Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ngày Vui

Một Vòng Manila

Tác giả: Đặng Trần Huân
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Mặc chiếc áo cao-bồi không sặc sỡ lắm tôi ngồi trên bức tường xi-măng xây dọc theo bờ biển chạy dài bên lề đại-lộ Dewey đã hơn một tiếng đồng hồ. Tôi chưa muốn rời nơi này, một phần còn muốn tận hưởng những làn gió biển mát dịu giữa mùa nắng gay gắt Phi-Luật-Tân, một phần còn muốn nán lại quan-sát cảnh sinh hoạt lạ mắt tại địa điểm tắm nước mặn độc nhất của bờ biển Manila.

Trước khi đặt chân tới Phi-luật-Tân tôi đã giở bản đồ Manila xem xét kỹ từng con đường thành phố để tránh sự bỡ ngỡ khi mới tới. Nhìn trên bản đồ, châu thành nằm dài theo ven biển, tôi hình dung với những giải cát trắng xóa bên bờ nước xanh tung bọt, với những chiếc dù sặc sỡ cùng các thiếu nữ đùa rỡn suốt ngày bên sóng nước.

Nhưng tôi đã lầm. Bờ biển Manila rất sâu, lởm chởm đá, nước đen và ngầu đục chỉ tiện cho tầu bể thả neo. Trên con đường duyên hải chạy dài khoảng ba mươi cây số từ Manila tới thị trấn Cavite chỉ có một hồ tắm nhỏ nằm cuối đại lộ Dewey thuộc thị trấn Pasay, một thị trấn ở phía Nam có chung biên giới với Manila.

Gọi là hồ tắm vì diện tích khoảng biển mà dân chúng đang nô đùa trước mắt tôi chỉ là một cái hồ nước mặn vuông, mỗi chiều dài độ hai trăm thước, một chiều là đại lộ Dewey ba chiều kia là những hàng đá lớn đắp chồng lên nhau để ngăn cách với biển tuy nước vẫn lưu thông qua những kẽ đá.

Có lẽ vì muốn thỏa mãn nhu cầu tắm biển của dân chúng, nên người ta đã san bằng đáy biển chỗ này để tạo một cái hồ nước mặn chăng ?

Nơi tắm đã tù túng như vậy, cách tắm của dân chúng cũng không hấp dẫn chút nào. Trong số hàng trăm người đang nô rỡn dưới nước khó có thể tìm được một hay hai thiếu nữ mặc quần áo tắm phô diễn những đường cong uyển chuyển như ta thường thấy ở Vũng-Tầu hay Long-Hải. Hầu hết họ đều tắm nguyên quần áo. Thanh niên mặc quần dài xuống biển. Thiếu nữ mặc váy đầm xuống biển. Một vài bà mẹ bồng con bên sườn trên bờ từ từ tiến xuống nước đi ra phía sâu, nước ngập dần dần tới ngang ngực một cách thích thú vì cả mẹ lẫn con đều cười vui vẻ. Những em nhỏ trạc mười lăm, mười sáu tuổi vùng vẫy với những chiếc phao sặc sỡ hình cá, vịt, những cặp trai gái té nước rỡn nhau ; tất cả đều mặc nguyên quần áo. Nhìn quang cảnh vùng biển này tôi có cảm tưởng dân chúng không kịp thay y phục khi đang chơi bất ngờ gặp một trận mưa rào lớn.

Tôi đi bách bộ dưới dặng dừa bờ biển lơ đãng nhìn về phía Manila. Một người thợ ảnh dạo chạy tới, dơ lên một chiếc máy ảnh to như cái tráp, xấu xí, cũ kỹ và nặng nề, mời tôi bằng thổ ngữ địa phương. Tôi lắc đầu. Anh quay đi, lần xuống bãi biển kiếm khách khác. Tại đây ba bốn đồng nghiệp khác của anh cũng đang hoạt động nhộn nhịp. Nhiều gia đình đã chụp lia lịa tới một, hai chục kiểu vì không phải trả tiền ngay. Khách hàng chỉ nhận biên lai số ảnh đã chụp để hai mươi bốn giờ sau tới xem ảnh tại hiệu, những bức ảnh rửa thử cỡ 3 x 4 phân tây. Lấy ảnh hay không tùy ý. Nếu muốn lấy bức ảnh khổ nhỏ rửa thử sẽ phải trả độ một đồng Việt-Nam mỗi tấm.

Trước đây, tôi cũng đã chụp hai chục kiểu của bốn người thợ thuộc bốn hiệu khác nhau nhưng khi xem ảnh chỉ được độ một phần năm số ảnh tạm coi được và rõ mặt. Đặt hiệu phóng đại một tấm cỡ bưu thiếp tôi phải trả một peso (lối 25$ V.N) nhưng khi phóng rồi bạn bè nhìn ảnh không nhận ra tôi nữa. Cho là hiệu rửa vụng tôi điều đình mua lại tấm phim để đưa về Việt-Nam rửa nhưng cả bốn hiệu đều không đồng ý dù tôi chịu trả một giá rất cao.

Thủng thỉnh vừa đi vừa nghĩ tới kinh nghiệm chụp ảnh rong, tôi đã rời xa bờ biển chừng năm trăm thước và dừng lại trước chợ Cuneta.

Một chiếc xe buýt rộng mang tấm biển Marikina Valley xịch đỗ cho khách xuống, tôi vội bước lên. Xe rồ máy chạy dọc đại lộ Quirono xuyên qua trung tâm thành phố Pasay. Qua những đường đông đúc, xe chạy như mắc cửi, xe sau vượt xe bất kỳ bên phải hay bên trái, độ chừng mười lăm phút đã ra khỏi thành phố. Xe bắt đầu đi trên xa lộ 54, con đường dài mười sáu cây số bao quanh ba thành phố Pasay, Quezon và Manila.

Đoạn đầu xa lộ là những hàng bán cây, hoa muôn màu bám sát hai bên đường vui mắt như các tiệm hoa tại đường Nguyễn-Trãi, Chợ-Lớn.

Hết quãng bán cây xa lộ xuyên qua khu kỹ nghệ Makati với những nhà máy đồ sộ mang tên các hãng Hoa-Kỳ suốt ngày nhả khói.

Bên tay phải những cột điện bằng kim khí tối tân hiện qua khung cửa xe, khác hẳn những cột đèn bằng gỗ cổ kính, đen đủi trong thành phố.

Một mốc xi-măng sừng sững bên đường với hàng chữ Quezon City. Đây là biên giới thủ-đô Phi-Luật-Tân. Quezon là tên vị tổng thống đầu tiên của nước Phi được lấy để đặt cho thành phố mới này. Năm 1948 – hai năm sau khi Phi-Luật Tân thu hồi độc lập – thành phố Quezon được lấy làm thủ-đô chính thức, trong khi Manila là thành phố thương mại và Pasay là thành phố ăn chơi.

Tuy mang tên ba thành phố nhưng Pasay, Manila và Quezon có chung biên giới như Sài-Gòn, Chợ-Lớn và Phú-Nhuận.

Quezon được lấy làm thủ-đô chính-thức, nhưng có lẽ nhà cầm quyền Phi-Luật-Tân vẫn còn quyến luyến với thành phố thương mại Manila, nên tuy đã mười ba năm rồi tổng-thống và các thượng, hạ nghị-sĩ vẫn còn ở lại điện Malacanang và trụ sở quốc-hội tọa lạc tại Manila chưa muốn thiên di.

*

Chiếc xe buýt vẫn từ từ nuốt từng đoạn xa lộ 54 đi sâu vào lòng thủ đô Quezon qua các trụ sở quốc-phòng, cảnh-sát thủ-đô, tòa đô-sảnh. Hí-trường Araneta Coliseum hiện ra bên phía hữu đồ sộ trong lối kiến trúc vòng cầu trông như nữa trái banh khổng lồ úp xấp. Hí-trường có một diện tích gần bằng vận-động trường Cộng-Hòa chứa đựng lối ba vạn khán giả xây cất với kinh phí ba triệu mỹ kim (225 triệu V.N.) Giá vé tại đây tương đối hạ lối 25đ V.N. hạng cuối. Hí-trường tối tân độc nhất nầy tại Phi đã giúp khán giả bình-dân có nhiều dịp thưởng thức các danh tài thế giới từ đoàn trượt tuyết Holiday on Ice, vũ bộ Bayanihan, các võ sĩ quốc tế tới các ca sĩ da đen Johnny Mathis hoặc da trắng Ricky Nelson.

Xe vẫn bon bon chạy. Thỉnh thoảng lại đỗ theo tiếng suỵt của khách hàng.

Tiếng suỵt phát âm bằng cách để đầu lưỡi vào răng cửa rồi thở ra thật mạnh là một âm thanh đặc biệt của vùng Manila. Suỵt thay cho tiếng sì tốp và thay cho cả tiếng Ê. Tôi chưa thấy người nào bảo xe buýt dừng dọc đường bằng tiếng nói mà chỉ khẽ suỵt bằng đầu lưỡi. Đi trên một quãng đường dài, ta sẽ luôn luôn nghe các âm thanh suỵt, suỵt trước khi xe đỗ. Một người bạn muốn kêu một người bạn đi ngang qua mặt cũng chỉ cần suỵt một cách đơn giản như khi ngồi trên xe buýt – xe buýt Phi rất ít khi thiếu chỗ đến nỗi phải đứng.

*

Xe ngừng tại ngã tư đại lộ Aurora và xa lộ 54.

Lên một xe buýt khác mang biển U.P. ta sẽ tới một khu trưởng giả thuộc thủ đô Quezon, khu đại học. Xe chạy qua một cư xá phú hào bên lề đường trước khi tới trường. Cư xá gồm nhiều căn nhà san sát kiến trúc tối tân với những bức tường nhiều mầu dịu mát. Trên nóc nhà những cột ăng ten vô tuyến truyền hình nhan nhản nhô lên trông hoa mắt.

Trường đại học xây cất trên khu đất rộng nhiều cây. Phía trong vài trăm thước là sở thú Quezon có rạp hát công cộng lộ thiên dưới bóng các cây lớn. Ghế xi măng khán giả xây theo bực cao thấp như một đấu trường. Rải rác một vài tượng thỏa thân trắng toát cao sừng sững chừng năm, sáu thước cạnh bồn nước trên đường dẫn khách bộ hành tới hồ tắm Victoria. Tại đây, có nhiều thiếu nữ da nâu, da trắng nô rỡn trên nước xanh với áo tắm hoặc bikini mầu sắc quyến rũ hấp dẫn. Chỉ tiếc một điều nước tại đây ngọt mà không mặn. Giá các thiếu nữ này mang những bộ quần áo ấy chịu khó tới bờ biển Manila tắm có phải vui và nên thơ biết mấy.

*

Đang mê mải chọn mấy chiếc nón nan, bỗng nghe một tiếng suỵt tôi quay đầu lại : anh Trang.

– Ê bồ mua gì đấy ?

Tôi cười :

– Chọn dăm ba chiếc nón giữ chút kỷ niệm về thủ công nghệ Phi Luật Tân.

Trang hỏi :

– Sắp về chưa ?

– Chưa ! Tôi còn đi Manila.

– Thì chúng ta cùng đi.

Chúng tôi dắt nhau vào quán. Trang gọi một chai San Miguel. Anh cho rằng thứ bia này là thứ đồ uống đặc biệt nhất của Phi rẻ và ngon gấp bội phần la ve B.G.I. Tôi không uống được bia, phân vân giữa các thứ nước chanh se vân ắp (7up), nước cam tru orange, rồi cuối cùng gọi một chai Coca-Cola vì giá tiền đồng hạng.

Qua ly bia San Miguel, Trang hỏi tôi :

– Tại sao anh gọi là Manila mà không gọi là Manille ?

– Manille là tiếng Pháp.

– Nếu vậy anh phải gọi là Ma Ni vì chúng ta là người Việt Nam.

Tôi cười :

– Đi nước Lào ăn mắm ngoé. Ở đây thì phải gọi theo tiếng địa phương.

Trang đáp :

– Manila là tiếng Anh chứ không phải tiếng địa phương mà tiếng Anh chỉ là chuyển ngữ. Quốc ngữ của Phi là tiếng tagalog. Vậy nếu theo tiếng tagalog phải gọi là Maynila mới đúng. Cũng như theo quốc ngữ Phi thì Cộng Hòa Việt-Nam phải viết là Repubeika ng Biyetnam chứ không phải viết Republic of Vietnam.

Tôi chịu anh nói có lý nhưng vẫn chống chế :

– Tôi gọi Manila vì trên các biển công sở, hay các công văn, chính quyền vẫn dùng tiếng Manila theo tiếng Anh mà không dùng quốc ngữ.

Trang không trả lời. Có lẽ anh chịu thua. Anh lặng lặng trả tiền rồi bảo tôi :

– Nào thì đi Manila.

Chúng tôi vẫy một chiếc xe díp-ni (jeepney) mang biển Quiapo, Santa Cruz chạy từ Quezon về trung tâm Manila. Díp-ni là một phương tiện vận chuyển bình dân và mau lẹ. Đây là một kiểu xe lô chở được mười một người : tài xế và hai khách ngồi trên, đằng sau tám người ngồi đối diện trên hai hàng ghế dài.

Khách có thể vẫy bất cứ chỗ nào trên chặng đường xe chạy chỉ phải trả mười centavos (2$50V.N). Tại Manila, Quezon hay Passay, khó lòng mà trông thấy một chiếc xe đạp hay sì-cút-tơ vì dân chúng đều xử dụng xe buýt và díp-ni. Gặp một chiếc đèn đỏ dọc đường, khách quay nhìn trở lại đám xe hơi hỗn độn nối đuôi nghẹt cứng phía sau, có cảm tưởng là xe buýt và díp-ni đang khuynh đảo thị trường vận tải vì số xe nầy có lẽ chiếm tới bẩy phần mười tổng số lưu hành.

Dừng lại trước ngã tư bưu điện, chiếc díp-ni chờ đủ bốn mầu đèn mới tiến được về phía trước : đèn vàng, đèn đỏ, đèn xanh với mũi tên rẽ trái rồi mới đến đèn xanh đi thẳng.

Chiếc xe nhỏ bon bon lên cầu vượt sông Pasig và bắt đầu vào khu Santa Cruz, trung tâm sầm uất nhất của thành phố thương mại Manila.

*

Chúng tôi xuống xe sau khi đếm đủ hai mươi xu đồng trao tay người tài xế. Quả thực Manila có ma lực quyến rũ du khách với những cửa hàng đầy màu sắc. Đứng giữa công trường Plaza de Goiti, chúng tôi phân vân chưa biết tiến bước ngả nào : bên trái là đường Escolta với các cửa hàng sang trọng bán các xa xỉ phẩm với giá cứa cổ. Phía trước là đường Rizal chạy dài độ ba cây số với các cửa hàng đủ loại, nhà nào cũng sâu thăm thẳm hai ba chục thước đầy mỹ phẩm, vải vóc, thuốc tây và thực phẩm ; bên phải là đường Echague với các dẫy cửa hàng lớn bán đồ thủ công Phi-Luật-Tân, đồ sành nhập cảng từ Hồng-Kông, Nhật Bản và từng tủ ví cườm hỗn độn bên rừng giây truyền, hoa tai làm bằng xà cừ, ốc biển muôn màu sặc sỡ.

Tại Manila cũng có những cửa hàng cùng loại tập trung một phố. Đường Raon với một cây số máy thu thanh, magnétophone, đĩa hát và nhạc cụ. Đường Ylaya với hàng trăm hiệu vải mỗi cửa hàng chia nhiều ngách vải, lụa, màn chồng chất ngập đầu, mùi băng phiến bốc lên ngạt mũi.

Đường Mabina chuyên bán các hoạ phẩm và vật kỷ niệm. Đường De Santos chuyên bán cá mắm rất ít khách tới thăm nằm hợp duyên số bên cạnh một khu bề bộn không kém, khu Hoa-kiều Divisoria.

Dọc đường Rizal đi lên chúng tôi tới đường Azcarraga, một phố toàn hiệu sách để kiếm một vài tờ báo Pháp.

Song le, không có một cuốn sách hay tờ báo Pháp ngữ nào bán tại đây. Các sách chồng chất trong các cửa hàng đều là sách Anh, Mỹ hoặc Phi nhưng viết bằng Anh ngữ. Tuy tiếng tagalog là quốc ngử của Phi nhưng khó lòng tìm thấy những cuốn sách tagalog trên các tủ kính hoặc thấy những cửa hàng hay công sở có kẻ chữ tagalog. Anh ngữ đã chiếm địa vị độc tôn.

Tới một sạp bán nhật báo, tôi tìm chỉ thấy có hai tờ viết bằng quốc ngữ khép nép kín đáo bên cạnh chục tờ nhật báo Anh ngữ.

Tôi cầm lên một tờ Manila Times, tờ báo hằng ngày lớn nhất tại Manila dầy 28 trang khổ lớn, in máy rotative với các hình ảnh nhiều mầu.

Tôi toan mua một tờ, Trang huých khuỷu tay vào sườn tôi :

– Lấy tờ Manila Bulletin.

Tôi nghe lời. Khi rời xa sạp báo tôi hỏi :

– Sao anh thích Manila Bulletin ?

– Tôi muốn xem thứ mấy có thư Việt-Nam qua đây.

Manila Bulletin là tờ báo lớn hạng nhì. Ngoài những tin tức, xã thuyết, du ký, báo còn có một phần giấy hồng chia từng trang ghi giờ tàu thủy đi đến, ngày giờ thư tín ngoại quốc tới Phi, chương trình máy bay cất cánh, địa chỉ các công sở v.v…

Mân mê tờ báo dầu hai mươi trang, tôi thầm thán phục kỹ nghệ báo chí xứ này.

Tôi lật vài trang báo, xem qua nội dung. Một bài giới thiệu Việt-Nam khiến tôi chú ý. Tác giả mở đầu bài báo bằng một câu giới thiệu thủ đô Việt-Nam như sau : « Sài-Gòn. Thị trấn thuộc địa của Pháp nằm trên ngã tư Vọng Các và Hương Cảng… » (Saigon. This French colonial city on the crossroads to Bangkok anh Hong kong…). Tôi gấp tờ báo lại không đọc tiếp vì tưởng mua lầm phải báo cũ nhưng nhìn kỹ lại giòng chữ ghi mồng 2 tháng 9 năm 1960 bên dưới tên báo Manila Bulletin in cỡ lớn, tôi thở dài.

Không phải tác giả bài báo thiếu am tường lịch sử, địa lý Việt-Nam, nhưng lối mở bài kiểu trên kể cũng gây được xúc động cho tôi, một người Việt-Nam đang nhớ nước.

Nhưng xét kỹ nội-dung báo chí Phi cũng có khá nhiều cẩu thả ngay cả trong những bài nói về Phi. Phải chăng kỹ thuật tiến quá làm cho nội-dung giật lùi. Vừa có ý nghĩ như thế xong, tôi thấy ngay nhận xét của tôi sai khi nhớ đến các nhật báo Le Monde hay The New York Times.

*

Trang kéo tôi vào tiệm cơm ở đại-lộ Taft, một đường lớn chạy suốt hai thành phố Manila và Pasay mang tên vị tổng-thống Hoa-Kỳ thứ 27. Tình thân thiện Mỹ và Phi biểu hiện một cách nồng nàn nếu ta căn cứ trên việc Phi kỷ-niệm độc-lập cùng ngày với ngày độc lập Hoa-Kỳ (4-7) và căn-cứ trên các danh từ riêng dùng tại đây. Ta gặp trong thành phố những nhân-danh, địa-danh Mỹ. Chẳng hạn hành dinh lục-quân mang tên William Mac Kinley, các đường mang tên Washington, Florida, Pennsylvania vân vân…

Ta có thể kiếm tên nhiều danh-nhân Mỹ trên các biển tên phố nhưng chưa thể tìm thấy đại lộ nào mang tên Magsaysay, vị tổng-thống Phi được dân chúng nhớ ơn từ nhiều năm nay.

*

Vào tiệm, chúng tôi gọi cơm và mấy món ăn thông thường. Người Phi ăn cơm giống người Việt chỉ khác là họ không dùng đũa, mà chỉ dùng cùi dìa và phuốc xét nhưng không dao.

Trang, nói tiếng Anh không thạo lắm nên nhờ tôi com-măng món vịt lộn.

– Thôi, ăn phiến phiến còn đi xi-nê chứ !

Trang không chịu. Anh vẫy cô chiêu đãi và gọi lấy :

– Give me mixed eggs (Cho tôi trứng lộn).

Cô chiêu đãi chỉ vào đĩa trứng rán trong tủ kính, hỏi lại :

– Ô kê !

Trang lắc đầu :

– No ! Eggs have children inside (Không ! Trứng có trẻ con ở trong).

Cô chiêu đãi gật đầu, cười thông cảm, trở vào một lát rồi quay ra với đĩa hột vịt lộn, muối tiêu nhưng thiếu răm.

Ăn xong hai trái vịt lộn, anh bạn tôi khoan khoái mở sắc tay tìm kiếm trong đống sách mang theo. Tôi tưởng anh kiếm tự-điển Anh-Việt, nhưng anh rút ra cuốn « Hướng dẫn về Phi-Luật Tân » do một hãng hàng-không xuất-bản.

Anh mở sách chỉ cho tôi mục hoa quả :

– Bây giờ gọi tráng miệng chứ. Theo sách thì hai trái cây ngon nhất của Phi là xoài và lanzones. Vậy ta gọi lanzones ăn xem sao.

Tôi gật đầu đồng ý với Trang.

Thì lanzones cũng không có gì xa lạ. Đó chỉ là trái dâu da miền Nam Việt Nam nhưng lớn và ngon, thơm hơn dâu Lái-Thiêu rất nhiều.

*

Vừa ló đầu ra khỏi tiệm ăn, Trang vội vã thụt lại. Tôi ngơ ngác nhìn theo ngón tay anh chỉ : bên kia đường ba cô gái Phi dẫn tay nhau đi từ phía biển trở xuống, gặp một người đàn ông dừng lại nói chuyện tíu tít.

Đó là mấy người hàng xóm nơi chúng tôi tạm trú. Mấy cô gái mang những tên giống Tây Ban-Nha : Marina Castillo, Liwawa Jamias, Charito Abriol Santos. Người đàn ông cũng có cái tên dài khó đọc, Severino Pagkalinawan. Trang muốn lánh mặt. Anh biết họ rất hiếu khách và niềm nở. Thấy anh họ sẽ vồn vã chào hỏi mời mọc nhưng vì Anh-ngữ còn kém anh sẽ lúng túng chẳng biết trả lời ra sao.

Chờ mấy người hàng xóm chia tay rồi, Trang và tôi lên một chiếc díp-ni khác về rạp chiếu bóng Ideal, một trong những rạp chiếu bóng lớn nhất. Tại đây tất cả các rạp xi-nê đều chiếu thường trực từ tám giờ sáng tới nửa đêm và bán tích kê. Riêng lần nầy tại rạp Ideal bán vé và hát xuất vì đang chiếu phim mầu Ben Hur của hãng Metro Goldwyn Mayer. Điểm đặc-biệt, tuy phim hay và dài nhưng giá vé không tăng.

Rạp rất lớn, nhiều máy lạnh, có nước cam chanh đựng trong cốc giấy bán cho khán giả để uống ngay tại ghế ngồi. Theo thường lệ, khi đèn tắt, sau một đoạn giới thiệu phim kỳ tới, bắt đầu vào phim chính ngay, không chào cờ, quảng cáo hoặc chiếu phim thời sự. Khán giả cũng không bao giờ được phát chương trình sơ lược chuyện phim.

Sau cuốn phim lâu hơn ba tiếng, chúng tôi rời rạp Ideal lúc bốn giờ chiều. Tuy vậy chúng tôi lại lấy tích kê vào rạp Clover gần đấy. Trong số hai rạp ca vũ kịch tại Manila, Clover đứng hạng nhì. Chương trình hàng ngày, xen kẽ một xuất chiếu bóng lại tới một xuất ca vũ mỗi ngày từ trưa tới nửa đêm.

Chúng tôi bước lên lầu hai rạp Clover, đi trong khói thuốc lá mờ mịt. Rạp không quạt máy, không máy lạnh và có lẽ không cả số ghế. Chúng tôi lấy vé hạng nhất nhưng chen lấn tới năm phút vẫn chưa tìm được một chỗ đứng vững chãi.

Trên sân khấu các nam nữ tài tử đang trình bày một vở kịch bằng thổ ngữ. Tiếp theo tới nhiều bản đơn ca xuất sắc. Rồi vũ đoàn gồm các thiếu-nữ Phi duyên dáng khỏe mạnh nước da nâu nhờn, liên tiếp trình bày các vũ điệu dân tộc và vũ điệu Tây-phương. Môn thoát y vũ đã cấm ngặt từ mấy năm nay.

Tài diễn xuất điêu luyện của mấy tài tử cũng không giữ tôi được quá một giờ vì tôi không chịu nổi khói thuốc vô tội vạ và sự chen lấn quá sức trong rạp.

Trang mắc kẹt không thể chen ra được. Tôi đành ôm hận giã từ anh bạn, bước ra đường… một mình.

Tôi lững thững qua cầu Mac Arthur, lần theo đường Aduana tới khu Intramuros, một khu nghèo nàn nhất Manila. Phố xá tại khu nầy không hề có dấu vết nhựa đường. Những chiếc xe đi qua nhẩy chồm chồm như ngựa bắn tung bụi hai bên lề. Nhiều căn nhà bị chiến-tranh tàn phá từ đại chiến thứ hai còn trơ lại những bức tường loang lở. Bên cạnh những buyn-đinh hai mươi từng đang xây cất dở trên khu đất tàn phá cũ hàng trăm căn nhà nhỏ xíu tường tôn, mái tôn, là nơi che nắng cho những gia đình nghèo chưa muốn rời bỏ đô-thành. Xắn quần, tránh những gạch đá vụn rải rác giữa phố, liếc qua khe những tấm tôn cũ, bạn có thể nhìn suốt những căn nhà nghèo nàn không đồ đạc ấy một cách dễ dàng.

*

Vừa rời khu phố nghèo Intramuros, tôi thấy ngay trước mặt một tòa nhà đồ sộ ẩn hiện dưới hàng cây cổ thụ ngay bên bờ biển. Hàng rào chấn song bao quanh khu cây cối và chiếm một diện tích khá rộng.

Tôi tưởng là trụ sở của bộ nào trong chính phủ, nhưng đó chỉ là đại khách sạn Manila Hotel. Khu vực khách sạn sát bờ biển, có hồ bơi, vườn cây, ấu-trĩ viên và rất nhiều cửa hiệu bán tạp hóa, sách báo, mỹ phẩm, cùng văn-phòng nhiều hãng hàng không ngay bên trong vòng rào. Ai cũng có thể ra vào khách sạn dễ dàng vì đây là một thành phố thu hẹp. Do đó có một số khách nhàn du bỗng cảm thấy cái khoái thứ tư trong tứ khoái đòi hỏi, đã vào tòa khách sạn đồ sộ nầy để xử dụng những tiện nghi vệ sinh đàng hoàng như một ông khách quý.

Trời đã tối. Phố xá lên đèn từ lâu. Tôi rời Manila Hotel thong thả đi bộ theo con đường bờ biển tới công-viên Luneta. Gọi là công-viên nhưng chỉ là một bãi cỏ rất rộng, ít cây cối với rất nhiều ghế xi-măng rải rác để dân chúng ngồi chơi mát. Giữa công-viên, tượng nhà ái quốc Rizal ngự trị trên một bục xi-măng đồ sộ. Là bác-sĩ, giáo-sư, thi-sĩ, tiểu-thuyết gia, ông đã tranh đấu suốt đời để đòi độc-lập cho Phi-Luật-Tân nhưng bị người Tây-Ban-Nha xử bắn năm 1896 ngay tại bờ biển Manila. Sau này người Phi đã dựng tượng kỷ niệm Rizal tại nơi ông bị hành quyết. Không những tại Manila mà tại hầu hết miền quê đâu đâu cũng thấy tượng Rizal, một mẫu tượng thư-sinh đứng hiền lành trên bục xi-măng, tay trái cắp một chồng sách lớn. Người Phi coi Rizal là nhà ái-quốc số một cũng như thú chọi gà là trò chơi được toàn thể dân chúng hâm mộ.

Phố xá đã lên đèn, nhưng giờ đây tại công-viên Luneta rộng lớn nhưng rất ít đèn nên đã thành thiên đường của những kẻ yêu nhau. Những cập uyên-ương đủ mọi giai cấp, mọi lứa tuổi nằm, ngồi rải rác trên khắp bãi cỏ. Trong bóng tối mờ mờ, những chiếc áo sơ mi trắng quấn quít bên cạnh những chiếc váy đầm lòe xòe xanh hay đỏ. Tôi lững thững đi trên bãi cỏ thỉnh thoảng lại giựt mình hốt hoảng suýt vấp phải một cặp nhân tình vì trời tối và quần áo họ xẫm mầu nên không tránh kịp từ xa. Các ghế xi-măng tuy có ánh đèn từ tượng Rizal rọi sáng nhưng cũng không còn chỗ trống. Có những cập tình nhân đã sấp sỉ lục tuần ngồi xen kẽ với những cập nam nữ học sinh còn cập sách để bên. Có khi họ ngồi chung trên một ghế dài mà không để ý tới nhau vì mỗi cập còn bận lo việc riêng của mình.

Tôi chợt thấy phía trái một người đàn ông ngồi đơn chiếc trên tấm ghế công cộng loại nhỏ. Tôi tưởng chỉ có một mình tôi cô độc tại khu vực nầy, té ra còn ông bạn nữa. Tôi tới gần. Người đàn ông đứng dậy và tôi nhận ra là anh Laconico II. Tôi hỏi :

– Có hẹn hả ?

Anh nhìn đồng hồ tươi cười đáp :

– Không ! Ngồi xuống đây nói chuyện với tôi cho vui.

Chúng tôi nói chuyện về các vấn đề mưa nắng thông thường, mắt lơ đãng nhìn xa xa. Nhìn lên tượng nhà ái-quốc số một của Phi, tôi bỗng nhớ tới một thắc mắc.

Tôi hỏi Laconico II :

– Này anh ! Tại sao tất cả các tượng ông Rizal đều cắp sách bên tay trái, có ý nghĩa gì chăng ?

Laconico II cười tủm tỉm :

– Khi nào mỏi ông ta sẽ cắp bên tay phải. Và có khi buông ra để cắp con gà chọi.

Khôi hài xong, anh lại nhìn đồng hồ. Tôi biết anh có hẹn thật nên bắt tay từ biệt anh. Lần nầy anh không giữ lại nữa. Tôi đi ra phía đại-lộ Dewey vừa đi vừa nghĩ tới tính tình dễ dãi và tự do của người Phi, dễ dãi đến độ có thể khôi hài ngay cả khi nói tới một nhà ái-quốc.

Một chiếc xe buýt hai từng đỗ trước mặt tôi. Loại xe nầy chạy theo đường Dewey từ khách sạn Manila về Pasay và ngược lại. Ban ngày xe chở khách, chạy nhanh như các xe buýt một từng, nhưng ban đêm chạy rất chậm cho hành khách ngắm cảnh.

Tôi từ tốn lên xe, mặc dầu xe không đỗ. Từng dưới không có một người nào. Tôi leo cầu thang xoáy ốc lên lầu hai. Trên từng nầy có tới hai mươi hàng ghế kép, nhưng chỉ có tám người khách ngồi thành từng cặp. Cặp thứ nhứt trên ghế thứ hai bên trái, thiếu nữ tựa đầu trên vai tình nhân lơ mơ ngủ. Cặp thứ hai trên hàng ghế thứ sáu, đang cười rúc rích thỉnh thoảng lại ngả đầu sát vào nhau. Hai cập ngồi ghế cuối vừa khoác vai nhau chuyện thì thầm không ngửng mặt.

Tôi lên xe cũng không làm rộn ai, vì tất cả tám người không người nào để ý đến tôi. Hình như họ không nghe thấy tiếng giầy của tôi nữa.

Tôi ngồi xuống hàng ghế thứ nhứt, đưa mắt về phía trước. Chiếc xe vẫn chạy về phía Pasay với một tốc độ chậm chạp như xe bò kéo. Tôi có cảm tưởng là xe hỏng thắng, tài xế không dám đi mau, sợ gây tai nạn.

Tuy chậm nhưng xe vẫn nuốt lần đại-lộ Dewey, con đường thơ mộng và ăn chơi nhất tại đây. Nằm sát bờ biển, chạy dài sáu cây số trên nửa thành phố Manila và suốt thị trấn Pasay, đường Dewey có hai dẫy đèn nê ông tròn sáng quắc, ánh sáng trắng giống như loại đèn xử dụng lần đầu tiên ở Việt Nam trên vài quãng xa lộ Sài-Gòn, Biên-Hòa. Trên máy bay nhìn xuống hai hàng đèn dài song song ấy ta có cảm tưởng bờ biển Manila viền bởi một chuỗi trân châu.

Xe từ từ lăn bánh trên đường. Bên phía trái, bể mênh mông với hàng trăm con tàu chập chờn, đèn thắp như sao sa. Gió trùng dương thổi vù vù lẫn với tiếng sóng vỗ. Từng cặp, từng cặp dìu nhau đi bên bờ nước. Những chiếc ghế xi măng gắn bên lề đại-lộ Dewey hình như cũng chỉ dành riêng cho những kẻ yêu nhau vì hầu hết là loại ghế nhỏ hai chỗ ngồi.

Bên phía phải, những căn nhà đồ sộ lần lần hiện ra. Các khách sạn lớn, các tiệm ăn Thụy-Sĩ, Trung-Hoa, Nhật-Bản, Nam-Dương đều tập trung ở con đường lãng mạn này.

Qua ranh giới Pasay, tới lượt xuất hiện của những hộp đêm sang trọng lừng danh từ mấy chục năm nay. Những biển mang tên Riviera, Nautilus, Jimmy’s, Bayside bằng đèn nê-ông xanh đỏ nhấp nháy một cách nhún nhẩy cũng như những nhạc điệu cuồng loạn từ trong các hộp đêm vọng ra kéo dài, mỗi đêm tới hai, ba giờ sáng.

Chiếc xe buýt hai từng vẫn tiến từ từ mặc cho các xe nhà và díp-ni qua mặt.

Thỉnh thoảng một xe hơi bỏ mui nhỏ xíu vượt qua. Một vài thiếu nữ đứng trong xe ngửa mặt nhìn lên từng hai xe buýt cười rú lên dơ mùi xoa vẫy các cập uyên ương rồi đưa tay lên môi hôn gió.

Xe ngừng trước đài vô tuyến truyền hình ABS. Tôi bước xuống. Dân chúng xếp hàng dài trước đài chờ tới lượt vào xem các tài-tử trình diễn. Đây là một trong số ba đài vô tuyến truyền hình và một trăm hai mươi ba đài vô tuyến truyền thanh tư nhân trên toàn lãnh thổ Phi.

Tới ngã tư Ortigas-Dewey, tôi vội lánh sang bên kia đường. Nhưng tôi cũng không thoát những cặp mắt các nữ chiêu đãi viên của Trung-Tâm Chả-Nướng (Barbecue Center). Các cô bỏ cửa hàng chạy ùa theo khách vẫy tay mời tíu tít, vừa vẫy vừa kêu to : « Bác-bơ-kiu ! Bác-bơ-kiu ! »

Khu thịt nướng ở Pasay hơi giống khu Dân-Sinh ở Sài-Gòn. Các quán tại khu này ngoài các món uống chỉ bán một món ăn độc nhất là thịt nướng. Ngồi bờ biển hưởng gió mát, tuốt từng miếng thịt nướng thơm phức trong xiên để nhấm nháp với la ve kể cũng thú vị. Nếu bạn mỏi, có thể nằm trên ghế bố. Chai la-ve và xâu chả được chiêu đãi viên trịnh trọng đặt trên một ghế đẩu bên cạnh vừa tầm tay với.

Tôi đã trở về tới khởi điểm. Hồ tắm nước mặn bên đại-lộ Dewey không còn người nữa. Mấy bác thợ chụp hình rong cũng về từ lâu vì máy ảnh không đèn flash.

Ban đêm, Pasay có một bộ mặt thơ mộng khác hẳn ban ngày. Các quán rượu, bàn bi-a sôn sao tấp nập trong ánh đèn gay gắt. Ngoài đường các tấm quảng cáo thương mại bằng đèn nê-ông thi đua nhấp-nháy. Những hàng chữ dạ quang xanh, tím mang tên một hãng hàng không đuổi nhau trên không gian bên cạnh tấm bảng tròn hai mươi thước đường trực kính két bằng đèn đỏ của hãng Coca-Cola dựng trên sân giời tòa buyn-đinh mười sáu từng lầu.

Tôi nhìn đồng hồ : chín giờ. Lúc ấy ở Việt-Nam cũng chín giờ. Tuy cách xa nhau ngàn dặm và không chung kinh tuyến nhưng Việt-Nam và Phi Luật Tân giờ giấc giống nhau vì giờ Phi căn cứ theo định luật quốc tế về thời đạo còn Việt Nam thì bất cần định luật này.

Tôi chợt nghĩ tới Trang. Tôi tưởng tượng giá bây giờ được ngả lưng trên giường tâm-sự với người bạn đồng hương hoặc vặn chiếc máy thu thanh mười transistor thưởng thức giọng ca buồn đến não nùng của Thanh-Thúy từ một ngàn sáu trăm cây số trùng dương vọng lại có lẽ khoan khoái lắm. Tôi bèn vẫy một chiếc tắc-xi để trở về nơi trọ của chúng tôi, một làng ngoại ô trầm lặng, làng Guadalupe.

*

Chiếc phản lực cơ PAA Boeing 707 hạ cánh tại Tân-Sơn-Nhất đưa tôi về quê hương tới nay đã gần năm tháng.

Khi viết lại những dòng chữ này tôi vẫn còn nguyên vẹn những kỷ-niệm êm đẹp về Phi-Luật-Tân, một nước cộng-hòa với bảy ngàn một trăm hòn đảo, nói trên tám mươi thổ ngữ, với thành-phố Manila kiều diễm, một thành phố Đông-Nam-Á nhưng có tập tục lề thói Tây-phương.

Và cũng cho tới bây giờ, tôi vẫn phải trả lời một số câu hỏi cắc cớ của bạn bè về y-phục cao-bồi và mức độ đạo thiết tại Manila.

Đa số bạn tôi đều có thành-kiến tại Manila áo cao-bồi rằn ri, sặc sỡ và trộm cắp tung hoành dữ dội hơn bất cứ nơi nào. Thực ra y-phục cao-bồi tại Manila rất ít và phần lớn dân chúng đều dùng những mầu dịu mắt, trang nhã mà tươi sáng. Về nạn trộm cắp, riêng tôi, trong suốt thời gian bốn tháng lưu trú tại Phi, tôi chưa hề chứng kiến hay đọc thấy một bài tường thuật về vụ trộm cắp kỳ ảo, điển hình nào trên báo chí thủ-đô Phi. Chính tôi, cũng không hề bị mất mát một mảy may tài-sản. Phải chăng câu chuyện trộm cắp là câu chuyện cũ được phóng đại thêm cho hấp dẫn.

Hay là tôi đã gặp may ?

Tháng ba 1961

Bình luận