Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ngày Vui

Phận Hèn

Tác giả: Đặng Trần Huân
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Bà Phó hấp tấp cầm đèn vào buồng. Con gái bà vẫn ôm bụng quẳn quại.

– Đã thấy gì chưa ?

Hương nheo mặt đáp :

– Chưa ạ !

Bà Phó cầm đèn lại góc buồng lục thúng quần áo tìm tòi, hai tay đưa thoăn thoắt. Bỗng bà quay vụt lại giường Hương nằm :

– À này đã ai đi mua giấy bản chưa nhỉ ?

Hương không trả lời. Chị vẫn ôm bụng, nhăn mặt, môi mím chặt cố nhịn kêu.

– Thế nào, vẫn đau nhiều à hở con ?

Hương rú lên :

– Ối giời ơi !

Bà Phó vội vã chạy lại phía giường. Bà ngồi xuống hai tay đỡ ngang mình con gái :

– Thôi cố nhịn đau một tí con ạ… Đợi thầy con mời bà đỡ về xem thế nào.

Chị không trả lời mẹ. Hai chân co quắp, hai tay ôm bụng, răng nghiến chặt để khỏi kêu. Nhưng rồi bỗng chị thét lên.

– Ối giời ôi ! Tôi chết mất.

Mặt tái mét, chị lịm đi. Bà Phó cuống quít cầm đèn ra cổng toan gọi hàng xóm, nhưng bà lại cuống quít quay vào giường nâng con dậy :

– Giời ơi ! Làm thế nào bây giờ.

Chị Hương hơi tỉnh, mặt đã đỡ tái. Chị nhìn mẹ, nói phều phào :

– Con khỏi rồi. U gọi bác Xã sang chơi.

Người mẹ nghe lời, chạy vội ra phía cổng.

Vừa lúc ấy ông Phó, anh Hương và bà đỡ cùng vào. Anh Hương cầm một tập giấy bản. Ông Phó đi sau cầm chiếc hộp sắt nhỏ của bà đỡ. Còn bà nầy vẫn khoan thai đi thong thả như không có sự gì vội vã.

Bà Phó và bác Xã Vít chào, bà chỉ sẽ gật đầu đáp lại. Rồi vén chiếc áo sa tanh tím, tụt đôi dép nhung, bà đường hoàng ngồi xếp bằng lên giường, cầm chiếc quạt nan phe phẩy.

Trong buồng vẫn vẳng ra những tiếng rên khe khẽ. Bà Phó nhìn bà đỡ bằng đôi mắt cầu khẩn. Bà muốn bà đỡ vào thăm cho Hương ngay, nhưng còn e dè không dám nói. Chả nhẽ người ta mới chân ướt chân ráo đến chưa kịp nghỉ ngơi, uống nước, đã giục ngay thì không tiện. Nhất là bà đỡ giàu có và là người tỉnh thành còn bà lại nghèo nàn, quê kệch.

Anh Hương vừa xách ấm nước dưới bếp lên, trong nhà tiếng chị Hương lại rên to. Bà Phó nhìn chồng như có ý giục. May sao lúc ấy bác Xã Vít đã nói :

– Bà !… Không biết làm sao chị Cả cháu rên nhiều quá.

Bà đỡ đáp ngay ra vẻ niềm nở :

– Ồ thế chị ấy dở dạ lâu rồi ạ ? Sao không bảo tôi ngay. Thôi mang đèn vào đây.

– Vâng.

Bà Phó cầm đèn vào buồng. Bà đỡ và bác Xã Vít theo sau.

Ngoài nhà, anh Hương vội vã đánh diêm thắp chiếc đèn khác. Ông Phó pha trà. Rồi ông tất tả vào gian trái lục hòm lấy ra bộ chén ông Thiếu men trắng. Anh Hương chạy lấy chổi quét giường. Anh rút chiếc chiếu hoa trên mắc giải trùm lên chiếc chiếu trơn đã xờm cả hai đầu cói. Hai người dọn dẹp rối rít như để đón một ân nhân.

Bà đỡ vừa ở trong buồng ra, ông Phó vội vã mời niềm nở. Bà Phó và bác Xã Vít đi sau, mặt ủ rũ như hoa dưới nắng. Hai người ngồi xuống ngưỡng cửa, tay để thõng bên đùi.

Bà đỡ ngồi xuống giường, cầm chén nước gạt chôn vào thành đĩa rồi mới trong thả báo cho cả nhà một tin quan trọng :

– Nguy mất…

Mọi người im lặng, lắng nghe.

– Đứa bé trong bụng chị ta chết mất rồi.

Mọi người giật mình tái mặt. Bà Phó gục đầu xuống dưới kêu giời :

– Thế thì bây giờ làm thế nào hở bà ?

– Bây giờ phải uống thuốc cho cái thai nó ra, thì cứu được mẹ. Nếu không, để chậm quá thì chết cả mẹ lẫn con.

Bà Phó chùi nước mắt, nói trong tiếng khóc :

– Giời ơi, khổ quá. Thế thì bây giờ phải lấy thuốc tận đâu hở bà ?

– Thuốc ấy tôi cũng còn một ít. Nhưng đắt lắm.

Bác Vít nói xen vào :

– Đắt cũng phải lấy chớ làm thế nào.

Bà Phó lại khóc to :

– Vâng vận hạn thế này thì thôi đành. Bà làm phúc cứu cho cháu khỏi. Bao nhiêu chúng cháu cũng xin đủ.

– Thuốc này những hai trăm một hộp, nhưng tình cảnh bác nghèo tôi không tính lãi tính bác trăm tám thôi. Nhưng bác hãy đưa tôi ngay bây giờ một trăm để tôi về lấy.

Bà Phó quay lại nhìn chồng, day rứt :

– Thầy nó lấy tiền đưa bà đi. Con như thế mà cứ ngồi ì ra như bụt ấy thôi. Khổ thân tôi quá !

Người chồng lẳng lặng theo lời vợ đứng dậy vào trong nhà. Một lát ông quay ra, tay cầm một tập vừa tiền giấy vừa tiền hào. Ông bảo vợ :

– Tất cả còn bốn mươi nhăm đồng năm hào thôi.

Bà đỡ vội nói ngay :

– Ấy tôi cho chịu tám chục là quá lắm rồi. Còn bây giờ thì thế nào cũng phải đủ một trăm thì tôi mới về lấy thuốc được.

Bà Phó rên la :

– Cháu lạy bà. Vốn liếng cả nhà có từng ấy bà hãy cầm cho, rồi sau cháu xin đủ. Bà làm phúc. Giời ơi, cháu được có một mình nó. Nó mà chết cháu sống làm sao.

Bà đỡ vừa toan nói anh Hương đã mở bao diêm lấy năm đồng đưa cho bố. Bác Vít thương hại mở hầu bao cho vay một chục. Bà đỡ cầm tất cả nhét vào túi áo :

– Thôi tôi hãy cầm thế này. Còn bao nhiêu từ giờ đến ngày kia phải lo đủ cho tôi.

– Vâng bà làm phúc… Đấy cháu lại rên đấy. Bà về lấy thuốc đi không có lại không kịp. Rồi sau, chúng cháu xin cầm cố cái gì để giả bà chu tất.

Bà đỡ cầm chén nước đặt lên môi :

– Được, thế nào cũng khỏi, không lo.

Và quay về phía ông Phó :

– Cái hộp của tôi lúc nãy đâu ông ?

– Dạ đây ạ.

Bả mở hộp lấy ra một lọ thủy tinh nhỏ, trong đựng những viên thuốc tròn tròn như viên hồ tiêu. Bà dốc ra tay năm viên đưa cho ông Phó :

– Đây ông rót nước chè vào bóp nát thuốc ra cho chị ấy uống. Đáng nhẽ phải đun nước sôi cơ. Nhưng thôi được.

Bà Phó chu chéo :

– Thôi anh Cả, anh cứ xuống đun tí nước cho cẩn thận.

Bác Vít và ông Phó đồng thanh :

– Phải đấy, làm cái gì cho cẩn thận. Một lúc hơn trăm bạc.

Bà đỡ vội gạt :

– Thôi được, nước này cũng được, tôi đã cho nhiều người uống rồi mà.

– Vâng. Thế thì thôi. Cháu sợ không cẩn thận nhỡ một cái…

Bà đỡ cầm cái hộp đứng dậy :

– Tôi cũng phải về không khuya rồi.

Bà Phó níu áo lại :

– Thôi bà về cũng chả làm gì. Ở nhà đã có cô Hồng. Bà ở lại đây, nhỡ có điều gì chúng cháu còn phải hỏi bà.

– Không phải gì nữa mà ! Cố cho chị ấy uống đi. Một chốc thuốc ngấm thì cái thai tự khắc nó ra. Bây giờ hai bác bảo anh Cả đưa tôi về.

– Vâng, thì bà về vậy, Hương cầm đèn đưa bà về, con.

Hương vào buồng vợ lấy đèn mang đi. Bà đỡ xỏ chân vào dép lẹp kẹp đi ra cổng. Bà Phó và bác Vít ân cần theo tiễn. Ra đến đường bà đỡ còn quay lại :

– Kể nhà khác thì cứ đến thăm không cũng phải năm chục cơ đấy. Nhưng tôi biết cảnh hai bác cũng túng thì tôi thăm giúp.

– Vâng cám ơn bà, chúng cháu vẫn biết bà tốt chứ nếu không có bà thì biết đàng nào mà quanh.

*

Chị Hương uống thuốc được một lúc lại kêu đau bụng. Ông bà Phó cho là thuốc tây nó ngấm mạnh thì đau đấy thôi. Đau thế cái thai nó lộn rồi mới ra được.

Nhưng chờ mãi vẫn không thấy gì, mà chị Hương càng kêu đau dữ dội. Đau hơn cả khi chưa uống thuốc. Bà Phó sợ hãi lại phải gọi bác Vít sang. Bác cũng chả biết làm thế nào chỉ chạy quanh trong buồng. Cả anh Hương cũng vậy. Rồi họ bàn bạc. Người thì bảo lại ra mời bà đỡ. Người thì bảo không mời vì con mẹ ấy có chỉ nịnh nhà giầu thôi. Ồn ào, mà chẳng được việc gì cả.

Bỗng chị Hương lêu thét lên. Rồi tiếng bà Phó trong buồng gọi ra như gắt :

– Ối, bác Xã ơi !

Bác Vít vào giường chị Hương. Anh Hương cầm đèn vào theo. Trên giường, chị Hương nằm ngay như một cái xác, chỉ ngực là còn thoi thóp thở. Mắt nhắm nghiền, mặt tái nhợt, mồm ngậm chặt, nước bọt xùi ra hai bên mép.

Bà Phó ôm chầm lấy con kêu khóc :

– Ối giời ơi !Ối giời ơi !

Ông Phó hỏi :

– Làm thế nào bây giờ bác Xã ?

– Bây giờ hãy đốt lửa nóng lên cho chị ấy tỉnh đã.

– Nhưng đàn bà có mang biết có đốt mo cau được không ?

Bác Vít ngẩn người nhưng bác nghĩ ra ngay.

– Bà đỡ ấy bảo đứa bé đã chết rồi thì còn sợ gì.

– Hay là cứ ra mời bà ấy vậy, chứ mình biết làm thế nào.

Bà Phó vẫn sụt sịt, bấy giờ mới quay lại bảo con rể :

– Ừ phải đấy, hu hu, anh Cả chạy đi mau lên. Mau lên, người làm ra của chứ của không làm ra người.

*

Bà Phó cứ ôm lấy con mà khóc. Ông Phó tất tả đi tìm lá nón mo cau, chổi xuể để đốt. Thấy tiếng khóc, mấy người hàng xóm nhanh nhẩu chạy sang hỏi thăm rối rít. Và cùng ông Phó chạy lăng xăng tìm thêm mo cau và chổi. Mùi lá cọ và lá sơn khét lẹt. Khói mịt mù. Người đốt đầu giường, người đốt chân giường, gian buồng nóng ran. Một lúc sau thì chị Hương tỉnh lại.

Chị lờ đờ mở mắt, nhưng lại nhắm lại ngay vì khói. Bà Phó mừng rú lên :

– Cháu tỉnh rồi, các bà ạ.

– Thôi thế thì dập lửa đi.

Ông Phó mời mọi người ra ngoài uống nước. Trong buồng chỉ còn chị Hương, bà Phó và bác Vít.

– Có mệt không con ?

– Hơi mệt nhưng vẫn đau bụng lắm.

Bác Vít nhanh nhẩu

– Hay chị cố dặn cho cái thai nó ra thì khỏi đấy.

Chị Hương nghe lời bác Xã. Đang nằm nghiêng chị quay nằm ngửa. Im lặng. Chỉ có tiếng thở trong phòng tối.

Bỗng chị Hương ôm chầm lấy bác Xã :

– Bác ơi !

Tiếp ngay tiếng trẻ khóc oe oe. Mọi người đều ngạc nhiên và mừng rỡ. Mấy bà hàng xóm vội vã cầm đèn chạy vào. Gian buồng nhỏ lại rộn rịp. Bà Phó mừng rỡ bế bổng đứa bé lên :

– Cháu giai các bà ạ !

Ngọn đèn soi rõ vào mặt đứa trẻ. Nó nhắm mắt lại khóc oe oe.

– Đầu nó to thế kia thẳn nào khó đẻ.

– Thế mà con mẹ đỡ nó dám bảo là cháu tôi chết rồi.

– Thôi hẵng cho nó bú đi đã.

*

Phút lo sợ đã qua. Mọi người ra nhà khách uống nước, chuyện trò thật vui vẻ. Ai cũng căm giận bà đỡ.

Vừa lúc ấy anh Hương về. Vào nhà anh chưa kịp chào ai, ông Phó đã bảo ngay :

– Nó ở cữ con trai rồi.

Sự vui mừng hiện rõ lên nét mặt người trai quê :

– Thế à hả thầy ? Con lo quá. Bà đỡ bà ấy đi ngủ rồi. Con gọi mãi bà ấy mới ở trong nhà nói vọng ra bảo con cứ về đi rồi nó khắc khỏi.

Bà Phó hầm hầm :

– Đỡ thế à !Đi đỡ, mà lúc khó khăn người ta mời lại không đi. Tử tế thì bà cầm cố bà giả nốt cho tám chục. Đã thế thì có mà ăn cứt ấy.

Mấy bà hàng xóm hùa theo :

– Tử tế cũng không phải giả. Con người ta thế mà dám bảo là chết rồi.

– Mà lại cho uống thuốc gì đến nỗi người ta ngất đi. Cho người ta uống để sống hay để chết.

Ông Phó dụt dè :

– Nhưng cũng phải giả người ta. Con mình sống là hạnh phúc rồi.

Bà Tư Hoa nói gắt :

– Không việc gì phải giả

Ông Phó vẫn giọng cũ :

– Không giả nhỡ người ta kiện cho thì làm thế nào ?

*

Hôm sau bà Phó lại dọn hàng quà ra bán như thường. Tình cờ ông Phán Sinh và mấy người bạn ông ở tỉnh về vào nghỉ trong hàng bà. Vui miệng, bà thuật lại chuyện hôm qua cho họ nghe. Chưa nghe hết ông Phán Sinh sửng sốt hỏi ngay :

– Thế con mẹ đỡ ấy nó cho chị uống thuốc gì ?

– Không biết. Cháu chỉ biết nó tròn tròn và trắng.

– Giời ơi ! Thế này thì láo thật. Tôi làm nhà thương mấy năm nay chưa thấy ai lại cho uống thuốc để thai bật ra bao giờ.

Bà Phó há mồm, không hiểu.

– Nếu cái thai đã chết thì gắp ra chứ sao lại cho uống thuốc. Nếu thiếu đồ dùng thì phải bảo người ta đi nhà thương. Thôi nó lại lấy thuốc lăng nhăng nó lòe bà rồi.

– Chúng cháu quê mùa biết đâu. Thấy nó bảo uống được thì cứ cho uống.

Hai người bạn Sinh nói theo :

– Dù cho uống thuốc đi nữa, bà đỡ cũng không bao giờ được lấy tiền. Thuốc nhà nước phát mà đi đỡ thì cũng có lương rồi

Bà Phó đã hiểu :

– Thưa các ông, thế mà chúng cháu ở đây hễ nhờ nó đỡ thế nào cũng phải mất tiền. Có nhà lại phải làm cơm cho nó ăn nữa.

Cả ba người đàn ông đều sốt sắng :

– Nếu thế thì bà phải kiện cho nó một mẻ. Có chứng cớ hẳn hoi. Không kể đến cái tội nói láo và cho uống thuốc ra thai, cứ một tội đi đỡ lấy tiền riêng cũng đủ tù rồi.

Bà Phó im lặng không đáp. Bà nghĩ đến những món tiền phải tiêu nếu bà đầu đơn kiện. Rồi còn phải đi lại theo đuổi hàng tháng. Mà mỗi ngày đi là mất một buổi hàng.

– Phải đấy bà ạ. Thế nào bà cũng phải kiện cho nó một mẻ mới được.

Ông Phán Sinh nói xong thò tay vào túi quần tây lấy khăn lau mặt. Bà Phó cúi đầu nói khẽ :

– Thôi, thưa các ông, cháu mình sống là phúc rồi. Mình gây thù oán với họ làm gì. Nhịn nhục là hơn cả, trăm sự đã có giời.

Ba người nhìn bà cảm phục.

Bà Phó mở tủ xếp lại những bao diêm, rồi bà im lặng nhìn nắng rọi trên cây lá. Nghĩ đến bà đỡ bà lại căm hờn. Bà chợt đổi ý kiến. Hừ, giá bà có tiền. Chỉ cần dư dật một tí thôi bà cũng nhất định kiện. Nhờ những ông này làm đơn cho. Mất độ một trăm chứ hai trăm bà cũng kiện. Nó cứ tù là bà hể hả rồi.

Nhưng bà nghèo quá. Ngay bữa cơm chiều nay cũng chưa biết ăn với gì đây. Vại cà hết mất rồi. Rau muống những ba hào một mớ. Nghĩ đến đấy bà thấy lòng chua xót. Thế thì còn kiện ai.

Bà đặt chiếc gáo con xuống trõng, bầy lại mấy bao thuốc lá rồi ngẫng nhìn ba người khách lộng lẫy trong những bộ quần áo tây đắt tiền, ngồi trước mặt.

Bình luận