Cả mấy người đều ngửng đầu lên nghe ngóng. Rồi họ ngơ ngác nhìn nhau như dò hỏi :
– Có tiếng súng con rồi các ông ạ !
Vừa rứt lời một tràng súng máy nữa lạch tạch nổ theo. Trong gian hầm tối mờ mờ họ lại ngơ ngác nhìn nhau. Mấy người đàn bà cũng thôi rên rỉ. Chị Đan ôm chặt đứa con cho khỏi khóc rồi nhìn chồng :
– Nhà tôi. Làm thế nào bây giờ ?
Anh Đan yên lặng không đáp. Anh cúi rạp mình bò ra phía cửa nhìn ra ngoài. Trên không sáu chiếc máy bay đen sì như đàn quạ vẫn theo nhau rít lên, rồi nhả từng tràng đạn. Cả mấy người và cả gian hầm như run lên dưới tiếng rít rùng rợn và tiếng đạn nổ như xé không gian.
Anh Đan thụt vào, lắc đầu chán nản.
Một người hỏi :
– Thế nào anh Đan ?
– Tàu bay nó vẫn bắn riết lắm. Nhưng cũng phải liều chạy vậy chứ. Tiếng súng con gần thế thì quân bộ nó đến Phù-Dực rồi.
– Phải đấy, đành liều vậy thôi.
Một người lóp ngóp bò ra cửa hầm. Rồi hai, ba người đàn ông nữa theo ra. Một chiếc phi cơ sà xuống sát ngọn cây bắn một tràng đạn lửa và lao đi. Từ cửa hầm, hai người đàn ông chạy vụt qua sân gạch ra phía vườn nhanh như biến. Trên không đoàn phi cơ vẫn nối đuôi nhau bay sè sè. Từ cửa hầm hai, ba người nữa lại chạy vụt ra.
Anh Đan quay vào nhìn phía trong. Chỉ còn anh, vợ anh và chị Nhung. Anh ghé mắt qua cửa hầm nhìn ra ngoài, nghe ngóng. Tiếng súng máy vẫn gần thêm.
Anh quay vào dặn :
– Thôi nhà tôi và chị Nhung ở đây vậy nhé. Nếu quân bộ nó vào tầu bay không bắn nữa thì sang hầm nhà bác Ba Huyền mà ngồi cho đông. Tôi, thanh niên, thì thế nào cũng phải chạy.
Anh Đan băng mình ra vườn sau. Theo rìa tường nhà Phó Thuận, anh lần ra phía đường cái. Anh ngơ ngác nhìn tứ phía. Thôi chết. Tây đốt Phù-Dực rồi. Khói đen bốc lên ngùn ngụt. Một đám, hai đám, ba bốn đám. Lẫn lộn tiếng súng máy và tre nổ tanh tách. Hai người đàn ông lực lưỡng, mặt tái mét chạy qua mặt anh. Anh phân vân. Anh nhìn trước sau, rồi nhìn vào sân nhà anh Ba Huyền. Rồi anh chạy vụt qua ngõ vào nhà anh Ba. Trong nhà hai người hốt hoảng chạy vụt ra phía ngõ. Người chạy ra người chạy vào, nhớn nhác.
Anh đến giữa sân, thì anh Ba ở dưới hầm lên lôi anh ra cửa.
– Vào đây làm gì ? Khổ lắm, chạy nháo lên tàu bay nó bắn chết cả bây giờ. Ở trong này người ta đang chạy đi không được.
– Thế trong ấy có hầm bí mật cơ mà ?
– Ăn thua gì ? Hầm ở dưới chân đống rơm, nó cho que diêm thì chết hết.
– Trong ấy còn ai không ?
– Còn mấy người đàn bà.
– Thế chúng ta đi đâu bây giờ ?
– Đi với tôi. Ra vườn ông Thủ Sinh vậy.
*
Khói mỗi lúc một nhiều. Tiếng súng càng gần hơn trước. Hai chiếc máy bay sau cùng thôi không bắn nữa. Quân bộ tiến vào khắp làng, tiếng hô, hét, nói ầm ỹ trên đê. Cháy mỗi lúc một to. Khói và tàn gio bay mù mịt.
Chị Đan mặt tái xanh, tay run cầm cập bế con đứng ở cổng nhà Ba Huyền, chưa biết chạy đi đâu. Nhung đã bỏ chị một mình ở lại hầm chạy trốn. Chị bế con sang hầm anh Ba cũng không còn thấy người nào nữa. Chị đánh liều bế thằng Cu chạy vào phía trong ngõ. Một người đàn ông trong ngõ vội vã chạy ra. Trông thấy chị, hắn ngừng lại ngửng đầu lên.
– Kìa ông Khán, ông chạy đi đâu thế ? Tây đến đâu rồi hả ông ?
Ông Khán trả lời hấp tấp rồi ù té chạy :
– Không biết, thấy nó xì xồ nhiều quá tôi xé rào nhà ông Phó Hội Thảo chạy ra đây.
Chị Đan hoảng hốt bế con chạy theo ông.
– Thế có phải nó vào Phù-Dực rồi phỏng ông ?
– Phải, nó giết nhiều người lắm. Bà Thanh, chị Hảo, anh em ông Thơ Vinh ! Chết hết cả rồi.
Hai người chạy đến ngã ba đường dừng lại đứng im dò xét. Ông Khán nấp sau gốc nhãn ghé mắt nhìn lên phía đê. Bỗng ông giật lùi lại, khẽ kêu lên :
– Thôi chết ! Tây nó xuống.
Và ông vùng chạy tạt vào một ngõ ngách con. Nhà nào cửa cũng đều đóng kín. Ông lo sợ nhìn quanh. Bụi tre, búi cỏ, bờ ao. Chúi chỗ nào cũng không chắc. Mà Tây đã xì xồ gần lắm rồi. Ông liền nhẩy xuống bờ ao chui vào một bụi cây toàn lông dô và khúc tần. Chị Đan ngơ ngác theo đến rồi cũng liều bế con chui theo ông Khán. Gai lông dô xước cả mình mẩy, thằng Cu cựa quậy khóc oe oe.
Liền đó bọn Tây sục vào đến trong ngõ. Lố nhố bẩy tám người. Tây đen, Tây trắng và hai ba lính dõng. Họ đi huỳnh huỵch mắt nhớn nhác nhìn trước sau, nhìn khắp các bụi cây như tìm tòi.
Tên lính Tây dừng lại chỉ tay vào bụi cây bờ ao :
– Co Việt-Minh.
– Pas Việt-Minh.
– Co ! co tiêng ngươi khoc.
Một tên lính dõng trả lời :
– Không phải ! Quan nghe lầm.
Tên lính ngoại quốc cười :
– Quan lơn nhâm ! U thi quan lơn nhâm.
Bọn Tây vừa đi khỏi một lát, ông Khán Canh bò lên phía trên lách lá nhìn ra ngoài. Ông chui ra khỏi bụi cây tìm tòi một chỗ ẩn khác.
Chị Đan níu lấy áo ông :
– Ông Khán, ông đi đâu cho cháy theo mấy.
– Giời ơi chị con mọn, nó khóc để chết lây hết cả à. Cứ ngồi yên đấy.
Không nghe, chị Đan lóp ngóp bò ra.
– Một mình, cháu sợ lắm. Lạy ông.
Không đáp, ông Khán nhoài lên mặt đường. Ông nhìn tứ phía, rồi bò rạp về phía bụi tre. Chị Đan nắm lấy quần ông đòi đi theo. Tây vẫn xì xồ nói ở phía trong ngõ. Ông Khán run lên co dò đạp mạnh người đàn bà xuống bờ ao rồi ù té chạy. Đằng sau chỉ còn tiếng lá cây sột soạt lẫn với tiếng trẻ khóc thất thanh.
Tiếng Tây nói, tiếng giầy lộp cộp lại gần. Chị Đan ôm chặt con vào lòng giữ cho nó khỏi khóc. Gai lông dô quết ngang dọc mình mẩy chị, chị quên cả đau lại cố lách vào chỗ cũ. Chị biết ông Khán cũng không giữ cho chị khỏi chết nếu không may bị Tây bắt được. Nhưng có ông trốn cùng ở đây cũng đỡ sợ. Chị tin vào sự bảo vệ mong manh của ông như đứa trẻ sợ ma cùng đường tin vào chiếc chăn đơn đắp kín đầu. Bây giờ, ông Khán đã chạy sang bụi tre nhà Hai Thảo. Chị thấy cô độc lắm. Mà chị còn có thể theo ông Khán được. Thôi đành liều. Chị lóp ngóp thò đầu ra ngoài bụi khúc tần, tìm lối đi.
Nhưng tiếng chân người bước huỳnh huỵch lẫn tiếng nói oang oang làm chị giật mình. Chị thụt vội đầu vào, toàn thân run lẩy bẩy. Qua khe lá, chị thấy một toán Tây nữa, từ trong ngõ đi ra và một bọn năm sáu người bị trói giật cánh tay đi bên cạnh. Một tên lính da đen đi kèm, thỉnh thoảng nói ồm ồm rồi dơ báng súng lên đánh túi bụi. Có cả hai người đàn bà cũng bị bắt. Mặt họ cúi gầm lễ mễ khiêng một cái dọ nhét lẫn lộn cả lợn gà và chó cún. Bác Ba Huyền cũng bị bắt. Quần áo rách tả tơi, bác khoác trên vai một gói gì to lắm bọc vải vàng.
Chị Đan rùng mình, mắt nhìn theo đoàn người diễu qua trước mặt. Chị lo sợ cho chồng chị không biết chạy đâu. Anh chạy sau bác Ba Huyền có một tí thôi. Không biết có thoát được không ? Hay bọn khác nó bắt được rồi. Hay là nó thấy thanh niên vạm vỡ nó nghi ngờ, nó bắn chết rồi.
*
Một con vành khuyên cánh vàng chươi chưới từ trên cành tre bay xuống bụi khúc tần kêu chiêm chiếp lách tách chuyền từ cành này sang cành khác. Nó nghiêng đầu, chớp chớp đôi mắt nhỏ nhìn theo con sâu đang vươn mình bò trên cánh bèo. Nó bay là xuống mặt nước, rồi bỗng như sợ hãi, hốt hoảng bay vụt lên cành tre.
Nghe tiếng động chị Đan giật mình mở choàng mắt. Trời đã bớt u ám. Ánh nắng xiên khoai lọc qua khe lá một mầu xanh nhàn nhạt. Chiều lắm rồi. Có lẽ đến ba, bốn giờ rồi, mà tiếng súng, tiếng Tây nói vẫn ầm ầm trong xóm. Thỉnh thoảng có tiếng vỗ cánh phành phạch, rồi tiếng gà kêu quang quác như có ai săn đuổi. Tre nứa nổ lép bép trong những căn nhà cháy dở lẫn lộn với tiếng ngói rơi loảng xoảng, tiếng tường đỗ ầm ì hỗn độn. Chiếc nhà lá nhà Xã Khâm vẫn chưa cháy hết. Ngọn lửa ầm ầm reo lên, rít lên như một cơn bão lớn.
Co quắp mấy tiếng đồng hồ trên vũng bùn, chân tay chị Đan mỏi rời rã. Chị cũng không dám duỗi thẳng, không dám cựa mạnh. Chị khẽ quờ tay sờ vai, sờ ngực, sờ lưng chị. Nước ao ngấm ướt đầm quần áo. Hơi lạnh như thấm vào tận trong lòng. Da thịt chị nổi gai lên, khắp người ngứa râm ran chị không dám gãi.
Một tiếng súng nổ như xé tai. Chị giật bắn mình nhìn ra con đường trước mặt.
Một toán Tây sừng sững đi vào phía trong ngõ. Con chó lớn lông trắng như lông thỏ, nhẩy nhót theo sau mõm nghếch lên trời sủa vu vơ.
Toán Tây đến đầu bụi tre đứng dừng cả lại. Một tên lính to lớn dơ tay vẫy vẫy, rồi dễ dàng gọi bằng tiếng ta :
– Ê, Việt-Minh phải không ? Mang lại đây.
Từ phía trong ngõ một tên lính da đen khác lùi lũi dẫn một người đến chỗ toán lính đứng. Người kia run rẩy đi cạnh tên lính mặt cúi gầm. Chị giật mình vì chị nhận ra người đó là ông Khán Canh. Khốn khổ, ông chui ở đâu mà để nó bắt được thế kia.
Ông vừa đến trước mặt bọn lính, một tên đã nhẩy xổ ra đấm đá túi bụi :
– May ! Bô đôi phai không ?
– Bẩm quan, không.
– Du kich phai không ?
– Bẩm quan, không. Con là dân quê.
Tên lính hét lên, thuận chân đá thốc vào bụng người đàn ông vô tội :
– Dân quê a. Viêt-Minh, Viêt-Minh tuot !
Ngừng một lát, hắn lại vênh mặt hầm hầm quát :
– Chu tich lang may là ai ?
– Lậy quan, con không biết.
– Trương thôn lang may là ai ?
– Bẩm quan. Con không biết.
Tên lính chắp tay sau lưng, lững thững
đi bách bộ. Ngẫm nghĩ một lát hắn quay lại hầm hầm nhìn ông Khán Canh :
– Cai gi cung không biêt. A-lê đi !
Theo câu nói chiếc báng súng tàn nhẫn bổ xuống đầu người đàn ông.
– Lạy quan lớn ! Quan tha cho con.
– Tha gi ! A-lê đi !
– Lạy quan, quan tha. Con dân quê không phải là Việt-Minh.
Tên lính ngoại quốc ngẫm nghĩ rồi mỉm cười nham hiểm :
– Muôn tha a ? Ư thi quan tha. Thôi cho vê.
Vẻ sung sướng hiện rõ trên mặt ông Khán. Ông run rẩy đứng ngay người, vái dài một cái, rồi hớn hở quay đi. Bọn lính ngơ ngác nhìn tên đội như không hiểu. Họ tiến đến trước mặt tên này xì xồ phản kháng. Tên đội không đáp vẫn chằm chằm nhìn theo người đàn ông đang thất thểu đi vào lối xóm.
Bỗng hắn quay lại bọn lính nói một câu ngắn gọn nhếch mép cười, nhắc khẩu tiểu liên dơ lên ngang vai quay ngọn súng về phía xóm.
Mấy ánh lửa lòe lòe trên miệng súng, một tràng đạn bay vèo, nổ ròn tan. Ông Khán hét lên một tiếng rồi vùng chạy. Mấy vết máu đỏ loang trên lưng người đàn ông khốn nạn. Máu chẩy dòng dòng xuống bàn chân in lên mặt đất những vết đỏ thắm như người rửa chân bằng máu.
Một tràng đạn nổ tiếp theo, người đàn ông không còn sức chạy nữa, loạng choạng, lảo đảo ngã gục xuống cỏ, đầu ngoẹo đi gối lên cánh tay trái đầm đìa những máu.
Tên đội lê dương nhìn người đàn ông vừa ngã gục xuống cỏ, cười khanh khách. Tiếng cười ghê rợn làm chị Đan rùng mình, tay rời đứa con nhỏ. Thằng bé cựa mạnh, khóc thét lên.
Bọn lính quay phắt cả lại, mắt gườm gườm nhìn về phía bờ ao.
Tên đội chỉ tay vào bụi cây và nói :
– Ang co Viêt-Minh !
Rồi hắn huýt sáo gọi chó. Hắn nhặt gạch ném tung tóe vào các bụi cây. Con chó ve vẩy đuôi lao mình, nhẩy xổ xuống ao, bơi tùm tũm.
Nó sục sạo ở mấy bụi cây ngoài, séo lên những cành cây khô loạt xoạt. Chị Đan nằm nín thở khấn thì thầm. Thằng Cu trong lòng cựa mạnh mấp máy miệng chực khóc. Chị vội vã ghì chặt con vào lòng Nhưng nó vẫn không nghe, vẫn cựa mạnh rẫy rụa. Con chó từ bụi phía xa rẽ gai toan chui sang phía chị nấp. Cái mõm dài nguêu há hốc lưỡi đỏ lòm khủng khiếp. Chị Đan mặt tái thêm càng ghì chặt lấy con mà nó vẫn không nghe, vẫn rẫy rụa, hai tay chới với, miệng mấp máy mếu xệch. Chị hy vọng mỏng manh bọn lính sẽ không tìm kỹ sẽ cho là chúng nghe lầm như bọn Tây hồi sáng. Nhưng ác thay con chị vẫn cựa đều chỉ chực khóc thét lên cho hả.
Chị lắc đầu thất vọng, rồi gạt nước mắt nhét chiếc vạt áo vào mồm nó. Đứa trẻ nấc lên mấy lần, tiếng khóc nghẹn trong cổ họng. Người mẹ nhìn con, gò má đầm đìa nước mắt. Nhưng chị cũng hơi vui mừng. Chị hy vọng chó không nghe thấy tiếng động sẽ quay ra. Thế là mẹ con chị thoát. Nếu không ! Có tiếng động bọn Tây nghe tiếng mà xô cả xuống đây chị không còn hy vọng sống nữa. Chị sẽ chết, chết thảm hại, chết nhục nhã như ông Khán Canh vừa rồi dưới ngọn súng tàn bạo của bọn người khác giống. Chị nằm ép bên bờ ao, tai nghe từng tiếng động của con vật tàn ác.
Con vật sục sạo rẽ gai không được, hực lên mấy tiếng rồi quay ra nhẩy lên bờ. Tên đội huýt sáo miệng cười hềnh hệch, rồi chĩa súng bắn rào rào vào các bụi cây. Đất cát rơi lả tả. Lá cây rách rã rợi, rụng tơi bời xuống mặt ao.
*
Tây vừa rút khỏi làng một lúc, anh Đan luồn ngay về nhà xem xét. Nhà anh còn nguyên, nhưng chum vại bị đập vỡ tan nát, đồ đạc vứt bừa bãi ra sân ngõ. Nhà vắng tanh. Anh đoán là vợ anh sang nhà Ba Huyền. Anh vội vã sang tìm nhưng không thấy. Chị Ba Huyền đang sắp gồng gánh đi tản cư cũng nói là không gặp chị Đan đâu.
Anh tất tả chạy sang nhà mẹ vợ, đến khắp các nhà quen thuộc hỏi thăm mà vẫn chẳng ai biết tin gì về vợ con anh cả. Người chết ngổn ngang trên lối đi, anh cũng không kịp hỏi xem là ai nữa. Người ngã gục trên rãnh nước, người chết đâm đầu trong đám cháy. Đường cái bụi cậy, chỗ nào cũng có máu. Máu từng vũng đông lại đen kịt, tanh nồng nặc. Khói khét lẹt, khói trắng mờ cả không gian lẫn lộn với những đám cháy lập lòe.
Anh Đan thẫn thờ nhìn cảnh làng tan tác. Anh thở dài hấp tấp ra cổng làng. Anh chỉ còn tìm ở đồng nữa may ra thấy xác vợ. Ngoài đồng tiếng khóc như gi. Ruộng này có lửa, ruộng kia có lửa lập lòe như ma chơi. Đám nầy đám khác, ai nấy đều vội vã chôn cất xong cho người thân quyến chả thèm chú ý đến anh. Anh tìm tòi khắp cánh đồng hỏi gần khắp mọi người mà vẫn chưa thấy một tia hy vọng. Anh chỉ gặp những đoàn người lùi lũi, lầm lì, cỗ quan tài lạnh ngắt trên vai. Hết bọn này đến bọn khác, bọn khiêng hòm ở chợ Húc về, bọn khiêng xác cha mẹ trong làng ra, nhan nhản và im lặng.
Anh quay về đến trong đê vừa gặp Tịnh, em vợ anh, hốt hoảng đi ra.
– Kìa anh Đan, em vừa định ra đồng tìm anh.
– Cậu tìm tôi làm gì ? Đã tìm thấy chị chưa ?
– Chưa, nhưng em vừa gặp bọn bà Ba Thuyết nói là thấy một người nằm trong bụi khúc tần bờ ao nhà ông Hai Khương, chân thò ra ngoài.
Một nét hốt hoảng lộ trên khuôn mặt khắc khổ :
– Thôi thế thì đích rồi. Tôi với cậu về xem thế nào vậy. Có thế nào còn chôn cất chứ.
– Vâng.
Hai người rảo bước về phía trong làng, im lặng cạnh nhau.
– À bà ấy có nói chuyện là có thấy tiếng kêu rên gì không hả cậu ?
– Em có hỏi nhưng bà ấy bảo vội đi không để ý.
Anh Đan thở dài :
– Chắc là nó bắn chết rồi.
Hai người vẫn rảo bước đi. Thỉnh thoảng gặp một bọn người lầm lì khiêng một cỗ hòm trên vai, ra phía cổng đồng. Làng đã im vắng hơn trước. Lác đác từng bóng người gồng gánh xanh nồi con cái đi lùi lũi về phía làng trên như những bóng ma. Đây đó leo lét một vài ngọn nến con lập lòe cạnh những đám than rừng rực của những căn nhà cháy chưa tắt hẳn.
Về đến ao nhà Hai Khương, Đan gặp ông Cả Hòa và anh Khuyên trong xóm đi ra. Anh kéo hai người xuống ao nhờ tìm giúp.
Mặt ao im lặng bỗng bì bõm có tiếng chân người. Rồi một ngọn lửa lòe lên, bất thình lình soi sáng các bờ bụi. Một xác người rã rời hiện ra dưới ánh lửa. Một giòng máu đen xì loang trên mặt nước. Anh Đan kêu lên :
– Thôi đúng rồi. Chết cả hai mẹ con.
Cả bọn ùa xuống khiêng xác người xấu số lên bờ ao. Ông Cả Hòa soi khắp mặt rồi nắn chân người khốn nạn.
– Không, không có việc gì. Chị ấy người hãy còn nóng. Chỉ bị có một phát đạn vào chân thôi. Kiếm nắm rơm đốt lên cho nóng.
Mọi người tất tả tìm phương cứu chữa. Một bó rơm to được mang đến. Ngọn lửa cháy bùng reo vù vù. Một lát chị Đan khẽ cựa quậy lắc đầu, mở to đôi mắt dại đờ nhìn xung quanh. Một người reo lên :
– Thôi tỉnh rồi không lo nữa. Đây là sợ quá nó thiếp đi đấy thôi chứ vết thương nhẹ lắm.
– Còn thằng bé nữa. Xem có chữa được không nào ?
– Chết cứng rồi, có mà chữa khỉ.
Tuy nói thế, ông Cả Hòa cũng vẫn soi đóm lật xác đứa bé lên xem xét.
– Ồ thằng bé nó không có vết thương gì mà sao lại chết nhỉ ?
– Chắc nó sợ quá.
– Sợ cũng chả chết được. Chắc bị đứt mạch máu lúc bỏ bom.
Anh Đan đang đốt rơm sưởi cho vợ vội quay ra :
– Không, lúc bỏ bom u cháu và cháu vẫn ở hầm nhà, chứ có việc gì đâu.
Mấy người vẫn im lặng, phân vân suy nghĩ. Ông Cả Hòa soi khắp cả mình mẩy thằng bé. Nó nằm co quắp chân tay cứng đờ. Mặt mũi tím bầm như chàm đổ. Bỗng ông Cả Hòa reo lên, vui mừng như tìm ra một điều gì mới lại :
– Thôi phải rồi, thằng này bị ngạt. Đây các ông trông mà xem.
Mọi người quay cả lại nhìn ông. Ông đang cúi xuống gần đứa trẻ, tay móc vào mồm nó. Ông lôi ra một miếng dẻ nhầy nhợt rãi rớt dơ lên trước mặt mọi người, rồi nói như phân vua :
– Đúng là thằng bé chết ngạt đây. Dáng chừng thằng bé khóc chị ấy sợ Tây nghe tiếng nó bắn cả hai mẹ con, nên chị ấy mới nhét dẻ vào mồm thằng bé đây mà.