Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm. Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản

Ngày Vui

Tiên Giáng Thế

Tác giả: Đặng Trần Huân
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Phương đông đen xạm bị một tia sáng nhạt chém đứt đôi. Mấy con chèo bẻo bay từ cây soan này sang cây soan nọ kêu choe choét. Gà sống đua nhau gáy rộn rã. Vạn vật chìm đắm trong một cảnh mơ hồ. Sương sớm phủ trắng xóa trên cỏ cây. Những làn khói từ những nóc nhà tranh xám bốc lên vươn cong rồi quyện vào sương sớm.

Trên đê, tuy thế vẫn chưa có một bóng người qua lại. Thợ cầy, chỉ có thợ cầy là chăm chỉ, mà cũng còn chưa thấy. Có lẽ giờ này họ còn đang ăn cơm. Vả, trời còn sớm lắm.

Kìa, có một bóng người. Cả bóng một con trâu. Không, không phải. Chỉ có một người thôi. Hắn đang đi. Hắn dừng lại ngồi xuống vệ đường.

Hắn, hắn là một cụ già độ ngoại sáu mươi. Cụ mặc một chiếc áo dài lượt thượt và rách mướp. Đầu chít một cái khăn lượt cũng rách, nhưng trông cũng còn đứng đắn. Ngang lưng cụ thắt một cái giây đỏ lòe. Đằng sau đeo một cái nậm rượu làm bằng vỏ một thứ bầu trên mạn ngược. Cụ già quay lại sau lưng với cái dỏ mây. Cụ mở nắp và lấy ra một chiếc que song dài dóng. Đầu que buộc một túm chỉ dứa trông như cái que vụt muỗi – hay văn hoa hơn – cái cành phan nhà Phật.

Cụ cầm lấy cành phan rồi đứng dậy. Cụ cầm cành phan phe phẩy. Cụ mở nút nậm rượu ra rồi lại đậy vào. Rồi cụ cười khanh khách. Rồi cụ lại ngâm thơ. Trên đê vẫn vắng.

Cụ là ai ?

Một lão già điên. Không phải. Hay Lý Bạch tái sinh. Hay một ông tiên giáng thế.

Cụ già ngồi ở đấy mãi đến lúc trời sáng rõ. Mãi đến lúc những người qua lại đi rộn dịp trên đường. Thỉnh thoảng cụ lại cầm cành phan lên phất phất hoặc giơ tay vuốt chòm râu bạc.

Thấy ông già kỳ dị, một vài người đi chợ đứng lại xem. Cụ vội xua xua tay :

– Đi đi ! Đi đi ! Ta không ưa mùi trần tục.

Mọi người rãn ra rồi đi, vừa đi vừa bàn tán.

Bọn này vừa đi khỏi, lại có một bọn khác đi qua, dừng lại xem. Một người trong bọn móc túi lấy năm hào ném xuống trước mặt cụ già. Cụ nhặt lấy và trao trả :

– Cám ơn bà.

– Xin lỗi cụ, cháu tưởng là…

– Bà tưởng ta là một người ăn mày phải không ? Phải, ta cũng là người ăn mày, nhưng không ăn mày tiền, ta chỉ ăn mày lòng nhân đức.

Nói thế rồi cụ già đứng dậy quay đi. Bọn đàn bà cũng quay về phía chợ.

*

Nhưng chưa hết. Chỉ một lát sau lại có một người con gái đi qua động lòng thương móc túi lấy đồng bạc đưa cho cụ già.

– Cháu đãi cụ.

Cụ già lắc đầu :

– Ta không biết tiêu tiền trần tục.

– Cụ bảo thế nào cơ ? Hay cụ chê ít. Cháu đãi cụ hai đồng vậy.

Cụ già nhìn trước sau không thấy ai bèn phe phẩy cành phan rồi hỏi người con gái :

– Tên cô là gì ?

– Cụ hỏi tên cháu làm gì ?

– Thì cứ cho tôi biết nào ?

– Tên cháu là Thúy.

– Họ gì ?

– Nguyễn-Thị-Thúy.

Cụ già gật đầu lia lịa :

– Tốt, tốt lắm. Nguyễn-Thị-Thúy. Rồi có ngày ta sẽ trả ơn cô.

– Cụ hay lôi thôi lắm. Cháu có như ai đâu mà ơn với huệ, chẳng qua bây giờ cháu may mắn giời cho hơn người mà thấy người nghèo khó thì giúp đỡ.

Cụ già xua tay :

– Suỵt ! Đừng bảo rằng ta nghèo khó.

Cô Thúy mở to đôi mắt đen láy, ngạc nhiên. Cụ già hạ giọng thì thầm :

– Cô tốt bụng lắm ta mới nói thật, nhưng cô phải giữ bí mật. Ta không phải là người trần đâu. Ta là người trời. Ngọc Hoàng sai ta xuống thử lòng dân xem có còn được tốt như xưa không. Quả là kém trước. Duy có cô là tốt bụng. Rồi cô sẽ được trời thương.

Cụ lẩm bẩm tính rồi hỏi :

– Hôm nay có phải là mồng tám không nhỉ.

– Phải ạ !

– Vậy cứ đúng tờ mờ sáng hôm rằm cô ra gốc cái cây to nhất ở sau nhà cô, cô sẽ biết.

Cụ lại đưa tay lên vuốt ve chòm râu bạc :

– Thôi bây giờ thì cô đi đi !

Cô gái vâng lời rảo bước. Trí óc cô phân vân, luôn luôn nghĩ tới lời ông già kỳ dị. Đi một quãng xa, cô nghi ngờ quay đầu lại ông già đã biến đâu không còn ngồi chỗ cũ.

*

Hôm sau là ngày phiên chợ. Người qua lại vẫn thấy cụ già kỳ lạ ngồi chỗ hôm qua, cái dỏ mây để nằm trước mặt. Trên dỏ cụ bầy ba hào mới tinh. Một người đàn bà cắp rổ qua. Biết là người đi chợ, cụ già gọi lại :

– Này bà cắp rổ ơi !

Người đàn bà quay lại :

– Cụ gọi gì ?

– Bà đi chợ phải không ?

– Phải.

Cụ già chìa ba hào ra :

– Bà cho tôi gửi cái này nhớ.

Người đàn bà gắt :

– Gửi gấm gì. Mua thì ra chợ mà mua. Tưởng có việc cần. Làm mất cả thì giờ.

Nói rồi bà vùng vằng đi thẳng. Cụ già nhìn theo, căm tức :

– Hừ, độc bụng. Mi là vợ thằng Cả Trắc. Ta đã biết.

Một lát, lại có một người đàn bà nữa gánh thóc đi qua. Cụ già gọi lại :

– Này bà kia ơi.

– Cụ hỏi gì ?

– Bà đi chợ phải không ?

– Vâng.

– Cho ta gửi cái này một tí nhé ?

Người đàn bà đỗ gánh xuống vệ đường :

– Nào cụ gửi gì mau lên cháu làm phúc hộ.

– Bà là bà Ba Tản phải không ?

Người đàn bà trố mắt :

– Sao cụ biết ?

Cụ già cười nhạt :

– Làm gì ta chả biết… Nhưng thôi, đây ta gửi bà ba hào bà làm ơn mua hộ ta ba hào thịt nạc.

– Chết bây giờ đắt đỏ cụ mua ba hào thì được bao nhiêu, mà ai người ta bán. Giá cứ mua hẳn đến ba đồng cũng chả được mấy tí. Cụ có tiền đưa thêm cháu mua hộ.

– Ta hết rồi. Chỉ có thế bà không mua hộ thì thôi vậy.

Rồi cụ già lại đặt ba hào mới lên mặt dỏ. Bà Ba Tản cất gánh rảo bước.

*

Cụ già lại ngồi chờ, chờ mãi đến gần trưa. Bao người đi chợ đi qua cụ không gọi lại. Ai cho tiền cụ trao trả ngay.

Mãi quá trưa cụ mới để ý đến một bọn ba người đàn bà đi về phía chợ. Và cụ để ý nhất là người đàn bà đi giữa. Bà này láu táu nói luôn mồm. Để cho ba người đi khỏi độ mười bước cụ mới gọi giật lại :

– Này ba bà ơi !

Ba người quay đầu lại :

– Ai gọi gì đấy ?

– Các bà cho tôi gửi cái này với.

Người đàn bà láu táu quay lại, hai người kia càu nhàu đi thẳng.

– Nào cụ gửi gì ?

– Bà cho tôi gửi ba hào này, làm ơn mua hộ tôi ba hào thịt nạc.

– Ba hào thì ai bán hở cụ. Ít quá.

Người đàn bà ngẫm nghĩ một lát rồi nói :

– Hay cụ cứ đưa đây, cháu đãi cụ đồng bảy nữa thì may ra mua được.

Cụ già mỉm cười :

– Bà tốt lắm, ta cảm ơn. Ta thử lòng bà đấy thôi chứ ta lấy đồng bảy của bà làm gì ?… Mà ta cũng chả ăn gì với thịt.

– Thế thôi chào cụ, cháu đi chợ vậy.

– Thôi bà đi chợ, và ta đãi bà cả ba hào này nữa.

– Thôi cháu lấy làm gì của cụ.

– Cứ cầm lấy mà mua thịt.

– Mua cho cụ ấy à ?

– Không, mua cho bà ấy.

Người đàn bà cười :

– Bây giờ mấy chục bạc cân thịt nhà cháu bẩy tám người cụ cho mười đồng cháu mới lấy.

Rồi bà lại cười đưa đà. Cụ già nghiêm mặt :

– Bà cứ cầm lấy ba hào này. Chỉ sáu tháng nữa thì bà mua được những ba cân thịt.

Người đàn bà trố mắt ngạc nhiên :

– Sao thế hả cụ ?

– Sáu tháng nữa thì mười phần chết bẩy còn ba. Nghĩa là bây giờ có mười người thì chỉ còn ba người sống thôi, còn chết bẩy.

– Thế cụ bói hay là thế nào ?

– Không !

– Thế sao cụ biết ?

Cụ gà hạ thấp giọng và đổi giọng :

– Ta thấy ngươi tốt bụng ta mới nói, nhưng vẫn phải giữ bí mật. Ta đây là Nhân Đức Tiên Ông. Ngọc Hoàng đã định sáu tháng nữa dưới trần sẽ bị điêu linh, người bị chết nhiều. Thủy tai, dịch tả, chiến tranh, hỏa hoạn. Lúc bấy giờ mười người chỉ sống sót còn ba. Gạo nước, thịt thà sẽ vô khối mà không có người ăn. Trời sai ta xuống thử lòng dân, ai còn nhân đức thì cho sống.

Người đàn bà tái mặt. Bà chắp hai tay vái lia lịa trước mặt cụ già, như đứng trước một ngôi chùa linh thiêng.

– Con lạy ngài ! Gia đình con có bẩy người cả thẩy, xin ngài sinh phúc…

Cụ già xua tay :

– Được, người không lo, miễn là cứ ăn ở cho có nhân đức, biết thương yêu, cấp đỡ cho người khốn khó. Thôi người đi đi. Ta còn phải đi chỗ khác thử lòng đây.

*

Bà Chánh Thao bàng hoàng cắp rổ ra chợ. Đến đầu chợ gặp cô Thúy, bà khoe ngay bằng một giọng thì thầm :

– Này cô Thúy ạ, ở đàng kia có một ông tiên. Ông ấy nói ghê lắm cơ, bảo sáu tháng nữa thì mười phần chết bẩy còn ba.

– Có phải cái ông cụ có cái dỏ mây mới phải không hả bà.

– Phải đấy.

– Thế thì hôm qua cháu cũng gặp. Cụ ta bảo xuống thử lòng dân bà ạ. Cháu sợ quá. Mà cháu mới đi được một quãng quay đầu lại, đã thấy biến mất.

Một vài người tò mò đứng sán lại nghe. Rồi một vài người nữa hỏi nhao nhao :

– Đầu đuôi thế nào ?

Bà Chánh Thao chả hiểu đi chợ làm gì ? Công việc của bà có vội không ? Mà bà quên cả việc, ngồi ngay xuống giữa chợ kể lể, thì thào. Nghe hết chuyện mọi người ngơ ngác nhìn nhau.

– Hay thật.

– Nào ai biết được.

– Đích là tiên rồi chứ còn gì nữa.

– Không tiên, sao lại không lấy tiền.

– Thật phen này chết bẩy còn ba.

Chỉ trong chốc lát câu chuyện tiên giáng trần đã lan khắp chợ. Lúc tan chợ thì câu chuyện ấy lan khắp làng rồi khắp tổng.

*

Ông Chánh Thân một nhà cự phú ở làng Phù Đổng thoạt nghe câu chuyện đã tái mặt. Ông bàn với vợ, lo lắng :

– Chết thế này thì gia đình mình khéo nguy.

– Sao ?

Ông Thân ngẫm nghĩ… Ông nghĩ đến những hành vi của ông từ trước đến giờ, ông lo sợ và hối hận. Vợ ông hình như cũng đoán biết ý ông. Bà cũng nghĩ đến những sự bạc đãi bóc lột của bà đối với người làm, người nghèo khó. Bà băn khoăn :

– Hay là thế này ông nó ạ.

– Thế nào.

– Bây giờ mình vờ như không biết ông cụ ấy là tiên. Mình ra đón về nuôi nấng tử tế như nuôi một người nhà.

Ông Thân tươi nét mặt.

– Ừ cũng có lẽ. Bà nói phải đấy.

Rồi vài giờ sau người thấy ở gốc đa đầu làng, bên lối đi chợ có một người đàn ông và một người đàn bà ăn mặc giản dị, đứng thơ thẩn không hiểu có việc gì. Họ luôn luôn trông sau trước. Cứ hễ đằng xa có bóng người già nua nào đi lại thì trên mặt hai người lại vẽ rõ ra những luồng hy vọng. Một người qua hai người qua, vẫn chưa thấy bóng dáng người họ muốn tìm. Cứ thế cho đến chiều tối, hai người vẫn đi lại thẩn thơ, chờ đợi.

*

Có một buổi trưa, ánh nắng gay gắt dát vàng trên cây cỏ. Đường xá vắng teo, làng mạc im lìm. Thỉnh thoảng mới có một tiếng gà hay tiếng quốc ngân lên, xa vời vợi. Rồi lại chìm ngay trong vắng lặng.

Giữa lúc ấy Nhân Đức Tiên Ông hiện ra với chiếc dỏ mây và chiếc bị. Cụ thong thả đi vào làng. Đến một nhà giầu đầu làng cụ đứng im nghĩ ngợi. Cụ ngước mắt nhìn cái cổng gạch đồ sộ có hoa thiên lý leo chằng chịt. Rồi cụ đẩy cánh cửa khép, im lặng vào ngồi trong cổng. Đàn chó trong nhà xồ ra sủa ầm ỹ. Trong nhà có tiếng càu nhàu :

– Đi ăn xin mà câm như hến. Hay định xoáy đấy. Tống cổ mẹ nó ra.

Cụ già thoáng nghe thấy. Cụ khẽ chép miệng lẳng lặng đi ra.

Nhưng mới đi được và bước, có tiếng gọi giật lại :

– Này cụ già ơi.

Cụ quay lại nhìn. Trong cổng một người đàn ông ăn mặc chững chạc, đang vẫy cụ. Cụ hỏi lại, trống không :

– Bảo gì ?

– Cụ hãy quay lại đây đã.

Cụ già theo lời.

– Mời cụ vào chơi trong nhà.

– Chết, tôi đâu dám.

– Thì cụ cứ vào đây đã nào.

Cụ già khật khưỡng đi vào và lên thẳng nhà trên. Ông chủ sai người nhà ra đóng cửa. Rồi trên nhà trên chỉ còn văng vẳng những tiếng nói chuyện thì thào nhỏ và nhẹ.

Nửa giờ sau, cụ già trở ra với cái dỏ mây đầy gạo trắng. Cụ lững thững đi một lát rồi lại vào nhà khác. Và cứ thế mỗi lần vào và ra khỏi một nhà, cái dỏ lại đầy thêm. Cụ phải chứa vào cả cái bị đem theo. Cụ đi gần hết các nhà trong xóm và đến mãi gần chiều mới đến nhà cự phú Thân. Đến nơi thấy cổng đóng cụ dừng lại lẩm bẩm :

– Hừ thằng này kiệt có tiếng đây.

Cụ gõ cửa. Trong nhà có tiếng sì sào, rồi tiếng người từ trên nhà bước xuống sân, đi ra phía cửa. Cánh cửa mở, thằng nhỏ ngạc nhiên nhìn cụ già. Nó không ngờ người quý khách gõ cửa này lại là một cụ ăn mày, và nó toan đóng cửa lại thì trên nhà có tiếng hỏi :

– Ai thế ?

– Ăn mày ạ.

Vừa nghe thấy thế, ông Thân đã đi guốc lẹp kẹp từ trên nhà xuống sân chạy vội ra cổng. Ông dắt cụ già vào trong nhà :

– Khốn khổ, cụ già nua tuổi tác mà còn phải vất vả thế này ư. Chắc cụ nhỡ độ đường.

– Không.

– Thế cụ ở đâu đến chơi đây.

– Không.

– Mời cụ vào nghỉ trong nhà cho mát. Nắng nôi thế này cụ vội vã đi đâu.

– Không, tôi xin cám ơn ông.

– Mời cụ vào nghỉ chân cho đỡ mỏi đã.

Cụ vẫn từ chối, không vào. Nhưng ông Thân cứ nắm lấy tay lôi kéo mãi. Và sau cùng cụ già đành để ông Thân dắt lên nhà. Ông mời cụ ngồi xuống chiếc chiếu đẹp nhất tìm ấm, sắp chén, lấy trà và sai nhỏ đi đun nước.

– Thưa cụ, chắc cụ ở xa mới đến đây.

– Lão ở xa, xa lắm.

– Thưa cụ thế chắc cụ chưa dùng cơm sáng. Cụ nghỉ cho đỡ mỏi, để cháu bảo người nhà thổi cơm cụ sơi.

– Thôi, thôi đừng ! Lão vội lắm lão còn phải đi khắp làng này.

– Cụ phải đi vất vả thế để làm gì ?

– Rồi sẽ biết.

Nói xong, bỗng ông già nhìn trời, hoảng hốt :

– Chết chửa ? Gần tối rồi… Thôi chào ông, tôi phải đi ngay không nhỡ hết.

– Thôi tối nay mời cụ ngủ lại đây với cháu một tối cụ ạ ?

– Không, không được, bão chết cò lão cũng phải đi.

– Thì cháu chỉ mời cụ ngủ lại với cháu một tối thôi.

– Không không thể được.

– Thế tối đến nơi rồi mà cụ cũng nhất định đi.

– Nhất định.

– Cụ già nua thế mà cũng phải vất vả, cháu ái ngại quá. Cháu có chút quà đãi cụ. Cháu đãi cụ mấy đấu gạo để thêm vào dùng ở dọc đường.

– Thôi thôi. Cám ơn ông. Gạo ta không thiếu. Vả lại gạo nặng ta mang làm sao được.

– Được cháu cho thằng nhỏ mang hầu cụ.

Cụ già lắc đầu :

– Ô, theo ta làm sao được. Biết ta đi đến đâu mà theo.

Ông Thân ngẫm nghĩ một lát, quay vào trong buồng lấy ra một số tiền đưa cho cụ già :

– Cụ không lấy gạo. Cháu có ít tiền làm quà cụ vậy, cụ vui lòng.

– Không, không, ta lấy tiền làm gì ?

– Hay là không đủ cụ dùng. Cháu biếu cụ thêm.

– Không ta bảo ta không biết tiêu tiền mà.

– Sao không được. Cụ mang tiền đi đến đâu lấy tiền mua thức cần dùng tiện mà nhẹ.

– Ta bảo ta không lấy mà.

– Cụ cứ cầm cho cháu gọi là của ít lòng nhiều.

– Ta không lấy.

Ông Thân cầm cả nắm tiền dúi vào tay cụ, cụ lại hất ra. Giằng co như thế mãi đến năm phút, rồi cụ già mới chịu cầm tiền bỏ vào túi và bảo ông Thân :

– Ông tốt lắm, rồi ta sẽ có dịp trả ơn. Ta nể ông lắm ta mới cầm số tiền này để rồi lại cấp đỡ cho người khác mà thôi.

Giữa cánh đồng làng Phù-Ninh có một cái cầu đổ nát. Trước kia đó là một cái cầu gạch do dân làng xây lên để những người làm đồng trú chân khi mưa nắng. Một năm kia, trời bão cầu đổ và cũng không ai sửa chữa và gần đây mới xây một cầu khác. Cái cầu cũ không mấy ai đến nghỉ ngơi nữa, để cây cỏ mọc um tùm. Những giây leo chằng chịt quanh cầu. Nơi đó thành chỉ là nơi gặp gỡ của chó, mèo hoang.

Ít lâu nay chiếc cầu hoang ấy lại có vết chân người. Đó là những người hành khất từ phương xa lại, bị dân làng xua đuổi nên chỉ ban ngày đi xin trong các nhà, đêm đến lại tụ họp thổi nấu và ăn ngủ ở các cầu quán giữa đồng.

Tối nay cũng như mọi tối khác, ai đi qua chiếc cầu đổ ấy cũng nghe thấy tiếng sì xào từ trong đưa ra. Tiếng to, tiếng nhỏ, tiếng gắt. Và có cả những tiếng nói phều phào như không còn sinh khí. Họ kháo khau :

– Hôm nay mày được mấy đấu.

– Lưng đấu.

– Ồ khá đấy.

– Khá gì, kêu dát cả cổ, đi đến mấy làng mấy tổng.

– Thế cũng còn hơn. Tao đi gẫy cả gối. Chó cắn rách mẹ nó cả bị, mà được mỗi hai đồng bạc.

– Cánh này cũng thế. Hơn gì.

Họ kháo nhau chán, rồi tất cả im lặng.

Nhưng được một lát, lại có một tiếng nói cất lên :

– Này chúng mày ạ, cánh mình đều ẩm iu hết mà sao chỉ có lão Giự hôm nào cũng bẫm. Chúng mày có biết lão kiếm ăn phương nào không ?

– Ừ, mà lạ thật.

– Hay là lão ta đi xoáy.

Một giọng đàn bà cãi hộ :

– Không, đừng nói thế mà oan cho lão ta. Lão ta không có tính ấy đâu.

– Nào biết đâu ma cỗ. Đói ăn vụng túng làm càn. Không làm thế thì sao có nhiều tiền.

– Không, lão ấy làm cách nào ấy chứ ngữ ông già lọm khọm thế mà đi xoáy nó vớ được nó cho một quả thì mất xác.

Vừa lúc ấy có tiếng động ở phía ngoài rồi một người lom khom chui vào trong cầu.

– Ông Giự đấy phỏng ?

– Phải. Sao không đốt lửa lên cho sáng một tí.

– Làm gì còn củi. Mồi ở góc đàng kia kìa, có hút thuốc thì vào mà thổi.

– Ừ anh nào vào châm cài đóm, tôi mới có cây nến đây.

Một lát sau cái ổ chuột ở giữa đồng đã có ánh lửa le lói của một cây nến trắng. Nội cảnh bề bộn trong gian cầu phơi bầy một cách trơ trẽn dưới ánh nến yếu nhạt. Góc này vài ba chiếc bao tải rách. Góc kia mấy chiếc niêu đất lăn lóc cạnh mấy bó rơm rũ rối. Hai người đàn ông gầy hom hem, mặt mũi nhem nhuốc ngồi bó gối nhìn nhau. Ba bốn người đàn bà nằm hỗn độn trên mấy mảnh chiếc rách ngó đầu nhìn ông Giự lấy gạo, bánh trong dỏ mây xếp ra ngoài. Một đứa trẻ, độ chừng hai tuổi, đầu bôi phẩm xanh lòe loẹt lồm ngồm bò ra gần ngọn nến.

Ông Giự xếp hết cả những bánh trái và quần áo rách rưới ra đất, cầm chiếc dỏ mây dốc sạch không còn thứ gì ở trong nữa, rồi mới bùi ngùi nói :

– Ngày mai, tôi phải xa tất cả các bác.

Mọi người hỏi rối rít :

– Tại sao ?

– Tại sao ?

– Ông đang kiếm ăn được ở vùng này sao lại bỏ đi.

– Ấy chính vì thế mà phải bỏ đi. Mai tôi đi, tôi chỉ mang tiền đi thôi. Còn một ít gạo và bánh tôi để lại đãi các bác.

Cụ Giự ngừng một lát rồi nói tiếp :

– Chắc là mấy hôm nay, thấy hôm nào tôi cũng đi sớm rồi tối mịt mới về mà lại kiếm được chắc các bác cũng lấy làm lạ lắm. Tôi cũng giấu các bác không nói, sợ lộ chuyện. Nhưng đến mai thì tôi bỏ vùng này, vậy hôm nay tôi xin kể hết cho các bác nghe.

Mấy người đàn bà ngồi dậy. Hai người đàn ông lắng tai nghe. Ông già hít một hơi thuốc lào, rồi bắt đầu kể lại tỉ mỉ chuyện ông già làm tiên cho cả bọn nghe. Ông kể hết những hành vi của ông ở chợ, những lúc ông nhờ mua thịt, lúc ông vào xin các làng và cả khi ông vào nhà Chánh Thân nữa.

Khi kể hết rồi, cả bọn hành khất thi nhau khen ngợi mưu sâu của người hành khất già. Rồi một người đàn bà hỏi :

– Thế thì làm sao ông phải đi ?

– Tôi phải đi vì cái trò này tôi đã làm được mấy hôm rồi. Chẳng chóng thì chầy rồi họ biết tôi chỉ là một đứa ăn mày thì họ đón họ đánh tôi bằng chết. Vì thế tôi buộc lòng phải đi kiếm ăn phương khác. Trước khi đi tôi để lại ít gạo nước để làm quà các bác.

Người ăn mày đàn ông vẫn ngồi bó gối nghĩ ngợi ở góc cầu bấy giờ mới ngửng lên bảo cụ già :

– Cụ ạ, cụ cho chúng cháu cám ơn cụ. Nhưng cháu muốn xin riêng cụ mấy cái này nữa.

– Bác muốn xin gì ?

– Cháu muốn cụ đổi cho cháu bộ quần áo của cụ. Và cụ cho cháu xin cái quả bầu nậm, cái cành phan kia và cái dỏ mây.

– Bác lấy làm gì ?

– Để cháu cũng giả vờ làm tiên như cụ

Ông già cười và ho sòng sọc :

– Không được, không được. Bác trẻ lắm, râu ria đâu mà giả vờ như tôi. Vả lại, tôi đã bỏ rồi, bây giờ bác lại bắt chước thì không ăn thua gì đâu mà có khi những đứa mất tiền với tôi nó tức nó đánh cho thì ốm xác…

Nói xong cụ lại cười sằng sặc, khôi hài chua chát :

– Ai cũng muốn làm như tôi thì tất cả ăn mày đều thành tiên cả à ?

Người hành khất trẻ nghe cụ già pha trò, không cười được. Hắn im lặng đăm đăm ngẫm nghĩ như có vẻ tiếc một cái gì đã mất không thể tìm về được nữa.

Bình luận