Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ngày Vui

Rẻ Được Năm Chục

Tác giả: Đặng Trần Huân
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Hành chăm chú vào chiếc bán đang gói dở. Anh cẩn thận vuốt từng nếp lá dong cho thẳng thắn, anh chọn từng chiếc lạt dang. Xong một chiếc bánh anh vứt sang bên cạnh rồi ngửng đầu nhìn vợ cũng đang chăm chú ngồi lau lá.

– Gớm anh chị làm gì mà kín tiếng thế ?

Cả hai vợ chồng Hành ngửng đầu nhìn ra phía cửa. Tạo, em gái chị Hành tay bế đưa con nhỏ thủng thẳng đi vào.

– Ồ bên này anh chị đã gói bánh đấy à ?

Chị Hành gạt mấy sợi tóc lòa xòa trên trán.

– Ấy nhà tôi bảo gói hôm nay cho nhàn không gần Tết lại tíu tít những việc.

– Thế góc lợn chị chung với bác Trưởng em tưởng ba mươi mới mổ cơ mà. Sao hôm nay đã gói.

– À, đây mua thịt chợ. Còn góc lợn ấy để ăn mấy hôm Tết.

Ngừng một lát chị lại tiếp :

– Thịt đắt quá dì ạ ! Trăm hai bạc mỡ đây này, dì xem.

Vừa nói chị Hành vừa nghiêng âu mỡ về phía Tạo.

Chị Tạo cười hoan hỉ :

– Thế thì góc lợn chung ấy rẻ đấy nhớ.

Anh Hành nói :

– Cứ kể với giá lợn chợ thì góc lợn ấy rẻ được đến trăm rưởi đấy dì Tạo nhỉ ?

– Được thừa đi !

Vừa lúc ấy có tiếng đàn bà gọi ngoài cửa.

Chị Hành xoa tay đứng dậy, chạy ra. Một lát chị vào hậm hực :

– Hừ ! Ở đời ra ghê thật. Bác cháu cũng chẳng bằng tiền.

Cả mấy người ngạc nhiên nhìn chị Hành.

– Thế thì đểu thật, hôm nay ra chợ thấy giá lợn đắt mà ! Bây giờ xoay ngay.

– Bác ấy đánh tháo à hở chị.

– Ừ, cho con mẹ Sáu vào bảo góc lợn ấy bây giờ chị Phán Đức chị ấy lấy, còn nhà tôi liệu mà mua chỗ khác.

Rồi chị hầm hầm :

– Bác cháu mà còn đánh tháo. Bây giờ hăm tám Tết còn mua đâu được nữa. Để tôi ra hỏi xem không thì tôi làm cho tàn.

Anh Hành hỏi vợ :

– Thế bác ấy đã nhận lời với mình từ hôm hăm nhăm cơ mà.

– Ừ, từ hôm giỗ ông, nhận đông đủ cả mọi người… Kêu thịt hăm chín, thấy đắt xoay thịt ba mươi. Bây giờ con Phán Đức nó mớm lời cho lại đánh tháo.

Chị Tạo ngắt lời :

– Thôi em với chị hẵng ra xem thế nào đã.

Hai chị em cùng đứng dậy đi ra cổng.

*

Chị Phán Đức ngồi xổm trên hè, đang ngẫm nghĩ. Chân đi tất mình mặc áo len, áo đoạn, chị vẫn suýt soa kêu rét. Bà thân sinh chị Phán đang lom khom quét sân. Hai tay thu trong áo, chị Đức lơ đãng nhìn mẹ làm.

Bỗng cánh cửa bật mạnh, chị Hành từ ngoài bước vào. Chị Phán Đức đứng ngay dậy vồn vã :

– Kìa dì Hành, dì vào trong này sơi nước.

Rồi chị nói ngay :

– À này dì Hành này, góc lợn ấy tôi lại lấy đấy dì ạ. Chả tôi vừa mới về ban sáng thấy thằng Tám nó bảo trên bác có thịt lợn. Tôi lên xem thì bác bảo bán đi cho rồi. Thôi chỗ chị em nhà tôi đông người, mà hôm nay hăm tám rồi nhỡ nhàng cả… Trong dì có dì với chú ấy ăn nhiều cũng phí phao đi. Thôi dì để lại cho tôi.

Chị Hành đáp lại ngọt ngào, cái ngọt ngào cửa miệng.

– Vâng chị lấy thì lấy. Giá giàu có như người ta thì em ăn cả con nhưng đã thế thì thôi. Nhà mình làm gì có tiền ăn một góc lợn.

Biết Hành nói kháy mình, chị Đức nói như gắt :

– Ồ dì đến hay lôi thôi. Đấy thì tôi cũng bảo dì biết trước mà mua chỗ khác. Còn góc lợn ấy thì mai bác để cho tôi rồi.

Chị Hành nổi xung :

– Em mua từ hôm hăm nhăm cơ Bác, chứ không phải trẻ con mà đánh tháo của cháu.

Chị Đức đổi giọng :

– Bác nào thèm đánh tháo.

– Phải tôi biết thừa đi rồi. Bây giờ lợn đắt chứ gì. Bất quá mua chợ cũng chỉ đắt năm mươi đồng góc lợn thôi. Nhưng bây giờ hết chợ rồi tôi không mua đâu được.

– Thế bác đã bảo từ hôm hăm bẩy rồi cơ mà.

– Đã bảo. Nhưng hôm qua ai lại sai bác Sáu vào bảo lại bán vậy.

Chị Đức gắt :

– Tao không sai.

Chị Hành quay ra phía bà Trưởng Sơn :

– Thế bác có sai bác Sáu vào bảo bán vậy cho cháu không ?

Bà Trưởng Sơn ú ớ, tay vẫn còn cầm cái chổi nan :

– Không tôi có sai nó đâu.

– Bác không sai. Chị Phán cũng kêu không sai. Thế thì chó sai nó à ?

Chị Phán Đức gầm lên :

– À con này đểu.

– Chả biết đứa nào đểu. Đáng năm chục bạc mà mẹ con xui nhau đánh tháo.

– Đồ đểu bước ra khỏi nhà bà.

Vừa nói chị Đức vừa du chị Hành ra phía cửa. Chị Hành cứ xấn vào :

– Tao cứ ở đây này. Nhà này là nhà bác tao làm ra. Không phải mẹ con mày làm ra mà đuổi tao.

Và vừa nói chị vừa khóc gào lên.

Chị Tạo bấy giờ mới ở ngoài cổng ẵm cái Ngữ chạy vào. Bà Trưởng Sơn cũng buông chổi đứng dậy. Lác đác mấy đứa trẻ ở ngoài vào xem.

Đuổi không được chị Phán Đức túm lấy tóc chị Hành. Chị Hành kêu gào ầm ỹ, tuy rằng chị không đau. Bà Trưởng Sơn can con và cháu :

– Thôi xin các chị !

Chị Tạo chêm vào :

– Phải ! Xin, xin mà được năm mươi đồng bạc thì xin đời.

Chị Đức hùng hổ toan vùng ra đánh cả chị Tạo. Thừa cơ chị Hành giằng tóc rồi nắm lấy áo đoạn chị Đức toan xé. Bà Trưởng hoảng hốt giằng lấy áo con rồi đẩy chị Hành và chị Tạo ra ngoài cửa. Ở trong chị Đức cứ réo tên bố chị Hành lên chửi. Không kém, chị Hành và chị Tạo cũng réo tên mẹ chị Đức lên chửi vọng vào.

Sở dĩ chị Hành không chửi tên bố chị Đức và chị Đức không chửi tên mẹ chị Hành vì ông Trưởng Sơn và bà thân sinh chị Hành là hai anh em ruột.

Nghe tiếng ồn ào người trong xóm đổ ra xem. Bà Ba Cảnh đến hỏi, rối rít :

– Thế nào chị em lại cãi nhau tất niên đấy à ?

Bà Phó Kiểu cũng hỏi xen vào, với một giọng bùi ngùi :

– Đầu đuôi như thế nào mà lại đến nỗi chị em lại chửi lộn nhau thế. Ngoài người ta có cười cho không ?

Chị Hành vẫn còn tức giận. chị vuốt chiếc khăn ngang :

– Vâng, bà nghĩ xem thế này có phải không. Hôm hai nhăm giỗ ông cháu… đấy có cả bà ăn cỗ đấy… bác ấy nhận dỏn dọt cho nhà cháu chung một góc lợn. Thế mà bây giờ lợn mới hơi đắt mẹ con xui nhau đánh tháo.

Mọi người nói lao nhao :

– Ồ sao xoàng thế.

– Vâng thưa các bà, còn bác cháu đấy !

Rồi chị lại sờ lên vành khăn ngang :

– Ối giời ơi bác cháu đấy, đùm bọc lấy nhau. Thế mà đẻ cháu chết dễ chưa xanh cỏ mà đã thế này. Chúng cháu thì bé dại chả sợ ai cười cả.

– Phải bà ấy làm thế rồi người ngoài người ta cười cho.

Chị Tạo ngắt lời :

– Kể thì bác cháu cũng không nói gì. Đầu đuôi chỉ ở con Phán Đức thôi. Bà Phán đấy. Khốn nạn, áo the áo đoạn thà cởi ra cho chó nó mặc.

Trong nhà tiếng của chị Phán Đức lại léo séo chửi ra.

Bà Ba Cảnh rẽ đám đông :

– Ồ sao bác Phán Đức bác ấy lắm đều thế. Các chị cứ im tôi vào bảo, bà Trưởng khác nghe tôi mà lại để lợn cho chị.

Chị Hành kéo tay bà lại :

– Thôi bà ạ ! Thế này còn bác cháu chị em gì nữa. Nhưng có thế mới biết bụng nhau.

Chị Tạo cũng nối lời :

– Rẻ năm chục chứ rẻ một trăm chúng cháu cũng ỉa vào. Để nó về nó cúng tổ tiên nó. Nhà chúng nó giàu chúng nó có tiền ăn lợn, còn nhà chúng cháu nghèo chúng cháu ăn rau.

*

Sáng hôm sau, vợ chồng anh Hành và chị Tạo đang ngồi ôn lại câu chuyện hôm qua thì có một tin làm cả ba người sửng sốt. Bà Trưởng Sơn lại cho người vào gọi chị Hành ra nhận lợn.

Cả ba đều ngẩn ngơ.

– Sao đã cãi nhau thế mà còn gọi nhỉ ?

– Em không biết.

Im lặng. Mỗi người đều suy nghĩ tìm hiểu câu chuyện lạ lùng.

Rồi bỗng chị Hành nói đột ngột :

– À thôi phải rồi.

– ? ? ?

– ? ? ?

– Hôm qua lúc chúng mình về bà Ba Cảnh lại vào trong ấy phải không nhỉ ?

– Có, bà ấy có vào.

Anh Hành phỏng đoán :

– Chắc bà ấy bảo bác Trưởng và chị Phan Đức.

– Chắc thế. Bác cháu với nhau. Mà đẻ vừa mới mất làm thế người ta cười cho.

Chị Tạo cười đắc chí :

– Phải rồi. Chứ đời nào con Phán Đức nó chịu rời ra.

Rồi cười mủm mỉm, nhìn anh Hành :

– Thế nào, anh chị có lấy không ?

Cả ba cùng cười. Rồi Tạo tự trả lời :

– Chả nhẽ mình nói thế mà bây giờ lại lấy.

Anh Hành bảo vợ :

– Thế mình ra chợ xem, lợn chợ hôm nay thế nào đã vậy.

– Lợn chợ đắt lắm, cứ góc lợn của bác Trưởng cũng phải bốn trăm đồng.

Chị Tạo sửng sốt :

– Ồ chóng đắt nhỉ. Hay cứ lấy vậy ?

Chị Hành bảo em bằng một giọng bùi ngùi, tiếc rẻ :

– Mình đã bảo ỉa vào rồi bây giờ lại lấy thì chán chết.

Lại im. Anh Hành châm đóm rít một hơi thuốc lào sòng sọc.

– Thôi cứ lấy chị ạ !

Chị Hành ngẩng đầu nhìn em không trả lời.

– Bây giờ mua lợn chợ thì đắt quá, thôi thì cứ lấy. Ít nhất cũng rẻ được năm chục bạc. Chứ mua ngoài thì chết tiền.

Chị Hành ngồi im ra ý bằng lòng, Hai tay chị vân vê mấy sợi tóc rủ lòa xòa trước mặt. Ờ mà kể dì ấy nói cũng phải. Mua lợn chợ bây giờ chết tiền thật đấy.

Chị Tạo lại nhắc :

– Thôi cứ lấy đi.

Chị Hành chặc lưỡi :

– Ừ, thì tôi nghe dì.

Anh Hành thêm vào, chống đỡ :

– Với lại bác ấy gọi cho mình chứ mình có xin đám đâu mà sợ.

Cả ba cùng cười, thầm công nhận câu nói ấy là rất phải.

Bình luận