Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Không Có Gì Mãi Mãi

Mở Đầu

Tác giả: Sidney Sheldon

SAN FRANCISCO
Mùa xuân – 1995
Chưởng lý quận Carl Andrew đang cáu kỉnh:
– Chuyện chết tiệt gì thế này? – ông ta nói. – Ba bác sĩ sống chung phòng và làm việc trong cùng một bệnh viện. Một người khiến cho bệnh viện suýt phải đóng cửa, người thứ hai giết bệnh nhân vì một triệu đô-la, còn người thứ ba thì lại bị giết.
Andrew ngừng lại, hít một hơi rõ dài:
– Mà lại rất là đàn bà! Ba con mụ bác sĩ trời đánh! Báo chí đãi đằng chúng cứ như những danh nhân. Nào Chương trình 60 phút. Nào thì phóng sự đặc biệt của Barbara Walters. Tôi không thể cầm một tờ báo hay tạp chí nào lên mà không phải nhìn ảnh hay đọc bài viết về chúng. Chẳng mấy đâu, rồi Hollywood sẽ tung ra một bộ phim biến ba con mụ này thành những nữ kiệt? Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu Chính phủ trưng mặt các ả lên tem bưu điện như Presley vậy. Ôi, lạy Chúa, thật chịu hết nổi! – Ông ta giáng một quả đấm xuống bức hình người đàn bà in trên bìa tạp chí Time. Dòng tít viết: “Bác sĩ Paige Taylor – Thiên thần từ bi hay đồ đệ của ác quỷ?”
– Bác sĩ Paige Taylor, – giọng ông chưởng lý quận đầy ghê tởm. Ông ta quay sang Gus Venable, viên chánh công tố. – Tôi giao vụ này cho anh đấy, Gus. Tôi muốn kết án. Tội sát nhân. Phòng hơi ngạt.
– Đừng lo, – Gus Venable trầm giọng, – cứ để nó cho tôi.
Ngồi trong phòng xử án nhìn bác sĩ Paige Taylor, Gus Venable nghĩ: Cô ta lẩn tránh toà. Rồi ông ta tự cười mình. Không ai có thể lẩn tránh được toà. Cô ta dáng cao, thon thả, với đôi mắt nâu huyền nổi bật trên gương mặt nhợt nhạt. Một người quan sát thờ ơ chắc chỉ xem cô ta như một loại đàn bà quyến rũ. Người tinh ý hơn mới nhận thấy còn những điều khác.
Đó là tất cả những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời cùng tồn tại trong cô ta. Nét hớn hở vui tươi của đứa bé thêm vào vẻ băn khoăn e lệ của tuổi hoa niên và sự khôn ngoan, nỗi đau khổ của đàn bà. Có một vẻ ngây thơ nơi cô ta. Cô ta là cô gái mà một người đàn ông có thể lấy làm hãnh diện dẫn về giới thiệu với cha mẹ mình, Gus nghĩ mỉa mai, nếu cha mẹ anh ta hợp gu với những tên giết người máu lạnh.
Có một nét gì xa xăm, gần như huyền bí trong mắt cô ta, một vẻ gì đó nói lên rằng bác sĩ Paige Taylor đã lùi sâu vào nội tâm, tới một thời gian khác, một nơi chốn khác, xa khỏi phòng xử án lạnh lùng, cằn cỗi, nơi cô ta đã bị đẩy vào.
Phiên xử diễn ra tại Toà Công lý San Francisco tôn nghiêm, cổ kính trên phố Bryant. Nơi đặt toà án tối cao và nhà tù tiểu bang là một công trình trông đầy hăm doạ, cao bảy tầng, bằng đá vuông, xám xịt.
Khách đến dự phiên toà được lùa qua một dãy hành lang kiểm soát điện tử. Trên gác, tầng ba, là phòng xử án. Trong phòng 121, nơi xét xử những vụ giết người, ghế quan toà tựa sát mặt tường chính diện, đằng sau là lá cờ nước Mỹ. Bên trái là chỗ ngồi của bồi thẩm đoàn, chính giữa đặt hai bàn được ngăn bằng lối đi, một bàn dành cho luật sư bên nguyên, bàn kia dành cho luật sư bên bị.
Phòng xử án đã chật ních phóng viên và đầy ắp loại khán giả say mê dự các phiên toà xử tai nạn giao thông trên đường cao tốc và tội giết người. Trong các phiên xử tội giết người, đây là vụ hấp dẫn nhất. Chỉ riêng Gus Venable, luật sư công tố, cũng đáng để xem rồi. Ông ta to cao lừng lững, với bờm tóc xám, chòm râu dê, và cung cách lịch lãm của một điền chủ miền Nam, mặc dù ông chưa bao giờ ở miền Nam cả. Ông có vẻ mặt ngơ ngác vô tư và bộ óc của một cỗ máy tính. Nhãn hiệu của ông ta, đông cũng như hè là bộ complê trắng khoác ngoài chiếc sơ-mi cổ hồ cứng đã lỗi thời.
Alan Penn, luật sư của Paige Taylor, là sự tương phản với Venable, một con người rắn chắc, năng nổ, lừng danh bới tài gỡ tội cho các thân chủ của mình.
Hai luật sư này không bao giờ thiếu cơ hội để đối mặt nhau trước toà án và quan hệ của họ là sự nể trọng nhau miễn cưỡng và ngờ vực nhau hoàn toàn.
Venable ngạc nhiên khi thấy Alan Penn đến gặp ông vào tuần trước khi phiên xử bắt đầu.
– Hãy cảnh giác với những tay thầy cãi có tài.
– Anh đang mưu tính chuyện gì thế, Alan?
– Nghe đây, tôi chưa bàn với thân chủ của tôi, nhưng giả sử, chỉ giả sử thôi, tôi có thể thuyết phục cô ta nhận tội để xin giảm án và đỡ cho nhà nước một khoản án phí, thì sao?
– Anh định thương lượng với tôi đấy à, Alan? – Gus Venable với tay xuống bàn giấy, lục lọi – Chẳng thấy cuốn lịch chết tiệt của tôi đâu cả. Hôm nay ngày bao nhiêu nhỉ?
– Mùng 1 tháng Sáu. Sao?
– Khoan nào, tôi cứ tưởng phải là Giáng sinh cơ đấy nếu không anh đã chẳng hỏi xin một món quà như vậy.
– Gus…
Venable nhoài người về phía trước.
– Anh biết không, Alan, bình thường thì tôi có thể bị anh thuyết phục rồi đấy. Nói thật, bây giờ tôi khoái đi câu ở Alaska hơn. Nhưng câu trả lời là không. Anh biện hộ cho một tên sát nhân tàn nhẫn đã vì tiền mà giết một người bệnh bất lực. Tôi đề nghị án tử hình.
– Tôi nghĩ cô ta vô tội, và tôi…
– Không, anh không nghĩ thế đâu. Và không ai có thể làm cho bất cứ ai nghĩ như thế. Trường hợp rõ mười mươi rồi. Khách hàng của anh tội lỗi như Cain (1) vậy.
– Chưa đâu, chừng nào bồi thẩm đoàn chưa kết tội.
– Họ sẽ, – Gus để một khoảng lặng, – họ sẽ kết tội thôi.
Sau khi Alan Penn ra về, Gus Venable ngồi nghĩ lại về cuộc đối thoại vừa xảy ra. Việc Penn đến gặp ông là một dấu hiệu của sự thất bại. Penn hẳn đã hiểu mình ít có cơ thắng nổi vụ này. Venable nghĩ về những chứng cớ không thể chối bỏ mà ông đang nắm cùng các nhân chứng ông sẽ gọi ra thẩm vấn và ông thấy hài lòng.
Không còn nghi ngờ gì nữa, bác sĩ Paige Taylor sẽ vào phòng hơi ngạt.
***
Không phải dễ mà chọn được một bồi thẩm đoàn cho các vụ án nghiêm trọng. Nhất lại là vụ Paige. Nó đã chiếm lĩnh các tít lớn trên trang nhất hàng tháng liền. Sự nhẫn tâm của nó đã gây nên một làn sóng giận dữ.
Chủ toạ phiên toà là Venable Young, một luật gia người da đen tài năng, nghiêm khắc, nghe đồn sắp được bổ nhiệm vào Toà án Tối cao Liên bang. Bà không được tiếng kiên nhẫn với các luật sư, và dễ nổi nóng. Đã có một câu cách ngôn trong giới thầy cãi ở San Francisco. Nếu khách hàng của anh có tội và anh đang trông chờ sự khoan dung, hãy tránh xa phòng xử án của thẩm phán Young.
Hôm trước ngày xét xử, thẩm phán Young cho mời hai luật sư đến văn phòng của bà.
– Chúng ta sẽ đặt một số nguyên tắc cơ bản, thưa các quý ông. Bởi tính chất nghiêm trọng của phiên toà này, tôi sẽ cho các ông một vài chiếu cố để chắc chắn bị cáo được xét xử công bằng. Nhưng tôi cảnh cáo cả hai ông, chớ có mưu toan lợi dụng điều đó. Rõ chưa?
– Rõ, thưa quý toà!
– Rõ, thưa quý toà!
Gus Venable sắp kết thúc bản cáo trạng mở màn cho phiên xử.
– Thưa quý bà, quý ông trong đoàn bồi thẩm, Nhà nước sẽ chứng minh – phải, chứng minh chắc chắn bác sĩ Paige Taylor đã giết bệnh nhân của mình. Và cô ta không chỉ phạm tội giết người, mà còn giết người vì tiền… một số tiền lớn. Cô ta giết John Cronin vì một triệu đô-la.
– Hãy tin tôi, sau khi nghe tất cả bằng chứng, quý vị sẽ dễ dàng thấy tội lỗi của bác sĩ Paige Taylor là ở mức độ cao nhất. Xin cảm ơn.
Bồi thẩm đoàn ngồi im lìm, vẻ chờ đợi.
Gus Venable quay về phía chánh án.
– Thưa, nếu toà cho phép tôi xin được gọi nhân chứng thứ nhất, Gary Williams.
Khi nhân chứng đã tuyên thệ, Gus Venable hỏi:
– Anh là nhân viên phục vụ ở bệnh viện Embarcadero Country?
– Vâng, đúng vậy.
– Có phải anh làm việc ở phòng bệnh số Ba, nơi John Cronin được đưa vào năm ngoái?
– Vâng.
– Anh có thể cho biết ai là bác sĩ phụ trách trường hợp của bệnh nhân John Cronin?
– Bác sĩ Taylor.
– Anh nhận xét thế nào về mối quan hệ giữa bác sĩ Taylor và John Cronin?
– Phản đối! – Alan Penn đứng phắt dậy. – Phía công tố đã mớm cung cho nhân chứng.
– Chấp nhận.
– Cho phép tôi diễn đạt theo cách khác. Anh có bao giờ nghe thấy bác sĩ Taylor và John Cronin nói chuyện với nhau không?
– Ồ có chứ. Làm sao không nghe được. Tôi làm việc trong phòng bệnh liên tục mà.
– Anh có cho rằng những cuộc trò chuyện đó là thân mật không?
– Không, thưa ngài.
– Thật ư? Tại sao anh lại nói vậy?
– À tôi nhớ hôm đầu tiên ông Cronin được đưa vào và khi bác sĩ Taylor đến khám cho ông ta, ông ta đã bảo cô ấy… – Anh ta ngập ngừng. – Tôi không biết liệu tôi có thể nhắc lại lời của ông ta không?
– Cứ nói đi, anh Williams. Tôi cho là không có trẻ con trong phòng xử án này.
– Vâng, ông ta bảo cô ấy cất mẹ nó tay đi.
– Ông ta nói thế với bác sĩ Taylor?
– Vâng, thưa ngài.
– Hãy kể với toà ông còn nghe hay nhìn thấy điều gì nữa?
– Ông Cronin luôn mồm gọi bác sĩ Taylor là “con mẹ ấy”, ông không muốn cho cô ta lại gần. Cứ mỗi bận bác sĩ Taylor bước vào phòng là ông ta lại nói những câu như: “Con mẹ ấy lại đến!” hoặc “Bảo con mẹ ấy để cho tôi yên”, và rồi “Sao người ta không cho tôi một bác sĩ thực thụ nhỉ?
Gus Venable ngừng hỏi để nhìn sang chỗ bác sĩ Taylor ngồi, ánh mắt của cả bồi thẩm đoàn dõi theo ông. Venable lắc đầu như thể buồn bã, rồi quay lại phía nhân chứng.
– Theo anh, ông Cronin có vẻ là một người đàn ông muốn tặng một triệu đô-la cho bác sĩ Taylor không?
Alan Penn lại đứng lên.
– Phản đối! Phía công tố lại mớm cung cho nhân chứng.
Chánh án Young nói:
– Bác bỏ. Nhân chứng có thể trả lời câu hỏi?
Alan Penn nhìn Paige Taylor rồi buông mình xuống ghế.
– Đời nào. Ông ta căm ghét sự gan góc của nữ bác sĩ này.
– Bác sĩ Arthur Kane đang đứng trên bục nhân chứng. Gus Venable hỏi: – Bác sĩ Kane, ông là bác sĩ trực khi John Cronin được phát hiện là bị giết… – Đoạn Gus liếc sang chánh án Young, – bị chết bởi một liều insulin đưa vào tĩnh mạch. Đúng vậy không?
– Đúng.
– Và sau đó ông phát hiện bác sĩ Taylor là người chịu trách nhiệm về việc đó?
– Đúng thế.
– Bác sĩ Kane, tôi sẽ cho ông xem biên bản chứng tử của bệnh viện do bác sĩ Taylor ký. – Venable cầm lên một tờ giấy và đưa cho Kane. – Mời ông đọc to lên được không?
Kane đọc: “John Cronin. Nguyên nhân tử vong: Tắt thở do nhồi máu cơ tim gây biến chứng tác động mạch phổi”.
– Còn theo ngôn ngữ ngoài chuyên môn?
– Biên bản ý nói bệnh nhân chết vì đau tim.
– Và tờ giấy đã được bác sĩ Taylor ký?
– Đúng vậy.
– Bác sĩ Kane, có phải đó là nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của John Cronin?
– Không. Ông ta chết vì bị tiêm insulin.
– Như vậy, bác sĩ Taylor đã cho dùng một liều insulin tử vong rồi khai man trong biên bản?
– Vâng.
– Và ông đã báo cáo với bác sĩ Wallace, giám đốc bệnh viện, người sau đó đã thông báo cho nhà chức trách.
– Vâng. Tôi cảm thấy đó là trách nhiệm của tôi. – Giọng Kane vang lên niềm công phẫn chính đáng. – Tôi là bác sĩ. Tôi không tán thành lấy đi sinh mạng của người khác trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Nhân chứng tiếp theo được gọi là vợ goá của nạn nhân. Hazel Cronin độ xấp xỉ bốn mươi, với mái tóc đỏ rực lửa và một thân hình đầy khêu gợi mà bộ trang phục đen tuyền không giấu nổi.
Gus Venable nói:
– Tôi biết điều này thật khổ tâm, thưa bà Cronin, nhưng tôi buộc lòng phải yêu cầu bà cho toà biết về quan hệ của bà và người chồng mới khuất?
Bà goá Cronin chấm đôi mắt bằng một chiếc khăn tay ren lớn.
– Tôi và John sống thương yêu nhau. Anh ấy là một người đàn ông tuyệt vời. John vẫn thường nói chỉ có tôi mới mang lại cho anh ấy hạnh phúc thực sự.
– Bà làm vợ John Cronin được bao lâu rồi?
– Hai năm, và John luôn luôn bảo đó là hai năm thần tiên.
– Bà Cronin, chồng bà có bao giờ kể cho bà về bác sĩ Taylor không? Ông ấy có kể cô ta là một bác sĩ giỏi không? Hoặc cô ta có tận tuỵ với ông ấy không? Hoặc ông ấy có quý cô ta không?
– Không bao giờ.
– John có bao giờ nói tới chuyện gạt bà và các anh em của bà khỏi di chúc của ông ấy không?
– Không hề. Anh ấy là người đàn ông hào hiệp nhất thế giới. Anh ấy luôn nói với tôi rằng không có gì mà tôi không thể có, và rằng khi nào anh ấy chết… – Bà ta nức nở, – rằng khi nào anh ấy chết đi, tôi sẽ là người đàn bà giàu có, và… – Bà ta không nói tiếp được nữa.
Chánh án Young tuyên bố:
– Toà nghỉ mười lăm phút.
Ngồi ở cuối phòng xử án, Jason Curtis đầy tức giận. Anh không thể nào tin nổi những điều các nhân chứng nói về Paige Taylor. Đây là người đàn bà ta yêu người đàn bà ta sẽ cưới làm vợ.
Ngay sau khi Paige bị bắt, Jason Curtis đã tới thăm cô trong tù.
– Chúng ta sẽ chiến đấu, – anh quả quyết với cô. – Anh sẽ kiếm cho em luật sư hình sự giỏi nhất nước Mỹ.
Và một cái tên vụt xuất hiện trong đầu anh. Alan Penn, Jason liền đi gặp ông ta.
– Tôi có theo dõi vụ này trên các tài liệu. – Penn nói. – Báo chí đã xét xử và kết tội cô ta giết John Cronin vì tiền. Hơn nữa cô ta cũng đã nhận là giết ông già đó.
– Tôi biết cô ấy, – Jason Curtis nói với luật sư. – Hãy tin tôi, Paige không làm chuyện đó vì tiền đâu.
– Do cô ta nhận là đã giết, – Penn nói, – Ở đây chúng ta chỉ có thể cãi rằng đó là một hành động nhằm chấm dứt đau đớn cho bệnh nhân. Dù là căn bệnh vô phương cứu chữa, việc làm đó vẫn trái với luật pháp bang California, cũng như của nhiều bang khác. Nhưng về chuyện này có rất nhiều quan điểm trái ngược. Tôi có thể giở ngón “Chim hoạ mi Florence hót nơi công đường” và mấy cái trò chó chết khác, nhưng vấn đề là ý trung nhân của anh lại giết một người bệnh đã để lại cho cô ta một triệu đô-la trong di chúc. Cái gì xuất hiện ra trước ở đây, con gà hay quả trứng? Cô ta biết về số bạc triệu trước khi giết ông ta hay sau đó?
– Lúc ấy, Paige không hề hay biết về số tiền, – Jason quả quyết.
Giọng Penn không ra đồng tình, cũng không ra phản đối.
– Được. Đó chỉ là một ngẫu nhiên may mắn. Còn ông chưởng lý quận lại coi cô ta là sát nhân và ông ta muốn có án tử hình.
– Ông nhận vụ này hay không?
Penn lưỡng lự. Rõ ràng Jason Curtis tin vào nữ bác sĩ Taylor. Kiểu như Samson tin Delilah (2). Ông nhìn Jason và nghĩ: Hay gã chó đẻ tội nghiệp này bị cạo đầu mà không biết?
Jason chờ đợi câu trả lời.
– Tôi sẽ nhận vụ này, miễn anh biết cho đây là một chuyến leo dốc. Khó nhọc lắm đấy.
Lời nói của Alan Penn hoá ra lại quá lạc quan.
***
Khi phiên toà được tiếp tục vào sáng hôm sau, Gus Venable gọi cả chuỗi nhân chứng mới.
Một y tá được mời lên bục.
– Tôi nghe John Cronin nói với bác sĩ Taylor: “Tôi biết tôi sẽ chết trên bàn mổ. Cô sẽ giết tôi mất. Tôi hy vọng người ta biết rằng cô giết người.
Một luật sư, Roderick Pelham, được gọi làm chứng.
Gus Venable hỏi:
– Khi ông thông báo cho bác sĩ Taylor về một triệu đô-la trong tài sản của John Cronin, cô ta nói sao?
– Cô ta nói điều gì đó đại loại như: “Có vẻ không được hợp đạo lý. Ông ấy là bệnh nhân của tôi.
– Cô ta thừa nhận điều đó là trái đạo lý?
– Vâng.
– Nhưng cô ta vẫn đồng ý nhận tiền?
– Ồ vâng! Hoàn toàn đồng ý!
Đến lượt Alan Penn thẩm vấn nhân chứng:
– Ông Pelham, bác sĩ Taylor có chờ đợi ông đến không?
– Ồ, không, tôi…
– Ông không gọi điện cho cô ta và nói: “John Cronin để lại cho cô một triệu đô-la” chứ?
– Không, tôi…
– Vậy khi thông báo cho cô ta, ông đã gặp trực tiếp cô ta phải không?
– Phải.
– Và khi ông báo cho Taylor biết về số tiền, cô ta phản ứng ra sao?
– Ờ… cô ấy cô ấy có vẻ ngạc nhiên, nhưng…
– Cám ơn ông Pelham. Thế là đủ?
Phiên toà đã sang tuần thứ tư. “Khán giả” và báo chí thấy luật sư bên nguyên và luật sư bên bị đều hết sức ngoạn mục. Gus Venable mặc đồ trắng còn Alan Penn đóng bộ đen, và cả hai hoạt động trong phòng xử án như hai đấu thủ đang trong một trận cờ vua sống mái, với Paige Taylor là con tốt thí.
Gus Venable đang thắt nút.
– Nếu toà cho phép, tôi xin gọi Alma Rogers tới bục nhân chứng.
Khi nhân chứng này đã tuyên thệ, Venable hỏi:
– Bà Rogers, bà làm nghề gì.
– Cô Rogers.
– Xin cô thứ lỗi.
– Tôi làm tại hãng Du lịch Corniche.
– Hãng của cô đặt vé du lịch đi các nước, đăng ký khách sạn và thu xếp các tiện nghi khác cho khách hàng, đúng không?
– Đúng, thưa ngài.
– Tôi muốn cô hãy nhìn bị cáo. Trước đây cô đã bao giờ gặp người này chưa?
– Ồ có thưa ngài. Cô ta đến hãng du lịch của chúng tôi cách đây khoảng vài ba năm.
– Cô ta cần gì?
– Cô ta muốn một chuyến đi London, Paris, và tôi nghĩ, cả Venice nữa.
– Cô ta có yêu cầu phục vụ trọn gói không?
– Ồ không! Cô ta muốn mọi thứ đều hạng nhất… máy bay, khách sạn. Và tôi nghĩ cô ta còn muốn thuê một chiếc du thuyền.
Phòng xử án lặng ngắt. Gus Venable bước lại bàn công tố và giơ lên một tập hồ sơ.
– Cảnh sát đã tìm thấy những trang quảng cáo này trong căn hộ của bác sĩ Taylor. Đó là lịch trình các tuyến đi Paris, London và Venice, toàn đường bay và khách sạn đắt tiền, lại có cả quyển liệt kê giá thuê du thuyền.
Tiếng xì xào nổi lên trong phòng xử án.
Gus Venable mở một quyển sổ.
Đây là một vài du thuyền được hệt kê trong danh sách. – Ông ta đọc to. – “Christina O… hai mươi sáu ngàn đô-la một tuần cộng thêm chi phí… “Thời gian”, hai mươi tư ngàn năm trăm đô-la một tuần… “Giấc mơ may mắn”, hai bảy ngàn ba trăm đô-la một tuần”. – Ông ta ngẩng lên. – Ở đây có đánh dấu bên dưới chiếc tàu “Giấc mơ may mắn”. Paige Taylor đã chọn chiếc du thuyền hai mươi bảy ngàn ba trăm đô-la một tuần. Cô ta chỉ chưa chọn được nạn nhân của mình mà thôi. Chúng tôi chọn hồ sơ này là tang chứng.
Venable quay sang Alan Penn, cười mỉm. Còn Alan Penn thì liếc qua Paige. Cô đang nhìn trân trân xuống bàn, mặt tái nhợt.
– Xin dành nhân chứng cho ông. – Venable nói.
Penn đứng dậy khoan thai hỏi:
– Dịch vụ du lịch hồi đó ra sao, thưa cô Rogers?
– Tôi không hiểu?
– Tôi hỏi dịch vụ của hãng cô hồi đó ra sao. Corniche có phải là một hãng du lịch lớn không?
– Vâng, khá lớn.
– Tôi hình dung nhiều người đến hỏi han lắm nhỉ?
– Ồ, đúng vậy.
– Theo cô, có tới năm hay sáu người một ngày không?
– Ồ không? – Giọng cô ta đầy vẻ phẫn nộ. – Chúng tôi tiếp tới năm mươi khách trong một ngày ấy chứ.
– Năm mươi người một ngày? – Giọng Penn đầy ấn tượng. – Và cái ngày chúng ta đang nói tới lại cách đây những ba năm. Nếu nhân năm mươi với chín trăm ngày thì cũng độ bốn mươi lăm ngàn người.
– Khoảng chừng đó.
– Thế mà, trong cả ngần ấy người, cô lại vẫn nhớ ra bác sĩ Taylor. Vì sao vậy?
– Cô ta và hai cô bạn nữa rất sốt sắng làm một chuyến du lịch châu Âu. Tôi thấy hay hay. Các cô ấy như nữ sinh vậy. Ồ, phải. Tôi nhớ họ rất rõ, đặc biệt vì họ trông không có vẻ đủ tiền, dù chỉ để thuê một chiếc du thuyền.
– Tôi hiểu. Chắc mọi người đến hỏi xin bảng lịch trình đều đi du lịch cả chứ?
– Tất nhiên là không. Nhưng…
– Bác sĩ Taylor thực ra đã không đặt chuyến đi nào, đúng không nhỉ?
– Vâng, cô ta không đặt với hãng chúng tôi. Cô ta chỉ xem một số lịch trình.
– Như vậy không có nghĩa là cô ta đi Paris hoặc London, đúng không?
– Không, nhưng…
– Cám ơn. Bà có thể về chỗ.
Venable hướng về phía chánh án Young.
– Tôi xin được gọi bác sĩ Benjamin Wallace lên làm chứng…
– Bác sĩ Wallace, ông phụ trách bệnh viện Embarcadero Country phải không?
– Phải.
– Vậy đương nhiên, ông có biết bác sĩ Taylor cũng như công việc của cô ta?
– Đúng vậy.
– Ông có ngạc nhiên khi biết bác sĩ Taylor bị truy tố vì tội giết người không?
Penn bật dậy.
– Phản đối, thưa quý toà. Câu trả lời của bác sĩ Wallace sẽ không hơp lệ.
– Nếu tôi cắt nghĩa được. – Venable chặn ngang. – Nó có thể hợp lệ nếu cho phép tôi…
– Thôi được, để xem tiến triển thế nào. – Chánh án Young nói. – Nhưng chớ có hỏi tầm bậy đấy, ông Venable.
– Tôi xin tiếp cận câu hỏi theo cách khác, – Venable tiếp tục ông Wallace, tất cả các thầy thuốc đều phải đọc lời thề Hippocrates(3), đúng vậy không?
– Đúng.
Và một phần của lời thề đó là… – Venable đọc tờ giấy cầm trong tay “Tôi thề tránh xa mọi hành vi tội ác và tham nhũng”.
– Đúng.
– Trước đây bác sĩ Taylor có làm gì khiến ông nghĩ cô ta có khả năng phá vỡ lời thề Hippocrates không?
– Phản đối! – Penn lại đứng dậy.
– Bác bỏ. – Chánh án Young gạt đi.
– Có! – Wallace trả lời câu hỏi.
– Xin ông hãy nói rõ hơn.
– Chúng tôi có một bệnh nhân mà bác sĩ Taylor quyết định cần được truyền máu. Nhưng gia đình người đó không chấp nhận.
– Và chuyện gì đã xảy ra?
– Bác sĩ Taylor vẫn cứ truyền cho bệnh nhân.
– Như vậy có hợp pháp không?
– Hoàn toàn không. Nếu thiếu giấy của toà án.
– Và rồi bác sĩ Taylor đã làm gì?
– Cô ta xin được giấy sau đó và chữa lại ngày tháng.
– Như vậy cô ta đã làm một việc phi pháp, lại còn giả mạo trong hồ sơ bệnh án để hòng chạy tội.
– Đúng vậy.
Alan Penn nhìn sang Paige, giận dữ. Cô ta còn giấu mình cái chết tiệt gì nữa đây? – Ông ta tự hỏi.
Nếu như ai đó trong phòng xử muốn tìm kiếm một dấu hiệu cảm xúc nào trên khuôn mặt Taylor thì họ đã thất vọng.
Lạnh như cục đá, Chủ tịch đoàn bồi thẩm -nghĩ.
Gus Venable hướng lên phía chánh án.
– Thưa quý toà, như toà đã biết, một trong những nhân chứng tôi hy vọng được mời ra đây là bác sĩ Lawrence Barker. Không may, ông Barker bị một cơn đột quỵ và không thể có mặt ở phòng xử án này được. Để thay thế, bây giờ tôi sẽ mời một số nhân viên cùng làm việc với bác sĩ Barker.
Penn đứng lên.
– Tôi phản đối. Không thể làm chuyện thay thế nhân chứng như thay áo được.
Venable chặng ngang.
– Thưa quý toà, tôi đảm bảo rằng mạch thẩm vấn của tôi hết sức phù hợp với những lời chứng mà chúng ta đã nghe. Cần phải xem xét cả năng lực chuyên môn của bị cáo.
Chánh án Young nói một cách hoài nghi.
– Chúng ta sẽ xem. Đây là phòng xử án chứ không phải rừng rậm. Tôi không chấp nhận bất cứ cuộc săn bắn nào. Ông có thể gọi nhân chứng của ông.
– Xin cám ơn.
Gus Venable quay sang người mõ toà.
– Tôi muốn gọi bác sĩ Mathew Peterson.
Một người đàn ông khoảng lục tuần, nom vẻ lịch lãm tiến tới bục nhân chứng. Sau khi ông ta tuyên thệ và đã ngồi vào chỗ, Gus Venable hỏi:
– Bác sĩ Peterson, ông đã làm việc ở bệnh viện Embarcadero Country được bao lâu rồi?
– Tám năm.
– Chuyên khoa của ông là gì?
– Phẫu thuật tim.
– Trong những năm ở bệnh viện Embarcadero Country ông có dịp nào làm việc với bác sĩ Lawrence Barker không?
– Ồ có chứ. Nhiều lần.
– Ý kiến của ông về bác sĩ Barker như thế nào?
– Cũng giống như của mọi người. Ngoài ra, có lẽ bác sĩ Barker là nhà phẫu thuật tim giỏi nhất thế giới, kể từ thời De Bakey và Cooley.
– Có phải ông đã có mặt ở phòng mổ vào sáng hôm bác sĩ Taylor mổ cho một bệnh nhân tên là… – Venable giả vờ lục xem tài liệu. -… Lance Kelly?
Sắc giọng của nhân chứng chợt thay đổi:
– Có tôi đã ở đó!
– Ông hãy kể lại điều gì đã xảy ra vào ca mổ hôm ấy?
Bác sĩ Peterson trả lời một cách miễn cưỡng:
– Ca mổ hỏng. Chúng tôi bắt đầu tuột mất bệnh nhân.
– Ông nói “tuột mất bệnh nhân”, nghĩa là thế nào?
– Tim ông ta ngừng đập. Chúng tôi đã tuyệt vọng và…
– Bác sĩ Barker đã được gọi đến?
– Vâng.
– Và ông ta tới phòng mổ khi cuộc phẫu thuật đang tiếp diễn?
Đang vào hồi kết thúc. Đúng vậy. Và quá muộn để có thể xoay chuyển được gì. Chúng tôi đã không thể làm bệnh nhân sống lại.
– Và khi đó bác sĩ Barker đã nói gì với bác sĩ Taylor?
– Chúng tôi tất cả đều rất buồn, và…
– Tôi hỏi bác sĩ Barker có nói gì với bác sĩ Taylor không?
– Có.
– Bác sĩ Barker nói gì vậy?
Một khoảng lặng thinh và đúng lúc đó, bên ngoài dội lên một tiếng sấm, như tiếng nói của Chúa Trời.
Trong chớp mắt, cơn giông bùng ra, và mưa xối xả dội xuống nóc nhà toà án. Peterson trả lời:
– Bác sĩ Barker nói: “Cô giết ông ta rồi”.
Cả hội trường ồn ào lên. Chánh án Young đập chiếc búa quan toà xuống.
– Đủ rồi! Các vị là bầy người sống trong hang động hay sao đó? Còn mất trật tự lần nữa các vị sẽ phải ra đứng dưới trời mưa đấy.
Trong sự im lặng dồn nén. Gus Venable hỏi lại:
– “Cô giết ông ta rồi”? Ông có chắc rằng bác sĩ Barker đã nói câu đó với bác, sĩ Taylor không?
– Tôi chắc chắn!
– Và ông cũng xác nhận bác sĩ Barker là một người rất đáng được coi trọng về mặt y học.
– Đúng?
– Cám ơn. Phần tôi đã xong, thưa bác sĩ. – Ông ta quay sang Alan Penn. – Đến lượt ông.
Penn đứng dậy và tiến đến gần nhân chứng.
– Bác sĩ Peterson, tôi chưa bao giờ được chứng kiến một ca mổ, nhưng tôi hình dung chắc phải căng thẳng ghê gớm, nhất lại là một ca nghiêm trọng như phẫu thuật tim.
– Hết sức căng thẳng.
– Trong một ca như thế tổng cộng có bao nhiêu người trong phòng? Ba hay bốn?
– Ồ không. Bao giờ cũng phải tới nửa tá hoặc hơn.
– Thật ư?
– Vâng. Thường có hai bác sĩ phẫu thuật, một người phụ mổ, đôi khi tới hai bác sĩ gây mê, một y tá chính và ít nhất một y tá lưu động.
– Ra thế. Hẳn là khá nhiều tiếng ồn. Như xin chỉ dẫn hoặc những việc tương tự chẳng hạn.
– Đúng!
– Và tôi được biết một thực tế phổ biến là người ta thường bật nhạc trong khi mổ.
– Đúng vậy!
– Khi bác sĩ Barker vào và thấy Lance Kelly đang hấp hối, chắc không khí lại càng thêm bấn loạn.
– Mọi người đều bận rộn vào việc cứu chữa bệnh nhân.
– Nhiều tiếng ồn ào, đúng không?
– Đúng, rất ồn ào.
– Thế mà, trong cảnh náo động đó, và trong tiếng nhạc, ông lại có thể nghe thấy bác sĩ Barker nói bác sĩ Taylor là đã giết bệnh nhân. Liệu ông có nghe nhầm hoặc tưởng tượng ra không nhỉ?
– Không, thưa ngài. Tôi không thể nhầm được.
– Điều gì khiến ông tin chắc thế?
Bác sĩ Peterson thở dài.
– Bởi vì tôi đứng ngay cạnh bác sĩ Barker khi ông ta nói điều đó.
Chẳng có lối thoát đẹp đẽ nào.
– Hết câu hỏi.
Penn thở dài. Vụ này lại mất rồi, và ông không thể làm gì được. Sắp sửa có lẽ còn tồi tệ hơn nhiều.
Demse Berry lên làm chứng.
– Cô là y tá tại bệnh viện Embarcadero Country?
– Vâng.
– Cô đã làm việc ở đó bao lâu?
– Năm năm.
– Trong thời gian đó, cô có nghe được cuộc đối thoại nào giữa bác sĩ Taylor và bác sĩ Barker không?
– Có chứ. Nhiều lần.
– Cô có thể nhắc lại một vài chuyện không?
Y tá Berry nhìn bác sĩ Taylor, do dự:
– Ờ, bác sĩ Barker lắm khi rất cay nghiệt…
– Y tá Berry, tôi không hỏi cô tính nết bác sĩ Barker. Tôi yêu cầu cô kể cho chúng tôi những gì cô nghe thấy ông ta nói về bác sĩ Taylor.
Một khoảng im lặng kéo dài.
– Một lần ông nói chị ấy bất tài, và…
Mặt Gus Venable khoác lên vẻ ngạc nhiên.
– Cô nghe bác sĩ Barker bảo bác sĩ Taylor là bất tài ư?
– Vâng, thưa ngài. Nhưng ông ấy luôn luôn…
– Cô còn nghe ông ta nhận xét gì khác về bác sĩ Taylor không?
Nhân chứng nói gượng gạo:
– Quả thực tôi không nhớ.
– Cô Berry, cô đã tuyên thệ…
– Thôi được, một lần tôi nghe thấy ông Barker nói… – Đoạn cuối câu chỉ còn là tiếng lầm bầm.
– Chúng tôi chẳng nghe thấy gì cả. Xin cô nói to lên. Cô nghe thấy ông ấy nói gì?
– Ông ta bảo… ông ta sẽ không cho bác sĩ Taylor mổ, ngay cả với một con chó.
Tiếng hổn hển bật ra đồng loạt trong phòng xứ án.
– Nhưng tôi tin chắc ông ấy chỉ định…
– Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều hiểu ý bác sĩ Barker, đúng như ông ta nói.
Mọi con mắt đều đổ dồn vào Paige Taylor.
Phía công tố có vẻ đã quá áp đảo. Nhưng Alan Penn vốn nổi danh là nhà ảo thuật kỳ tài trong phòng xử án đã đứng dậy. Bây giờ đến lưọt ông thể hiện phần biện hộ. Liệu ông có lôi được con thỏ nào khác từ trong mũ ra không?
Alan Penn hỏi Paige Taylor đang trên bục nhân chứng. Đây là giờ phút mọi người đều mong đợi.
– Bác sĩ Taylor, có phải John Cronin đã là bệnh nhân của bác sĩ.
– Phải.
– Cảm giác của bác sĩ về ông ta thế nào?
– Tôi thích ông ấy. Ông hiểu mình bệnh nặng đến chừng nào, nhưng ông rất dũng cảm. Ông đã phải phẫu thuật một khối u tim.
– Và chính cô đă tiến hành ca phẫu thuật đó?
– Vâng!
– Và cô đã phát hiện điều gì trong khi mổ?
– Khi mở lồng ngực ông ta, chúng tôi thấy khối u hắc tố ác tính đã di căn.
Nói cách khác, bệnh ung thư đã lan khắp cơ thể ông ta.
– Đúng. Nó đã di căn sang các tuyến bạch huyết.
– Có nghĩa là đã hết hy vọng? Không còn phương thuốc nào có thể cứu vãn được nữa.
– Không.
– John Cronin đã phải dùng tới các thiết bị nhân tạo?
– Đúng vậy.
– Bác sĩ Taylor, có phải cô đã chủ ý dùng một liều insulin tử vong để chấm dứt cuộc đời John Cronin?
– Tôi đã làm như thế?
Tiếng rì rầm dậy lên trong phòng xử.
Cô ả thản nhiên thật, Gus Venable nghĩ. Nghe cứ như ả cho ông ta uống một tách cà phê.
– Hãy nói cho toà biết vì sao bác sĩ quyết định chấm dứt sự sống của John Cronin?
– Bởi vì ông ấy yêu cầu tôi. Ông ấy van xin tôi.
– Ông ấy nhắn tôi đến gặp lúc nửa đêm, trong cơn đau khủng khiếp. Các thứ thuốc chúng tôi cho ông ấy dùng đã hết tác dụng từ lâu. – Giọng Taylor vẫn đều đều.
– Ông ấy nói không muốn chịu đựng sự hành hạ thêm nữa. Ông ấy biết cái chết chỉ còn là chuyện ngày một ngày hai. Ông ấy cầu xin tôi hãy kết thúc giúp cho sớm phút nào hay phút ấy. Và tôi đã làm.
– Bác sĩ, cô có hề miễn cưỡng khi thực hiện mũi tiêm ấy không? Cô có chút cảm giác tội lỗi nào không?
– Không. Một khi nhìn thấy cảnh ấy, tôi nghĩ, chăng có lý do gì để ông già phải tiếp tục bị nỗi đau hành hạ.
– Cô cho bệnh nhân dùng insulin bằng phương pháp nào?
– Tôi tiêm vào tĩnh mạch ông ta.
– Điều đó gây thêm chút đau đớn nào không?
– Không hề. Ông ấy chỉ trôi vào giấc ngủ.
Gus Venable đứng dậy liền.
– Phản đối! Tôi nghĩ bị cáo định nói ông ta trôi vào cái chết! Tôi…
Chánh án Young gõ búa.
– Ông Venable, ông mất trật tự quá. Ông sẽ có cơ hội vặn vẹo.
Viên công tố nhìn sang bồi thẩm đoàn, lắc đầu và ngồi xuống.
Penn tiếp tục hỏi:
– Bác sĩ Taylor, khi cho John Cronin dùng insulin, cô có biết rằng ông ta đã đưa cô vào di chúc với một triệu đô-la không?
– Không, tôi lấy làm sửng sốt khi biết điều đó.
Mũi cô ả chắc phải nở tướng ra, Gus Venable cay cú nghĩ bụng.
– Có bao giờ cô nói tới chuyện tiền thưởng hay hỏi xin John Cronin điều gì không?
Một thoáng ửng đỏ lan trên má Taylor.
– Không bao giờ.
– Nhưng cô đã có mối quan hệ thân mật với ông ta?
– Đúng! Với một bệnh nhân lâm bệnh nặng như vậy quan hệ bác sĩ – bệnh nhân thường là đặc biệt hơn. Chúng tôi trò chuyện về các vấn đề gia đình và kinh doanh của ông ấy.
– Nhưng cô có thể có lý do nào trông đợi điều gì ở ông ta chứ?
– Không.
– Ông ta để lại tiền cho cô bởi vì ông ta đã trở nên tôn trọng và tin tưởng cô. Xin cảm ơn bác sĩ Taylor.
Penn quay sang Gus Venable.
– Đến lượt ông.
Khi Penn trở về bàn của mình, Paige Taylor nhìn về phía cuối phòng xử án. Jason ngồi đó, gửi tới cô ánh mắt khích lệ. Bên cạnh anh là Honey. Một người lạ ngồi kế bên Honey, ở chỗ mà lẽ ra là của Kat. Nếu cô ấy còn sống. Nhưng Kat đã chết. Paige thầm nghĩ. Mình cũng đã giết cô ấy rồi.
Gus Venable đứng dậy và chậm chạp đi tới bục nhân chứng. Ông liếc nhìn vào mấy hàng ghế ký giả.
Tất cả đều đã chật, và tất cả các phóng viên đều đang mải miết ghi chép. Ta sẽ cho họ điều gì đó để viết, Venable bụng bảo dạ.
– Ông đứng trước bị cáo trong một khoảnh khắc kéo dài, quan sát cô ta. Rồi bất chợt ông cất tiếng.
– Bác sĩ Taylor… John Cronin có phải là bệnh nhân đầu tiên mà cô đã giết tại bệnh viện Embarcadero không?
Alan Penn chồm dậy giận dữ:
– Thưa quý toà, tôi…
Chánh án Young đã gõ chiếc búa của bà xuống.
– Phản đối được chấp nhận! – Bà quay về phía hai luật sư. – Toà nghỉ mười lăm phút. Tôi muốn hội ý với hai ông trong văn phòng của tôi.
Khi hai luật sư đã yên vị trong văn phòng của bà, chánh án Young quay sang Gus Venable.
– Ông có theo học trường luật không nhỉ, ông Gus?
– Tôi xin lỗi, thưa quý toà, tôi…
– Ông có thấy lều rạp căng ngoài đó không?
– Xin lỗi, tôi không hiểu.
Giọng bà chánh án như tiếng roi quất.
– Phòng xử án của tôi không phải là rạp xiếc, và tôi cũng không định để ông biến nó thành nơi diễn trò của mình. Sao ông dám đưa ra một câu hỏi kích động như vậy!
– Tôi xin lỗi, thưa quý toà. Tôi sẽ chỉnh lại câu hỏi và…
– Ông sẽ còn làm quá hơn thế – Chánh án Young gằn giọng. – Ông phải chỉnh đốn lại chính cái thái độ của ông thì có. Tôi chính thức cảnh cáo ông, thưa ông công tố. Và nếu ông còn giở trò kích động một lần nữa, tôi sẽ tuyên bố bãi bỏ phiên toà.
– Vâng, thưa ngài chánh án.
Khi họ quay trở lại phòng xử, chánh án Young nói với bồi thẩm đoàn.
– Toà hoàn toàn gạt bỏ câu hỏi sau cùng của công tố viên. – Bà quay sang Gus. – Ông có thể tiếp tục.
Gus Venable bước về bục nhân chứng.
– Bác sĩ Taylor, hẳn cô rất ngạc nhiên khi được thông báo người đàn ông mà cô giết hại đã để lại cho cô một triệu đô-la.
Alan Penn bật dậy:
– Phản đối!
– Chấp nhận. – Chánh án Young nói với Venable. – Ông đang thử thách sự kiên nhẫn của tôi đấy.
– Xin lỗi quý toà. – Venable quay lại phía bị cáo. – Cô hẳn phải có quan hệ rất gần gũi với bệnh nhân của mình. Ý tôi muốn nói, đâu phải ngày nào cũng có một người gần như hoàn toàn xa lạ, để lại cho ta một triệu đô-la, đúng không?
Paige Taylor hơi đỏ mặt.
– Tình bạn của chúng tôi nằm trong phạm vi quan hệ thầy thuốc và người bệnh.
– Có cái gì hơn thế chăng? Một người đàn ông không thể gạt người vợ yêu quý cùng gia đình mình ra khỏi di chúc và để lại một triệu đô-la cho người dưng mà không có lý do nào đó. Những chuyện cô moi được ở ông ta về công việc kinh doanh…
Chánh án Young nhoài người tới trước và nói giọng đe doạ.
– Ông Venable…
Ông công tố viên giơ hai tay lên làm cử chỉ phục tùng, rồi quay lại phía bị cáo.
– Vậy là cô và John Cronin chỉ tán chuyện thân mật. Ông ta kể cho cô những chuyện riêng tư, ông ta quý mến và tôn trọng cô. Cô cho đó là một lập luận hợp lý không, bác sĩ Taylor.
– Và chỉ vì vậy mà ông ta đã biếu cô một triệu đô-la?
Paige Taylor nhìn xuống phòng xử án. Cô im lặng. Cô không có câu trả lời.
Venable dợm bước quay trở về bàn công tố, rồi bất thần quay lại đối mặt với bị cáo.
– Bác sĩ Taylor, lúc trước cô khai rằng cô không hề biết John Cronin sẽ để lại tiền bạc gì cho cô hoặc ông ta sẽ gạt gia đình mình ra khỏi di chúc.
– Đúng vậy.
– Một bác sĩ nội trú kiếm được bao nhiêu ở bệnh viện Embarcadero?
Alan Penn nhổm dậy.
– Phản đối! Tôi không thấy…
– Đó là câu hỏi hợp lệ. Bị cáo hãy trả lời.
– Ba mươi tám ngàn đô-la một năm.
Venable nói ra chiều thông cảm.
– Thế thì chẳng là bao vào thời buổi này, đúng không nhỉ? Không đủ để dành dụm cho một chuyến đi nghỉ xa hoa, như London, Paris hay Venice chẳng hạn?
– Tôi cho là không.
– Không ư? Vậy là cô không dự định một kỳ nghỉ như thế vì cô biết mình không đủ tiền.
– Đúng vậy.
Alan Penn lại nhổm lên.
– Thưa quý toà…
Chánh án Young quay sang viên công tố.
– Ông dẫn dắt đi đâu thế ông Venable?
– Tôi chỉ muốn xác minh rằng bị cáo không thể dự kiến một chuyến đi xa xỉ như vậy nếu không nhìn trước vào số tiền của một ai đó mà cô ta sẽ biến thành của mình.
– Cô ta đã trả lời câu hỏi rồi.
Alan Penn biết mình phải làm một cái gì đó. Thâm tâm ông chẳng hào hứng gì nhưng ông vẫn tiến tới bục nhân chứng với tất cả vẻ hồ hởi của một anh chàng vừa trúng số.
– Bác sĩ Taylor, cô còn nhớ là đã lấy về những cuốn quảng cáo du lịch này chứ?
– Vâng.
– Cô định đi châu Âu hay thuê một chiếc du thuyền?
– Dĩ nhiên là không. Tất cả chỉ là một chuyện đùa, một giấc mơ không thể thành sự thực. Tôi và các bạn tôi nghĩ rằng điều đó có thể làm chúng tôi phấn chấn lên. Lúc đó chúng tôi mệt mỏi quá, bèn… nghĩ ra một chuyện vui vui. – Giọng cô nhỏ dần.
Alan Penn lén nhìn đoàn bồi thẩm. Nét mặt họ biểu lộ sự ngờ vực hoàn toàn.
Gus Venable đang hỏi bị cáo để thẩm tra lại.
– Bác sĩ Taylor, cô có quen bác sĩ Lawrence Barker?
Một ký ức chợt loé lên trong cô. Mình sẽ giết Lawrence Barker. Mình sẽ làm điều đó từ từ. Cứ để cho lão ta chịu đau đớn trước, rồi mình sẽ giết lão.
– Có. Tôi quen bác sĩ Barker.
– Ở quan hệ nào?
– Bác sĩ Barker và tôi thường làm việc với nhau trong hai năm vừa qua.
– Theo cô, ông ta có phải là một bác sĩ giỏi không?
Alan Penn nhảy dựng lên.
– Tôi phản đối, thưa quý toà. Nhân chứng…
Nhưng trước khi ông kịp nói hết hoặc chánh án Young kịp ra lệnh, Paige đã trả lời.
– Ông ấy còn hơn cả giỏi. Ông ấy là một tài năng tuyệt vời!
Penn ngồi sụp xuống ghế, sững sờ đến mức không nói nổi gì nữa.
– Phiền cô diễn giải chi tiết hơn được không? – Venable yêu cầu.
– Bác sĩ Barker là một trong những nhà phẫu thuật tim mạch nồi tiếng nhất thế giới: ông có phòng mạch tư rất lớn, nhưng ông đã dành cho bệnh viện Embarcadero ba ngày trong một tuần.
– Vậy cô đánh giá cao những nhận xét của ông ta về mặt y học chứ?
– Vâng.
– Theo cô, ông ta có thể xét đoán năng lực của các bác sĩ khác không?
Penn mong sao cô ta nói. “Tôi không biết”.
Paige ngập ngừng:
– Có thể.
Gus Venable quay về phía đoàn bồi thẩm.
Quý vị đã nghe bị cáo khai rằng cô ta đánh giá cao nhận xét chuyên môn của bác sĩ Barker. Tôi hy vọng cô ta đã nghe rõ lời phê bình của bác sĩ Barker về khả năng… hay đúng hơn là sự thiếu khả năng của mình.
Alan Penn bật lên, giận dữ.
– Phản đối.
– Chấp nhận.
Nhưng đã quá muộn. Sự thể hỏng mất rồi.
Trong giờ giải lao. Alan Penn kéo Jason vào phòng vệ sinh nam.
– Anh lôi tôi vào cái bỏ mẹ gì vậy? – Penn cáu kỉnh. – John Cronin ghét cô ta, Barker ghét cô ta. Tôi yêu cầu khách hàng của tôi kể sự thật, và toàn bộ sự thật. Chỉ có cách đó tôi mới có thể xoay chuyển nổi tình thế. Còn như thế này, tôi không làm gì nổi. Cô bạn lòng của anh dối trá cứ trơn tuột. Và mỗi bận cô ta mở miệng là lại như đóng thêm một chiếc đinh vào cỗ áo quan của mình. Cái vụ chó chết này thua đứt rồi.
***
Chiều hôm đó, Jason Curtis đến gặp Paige.
– Bác sĩ Taylor, cô có khách.
Jason bước vào phòng giam.
– Paige…
Cô quay lại nhìn anh, nuốt lệ:
– Có vẻ tệ quá anh nhỉ?
Jason gượng cười:
– Em biết đấy, người ta nói còn nước còn tát.
– Jason, anh không tin rằng em đã giết John Cronin vì tiền chứ? Điều em làm là chỉ để giúp cho ông ấy thôi.
– Anh tin em. – Jason nói khẽ. – Anh yêu em.
Anh ôm lấy cô. Ta không muốn mất nàng. Jason thầm nghĩ. Ta không thể. Nàng là điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời ta.
– Mọi việc sẽ ổn thôi. Anh hứa với em, rồi chúng ta sẽ bên nhau mãi mãi.
Paige nép chặt vào anh và nghĩ: Không có gì là mãi mãi. Không có gì hết. Sao mọi việc lại có thể ngang trái đến mức này…
Chú thích:
(1) Theo sự tích Kinh Thánh, Cain là con của Adam và Eva, đã phạm tội giết em trai, được coi là kẻ sát nhân đầu tiên của loài người. (N.D)
(2) Sự tích trong Kinh Thánh. (N.D)
(3) Hippocrates người Hy Lạp, ông tổ của ngành y, sống vào khoảng 400-377 trước CN.

Bình luận
1440
× sticky