Đã hai hôm nay Thu vui rộn ràng lên. Thu không nghĩ đến chạy lăng quăng ngoài đường cái xóm nữa. Suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Thu vui lắm vì Thu biết chỉ ngày hôm nay hay ngày mai thì cậu Thu về. Cậu Thu không hiểu đi đâu và làm gì mà đến hai năm nay chưa về với Thu.
Nhưng lần này chắc chắn thế nào cũng về, về để cưới dì Thu. Từ hôm qua, hôm kia, Thu đã thấy trẻ con trong xóm chế diễu Thu sắp có mợ mới và từ hôm qua nhà bác Thu bao nhiêu là người đến dọn dẹp và sửa soạn tưng bừng lễ cưới. Ai cũng nói chuyện đám cưới cậu Thu sẽ to lắm, to hơn ngày cậu Thu lấy mợ Thu nhiều. Đám cưới sẽ có những nhân vật to khắp tỉnh. Đám cưới theo lối đời sống mới ăn tiệc trà ở đình làng xong rồi lại về nhà bác Thu ăn cỗ. Từ hôm qua, bao nhiêu là người mang đến nhà những chiếc ghế sơn xanh rất đẹp. Họ kê những chiếc bàn liền lại thành từng dẫy rồi phủ lên những tấm vải rộng xanh đỏ mà Thu vẫn thấy ở đình trong những ngày diễn kịch.
Suốt ngày, Thu chỉ mê mải chạy theo để xem mọi người kê đồ đạc. Nhưng mà điều làm Thu vui nhất là cậu Thu sẽ về, cậu Thu về cưới vợ, ngày kia.
*
Thấy tiếng trẻ con ồn ào ngoài ngõ, Thu chạy vội ra. A ! thằng Tiến, thằng Tính, cả cái Tâm bế em chạy lẽo đẽo theo bác Chất xin hoa. Bác Chất gạt chúng nó ra mang bó hoa đi thẳng vào trong cổng. Bó hoa đẹp quá, xanh đỏ tím vàng đủ các màu và đủ các thứ hoa lạ lùng mà Thu chưa từng trông thấy bao giờ. Chất qua cổng cầm bó hoa đi thẳng lên nhà trên. Quyến rũ bởi những mầu tươi đẹp, Thu vừa toan theo lên, thằng Tính đã kéo tay nó lại :
– Thu, mày về lấy cho tao cái hoa đỏ.
– Tao chịu thôi ! Bác Chất đánh cho thì bỏ sừ.
Tâm thêm vào.
– Hoa nhà mày, đánh thế nào được mày.
– Nhưng để có việc.
– Việc gì ? Việc cưới cậu mày thì mày cứ lấy, làm sao ?
– Tao chịu thôi ! Bác ấy đánh chết.
– Được rồi, tao biết cái Thu khoảnh nhớ, mày để chúng tao về rồi mày lấy chơi một mình.
Thằng Tính dài môi dằn dỗi :
– Nó sắp có mợ mới rồi mà lỵ. Nó đâu thèm chơi với chúng mình.
Cả bọn lủi thủi quay ra. Cái Tâm nói thêm một câu chọc tức :
– Mấy lỵ có phải mợ nó đếch đâu mà vội lên mặt. Mợ nó cậu nó đuổi đi từ đời tám hoánh nào rồi còn đâu ? Làm gì mà nhắng lên. Mấy đời bánh đúc có xương.
Rồi bọn trẻ rủ nhau ra đầu xóm. Một mình Thu đứng lại nhìn theo. Nó nghĩ đến câu nói của Tâm, rồi nó nghĩ đến mợ nó. Nó tần ngần muốn khóc. Ồ không hiểu mợ Thu ở đâu ? Đã hai ba năm nay rồi, mợ Thu không về với Thu. Thu nhớ, nhớ lắm, nhớ ngày mợ Thu bỏ nhà ra đi.
Năm ấy Thu còn bé, mới lên tám tuổi mà cậu mợ Thu yêu quý vô cùng. Cậu mợ Thu còn ở ngoài Hà Nội. Cậu Thu đi làm, mợ Thu ở nhà cả ngày săn sóc Thu. Chủ nhật nào Thu cũng được đi chơi phố giắt tay giữa cha và mẹ. Đầu tháng lương, cậu Thu cho Thu đi xem xi-nê, cho Thu đi ăn hiệu và lại mua cho Thu những đồ chơi rất đẹp và lạ lùng. Lúc nào cậu mợ Thu cũng tươi cười với nhau, nói chuyện với nhau líu ríu và nhìn Thu đùa nghịch.
Thế rồi bỗng một hôm cậu Thu gắt ầm ĩ, cãi nhau với mợ Thu, đánh mợ Thu thâm tím cả mặt mày, xô đổ bàn ghế đập vỡ bao nhiêu chén cốc. Cãi nhau xong cậu Thu hầm hầm ra đi, mợ Thu nằm gục xuống giường khóc nức nở. Khóc suốt từ đấy đến chiều mợ Thu mua cho Thu mấy chiếc bánh cuốn và không thổi cơm. Thu sợ lắm, không dám đùa nghịch quấy khóc như mọi hôm chỉ thơ thẩn dưới bếp. Sâm sẩm tối, Thu lên nhà cũng chưa thấy cậu Thu về mà mợ Thu thì vẫn nằm trên giường khóc thút thít. Thu đến nằm cạnh mẹ ; mợ Thu ôm ghì lấy Thu và khóc to hơn. Thu không hiểu gì cũng khóc theo. Gian phòng nhỏ run lên vì những tiếng sụt sùi.
Sáng hôm sau, khi ánh nắng xuyên qua cửa sổ chiếu vào mắt, Thu tỉnh dậy. Nhìn trước nhìn sau không thấy mẹ đâu, Thu tìm khắp cả mấy gian phòng đều không thấy. Trên mắc, mấy chiếc áo mầu của mợ Thu cũng biến mất. Thu thơ thẩn khắp nhà chỉ thấy trên bàn có một phong thư và mấy cái bánh giò. Cả buổi sáng hôm ấy Thu nhịn cơm, khóc thút thít, nhìn mấy chiếc bánh trên bàn không dám ăn.
Mãi đến trưa, cậu Thu đi làm về, mặt vẫn hầm hầm nguyên vẻ tức giận hôm qua. Dựng xe đạp ngay ngoài cổng, cậu Thu hầm hầm đi thẳng vào nhà vứt phịch chiếc mũ phớt xuống ghế rồi nằm vật xuống giường thở dài, để nguyên cả giầy đạp lên chiếu, quần áo cũng không cởi và cũng không hỏi Thu một nửa lời. Nằm im trên giường như thế lâu lắm, cậu Thu mới trở dậy đi bách bộ trong phòng, mắt đỏ ngầu, tóc rũ xuống tai, quần áo nhầu hết cả những nếp là. Cậu Thu lững thững đi, rồi bỗng dừng lại chỗ bàn uống nước cầm phong thư xé phong bì đọc. Đọc xong, cậu Thu xé vụn tờ giấy làm nhiều mảnh vứt xuống đất di chân lên một cách giận dữ.
Thu phải chờ khi cậu nó nguôi giận đến ngồi ở bên bàn mới dám mon men đến gần hỏi khẽ :
– Cậu ơi ! Con đói lắm… Mợ đi đâu mà không về thổi cơm ?
Cậu Thu im lặng, không trả lời. Hơi yên dạ, Thu kéo tay cha gặng hỏi :
– Cậu ơi, mợ đi đâu ?
Cậu Thu đứng phắt dậy tát Thu một cái mạnh. Đó lần đầu tiên Thu bị cha đánh phũ phàng như thế.
– Mợ mày ấy à ? Mợ mày đi theo giai rồi. Hỏi làm gì ? Đừng làm rối ruột tao.
Nói xong, người đàn ông ngồi phịch xuống giường ôm đầu nghĩ ngợi :
– Từ nay tao cấm mày không được nhắc đến con đĩ ngoại tình ấy nữa.
Thu run lên, thui thủi lảng xuống bếp. Rồi hai hôm sau, Thu được gửi về quê ở với ông Ba Cường, anh ruột cậu Thu. Về ở với bác được vài tháng thì tiếng súng chiến tranh vọng lại dồn những người thị thành về đồng ruộng. Cậu Thu cũng về ở với bác Thu từ đấy. Và hai ba tháng sau cậu Thu đi biệt, rời cả Thu và quê hương. Người ta nói cậu Thu đi làm xa lắm. Cậu Thu phải lang thang trong những miền núi xa xôi, nay ở chỗ này mai chỗ khác không có thể về thăm Thu được.
Vì thế nên đã hai năm nay Thu nhớ cậu lắm, nhớ tha thiết và lúc nào cũng tha thiết mong cậu nó về.
Mấy hôm nay, nghe tin cậu nó sắp về cưới vợ, nó sung sướng lắm. Thế nào Thu cũng gập cậu nay mai. Đã hơn hai năm nay Thu thiếu sự săn sóc của cả cha và mẹ. Thu luôn luôn bị bác Thu mắng mỏ, luôn luôn bị hai anh con nhà bác đánh đập để làm trò cười cho họ.
Những lúc ấy Thu nhớ đến cậu, mợ nó rất nhiều. Nó lại liên miên tự hỏi không hiểu cậu nó làm gì và ở đâu mà cứ hễ ai nhắc đến tên cậu nó đều nói một cách trịnh trọng. Không hiểu cậu nó có sang như ngày xưa không ? Có đi xe đạp và mặc tây như trước kia vẫn thường đi chơi với mợ nó không ? Còn mợ Thu nữa. Mợ Thu đi đâu ? Mợ Thu ở đâu ? Ngoại tình ? Ngoại tình là thế nào mà không ai nói đến, không ai nhắc đến mợ Thu. Thu có hỏi thì ai cũng gạt đi và trề môi khinh bỉ.
*
Hôm nay nhà bác Thu đã thay đổi hẳn. Nền quét bóng lộn không một gơn bụi, mấy tấm cửa bức bàn, câu đối, hoành phi và cả bàn thờ đã dọn hết đi chỗ khác. Ba gian nhà rộng sáng hẳn lên. Giường chiếu cất hết để thay vào toàn bàn và ghế rải những tấm khăn rực rỡ. Trên tường căng la liệt những tấm vải dán chữ và tranh ảnh đủ mầu. Người ta tíu tít khuân dọn đồ đạc, chuyển những lọ hoa từ chỗ này sang chỗ khác. Ông Ba Cường, bác Thu, luôn tay chỉ dẫn. Bọn trẻ đứng xem xúm xít chung quanh.
Có tiếng người nói chuyện ngoài phía ngõ. Ông Ba Cường quay ra và reo lên :
– Ô kìa ! Chú Sơn đã về.
Thu quay phắt ra và mặt nó bỗng tái đi vì cảm động. Cậu nó đã về kia. Ông Ba chạy xồ ra cổng bắt tay tíu tít mấy người bạn Sơn và tíu tít hỏi Sơn :
– Sao chú về sớm thế ? Hôm qua bảo sáng mai chú mới về cơ mà.
– Em xong công việc sớm, về sửa soạn với anh.
– Mời chú và các ông vào trong nhà.
– Thôi anh để mặc em. Ngoài đình sửa soạn đã xong chưa anh đưa em và các anh đây xem ngay để thêm ý kiến sửa lại cho chỉnh một tí. Nhờ anh tổ chức cho ra trò thì mới được.
Nói xong Sơn cười vui vẻ và cả bọn quay ra. Đi sau là ông Ba Cường. Thu lẳng lặng nhìn theo, lòng sôn sao. Cậu Thu vẫn thế, ăn mặc như hôm ra đi. Có khác là nói năng vui vẻ chứ không lầm lì như xưa. Thu muốn xồ ra ôm lấy cậu mà reo lên nhưng Thu không dám vì còn bao nhiêu người xung quanh cậu Thu. Với lại cũng không hiểu là cậu Thu còn yêu Thu không hay lại hắt hủi Thu như ngày nào, cái ngày mà cậu Thu đánh đuổi mợ Thu đi.
Tuy thế Thu vẫn yêu cậu lắm. Thu thấy giá Thu bị đánh đập mắng mỏ mà Thu được ở gần cậu, Thu cũng còn sung sướng hơn ở với bác Thu. Thu muốn chạy ra ôm chầm lấy cha khóc òa lên và theo cha đi. Nhưng Thu chỉ nghĩ thế thôi chứ không dám làm theo ý nghĩ và cũng không dám nói ra, chỉ im lặng đắm đuối nhìn theo cha như một người xa lạ, nghẹn ngào dâng lên cổ họng.
*
Tờ mờ sáng Thu đã tỉnh dậy vì những tiếng ồn ào, nhộn nhịp. Bác Thu, cậu Thu đã dậy từ bao giờ. Nhà cửa đã trang hoàng đầy đủ. Cậu Thu và bác Thu ăn mặc chỉnh tề hơn trước. Tất cả những bộ quần áo Tết bác đều giở ra mặc cho anh Hoan, anh Thân hai con trai bác Thu. Chiếc quần đen và cái áo nâu của Thu bác Thu cũng cởi ra mặc cho Thu chiếc quần lụa trắng và chiếc áo vải dù. Cả nhà súng sính trong những bộ quần áo mới, vẻ mặt đầy hoan hỉ, đợi chờ.
Chín giờ. Khách lục tục kéo đến. Trước hết là khách đàn bà, có đến hai ba chục người. Người nào cũng trẻ tuổi và hoạt bát, nói chuyện reo cười tự nhiên hơn những phụ nữ mà Thu gặp ở làng này. Có những người răng đen, lại có cả những người răng trắng như Thu thường gặp ngoài tỉnh, nhưng tất cả đều ăn mặc theo lối nhà quê. Người nào cũng quần đen, áo the la cả gọn gàng.
Tất cả đều đi dép cao su trắng, đầu chít khăn trần. Mỗi người mang theo một chiếc nải hoặc một chiếc túi con đến nơi là đưa ngay cho bác Thu cất vào buồng. Sau bọn ấy một lát, một bọn bảy người nữa ăn mặc theo lối tỉnh mới đến, làm cho Thu chú ý. Không riêng gì Thu, mà cả trong nhà mọi người đều chú ý, ra cả hè đứng nhìn bọn mới đến. Rồi họ thì thầm chỉ trỏ một người con gái đi giữa bọn và bảo là cô dâu. Thu cũng theo mọi người, nhìn chăm chú người con gái ấy.
Nàng còn trẻ lắm chỉ độ hai mươi tuổi, thân hình mảnh dẻ, trắng và rất xinh đẹp, đôi môi đỏ thắm, gò má hơi cao ửng hồng mầu phấn. Nàng mặc chiếc áo dài mầu lòng tôm còn mới và còn nguyên nếp gấp. Có lẽ chiếc áo ấy nàng đã mang theo từ ngày tản cư khỏi ngoại thành Hà-Nội, mà nay giở ra mặc lại trong một ngày vui vẻ. Đầu nàng cũng chải bồng lên như những thiếu nữ thị thành. Chiếc quần trắng và đôi giày nhung tuy không còn nhiều tuyết nhưng cũng nổi bật lên giữa những ống quần đen và những đôi dép cao su của các bạn xinh đẹp của nàng.
Nàng đi thong thả giữa bạn bè, chiếc áo mầu lòng tôm rực rỡ nổi bật giữa những tà áo mầu dịu nhạt đen, tím khác như một bông hồng hàm tiếu giữa đám hoa thường. Thỉnh thoảng nàng mới cười nhẹ, hàm răng trắng nõn nà lộ giữa đôi môi mọng đỏ. Họ vừa đến trong nhà, ông Ba Cường và mấy thiếu nữ đến trước vội vã ra đón, rồi dẫn tất cả vào phòng bên phải.
Xong đó bác Thu và cậu Thu lại vội vã ra đón khách đàn ông đến sau cùng. Họ có vẻ ở xa tới, không hẹn cùng nhau nên chỉ lác đác đến từng bọn nhỏ. Mỗi khi có người đến cổng cậu Thu đã vội vã đỡ xe đạp cất đi, bắt tay chào mừng rối rít. Khách tuy mệt nhọc, mồ hôi lấm tấm trên trán cũng cười đùa và chế riễu cậu Thu ngay. Người thì quần áo nâu sồng, người thì âu phục giản dị nhưng ai nấy đều chỉnh tề và vui vẻ.
Cậu Thu hết đứng lại ngồi xuống, đưa bọn này vào nhà, lại ra cổng chờ bọn khác. Mãi đến gần trưa khách mới đến đông đủ. Trong căn phòng nhỏ bên tay trái bề bộn những nón áo, nải bị và ba lô. Hai ba chiếc xe đạp mới sơn, vài chiếc còn chưa cũ lắm và bao nhiêu chiếc thật cũ kỹ dựng ngổn ngang sát cạnh nhau, dưới bóng cây thị lớn đầu nhà.
*
Đúng mười hai giờ trưa, Thu bỏ dở trò chơi chạy ra đình đã thấy đông nghịt những người. Trẻ con người lớn xô đẩy nhau đứng kín cả xung quanh đình và cửa đình để xem một đám cưới đời sống mới mà họ chưa từng được dự.
Thu len lỏi lách mãi đám đông mới nhìn được vào phía trong. Lễ cưới đang cử hành, rực rỡ quá. Mùi thuốc lá, mùi hương trầm, mùi bánh kẹo thơm ngào ngạt. Hoa lá đủ màu thi đẹp ganh tươi với những lá cờ cùng tranh ảnh trên tường muôn sắc. Cậu Thu và người con gái nói líu ríu, rồi tiếng vỗ tay rào rào. Rồi một người đứng lên nói to át cả đi :
– Vâng, trước khi dự tiệc trà và để đáp lời yêu cầu của anh Sơn và chị Thuận, chúng tôi xin tặng thêm đôi uyên ương Sơn, Thuận một bản nhạc hùng để nhắc anh, chị dù vui cũng không bao giờ quên nhiệm vụ.
Tiếng vỗ tay lại rào rào. Toàn ban nhạc đứng dậy sửa soạn, rồi một điệu nhạc hùng tráng nổi lên. Mọi người im lặng. Thu cũng mê man theo điệu nhạc và say sưa ngắm những nhạc cụ kỳ lạ. Có những chiếc đàn to và dài đặt trên đùi để cấu bằng những móng tay bằng sắt. Có những chiếc đàn nhỏ, ngắn, réo rắt và phải cặp trên vai. Lại có cả một người thổi sáo, chiếc sáo giống hệt chiếc sáo bác trùm Phương vẫn thổi khi làng vào đám. Nhưng cái đàn làm Thu ngạc nhiên nhất là cái đàn to sù sụ ôm trước bụng, kéo ọp ẹp như cái đèn xếp rầm tháng tám.
Tiếng đàn rứt, tiếng cười đùa lại ồn ào. Cậu Thu và người thiếu nữ lần lượt đi chuyên bánh ngọt và mời từng bàn một. Cậu Thu mời khách như diễn thuyết. Cậu Thu xoa hai tay vào nhau hoan hỉ nhìn khắp lượt. Rồi đôi mắt nhìn ra phía người xem như kiêu hãnh. Đôi mắt dừng lại phía Thu đứng. Thu thoáng gặp đôi mắt long lanh ấy, một cảm giác lạ lùng chạy trong người Thu. Thu có cảm tưởng như cậu Thu đe dọa Thu một cách thầm kín. Thu thấy sợ hãi, sợ hãi đôi mắt bí mật và lạnh lùng kia.
Tất cả những thảm kịch từ ngày cậu Thu hắt hủi Thu, lại hiện ra trong óc Thu, rõ rệt, hoạt động như một cuốn phim. Thu thấy chán nản. Đám cưới tưng bừng vui vẻ trước mắt Thu càng làm cho Thu cảm thấy vô vị và cô độc. Thu lẳng lặng lách mình ra khỏi đám đông, lủi thủi về nhà. Không hiểu sao Thu thấy sợ đôi mắt cậu Thu như thế, đôi mắt đã quắc lên đuổi mợ Thu đi, đôi mắt sẽ cười âu yếm với người con gái xinh đẹp xa lạ, không phải là người đã đẻ ra Thu. Thu chờ đợi một sự âu yếm của người cha từ hôm nghe tin cậu Thu về. Nhưng cậu Thu không hề đả động gì đến Thu từ hôm ấy cả. Hay vì cậu Thu vui và bề bộn công việc quá nên quên Thu chăng ? Hay là cái tội to lớn của mợ Thu mà Thu không hiểu vẫn làm cậu Thu ghét bỏ Thu đến tận bây giờ.
*
Thu rón rén lách bàn, ghé mắt qua khe cửa nhìn sang buồng bên cạnh : cậu Thu và người con gái đang nói chuyện. Người con gái gấp chiếc quần trắng và cái áo mầu bỏ vào trong nải, thỉnh thoảng lại dừng tay nhìn chồng cười tít. Cậu Thu cũng cười theo. Hình như hai người đang kể lại những chuyện gì vui lắm. Gấp xong quần áo, người con gái vịn tay vào vai chồng đứng dậy treo chiếc nải hoa lên mắc. Xong lại ngồi xuống sát cậu Thu, vén tay áo cậu Thu xem đồng hồ, nói một câu nhỏ, rồi tủm tỉm cười. Cậu Thu cười theo, ngả đầu và khẽ tát vào má vợ.
Những cử chỉ âu yếm ấy nhắc Thu nhớ lại tất cả những ngày tươi đẹp không còn nữa, những ngày cậu Thu còn đi làm ngoài tỉnh. Cậu Thu cũng cười đùa vui vẻ như thế kia. Và lúc ấy Thu ngồi gọn lỏn trong lòng mẹ. Thu kéo áo cậu, thò tay vào lỗ mũi cậu làm mợ Thu cười ngặt nghẽo. Nay còn đâu. Ngày ấy xa lắm rồi, và đã như chết trong lòng Thu.
Mỗi lần nhớ đến, Thu chỉ thấy tiếc rẻ và chua sót. Cậu Thu ngồi kia nhưng đâu phải là người cha yêu mến nuông chiều con như ngày xưa nữa. Người con gái ngồi kia đâu phải là mợ Thu, đó chỉ là người đàn bà xa lạ đến cướp hết tình yêu mến của cậu Thu.
Đang lan man nghĩ ngợi thì một tiếng động làm Thu giật mình. Thu quay lại vội vã lách ra. Chiếc bàn rung lên. Chiếc lọ độc bình rung theo, mấy cánh thược dược héo rơi lả tả xuống khăn bàn trắng.
– Thu, mày len lỏi vào làm gì đấy ? Lại leo trèo vào ngắt hoa phải không ? Con gái mà nghịch như quỷ xứ suốt ngày. Xuống bếp !
Thu cúi mặt, sợ sệt tạt qua mặt ông Ba Cường, lững thững bước xuống sân, rẽ khuất sau cánh dại.
*
Buổi chiều cậu Thu chào bác Thu và xin phép đi, Thu vẫn không dám lên nhà vì Thu không hiểu cậu Thu thế nào. Nghĩ đến nét mặt lạnh lùng mà cậu Thu sẽ nhìn Thu. Thu sợ lắm. Thân và Hoan bỏ cả trò chơi lên tiễn chú, Thu cũng không dám theo, chỉ thui thủi đứng sau cánh cửa bếp nhìn lên phía buồng. Trên nhà tiếng chào tiễn biệt ầm ĩ. Người mời ở lại, người nhất định đòi đi ồn ào. Rồi một chiếc xe đạp từ trong buồng nhô ra. Cậu Thu dắt xe đi trước, dì Thu khoác chiếc nải hoa đi bên cạnh. Hai người tiến ra phía cửa. Trẻ con ồ ồ chạy theo. Ông Ba và mấy người hàng xóm tiễn hai người ra đến cổng. Sơn và Thuận quay lại chào một lần cuối. Thân và Hoan ngoan ngoãn chào chú thím. Thuận thò tay vào nải lấy mấy chiếc kẹo chia cho đôi trẻ, Sơn cũng xoa đầu hai cháu căn dặn :
– Thôi chú thím đi hai cháu ngoan ngoãn nhé. Ít lâu rồi chú thím lại về. Thôi xin chào bác, chào các ông và gửi lời cảm ơn tất cả mọi người quen thuộc. Khi khác chúng tôi lại xin về thăm.
Mọi người đạp lại ồn ào, rối rít. Sơn lững thững dắt xe thong thả đi qua cổng. Thuận lững thững đi bên cạnh. Bỗng người đàn bà như sực nhớ, dừng lại hỏi chồng :
– À còn cái Thu đâu ?
Sơn đáp lời vợ, thản nhiên :
– Nào biết nó đi đâu.
Thuận nói thêm bằng một giọng bùi ngùi :
– Tội nghiệp ! Hay quay lại cho nó cái gì, anh ạ.
Người chồng chặc lưỡi :
– Thôi, mất thì giờ. Chúng ta đi ngay không có thì không kịp.
Rồi lẳng lặng cha Thu giắt xe đi thẳng vào con đường đất hẹp giữa đôi bờ tre xanh.
Thu nấc lên, Thu vẫn theo dõi cuộc tiễn đưa vui vẻ ấy từng ly từng tí. Ngồi sau cánh cửa bếp, Thu vẫn thẫn thờ nhìn theo cậu nó một cách não nùng. Và câu nói sau cùng của người cha làm lòng Thu thắt lại. Thu nghẹn ngào. Mặt tái dần rồi sịu đi, Thu thẫn thờ ngồi thụp bên thùng trấu, gục đầu xuống khóc nức nở, đôi vai gầy rung rung dưới lần áo vảu dù đã cũ.
*
Ông Ba cầm một chiếc kẹo bóc lần giấy bóng ngoài rồi đẩy đĩa kẹo và bánh ra giữa bàn :
– Mời các ông sơi nữa đi. Quan khách đi rồi. Cô dâu chú rể cũng đi rồi. Bây giờ đến lượt chúng ta dự tiệc trà riêng, phải ăn thả cửa đi chứ.
Mấy người hàng xóm cùng cười vui vẻ. Và họ cũng vui vẻ uống từng ngụm nước nhỏ, nhấm nháp từng mẩu bánh ngọt như cố nhấm nháp cái dư vị của những ngày vui đã tàn. Vừa ăn, vừa uống họ vừa ôn lại và phê bình công việc mấy ngày qua.
Bỗng cánh cửa bị xô mạnh. Hoan, Thân chạy xồ vào lòng ông Ba Cường :
– Ô, thày cho con ăn tiệc trà với.
Ông Ba cầm hai chiếc bánh nướng chia cho hai con :
– Đây, không được ăn tiệc trà ngoài đình, thì cho mỗi đứa một cái. Thôi ra ngoài mà chơi.
Bỗng như sực nhớ, ông cầm thêm một chiếc bánh nữa :
– À, cầm cái nữa cho cái Thu. Cái Thu nó đâu ?
– Nó nằm dưới thùng trấu làm gì ấy.
Ông Ba chặc lưỡi :
– Ôi dào ! Lại trèo vào lấy trấu sát bong bóng lợn nghịch chứ còn làm gì nữa.
Rồi ông cầm cốc uống một ngụm nước, ngẩng đầu nói với mấy người hàng xóm như phân trần :
– Trẻ con cũng lạ các ông ạ. Chỉ mải chơi suốt ngày thôi. Như cái Thu nhà này đấy. Cậu nó đi hai năm giời mà nó cứ thờ ơ như không ấy thôi, về nó cũng chả mừng mà đi nó cũng chả buồn.