Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Size 12 Không Phải Là Mập

Chương 14

Tác giả: Meg Cabot

Anh nghĩ cô ta

Thật là phức tạp

Em nghĩ cô ta

Hơi bị tâm thần

Tại sao anh chọn cô ta

Bỏ em?

Khi mà cô ả

Cần vào khoa điên?

Cô ta có gì mà em không có?

Cô ta cho anh được gì mà em không thể?

Làm sao mà cô ta trở thành của anh

Mà không phải là em?

“Cô ta có gì?”

Trình bày: Heather Wells

Sáng tác: O’Brien/Henke

Album: Theo dõi trái tim anh

Cartwright Recodrs

*************

Chính ra việc hội sinh viên quyết định tổ chức một cuộc thi hát nhép ờ Fischer Hall cũng khá phù hợp. Bởi vì, hãy thừa nhận đi, New York College toàn đám trẻ con – giống như tôi – mê thích biểu diễn điên cuồng.

Có thể đó là lý do vì sao họ mời tôi làm giám khảo, một vinh dự mà tôi sẵn sàng nhận ngay. Nhưng không phải vì tôi cần – như Cooper đã nói – cảm giác kích động của việc trình diễn, mà vì tôi nghĩ, nếu có cơ hội tìm được cái cậu Mark/Todd bí ẩn kia (nếu cậu ta tồn tại thật) thì cơ hội sẽ nằm ở một cuộc hội họp nào đó tại Fischer Hall, vì cậu ta chắc chắn đang sống trong toà nhà này.

Và biết đâu cậu ta còn làm việc ở đó nữa, như thanh tra Canavan đã – chỉ là châm chọc thôi, tôi biết mà – gợi ý cho tôi.

Thật khó mà tin được bất cứ ai trong số những người đang làm việc cùng tôi lại có thể là một kẻ giết người. Nhưng còn cách nào khác để giải thích cho việc xâm nhập rõ ràng vào tủ đựng chìa khoá đâu? Chưa kể việc cả hai cô gái bị chết đều có hồ sơ trong văn phòng của quản lý khu cư trú. Điều đó không nhất thiết có dính dáng gì đến cái chết của chúng. Nhưng, như Sarah thể nào cũng nói, cả Elizabeth và Roberta đều có vấn đề…

Và những vấn đề đó đã được lưu lại trong hồ sơ của hai đứa.

Còn nữa, cả 15 đứa RA, cũng như bộ phận bảo trì đều có chìa khoá vào cái văn phòng mà Rachel và tôi hiện đang dùng chung. Vậy nếu thật sự có một gã nào đó đã lục lọi hồ sơ để tìm những cô gái mong manh, thiếu kinh nghiệm để hắn có thể dễ bề dụ dỗ thì đấy nhất định phải là một người tôi quen biết.

Thế nhưng đấy là ai? Ai trong số những người tôi quen biết có thể làm một việc tồi tệ như vậy chứ? Một trong số các RA ư? Trong số 15 đứa bọn chúng, 7 đứa là con trai, tôi chẳng thấy đứa nào đặc biệt đa tình, chứ đừng nói đến chuyện tâm thần giết người hàng loạt. Trên thực tế, theo truyền thống của các RA, tất cả bọn chúng đều khá mọt sách, gà tồ – những đứa mà hễ nghe bọn sinh viên nội trú khăng khăng bảo rằng chúng đang hút thuốc là mùi chứ không phải cần sa thì lập tức tin sái cổ ngay. Thực sự bọn RA không sao phân biệt được thuốc lá mùi với cần sa. Hơn nữa, tất cả mọi người trong toà nhà này đều biết ai là RA. Ý tôi là, bọn này thường xuyên phải đi tuyên truyền về tình dục an toàn này nọ vào giờ ăn tối. Nếu Mark hay Todd là một RA, Lakeisha hẳn đã nhận ra chúng ngay khi vừa nhìn thấy.

Còn về phía các nhân viên bảo trì thì quên ngay đi. Bọn họ đều là người gốc Tây – Bồ đã ngoài 50, và chỉ mỗi Julio là có đủ vốn tiếng Anh để một đứa không thành thạo hai thứ tiếng có thể hiểu. Thêm nữa, họ đều đã làm việc cho Fischer Hall hàng bao năm nay. Sao phải đến bây giờ họ mới bỗng dưng nổi máu sát nhân?

Điều này, hiển nhiên, chỉ chừa lại các nữ nhân viên. Dựa vào ý thức đa dạng hoá, chính ra tôi nên đưa họ vào danh sách tình nghi của mình…

Chỉ có điều, chẳng ai trong số đó có thể để lại cái bao cao su kia trong phòng Roberta.

Nhưng hình như chỉ mỗi mình tôi thấy lạ là cả hai đứa con gái – mỗi đứa đều có một bộ hồ sơ trong văn phòng tôi, và cả 2 đều tình cờ tìm được một thằng bạn trai, đứa này cách đứa kia chỉ một tuần – lại ngẫu nhiên cùng quyết định đi lướt thang máy, rồi lao xuống chết gần như cùng lúc chiếc chìa khoá thang máy biến mất để rồi xuất hiện gần ngay sau đó khi một trong hai cái xác được phát hiện.

Đó chính là lý do vì sao vào 7g tối hôm đó, tôi chuồn khỏi căn nhà đá nâu, tôi chưa thấy Cooper ho he gì kể từ vụ thang máy sáng nay, thế cũng tốt, vì nói thật, tôi chả bết nói gì khi gặp lại anh.

Và đó cũng là lý do vì sao liền sau đó tôi gặp ngay Jordan Cartwright, vừa bước đến cửa nhà.

“Heather!” Jordan ré lên. Anh ta mặc một cái áo sơ mi phồng nhún – bạn biết rồi đấy, loại áo trong Seinfeld người ta vẫn lôi ra giễu ấy mà – cùng một chiếc quần da.

Vâng ạ! Tôi rất tiếc phải thông báo với các bạn. Quần da!

Và tệ hơn nữa là anh ta thật sự trông rất bảnh trong bộ vó này.

“Anh chỉ đến để xem em thế nào,” anh ta nói, với giọng điệu sặc mùi quan tâm đến sức khoẻ tâm thần của tôi.

“Tôi không sao,” tôi nói, kéo cửa lại và xử lý đám khoá. Đừng có hỏi vì sao đã có hẳn một hệ thống báo động chống trộm, một con chó và chương trình cảnh giác cộng đồng Rastafarian của riêng mình mà bọn tôi vẫn còn phải dùng nhiều khoá đến vậy.

Ôi mà sao cũng được.

“Buổi tối vui vẻ nhớ,” một gã bán ma tuý chào mời.

“Cám ơn,” tôi nói với gã, rồi quay sang Jordan, “Xin lỗi, thật tình tôi không có thời gian tán gẫu đâu. Tôi phải đi ngay đây.”

Jordan bước xuống những bậc thềm phía sau tôi.

“Chỉ là,” anh ta nói, “anh không biết em đã biết chưa. Chuyện Tania và anh ấy. Hôm nọ anh đã định nói với em rồi, nhưng em làm dữ quá… anh không muốn em biết mọi chuyện theo cách này, Heather à,” Jordan nói, cố bắt kịp khi tôi quày quả bước trên vỉa hè. “Anh thề. Anh muốn em nghe chuyện này từ chính miệng anh.”

“Đừng nghĩ ngợi gì, Jordan. Thật đấy.” tôi nói. Sao hắn ta không biến đi cho rảnh mắt nhỉ?

“Này,” một gã bán ma tuý chặn đường bọn tôi trên vỉa hè. “Mày có phải cái thằng đó không?”

“Không,” Jordan nói với gã. Rồi quay sang tôi, anh ta van vỉ, “Heather, đi chậm thôi nào. Ta cần nói chuyện.”

“Chẳng có chuyện gì để nói cả,” tôi trấn an anh ta, bằng giọng điệu hồ hởi nhất của mình. “Tôi không sao. Mọi chuyện rất tốt đẹp.”

“Mọi chuyện không hề tốt đẹp,” Jordan kêu lên. “Anh không thể chịu nổi khi thấy em phải đau khổ thế này! Điều đó làm anh tan nát cõi lòng…”

“A, này,” tôi nói với tên bán ma tuý đang bám theo chúng tôi. “Đây là Jordan Cartwright. Cậu biết đấy, nhóm Easy Street.”

“Cái thằng trong Easy Street!” tên này hét lên, chỉ vào Jordan. “Tao biết ngay mà! Này, xem này!” hắn gọi bạn bè. “Cái thằng trong Easy Street đấy!”

“Heather!” Jordan bị một đám xin chữ ký nuốt chửng mất. “Heather!”

Tôi cứ thế bước đi.

Chứ tôi còn làm gì được nữa? Ý tôi là, hắn ta đã đính hôn rồi. Nhưng không phải với tôi.

Còn nói gì được nữa chứ? Làm như tôi không có việc khác cũng cần kíp phải làm ngay lúc này ấy.

Rachel có vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi bước qua cửa Fischer Hall vào ban đêm. Đúng lúc tôi bước vào, chị ta đang đứng ngay sảnh, mắt mở khá là to.

“Heather,” chị ta kêu lên. “Cô làm gì ở đây vậy?”

“Họ nhờ tôi làm giám khảo.” tôi nói.

Vì một lý do nào đó, trông chị ta khá nhẹ nhõm. Và chỉ một giây sau, tôi đã hiểu ngay tại sao lại như vậy. “Ôi, tốt quá! Thêm một giám khảo nữa cho cuộc thi hát-nhép! Tuyệt! Tôi đang hy vọng là không chỉ có Sarah và tôi chấm điểm thôi. Nhỡ bằng điểm thì chả biết làm sao.”

“Heather!” Jordan thốc vào sảnh.

Ngay lập tức xung quanh chúng tôi vang lên những tiếng nín thở vì mọi người đã nhận ra anh ta ngay lập tức. Rồi những tiếng thầm thì trỗi dậy: “Có phải… không, không thể nào. Không, đúng mà! Trông anh ấy kìa!”

“Heather,” Jordan nói, lướt đến bên Rachel và tôi. Mấy sợi dây chuyền vàng trồi lên sụt xuống dưới lần áo sơ-mi phồng nhún lúc anh ta thở mạnh. “Làm ơn đi mà. Mình cần nói chuyện.”

Tôi quay mắt về phía Rachel, người đang nhìn Jordan chằm chằm,mắt còn mở to hơn cả lúc tôi bước vào.

“Đây, thêm một giám khảo nữa cho chị,” tôi quay sang nói với Rachel.

Thế là cuối cùng tôi với Jordan phải ngồi ở dãy đầu trong khoảng 300 ghế căng-tin, đối diện với quầy đồ nướng và salad đã bị đóng cửa, bảng điểm trên đùi. Bạn có thể hình dung điều này khiến cho việc Jordan muốn nói chuyện về mối quan hệ của chúng tôi càng trở nên khó khăn đến mức nào, trong khi anh ta lại đang rất tha thiết muốn làm điều đó.

Nhưng với tôi thì quá ổn. Thì, sự thật là tôi đến đây chỉ để truy tìm tên Mark và/ hoặc Todd bí ẩn kia, và việc tôi làm giám khảo chẳng giúp ích gì mấy trong truyện đó.

Nhưng nó cũng giúp tôi tránh phải nghe Jordan lải nhải biện hộ cho hành vi của anh ta – mặc dù tôi chả hiểu tại sao Jordan phải quan tâm xem tôi nghĩ gì về anh ta, trong khi anh ta đã hai năm rõ mười là không muốn yêu tôi nữa… Có thể Sarah giải thích được chăng – thế là tốt rồi.

Nhưng bọn sinh viên thì như phát rồ lên vì sự có mặt của Jordan. Bọn chúng không biết sẽ có một vị giám khảo VIP đến thế (Tôi thì chẳng kể làm gì. Vài đứa nhận ra tôi ở quầy tiếp tân đã bày tỏ sự quan tâm không thể nào ít hơn. Đêm nay, chỉ có Jordan… mặc dù tôi e rằng vài đứa trong bọn chúng tôi đang lôi anh ta ra làm trò hề vì cái sơ-mi phồng nhún, vì Easy Street và mọi thứ.) Sự có mặt của Jordan đúng là có mang lại cho cuộc thi không khí hợp thức mà trước đó nó còn thiếu.

Và cũng làm cho các thí sinh hồi hộp hơn.

Còn một dàn âm thanh ánh sáng công phu được dựng trên quầy salad; các cô cậu sinh viên lượn lờ xung quanh, tán dóc, thưởng thức soda và nhấm nháp khoai tây chiên miễn phí. Tôi đưa mắt tìm các cặp đôi, cố tách ra bất cứ đôi nam nữ nào nói chuyện gần gũi với nhau, vì tôi đồ rằng nếu Mark hay Todd mà sắp ra tay thì phải có cả bầy con gái để lựa chọn.

Nhưng tôi chỉ thấy từng đám sinh viên, trai và gái, da trắng, da màu, châu Á đủ loại, diện quần bò nhiều túi và áo sơ-mi, í ới gọi nhau vui vẻ, quăng mấy gói khoai tây chiên Doritos cho nhau. Ừmmm, Doritos cơ đấy!

Sarah ngồi ngay cạnh Jordan và không sao rời mắt khỏi anh ta. Cô nàng liên tục đưa ra những câu hỏi dò xét về ngành công nghiệp âm nhạc, cũng vẫn những câu đã hỏi khi gặp tôi lần đầu. Kiểu như, anh có cảm thấy bị lợi dụng khi làm cái quảng cáo Pepsi ấy không? Anh có cảm thấy việc trình diễn giữa giờ trong show Super Bowl đã hạ thấp vai trò nhạc sĩ của mình không? Còn cái danh hiệu ấy thì sao? Anh có khó chịu khi mình biết hát, nhưng lại không biết chơi bất cứ loại nhạc cụ nào không? Liệu điều đó, theo một cách nào đấy, có nghĩa là anh chằng phải nhạc sĩ nhạc siếc gì, mà chỉ là một cái miệng biết hát, để qua đó Cartwright Records truyền tải thông điệp tư bản tham lam của mình?

Trước khi đèn tắc, và chủ tịch toà nhà, Greg, đứng dậy để phát biểu chào mừng mọi người, tôi bắt đầu cảm thấy tôi nghiệp cho Jordan.

Rồi màn trình diễn đầu tiên bước ra sân khấu, tam ca 3 đứa con gái hát nhép bài mới nhất của Christina, có múa may các thứ. Khi đèn tắt, tôi có thể rà soát đám khán giả mà trông không quá lộ liễu.

Có rất nhiều sinh viên ở đấy. Gần như mọi chỗ ngồi đều đã kín, mà căng-tin thì có thể chứa đến 400 người. Thêm rất nhiều sinh viên đứng xếp hàng ở cuối phòng, huýt sáo, vỗ tay ầm ĩ, và nói chung, hành xử đúng kiểu 18 tuổi mới xa gia đình lần đầu. Bên cạnh tôi, Jordan đang chăm chú theo dõi bọn em-muốn-là Christina, bảng điểm cầm chặt trên tay. So với một người vừa bị ép uổng phải làm công việc này, anh ta quả là quá sức nghiêm túc.

Hoặc giả anh ta chỉ giả vờ nghiêm túc để tránh bị Sarah hỏi thêm vài câu nữa.

Tiết mục đầu tiên dừng lại hết sức đột ngột, và một tứ ca nam phóng ra giữa sân khấu. Tiếng bass inh tai bắt đầu làm rung chuyển các bức tường căng-tin – bọn này đang trình diễn “Bye bye bye” của N’Sync – và tôi thấy thương cho mấy nhà hàng xóm của Fischer Hall, trong số đó có một nhà thờ tân giáo

Bọn nhóc ném mình vào màn trình diễn. Chúng thuộc làu động tác – đến nỗi tôi cười són cả quần.

Tôi nhận thấy Jordan chẳng cười lấy một tiếng. Có vẻ như anh ta không hiểu là mấy thằng nhóc này đang đem các boyband ra làm trò hề. Anh ta đang cẩn thận chấm điểm cho bọn chúng dựa trên tính sáng tạo và khả năng thuộc lời bài hát.

Thiệt tình luôn!

Lúc liếc qua bảng điểm của mình để chấm cho phần trình dễn của bọn nhóc – tôi cho chúng chủ yếu là 5 trên 10, vì chúng không có trang phục diễn – tôi chợt phát hiện một người đàn ông cao lớn bước vào nhà ăn, tay nhét sâu trong túi quần kaki.

Ban đầu tôi cứ tưởng đấy là chủ tịch Allington. Nhưng chủ tịch chả bao giờ mặc kaki, ông ta chỉ thích – hình như tôi đã có nói điều này một lần rồi – quần tây trắng mà thôi. Người mới đến rõ là ăn mặt quá bảnh, không thể nào là ông chủ tịch.

Tuy nhiên, khi người này di chuyển vào cùng ánh sáng tràn ra từ cái máy bán Coke, tôi chợt nhận ra đấy chính là Christopher Allington, con trai ngài chủ tịch. Thế là sự nhầm lẫn của tôi đã được giải thích.

Việc Christopher ghé qua cũng chẳng có gì bất thường. Ý tôi là, tuy cậu ta có phòng riêng ở kí túc trường luật, nhưng dù gì bố mẹ cậu ta cũng đang sống trên tầng mái của Fischer Hall này. Chắc là cậu ta ghé thăm họ, rồi tạt vào căng-tin xem ở đây có gì mà ồn ào thế.

Nhưng khi Christopher di chuyển đến chỗ một nhóm sinh viên đang đứng dựa vào một bức tường ở phía xa và bắt đầu nói chuyện bình thường với chúng, tôi không ngừng tự hỏi: Thật sự Christopher đang làm gì ở đây? Cậu ta là sinh viên luật chứ đâu phải sinh viên ở khu này. Bác Pete từng kể với tôi là lúc nhà Allington mới chuyển tới từ một trường đại học ở đâu đó trên Indiana, nởi chủ tịch Allington từng làm việc, đã có một vụ suỵt-suỵt ầm ĩ về việc Christopher không đủ điểm trong kì thi LSAT để vào được New York College. Rõ ràng ông bố đã phải giật dây dữ lắm cuối cùng mới đưa được cậu ta vào.

Nhưng mà, với một bà mẹ nát rượu và một ông bố thích mặc áo ba lỗ nơi công cộng, cậu ta chắc cũng chẳng thừa hưởng được gì nhiều từ bộ gen nhà Allington, chả trách sao cần được giúp đỡ thêm chút ít.

Bỗng N’Sync kết thúc tiết mục của mình đánh uỳnh một cái, rồi một Elvis hoá thân vọt ra thử sức. Trong lúc phiên bản ’Viva Las Vegas’ đang diễn ra, vì muốn có cái gì đó khá hơn để làm, tôi bèn quan sát xem Christopher Allington hoà nhập như thế nào. Cậu ta lách qua đám đông cho đến khi yên vị trong một cái ghế phía sau một dãy con gái. Mấy đứa này đe72u là sinh viên năm nhất – chỉ cần trông vẻ vụn về rúc ra rúc rích của chúng là đoán được ngay. Chúng chưa thực sự thuộc về hệ sinh thái New York College – những bộ mặt chưa đeo khuyên đục lỗ, tóc tai chưa nhuộm và quần áo hiệu Gap đã chứng minh điều đó. Một trong số đó, dạn dĩ hơn đám còn lại một tẹo, xoay người trên ghế và bắt đầu nói chuyện với Christopher – cậu này đang rướn người lên phía trước để nghe cho rõ hơn. Đứa con gái ngồi cạnh con bé kia kiên quyết không tham gia vào cuộc đối thoại, mặt hướng về phía trước.

Nhưng nhìn là biết cô nàng vẫn đang nghe lỏm như gì.

“Elvis” kết thúc bài hát trong tiếng vỗ tay thán phục, và rồi Marnie Villa Delgado – đúng, chính cô bạn cùng phòng của Elizabeth Kellogg – bắt đầu chiếm lĩnh sân khấu. Mọi người vỗ tay cổ vũ con bé lớn hơn bình thường. Tôi cố không để cho mình nghĩ rằng cả bọn đang vỗ tay tán thưởng việc nó đã chiếm trọn được một phòng cho riêng mình trong suốt phần còn lại của học kì.

Marnie, đội một bộ tóc giả dài màu vàng và mặc một chiếc quần jeans lưng thấp, cúi chào lịch sự. Rồi con bé xổ ra một bài hát nghe hơi quen quen. Lúc đầu tôi không thể nhớ nổi. Chỉ biết đấy là một bài hát tôi không ưa cho lắm…

Và rồi tôi chợt tỉnh ra. “Sugar Rush.” Marine đang gồng mình hát đúng cái bài đã làm nên tên tuổi của tôi trong mọi gia đình…

Marnie thậm chí còn liếc tôi một cái rất gian khi con bé hát nhép đoạn: “Đừng bắt em phải kiêng khem, hãy thử giống em đi.”

Tôi mỉm cười, cố gắng không lộ vẻ khó chịu. Quay lại nhìn Christopher cũng có tác dụng. Cậu ta vẫn đang luyên thuyên với mấy đứa con gái ở hàng trên. Và rồi cuối cùng cũng thu hút được sự chú ý của đứa con gái e lệ – con bé này, tuy không xinh, nhưng khuôn mặt lại thú vị hơn đứa bạn sôi nổi kia. Con bé đã quay ngoái lại trong ghế và đang rụt rè cười với Christopher, đầu gối co lại sát ngực, tay hất hất những lọn tóc đỏ ra sau.

Trên sân khấu, Marnie đang điên cuồng lắc bộ tóc giả màu vàng – chưa kể bộ mông – theo một cung cách mà đám đông có vẻ thấy rất vui nhộn, còn tôi thì hy vọng động tác này không cố ý bắt chước cho thật giống tôi.

Đúng lúc đó, tôi chợt nhận ra – tự nhiên vậy – rằng Christopher Allington có thể là Mark.

Hoặc Todd.

Bình luận