. Đưa cô ấy về phòng. Tôi sẽ ghé sau.

– Cô ấy kêu là đau lắm.

– Tiêm một ống nôbulông.

– Vâng ạ.

– Với lại thế này nữa: ngày mai lúc mười một giờ sáng Hanajio-san phải đi.

– Mai ạ?

Noriko nhìn sang ông bầu.

– Cô ấy có việc gấp. Sáng sớm mai tôi sẽ khám. Cô chuẩn bị trước các thứ đi.

– Vâng ạ, – Noriko đứng lại một giây, rồi quay lại và ra khỏi phòng.

– Tỉnh rồi… – Ông bầu thở dài nhẹ nhõm, – Cám ơn bác sĩ. Bây giờ tôi sẽ được yên tâm hơn nhiều.

– Ông yên tâm quá sớm.

Ông bầu mở miệng ra, nhưng rồi lại ngậm lại, không nói ra được một tiếng nào.

– Cuộc phẫu thuật đã tiến hành một cách bình thường. Hiện nay mới có thể nói được như vậy.

Naoe đứng dậy rót dung dịch sát trùng lên hai tay, mở vòi nước rửa sạch rồi đi lên phòng điều hành.

Noriko rửa các dụng cụ, lau khô và bôi vaselin vào, rồi dọn dẹp lại phòng mổ. Dọn xong thì đã hơn chín giờ. Naoe đợi cô. Hai người cùng đến phòng Junko.

Ông bầu đã biến đi đâu mất, và thay cho ông là một người con gái khoảng mười bảy tuổi, chắc là cô thư ký của Junko. Junko nằm ngửa trên giường, rên khe khẽ vì đau. Naoe kiểm tra lại mạch cho cô. Huyết áp bây giờ hơi thấp, nhưng sau phẫu thuật điều đó không có gì đáng lấy làm lạ.

Vì mất máu, khuôn mặt cô hơi sắc nét lên và trông có vẻ ốm yếu. Trên gương mặt ấy không có sự tươi tắn khỏe mạnh thường thấy ở các thiếu nữ hai mươi mốt tuổi.

– Hanajio-san! Hanajio-san! Hanajio-san! – Noriko gọi đến lần thứ ba Junko mới khó nhọc hé mở đôi mắt.

– Yamaguchi-san! Yamaguchi-san! – Lần này Noriko gọi tên thật của bệnh nhân.

– V-vâng… – Giọng Junko nghe khàn khàn như giọng bà già.

– Vẫn còn đau à?

– Đau-u-u… – Junko nói giọng kéo dài, ngước mắt ai oán nhìn Naoe. – Đau lắm bác sĩ ạ.

– Thuốc sẽ có công hiệu ngay bây giờ và cô sẽ ngủ rất say, – Noriko an ủi bệnh nhân.

– Ngày mai…

– Không nên lo lắng gì cả.

– Nếu ngày mai mà tôi chưa đi được thì sẽ ra sao?… Nếu thế thì sẽ ra sao?…

– Đừng xúc động, – Noriko nói đoạn quay sang cô thư ký: – Cô tắt đèn đi và trông cho cô ấy ngủ.

Naoe ra khỏi phòng.

– Ngày mai Hanajio-san sẽ đi đâu? – Noriko theo kịp Naoe, hỏi.

– Đi Chiba. Cô ấy phải ghi băng một buổi diễn trên tivi.

– Liệu cô ấy có chịu nổi không?

– Không chắc.

– Thế thì tại sao anh lại cho phép?

– Họ một mực đòi như vậy.

– Nhỡ xảy ra việc gì thì sao?

– Tôi biết làm thế nào được?

Naoe nhún vai.

– Thế nếu…

Hai người đi vào buồng thang máy. Trong buồng ngoài họ ra không còn ai nữa. Thang máy bắt đầu xuống.

– Nếu cô ấy qụy thì sao? – Noriko hỏi tiếp.

Buồng thang máy rất nhỏ, nên giọng Noriko nghe to quá mức.

– Hiện nay cô ấy nghĩ đến sự nghiệp nhiều hơn là đến sức khỏe.

– Chẳng lẽ cô ấy liều đến thế?

– Đối với những người như thế có khuyên can thế nào cũng vô ích.

– Nhưng anh là thầy thuốc! Anh có nhiệm vụ phải ngăn chặn họ lại một cách cương quyết.

Thang máy dừng lại ở tầng ba. Hai cánh cửa mở ra.

– Anh không ngăn cấm chuyện này thật là không phải, – Noriko vẫn không buông. – Đêm hôm trước cô ấy đã không ngủ lấy được một phút: chính cô ấy nói là công việc ở Fukuoka ngập đến tận cổ. Đến chiều vừa đến đã mổ ngay. Thế mà bây giờ lại chuẩn bị lên đường! Thật là hoàn toàn điên rồ! Dù là một nghệ sĩ thì liều lĩnh như vậy cũng không thể dung thứ được. Anh cứ thử cho cô ấy đi đi, rồi cô ấy sẽ ngất ngay trên sân khấu cho mà xem!

– Cơ sự có lẽ sẽ xảy ra đúng như thế.

– Tiên sinh!!! – Noriko ném sang Naoe một cái nhìn hủy diệt. – Như thế là vô trách nhiệm!

Naoe dừng lại, tư lự đưa mắt nhìn quanh rồi bỗng quay đi, bước nhanh vào toilet.

***

Hôm sau đúng mười một giờ, Junko Hanajio, có ông bầu và cô thư ký đi kèm, ra khỏi bệnh viện. Trước thềm đã có chiếc xe hơi chờ sẵn. Junko xốc cổ áo khoác lên để tránh những đôi mắt tò mò. Mặt cô ta nhợt nhạt như một tử thi. Cô phải vịn vào tay ông bầu và lê đi từng bước – hình như mỗi bước đi đều làm cho cô đau đớn.

Trong bệnh viện mọi sự đều yên ổn. Theo dự kiến hôm ấy không có cuộc phẫu thuật nào, cho nên bữa ăn trưa Noriko và Naoe đều được nghỉ. Đến năm giờ, khi ngày làm đã kết thúc, Naoe về thẳng nhà.

Cơn bệnh sáng hôm qua, cuộc phẫu thuật cho Junko, phiên trực đêm qua và công việc ngày hôm nay ở bệnh viện – tất cả những thứ đó làm thành một gánh nặng khủng khiếp đè lên vai Naoe, cho nên về đến nhà anh đổ xuống giường như một cái xác. Gần như ngay tức khắc có tiếng gõ cửa và Noriko lao vào phòng. Tay nàng cầm bó hoa bọc cellophan.

– Để em dọn đã, anh đứng dậy một chút! – Cô vui vẻ nói nhanh, nghe như hát.

– Vừa nằm được một chút… – Naoe lầu bầu.

– Giường sạch ngủ thích hơn.

Noriko kéo tấm chăn trên giường xuống. Naoe miễn cưỡng đứng dậy và khoác chiếc áo kimono.

– Bác sĩ Kobashi hôm nay không nói gì với anh ư?

– Không.

Naoe chắp tay sau lưng nhìn ra cửa sổ.

– Thế à?

Noriko tỏ ý ngạc nhiên, rồi mở cửa ra bao lơn, cô cắm máy hút bụi.

– Ông ấy công phẫn ghê quá.

Naoe im lặng đợi cô nói tiếp.

– Ông ấy bảo ông ấy rất ngạc nhiên về thái độ của anh đối với Junko Hanajio. Ông ấy cho rằng làm như vậy là tàn ác và vô nhân đạo. Chỉ có loài ác thú mới xử sự như vậy.

Naoe đút một điếu thuốc lá vào miệng và đi ra gian bếp.

– Ông ấy lại còn nói rằng người thầy thuốc mà chấp nhận những chuyện như vậy, không nên tự xưng là thầy thuốc. – Noriko vừa nói tiếp vừa đưa chổi khua dưới gầm bàn. – Cả bà y tá trưởng và Akiko, ai nấy đều nghĩ như vậy. Em thấy khó chịu kinh khủng.

Naoe nhìn mấy bông hoa của Noriko đem lại. Trong cái chậu con đựng nước có cắm mấy bông hoa trà và mấy cành adizi.

– Nói chung thời gian gần đây bác sĩ Kobashi chê trách anh rất nhiều.

– Không sao.

– Nhưng bây giờ không phải chỉ một mình ông ấy. Ngay cả bác sĩ Kawabara cũng phải ngạc nhiên. Rồi đến mai bác sĩ phụ khoa Murase đến, không biết còn sẽ ra sao!

Noriko tắt máy hút bụi và đóng cánh cửa kính lại.

– Chính em cũng thấy hành động như vậy là không đúng.

Naoe im lặng.

– Chắc anh chưa ăn gì phải không? – Noriko quyết định đổi đề tài. – Em có mua một ít đồ ăn đây.

Cô lấy trong gói ra một ít sushi đựng trong một cái hộp nhỏ.

– Anh đã đói chưa?

– Chưa.

– Thế thì em bày hoa đã.

Noriko lấy cái chậu hoa đem ra lavabo cắt bớt các cuống hoa.

– Lại còn cái việc bác sĩ trưởng ra lệnh làm biên bản về cuộc phẫu thuật cho ông già Ishikura là cắt đoạn dạ dày. Như thế là không trung thực! Thật ra mình có làm gì đâu, chỉ mổ bụng ra xem rồi khâu lại.

– Có lẽ đúng.

– Anh ăn nói như thể việc này không liên quan gì đến anh. Thế nhưng chính anh mổ chứ ai! May mà bản thân cụ Ishikura tin là như thế. Nhưng còn người nhà của cụ thì sao?! Chính họ phải trả tổn phí phẫu thuật.

– Tôi sẽ viết lại phần kết luận.

– Đến khi bác sĩ trưởng biết được, ông ấy sẽ tha hồ nổi giận! – Noriko cười.

– Chúng ta đã làm một cuộc mổ bụng thông thường.

– Lấy tiền của người ta vì một cuộc phẫu thuật không có thật là bất lương! – Noriko lùi lại một bước để ngắm hoa. – Thời gian gần đây thật không biết trốn vào đâu để khỏi nghe những bài giảng luân lý. Đến chán!… – Noriko thở dài. Cành hoa trà dài chen giữa mấy cái lá xanh trông đẹp lạ lùng. – Có lẽ đến phải bỏ hết mà chuyển sang nghề ikebana mất. – Noriko đã tốt nghiệp một khóa ikebana và có bằng giáo viên nghề này. – Ở đây tối quá. Có lẽ phải bày ra kia.

Cô bưng cái chậu sang bàn của Naoe và mấy bông hoa làm cho căn phòng sáng hẳn lên.

– Mấy cô ca sĩ được ưa chuộng sống thật chẳng dễ dàng gì…

Noriko ngoái nhìn phía sau. Naoe nằm trên giường hai tay chắp sau gáy.

– Anh đang nghĩ gì thế? – Cô ngồi xuống thành giường. Naoe dang tay ra kéo cô vào lòng. Noriko kháng cự lại một chút cho có lệ, nhưng chẳng được bao lâu. Trong chậu, những đóa trà hoa điểm những chấm sáng.

…Khoảng ba mươi phút sau Noriko tỉnh dậy. Cô nhìn đồng hồ: Đúng tám giờ. Cô mặc quần áo gần xong thì có tiếng chuông điện thoại. Naoe nhấc ống nghe lên. Người ta gọi điện từ bệnh viện.

– Vừa rồi ông bầu của Junko Hanajio gọi điện cho chúng tôi. Cô ấy bị ngất.

– Việc xảy ra ở đâu?

– Ở khách sạn R.

– Sao nữa?

– Họ đã lên xe đến bệnh viện. Ông ấy khẩn khoản bác sĩ đến cho.

– Rõ.

Naoe chống khuỷu tay nhổm dậy và đưa mắt nhìn ra khung cửa sổ đang tối dần.

– Có việc gì xảy ra à? – Noriko lo lắng hỏi.

– Junko Hanajio qụy rồi. Sắp chở vào bệnh viện.

Naoe đứng dậy và bắt đầu mặc áo quần.

– Cơ sự ra sao?

– Ngất. Chưa có chi tiết.

Noriko nhìn Naoe, đầy ý trách móc. Vẻ mặt thản nhiên, ông ta đang cài khuy quần.

– Việc xảy ra ở đâu?

– Hình như ở tiền sảnh khách sạn R. Cô ấy đang sắp sửa trả lời phỏng vấn. Có lẽ xảy ra đúng lúc đó.

Naoe mặc chiếc sơ mi cổ bẻ và áo vét tông. Noriko ngước mắt lên nhìn ông.

– Còn em làm gì bây giờ? Anh sẽ còn trở về chứ?

– Chắc không lâu.

– Em ở lại đây nhé?

– Được.

– Em sẽ đợi anh nhé?

Naoe chần chừ, trầm ngâm nhìn lên tường, rồi với lấy cái bật lửa và bao thuốc lá ở trên bàn bỏ vào túi.

– Anh về nhanh nhé!

– Được.

Naoe cúi xuống buộc dây giày.

– Em sẽ khóa cửa, vậy khi nào về anh bấm chuông nhé, – Noriko nói thêm.

***

Trong căn nhà vắng vẻ này cái gì đối với Noriko cũng quen thuộc. Cô biết rõ từng góc một, từng chi tiết vụn vặt, như thể đây là nhà riêng của cô: mấy cái chén cà phê để đâu, đường cất đâu… Thế nhưng cô vẫn thấy bỡ ngỡ. Từ trước tới nay cô chưa bao giờ ngồi một mình trong nhà Naoe. Đột nhiên Noriko nhận thức rất rõ rằng đây là chỗ ở của một người đàn ông độc thân, và một cảm giác lo âu kỳ lạ len vào tâm hồn cô, không rời cô nữa. Mở tivi chăng? Xung quanh im lặng quá, cô không dám. Nhưng rồi đưa mắt nhìn quanh, cô chợt hiểu ra rằng trong phòng không hề có máy thu hình. Cô mỉm cười rầu rĩ: xưa nay phòng này làm gì có máy thu hình?

Naoe không thích xem tivi. Anh thích đọc sách hay thích đọc báo hơn. Dĩ nhiên từ trước, Noriko cũng đã nhận thấy là trong nhà Naoe không có máy thu hình, nhưng cô không chú ý đến điều đó. Hạnh phúc của mỗi buổi hẹn hò với Naoe đã đủ tràn đầy lòng cô, và cô không còn quan tâm đến một cái gì khác nữa.

Trong những phút ái ân cô còn cần gì đến tivi? Rồi sau đó hai người chỉ nằm bên cạnh nhau, Noriko không muốn nghe những tiếng nói xa lạ nào ở bên tai. Chỉ có điều đáng tiếc là những giây phút ấy quá ngắn ngủi. Thường thường hầu như ngay sau đó Naoe đều với lấy một cuốn sách hay một tờ báo, nhất là một tờ tạp chí y học nào đó – cứ như thế chỉ cần nhìn vào một trang chữ in là anh đã thấy thích thú.

Noriko đứng dậy, mặc quần áo, chải đầu và đi vào gian bếp. Naoe lặng lẽ uống chén trà hay cà phê, mắt không rời trang giấy. Noriko lại vào bếp rửa chén đĩa bẩn, cọ lavabo – và thời gian cứ thế mà trôi qua. Sau đó cô giở mấy tờ báo mà Naoe đã đọc, hay thùa nốt mấy đường ren. Hai người hầu như không nói chuyện với nhau. Chỉ thỉnh thoảng Noriko mới cắt ngang sự im lặng: “Hay ta uống chén trà đi?” – Và Naoe thường đáp gọn “Ừ” hay “Không” – Chuyện trò giữa hai người chỉ có thế. Cũng có khi người ta không cần lời mà vẫn hiểu nhau, nhưng giữa Noriko và Naoe không có một sự gần gũi như vậy. Noriko không hay biết gì về những ý nghĩ của Naoe, và ngay về công việc của Naoe cũng vậy. Cô không biết gì về Naoe hết mà cũng chẳng muốn biết. Không biết thì yên ổn hơn. Quả tình vào thời gian đầu cô muốn biết mọi thứ về Naoe, và cô đã thử hỏi anh. Naoe trả lời một cách miễn cưỡng, rồi về sau Naoe chưa nói hết câu đã im bặt, và không có một sức mạnh nào có thể làm cho anh nói chuyện bình thường được. Anh không để cho một ai nhìn vào tâm hồn mình. Có một đường biên giới mà không ai có thể bước qua được. Đường biên giới ấy rất rõ. Và Noriko khi đã hiểu được điều đó, đành phải chấp nhận thái độ khép kín của anh. Thậm chí cô còn đi đến chỗ tin rằng những mối quan hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà tất nhiên phải như vậy: một sự bột phát ngắn ngủi của dục vọng, và đó là một sự im lặng dửng dưng. Cô đã quen với tình trạng đó và không còn ao ước gì hơn nữa. Noriko chỉ cảm thấy mình thanh thản khi nào ở trong phòng của Naoe, bên cạnh anh. Và ngay khi cả hai người đều im lặng thì lòng cô cũng thấy tràn đầy hạnh phúc.

Nhưng giờ đây, ngồi trong gian nhà trống trải, Noriko thể nghiệm một nỗi lo âu kỳ lạ. Giả thử Naoe ở nhà thì bây giờ anh đang nằm trên giường với một cuốn sách… anh sẽ im lặng… nhưng anh sẽ ở đây, bên cạnh cô. Và Noriko sẽ thấy hạnh phúc.

Để thoát khỏi cái cảm giác lo âu kỳ lạ ấy, Noriko đứng dậy. Cô chưa ăn tối. Cô đã mua sushi để cùng ăn với Naoe, nhưng chưa có thì giờ – tiếng chuông điện thoại đã reo lên đúng vào lúc cô đang đi vào bếp.

Cái lavabo và cái bàn làm bếp trong gian nhà này có những kích thước rất lớn, nhưng xoong chảo thì chỉ có hai. Trong tủ lạnh có những chai bia và những hộp đồ hộp, nhưng Noriko không thấy có rau quả hay cá tươi – Naoe thường ăn cơm ở ngoài phố. Noriko hơi đói, nhưng cô không muốn ăn một mình, không có Naoe. Không sao, chỉ lát nữa anh sẽ về. Hai người cùng ăn sushi thì thích hơn không biết bao nhiêu mà kể. Chính vì thế mà cô đã mua một hộp hai suất.

Nhưng bây giờ biết làm gì đây?

Noriko không chịu nổi cảnh ngồi không. Lại nằm mãi trên đi văng thế này, cô thấy chán vô cùng.

Cô đã rửa cái tủ lạnh sạch bong, đã gom mấy cái chai không ở dưới lavabo. Bây giờ cô bắt tay vào lau bụi. Vừa mới đây cô đã hút bụi khắp nhà, nhưng trên các bìa sách và các khung nhôm của mấy bộ giá sách đã có một lớp bụi mỏng phủ lên. Cô vặn vào xô một ít nước nóng, nhúng tấm giẻ rồi lau chiếc bàn trong phòng.

Các ngăn giá đều chật ních những sách. Noriko chỉ rút những cuốn nào có thể lấy ra một cách dễ dàng, và lau bụi ở khoảng trống còn lại. Hình như bà già vẫn đến dọn dẹp mỗi tuần hai lần không bao giờ động đến giá sách.

Trước đây Noriko chỉ cầm máy hút bụi đi khắp phòng và cọ lavabo, chứ như cầm giẻ chui vào từng xó xỉnh như thế này thì đây là lần đầu.

Đôi mắt chăm chú của Noriko nhận ra rằng trong những khe hở giữa các tấm chiếu tatami trải sàn và những khe hở cạnh tủ chìm có một lớp bụi đất tích lại. Cô thay nước rũ giẻ lau rồi lại bắt tay vào việc. Trên bàn làm việc của Naoe chồng chất một đống tạp chí y học và sách nước ngoài. Cố gắng để mọi vật y nguyên, Noriko chỉ khẽ nhấc chồng sách báo lên lau bụi rồi lại để xuống như cũ. Trên các tai ngăn kéo bằng kim loại cũng có một lớp bụi. Ở chính giữa bàn có cái ngăn kéo lớn, còn hai bên bàn thì mỗi bên phải có năm ngăn kéo nhỏ hơn. Ngăn kéo trên cùng bên phải có ổ khóa: hình như ngăn này đã khóa chặt, Noriko đưa tấm giẻ trên tai ngăn kéo. Cô bỗng thấy tò mò muốn biết cho được trong ngăn kéo có những gì.

Căn nhà của một người đàn ông độc thân thường chứa đầy những điều bí mật. Biết được những điều đó thì sẽ hiểu được chủ nhân. Không rõ tại sao Noriko thấy rờn rợn.

Nhúng giẻ một lần nữa và vắt giẻ cho khô, cô đến cạnh cái tủ chìm. Muốn lau kỹ tất cả các ngóc ngách, phải cất bỏ tấm ván ngăn. Noriko cất bỏ tấm bên phải.

Cô làm những việc này không hề có ý đồ gì riêng. Chẳng qua bản chất cô như vậy: đã bắt đầu làm việc gì thì thế nào cũng phải làm tiếp đến cùng.

Trên các ngăn có những đồ dùng trải giường, còn ở phía dưới, trong mấy cái thùng bằng cạc tông xốp thấy xếp những tập tạp chí cũ.

Noriko lau các kẽ hở, luồn khăn vào tận đáy tủ. Sau đó cô lắp tấm cửa ngăn bên phải lại rồi tháo tấm bên trái ra.

Đáy tủ phía này cũng đầy những cái hộp cạc tông đựng tạp chí cũ. Ngay trước mũi cô có một cái thùng lớn hình vuông cao khoảng nửa thước. Trên thùng, cô thấy dán một nhãn hiệu sake. Thùng hình như đựng đầy tạp chí. Một phần các tạp chí vượt lên trên vách thùng thành một chồng dày. Cái thùng ấy đặt quá gần cửa tủ làm cho Noriko vướng tay. Cô ấy đẩy cho nó lùi vào phía trong. Hóa ra cái thùng nặng một cách không ngờ. Khi Noriko đã làm cho nó nhích được một chút, nó va phải cái hộp ở bên cạnh, và chồng tạp chí ở phía trên đổ xuống.

“Phải xếp lại đúng như cũ”, – Noriko sợ hãi tự nhủ thầm. Cô vừa tự mắng nhiếc mình vừa nhặt mấy tờ tạp chí vừa rơi xuống. Phần lớn đều là tạp chí y học. Đột nhiên Noriko nhìn thấy mấy cái phong bì đựng phim X quang dày cộm.

Cô rút mấy cái phong bì ra khỏi thùng, xếp lại cho ngay ngắn và nhìn qua những chữ đề ở ngoài bì. Ở phía trên những phong bì như vậy, trong một cái khung nhỏ thường có đề tên họ bệnh nhân và ngày tháng chụp phim, ở phía dưới là tên bệnh viện. Mấy phong bì Noriko đang cầm đều là của bệnh viện Oriental – điều này Noriko xác định được ngay từ đầu. Những tấm phim này mà để ở nhà Naoe thì điều đó chẳng có gì lạ: Những khi phải chuẩn bị dự hội nghị khoa học, các bác sĩ nhiều khi phải đem những tấm phim và những tập bệnh án về nhà, sao chép lại để sau này giở ra xem trong khi nhàn rỗi. Nhưng thường thường thì phim cũng cất ở bệnh viện: đó là một cái lệ bắt buộc. Các bác sĩ hết hạn mượn phải trả phim về cho bệnh viện.

Noriko đưa một phong bì lên xem: cái khung nhỏ dành cho tên họ và tuổi tác của bệnh nhân được để trống. Chỉ có ở mục ngày tháng là thấy đề: “30/10”, “10/10”. Như vậy những tấm phim này chỉ mới chụp gần đây. Những nét chữ đề trên bì rất quen thuộc đối với Noriko: đó là những nét chữ của Naoe.

Người được chụp những tấm phim đựng trong phong bì hẳn không phải là một bệnh nhân thường, nếu không, Naoe không để trống tên họ. Noriko đã toan để cái phong bì về chỗ cũ, nhưng rồi không cưỡng được trí tò mò, cô rút mấy tấm phim ra.

Trong phong bì có cả thảy sáu tấm, đều là những hình chụp một đoạn xương sống. Chụp đủ các góc độ khác nhau: từ phía trước, từ bên sườn… Vì không thấy có xương sườn và vì cái hình thù đặc biệt của các đốt xương, Noriko có thể xác định một cách dễ dàng phần xương sống được chụp là khu vực thắt lưng.

Quay về phía cửa sổ, Noriko soi mấy tấm phim lên ánh sáng: Ở góc trên phía bên phải đều có viết tên bệnh nhân bằng chữ katakana. Noriko đọc chậm rãi hai lần rồi mới chợt hiểu ra: cô đã đọc ngược. Tên ấy là Naoe! Xương sống của Naoe?!

Noriko quay về phía ánh sáng xem tấm phim một lần nữa. Trên cái nền đen của tấm phim những đốt xương hiện lên thành những khối trắng mờ mờ, nom khá rõ. Từ những khối trắng đều đặn của các đốt xương có những đường mảnh kéo dài ra như những cánh tay vươn dài.

Noriko chưa bao giờ nghe Naoe kêu đau lưng. Thế nhưng ở đây không thể nào có sự nhầm lẫn: Trên các tấm phim đều có đề tên anh rõ ràng.

Noriko thử xếp mấy tấm phim lại theo thứ tự. Chiếc phong bì trên cùng đề ngày ba mươi tháng mười, rồi sau đó là ngày mười tháng mười, rồi ngày một tháng chín – cách nhau có hai mươi ngày, – chiếc phong bì dưới cùng đề ngày năm tháng bảy. Không có một phong bì nào có đề tên tuổi hay số hiệu: hình như Naoe chụp những tấm phim này cho riêng mình, Noriko nhìn sâu vào cái thùng: toàn những chiếc phong bì. Không có tên, không có họ, chỉ có ngày tháng, nhưng phim thì đều đề tên Naoe. Giữa một số phim có một khoảng cách năm ngày, còn những phim khác thì làm thành một chuỗi liên tục. Những phim chụp trước tháng bảy đều có đóng dấu của bệnh viện trường đại học T, nơi Naoe làm việc trước kia.

“Có lẽ anh ấy đang viết một công trình khoa học hay đang tiến hành một cuộc nghiên cứu độc đáo nào đấy bằng một phương pháp mới? – Noriko phỏng đoán mông lung. – Nhưng dù sao nghiên cứu cột xương sống của chính mình kể cũng lạ… Thật là một con người khó hiểu…” – Noriko lẩm bẩm, và vừa lúc ấy có tiếng chuông điện thoại. Như một cậu bé bị bắt gặp trong khi đang nghịch bậy, Noriko hoảng hốt đút tập phong bì vào chỗ cũ. Trong gian phòng vắng lặng, tiếng chuông reo nghe vang dội khác thường.

Noriko loay hoay mãi không biết nên làm gì. Tuy được phép của chủ nhân, nhưng dù sao cũng là một mình, trong căn hộ của một người đàn ông độc thân đang vắng nhà… Nhấc ống máy lên chăng? Nhưng nhỡ nếu làm như vậy cô sẽ đặt Naoe vào một tình thế khó xử thì sao? Còn nếu cú điện thoại được gọi từ bệnh viện thì sao?… Nếu vậy chính cô sẽ làm lộ hết bí mật của mối quan hệ giữa hai người… Người co rúm lại, Noriko đợi cho tiếng chuông ngừng reo. Nhưng máy điện thoại vẫn reo chuông mãi như đã phát điên. Có thể Junko Hanajio gọi đến báo rằng cô ta sẽ đến muộn chăng? Noriko không sao quyết định được là mình nên làm gì… Cứ vào sự kiên nhẫn của người gọi điện, cũng có thể suy ra rằng người đó rất có thể là Naoe, nhưng Noriko không dám tin chắc như vậy. Còn nếu đó là Naoe thật thì sao? Anh ấy tức giận biết chừng nào…

“Ta sẽ trả lời”, – Noriko quyết định và thận trọng nhấc ống máy lên.

– Alô! Alô! – Một giọng phụ nữ từ ống máy vang lên. Nghe cách phát âm “Alô” lần thứ hai, Noriko hiểu ra rằng người gọi điện còn rất trẻ.

– Mikiko đây.

“Mikiko” – Noriko thầm nhẩm lại.

– Tiên sinh đấy phải không ạ?

Noriko thấy hình như mình đã nghe giọng nói này ở đâu rồi.

– Alô. Làm sao thế?… Alô! Tiên sinh! Lạ thật…

Noriko nín thở khe khẽ đặt ống máy xuống. Trong phòng lại im phăng phắc. Ngồi xuống bên cạnh chiếc máy điện thoại, Noriko cố nhớ thử xem giọng nói bí ẩn kia là của ai. Đúng, cô biết chắc là đã từng nghe thấy nó rồi. Nhưng ở đâu? Trong số các nữ y tá ở bệnh viện không có cô nào tên là Mikiko. Nhưng giọng nói của một người lạ không làm việc ở bệnhs viện, thì không thể có vẻ quen thuộc đối với cô đến như vậy…

Với một cảm giác bất an mơ hồ, Noriko trở lại với cái tủ. Mấy tấm phim X quang nằm ngổn ngang trên tấm tatami. Noriko đặt nó vào phong bì và đặt vào cái thùng cạc tông. Cô đặt lên trên mấy tờ tạp chí rơi xuống ban nãy, để cái thùng vào đúng chỗ cũ và lắp tấm cửa vào.

Khi Noriko đứng dậy, có tiếng chuông bấm cửa. Cô nhìn vào con mắt cửa: Naoe đang đứng ngoài hành lang. Buông một tiếng thở dài nhẹ nhõm, Noriko mở rộng cánh cửa.

– Sao anh nhanh thế!

– Tôi đi xe.

– Hanajio-san thế nào rồi?

– Băng huyết nhẹ.

– Bây giờ có đỡ không?

– Đã đặt bình tiếp nước. Cũng không có gì nghiêm trọng.

Naoe chợt trông thấy tấm giẻ trong tay Noriko.

– Cái gì thế?

– Em vừa dọn dẹp, lau bụi.

Trong khi cởi áo, Naoe nhìn Noriko, vẻ không bằng lòng.

– Lau dọn làm gì? Chỉ hay bày việc không cần thiết!

– Nhưng mà bao nhiêu là bụi, – Noriko cãi. Cô thấy tủi quá: mình thì bò lê la khắp phòng, mà anh ta thì… Trên các giá sách và trong cái tủ kia dễ thường đã trăm năm nay không có ai lau dọn!

– Trong tủ à? – Naoe ném về phía Noriko một cái nhìn sắc nhọn. – Sao, cô mở tủ ra đấy à?

– Còn có cách gì khác? Phải mở ra mới lau được cửa tủ…

Naoe bước nhanh đến cạnh tủ và tháo cửa ra. Ở bên trong mọi vật đều y nguyên như mọi khi: ở ngăn trên là những đồ trải giường, ở ngăn dưới là đống tạp chí.

– Cô có lục lọi ở đây không?

– Em chỉ lau đáy tủ…

– Cô không giở đống này ra chứ?

Trong giọng nói của Naoe có một âm sắc căm giận rõ rệt đến nỗi Noriko chỉ rụt rè lắc đầu.

– Có đúng thế không?

– Vâng ạ.

Naoe lại nhìn qua một lần nữa các thứ đựng trong tủ, vẻ vẫn ngờ vực, rồi lắp cửa tủ lại.

– Trong tủ này có những tài liệu rất quan trọng, rất cần thiết cho công việc của tôi. Không được đụng đến những tài liệu ấy, dù là khi lau bụi cũng vậy.

– Nhưng em có động đến cái gì đâu.

Dĩ nhiên nói như thế không đúng hẳn sự thật: Noriko đã làm đổ chồng sách, rồi sau đó lại xem trộm mấy tấm phim X quang, nhưng cuối cùng cô cũng đã cẩn thận xếp mọi thứ vào chỗ cũ. Song Naoe đã nổi giận thật sự. Lần đầu tiên Noriko trông thấy ông như thế này. Trong trí cô hiện ra một phỏng đoán ghê gớm: cô đã vi phạm một điều kiêng kỵ nào đó, đã trông thấy một cái gì không thể lọt vào mắt người ngoài. Cô thấy sợ.

– Từ nay không có tôi, cô không được làm những việc ấy!

– Vâng ạ, – Noriko gật đầu ngoan ngoãn.

– Đưa tôi cái kimono.

Bây giờ giọng nói của Naoe mới trở lại bình thản như thường ngày. Ông cởi khuy áo vét tông. Noriko với lấy chiếc áo awase[1] treo trên mắc đưa cho Naoe – như bất cứ người vợ Nhật Bản nào vẫn thường đưa áo cho chồng.

– Chúng mình ăn tối nhé?

– Ừ, – Naoe ậm ừ, nhưng như sực nhớ ra điều gì, lại nói: – À không, xin lỗi cô, hôm nay cô phải về nhà cô.

– Ngay bây giờ à?

– Ừ.

– Còn bữa ăn tối thì sao?

– Tôi không cần.

– Sắp có ai đến anh sao?

– À không…

– Anh vẫn còn giận em à?

– Chẳng qua tôi muốn ngồi lại một mình.

Sau một câu trả lời dứt khoát như vậy, Noriko không còn biết nói gì nữa. Cô không hề ngờ là cơ sự lại diễn ra như vậy. Có lẽ có chuyện gì xảy ra trong bệnh viện chăng? Hay Naoe giận cô thực sự vì chuyện dọn dẹp vừa qua? Muốn đoán bao nhiêu thì đoán, nhưng nguyên nhân thật thì vẫn không sao biết được. – Xưa nay Naoe thích thế nào thì cứ thế mà hành động.

Noriko đột nhiên nổi giận.

– Được, em sẽ về. Món sushi em để kia. – Cô vẫn không nỡ để lộ hẳn nỗi tức giận ra ngoài. – Thôi chào anh. Noriko hy vọng rằng ít ra Naoe cũng nói lấy một câu từ biệt, nhưng ông ta vẫn ngồi yên trên đi văng, không nói một lời.

– Trong khi anh đi vắng, có ai gọi điện.

– Ai?

– Giọng phụ nữ. Một cô Mikiko nào đấy.

Naoe không phản ứng.

– Em nói là anh đi vắng và buông ống máy.

Điều sau cùng là dĩ nhiên Noriko bịa đặt. Câu nói của cô có tác động vào Naoe không thì không thể nào biết được: Ông ta vẫn ngồi như cũ, hai tay bắt chéo lên vai, mắt nhìn vào khoảng trống.

– Có thể cô ấy sẽ gọi điện lần nữa.

Noriko đóng cửa đánh sầm một tiếng rồi ra hành lang.

***

Ngày hôm sau trời mưa từ sáng sớm. Noriko đêm ấy khó ngủ vì chuyện xích mích vừa qua với Naoe. Khi cô đến bệnh viện với cái mặt sưng húp, trong phòng y tá người ta đang bàn tán sôi nổi về sự việc vừa xảy ra với Junko Hanajio.

– Thật là khủng khiếp!

Yuriko Miyakawa, cô y tá trực đêm qua, bây giờ là trung tâm của sự chú ý cho nên có phần lên mặt với chị em.

– Bọn phóng viên được một trận ra trò! Họ xông vào nhưng lại bị dồn ra ngay lập tức.

– Họ làm sao đánh hơi được thế nhỉ?

– Thì ra cô ấy ngất ngay trong buổi họp báo mà. Có ai đó để hở ra là người ta chở cô ấy đến đây, thế là bọn phóng viên lập tức ùa tới. Thật khủng khiếp! Ấy, “Mùa bướm” là như thế đấy!

Một trong những ca khúc được công chúng ưa thích trong chương trình biểu diễn của Junko là bài “Mùa bướm”. Hồi mùa xuân, công ty truyền hình đã quyết định dựng một vở kịch cùng tên, và tối hôm qua trong buổi họp báo, Junko phải bắt tay người diễn viên đóng vai chính, rồi sau đó trả lời những câu hỏi của một tờ tuần báo phụ nữ.

– Ngay giữa cuộc họp báo à?!

– Ông bầu là Oba-san có kể lại rằng lúc đầu Junko bỗng nhợt nhạt hẳn đi, nhưng vẫn còn đứng vững được, rồi sau đó mỉm cười với anh diễn viên ấy như thế này này! – Yuriko mỉm một nụ cười tươi rói. – Rồi bỗng kêu lên một tiếng rồi ngã xuống!

Yuriko không phải chỉ kể suông, cô ta còn diễn lại hẳn hoi. Kết quả là cô ta đã làm cho mọi người hình dung được sự việc một cách khá trực quan.

– Xung quanh có cả một đống những phóng viên nhiếp ảnh!… Lúc bấy giờ anh diễn viên đã chuẩn bị bắt tay Junko. Thế là anh ta đứng sững ra. Và cũng la lên.

– Thế là bức ảnh chưa kịp chụp à?

– Sao lại chưa chụp?! Những cảnh như thế thì người ta chụp mệt nghỉ ấy chứ, bao nhiêu cũng vừa… Hanajio Junko dưới ánh sáng của những ngọn đèn Jupiter!… Cô ca sĩ nổi tiếng đang mỉm cười… Hanajio Junko đang được đưa vào bệnh viện!

– Nghĩa là cô ta cố gượng được một lúc rồi sau đó vẫn xỉu, phải không?

– Ngã lăn ra đất à? – Một cô y tá khác háo hức hỏi.

Phụ nữ vốn rất mê những chuyện scandal, nhất là khi những chuyện ấy không có liên quan đến bản thân họ.

– Chứ sao nữa. Nhưng người ta lập tức bế cô dậy và đặt nằm ở đi văng.

– Việc ấy xảy ra ở phòng tiền sảnh à?

– Không. Khách sạn đã trần thiết một phòng lớn cho buổi họp báo.

– Thế cô ấy ăn mặc thế nào?

– Ô-ô! Rất ác liệt! Các cô thử tưởng tượng mà xem, một chiếc áo xoa màu vàng rực, có thêu một con bướm đỏ chạy những đường xanh xanh. Thêu ở đây này. – Yuriko dùng hai tay vẽ thành một vòng tròn lớn trên vạt áo của mình. – Một con bướm to tướng hai cánh dang rộng. Nói chung, rất thần tiên. Mình chưa bao giờ trông thấy một cái gì tương tự.

– Rất hợp với bài hát nhỉ.

– Chính thế. Và các cô thử tưởng tượng xem: cô ta đã ngất đi trong một trang phục như vậy.

Các cô y tá cố sức tưởng tượng cho ra cái quang cảnh ấy.

– Chắc trông đẹp lắm nhỉ?

– Cái gì đẹp?

– Thì cái con bướm ấy.

– Con bướm thì đẹp tuyệt. Chỉ có điều là lúc ấy nó ướt đẫm những máu…

Mấy cô y tá nhìn nhau cười khúc khích.

– Nhưng có ai biết sự thật do đâu mà ra thế đâu!…

Các cô rất lấy làm hãnh diện vì chỉ có họ chia sẻ được điều bí ẩn của cô “minh tinh”.

– Khi chở đến đây cô ấy vẫn mặc chiếc áo ấy à?

– Thì dĩ nhiên. Còn thì giờ đâu mà thay áo cho cô ấy, nếu chậm trễ chỉ có nguy thêm.

– Thế mặt cô ấy ra sao?

– Tái xanh như chết rồi ấy. Nhưng rất đẹp, trông mà choáng người đi ấy!

Yuriko ép chặt hai tay lên ngực, hai mắt đảo lên mi trên trong khi ôn lại cái cảnh bất hủ cô vừa được chứng kiến.

– Rồi sao nữa?

– Người ta đã gọi điện cho bác sĩ Naoe, và bác sĩ đã ra lệnh đưa ngay cô ta vào phòng mổ.

– Vẫn để nguyên chiếc áo ấy à?

– Bác sĩ Naoe khi bước vào phòng mổ cứ há hốc mồm ra.

– Thế rồi sao nữa, sao nữa? – Akiko giục rối rít.

– Rồi thì… Ôi khủng khiếp quá! Khi ông ấy nghe nói huyết áp còn có tám mươi, ông ấy tiêm ngay thuốc cầm máu và mổ lại lần nữa. Lại tiếp huyết thanh. Sáng nay cô ấy đã hơi đỡ. Ông bầu ở bên cạnh cô ấy suốt đêm không rời một bước.

– Giữa hai người có cái gì không nhỉ? – Akiko hỏi.

– Biết nói thế nào với cậu đây… Không biết cô ấy có quá quen thuộc với ông ta không? Hôm qua ông ta đưa vào bệnh viện đủ thứ đồ, kể cả đồ lót, thế mà cô ấy vẫn tỉnh bơ như không.

– Ông ấy chăm sóc cô ta từng li từng tí…

– Nhưng cái thai hình như không phải của ông ấy.

– Thế-ế-ế à?!

– Hôm nay Kenji Tanimoto có đến thăm Junko. Đem vào cả một đống trái cây và một bó hoa to tướng.

– Đúng, đúng. Chính đó mới là kép của cô ta. Thậm chí trên các báo người ta còn viết về chuyện này.

– Ôi, không thể hiểu được mấy ông bà nghệ sĩ.

Và mấy cô gái thở dài thườn thượt.

Naoe chỉ khám được Junko lúc hai giờ – Ông trở lại bệnh viện sau mười giờ, cho nên không có thì giờ đi thăm các phòng bệnh trước buổi nghỉ trưa. Noriko, vẫn còn buồn bực vì câu chuyện hôm qua, không muốn đi theo Naoe thăm các phòng bệnh nhân lắm, nhưng cô cũng muốn nhìn Junko một chút. Sự tò mò đã giành phần thắng, và Noriko quyết định đến phòng cô ca sĩ với Naoe.

– Lấy nhãn áp kế! – Naoe nói, như thể giữa hai người không hề có chuyện gì xảy ra, không hề có cuộc chia tay nặng nề hôm qua. Trong khi vội vã bước theo ông, Noriko nhớ lại mấy tấm X quang mà cô đã tình cờ phát hiện. Nhìn vào lưng Naoe, cô chợt hình dung rõ nét những đốt xương được tia Roentgen vạch trần ra: những khối trắng trên cái nền đen của âm bản.

“Nhưng tại sao anh ấy lại chỉ nghiên cứu cột sống của bản thân mà thôi?” – Noriko thắc mắc. Hôm qua cô đã nghĩ rất lâu về vấn đề này, nhưng rốt cuộc vẫn không tìm được lời giải thích. Cô rất muốn hỏi thẳng Naoe, nhưng lại hiểu rằng việc đó không thể được. Vì cô mới chỉ nảy ra cái ý lau bụi trong tủ thôi mà anh ấy đã giận điên lên rồi. Nếu cô thú nhận là trông thấy mấy tấm phim thì mọi thứ sẽ tiêu ma. Có thể biết chắc như thế. Ý muốn biết sự thật tha thiết đến nỗi cô có thể vui lòng hy sinh tất cả những gì mình đang có.

“Chỉ một ngày sau mọi sự sẽ bị quên hết”, – Noriko tự nhủ.

Trên cánh cửa dẫn vào phòng Hanajio có treo một tấm giấy nhỏ đề hàng chữ: “Cấm thăm hỏi bệnh nhân”. Hai người gõ cửa và bước vào. Trong phòng ngự trị một ánh sáng mờ mờ màu xanh lục. Junko đang nằm yên, hai mắt nhắm nghiền. Khuôn mặt cân đối được hóa trang cẩn thận của Junko chìm trong đống gối đệm.

– Ngủ à?

– Cách đây một giờ cô tỉnh dậy một lát, nhưng rồi lại ngủ…

Ông bầu ngồi cạnh giường đứng dậy đưa tay về phía chồng gối.

– Thôi. Nếu cô ấy ngủ thì đừng đánh thức.

Naoe luồn tay dưới tấm chăn, cầm lấy cườm tay mảnh khảnh của Junko bắt đầu đếm mạch.

– Không có gì thay đổi chứ?

– Không. Cứ ngủ li bì thế thôi.

– Mấy hôm vừa rồi quá mệt.

Ông bầu ngượng nghịu giấu kín đôi mắt.

– Để cho cô ấy nghỉ.

– Vâng ạ.

Sau bài học kinh nghiệm cay đắng vừa qua, ông bầu không có ý định chống chế gì nữa.

– Cô ấy chưa ăn gì à?

– Kể từ hôm qua chưa ăn chút gì.

– Khi nào cô ấy tỉnh dậy, ông phải ép cô ấy ăn một chút.

– Vâng.

Naoe đã toan bỏ đi, nhưng ông bầu giữ lại:

– Dĩ nhiên sau khi xảy ra những việc như vừa rồi mà hỏi ngay thế này thật không phải… Cô ấy còn phải nằm ở đây bao lâu nữa ạ?

– Được năm ngày thì tốt.

– Năm ngày?!

– Ông lại định lôi cô ta đi đâu nữa sao?

– Ồ không, bác sĩ hỏi gì lạ thế. Cô ấy đã ngất đi trước mặt mọi người. Bây giờ sẽ không ai dám nói gì, dù cho chúng tôi có xé hợp đồng chăng nữa.

– Thế à?

– Bác sĩ không biết, chứ ông chủ tịch công ty truyền hình đã cho tôi một trận nên thân.

– Vì sao?

– Tôi đã giấu không cho ông ta biết cuộc phẫu thuật, và mọi việc bây giờ đã lộ ra hết. Ông ta chửi tôi thậm tệ vì đã không cho ông ta biết sự thật.

– Ừ… ừ…

– Tình cảnh thật là… – Ông bầu gãi gãi sau gáy và nói thêm: – Tôi đã bàn kỹ với ông ta và cả hai đã quyết định không nên vội. Cứ để cho Junko nghỉ ngơi cho thật lại sức.

– Cho cô ấy nằm một tuần thì tốt.

– Cũng được, chỉ lo bọn phóng viên.

– Vậy ông đề nghị thế nào?

– Tôi nghĩ rằng hôm nay sẽ có bọn phóng viên của tuần báo phụ nữ kéo đến, có thể có cả phóng viên của mấy tờ báo khác nữa… Phải giấu sao cho họ đừng biết sự thật.

– Ta sẽ nói là cô ấy viêm ruột thừa.

– Có đủ để họ tin không? Họ không đoán ra được sao?

– Có thể nói rằng hôm qua cô ấy lên cơn đau, liền tiêm thuốc giảm đau để lên sân khấu, nhưng rồi cái ruột thừa bị viêm đã đột nhiên vỡ ra.

– Trong những trường hợp như vậy phải nằm viện bao nhiêu lâu?

– Khoảng một tuần.

Ông bầu ngẫm nghĩ một lát.

– À khoan đã, – Naoe như sực nhớ ra điều gì. – Cô ấy đã mổ cắt ruột thừa chưa?

– Chưa. Không có sẹo.

– Hừm… Mổ mà không có đường khâu – chuyện đó không thể có. Tuy… Thôi được, để đánh lừa bọn nhà báo thì như thế cũng được.

– Xin bác sĩ làm ơn giúp cho, chúng tôi rất cảm ơn.

Ông bầu xoa hai tay cúi chào.

***

Đêm hôm ấy Kobashi trực. Theo lệ thường, cô y tá ở lại cùng trực với anh ta là Akiko Takagi. Ngoài ra còn có một y tá tập sự là Tomoko Kawaai ở lại giúp Akiko. Kobashi ngồi bên máy thu hình một lát rồi sang phòng nữ y tá nói chuyện phiếm. Nhưng các cô y tá chỉ dám nói chuyện phiếm sau chín giờ, khi đã tắt đèn ở các phòng bệnh nhân. Nếu bác sĩ có thì giờ rỗi, thì như thế không có nghĩa là các nữ y tá không có việc gì làm. Tối hôm ấy công việc cũng không thiếu. Có ba bệnh nhân lần lượt đến phòng khám ngoại trú. Lẽ ra họ phải đến ban ngày, nhưng vì bận công việc phải đến vào lúc tám giờ. Sau đó lại có một người đàn bà đưa đứa con trai năm tuổi đến bệnh viện. Thằng bé kêu đau dữ dội. Cặp nhiệt kế thì thấy ba mươi tám độ. Amidan của nó đỏ và sưng. Kobashi bôi thuốc vào họng nó, tiêm cho nó rồi kê đơn siro hạ sốt có pha chất kháng sinh. Sau đó lại có một chiếc xe cấp cứu chở đến một người bị ngất ở ngoài đường.


[1] Một loại áo mỏng mặc trong nhà.

Mặt người đàn ông xanh xao và bất động. Thoạt nhìn đã có thể thấy rõ ngay người ấy ngất không phải vì mệt, mà vì một bệnh gì đấy. Tuổi người đàn ông vào khoảng sáu mươi. Tóc ông ta bạc gần hết, hàm răng đã rụng khá nhiều. Ở bên ngoài bộ com lê có khoác một chiếc áo măng tô, nhưng cả áo măng tô lẫn bộ đồ đều đã sờn cũ, riêng cái áo măng tô lại bị mất hẳn lớp vải lót.

– Người này ở đâu đến?

– Có ai biết đâu. Trong túi thấy có tờ giấy. Cứ theo tờ giấy thì tên ông ta là Kokichi Ueno, nhà ở gần Namikibisi, – người hộ lý tải thương nói. – Hiện đang tìm cách bắt liên lạc với gia đình, may ra sẽ có người nhà ông ta đến.

Kobashi đo huyết áp, nghe phổi cho bệnh nhân. Huyết áp gần như bình thường, thậm chí hơi thấp một chút. Phổi không có tiếng ran nhưng tim thì hình như có tiếng phổi. Kobashi là bác sĩ phẫu thuật cho nên không dám tin lắm vào những tri thức của mình về nội khoa. Có thể là nhồi máu nhẹ chăng? Vả chăng xem ra tình trạng giống như kiệt sức nhiều hơn. Giá là ban ngày có thể rõ ngay, nhưng bây giờ thì không thể kiểm tra toàn diện được.

– Cứ tiếp glucose cho ông ta đi đã, để tăng cường hoạt động tim mạch.

Kobashi ghi chỉ định này vào bệnh án.

– Bác sĩ cho nhập viện chứ?

– Dĩ nhiên. Chẳng lẽ tôi lại cho ông ta về trong một tình trạng như thế này!

– Phòng nào ạ?

Akiko đưa mắt nhìn ông già đang nằm yên, mắt nhắm nghiền. Trông ông ta chẳng có vẻ sang trọng chút nào.

– Phòng chung còn chỗ không?

– Hết rồi ạ.

– Còn phòng hạng ba?

– Còn một phòng bỏ không, nhưng sắp có người vào nằm rồi.

– Thôi được. Tạm thời đưa vào đấy.

– Mức chênh lệch sẽ là một ngàn yên mỗi ngày.

– Tôi biết. Không việc gì phải nhắc tôi những chuyện như vậy. Hãy lo lấy việc mình thì hơn. Đưa ngay về phòng đi.

Akiko cau mày.

Kobashi quay trở về phòng điều hành, ngồi uống trà một mình. Anh nhìn lên đồng hồ thì thấy đã tám giờ rưỡi.

“Trong cái bệnh viện này lúc nào cũng chỉ nghe nói tiền…” – Anh bực tức nghĩ thầm. Cứ mỗi lần có bệnh nhân mới lại phải xác định cho người ta nằm phòng nào… Nếu lúc nào cũng phải nhớ đến tiền thì làm sao có thể yên tâm mà điều trị bệnh nhân?…” Trong bệnh viện của trường đại học, Kobashi không phải nghĩ đến những chuyện như vậy. Ở đấy tất cả đều do tình trạng của bệnh nhân quyết định, thêm vào đấy có chăng cũng chỉ là vấn đề còn chỗ hay hết chỗ. Trong một bệnh viện tư thì tình hình khác hẳn. Hình như mọi người ở đây không lo đến sức khỏe của con người bao nhiêu, mà lo nhiều hơn đến số tiền mặt hay giấy bảo hiểm của bệnh nhân.

“Họ ra sức nuông chiều các bệnh nhân phòng thượng hạng và hạng nhất. Còn các bệnh nhân khác thì họ nhổ toẹt vào…”

Kobashi hết sức phẫn uất về cái tình trạng phân biệt bệnh nhân giàu nghèo trong bệnh viện Oriental. Theo anh, nguyên tắc duy nhất đúng là cho các bệnh nhân nặng nằm phòng riêng, còn bệnh nhẹ thì nằm phòng chung. Trong khi đó tình hình ở đây khác hẳn. Các phòng thượng hạng và hạng nhất nhiều khi được dành cho những người đau những bệnh hết sức đơn giản, hoặc dành cho những người muốn nghỉ ngơi.

“Không biết những bệnh nhân như thế thì việc gì phải khám với chữa?” – Kobashi tự hỏi.

Ông thân sinh của Kobashi làm việc trong một nhà máy cán thép ở Kameido, gia đình ông sống rất thanh bạch, và từ bé đã dạy cho anh em Kobashi thói quen tiết kiệm, cho nên anh thấy những người ném mỗi ngày mười ngàn yên để mua cái quyền hưởng thụ sự yên tĩnh là những con người thực sự bất bình thường.

– Thật là kỳ quặc! – Kobashi làu bàu thành tiếng rồi uống nốt chén trà nguội.

Anh đã định mở tivi thì có tiếng chuông điện thoại. Máy điện thoại đặt ở cuối phòng.

– Allô! – Trong ống máy có thể nghe rõ một giọng đàn ông rắn rỏi. – Bệnh viện Oriental phải không?

– Vâng.

– Tôi cần nói chuyện với bác sĩ trực.

– Tôi nghe đây.

– À, chính tiên sinh đấy à? Xin lỗi tiên sinh, muộn thế này…

Giọng nói rất thân mật, nhưng không hề gợi một ký ức nào trong trí Kobashi.

– Junko Hanajio hình như đang nằm ở bệnh viện các ngài phải không ạ?

Kobashi biết rằng cách đây hai ngày Junko đã qua một phẫu thuật và bây giờ cô ta lại vào bệnh viện sau một tai biến gì đấy.

– Cô ấy bây giờ ra sao?

– Xin lỗi, ông là thế nào với cô ấy?

– Tôi tên là Murai. Tôi là chỗ thân tình với Hanajio. Cho nên tôi rất lo, không biết cô ấy…

– Nói chung là khả quan.

– Bao giờ cô ấy sẽ ra viện?

– Ít nhất là hai ba ngày nữa.

– Hai ba ngày… – Người đàn ông nhắc lại, ra vẻ lo sợ.

– Lần trước cô ấy ra viện sớm quá. Cho nên kết quả mới thế này. May mà không mệnh hệ nào. Chỉ hơi bị băng huyết.

– Thế à? Bác sĩ nói là băng huyết à?

– Tôi không phải là bác sĩ điều trị bệnh nhân này nên không biết chi tiết. Nhưng theo chỗ tôi được nghe thì mọi biện pháp cần thiết đã được thi hành.

– Thế thì ca này cũng nghiêm trọng phải không ạ?

– Những chuyện này không đùa được đâu. Dù sao cũng được ba tháng.

– Thế-à-ế-à… – Murai dài giọng ra có vẻ kinh ngạc.

– Đây tuyệt nhiên không phải là chuyện không đâu. Phá thai chính là một sự can thiệp thô bạo vào quá trình tự nhiên trong một cơ thể sống.

– Sao?! Cô ấy… có…

– Một phẫu thuật như thế là một sự báng bổ đối với thiên nhiên, một sự vi phạm đối với những quy luật của nó.

– Ra thế đấy… Vậy thì còn hai ngày nữa?

– Cô ấy là người giàu có, thành thử tôi cũng khó trả lời câu hỏi của ông – Kobashi nói qua kẽ răng, giọng khó chịu.

– Xin lỗi, ngài cho biết quí danh?

– Kobashi.

– Ngài là bác sĩ nội khoa ạ?

– Phẫu thuật.

– Xin cám ơn rất nhiều.

Trong ống máy vang lên những tiếng tít tít ngắn. Kobashi lấy làm khó chịu vì người ta đã làm phiền anh vì Junko Hanajio.

Một đối tượng cưng chiều của báo chí và truyền hình… Vào bệnh viện lúc tối mịt, được đưa vào phòng mổ ngay, rồi sáng hôm sau bất chấp ý kiến của bác sĩ, vội vàng ra viện vì có “chương trình”… Thế rồi lại trở vào vì có tai biến, và lần này cũng khá khuya, trả đến mười lăm ngàn yên một ngày, ông bầu và cô thư ký phải nhón chân đi lại xung quanh, còn cô ta thì cứ nằm yên đấy, có ai hỏi trong người ra sao cũng không buồn mở miệng, đã có mấy người hầu trả lời thay.

“Thôi thì cứ cho rằng Hanajio là một nghệ sĩ, có thể nói là không phải người trần. Nhưng việc gì cả bệnh viện phải cuống cuồng lên vì một cô đào hát như vậy? Dĩ nhiên đây là lỗi của Naoe. Cứ cho là hiện giờ ông ta làm cho một nhà kinh doanh tư nhân, thế nhưng dù sao cũng đã có thời tỏ ra xuất sắc trong bệnh viện của trường đại học. Lại còn chiều chuộng ông bầu của Hanajio… như thế nghĩa là ông ta cũng chịu khuất phục sức mạnh của đồng tiền…”

Kobashi buồn bã thở dài.

Trên tivi người ta đang truyền hình một buổi biểu diễn ca nhạc. Các minh tinh của loại nhạc nhẹ lần lượt ra trước micro trình diễn những ca khúc được ưa chuộng nhất của tuần qua. Người điều khiển buổi diễn, mà Kobashi nhìn mặt thấy quen quen, tươi cười mời lên sân khấu một nữ ca sĩ mảnh khảnh. Cũng giống như Junko, cô ta có cái giọng hơi khàn. Kobashi đã trông thấy cô trên màn ảnh nhiều lần. Sau khi trao đổi với cô ca sĩ mấy câu khách sáo, người điều khiển bỗng nói:

– Gần đây Junko Hanajio bị ngất xỉu ngay trên sân khấu. Tôi hy vọng rằng cô sẽ không gặp phải cảnh ấy chứ?

– Tôi thì không thế đâu, – Cô ca sĩ cười.

– Cô cẩn thận đấy. Chứ không thì… Cô nên biết rằng đã có một ngôi sao rơi thì sẽ có những ngôi sao khác rơi theo. Không khéo nổ ra cả một nạn dịch tễ. Nhưng tôi nói gì thế này? Bệnh viêm ruột thừa có bao giờ truyền nhiễm đâu!

– Ôi, đến chết cười! – Cô gái cười phá lên, rồi bằng một cử chỉ rất kiểu cách, cô ta cầm micro đưa lên môi.

– Viêm ruột thừa ư? – Kobashi lẩm bẩm, lòng hoang mang. Anh không nghe nhầm: người điều khiển vừa nói rất rõ “viêm ruột thừa”… Cô ta đã trả lời: “Ôi, đến chết cười!” – và cả hai đã cười rộ.

“Ra thế đấy… Như thế có nghĩa là đối với công chúng thì Junko bị viêm ruột thừa…”

Kobashi có một linh cảm rất khó chịu. Rõ ràng là khi trả lời điện thoại anh đã nói ra những điều tuyệt nhiên không nên nói một chút nào. Kobashi tắt máy thu hình và đi xuống phòng các nữ y tá. Cô Kawai ngồi buồn một mình đang cầm bút chì đỏ vẽ cái gì trên tờ giấy ghi nhiệt độ.

– Takagi ở đâu?

– Cô ấy đi thăm qua cái ông già vừa được xe cấp cứu chở vào.

Kobashi ngồi xuống đi văng và thẫn thờ nhìn lên bức tường. Cái giá đựng thuốc, cái tủ con đựng dụng cụ… Những cái ống tiếp huyết thanh…

– Người nhà ông ấy chưa đến à?

– Bà vợ vừa đến xong.

– Ông ấy có con cái gì không?

– Hình như không.

– Giấy bảo hiểm ra sao?

– Ban nãy có điện ở sở cảnh sát gọi đến. Hình như ông ấy được hưởng phụ cấp cho những người nghèo túng. Nhưng cũng chưa rõ lắm.

– Chế độ cứu trợ cho những người sống trong cảnh khốn cùng…

Kobashi ngán ngẩm: “Bác sĩ trưởng lại tha hồ nhăn nhó!”

Anh đứng dậy và bứt rứt đi đi lại lại trong phòng. Mãi bây giờ Akiko mới trở về. Trông thấy Kobashi, cô ta báo cáo:

– Bệnh nhân bắt đầu ớn lạnh, nhiệt độ ba mươi chín.

Ban nãy Kobashi phỏng đoán rằng ngất đi là vì trương lực bị giảm. Nhưng bây giờ anh thấy hình như tình hình tuyệt nhiên không đơn giản như vậy.

– Có kêu đau gì không?

– Không. Nhưng nhịp thở hơi mau.

– Rất lạ…

Kobashi không hiểu gì hết. Bệnh gì thế nhỉ?…

– Dù sao cũng phải tiêm thuốc hạ sốt. Metilone một ống.

Kobashi buông một tiếng thở dài nặng trĩu và ngước mắt lên Akiko. Cô đang bưng trên tay một cái chậu tiểu tiện của bệnh viện.

– Của ông ấy à?

– Không. Của Junko Hanajio.

– Cha chả… Lại còn phải đi đổ bô cho cô ta nữa đấy à?

Kobashi thấy chối quá. Akiko nâng cái chậu lên, và chất nước vàng vàng ở bên trong chao qua chao lại.

– Mới mổ xong, cô ta đã chạy đi biểu diễn! Thế thì việc gì bây giờ phải lăng xăng hầu hạ cô ta?!

– Cô ta cần chăm sóc rất cẩn thận. Đã một lần tai biến rồi.

– Đáng lẽ cô ta phải đi được từ lâu rồi!

– Cô ta ngủ suốt ấy.

– Còn cô thì đi đổ bô cho cô ta. Cứ như công chúa ấy!

– Anh nói chẳng đúng!

Akiko giận dỗi trao cái chậu cho cô Tomoko đang hóng chuyện.

– Đi đổ đi.

Tomoko ngoan ngoãn gật đầu cầm lấy chậu và ra khỏi phòng.

Khi cánh cửa đã đóng lại sau lưng Tomoko. Kobashi hỏi.

– Này, có phải giữ bí mật không? Chuyện Hanajio ấy mà?

– Dĩ nhiên. Bác sĩ Naoe đã dặn nói với người ngoài là cô ta bị viêm ruột thừa.

– Thế ra vẫn là viêm ruột thừa… – Kobashi bực tức nhắc lại.

– Có việc gì thế? – Akiko chột dạ.

– Vừa rồi có một người gọi điện cho tôi…

– Em biết rồi. Người ấy hỏi bác sĩ trực, và em nói cho người ấy biết số điện thoại của anh.

– Hắn nói tên hắn là Murai và hắn là chỗ thân tình của Junko Hanajio.

– Hắn cần hỏi gì? – Akiko ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Kobashi.

– Tôi đã nói cho hắn biết sự thật…

– Thật à?! – Akiko kêu lên.

– Phải. Hắn tự giới thiệu là bạn thân của Junko mà…

– Không phải đâu. Chắc lại là một anh phóng viên nào đấy.

– Tôi làm sao mà biết được!…

– Có lẽ ta thử hỏi Hanajio-san xem sao?

– Có lẽ thế. Nhưng thôi, khoan đã, – Kobashi do dự.

– Thế anh không hỏi xem hắn ở đâu, làm gì à?

– Không. Chỉ có hắn hỏi suốt.

– Nếu đó là một gã phóng viên… Ôi, cơ sự sẽ ra sao!…

– Thế sao, chỉ có ông bầu biết sự thật thôi à?

– Ông ta, cô thư ký của Hanajio và chủ tịch công ty truyền hình. Ngoài ra không còn ai nữa. Có lệnh không cho khách vào thăm cô ta. Chỉ có ông bầu tiếp họ.

– Ra thế…

Kobashi siết mấy ngón tay mạnh đến nỗi phát lạnh lên. Anh đã vô tình làm một việc cực kỳ ngu xuẩn.

– Vậy em sẽ hỏi Hanajio-san?

– Thôi đừng. Bây giờ chẳng còn ăn thua gì nữa.

– Thế nhỡ họ quen nhau thật thì sao? Có phải là anh trút được một gánh nặng không?

– Cái đó không có liên quan gì đến vấn đề. – Kobashi đột nhiên nổi khùng. – Vả chăng người thầy thuốc không hề có bổn phận xác minh căn cước và tư cách của những người hỏi thăm sức khỏe của bệnh nhân!

– Nhưng Hanajio-san không phải là người thường.

– “Không phải người thường” nghĩa là thế nào? Làm như thể cái đó có một ý nghĩa gì. – Môi Kobashi run lên. – “Minh tinh” gì cơ chứ! Cô ta cũng là một con người như ông già vừa được chở đến hôm nay thôi. Ở cái bệnh viện này người ta quá ưa chuộng những người nổi tiếng!

– Nhưng vị trí của cô ấy…

– Đối với những người chữa bệnh điều đó không có ý nghĩa gì.

– Chẳng lẽ bác sĩ Naoe không dặn anh?

– Tôi không nhớ.

– Lạ thật. Hôm nay có phóng viên của tuần báo phụ nữ đến và bác sĩ Naoe có nói với anh ta rằng Hanajio bị viêm ruột thừa, sau đó bà y tá trưởng tập hợp chúng em lại cảnh cáo là không được nói hở chuyện này ra.

– Tôi không hề biết chút gì về những việc đó.

Chuông điện thoại trong phòng reo lên, Akiko cầm lấy ống máy. Kobashi đứng im nhìn ra cửa sổ. Quả thật anh không biết chút gì về cách thuyết minh chính thức bệnh tình của Hanajio, nhưng bây giờ thì điều đó là một niềm an ủi quá yếu ớt.

– Chờ cho một phút. – Akiko lấy tay bít ống máy. – Họ đến đấy! Người của báo “Syukan lady”.

– Họ muốn gì? – Kobashi chau mày khó chịu.

– Vẫn chuyện ấy. Vẫn chuyện Hanajio-san!

– Nói với họ là tôi không có ở đây.

Akiko gật đầu và áp ống máy vào tai.

– Bác sĩ Kobashi về nhà rồi… Vâng, hoàn toàn bất ngờ… Cái gì à? Không, việc đó tôi không biết.

Sau khi trao đổi với những người ở bên kia đường dây mấy câu vô nghĩa nữa, cô đặt ống máy xuống.

– Cái thằng cha lì lợm!

– Hắn nói gì?

– Hắn nói: Bác sĩ Kobashi ắt là có mặt ở đây. Cô phải cho tôi nói chuyện với bác sĩ. Việc này rất quan trọng.

– Ắt phải có mặt ở đây à? – Kobashi ngạc nhiên hỏi.

Akiko ngẫm nghĩ.

– Thế còn cái lão Murai ấy, không biết có phải ở tòa báo “Syukan lady” không?

– Không có lẽ.

– Họ cứ một mực nói rằng mới cách đây một giờ anh còn ở đây. Họ làm thế nào mà biết được nhỉ?

– Ừ-ừ…

– Họ lại hỏi đúng “bác sĩ phẫu thuật Kobashi” kia chứ.

Kobashi nhớ lại rằng trong khi nói chuyện với Murai mình đã tự xưng tên ra.

– Chắc chắn đó là một tay phóng viên! Vì thế hắn mới biết Hanajio.

Kobashi bực mình tặc lưỡi một tiếng rồi đứng dậy.

– Nếu thế thì hắn đểu thật!

– Theo em, phải nói hết với bác sĩ Naoe.

Akiko với tay về phía tập danh bạ điện thoại treo trên phía bàn.

– Khoan đã. – Kobashi hằn học nhìn Akiko. – Không cần gọi.

– Tại sao?

– Đã bảo không cần là không cần.

– Nhưng mà ông ấy có thể lâm vào một tình thế rất gay go. Mai cái gã phóng viên ấy sẽ chạy đến đây từ lúc tờ mờ sáng.

– Hắn cứ việc.

Kobashi bứt rứt cựa mình trên ghế.

– Hai bác sĩ của cùng một bệnh viện mà lại nói khác hẳn nhau, như thế có phải là kỳ quặc không?

– Dĩ nhiên là kỳ quặc. Nhưng còn biết làm thế nào.

– Thật là ngoan cố một cách ngu xuẩn!

Trong những cuộc cãi nhau, Akiko rất chóng mất tự chủ và trong cơn nóng giận cô nói chuyện với Kobashi với cái giọng mà chỉ có một người tình mới có thể tự cho phép mình dùng – không giữ một chút lễ độ nào hết.

– Chà, ngoan cố à?!

– Anh có hiểu anh đã gây ra một tai họa như thế nào không? Vì anh mà thanh danh của bác sĩ Naoe có thể bị vùi dập!

– Bậy bạ! Thanh danh của tôi đi đời thì có: mọi người đều nhổ toẹt vào cái thanh danh ấy. Có ai thèm nói với tôi là Junko Hanajio bị “viêm ruột thừa” đâu? Tôi là bác sĩ mà người ta coi tôi không bằng một cô y tá quèn.

Ở Kobashi sự chân thành và tính cương trực phối hợp lại thành một tính nóng nảy không có gì kiềm chế nổi. Akiko yêu thích cái tính bộc trực như trẻ con của anh, nhưng nhiều khi cô cũng thấy sợ cho anh.

– Bác sĩ Naoe không nói với anh, chắc hẳn không phải vì có chủ ý như thế đâu. Chẳng qua ông ta quên – Akiko phỏng đoán.

– Cái đầu ông ta làm việc một cách tuyệt hảo. Tôi không tin rằng ông lại có thể “quên” một cách dễ dàng như thế.

– Anh cứ kể cho ông ấy nghe, làm như thể nhân tiện trong khi nói chuyện gì đó.

Tomoko đã quay vào, cho nên Akiko hạ giọng thì thầm:

– Làm như vậy thì anh sẽ không cần phân trần gì nữa.

– Đừng có xen vào việc của người khác khi người ta không yêu cầu!

– Nhưng…

– Chẳng qua tôi biết cái gì thì tôi chỉ nói đúng như thế. Tôi thấy không cần phải tự thanh minh, – Kobashi dằn từng tiếng và quả quyết bước ra cửa.

***

Như có thể dự kiến trước, hôm sau có điện từ tòa soạn báo “Syukan lady” gọi đến hỏi xem cụ thể việc gì đã xảy ra với Junko Hanajio. Phòng ghi danh trả lời rằng từ hôm qua bác sĩ Naoe đã thông báo mọi việc một cách cặn kẽ và không còn có gì để bổ sung vào đấy nữa.

Thế mà trong giờ nghỉ trưa, một tốp phóng viên đã đột nhiên xông vào bệnh viện.

– Chúng tôi đã cố hết sức mời họ ra về, nhưng họ cứ một mực: “Không sao, chúng tôi sẽ đợi”. Và mãi cho đến bây giờ họ vẫn không chịu đi cho, – cô thư ký trực ở phòng ghi danh than phiền với Naoe như vậy. (Cô ta đã được lệnh tống khứ những ông khách không mời mà đến).

– Thật là trơ tráo!

Lúc bấy giờ Naoe sau khi ăn trưa, đang đánh cờ gô với kỹ thuật viên X quang Sawada. Xong ván cờ ông miễn cưỡng đứng dậy.

Bọn phóng viên đang ngồi đợi ở phòng khách. Họ có hai người: một người cao và gầy, người thứ hai thì ngược hẳn lại, thấp và mập.

– Xin lỗi bác sĩ, đã đến làm phiền…

Gã cao và gầy chìa cho Naoe xem tấm danh thiếp. Hắn tên là Tanabe. Gã mập là phóng viên nhiếp ảnh.

– Tôi đã trả lời hết các câu hỏi của các ông rồi.

– Vâng. Nhưng chúng tôi muốn… – Người gầy nói, và vừa lúc ấy ánh đèn flash chớp lên. Gã phóng viên nhiếp ảnh chồm về phía Naoe.

– Mặt mũi của tôi có ích gì cho các ông?

– Dạ đó là để phòng xa. Vì ngài là bác sĩ điều trị Hanajio.

Gã gầy nói chuyện thay cho cả gã nhiếp ảnh vì cấp bậc của hắn cao hơn.

Naoe cau mày khó chịu.

– Thưa bác sĩ, có thật cô ấy bị viêm ruột thừa không ạ?

– Tôi còn phải nhắc lại câu đó bao nhiêu lần nữa?

– Thế mà chúng tôi lại nghe nói khác hẳn: cô Hanajio đã được phá thai ở đây. – Gã phóng viên nhìn chằm chằm vào mặt Naoe, nhưng gương mặt ông vẫn điềm nhiên như không.

– Và cô ấy bị ngất là vì sau khi phá thai cô ấy ra viện sớm quá… Xin bác sĩ cho biết ý kiến về những điều đó.

Naoe nhìn kỹ hai gã phóng viên. Rồi ông liếc mắt xem lại tấm danh thiếp một lần nữa.

– Ai nói với ông như vậy?

– À, có một người nói…

– Tôi nhắc lại: cô Hanajio bị viêm ruột thừa.

– Xin bác sĩ tin tôi, – gã gầy không nao núng, – chúng tôi không hề bịa đặt. Tin này chúng tôi lấy được ở một nguồn đáng tin cậy nhất.

Hai gã phóng viên hết sức chăm chú theo dõi Naoe. Ông dửng dưng nhún vai.

– Thế rồi sao nữa?

– Chúng tôi muốn được nghe bác sĩ cho biết sự thật. Không nên lừa dối chúng tôi. – Gã phóng viên xử sự một cách tự tin và trâng tráo. – Sự việc đã xảy ra đúng như tôi vừa nói chứ gì?

– Không.

Naoe trầm ngâm ngắm nghía cánh cửa kính.

– Chúng tôi có những bằng chứng không thể bác bỏ được.

– Đó là các ông tưởng thế.

– Được. Chúng tôi sẽ nói hết. Chỉ xin bác sĩ đừng té xỉu ngạc nhiên. Người đã kể cho chúng tôi nghe việc này làm việc trong bệnh viện của các ngài.

Gã phóng viên đưa mắt sợ sệt nhìn quanh. Trong phòng tiếp khách không có lấy một bóng người. Cô thư ký trực phòng ghi danh đang thùa ren. – Vậy bác sĩ thử đoán xem ai?

– Tôi không biết.

– À, thế thì chúng tôi xin giúp bác sĩ đoán ra đây, xin thêm một đặc điểm nữa: đó là một bác sĩ.

Gương mặt Naoe như có một bóng mây lướt qua, nhưng chỉ trong khoảnh khắc. Chỉ giây sau nó đã lại thản nhiên như không.

– Cũng là một bác sĩ phẫu thuật như ngài. Ngài đã hiểu ra chưa? Bác sĩ Kobashi đấy! – Gã phóng viên đắc chí cười gằn. – Tối hôm qua chúng tôi có gọi điện lại đây hỏi thăm sức khỏe của Hanajio. Bác sĩ Kobashi đã trả lời điện thoại và đã nói hết ra một cách hoàn toàn bất ngờ.

Naoe im lặng gật đầu.

– Bây giờ bác sĩ sẽ nói sao đây? Vẫn khẳng định rằng cô ta bị “viêm ruột thừa” như trước chăng?

Lại một ánh chớp flash. Naoe liếc nhìn cái máy ảnh, rồi khinh bỉ nhìn từ đầu đến chân gã phóng viên.

– Chỉ có thế thôi à?

– Vâng. Bác sĩ thấy chưa đủ sao? – Gã gầy làm ra vẻ ngạc nhiên. – Bác sĩ mà còn lừa dối chúng tôi, thì tôi sẽ viết cả về việc đó nữa.

– Các ông đang định viết về chuyện này à?

– Chứ còn sao? Junko Hanajio, người được công chúng ưa chuộng, ngất đi trước mặt mọi người. Junko Hanajio có thai. Với một gương mặt ngây thơ vô tội thế kia! Ai mà tin được! – Gã phóng viên nghẹn ngào vì hưng phấn. – Chúng tôi nhất định sẽ viết! Đây sẽ là một chuyện giật gân khiến ai nấy phải kêu trời lên. Thiên phóng sự hay nhất trong tất cả những thiên phóng sự về nàng đã từng được đăng trên các báo!

Naoe ngắm cái bể cá đặt phía sau lưng hai gã phóng viên. Trong bể cá mấy con cá kiểng nhiệt đới đang uể oải bơi, mình loang lổ những vệt màu vàng và màu xanh lục.

– Nói tóm lại, bệnh cô ta không phải là viêm ruột thừa.

– Viêm ruột thừa.

– Xin tiên sinh đừng cố chấp. Đằng nào chúng tôi cũng sẽ biết.

– Các ông bịa ra được cái gì thì cứ thế mà viết.

– Tức là bác sĩ đã trả lời “đúng”?

– Các ông lấy ở đâu ra thế?

– Thì bác sĩ vừa nói là cứ viết như thế kia mà?

– Vì các ông nói đằng nào các ông cũng sẽ viết.

Hai gã phóng viên thở dài mệt mỏi.

– Tôi là bác sĩ điều trị Junko. Tôi nói với các ông rằng cô ấy bị viêm ruột thừa. Nếu các ông không tin tôi, các ông cứ xử sự theo ý các ông.

Naoe quay đi và bước về phía thang máy. Hai gã phóng viên nhìn theo cái bóng dáng cao và mảnh của ông.

– Thật là một món khó gặm, – gã phóng viên gầy lẩm bẩm khi Naoe đã khuất sau cánh cửa buồng thang máy.

***

Trong phòng văn thư, Yutaro Gyoda đang nói chuyện với Tsukuyo Sekiguchi. Hôm nay bà Ritsuko không đến bệnh viện, cho nên hai cô kế toán ở phòng văn thư tự động làm công việc điền các giấy tờ thanh toán tiền bảo hiểm.

– Kết quả chẩn đoán vẫn chưa rõ à?

Yutaro nhìn tờ bệnh án.

– Hôm nay chính bác sĩ Naoe đã khám bệnh nhân. Bác sĩ có thiên hướng nghĩ rằng tình trạng có liên quan đến vấn đề máu.

– Bệnh máu ư?…

– Bác sĩ Naoe có yêu cầu làm cả một loạt xét nghiệm: trong khoảng năm ngày nữa mọi vấn đề sẽ hoàn toàn rõ.

– Ừ. Ừ…

Bác sĩ trưởng lẩm bẩm, vẻ lầm lì, tay giở giở mấy tờ bệnh án.

Họ đang nói đến cái ông già mới được xe cấp cứu chở vào bệnh viện hôm qua. Khoảng hai giờ sau đó có một người đàn bà đứng tuổi chạy đến bệnh viện xác nhận rằng quả thật bệnh nhân tên là Kokichi Ueno. Trước kia ông ta làm nghề mua bán đồ cũ, nhưng cách đây mấy năm ông bị đau chân không đi được nữa. Thậm chí có những ngày ông không ra được khỏi giường. Sau đó cả bà vợ cũng bắt đầu bị tê thấp, buộc lòng phải thôi việc ở quán nhậu, nơi bà làm công việc rửa bát đĩa, và bây giờ hai vợ chồng sống bằng số tiền trợ cấp của Nhà nước dành cho những người bần cùng.

Bác sĩ trưởng rất ghét người nghèo, nhất là những người sống bằng trợ cấp.

– Cũng kỳ, trông người thì già khọm. Nhưng tuổi chỉ mới năm mươi hai!

– Vâng, không thể nào tin được, – bà y tá trưởng lắc đầu. – Trông phải đến ngoài sáu mươi.

Năm mươi hai – tuổi Yutaro cũng gần bằng ngần ấy. Nhưng đối với một nhà kinh doanh, lòng trắc ẩn là một xa xỉ phẩm không thể dung thứ được.

– Lão ta sống bằng tiền trợ cấp, thế mà lại cho nằm ở phòng hạng ba. Hạng này đắt hơn hạng công cộng. Lão ta làm sao có thể bù được chỗ chênh lệch?

– Có lẽ không bù được đâu, – Sekiguchi thở dài.

– “Có lẽ” gì nữa! – Gyoda vặn lại. – Phải coi chừng nhắc lão ta trả cho đúng.

– Bác sĩ Kobashi lệnh cho nằm đấy. Hôm qua ông ta trực. Mấy cô y tá đã can ngăn đủ cách mà ông ta vẫn không nghe.

– Cần phải quản lý bác sĩ Kobashi! Mà đó chính là việc của cô và các nữ y tá. Kobashi mới rời khỏi ghế đại học, còn nông nổi lắm. Lúc nào cũng chỉ chực xông ra trận. Lúc nào cũng chỉ biết “công bằng, công bằng”. Chưa nếm mùi đời mà.

– Dù có thế nào thì ông ta vẫn là bác sĩ. Làm sao một cô y tá trẻ lại có thể dám cả gan nói với bác sĩ: “Không được cho bệnh nhân này nằm”?!

– Có ai bắt cô ta phải nói như thế đâu. Có thể nói cách khác: “Một bệnh nhân sống bằng trợ cấp thì nằm ở phòng chung tốt hơn. Không nên để cho hắn ta nằm ở một phòng đắt tiền hơn, vì hắn ta không bù được số tiền chênh lệch”. Đằng này lại vì một bệnh nhân như thế mà khước từ một người đang sắp sửa vào viện!

– Nhưng ở phòng chung làm gì còn chỗ. Chẳng nhẽ đuổi ông ấy ra cửa?

– Từ chối thì cũng có thể từ chối một cách thông minh: “Chúng tôi rất muốn nhận ông, nhưng chúng tôi hết chỗ rồi, vậy ông chịu phiền nhé, chúng tôi buộc lòng phải chở ông sang một bệnh viện khác”. Thế là chẳng ai mếch lòng.

– Bác sĩ Kobashi dự kiến rằng người bệnh sẽ chóng khỏi. Kết quả là như thế đấy.

– Mấy cái anh chàng ở trường đại học ra chỉ biết bày chuyện nghiên cứu những vấn đề chẳng cần thiết cho ai và những cuộc tranh luận hoàn toàn vô bổ! Họ không hiểu được các bác sĩ tư sống khổ sở như thế nào.

– Tốt hơn là chính ngài nên nói thế nào đó cho bác sĩ Kobashi hiểu. Chứ các nữ y tá phải có bổn phận thi hành răm rắp những mệnh lệnh của bác sĩ.

– Có nói hay không nói thì cái bọn bác sĩ trẻ ấy cũng chẳng hiểu gì.

Bác sĩ trưởng sai mấy cô kế toán pha trà. Bà y tá trưởng như sực nhớ ra điều gì, nhìn đồng hồ rồi nói:

– Tôi phải đi.

– Theo như tôi hiểu, trong tình trạng này không thể động đến người bệnh à?

– Nhất định như vậy.

– Có ai đến với hắn ta không?

– Vợ lão ta. Bà ấy thường xuyên ở bên cạnh lão ta.

– Thật đến khổ với bọn khố rách áo ôm ấy! Tiền viện phí Nhà nước trả cho họ bao giờ cũng đến chậm hàng tháng, đôi khi còn chậm hơn nữa, rồi sau đó lại còn phải tiếp đủ các thứ ủy ban đến làm khổ mình… Họ cứ moi móc từng chuyện nhỏ không đâu. Họ hạch sách là mình kê đơn thuốc nhiều hơn số thuốc cần thiết, rồi trừ tiền đi… Dù là bác sĩ ở trường đại học thì lẽ ra cũng phải hiểu cho người ta chứ, – Yutaro càu nhàu.

– Rõ ràng là ở các trường đại học người ta không chịu dạy những chuyện đó. – Bà y tá trưởng vốn là bậc thầy trong nghệ thuật nói những câu xỏ xiên với một vẻ mặt và một giọng nói hoàn toàn ngây thơ vô tội.

– Không sao. Đến khi nào họ mở bệnh viện tư thì họ sẽ khắc hiểu. – Nói đoạn Yutaro đưa tập bệnh án cho Tsukuyo. – À, thế còn cái cô Junko Hanajio ra sao rồi nhỉ?

– Không có chuyển biến gì đáng kể.

– Vẫn ngủ à?

– Có thức dậy một lát rồi lại ngủ lại.

– Chà, giá được xem mặt cô ta một chút nhỉ!

– Xì, tiên sinh thật! – Bà y tá trưởng cau mặt.

– Tôi nói thật đấy. Cứ muốn ghé một chút mà không sao tìm ra được một cái cớ hợp lý.

– Thì bác sĩ trưởng cứ làm như đi kiểm tra các phòng bệnh nhân, – Sekiguchi mách nước.

– Ừ, thật đấy, có lẽ được đấy nhỉ?

– Không, có lẽ không được. Ông có phải là bác sĩ phụ khoa đâu?

– Vậy thì làm thế nào bây giờ?

– Tôi nghĩ ra rồi! Tốt hơn cả là ông đi cùng với bác sĩ Naoe.

– Ý hay đấy! Naoe thì muốn đến phòng cô ta lúc nào cũng được.

– Đến chịu ông! – Bà y tá trưởng nhíu đôi mày ra vẻ nghiêm khắc trong khi mấy cô gái ngồi phía sau Yutaro cười khúc khích. Giả sử bà Ritsuko có mặt ở đây thì Sekiguchi chắc hẳn đã không tự cho phép mình ăn nói như vậy, mà Yutaro cũng sẽ không dám đùa như thế.

– Các người giấu tôi một con búp bê mỹ miều như vậy để các người tha hồ ngắm nhìn hẳn?

– Nhân thể cũng nên biết rằng cô ta đã ba lần…

– Thế cơ à?!

Đôi mắt lươn của ông bác sĩ trưởng tròn xoe ra vì ngạc nhiên.

– Vâng, – Tsukuyo mím môi. – Trong bệnh án có ghi như vậy.

– Tôi không hiểu nổi những người đàn bà ấy… – Yutaro buông một tiếng thở dài nặng trịch.

– Vậy tôi sẽ nói với bác sĩ Naoe nhé?

– Nói đi. – Ngả người trên đệm đi văng, Yutaro chìm đắm vào những mơ ước êm đềm.

Bình luận